tình ta

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ngày nhỏ, tôi vẫn thường loanh quanh dưới gốc dương liễu già. Bên cạnh là con sông nhỏ uốn mình giữa cánh đồng xanh mướt lúa khoai. Tôi ở đây để chờ một người, mà người ấy chẳng quay lại nữa.

________________

Ấy là hồi tôi 4 tuổi. Trong cái làng nhỏ của tôi đã ít con nít, tôi lại không ra ngoài nhiều, thành ra chỉ chơi với anh hai. Anh tôi hay rủ tôi đi hái trộm quả, anh nói nhà bà Bảy cuối ngõ có cây xoài lớn lắm. Nhưng chẳng giống như anh, tôi sợ bị chửi. Mẹ chúng tôi thì hiền lắm, nhưng ba thì khác. Ông hay giấu 1 cây roi mây dài dưới cái sập gỗ góc nhà. Tôi biết ông làm vậy là để tiện rút ra quất vào mông chúng tôi bất cứ lúc nào.

Mẹ tôi khen tôi thông minh từ nhỏ, mẹ cho tôi học bảng chữ cái từ cái lúc mấy đứa bằng tuổi tôi còn đang vui vẻ thả diều, bắn bi trên cánh đồng rộng ngay bờ sông. Chính vì vậy mà tôi đã biết hết mặt chữ trước cả khi bước vào tiểu học.

Thật ra tôi chẳng yêu thích việc học mấy đâu, nhưng nhờ sự nhiệt tình của mẹ và sự đáng sợ của chiếc roi bố vẫn hay cầm khi kèm tôi học bài, tôi chăm học đến lạ. Dù gì thì ngoài học thì tôi cũng chẳng thể làm gì khác, tôi không thích ra ngoài chơi như anh hai và lũ bạn, nên ở nhà thường rất chán.

Hôm ấy tôi đang ngồi lẩm bẩm từng chữ cái như thể nếu ngừng đọc tôi sẽ lăn ra ngất xỉu tại chỗ. Nhưng làm gì có chuyện ấy, tôi mà ngất là mẹ tôi sẽ hoảng lên ngay, tôi không muốn mẹ lo. Vài cơn gió nhẹ lướt trên mấy sợi tóc, tiếng ve sầu mùa nắng cứ râm ran bên tai làm tôi chẳng thể tập trung được.

- Út, út ơi!

Tôi nghe tiếng anh hai gọi, ló đầu ra cửa sổ. Tôi dòm dáng người gầy gò của anh. Nhà tôi chẳng khá giả gì nhưng vẫn được ăn uống đầy đủ, chỉ là anh tôi hay bỏ bữa đi chơi nên trông anh cao lêu nghêu mà chẳng có tí cơ thịt nào. Mặt anh lấm lem, tóc bù xù, miệng vẫn cười hì hì khi thấy tôi ngó nhìn anh. Chẳng cần nói tôi cũng biết, một là anh đi trộm quả bị chó rượt, hai là anh đi đánh nhau với lũ bạn mà anh quen ở làng bên. Chưa kịp để tôi hỏi lí do, anh nhanh nhẩu cướp lời tôi:

- Mày đi trộm quả với anh không?

- Không - Tôi cộc lốc

- Út đi với anh đi, cây chanh nhà bà Bảy có quả rồi!

Vì không ra ngoài nhiều, tôi cố lục tung kí ức để nhớ ra người vừa được đề cập đến. À bà Bảy, cái bà nhà ở cuối ngõ mà anh vẫn hay kể là có cây xoài ngọt. Tôi chẳng hứng thú ba cái trò này của anh hai. Bày ra vẻ mặt chán chường, tôi đáp:

- Anh muốn ăn thì đi một mình, rủ em làm gì?

- Anh phải cho mày trải sự đời chứ, mày suốt ngày cứ quanh quẩn trong bốn bức tường, không chán à?

Chẳng kịp để tôi đáp, anh hai đã cầm tay kéo tôi đi. Tôi chẳng buồn phản kháng, mặc kệ anh kéo. Tôi nghĩ nên nghe theo anh một lần. Dù gì thì có bị đánh cũng không phải một mình tôi, có anh hai chịu đòn cùng mà. Lúc ấy tôi không thể biết được, chuyến đi đó đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi. Nhưng nếu hỏi tôi có hối hận không thì chắc chắn là không, không bao giờ.



Khi chúng tôi qua mấy vườn mãng cầu của bác trưởng làng, tôi thấy mắt anh hai liếc qua mấy quả mãng cầu còn xanh trên cành. Tôi chắc chắn đến ngày chúng chín, bác trưởng làng sẽ thấy bóng anh tôi lấp ló gần hàng rào nhà bác. Băng qua mấy giàn đậu que, tôi thấy mấy con heo con đang kêu ụt ịt dưới những tán lá. Có con nằm phơi bụng dưới bóng râm, có con ngoe nguẩy cái đuôi xoăn tít. Tôi bất giác cười, tôi không biết làng mình còn nhiều thứ thú vị như vậy. Hèn chi anh hai tôi đi chơi miết.

Đến được nhà bà Bảy mà hai anh em chúng tôi mồ hôi đầy trán. Anh tôi cười, chỉ cho tôi cái cây lớn ẩn mình sau hàng rào nhà bà, nơi có những quả xoài chín nặng chĩu cành. Anh bảo tôi ở dưới chờ, anh sẽ leo lên ném quả xuống. Tôi cũng gật gù nghe lời anh. Anh lựa hết quả này đến quả khác. Quả thì quá bé, quả thì xanh, có quả còn có sâu. Cuối cùng chẳng hái được quả nào mà ném xuống.

Thấy anh hai loay hoay trên cây mãi khiến tôi phát bực. Tôi buồn tay cầm hòn sỏi dưới chân ném vào góc tường. Sau đó, từ trong góc tường gỗ mục nhà bà Bảy, một đám lông xù mà đen gầm gừ nhìn tôi. Liếc mắt nhìn anh tôi trên cây, anh cũng đang run rẩy, tôi biết anh sợ chẳng dám leo xuống. Tôi cũng sợ. Nó nhìn chằm chằm vào tôi, tôi cố gắng bình tĩnh lùi về sau.

"Gâu"

Nó sủa một tiếng, tôi hốt hoảng chạy tán loạn, vừa chạy vừa hét. Nhưng lạ thay, chạy chẳng được bao xa nhưng tôi không thấy nó đuổi theo tôi nữa. Từ cổng nhà bà Bảy, tôi thấy một cậu trai lớn hơn tôi một chút. Anh ta đuổi con chó lớn vào lại góc tường nơi tôi vô tình dụ nó ra. Ngẩng đầu nhìn bóng dáng lén lút của anh tôi trên cây, anh ta nói gì đó với anh hai mà xa quá tôi không nghe thấy.

Tôi chạy một mạch về nhà. Sau hôm đó tôi chẳng ra ngoài lần nào nữa, mặc cho anh tôi nài nỉ hết lời. Nhớ đến anh trai hôm trước, tôi hỏi anh tôi:

- Anh này, cái anh hôm trước ở nhà bà Bảy là ai vậy?

- À thằng cháu nhà bả ấy mà. Thằng đấy y chang mày, suốt ngày chỉ ở trong nhà, lũ tụi bay nhạt nhẽo vãi!

Chẳng quan tâm lời chê bai của anh, tôi hỏi tiếp:

- Thế anh đó tên gì?

- Kiến Thành, người ta hay gọi nó là Út Thành hay Ba Thành, vì trên nó còn có một người chị gái nữa. Chị nó xinh xắn đấy, hôm trước trộm xoài tao bắt gặp nhỏ đó. Chị em tụi nó hiền lành như nhau, chẳng mảy may quan tâm cây xoài nhà họ mất đi vài quả, thằng Thành còn bảo tao lấy nhiều một chút, nhà nó cũng không ăn hết. Thế mà bà nó dữ như quỷ, bả toàn cầm cây chổi tre bự chà bá đuổi tao đi.

- Tại anh ăn trộm mà

- Thì nhà đó cũng có ăn hết đâu!

- Anh rủ em đi trộm chanh mà, sao lại hái xoài?

- Tại tao thấy cây xoài chín sắp rụng mà có ai ăn đâu, tao tốt bụng ăn giúp mà!

Nghe anh hai phản bác, tôi chẳng biết nói gì thêm, bèn đánh trống lảng:

- Vậy anh thích chị đó hả?

- Khùng! Con nhỏ đó xinh nhưng không phải gu tao, tao thích con nhỏ Lành ở làng bên cơ!

Tôi không quan tâm, tôi còn không biết mặt mũi cái chị Lành làng bên trông như nào. Anh tôi thấy tôi không đáp liền hỏi ngược lại tôi:

- Thế mày hỏi chuyện thằng Thành làm gì?

Tôi cứng họng, không biết nên trả lời như thế nào. Sau hôm ấy tôi luôn thắc mắc về anh trai đó. Cảm giác tò mò xâm chiếm tâm trí tôi mấy ngày liền.

- Thì tại hôm đó ảnh giúp em, nếu không có ảnh chắc em đã bị con chó đó xin một miếng thịt rồi.

Thấy tôi nói cũng hợp lí, anh tôi gật gù quay đi. Tôi định hỏi anh lần sau có thể cho tôi đi cùng được không, nhưng rồi lại thôi.


Bữa ấy trời nắng to, làng tôi ban trưa nóng như đổ lửa, mặt trời cứ lủng lẳng trên đỉnh đầu. Sau khi ngồi nhét hết mấy phép cộng trừ cơ bản mẹ vừa dạy vào đầu, tôi trốn khỏi nhà lúc 1 giờ chiều. Không biết động lực nào khiến tôi chạy vội vàng vậy, do trời nắng chăng? Tôi lướt qua mà chẳng thèm ngó nhìn vườn mãng cầu hay mấy con heo mà hôm nay đã không còn phơi bụng dưới giàn đậu que.

Đứng trước hàng rào nhà bà Bảy, tôi bỗng chốc tự hỏi về lí do tại sao mình ở đây. Trong lòng tôi có một sự hiếu kì nhất định với anh Ba Thành, một người mà tôi thậm chí còn chưa kịp nhìn rõ mặt.

- Này!

Tôi giật mình quay lại sau lưng, nơi phát ra giọng nói kia. Bây giờ tôi mới có thể nhìn rõ anh. Người trước mặt cao hơn tôi một chút. Người hơi mũm mĩm, tôi thấy rõ hai cái má phính ấy khi anh đang chăm chú nhìn tôi. Da anh trắng như da con gái vậy, đúng thật là chẳng bao giờ ra ngoài. Ơ cũng không đúng, tôi cũng hiếm khi ra ngoài kia mà. Thứ khiến tôi chú ý là mái tóc của anh, tôi suýt bật cười, sao anh ta có thể để kiểu tóc đó vậy trời. Tôi dám chắc bà Bảy đã úp cái tô lớn lên đầu anh ta rồi cắt theo.

Thấy vẻ mặt của tôi, anh cau mày:

- Nhóc là ai? Đến trộm xoài nữa hả?

Tôi chối:

- Không, em đến gặp anh.

Anh Thành nhìn tôi, mắt chớp chớp

- Tìm anh làm gì?

Tôi ấp úng, chợt nhớ đến lí do mình từng nói với anh hai

-Em đến cảm ơn anh! Hôm trước em bị chó nhà anh đuổi, may mà...

- A anh nhớ rồi! Em là thằng nhóc đi cùng anh Sơn hôm bữa đúng không? Sau khi dụ con chó vô nhà anh thấy ảnh ngồi run rẩy trên cây trông ngộ lắm! Anh chưa kịp nhìn mặt đã thấy nhóc chạy đi rồi.

Anh Thành ngắt lời tôi, nói xong còn cười hì hì. Còn tôi thì ngập ngừng xấu hổ. Thế quái nào người ta lại nhớ đến tôi với cái danh đi trộm xoài còn bị chó rượt nữa chứ. Dù đó là sự thật vẫn khiến tôi đỏ ran cả mặt. Dường như nhận ra sự lúng túng của tôi, anh hỏi tiếp:

- Thế nhóc tên gì, người làng này luôn hả?

- Dạ em là Thánh, Bảo Thánh! Em anh Sơn ạ.

- Được rồi, nhóc Bảo, có muốn đi chơi với anh không?

Nghe anh nói, tôi hớn hở. Tôi thậm chí quên mất hỏi anh tại sao anh lại gọi tên đệm của mình.

Anh đưa tôi ra con sông gần ruộng lúa. Con sông làng tôi dưới cái nắng chói chang của mùa hạ ánh lên như dải lụa bạc trên nền cỏ xanh. Ngay bờ sông là cây dương liễu già với tán lá xuề xòa. Cái cây ấy là linh hồn của làng tôi, chẳng ai biết nó ở đó bao lâu rồi nhưng nó vẫn luôn được người dân trong làng chăm sóc cẩn thận. Thân cây to cao xù xì đã qua bao cơn bão lớn, từng tầng lá um tùm rủ xuống tạo thành một bóng râm hoàn hảo giữa thời tiết oi bức hiện tại.

Ngồi dưới gốc cây, anh bảo tôi anh hay ra đây hóng gió rồi ngắm nhìn dòng sông. Nghe thì lãng mạn đấy. Nhưng tôi chỉ muốn chửi vào mặt rồi hỏi anh có ấm đầu không mà đưa tôi ra hóng gió giữa trưa hè như này. Nắng chiếu làm mắt tôi nhắm tịt, chả hiểu sao người kia có thể ngồi lâu vậy được.

- Nhóc mấy tuổi rồi?

- Bốn ạ

- Nhóc thích ăn xoài hả?

Anh tủm tỉm nhìn tôi, khóe mi hơi cong.

- Không! Em chỉ đi cùng anh Sơn thôi, ảnh nói nhà anh còn có chanh nữa

- Vậy là nhóc định trộm cả chanh nhà anh hả?

Tôi im thin thít, không thể phủ nhận những gì anh vừa nói. Tôi muốn làm bạn với anh trai này, cảm thấy có điểm gì đó tương đồng giữa chúng tôi. Ấy vậy mà sau một hồi nói chuyện lại toàn để lại ấn tượng xấu.

Như chẳng thấy vẻ mặt tội lỗi của tôi, anh trực tiếp dùng lời nói đâm một nhát nữa vào lòng tôi:

- Anh ghét mấy đứa ăn trộm lắm nhé! Tại anh Sơn lớn hơn anh và cây xoài cũng chẳng mấy ai ăn nên anh mới coi như cho thôi.

Tôi chính thức lạc mất kỹ năng nói, ấp úng vài câu chẳng rõ nghĩa

Anh thấy tôi im lặng vội chuyển đề tài:

- Bà anh kể là thằng bé em anh Sơn thông minh lắm, có đúng không?

- Cũng không hẳn ạ, mẹ em dạy em học sớm.

Cuối cùng tôi cũng lấy lại được bình tĩnh, trả lời anh một câu hoàn chỉnh.

- Vậy nhóc biết đọc chữ chưa?

-Rồi ạ! Em còn biết tính cộng trừ cơ!

Tôi vui vẻ reo lên, tìm được đúng chủ đề, lại còn tiện thể "khoe mẽ" với anh một chút. Anh lại hỏi tôi:

- Vậy 8+5 bằng bao nhiêu?

Ngay lập tức, tôi trở về tình trạng của bản thân 5 phút trước, cổ họng chỉ phát ra vài câu: "Ờ... ờm...". Chết rồi cái này mẹ chưa dạy.

Anh cười khoái chí, nói tiếp:

- Vậy là em nói xạo rồi!

Chẳng kịp để tôi cãi lại, anh giảng giải:

- Nghe nè, 8+5=12, nhớ chưa?

- Nhớ rồi ạ!



Sau hôm ấy chiều nào tôi cũng cùng anh ra bờ sông rồi cùng anh nói chuyện dưới gốc cây dương liễu già. Anh kể cho tôi rất nhiều chuyện. Nào là nàng Tấm chăm chỉ, hiền lành dù bị hãm hại vẫn có cái kết viên mãn bên hoàng tử. Nào là câu chuyện tình yêu bi thương của Ngưu Lang và Chức Nữ. Anh bảo với tôi anh ước cuộc sống sau này của mình cũng được như truyện cổ tích vậy. Dưới bóng râm cây dương liễu, người ta vẫn hay thấy hai đứa trẻ. Đứa mải kể, đứa lại mải nghe, thi thoảng lại xen lẫn vài tiếng cười nói vui đùa.

Nhưng đương nhiên chuyện đứa con trai út chăm ngoan bỗng nhiên bỏ đi chơi nhiều hơn cả anh cả khiến ba mẹ tôi không vui vẻ chút nào. Tần suất bố cầm roi mây đứng cạnh tôi càng nhiều hơn. Tôi cảm tưởng chỉ cần lơ là một chút là cái roi ấy đã ở ngay trên mông tôi rồi.

Cái ngày tôi đến gặp anh với bộ mặt thê thảm. Tôi thấy anh cũng chẳng khá hơn, anh nhìn tôi với nét ủ rũ trên đôi mắt.

- Anh bị bà đánh hả?

- Ừ. Nhóc bị ba đánh hả?

- Dạ - Tôi rầu rĩ tay vẫn xoa xoa hai cánh mông sưng lên vì trận đòn roi của ba.

Chúng tôi không hẹn mà thở dài, ngồi an ủi nhau từng câu một. Chúng tôi thậm chí còn so sánh cây roi của bố tôi với cái chổi của bà anh.


Năm sáu tuổi, tôi vào tiểu học, tôi vui không tả được, vậy là tôi có thể học cùng trường với anh, tôi sẽ được cùng anh đi học mỗi ngày. Làng tôi bé tí, lại còn ít con nít, nên chúng tôi phải sang trường làng bên học. Nhà anh cuối ngõ nên việc đi lại chẳng dễ dàng gì. Có lần tôi dậy sớm đến đón anh. Ấy thế mà chào đón tôi chỉ là vẻ mặt cau có của bà Bảy. Bà bảo anh đi trước tôi lâu rồi.

Cứ như vậy, tôi chẳng có cơ hội đi học cùng anh, dù có đi sớm đến đâu tôi cũng không thể theo kịp anh. Nhưng không có nghĩa những vụ "hẹn hò" bí mật ở gốc dương liễu của chúng tôi bị hoãn lại. Tôi và anh vẫn thường ra bờ sông mỗi buổi chiều. Hai chúng tôi bày ra đủ thứ trò. Từ gấp thuyền lá thả trôi trên sông đến chạy không biết trời đất trên cánh đồng lúa chín vàng gần đó để rồi bị ăn chửi vì người dính đầy dặm lúa. Tôi nhận ra mùa hè không buồn chán như tôi vẫn thường nghĩ.

Kinh điển nhất có thể kể là lần anh chôm được cái nồi cũ của bà. Anh đem theo cả mấy khúc củi vụn ra bờ sông. Dòm đống "đồ nghề" của anh, tôi thắc mắc:

- Anh đem mấy cái này ra đây làm gì?

- Để nấu ăn đó!

- Nhưng em làm gì biết nấu

- Anh có bảo nhóc nấu đâu, anh sẽ nấu cho nhóc!

- Anh biết nấu à?

- Không, toàn chị hai nấu cho thôi.

Nồi "canh" hôm ấy của chúng tôi trông chả khác gì bát canh độc của mấy mụ phù thủy trong câu chuyện anh hay kể. Mấy nắm rau bợ, cỏ lác và cả mấy loại cây tôi không biết tên. Nước trong canh cũng là nước sông, sông làng tôi trông có vẻ sạch lắm, nhưng ai mà biết người ta có vô tình đổ chất thải vật nuôi nhà họ xuống không. Cầm hộp diêm cũ anh đưa trên tay, tôi loay hoay mãi mà chẳng thể đốt được cái khỉ gì, lại còn làm khói mù mịt. Cuối cùng, tôi và anh ngậm ngùi đồng tình với nhau là cái thứ trong nồi ấy không thể cho vào miệng được.

Tôi vẫn nhớ cái tuần đầu tiên đi học. Tôi đã rất tự tin vì đã được mẹ "trang bị" đầy đủ kiến thức hơn tụi nhóc cùng lớp. Tuy nhiên, như người ta vẫn thường nói , đời chẳng như là mơ. Bữa đó tôi bị phạt nhảy cóc mấy vòng chỉ vì cố chấp với thầy giáo rằng 5+8=12.

Những năm tháng ấy của tôi vui biết bao, tôi từ đứa con ngoan của cha mẹ thành đứa trẻ suốt ngày rong chơi cùng thằng nhóc cuối ngõ. Bố mẹ tôi cản dữ lắm, họ nói chơi với anh sẽ hư người mất. Trái với suy nghĩ của người lớn, tôi lại thấy anh rất tốt, anh hay trêu tôi nhưng cũng rất quan tâm tôi. Dù không biết nấu ăn nhưng anh từng khâu áo cho tôi. Những lúc như vậy anh dịu dàng và ân cần như thế nào ba mẹ tôi đâu có thấy.

Thậm chí tôi còn nghĩ nếu anh là con gái thì lớn lên tôi sẽ cưới anh làm vợ. Vì mẹ tôi bảo con trai chỉ được cưới con gái thôi. Sau này nghĩ lại, tôi vẫn tự hỏi liệu lúc ấy tôi đã rung động với anh chưa.



Và hạnh phúc thì thường nhanh đến mà cũng nhanh đi. Anh lên cấp hai năm tôi tám tuổi. Sau đó chẳng mấy khi anh rủ tôi ra bờ sông, ngồi ca hát dưới gốc dương liễu nữa. Thỉnh thoảng, tôi bắt gặp anh đi cùng đám bạn mới, tôi lại bẽn lẽn chẳng dám ra bắt chuyện.

Tôi để ý, dạo này anh cao hơn rồi, đứng gần anh chắc tôi chỉ đến hông thôi mất, mặt cũng nổi vài mụn trứng cá. Tôi hỏi anh hai thì ảnh bảo đó là vì anh Thành dậy thì rồi. Điều khiến tôi không thích chắc chắn là giọng nói. Chẳng còn giọng nói êm dịu pha chút tinh nghịch nữa, giọng anh cứ trầm trầm khàn khàn. Đối với tôi nó chẳng dễ nghe chút nào.

Theo thời gian, giữa hai chúng tôi vô tình có một khoảng cách nhất định, gốc cây lâu năm bên bờ sông dần thiếu vắng hình bóng hai đứa trẻ.



Năm mười lăm, tôi đỗ một trường ở huyện, thành ra phải lên huyện ở trọ nhà họ hàng xa. Bố mẹ tôi tự hào lắm, còn tôi lại chẳng muốn bỏ lại anh ở làng. Dường như ông trời nghe được mong muốn của tôi, anh đỗ đại học rồi lên thành phố học.

Tôi nhớ như in cái ngày tôi ra bờ sông quen thuộc và thấy bóng hình người anh cuối ngõ. Anh ngạc nhiên nhìn tôi như gặp được ma. Tôi lặng lẽ ngồi xuống cạnh anh mặc kệ sự ẩm ướt của mặt đất sau đêm mưa. Chúng tôi ngồi im lặng suốt một khoảng thời gian, chẳng ai nói với ai câu nào. Tôi chúa ghét cái cảm giác bí bách này, nhưng trách ai khi chính bản thân mình còn chẳng dám mở lời. Tưởng chừng sự im lặng sẽ kéo dài mãi cho đến khi bên tai tôi vang lên tiếng anh

- Nhóc lớn hơn rồi nhỉ?

- Dạ

Tôi mừng rỡ reo lên như nhặt được vàng. Anh nói đúng, tôi cũng đã dậy thì, giờ tôi chỉ thấp hơn anh chừng nửa gang tay.

Những phút tiếp theo, khoảng im lặng kia tiếp tục lặp lại. Nhưng rồi vẫn bị phá vỡ và lần này người lên tiếng là tôi:

- Anh Thành này, bao giờ anh lên thành phố?

Anh chẳng thèm liếc mắt đến tôi một cái, nhẹ nhàng đáp:

- Chừng dăm bữa nữa

- Anh có thường xuyên về không?

- Chắc anh định không về luôn.

Anh vẫn bình tĩnh đến lạ, trong khi tôi đã tròn mắt nhìn anh chằm chằm.

- Thế bà Bảy thì sao ạ? Bà già lắm rồi anh.

- Anh còn có chị hai mà.

- Nhưng mà...

- Nhóc sẽ nhớ anh chứ?

Lại nữa rồi, anh toàn ngắt lời tôi. Tôi cau có trả lời anh:

- Nhớ, nhớ chứ, sao anh nói đi là đi vậy được?

Anh mỉm cười, nhưng vẫn chẳng nhìn tôi, sự chú ý của anh hướng về con sông làng sáng lên dưới ánh hoàng hôn.

- Anh đi học, cũng kiếm tiền luôn. Anh sẽ không làm khổ chị hai nữa.

- Nhưng anh à...

Tôi cảm nhận được hơi ấm từ lòng bàn tay đăng đặt trên đầu tôi. Anh xoa nhẹ mái tóc tôi rồi nhìn tôi cười tươi. Bao năm rồi tôi mới thấy nụ cười này nhỉ? Tôi không nhớ, nhưng tôi chắc chắn lúc ấy anh đã làm thằng nhóc mười lăm tuổi này rơi vào lưới tình trong một khoảnh khắc.

Anh đứng dậy quay lưng đi. Tôi muốn níu vạt áo anh lại nhưng chân như neo vào cỏ. Chỉ khi anh đi được vài bước, hương lúa chín phảng phất trong gió xông thẳng vào khoang mũi như đánh thức tôi. Vội vàng đứng dậy, tôi gọi theo:

- Anh ơi!

Quay người lại nhìn tôi, khóe mắt anh hơi đỏ. Anh dùng một tay lau đi vài giọt lệ sắp rơi, miệng vẫn hỏi tôi:

- Sao?

- Mấy năm nữa em lên đó tìm anh nhé? Đến lúc ấy, anh không được đi đâu nữa đấy!

Anh bật cười, giọng run run trả lời tôi:

- Ừ, hứa nhé?

- Vâng!

Lời hứa ngây thơ dưới gốc cây dương liễu được hình thành từ giờ phút ấy. Anh bảo tôi vài ngày sau anh đi mà chẳng nói cụ thể. Ngày anh đi chẳng nói một lời, biến mất như chưa từng tồn tại, tôi khi biết tin lại quá muộn. Anh rời làng, rời nơi đầy ắp kỉ niệm tuổi thơ của hai chúng tôi.



Những ngày thiếu vắng anh là những ngày buồn tẻ nhất đời tôi. Tôi vẫn nhớ nụ cười tỏa nắng hôm ấy. Tôi thắc mắc liệu cảm giác khác lạ khi ấy có phải là "thích" mà người ta thường nói không. Đối với người lớn, cái tuổi của tôi là tuổi bồng bột, nhạy cảm và dễ rung động. Nhưng những suy nghĩ về anh cứ loanh quanh trong đầu tôi. Nhưng rồi rất nhanh chóng, tôi chối bỏ cái cảm xúc ấy, vì anh là con trai kia mà. Bà Dân hàng xóm vẫn luôn nói việc thích người cùng giới là bị bệnh, rất khó chữa. Tôi không muốn mẹ biết tôi bị bệnh, tôi phải tự chữa.

Nhưng quyết tâm của tôi chẳng được bao lâu. Tôi không ngăn được bản thân nhớ về anh mỗi khi ngắm hoàng hôn bên gốc cây già. Tôi cũng hình thành thói quen la cà ở quán chè nhỏ do chị anh mở để hỏi tin tức về anh. Nhưng lần nào cũng vậy, chị chỉ nói anh chẳng liên lạc lần nào kể từ khi đi.

Tôi không trách chị. Anh nói là làm, anh đi biệt tăm, chẳng về nữa. Suốt 3 năm trời tôi trông ngóng, lần duy nhất anh về là dự tang bà mình. Nhưng lần ấy tôi chỉ kịp nhìn bóng dáng anh khuất sau đám đông. Anh lại đi ngay trong đêm, chẳng để tôi gặp mặt một lần.

Tôi nhớ anh.

Nhớ ánh mắt, nhớ nụ cười như nắng ban mai. Tôi chẳng biết ở nơi phố thị hoa lệ anh có nhớ tôi không. Nhưng ở cái làng nhỏ này, vẫn có một người biến nỗi tương tư thành động lực học tập, cố gắng từng ngày một để đến gặp anh đấy, anh

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net