Chương ba: Biến cố

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lớp học hôm nay tan sớm hơn mọi ngày. Trưởng tràng trình lí do nhà có việc, xin thầy cho mình về trước đám học trò. Thằng Bách được anh lớn cắt lượt ở lại quét dọn và rửa nghiên mực, nghiên son đã làm đâu ra đấy. Đến cả cu Khán ngày thường bị phạt, phải ngồi nhẩm bài cũ bài mới đến tối mới xong nay cũng được tan cùng chúng bạn. Chỉ còn lại mình Thanh. Vắng hơi người, mấy gian nhà im bặt. Tiếng láng giềng giục con cái vét chĩnh gạo thổi niêu cơm độn khoai đưa sang, như muốn nhắc y rằng một ngày lại qua rồi đấy.

Từ ngày về sống ở làng này, Thanh mới nhận ra một ngày của dân lao động ngắn chẳng tày gang, tất cả trôi qua trong nếp sống vội vàng. Sớm tinh mơ, gà còn chưa dứt tiếng gáy, nhà nào nhà nấy đã lục đục chuẩn bị cho chuyện đồng áng hay chạy chợ xa. Cả buổi làm lụng vất vả chỉ mong đến chiều về, vừa về đã phải bắt tay vào nấu nướng, và vội miếng cơm rồi ngả lưng, chợp mắt chờ trời sáng. Những ngày tháng nhọc nhằn như thế nối tiếp nhau thành kiếp người khốn khổ, những kiếp người khốn khổ lại nối tiếp nhau thành một vòng tròn quẩn quanh. So với họ, Thanh tự thấy mình nhàn nhã lắm. Lớp học đã có trưởng tràng lo, anh lớn dạy em nhỏ nên mãi khi mặt trời chiếu vào hiên nhà, y mới thong thả rời giường, bắt đầu một ngày mới. Cả buổi chỉ phải làm một việc là giảng cho đám trẻ những câu khó mà mấy đứa lớn không sao cắt nghĩa được, rồi ngồi chấm tập quyển, bài nào khá thì thưởng một nét son, trò nào tệ thì hỏi ra nhẽ và bắt nhẩm lại bằng thuộc. Tối đến, học trò về cả rồi, chẳng còn việc gì làm, y đành dạo mát đó đây, đói bụng thì làm bát phở gánh, bát cháo gánh cho xong chuyện. Y cứ thế, cứ đủng đỉnh và một thân một mình, dường như chẳng biết vội vàng làm gì, cô đơn là chi.

Nhưng rồi nếp sống nhàn nhã như tiên trên trời ấy cũng bị xáo trộn bởi sự xuất hiện của một người. Có người luôn nhận ra sự hiện diện mờ nhạt của y trong đám đông. Có người hồ hởi mời y thưởng thức những món ăn dân dã, bình dị. Có người nửa đêm gõ cửa, tỉ tê bên tai y những chuyện không đâu. Có người mang đến cho y hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Nhờ kẻ ấy, y mới vỡ lẽ ra cô đơn là gì, và y đã quen với nó từ lúc nào không hay. Cũng nhờ có sự xuất hiện của kẻ ấy, phần đời phàm tục của y không còn buồn tẻ như xưa nữa.

Người ấy không phải ai xa lạ, mà là cậu trai tên Hạo sống trong ngôi nhà vách đất ở cạnh bên.

Trong lúc tâm trí Thanh đeo đuổi bao ý nghĩ vẩn vơ, chiều đã buông từ khi nào không biết. Có người sống trong căn nhà lá dựng ở bờ ngòi tạt qua, bảo rằng gã kéo vó được đầy hai giỏ nên chọn ra hai con cá to nhất, ngon nhất mang sang biếu thầy dạy con mình. Thanh không phải kiểu người khách sáo. Y không chối từ, hoặc vờ đây đẩy những thứ bày ra trước mắt mình. Từ cút rượu, bao chè đến đấu gạo, nải chuối, miễn là người ta cho, y đều nhận. Ngắm con cá quẫy đạp trong cái chậu đặt ngoài sân, y đâm ra mừng thầm vì bỗng có cớ gần gũi cậu trai láng giềng. Hai tiếng gần gũi chợt nảy trong óc y, tự nhiên đến độ y không thèm hỏi mình tại sao lại thế. Y chỉ biết lúc này đây, giữa mấy gian nhà rộng thênh thang lợp ngói đỏ, lòng y cũng vời vợi nỗi nhớ nhung một người. Âm ỉ thôi, nhưng cồn cào và da diết.

Ấm trà Thanh pha sẵn đã nguội ngắt từ lâu. Sương chiều hay khói bếp nhà ai giăng đầy tầm mắt. Trên nền trời nhờ nhờ, trăng bắt đầu nhú, trong leo lẻo, mỏng mảnh và thanh sạch. Nay Hạo về muộn quá. Thầy đồ nọ đứng ở cổng, dõi mắt về phía xa, buột thốt một tiếng thở dài rồi lần về trần thế, nơi vang lên tiếng bước chân quen thuộc. Y nhìn thấy cậu trai mình mong. Môi cậu cười như nụ sen bừng nở, ánh mắt cậu tựa sóng xuân dạt dào. Đây là lần đầu tiên y thấy cậu tươi tỉnh như thế kể từ khi Cúc về nhà chồng.

"Nay có chuyện gì vui sao?" Cầm lòng chẳng đặng, trên đường vào nhà, y đành lên tiếng trước.

"Vâng." Cậu đón lấy chén trà từ tay y, môi vẫn chưa thôi cười. "Có lẽ... tôi tìm thấy người ấy rồi."

Y lại hỏi: "Người ấy là ai?"

Dưới ánh chiều nhập nhoạng, nét duyên của cậu trai đôi chín càng làm lòng người xuyến xao. "Người ấy là người mà tôi luôn kiếm tìm. Một người có thể coi là tri kỉ, chịu lắng nghe mọi lời tôi nói, hiểu tôi, giống tôi, quan trọng nhất là chấp nhận những điều nơi tôi mà kẻ khác cho là gàn dở."

Chỉ trong chốc lát ấy thôi, y bỗng thấy lòng mình bâng khuâng đến lạ. Tri kỉ ư? Một người chịu lắng nghe mọi lời cậu nói, hiểu cậu, giống cậu, chấp nhận những điều nơi cậu mà kẻ khác cho là gàn dở? Người ấy... không phải là y sao? Hay là cậu vẫn chưa hoàn toàn mở lòng với mình? Hay là cậu vẫn còn những bí mật chưa thể giãi bày? Người ấy thì khác gì y chứ? Hay là...

Người trong lòng cậu?

Thanh lờ mờ nhận ra mình đã đổi khác, nhưng những ý nghĩ, những rung cảm ấy chỉ lướt qua cõi lòng y trong thoáng chốc mà thôi. Chớp mắt một cái, y lại trở về là thầy Thanh thờ ơ với tất cả của thường ngày. Y nhấp một ngụm trà, hỏi như chẳng hề để tâm: "Vậy người ấy là ai, là con gái nhà nào?"

"Không phải, thầy nhầm rồi. Tôi... Chuyện này không giống điều thầy đang nghĩ đâu." Giọng cậu bỗng dưng chùng xuống. "Đợi đến lúc thích hợp, tôi sẽ kể thầy nghe."

Cậu chưa muốn nói, y cũng không vội. Y không phải người hay tò mò về chuyện riêng của người khác, dẫu cậu trai này là ngoại lệ nhưng cũng không đến mức y phải hỏi vặn làm người ta khó xử. Y tin sớm muộn gì chuyện này cũng đến tai mình.

Và rồi ngày ấy cũng đến.

Thanh còn nhớ hôm ấy là một ngày cuối thu, dẫu vậy, trời trút nước xuống, ồ ạt và xối xả như những trận mưa rào của mùa hè đỏ lửa. Đến chiều thì mưa tạnh, mặt đất ngập những bùn, rác rưởi và lá mục. Đang mải cắt nghĩa một câu thơ cổ cho thằng cu Khán học hành vào hạng đuối nhất lớp, Thanh phải dừng lại vì nghe thấy tiếng xôn xao từ ngoài cổng vọng vào, lắng tai nghe kĩ, y còn nhận ra cả tiếng gào khóc của bà cụ ở nhà bên truyền sang. Một thằng nhóc đầu chốc mới lên mười xộc đến chỗ Thanh, tay vẫn cầm cái chổi vừa quét sàn sạt trên nền gạch ướt nước, hối hả báo tin cho thầy: "Nhà bên có chuyện gì mà con thấy người ta bu đầy ở cổng, thầy ạ."

Không còn bụng dạ để giảng giải nốt mấy chữ cuối, Thanh cho hai đứa học trò về nhà, bỏ cả bài vở và mảnh sân ngổn ngang những bùn, những lá. Y chạy vội sang nhà cậu trai láng giềng. Thấy người làng vây kín cổng nhà cậu, biết có chuyện chẳng lành, y bèn hỏi một người đàn bà đứng gần đấy: "Có chuyện gì vậy?"

Bỗng dưng có người gọi mình, người đàn bà nọ đâm ra lúng túng như gà mắc tóc, mãi chẳng nói được tròn câu: "Thầy... thầy Thanh."

"Có chuyện gì vậy?" Y vẫn kiên nhẫn hỏi lại dù lòng chộn rộn không yên.

Lúc bấy giờ người đàn bà nọ mới trả lời câu hỏi của y, dường như chính thị cũng chẳng tin vào lời mình nói: "Cậu Hạo... lang chạ với cậu hai nhà ông bá Khường rồi bị... bà cả bắt tận giường."

Lang chạ? Với cậu hai nhà bá Khường?

"Là cậu hai... hay cô hai?" Y hỏi lại, rõ là không tin vào những lời mà tai mình nghe thấy.

"Là cậu hai, ông bá chỉ có ba người con trai thôi. Chính là cái cậu đã gần ba mươi nhưng mãi chưa chịu lấy vợ, cũng chẳng có mụn con nào." Biết người trước mặt không tin, thị nhắc lại bằng giọng quả quyết, không quên góp thêm đôi lời: "Nghe bảo... cậu Hạo dụ dỗ cậu hai nên mới bị bà cả nọc cổ đánh một trận. Tuần phu khiêng cậu ấy về rồi nhưng vụ này chưa yên đâu, vì... bà cả giận lắm, mà bà cả là người nhà lý Cự. Phen này cậu Hạo nếm đủ với bên ấy."

Thanh sững sờ. Rồi chẳng nói chẳng rằng, y cứ len qua đám đông mà đi thẳng vào nhà. Trời nhá nhem tối, trong gian nhà chật chội không có lấy một ánh đèn dầu, nhìn qua chỉ thấy vài thanh niên trai tráng khiêng Hạo về vẫn còn đứng đó, bà cụ Thi trên chiếc giường ọp ẹp và Hạo nằm bẹp dí trên chõng tre. Hỏi ra mới biết bà Thi ngất vì không tin nổi chuyện con mình, Hạo cũng đã mê man vì vết thương trên lưng. Cúc đi lấy chồng, hai mẹ con nọ đều đã mất ý thức, thế là chuyện nhà này rơi cả xuống vai y. Y ngẫm một hồi rồi quyết định.

"Hai cậu đỡ Hạo sang nhà tôi. Cậu đi gọi thầy lang. Còn cậu thì ra đầu làng mua hộ tôi vài bát phở gánh, nếu không có thì cháo gánh cũng được."

Bỗng dưng bị chỉ mặt điểm tên, mấy gã tuần phu ngơ ngác, người này nhìn nhìn người kia, chẳng biết nên làm gì.

"Nhưng thầy ạ, việc này bà lớn có dặn chúng tôi..."

Nhưng thầy đồ nọ chẳng cho họ cơ hội từ chối. Y bảo: "Mỗi người một việc, nhanh lên. Tôi sẽ thưa chuyện với bà cả, với cụ lý sau, còn những người khác thì về đi."

Lời người dạy chữ so với đám dân đen vẫn có uy. Nửa vì cả nể, nửa vì coi trọng người trước mặt bằng thật, mấy gã tuần phu không dám đứng đó đôi co nữa mà lập tức làm theo. Đám đông trước cổng nhà tản dần, ai về nhà nấy lo toan việc riêng, bởi người ta sống ở đời hay hóng chuyện nhưng động tí là thụt lại vì sợ lôi thôi. Suy cho cùng, chuyện lạ đến đâu vẫn là chuyện thiên hạ, chẳng thể nào bằng nhà mình. Chỉ còn thầy Thanh ở lại, lo liệu tất cả.

Đêm đen bao trùm vạn vật, che đậy cả những khát khao thầm kín, những góc tối trong sâu thẳm con người. Lại là một đêm không trăng. Cửa nhà mở toang, không khí sau trận mưa hồi sáng tươi mới và mát mẻ, ấy vậy mà buồng phổi lại ngột ngạt lạ lùng.

Thầy Thanh bận bịu cả buổi tối. Hết sang nhà Hạo để trông chừng bà cụ rồi lại về nhà mình xem cậu đã tỉnh chưa, y chẳng có thời gian ngồi thưởng thức bát phở gánh mà gã tuần phu nọ mua về, cũng chẳng còn bụng dạ nào để ăn. Sức khoẻ bà Thi không tốt, lại thêm chuyện tày trời của con mình nên cứ mê man mãi chưa tỉnh. Hạo cũng nằm đó, áo quần rách bươm chưa thay ra, dính cả vào máu thịt nơi vết thương hở trên người. Y đặt bát phở đã nguội trên bàn, lẳng lặng nhìn cậu trai hãy còn mê man.

Cậu là một người kì lạ, một kẻ khác người, một người luôn mang cho y hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Lần này cũng vậy.

Trong con mắt của thầy Thanh, Hạo khác với tất cả những người y từng gặp. Cậu đẹp, một nét đẹp có thể coi là nữ tính. Vóc dáng cậu không cao lớn, thấp hơn y một cái đầu. Da dẻ như tấm lụa trắng trong tay người thợ lành nghề, chẳng hề suy suyển dù ngày ngày dãi nắng dầm mưa. Nhưng đẹp nhất vẫn là đôi mắt như ao sen đương độ thu sang, êm đềm, trong vắt, dường như thấy được cả lớp cặn lâu ngày lắng lại dưới đáy, dường như có thể thông tỏ bản chất của vạn vật trên cõi đời này. Lần đầu gặp cậu, y đã nghĩ nét đẹp ấy nếu ban cho một người đàn bà thì đó là phúc, còn nếu ở trên thân đàn ông, thì phúc lại thành hoạ. Chẳng ngờ, hoạ đến quá nhanh.

Hạo khác với tất cả những người Thanh từng gặp, cũng chẳng giống bất cứ người đàn ông nào trên cõi đời này. Thích bếp núc, đa sầu đa cảm, và thích đàn ông. Đàn ông thích đàn ông, nằm dưới thân đàn ông, nghe cứ như chuyện tầm phào của những kẻ ngồi lê đôi mách, bịa ra để đổi lại đôi ba tiếng cười. Vậy mà nó lại là thật, còn xuất hiện trên người cậu trai mà y để tâm, còn là ngọn nguồn của nỗi cô đơn nơi đáy lòng cậu.

Đương lúc y mải mê với những ý nghĩ vẩn vơ, tiếng rên rỉ của cậu trai nằm trên giường vang lên khe khẽ, kéo y trở về thực tại. Dường như cậu đã tỉnh, khẽ nhúc nhích thân mình nên động tới vết thương trên lưng và mông. Y cúi đầu, hỏi: "Cậu tỉnh rồi ư?"

Hạo cố mở to đôi mắt nhập nhèm, ngơ ngác như người từ cõi mộng trở về với hiện thực tàn khốc.

"Đây là... đâu?"

"Nhà tôi. Đêm nay cậu cứ nghỉ ngơi ở đây, mai bình tĩnh hơn rồi hãy về." Thanh đáp. "Chắc cậu cũng đói rồi, gượng dậy ăn tạm bát phở này đi."

Giọng y ân cần là thế, khác hẳn thường ngày nhưng cậu nào để tâm. Cậu còn chẳng thèm chú ý đến áo quần rách bươm, dính cả vào máu thịt nơi vết thương hở trên người, bởi nỗi ê chề trước cảnh bẽ bàng đã chiếm trọn tâm trí.

"Mẹ tôi đâu? Mọi người biết cả rồi ư?"

"Phải. Mẹ cậu chưa tỉnh, tôi đã mời thầy lang xem qua tình hình của bà ấy rồi, không có gì đáng ngại." Y bưng bát phở đã nguội, vẫn kiên nhẫn nói tiếp. "Cậu muốn làm gì trước? Ăn phở lót dạ, thay áo quần để tôi thoa thuốc hay mời thầy lang sang khám cho?"

Cậu cúi đầu, miệng lầm bầm: "Để tôi yên."

"Hả?"

"Làm ơn để tôi lại một mình. Thầy ra ngoài đi."

Đây là lần đầu tiên thầy Thanh bị người ta đuổi khỏi nhà của chính mình. Y bưng bát phở đã nguội, đứng ngay bên cánh cửa khép hờ. Tiếng khóc rấm rứt từ trong nhà vọng ra, hoà vào đêm đen tĩnh mịch, khuấy động cõi lòng vốn yên ả của thầy đồ.

Thôi thì chiều cậu ấy vậy. Thanh ngồi trên chõng tre đặt chỗ hiên nhà, ngẩng đầu nhìn màn trời đen đặc mà nghĩ thế. Nếu là người khác, y sẽ không ngần ngại bỏ đi luôn, chẳng phải nấn ná ở lại để rước bực vào mình. Nếu là người khác, y sẽ chỉ nghe tai này rồi ra tai kia, buồn đau, khổ sở kệ xác kẻ đấy.

Nhưng đây lại là Hạo. Là cậu trai đã hồ hởi mời y thưởng thức những món ăn dân dã, bình dị. Là người nửa đêm gõ cửa, tỉ tê bên tai y những chuyện không đâu. Là người chia nỗi cô đơn thành hai nửa, cùng y gặm nhấm nó.

Thế nên, y không nỡ.

Cuối thu, sương rơi đầy, tiết trời lạnh giá chẳng kém những ngày đầu đông. Thầy Thanh vẫn ngồi đấy, đợi cho tiếng khóc trong nhà nhỏ lại, dừng hẳn rồi mới đứng dậy, bưng bát phở đã nguội vào trong. Y nói, giọng rất đỗi dịu dàng: "Phở nguội rồi, cậu dùng tạm nhé."

Hạo đã phần nào bình tĩnh trở lại. Cậu gượng dậy, nhìn bát phở rồi lại nhìn y, giọng ngập ngừng: "Mẹ tôi..."

Thầy Thanh ngồi trên ghế mây kê cần giường. Cậu hỏi gì, y trả lời nấy, không đả động đến chuyện kia để tránh làm cậu khó xử. "Thầy lang bảo mẹ cậu không có vấn đề gì, đêm nay cậu cứ yên tâm ở lại đây. Trong mâm vẫn còn một bát phở, chừng nào mẹ cậu tỉnh dậy tôi sẽ hâm nóng lại sau."

"Còn thầy?"

"Tôi ăn rồi, cậu cứ ăn đi." Y nói dối cho qua, chẳng chút ngượng miệng.

Người ta đã ân cần đến thế, cứ dùng dằng nữa thì còn ra thể thống gì. Cậu nhìn bát phở đã nguội, dẫu không còn bụng dạ nhưng vẫn cố và vào miệng. Thanh không hỏi, cũng chẳng nói gì nữa. Cậu chợt thấy đêm nay yên tĩnh quá, yên tĩnh đến mức buồng phổi cậu đâm ra ngột ngạt. Miệng ăn, dạ xót, khoé mắt cay cay, cuối cùng nước mắt không sao kìm lại được, cứ thế rơi xuống.

Y nhìn, lặng thinh, trong phút chốc chẳng biết nói câu gì.

Còn cậu thì cúi gằm mặt, nức nở, từng tiếng vỡ tan: "Tôi xin lỗi."

Ai bảo đàn ông đổ máu không đổ lệ? Ai bảo đàn ông không được khóc? Ai bảo đàn ông không thể yếu mềm?

Đàn ông thì cũng là người thôi, lòng này cũng bằng thịt, tim này vẫn đỏ máu, vẫn biết buồn đau là gì. Cớ chi phải ép đàn ông nuốt ngược tất cả vào trong, sống theo cái khuôn đúc từ miệng người khác?

Đàn ông thích bếp núc thì sao? Đàn ông đa sầu đa cảm thì thế nào? Đàn ông thích đàn ông thì có gì sai? Chẳng lẽ đàn ông oằn mình dưới thân thằng khác thì không còn là người, chẳng còn là đàn ông?

Yêu là yêu, thương cứ thương, đâu thể ép cảm xúc thành cái khuôn mà cầm mà nắm, mà trao cho bất kì ai mình chọn? Không. Cậu không sai. Cậu chẳng thấy mình sai. Cậu chỉ trách mình vì đã làm khổ mọi người. Mọi hi vọng mẹ gửi gắm nơi cậu đổ sông đổ bể hết cả, còn mang tiếng không biết dạy con. Chị ở nhà chồng bị người ta nhiếc móc vì có đứa em dở người. Rồi còn thầy Thanh. Người ta sẽ bảo kẻ dạy chữ mà lại dính líu tới hạng lang chạ, nhơ nhuốc...

"Cậu không có lỗi gì cả, sao phải xin lỗi tôi?"

Y bảo thế. Y nhìn cậu, khác hẳn ánh mắt của mọi người khi nhìn thấy cậu đang oằn mình dưới thân cậu hai. Y chăm lo cho mẹ và cậu, khác hẳn những người coi chuyện này là chuyện vui, tránh cậu như tránh vạ.

Trong chốc lát ấy, cậu muốn tựa vào vai y mà khóc, mà giãi bày tất thảy mọi chuyện.

Và cậu đã làm vậy.

"Cậu hai là người bắt đầu chuyện này. Cậu hai để ý đến tôi, nói thương tôi. Tôi tưởng cậu hai cũng như mình, cũng... thích đàn ông. Và rồi..." Cậu lau nước mắt, nói trong tức tưởi. "Mọi chuyện vỡ lở, cậu hai bảo với mọi người là tôi dụ dỗ cậu ấy."

Như mọi lần, thầy Thanh im lặng lắng nghe.

"Thầy có tin lời tôi nói không?" Cậu nghiêng đầu nhìn y, mắt vẫn long lanh ánh nước.

"Tin."

"Tại sao?"

"Vì người tôi quen là cậu chứ không phải cậu hai nào đó, cũng chẳng phải miệng lưỡi thiên hạ."

Y tin cậu. Y là người duy nhất tin cậu. Tại sao phải kiếm tìm một tri kỉ ở tận đẩu tận đâu trong khi bên cậu đã có sẵn một người? Để rồi tin nhầm kẻ đểu cáng, rước vạ vào thân, chuốc nhục cho mình?

Hạo nhắm mắt lại, để mặc cho Thanh giúp mình thay áo thay quần và thoa thuốc lên chỗ khó nói ấy. Chẳng cần nhìn cũng biết nửa thân dưới của cậu thảm hại cỡ nào. Vết roi chằng chịt trên lưng và mông, nơi ấy còn lẫn lộn dịch trắng và máu đỏ đã khô, đọng lại thành vệt, thành cục. Ấy vậy mà động tác trên tay thầy Thanh vẫn dịu dàng như thế, chẳng chút do dự hay chần chừ vì ghê sợ.

"Thầy không sợ à?"

"Sợ gì?"

"Sợ vì phải nhìn những thứ ghê tởm ấy. Sợ vì phải chạm vào nơi mà một người đàn ông chấp nhận người đàn ông khác."

"Không, tôi không sợ. Tôi chỉ thấy khó tin... và đau lòng."

Làm sao nơi ấy của một người đàn ông có thể chấp nhận thứ thuộc về người đàn ông khác? Làm sao phải khổ sở như thế, oằn mình dưới thân thằng khác để đổi lại đau đớn và ê chề?

"Thầy không hiểu đâu. Cũng giống như cậu hai, như mọi người."

Mọi người không hiểu vì họ không tin vào chuyện đàn ông yêu đàn ông. Họ nghĩ rằng nằm dưới thân đàn ông chỉ có đàn bà, sở dĩ cậu thích đàn ông vì vẻ ngoài và tính tình chẳng khác đàn bà là bao. Vì cậu đẹp, một nét đẹp có thể coi là nữ tính, vì cậu thích nấu nướng và đa sầu đa cảm. Nhưng không phải. Những điều ấy chẳng liên quan gì đến việc cậu là đàn ông hay đàn bà, và cả chuyện cậu yêu ai.

Rồi cậu lại hỏi. "Thầy không sợ tôi làm nhơ nhuốc thanh danh của thầy à? Không sợ tôi thích thầy như trót phải lòng cậu hai?"

"Không. Không ai có thể vấy bẩn thanh danh của tôi được, cậu cũng thế." Y đáp, chẳng chút do dự. "Vả lại, được người ta đem lòng thương là vinh hạnh của tôi, sao phải lấy làm sợ hãi?"

Cậu bật cười. "Phải rồi. Thầy là thầy Thanh mà. Thầy không để tâm đến điều chi, sao lại sợ mấy chuyện nhỏ nhặt này cơ chứ."

Trước đây y cũng nghĩ mình là người như vậy. Là người đứng ngoài cuộc trông vào mà xem kịch hay. Là người nhìn thấu tất cả nhưng chẳng để tâm điều chi. Là người lắng nghe mọi lời người khác nói nhưng không ghi lòng tạc dạ chuyện gì.

Nhưng, lần này thì khác.

"Nếu tôi không quan tâm đến bất kì điều gì ngoài bản thân mình, vậy tại sao cậu lại ở đây? Tại sao tôi lại làm tất cả những chuyện này?"

Cậu ngỡ ngàng. Trong thoáng chốc, cậu chẳng biết nên trả lời người đàn ông này thế nào mới phải.

Mà y cũng không cần cậu trả lời. Y chỉ tiếp tục nói, như để cậu biết, cũng là để tự hứa với chính mình: "Vậy nên cậu không cần đi đâu xa để tìm người nào khác. Tôi vẫn ở đây, sẵn lòng lắng nghe mọi bí mật của cậu."

"Tôi sẽ lắng nghe mọi điều cậu nói, và sẽ không bao giờ phản bội cậu như người khác đã làm."


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net