Chương 22. Chia ly

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thẩm Hi Quang không ăn hết được mọi thứ Bộ Thư gắp cho, khẽ khàng nói: "Tôi no."

Bộ Thư cầm đũa đứng dậy bê chén của anh lên, gạt thức ăn thừa lại vào chén mình. Thấy anh nhìn nhìn, cậu nói dỗi: "Môi cũng bị chạm rồi, anh nghĩ em còn ngại ăn chung với anh sao? Không ăn bỏ đi thì phí, đây là công sức của Thẩm Miên."

Thẩm Hi Quang không ít lần nghĩ cậu chẳng giống một thiếu gia lớn lên trong nuông chiều, nhưng đôi khi vẫn ngạc nhiên với sự tỉ mỉ của cậu. Điều đó khiến anh nhớ lại hồi bé. Từ tầm sáu, bảy tuổi đổ lại là khoảng thời gian ký ức của anh rõ ràng và liền mạch nhất, chưa bị sự xen kẽ của Thẩm Miên và Thẩm Dã ngắt đoạn.

Từ lúc bố mất, tinh thần của mẹ luôn luôn sa sút. Bà thường xuyên dặn dò anh đừng chạy nhảy, đừng để bị thương; phải biết giữ ấm cho mình; đói bụng thì tự hâm nóng thức ăn, tự giác làm bài tập, đừng làm phiền bà sáng tác.

Trong một khoảng thời gian dài, vì chuyện của bố nên không nhà xuất bản nào nhận bản thảo mẹ viết, nguồn thu nhập từ nhuận bút ngày càng ít. Dù vậy, bà vẫn ra sức viết và gửi bản thảo cho mọi nhà xuất bản, dù họ rẻ mạt.

Vì mẹ luôn nhốt mình trong phòng nên Thẩm Hi Quang ít khi được nói chuyện với bà. Anh luôn tựa vào cửa phòng bà làm bài hoặc ăn cơm để tưởng tượng mẹ con hai người đang ở bên nhau. Có một lần anh ăn phải thịt bò hết hạn và bị đau bụng, phải đập cửa gọi mẹ. Bà đi ra lấy thuốc và trách móc: 'Mẹ dặn con đừng có để bệnh rồi mà. Chúng ta không thể đi bệnh viện nên con đừng làm mẹ lo.'

Sau lần đó, anh càng thêm cẩn thận với việc ăn uống, không còn đụng vào thịt bò. Dần dà... không rõ từ bao giờ, anh trở nên ghét thịt, tất cả loại thịt – nhất là thịt sống – chỉ cần trông thấy là sẽ buồn nôn. Đôi khi anh thấy mình bị hoang tưởng, bởi vì thâm tâm anh có một niềm tin rằng: ăn thịt sống thì sẽ bị bệnh. Người ta ăn không sao, riêng anh ăn thì sẽ bệnh.

Thẩm Hi Quang rủ mắt, không tiếp tục nhìn cậu.

Dùng bữa xong, Bộ Thư dọn dẹp bát đũa vào bồn rửa rồi bọc kiếng thức ăn thừa cất vào tủ lạnh.

Cậu quay lại nắm lấy cổ tay xương xẩu của anh, nhỏ nhẹ nói: "Anh xem móng tay mình dài quá này, sẽ dễ gãy, em cắt cho anh nhé?"

Anh gật đầu rất khẽ. Bộ Thư kéo ghế ngồi xuống bên cạnh, tỉ mẩn bấm móng tay cho anh: "Những lúc thế này anh thường làm gì?"

Thẩm Hi Quang lại mất tập trung nên không nghe rõ: "Sao?"

"Em hỏi: mỗi khi rảnh rỗi thế này anh thường làm gì ở nhà?"

"Tôi... vẽ."

"Anh vẽ những gì?"

Anh nâng mắt nhìn lướt qua từ vừng trán đến khuôn cằm cậu: "Tôi vẽ mọi thứ tôi nhìn thấy."

Một cái bàn, bốn cái ghế, bàn bếp lát đá hoa cương, bồn rửa chứa bát đũa bẩn, tủ chạn bằng inox, đèn tròn treo trên trần. Bên trái là không gian mở ra phòng khách: một bộ sofa màu xanh đậm, bàn trà, gạt tàn đựng đầy rác, TV; đối diện chúng là cửa sổ và ban công kê cây của Thẩm Miên; cạnh đó là bảng trắng dành cho Thẩm Dã dán tranh vẽ nguệch ngoạc.

Anh vẽ mọi thứ lọt vào mắt mình, và gọi chúng là 'thực tại'.

'Tôi ở đây.'
'Tôi tồn tại.'

'Tôi đang nhìn thấy những thứ này.'
'Tôi đang ghi nhớ chúng.'
'Đừng quên, đừng quên, đừng quên...'

Cảm xúc chợt sống dậy khiến cơ thể Thẩm Hi Quang run bật lên như lọt vào vùng cực. Bộ Thư thấy anh biến sắc, hơi thở dồn dập, nắm đầu vai anh: "Anh Hi Quang, nhìn em, nhìn em này. Làm theo tiếng đếm của em. Sẵn sàng nhé? Hít sâu. Giữ đó. Một, hai, ba... thở ra từ từ. Một lần nữa, hít vào..."

Giữ anh thở ổn định, cậu hỏi: "Anh để thuốc an thần ở đâu?"

Anh run rẩy chỉ tay. Bộ Thư nhanh chóng đi lấy thuốc và nước lọc đến. Sợ anh bị sặc, cậu tận tay đưa thuốc lên môi và đút anh uống nước từ từ. Làm xong, Bộ Thư tiếp tục dùng lời nói để trấn an anh: "Thẩm Hi Quang, nhìn em này. Em ở đây. Anh đang ở đây. Trong gian bếp ở nhà của anh. Em đang nắm tay anh này, anh có thấy không? Anh có ngửi thấy mùi chanh của nước lau bàn không?"

Cậu đặt tay anh vào gò má mình, xoa bóp: "Anh đang chạm vào em này, anh cảm thấy không?"

Bộ Thư nói một cách tha thiết, níu kéo. Thẩm Hi Quang nhìn cậu đăm đăm, nhìn không chớp mắt, các ngón tay chầm chậm cử động sờ soạng mặt cậu. Cậu kiên nhẫn, dịu dàng cổ vũ anh tiếp tục: "Đúng rồi, em ở ngay đây, anh đang chạm vào em."

Mất khoảng năm, bảy phút, anh mới thoát khỏi trạng thái kích hoạt phân ly, lòng bàn tay ướt đẫm mồ hôi lạnh. Anh gục đầu ôm khuôn mặt cậu thêm vài phút rồi buông tay, tự che mặt mình.

"Tôi thấy..." Anh nói, giọng rất mỏng, "trong ngực nặng quá, giống như có gì đó đang ép chặt vào."

"Nó có đau không?"

Anh chậm chạp lắc đầu, vẫn che kín mặt. Bộ Thư gỡ hai tay anh ra, mỉm cười nhìn vào ánh mắt mệt mỏi của anh: "Vậy thì tốt. Cảm thấy nặng nề cũng là một điều tốt, vì nhờ có sức nặng, chúng ta mới có thể đứng vững."

Thẩm Hi Quang im lặng giương mắt nhìn. Bộ Thư đột nhiên hôn lên má anh.

Anh sửng sốt, cậu cầm hai tay anh lần lượt đặt lên môi, hôn cả lên vết sẹo trên cổ tay, đôi mắt lấp lánh: "Trong ngực anh có cả một trái tim, dĩ nhiên nó phải cảm thấy nặng."

Rồi Bộ Thư đè lòng bàn tay anh vào ngực trái mình: "Em thích anh, anh có cảm thấy không?"

Thẩm Hi Quang cảm thấy nhịp đập nhỏ nhẹ trong lòng bàn tay, như thể anh đang nắm lấy một bàn chân thai nhi đạp vào bụng mẹ. Đó là một cảm giác rất kỳ diệu.

Có mùi đất ẩm lùa qua cửa sổ, nghe như mùa mưa sắp tới, có thể xoa dịu lòng người.

...

Sau khi có điểm cuối kỳ, khối 12 tiến hành chia ban. Lữ Gia và Bộ Thư buộc phải chia lìa thân phận bạn cùng bàn. Lúc dọn đồ, cậu ta rầu thúi ruột ngâm bài Hành lộ nan của Lý Bạch, bước ba bước còn phải ngoái đầu nhìn về sau một lần.

Đa số bạn cùng lớp Bộ Thư đều thi Tự nhiên, cậu là một trong hai nam sinh duy nhất thi Xã hội. Ôm cặp qua lớp mới, cậu phát hiện ra mình và Vương Châu Văn là 'thành phần thiểu số'. Phần còn lại của lớp đều là nữ.

Trong đó có lớp phó văn thể mỹ của lớp cậu, cô ấy ngồi bàn trước các cậu, xoay xuống: "Các cậu định thi trường nào?"

Vương Châu Văn hơi ngước lên rồi tiếp tục làm đề: "Ngữ văn Anh ở Đại học K."

"Trường tư à? Nhà cậu có tiền nhỉ?"

Cậu ấy không đáp. Bạch Vi bĩu môi, chống cằm hỏi Bộ Thư: "Cậu thì sao?"

"Chắc là Đại học M, anh tớ đang học nghiên cứu sinh tại đó. Bố mẹ tớ muốn hai anh em chăm sóc nhau." Mấy ngày trước bố mẹ và anh hai (có lẽ họ đã bàn bạc trước) lần lượt gọi điện hỏi ý kiến cậu về chuyện này.

"Vậy là cậu không học ở đây rồi." Cô ấy rất thất vọng: "Tớ tính vào Đại học T cho gần nhà. Cậu thi ngành gì?"

Bộ Thư suy nghĩ mất một lúc: "Văn học hoặc Truyền thông."

"Sao nghe như cậu vẫn chưa chắc chắn lắm vậy?"

Đáp qua loa, sau khi Bạch Vi quay lên, Bộ Thư nghĩ về Thẩm Hi Quang. Cậu có cảm giác anh sẽ chọn đi theo nhóm ngành về nghệ thuật.

Sau khi hỏi ra, cậu mới biết Thẩm Hi Quang dự định thi Ngữ văn Tây Ban Nha.

Cậu không hỏi vì sao, chắc chắn anh có lý do của mình để lựa chọn ngành đó.

Hai người đang ở trong một phòng đơn của Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe tinh thần. Trước mặt Thẩm Hi Quang bày giá vẽ trải toan trắng. Anh dùng than chì vẽ lên tấm toan, Bộ Thư ở bên cạnh chống cằm nhìn.

Anh vẽ đẹp. Tranh của anh có khuynh hướng truyền thần, mỗi một chi tiết bé nhỏ nhất đều được trình bày cực kỳ tỉ mỉ. Tuy nhiên – cậu chỉ nói theo cảm nhận – quá chi tiết cũng sẽ phản tác dụng, cậu cảm thấy tổng thể tranh của anh rất cứng nhắc, sự trau chuốt quá mức trong các chi tiết dễ khiến người xem nghẹt thở.

Nói một cách dễ hiểu, tranh của Thẩm Hi Quang quá dày đặc chi tiết, quá chú trọng sát thực tế, vô hình trung tạo áp lực cho người ta trong khi cố gắng phân biệt giữa tranh và thực.

Nhiều đêm thức khuya giải đề khiến Bộ Thư ngáp liên miên. Cậu vân vê một thỏi chì, mơ màng nhẩm lại các câu thơ cổ.

Thẩm Hi Quang hơi hơi nghiêng đầu nghe cậu đọc thơ, tốc độ vẽ thả chậm.

Những ngày đầu, Bộ Thư luôn muốn nói chuyện với anh đến mức nghiêm túc đi tìm hiểu các chủ đề anh có vẻ quan tâm. Bây giờ cậu đã nhận ra im lặng là cách giao tiếp tốt hơn – dù cậu là người hoạt ngôn, nhưng không phải lúc nào ngôn ngữ cũng mang lại hiệu quả.

Giữ im lặng sẽ nghe được tiếng gió lùa, tiếng lá ma sát, tiếng nhà 'thở'. Sự giãn nở của gỗ sẽ gây ra những âm thanh kỳ lạ như tiếng than thở của ngôi nhà. Đôi khi nghe khá khó chịu, nhưng nếu thử cảm nhận thì cũng có cái thú của nó.

Bộ Thư im lặng nghe mãi, nghe mãi, rồi bắt đầu nhận ra mình đang tiến vào càng sâu trong thế giới của anh.

Nơi đó còn có một âm thanh nữa.

Tiếng than chì ma sát trên tấm toan.

Từ tháng năm đến sát ngày thi đại học, bầu không khí luôn rất khẩn trương, không có chuyện gì lạ xảy ra, mọi việc đều nền nếp và bình yên đến lạ lùng.

Lữ Gia muốn đi chơi xả hơi trước khi thi. Cậu ấy rủ Lê Khả Khả, bọn họ trở nên thân thiết hơn từ sau Giáng sinh. Thấy ít người, Bộ Thư gọi thêm Vương Châu Văn và Bạch Vi, cậu có nghĩ đến Thẩm Hi Quang nhưng cân nhắc thì thôi. Năm thiếu niên, thiếu nữ hẹn gặp vào buổi tối cuối tuần, hai cô gái đều mặc váy, vừa gặp đã thân dính nhau ríu ra ríu rít.

Ba cậu con trai mấy mặt nhìn nhau, đút túi quần đi sau hai cô gái.

Lữ Gia và Lê Khả Khả đều học Tự nhiên, nữ thi Máy tính, nam thi Tài chính, nghe thôi đã thấy tràn đầy áp lực. Vương Châu Văn không thân với bọn họ, tính cũng ít nói nên chỉ đáp câu được câu chăng với Lữ Gia, lơ đễnh nhìn ngó xung quanh.

Lữ Gia lén lút bảo Bộ Thư: "Cậu ta là anh em thất lạc với đàn anh Thẩm à? Lập dị vãi."

Vương Châu Văn đột ngột quay đầu qua, làm cả hai giật nảy mình. Cậu ấy nhìn nhìn trời, hỏi: "Bắn pháo hoa không?"

Hai cô gái nghe thấy, phấp khởi nói được. Bàn bạc một hồi thì cả bọn quyết định theo Bộ Thư đi đến hiệu sách cũ. Nói ra nghe thật ngại, nhưng cậu không rõ chị Sương quen biết hay lách luật thế nào mà có thể tàng trữ và chơi pháo hoa nữa.

Hiệu sách cũ quả thực là nơi chạm vào đúng chỗ ngứa của con gái. Bạch Vi và Lê Khả Khả cầm hết từ món này đến món nọ, tấm tắc khen, Tôn Sương vui vẻ đứng cạnh chào hàng.

Còn ba cậu con trai thì còng lưng khệ nệ bưng đồ, quét bụi bẩn, lựa pháo hoa. Trời đã nóng lên, bọn cậu làm một hồi đã mệt bở hơi tai.

Lữ Gia quệt mồ hôi nói: "Tí nữa các cậu cột tớ vào pháo hoa, để tớ bay lên trời luôn đi. Thăng sớm bớt khổ."

"Cậu tưởng mình đang đóng hoạt hình à?"

Bộ Thư nói rồi bỗng phát hiện Vương Châu Văn đang nhìn ra ngoài hàng rào.

Thẩm Hi Quang lặng lẽ đứng đó, nửa khuôn mặt chìm trong bóng tối.

Vương Châu Văn và anh nhìn nhau, thần sắc cả hai bình tĩnh, không có cảm giác như xa lạ khiến Bộ Thư rất bất ngờ.

Thẩm Hi Quang đi vào hiệu sách. Cậu thấy anh cất sách đã mượn, cầm một hộp sáp màu đi thanh toán. Chị Sương gõ bàn phím lách cách, trả tiền thừa bằng hai viên kẹo, cười rủ: "Bạn em muốn chơi pháo hoa đó, ở lại không?"

Hai nữ sinh quay đầu. Tiếng gỗ thở vang lên kẽo kẹt, dường như bản thân hiệu sách cũng đang hỏi anh.

Vương Châu Văn lên tiếng gọi. Hai cô gái liền ra lựa hoa lửa, Bạch Vi vỗ vai Bộ Thư, mỉm cười lắc lắc dây sắt uốn hình trái tim: "Đẹp không?"

Bộ Thư nhìn môi cô ấy, hình như có đánh chút son.

"Không." Thẩm Hi Quang lạnh nhạt trả lời Tôn Sương: "Đông người, ngột ngạt."

Anh ra đi, thoăn thoắt như cơn gió lùa vào bóng tối.

Lữ Gia thổi bụi trên tay, bảo: "Anh ta cứ như chúa tể bóng tối, đi đến đâu là hiệu ứng phim ma bật đến đó."

Màu sắc của pháo hoa rực rỡ như thế nào, Bộ Thư không thể nhớ nổi, trong ngực luôn có cảm giác trống vắng như bị cắt mất một mảnh.

Lúc về, cậu hỏi Vương Châu Văn có quen anh từ trước không. Cậu ấy đáp: "Không quen, nhưng có nghe vài tin đồn."

"Ví dụ như là?"

Vương Châu Văn chỉ nói: "Tin đồn không phải lúc nào cũng vớ vẩn."

Thoắt cái đã đến ngày thi.

Khoảng thời gian thức đêm ôn luyện, sáng gà gật trên chồng đề luôn luôn cảm thấy đường dài đằng đẵng, núi sông trập trùng vượt không xuể, đi không hết. Thi xong lại chỉ còn một cảm giác 'chẳng luyến tiếc gì nữa, sống chết mặc bay'.

Bộ Thư ngủ một giấc dài lửng lửng lơ lơ, thức dậy thì nhận điện thoại tới tấp.

Bộ Chấp gọi cậu cả hai tiếng liền để kiểm tra đáp án, có bạn cùng phòng ở đó ngồi dò chung. Anh kia chính là Vệ Quyết mà cậu từng muốn tham khảo kiến thức.

Anh hai luôn nói bạn anh bận phát khiếp, so với mình thì còn dữ dội hơn, ba mươi ngày thì nửa tháng ăn ngủ trên trường, trên vai không vương một mảnh tình, dưới chân không dính một hạt bụi, có lẽ một ngày nào đó Vệ Quyết sẽ 'từng bước sinh hoa sen*' luôn.

* Trạng thái đắc đạo của Phật, mỗi bước đi sẽ sinh ra hoa sen.

Bộ Thư nghe vậy, càng âm thầm tin mình chỉ là người phàm tục.

Sau kỳ thi, khác với cậu dự đoán, bạn bè trong lớp đều chìm trong sự im ắng lạ lùng.

Lữ Gia cũng vậy. Bộ Thư đến tiệm đồng hồ, thấy cậu chàng cắn bút xem mục nhà đất trên báo, nói: "Tớ đang tính phương án dự phòng, nếu không thi đỗ thì sẽ về quê thuê một miếng đất, mở quán cơm."

Làm người thì phải biết lo xa. Bộ Thư ngồi xuống tính chung, xin một chân bồi bàn.

Đến lúc sắp có điểm, cả trường ai cũng lo lắng sốt ruột, xem ra còn không bằng Thẩm Hi Quang vẫn bình tĩnh thản nhiên.

Ở bên anh, cậu luôn tránh suy nghĩ theo lẽ thường, những giá trị trong thế giới của anh hoặc là trái ngược, hoặc là khác xa số đông. Song, phải đến khi nhìn vào bức tranh anh vẽ ba con người giống hệt nhau, Bộ Thư mới hiểu ra các giá trị đó quan trọng với anh thế nào.

Người ôm hoa, nét mặt hiền hòa là Thẩm Miên; người dang tay nhìn lên trời là Thẩm Dã; người nhỏ nhất đứng ở phía xa xa, hơi ngoái đầu lại chính là Thẩm Hi Quang.

Hôm đó, Bộ Thư tới báo điểm với anh thì thấy bức tranh này, bất giác nhìn đến ngẩn người.

Uông Xuyên không biết đến từ bao giờ. Cậu nhóc đang ở trong pha trầm cảm, mỗi lần như vậy nó chỉ đứng bên ngoài nhìn Bộ Thư và Thẩm Hi Quang. Lúc tới pha hưng cảm thì nó cứ thập thà thập thò, đi qua đi lại trước cửa.

"Em vào đây." Bộ Thư gọi.

Uông Xuyên lắc đầu, cử động rất chậm chạp. Cậu đi ra hỏi nó. Nó nói, cũng rất chậm: "Hôm qua có một người đàn ông và một người phụ nữ đến đây. Họ gặp người phụ trách cho anh ấy, ba người họ trao đổi rất lâu rồi đưa anh ấy đi về."

"Em có biết bọn họ nói gì với nhau không?"

Uông Xuyên lắc đầu ý rằng không biết rồi nói: "Bức tranh đó. Người phụ nữ đứng nhìn bức tranh rất lâu, khuôn mặt bà ấy rất buồn, sau đó không cho anh ấy mang theo."

Ra khỏi trung tâm, từng cụm mây xám trải dài nơi chân trời, trong lòng Bộ Thư đã bắt đầu đổ mưa. Cậu gấp rút đạp xe đến tiểu khu, gần như ném xe đạp ngay bốt bảo vệ, chạy lên tầng lầu bốn, bấm chuông liên tục.

Không có ai ra mở cửa.

Cậu chống tay vào cánh cửa, móc điện thoại gọi vào một số duy nhất. Chỉ có tiếng tổng đài máy móc hồi đáp.

Cậu đi qua đi lại, bấm chuông, chờ đợi trước cửa đến hơn hai tiếng rồi lấy xe chạy đến hiệu sách cũ. Tôn Sương cũng nói cả tuần nay không thấy anh ghé.

Sau khi đã thử hết cách, Bộ Thư đến tiệm đồng hồ chầu chực hai ngày liền mới gặp được Úc Trầm. Nhưng gã không đến sửa đồng hồ, gã đã đổi một chiếc đồng hồ mới toanh, đắt đỏ.

Bộ Thư đuổi theo, hỏi gã về Thẩm Hi Quang. Úc Trầm đứng tựa vào chiếc AMG, một tay đặt lên cửa kính mở hết cỡ, một tay châm thuốc, thờ ơ nói: "Nó đi rồi."

"Anh ấy đi đâu? Bác cho cháu biết được không?"

Gã liếm môi, cười rất giễu cợt: "Nó về nhà của mình. Nơi nó thuộc về."

"Là ở đâu vậy? Bác có thể cho cháu địa chỉ hay một cách liên lạc được không?" Bộ Thư đã gần như muốn cầu xin.

Úc Trầm chẳng mảy may động lòng, điềm nhiên hút hết một điếu thuốc, phả ra làn khói xám xịt: "Nó có để lại đồ." Gã vẫn không trả lời điều cậu muốn biết, "Muốn lấy thì hôm sau đến chỗ tôi."

Bộ Thư bóp méo tấm danh thiếp dập nhũ kim, trong ngực bị nhồi đầy cảm giác tức giận và bất lực.

Hôm sau, cậu ăn bận chỉnh tề đi tới công ty của Úc Trầm. Gã để cậu chờ chán chê mà không hề xuống gặp, chỉ nói thư ký đưa cậu một chiếc chìa khóa từ.

Bộ Thư trở lại tiểu khu, dùng chìa khóa từ mở cửa nhà, bước vào không gian tranh sáng tranh tối. Khung cảnh không chút thay đổi. Bảng tranh của Thẩm Dã và những chậu cây của Thẩm Miên vẫn ở đây, đã héo úa vì không được tưới nước. Các gân lá bị nhuộm màu khô quắt lại mang cảm giác kỳ dị như bàn tay quỷ đang cố vươn ra ánh nắng.

Cậu tới trước tủ lạnh, xem những mẩu giấy đối thoại của bọn họ.

Thẩm Miên: Chúng ta sẽ phải đi sao?

Thẩm Hi Quang: Ừ.

Thẩm Dã: Chúng ta đi đâu vậy?

Thẩm Miên: Về với mẹ.

Thẩm Miên: Có cần cho em ấy biết không?

Thẩm Hi Quang: Không cần.

Thẩm Miên: Ta nên cho em ấy biết.

Thẩm Hi Quang viết lên một tờ giấy khác, dán đè lên: Cậu ấy nhớ là đủ rồi.

Cậu ấy nhớ là đủ rồi. Bộ Thư lặp lại trong lòng, hấp háy đôi mắt nóng hổi.

Thẩm Miên lại nói: Em ấy rất tốt với cậu.

Thẩm Hi Quang lạnh nhạt đáp: Tôi không cần biết.

Thẩm Miên: Đừng làm tổn thương ai nữa.

Thẩm Dã khó chịu: Thẩm Miên nói nhiều quá đi.

Anh lấy một tờ giấy khác, giọng điệu mỉa mai: Anh cũng sợ bị lãng quên, đừng cố tỏ ra mình là người tốt nữa. Nếu như anh không sợ bị cậu ấy quên thì đã không vu oan cho cậu ấy.

– Có tổn thương thì mới nhớ lâu. Có tội tình thì mới luôn luôn canh cánh. Cậu ta nghĩ rằng tôi đáng thương, tôi thấy cậu ta mới đáng thương. Không ai cho đi mà không mong nhận lại. Tình cảm cũng vậy. Nhu cầu tình cảm của cảm của cậu ta lớn hơn tôi nhiều.

– Tôi không cần tình cảm của cậu ta nhưng tôi cần Úc Trầm và bà ấy nghĩ rằng tôi cần được quan tâm. Nhờ ơn cậu ta, mục đích của tôi đã đạt được.

Bộ Thư ra sức tìm kiếm nhưng không thấy đoạn sau nữa. Hội thoại kết thúc tại đây.

Cậu nhìn chằm chằm vào đoạn văn cuối cùng, sau đó nhận ra cửa phòng ngủ đang mở.

Bộ Thư đứng dậy đi về phía đó, ngần ngừ nắm lấy núm cửa, vặn mở. Nhìn vào, cậu suýt thì kêu ra tiếng. Không giống như bên ngoài, bên trong đã dọn dẹp gần như rỗng tuếch. Trên tường còn in lại cái bóng của nơi kê giường và bàn học. Trước cửa ra vào – nơi cậu đang đặt chân – phủ đầy giấy A4, hàng trăm tờ giấy đè lên nhau như lông ngỗng. Có tờ vo thành cục, có tờ gạch đầy vệt chì đen nhẻm, có tờ bị xé nát tươm.

Chính giữa phòng đặt một cái giá đỡ bằng kim loại, bên trên căng một tấm toan mịn, trên lớp toan còn dính bụi chì vẽ một người.

Bộ Thư suýt kêu lên vì cứ tưởng đó là người thật, song nhìn kỹ lại thì càng thấy hoảng hốt hơn, tim đập thình thịch.

Bởi vì người trong tranh trông giống cậu.

Thiếu niên đó mặc đồng phục học sinh, nhoài người ra ngoài lan can, một cánh tay duỗi ra thả xuống phía dưới. Cảm giác rất lạ lùng khi nhìn vào bức tranh này, cậu vừa thấy người đó giống mình vừa thấy không giống. Tuy nhiên, điều khiến cậu hoang mang nhất là: làm thế nào anh vẽ được cậu trong khi cậu chưa từng làm mẫu cho anh?

Chẳng lẽ anh vẽ cậu chỉ dựa vào trí nhớ?

Một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng, cậu ngồi xuống sàn nhà ngơ ngẩn chốc lát thì nhặt một tờ giấy A4 lên xem, phát hiện trong đó phác họa một đôi mắt. Cậu giở thêm một tờ khác, thấy trong đó vẽ một vành tai người, còn có một lọn tóc chĩa vào thùy.

Bộ Thư vô thức sờ lên tai, chạm vào lọn tóc đó, chợt có linh tính, cậu quỳ xuống sàn, vơ lấy những tờ giấy vo tròn, mở ra xem lấy xem để. Những tờ giấy ở đây đều vẽ các bộ phận cơ thể tách riêng: đôi mắt, mũi, tai, miệng, sườn mặt, cánh tay... Bức nào cũng có, dường như chúng đều thuộc về một người.

Là cậu.

Bộ Thư ngước mắt nhìn bức tranh trên giá, hít sâu: khó trách người con trai đó trông vừa giống cậu vừa không giống cậu, thì ra anh vẽ một cách chắp ghép theo tưởng tượng. Kỳ công vô cùng, ở đây phải có đến hàng trăm bức phác họa.

Cậu nhìn bức tranh rất lâu, sau đó phát hiện ở góc ghi một dòng số điện thoại, liền móc di động gọi vào số đó, lòng bàn tay nóng hôi hổi.

Chuông reo mất cả hai phút mấy mới có người bắt máy: "Xin

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net