BÍ MẬT XỨ HOA VÀNG 6

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

BÍ MẬT XỨ HOA VÀNG
Hồi thứ 11: TRUY TÌM TÔNG TÍCH
Tôi kiểm tra lại đống quần áo của Thống đem về, tất cả đều đầy đủ, không hề thiếu. Có lẽ con quỷ nước đó lấy quần áo của chúng tôi nhưng không mặc vừa nên đem trả lại. Ngẫm ra nó vẫn còn tử tế hơn rất nhiều người trên thế gian này ... Mấy bạn sinh viên trong đội có hỏi đội trưởng Thống xem nên xử lý đống quần áo này như nào?. Cậu ta trả lời rằng không có lý do gì để bỏ đi cả, cứ mặc như bình thường. Còn nếu không thích mặc thì cứ để đấy, khi nào về thì cho lại đồng bào nghèo trên này. Họ mặc để đi làm nương rẫy.
Mấy ngày hôm sau không có chuyện lạ gì xảy ra với đội. Mọi thứ đều diễn ra thuận lợi sau cái hôm chúng tôi được "trả" lại quần áo. Công việc của đội cũng đã bớt đi nhiều. Đường mương nước đã làm xong, giờ chúng tôi chỉ còn làm những việc nhẹ nhàng như dạy học, phát rẫy hộ dân, sửa lại nhà cửa cho các hộ nghèo trong bản. Thường thì cuối mỗi chiến dịch Mùa hè xanh, khi ít việc, đội chúng tôi thường hay đi thăm thú, khám phá thiên nhiên núi rừng. Tuy vậy, sau những gì đã xảy ra, cả đội chúng tôi không ai dám lân la đến con suối, khu rừng nơi đây nữa. Nhưng tôi vẫn luôn có một linh cảm: Hẳn có một ngày, chúng tôi sẽ phải đối đầu với những thế lực đen tối và thần bí lẩn khuất đâu đó trong khu rừng. Có lẽ ngày đó sắp đến ...
Một buổi chiều hè nóng như thiêu đốt, cả đội vừa hoàn thành công việc xong. Hôm nay chúng tôi cùng với đội thợ của xã phối hợp xây một ngôi nhà tình nghĩa trong thôn. Cả đội nam đang chuẩn bị đi tắm rửa và chờ đội nữ nấu cơm. Một ngày vất vả, chúng tôi ai cũng muốn sớm được ăn uống và nghỉ ngơi. Bất chợt Thống lặng lẽ đứng dậy. Cậu ta trầm ngâm một hồi lâu rồi đưa tay lên xem đồng hồ. Đã hơn 6h chiều, trời lúc này cũng đã bắt đầu nhá nhém. Một chút nắng vàng vọt còn lại của ngày hè vẫn còn vương trên mái nhà, ngọn cây. Thống như đang chìm vào suy tư, tính toán. Rồi cậu ta quay lại phía chúng tôi và nói:
- Cả đội nam đừng tắm vội, đi lên rẫy thôi. Chúng ta phải lên ngay, chút nữa là trời tối hẳn. Lúc đó sẽ nhiều phiền phức lắm.
Chúng tôi nhìn nhau ngơ ngác và rất ngạc nhiên về quyết định của cậu ta. Tôi tự hỏi: "Giờ này còn lên rẫy làm gì nữa? hôm nay vẫn không đủ mệt hay sao? Theo lịch công việc trong ngày hôm nay đâu có phải lên rẫy, ngày mai mới lên rẫy thu hoạch giúp đồng bào mà? ...". Tôi quay sang Bằng. Bằng cũng nhìn tôi tỏ vẻ không hiểu quyết định của Thống. Nhưng cậu ta vẫn gật đầu với tôi rồi đi lấy dao, rựa, găng tay, cuốc, xẻng ... để chuẩn bị lên rẫy cùng Thống.
Không ai trong đội của tôi hỏi Thống lý do của việc lên rẫy. Tôi cũng không hỏi. Vì sau một thời gian sống cùng cậu ta trên vùng núi này, tôi hiểu được rằng Thống không bao giờ làm việc gì mà không có lý do chính đáng. Cậu ta sẽ không bao giờ bắt anh em trong đội phải tiếp tục đi lên rẫy sau một ngày cực nhọc. Trừ khi đó là vấn đề quan trọng ...
Tôi dặn đội nữ cứ ở nhà nấu cơm, nếu chúng tôi về muộn thì ăn trước rồi đi nghỉ sớm. Để phần cơm lại cho đội nam là được. Ăn xong chúng tôi sẽ tự dọn dẹp và rửa bát đũa. Chúng tôi vội vã khởi hành hướng về phía những rẫy mía nằm thoai thoải trên sườn núi. Cả đội lặng lẽ bước đi, không ai nói với ai câu nào. Một không khí nặng nề bao trùm lên cả đội.
Dường như cảm nhận được sự lo lắng của mỗi người, Thống đi chậm lại rồi ra hiệu cho tôi đi lại gần anh ta. Thống chậm rãi nói với tôi:
- Thực ra lần này chúng ta không phải đi làm rẫy thầy ạ! Có một chuyện em muốn tìm hiểu nhưng nếu chúng ta đường đường chính chính đi làm thì dễ bị nghi ngờ, rồi "bứt dậy động rừng" thì mọi chuyện có thể hỏng hết.
- Vậy em đang muốn tìm hiểu chuyện gì? – tôi hỏi.
- Thầy có suy nghĩ gì về những chuyện kỳ lạ xảy ra với chúng ta gần đây không?
Tôi ngẫm nghĩ một lúc mà vẫn không biết phải nói gì. Nhưng chuyện gần đây xảy ra với chúng tôi nằm ngoài hiểu biết của tôi. Và cho đến giờ chúng tôi cũng chưa hề được có một chút manh mối nào cả. Tôi lắc đầu và hỏi Thống rằng liệu cậu ta có kiến giải hay tìm thấy một chút thông tin gì không?. Thống trầm ngâm đôi chút rồi nói:
- Câu chuyện này không đơn giản chỉ là ma quỷ.
- Vậy là sao? – tôi hơi ngạc nhiên.
- Theo em thấy, có lẽ những gì chúng ta đã gặp tuy là những chuyện ma quỷ nhưng hẳn còn có một thế lực khác đứng đằng sau.
- Thế lực gì vậy? ý em là sao tôi vẫn không hiểu.
- Đó là con người, thầy ạ! – Thống gằn từng chữ trả lời tôi. – Ma quỷ tuy đáng sợ, nhưng cũng không đáng sợ bằng con người. Thậm chí có cả những người điều khiển, sai khiến được ma quỷ. Người ta vẫn gọi đó là những thầy Pháp, thầy Mo.
Rồi Thống kể cho tôi nghe những câu chuyện về thầy Pháp sử dụng Âm Binh, thầy Mo luyện Thiên Linh Cái từ thai nhi chết non, nuôi ngải, luyện bùa để sai khiến ma trành, ma xó ... Những câu chuyện đó nằm ngoài sức tưởng tượng của một người thành phố như tôi. Thống gọi cả đội nam chúng tôi đi gần lại với nhau. Cậu ta cất giọng nói khe khẽ, chỉ đủ để cho các thành viên trong đội nghe thấy:
- Chúng ta không phải đi làm rẫy. Đồ đạc chúng ta cầm theo chỉ là để che mắt thiên hạ. Chúng ta sẽ rẽ xuống, xuyên qua thôn bản. Mọi người phải giả vờ như vừa đi làm về mệt mỏi. Nếu thấy nhà nào mở có thể vào xin nước như mọi khi. Nhưng có một nơi chúng ta cần đến để tìm hiểu kỹ.

- Chỗ nào vậy? Cả cái thôn này chúng ta đều đi qua hết rồi. Mấy bữa nọ phụ hồ xây nhà cũng ở đây suốt, có thấy điều gì lạ đâu? – Bằng hỏi.
- Đấy là mày không để ý. Ít nhất tao thấy trong cái bản này có một ngôi nhà rất lạ. Lạ vì có vài điểm khác với những ngôi nhà khác quanh đây. – Thống đáp.
- Là nhà của ai vậy? – tôi vội hỏi Thống.
- Nhà của ông Khang. Chúng ta cũng sắp đến nơi rồi. Em sẽ chỉ cho thầy thấy. – cậu ta trả lời. – Ông ta là người từ vùng khác đến đây sinh sống. Nhưng ông ta ít tiếp xúc với dân bản. Hồi mới đến đây, đội chúng ta nhận được sự quan tâm đặc biệt của ông ta. Nhưng gần đây ông Khang dường như biến đi đâu mất, ít khi thấy ở nhà. Theo em thấy, ông ta lên đây buôn trái cây có lẽ chỉ là vỏ bọc. Đằng sau hẳn còn có lý do nào khác.
Vừa đi vừa trầm ngâm, Thống đăm chiêu suy nghĩ một lúc rồi tiếp tục cất lời :
- Còn việc ông ta lên cư ngụ ở trên này, liệu có liên quan đến những gì đã xảy hay không?. Có lẽ chúng ta sắp biết được.
Ánh chiều tà chiếu rọi những tia nắng vàng vọt cuối cùng trong ngày lên những khoảng nương sắn, bãi mía. Đội chúng tôi đi lên nương mía rồi lại quay trở lại bản bằng một con đường khác. Gần vào đến bản, thấp thoáng trong nắng chiều chạng vạng đã có những ngôi nhà nhỏ lác đác trên những dẻo đồi. Cảnh nắng chiều của vùng đất Tây Nguyên vừa tĩnh mịch, vừa hùng vĩ. Một vài làn khói bếp đã bay lên từ những căn nhà trong thôn. Giờ này hẳn những người dân trong bản đang chuẩn bị bữa cơm tối cho gia đình. Tôi quay sang phía Thống rồi hỏi:
- Nhà ông Khang ở đâu vậy? còn xa nữa không?
- Ngay phía trước kia thôi thầy, đứng ở đây cũng đã nhìn thấy nhà ông ta. – Thống trả lời rồi đưa tay chỉ về phía ngọn đồi trước mặt.
Nhà ông Khang nằm ở phía ngoài rìa của bản. Chỗ này không có nhiều nhà cửa của người dân ở xung quanh. Phía sau lưng căn nhà là một nương sắn, bên cạnh có một con đường nhỏ dẫn thẳng lên rừng. Nơi đây khá hoang vu và trống trải. Buổi tối, nếu không thắp đèn, thì ai đi qua đây cũng sẽ nhầm tưởng đó là một căn nhà hoang. Không hiểu là do ông ta lên đây mãi sau hay vì một lý do nào khác mà lại chọn một nơi như vậy để ở. Nhưng ít nhất cũng có một điều chúng tôi biết. Ông ta lên đây sống có một mình và cũng không thường xuyên có mặt ở ngôi nhà này. Nghe nói ông ta vẫn còn nhà cửa và gia đình ở dưới xuôi.
Khi chúng tôi đến trước cửa nhà ông Khang thì trời đã xâm xẩm tối. Con đường liên thôn cũng trở nên vắng lặng, quạnh hiu. Thi thoảng mới có một vài chiếc xe của người dân bản chạy vội qua. Chắc họ đang mong ngóng về đoàn tụ với gia đình bên mâm cơm tối sau một ngày lao động vất vả. Chúng tôi nhận ra một số người quen trong bản. Họ còn mỉm cười chào chúng tôi khi chạy xe ngang qua. Hơn 2 tuần ở trên này, hình ảnh chiếc áo xanh tình nguyện của chúng tôi đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây. Thống bảo cả đội ngồi xuống nghỉ ngơi trước cửa nhà ông Khang. Cậu ta lấy ra mấy khúc mía "mượn" của người dân ở trên nương, rồi nói Tùng và Hiệp lấy dao róc mía để ăn.
Thống quay sang ghé vào tai Bằng thì thầm vài câu. Tôi thấy Bằng khẽ gật đầu rồi cậu ta vòng ra phía vườn sắn sau nhà ông Khang và biến mất. Tôi tò mò rất muốn hỏi Thống xem Bằng đi đâu. Nhưng thấy sắc mặt cậu ta trở nên nghiêm trọng nên tôi cũng không hỏi. Thống là vậy, đến đúng thời điểm, không hỏi cậu ta cũng tự nói. Tôi tin rằng cậu ta làm gì cũng có lý do chính đáng.
Thống lấy chai nước ra mời tôi uống, rồi cậu ta gọi Tùng và Hiệp lại. Chúng tôi ngồi lăn lê ngay bên vệ đường, trước cửa nhà ông Khang ăn mía uống nước, nói chuyện huyên thuyên. Đột nhiên Thống khẽ thấp giọng nói với tôi:
- Thầy có thấy căn nhà này có điểm gì lạ không?
Hơi bất ngờ trước câu hỏi đột ngột của Thống, tôi quay lại cố gắng nhìn thật kỹ căn nhà của ông Khang. Tôi vốn không phải là người giỏi quan sát. Quan sát vốn là một kỹ năng mang tính thực hành, vận dụng cao. Còn tôi, có lẽ thích hợp với những kỹ năng đọc, nghe, ghi nhớ, phân tích ... lý thuyết hơn. Vì thế nên tôi là giáo viên, hay nói đúng hơn là nếu không làm giáo viên thì tôi không biết sẽ làm được cái gì đây?.
Ngắm nghĩa một lúc mà không phát hiện được điều gì khác lạ, tôi đành quay sang Thống trả lời:
- Căn nhà hiện giờ không có người. Có lẽ ông Khang đi đâu chưa về.
- Đúng là nhà không có người. – Thống nhìn tôi cười, rồi nói tiếp. – Nhà khóa cả cổng ngoài và cửa bên trong. Hơn nữa, tầm này là giờ cơm chiều. Nếu có ai ở trong nhà thì hẳn phải có ánh đèn hay khói bếp. Nhưng đó không phải là điều đặc biệt. Vì ở đây, nhà nào vắng người buổi chiều cũng đều như vậy cả.
- Ý của em là sao? Thầy vẫn không hiểu. – Tôi hơi khó chịu về cái kiểu úp úp, mở mở của cậu ta.
Thống nhìn chúng tôi cười rồi từ từ giải thích:
- Có lẽ thầy nghĩ em là một anh chàng dân tộc Tây Nguyên. Đúng là nhà của em hiện giờ ở Đăk Lăk, nhưng em vốn gốc là người quê ở Hà Tĩnh. Nên ngoài mảnh đất Tây Nguyên này ra em cũng biết khá nhiều điều về miền Bắc Việt Nam. Em đã từng nói với thầy rằng em nghi ngờ trong câu chuyện này hẳn có sự tham gia của con người. Nhưng chắc không phải là người bình thường, mà là người có những quyền năng đặc biệt có thể sai khiến ma quỷ, triệu hồi âm binh hay dùng bùa ngải ... hoặc chí ít cũng là bậc thầy về Phong Thủy.
Ngừng lại một chút, Thống chỉ tay vào ngôi nhà đằng sau lưng chúng tôi rồi tiếp:
- Em đã từng đi qua đây và quan sát ngôi nhà này nhiều lần. Hiện chưa vào bên trong nên chúng ta chưa thể biết được liệu có bùa ngải hay không?. Nhưng về mặt kiến trúc thì người chủ ngôi nhà này hẳn là một tay rành về Phong Thủy. Nếu đây là miền Bắc thì hẳn cũng không có gì lạ. Vì ngoài Bắc nhiều người biết xem Phong Thủy. Hoặc nếu không biết có thể nhờ thầy về xem và xây một ngôi nhà cho đúng theo Phong Thủy.
Tôi gật đầu đồng ý về những nhận xét của Thống, rồi đợi cậu ta phân tích tiếp. Thống lại giải thích cặn kẽ cho chúng tôi hiểu:
- Chúng ta đang ở trên khu vực Tây Nguyên, nơi đây vốn là đất của người Chăm, Ê đê, Ba Na ... sinh sống. Họ tất nhiên cũng có tín ngưỡng tôn giáo thờ cúng của họ. Nhưng tuyệt nhiên họ không thể biết nhiều về Phong Thủy. Vì thuật Phong Thủy bắt nguồn từ Trung Quốc và được phổ biến chủ yếu ở miền Bắc Việt Nam. Nơi bị ảnh hưởng nhiều bởi tư tưởng Nho Giáo. Căn nhà chứa đựng rất nhiều yếu tố Phong Thủy. Đó chính là điểm khác biệt với những căn nhà khác trong thôn quanh đây.
- Vậy em hẳn cũng biết xem Phong Thủy? – tôi ngạc nhiên hỏi Thống.
Cậu ta không trả lời mà chỉ khẽ gật đầu. Rồi cậu ta giảng giải cho chúng tôi:
- Căn nhà này tuy nằm ở vị trí vắng vẻ nhưng lại có vị trí phong thủy rất tốt. Em đã tìm hiểu xung quanh nơi đây. Nhà nằm ở thế tọa Sơn, hướng Thủy. Sau lưng căn nhà chính là hướng lên núi, phía trước căn nhà lại là một dải thung lũng, nằm giữa thung lũng đó là một cái hồ tự nhiên rất đẹp. Nhiều khả năng các con suối trong khu vực núi này đều chảy về cái hồ đó. Tất nhiên điều đó có thể chỉ là tình cờ khi xây dựng. Nhưng có một vài điều thì không thể là tình cờ được.
- Điều gì vậy? Khoản kiến trúc này thầy không rành mấy. – Tôi hối thúc cậu ta trả lời.
- Thầy có thấy kiến trúc nhà này vừa quen vừa lạ không?
Nghe Thống nói vậy tôi mới sực nghĩ đến hình dáng của ngôi nhà này. Quả thực ngôi nhà này rất quen mà cũng rất lạ. Nhưng quen ở điểm nào và lạ ở điểm nào chính tôi lúc này cũng tạm thời không thể nghĩ ra. Thống chỉ vào phía trước căn nhà rồi nói:
- Hầu hết người dân ở đây họ không xây kiểu nhà như thế này, vì họ là người dân tộc. Thường họ sẽ làm nhà Rông hoặc nếu có xây nhà gạch thì họ những căn nhà dài. Dài có nghĩa là có một phòng khách phía trước, rồi các phòng khác như phòng ngủ, phòng bếp ... tiếp nối phía sau. Còn căn nhà này lại có một khoảng sân rộng phía trước và to bề ngang nhưng rất đối xứng. Thầy đếm thử có mấy hàng cột phía trước nhà? Có hai hàng phải không? Hai hàng cột đó chia căn nhà ra làm 3 đoạn chính. Thầy thấy 3 cánh cửa to kia chứ. Nó như thể chia nhà làm 3 gian liền nhau. Nhưng ở hai phía đầu căn nhà lại có thêm 2 phòng nữa. Hai phòng đó có cửa bé hơn, đối diện nhau và xoay vuông góc với căn nhà. Người ta vẫn gọi đó là 2 chái. Hai phòng đó thường để làm nhà bếp hoặc kho cất trữ đồ đạc, nông sản lương thực.
Tôi rất bất ngờ về sự hiểu biết của Thống. Cậu ta giải thích cho tôi như thể một chuyên gia về kiến trúc nhà cửa của người Việt Nam xưa. Thống gật gù rồi nói tiếp:
- Thầy thấy lạ vì ngôi nhà này khác biệt hẳn với những ngôi nhà trong bản. Nhưng cũng thấy quen vì kiểu nhà này rất phổ biến ở miền Trung và miền Bắc Việt Nam. Đây chính là lối làm nhà 3 gian 2 chái rất thông dụng ở ngoài đó.
Quả thực nghe cậu ta cắt nghĩa tôi mới hiểu được tại sao căn nhà này nhìn lại rất quen quen. Vì mỗi lần về quê chơi, tôi được nhìn thấy rất nhiều lối kiến trúc 3 gian 2 chái này. Thống lại chỉ cho chúng tôi vào cái cổng sắt ở ngay ngoài sân, ngay trước mặt chúng tôi. Cậu ta nói:
- Thầy có thấy họa tiết hoa văn trên cái cổng sắt này không? Thầy có biết ý nghĩa của những họa tiết này chứ?
Tôi ngắm kỹ cái cổng. Quả thật nó cầu kỳ hơn những cái cổng sắt của các hộ dân quanh đây. Nhưng tôi cũng không hiểu những họa tiết này có ý nghĩa gì. Thống hỏi tôi và cả đội:
- Mọi người nhìn ở giữa cái cổng sắt. Có một hình văn hoa uốn lượn. Nếu nhìn thoáng qua thì sẽ tưởng là một bông hoa nào đó. Nhưng thực ra không phải. Mọi người nhìn kỹ xem đó là gì?
Một lần nữa tôi lại căng mắt ra để nhìn cái cổng. Đúng là ở giữa cổng có trang trí một vài họa tiết hoa văn nhỏ trông giống một bông hoa. Nhưng đúng là không phải hoa. Tôi trả lời Thống:
- Hình như đó là một con vật gì đó có cánh. Hai cánh xòe ra như chim, nhưng mặt lại có phần giống ... Chuột. Nhưng tại sao nó lại có hình dáng kiểu này? Nó bị làm ngược thì phải? Đầu dốc xuống đất, chân chổng lên trời? Hay người làm cái cổng này đã hàn sai vị trí của con vật này?
- Đúng là như vậy đó thầy ạ! Đó là con Dơi. Con dơi có cánh như chim, nhưng mặt lại giống chuột. Đây là hình tượng con Dơi cách điệu. Còn người ta không đặt sai vị trí của con Dơi đâu thầy ạ. Con Dơi đặt ở cửa nhà vốn phải đặt ngược. Đầu chúc xuống đất mà chân chổng lên trời. Tại sao ư? Có lẽ chỉ có những người am hiểu về phong thủy mới biết được ý nghĩa của nó. Người bình thường sẽ không để ý đến điều đó. Họ cho rằng người ta làm sai, đặt nhầm vị trí con dơi.
- Vậy con Dơi đặt ngược có ý nghĩa gì? – Tôi tò mò hỏi Thống.
- Dơi vốn là một linh vật trong phong thủy. Tiếng Hán con Dơi đọc là Bức hoặc Phức. Ai mê tiểu thuyết của Kim Dung hẳn phải biết có một nhân vật trong tác phẩm Ỷ Thiên Đồ Long Ký có tên gọi là Vi Nhất Tiếu. Ông ta là một trong Tứ đại hộ giáo pháp vương của Minh Giáo. Ngoại hiệu của ông ta là Thanh Diện Bức Vương. Có nghĩa là Con Dơi Mặt Xanh. Chính vì Dơi đọc là Bức, là Phức nghe na ná giống từ Phúc nên người Trung Quốc mới thích nó. Cũng như là người ta thích số 6 vì Lục phát âm hơi giống Lộc , còn số 8 là Bát nghe đọc giống Phát. Dơi là Phúc nhưng tại sao lại phải treo ngược? vì ngược tiếng Hán là Đảo, nghe cũng hơi giống Đáo nghĩa là đến. Vậy nói tóm lại Dơi treo ngược có nghĩa là Phúc Đến. Người ta treo nó ở cửa nhà với một niềm tin rằng Phúc sẽ đến với nhà của họ.
Có lẽ còn rất nhiều điều về Thống mà tôi vẫn còn chưa biết. Quả thực cậu ta như một pho sách sống. Thống giải thích xong rồi quay sang phía tôi nói khẽ:
- Em cần biết thực sự về lai lịch của ông Khang. Đợi Bằng quay lại có lẽ chúng ta sẽ có thêm một chút thông tin về ông ta.
Đợi thêm một lát tôi thấy Bằng đã quay lại. Cậu ta thoắt ẩn, thoắt hiện như một bóng ma giữa rừng cây âm u. Thấy Bằng đến Thống đứng dậy hỏi:
- Có phát hiện điều gì đặc biệt không?
- Nhà không có người, đồ đạc cũng rất ít và cũng không có gì đáng giá cả. Tuy nhiên có điều này khá đặc biệt có lẽ thầy và các bạn cũng muốn nghe. – Bằng trả lời.
- Có phải là có gì đó ở gian nhà chính phải không? – Thống hỏi.
- Đúng vậy. – Bằng gật đầu trả lời. – Nhà tuy không có gì, nhưng chính giữa gian nhà chính lại có một án thờ sơn son thiếp vàng rất to và đẹp.
- Thì trong lối kiến trúc 3 gian 2 trái người ta vẫn thường đặt án thờ ở gian chính giữa. Điều đó đâu có gì là lạ. – Tôi nói xem vào câu trả lời của Bằng.
- Vâng! Những đồ thờ cúng cũng không có gì đặc biệt. Chỉ duy nhất có một điều khiến em chú ý. Đó là một bức ảnh thờ. Chính giữa ban thờ đó có một bức ảnh nhỏ nhưng vô cùng sống động và rõ nét.
Chậm rãi lấy hơn một chút, Bằng tiếp tục kể:
- Người ta thường chỉ thờ ông cha, tổ tiên của mình đúng vậy không? Vậy ông cha của ông Khang này là một vị quan. Bức ảnh đó là bức chân dung của một vị quan. Em đã nhìn rất rõ sắc phục của ông quan đó trong ảnh, dù chỉ là ảnh đen trắng. Hơn nữa ... vì em cũng đã xem khá nhiều phim, phóng sự về lịch sử trên tivi. Theo em thấy, hình như đó là trang phục của thời nhà Nguyễn. Có lẽ người trong bức ảnh thờ là một vị quan Triều Nguyễn.
.................
Trời đã tối hẳn. Cả đội chúng tôi đi về với một nỗi nghi ngờ không thể nói nên lời. Liệu ông Khang có liên quan gì đến câu chuyện của chúng tôi. Mà nếu quả thực có liên quan thì sao ông ta lại nhằm vào chúng tôi? Chúng tôi chỉ là những sinh viên tình nguyện lên đây làm công trình một thời gian rồi lại quay về, chứ đâu có ý định ở lại luôn nơi này? ...
Bất chợt Thống quay sang phía tôi rồi nói:
- Thầy có thể giúp em điều tra thêm tin tức về ông Khang được không?
- Em cần biết thêm thông tin gì? Bằng cách nào? Thầy làm sao có thể đột nhập vào nhà ông ta để lấy thông tin được? Không phải Bằng đã làm rồi còn gì? – Tôi sững sờ về lời đề nghị của Thống.
- Thầy đừng vội hiểu lầm. – Thống cười tủm tỉm với tôi. – Theo em đoán không lầm, nếu đến đây sống, hẳn ông ta phải làm thủ tục hộ tịch, hộ khẩu hoặc ít nhất là tạm trú. Em nhờ thầy gọi điện cho anh Kèo công an xã. Chắc hẳn anh ta sẽ nắm được một số thông tin cá nhân về ông Khang. Em muốn biết tên đầy đủ của ông Khang và nguyên quán của ông ta nữa.
Không đợi Thống phải yêu cầu lần nữa. Tôi lấy điện thoại và gọi ngay cho Kèo, tay công an xã. Sau vài ba câu hỏi xã giao như thường lệ, tôi đặt vấn đề ngay với Kèo. Anh ta tỏ vẻ rất ngạc nhiên về câu hỏi của tôi. Nhưng Kèo cũng không thắc mắc tại sao tôi lại hỏi thông tin về ông Khang. Anh ta cung cấp cho tôi ngay những thông tin mà tôi cần. Đó là những thông tin quý báu.
- Ông ta tên là gì? Quê ở đâu vậy thầy? – Thống hỏi gấp.
Cả đội Nam đều đổ dồn mọi con mắt về phía tôi. Sau khi nghe câu trả lời của Kèo, chính bản thân tôi cũng rất hồi hộp. Tôi biết rằng điều đó có lẽ càng khẳng định cho những phán đoán của Bằng và Thống về ông Khang. Cố gắng nói thật chậm rã để kìm chế cảm xúc của mình, tôi trả lời Thống:
- Ông ta tên đầy đủ là Nguyễn Phúc Nguyên Khang, quê gốc ở Thừa Thiên Huế.
................................
(Còn tiếp)
Hồi thứ 12: Miếu cáo âm u


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net