Oneshot

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Khi ấy, tôi đã không tin, khi nghe bố nói về cái chết của chú Thắng, một người họ hàng tôi.

Lúc bấy giờ tôi đang ngồi chờ mẹ về rồi ăn cơm, thì chợt điện thoại reo lên tiếng chuông nhạc, và chắc chắn là từ điện thoại của tôi. Tôi nhấc máy, là cuộc gọi từ bố. Bố tôi báo rằng trưa nay mẹ sẽ không về, nên hai chị em cứ việc ăn cơm trước.

Điều này khiến tôi cảm thấy khá kì lạ, nếu là mẹ tôi, buổi trưa mà không về, thường thì sẽ trực tiếp gọi điện cho tôi, thay vì thông qua bố. Đó là những gì tôi nghĩ, cho đến khi bố nói rằng, chú Thắng đang cấp cứu, do cơn đột quỵ khi đang dạy học.

Tôi sững sờ, cặp mày nhíu lại, điều này với tôi thật khó tin. Nhưng khi tôi hỏi lại, bố tôi khẳng định chắc nịch, và không hề có một sự đùa giỡn. Phải rồi, ai lại đem những chuyện chẳng lành như vậy ra đùa giỡn. Nên tôi cũng chỉ biết tin là vậy, rồi cầu mong cho chú.

Đến tối, khi bố tôi về, lúc này tôi vẫn đang ở trên tầng học bài. Liền ngó xuống chào hỏi bố một tí. Thì lúc này, tôi vô tình nghe lỏm được, cuộc trò chuyện giữa bố với bà ngoại.

Chú Thắng hiện đang ở trong cơn nguy kịch, và chú đã được đưa lên bệnh viện tại Hà Nội để điều trị. Nói đến đây thì tôi cảm thấy mình nhẹ nhõm đi phần nào. Nhưng cuộc trò chuyện chỉ đủ cho bà và bố nghe, tôi ở trên tầng, dĩ nhiên không thể nghe được rõ ràng. Tôi nghe gì đó, tiếng bố nói như chuẩn bị tinh thần đón nhận kết quả, và tiếng khóc than thút thít của bà ngoại.

Thú thật, bản thân tôi hôm sau, khi nghe bố chính thức thông báo với tôi rằng, chú Thắng đã ngưng thở. Chỉ một khoảnh khắc ngắn ngủi, trái tim tôi đập loạn nhịp. Nhưng ngay sau đó, tôi không hề có chút cảm giác gì. Như thể chuyện của chú Thắng chưa từng tồn tại, tôi bình thản đến kì lạ.

Chính bản thân tôi cũng tự thấy mình đáng trách, nhưng đây là cảm giác của tôi. Tôi không muốn nói rằng, khi nghe về chuyện này, tôi cảm thấy vô cùng đau khổ, thương xót cho chú, mất ăn mất ngủ vì chú.  Vì đó là nói dối. Dù chú chính là họ hàng với tôi. Nhưng điều đó cũng không đồng nghĩa với việc tôi tin rằng chú đã mất. Tôi đã suy nghĩ rất lâu, và cảm thấy băn khoăn đến tận khi kết thúc buổi học nghề chiều.

Cuối cùng tôi cũng chẳng nghĩ được gì, điều mà tôi có thể nghĩ đến, là mong đợi đến lúc bố đưa tôi sang nhà chú, và tận mắt chứng kiến sự thật.

Tôi đã thật sự sửng sốt, khi những gì mình nghe thấy không phải là một trò lừa gạt, hay bản thân tôi vì đọc nhiều tranh sách mà ảo tưởng ra. Khi mẹ chuẩn bị chiếc khăn tang trắng cho tôi và em trai, tôi đơ người khi nhìn di ảnh của chú, và tiếng nhạc, trống, kèn bi ai cứ vang lên văng vẳng như muốn thét vào tai tôi.

Mẹ đeo lên cho tôi chiếc khăn tang màu trắng, và bảo tôi vào trong nhà ngồi cùng với em. Tôi bước theo sau mẹ vào nhà, và căng tròn mắt khi thấy cái Hân, Hà đang ngồi đó mà khóc thút thít.  Khuôn mặt đỏ ửng cả lên, hai mắt khóc nhiều đến sưng.

Tôi thắp nén nhang, vái một lạy, rồi cắm nhang vào bát gạo đã có rất nhiều nén tàn, còn nén đang cháy dần. Rồi tôi ngồi xuống chiếu, bên cạnh mấy đứa nhỏ.

Cái Hân nằm xuống, nghiêng người sang phía quan tài. Lúc này tôi mới chợt để ý đến hai cái điện thoại mà dì Huế, và Hân đang cầm mỗi người một cái. Tôi đã thầm nghĩ trách hai người vì cảm thấy hai người vô tâm, vẫn thản nhiên chơi điện thoại.

Nhưng ngay sau đó tôi đã vô cùng hồi hận, dù đó chỉ là ý nghĩ, nhưng tôi cảm thấy tội lỗi và tự mắng mình bằng trăm lời lẽ. Tôi bật khóc, khi thấy dì dơ điện thoại ra phía cái Hà:

– Xem này, bố gửi nhiều tin nhắn cho mẹ chưa?

Dì Huế vẫn cố mỉm cười, nụ cười chua chát và hốc mất đỏ hoe. Cái Hà lắc đầu, mếu máo:

– Bố gửi đầy tin nhắn, đọc bao giờ mới hết.

Lúc này tôi lại càng thêm chạnh lòng, sống mũi cay cay, nước mắt cứ thế tuôn rơi theo đường góc khuôn mặt. Rồi ngó về phía điện thoại của cái Hân cầm, đang quay lưng lại về phía tôi. Tôi thấy nó đang dở lại tập Album, những bức ảnh và kỉ niệm cùng chú Thắng. Người nó run lên, rồi thút thít thành tiếng.

Cái Hà nó cứ liên tục khóc, rồi lẩm bẩm quay sang hỏi tôi:

– Em biết phải sống làm sao bây giờ? Bố mất rồi, ai sẽ đưa đón hai chị em Hà đi học đây? Ai chăm lo cho Hà trong lúc mẹ đi vắng.

Nhìn đôi mắt chan chứa đầy sự bi thương và mất mát, tôi chỉ biết ôm lấy cái Hà mà khóc nức nở. Bởi mất đi người cha đối với người con còn bé là sự mất mát vô cùng lớn, tạo ra một khoảng trống trong trái tim còn hồn nhiên ngây thơ của một đứa trẻ. Bởi lẽ chúng còn quá nhỏ, để phải mặc chiếc áo trắng cùng khăn trùm đầu. Đứa lớn là cái Hân mới có học lớp 7, Hà mới học lớp 4.

Hân và Hà không phải là đứa trẻ duy nhất phải chịu cảnh khổ đau này, vì còn vô số những đứa trẻ khác trên thế giới mất đi cả cha lẫn mẹ, mất đi tình thương và mái ấm gia đình. Nhất là vào hoàn cảnh đại dịch Covid này.

Nhưng người phải trải qua những khổ đau mất mát ấy căn bản chưa phải là tôi, tôi không thể hiểu được cảm giác của chúng. Bởi sau cùng đó cũng chỉ là những người ta không hề quen biết. Tôi chỉ có thể tự khuyên nhủ lấy mình, và cố nuôi giữ lấy cái suy nghĩ 'vô cùng thương tiếc' ấy. Chứ lòng tôi thực sự rung động hay không thì tôi không biết.

Bà ngoại tôi cũng vừa ngồi vào chiếu, mặt bà cũng đỏ cả lên, khóc thương cho chú Thắng. Suốt từ hôm thứ hai bà về nhà tôi, bà đã khóc than suốt, khiến lòng tôi rối bời cả lên.

– Ông trời ơi, sao ông nỡ lòng nào tàn nhẫn như thế. Đem cái mạng già này đi thì không đem, tụi nó còn nhỏ như thế, mà ông lại mang bố của tụi nó đi là sao?! Ông trời ơi là ông trời...

Tôi đến rồi cũng chỉ biết khóc, lòng tôi không thể ngăn được nước mắt chảy ra. Cả dì Huế và cái Hân đều chìm đắm lại trong những kỉ niệm ghi lại trên điện thoại, những bức ảnh và bài viết, như mê muội không thể nào chú ý đến xung quanh được nữa. Bởi vì nơi đó có chú Thắng.

Một lúc sau, cái Hà nó dẫn tôi lên lầu. Nó muốn cho tôi xem đống đồ cổ chất thành đống, chật kín cả một căn phòng. Chú Thắng là một người rất thích sưu tầm đồ cổ, đến mức phòng khách bước vào cũng chỉ toàn mùi gỗ, sứ,... cũ phảng phất lên không khí.

– Bố em chung thủy cực kì chị nhé! Bức vẽ chúc mừng ngày 20-11 nhiều năm trước mà hai chị em em vẽ cho, đến bây giờ bố vẫn còn giữ.

Vừa nói, cái Hà vừa nhấc tấm thiệp vẽ tay đã cũ mèm, đưa nó cho tôi xem.

Tấm thiệp được vẽ trên một tờ giấy A4 thông thường và gập đôi lại. Nó quá cũ và ẩm ướt, đến mức hình vẽ tô màu in hết cả sang trang.

Rồi Hà chỉ tay về phía gần cánh cửa, áp sát tường. Tôi thấy hình dáng của nó là một bó hoa lớn.

– Cái bó hoa góc nhà kia kìa, là hoa giả đấy, nên mới không bị gì. Bố em tặng mẹ, rồi hỏi nó có đẹp không. Đã từ lâu lắm rồi, đến bây giờ bố vẫn giữ cẩn thận.

– Hai chị em em vẽ tranh xấu lắm. Nhưng khi tặng cho bố, bố vẫn bảo rằng nó rất đẹp. Nếu bố tặng mẹ thì mẹ chỉ lấy tiền thôi, còn quà thì mấy hôm sau là mất. Nhưng bố thì lúc nào cũng giữ gìn cẩn thận cực kỳ.

Nói rồi cái Hà nó lại bật khóc. Bởi chăng trong cái đám tang của bố nó, nó không thể cất lên được một nụ cười vui vẻ. Sống mũi tôi lại cay cay, nước mắt lại rưng rưng, khiến hình ảnh xung quanh tôi mờ đi, khó nhìn.

Rồi cái Hà lại dắt tôi sang phòng bên cạnh, nó chỉ cho tôi cặp kính của chú Thắng, và một chiếc đồng hồ vàng, dù không biết nó được làm bằng chất liệu gì, nhưng cái Hà bảo rằng bố rất nâng niu nó, đi đâu cũng không bao giờ quên ở nhà.

Nó ôm lấy chiếc gối của bố, rồi nằm vật xuống giường đang chất đống chăn gối.

– Hà nhớ bố...

Rồi sau chúng tôi cũng lại đi xuống ngồi cạnh quan tài. Thấy Hân vẫn triền miên trong những tấm hình của bố, còn dì Huế đã sớm nằm xuống đùi Hân thiếp đi. Góc mắt vẫn còn nước.

Mẹ tôi bảo trưa nay dì uống được mỗi hộp sữa, không chịu ngủ, và giờ thì để nguyên cho dì nghỉ ngơi. Tôi ngồi đó, và nghe thấy tiếng của một người đàn ông than khóc, vang khắp cả căn phòng sau tấm vải màu vàng lấp lánh, lặp đi lặp lại một nội dung.

– Thắng ơi! Về với bố con ơi! Về ăn cơm với bố, đến giờ ăn rồi con ơi! Sao con vẫn còn chưa về, con đi rồi ai ăn cơm với bố con. Thắng ơi về ăn cơm với bố con ơi!

Tôi cắn môi dưới, quay mặt đi mà nhịn khóc. Tôi đã quá xúc động với những gì tôi thấy. Đến mức tôi cũng chỉ biết thần người ra đấy. Cái Hân và Hà đều phải ra cúng viếng, cả dì Huế cũng thế, chỉ còn tôi ngồi lại với một đống giấy đã được sử dụng.

Tôi cảm thấy khó thở, mũi tôi gần như không thở được, có phải vì khóc quá nhiều?

Tôi nhìn thấy hai chiếc điện thoại mà mới nãy cả dì và em đều đang cầm, tôi tùy tiện nhấc một cái, mở màn hình lên.

Màn hình hiển thị là trang tin nhắn Zalo, có lẽ đây là máy của chú, vì nhảy cả hàng đống tin nhắn kính viếng, rồi tiếng gọi thầy ơi từ những học sinh ở trường Cao Đẳng Nghệ Thuật. Thứ khiến cho tôi phải bật khóc thành tiếng, đó là dòng tin nhắn từ máy cái Hân.

" Bố cứ yên nghỉ nha bố con sẽ chăm sóc mẹ và em, sẽ nghe lời bà giúp đỡ mẹ"

"Con yêu bố"

" Bố sẽ mãi là người bố tuyệt vời nhất của con."

Tôi dụi đầu vào chiếc điện thoại, tôi gục ngã trước hoàn cảnh đáng thương của hai đứa trẻ này, sao ông trời có thể nỡ lòng nào dồn những đứa trẻ ấy vào hoàn cảnh như thế.

Tôi không thể chịu đựng được, khi sự đau khổ thiếu thốn tình thương nặng nề và mất mát đang dần đục khoét trong trái tim từng chan chứa tình yêu thương của đứa nhỏ ấy một khoảng trống vô cùng lớn.

Lúc sau khi lễ nghi bên ngoài kết thúc, cái Hà trở lại ngồi cạnh tôi. Nó uể oải, chán chường. Nhưng đôi mắt nó vẫn cháy lên sự kiên cường.

Nó cầm lấy cái điện thoại tôi vừa đặt xuống, mở màn hình lên. Dòng tin nhắn từ tài khoản Hân hiện ra. Nó ngập ngừng đánh máy viết, rồi xoá, rồi lại viết tiếp. Tay nó run run liên tục đánh sai chữ. Rồi cuối cùng cũng hoàn thành được một câu, chỉ vỏn vẹn ba chữ ngắn gọn. Lòng tôi dâng lên cảm giác khó hiểu, vì ấy là máy của chú mà.

Khi cái Hân trở lại, nó cầm lấy máy điện thoại của nó, sáng lên màn hình. Nó lại đánh dòng tin nhắn gửi đi. Cái Hà đang ngồi trong lòng tôi không hiểu sao liền hăm he:

– Nói chuyện với bố thì đừng có nói chuyện kiểu đấy!

Rồi cái Hân liền xoá dòng viết ấy đi, đánh lại. Để đáp lại dòng tin nhắn mà cái Hà dùng máy chú Thắng viết: " Bố yêu con "

Dù đó không phải do chính chủ nhắn gửi, nhưng không hiểu sao, tôi vẫn cảm nhận được thứ tình cảm ấm áp lan tỏa ra từ câu nói đó. Tôi đứng dậy, và đi vào nhà bếp rửa mặt.

Tiếng nhạc bi ai, thương tiếc cho người đã ra đi vẫn vang lên, tôi vẫn chỉ lủi thủi trong nhà, không dám đi ra ngoài. Bởi chẳng vì giữ lấy cái tôi mà ngại để người ta thấy đôi mắt sưng húp vì khóc nhiều.

Than ôi! Sao chú lại ra đi không báo trước như thế, để rồi mấy đứa nhỏ đau khổ khóc cạn nước mắt vì mất đi người bố thân yêu của mình.

Chú ơi! Bao nhiêu ngày không chọn, chú lại ra đi vào sát cái ngày vui của dì cùng hai đứa em nhỏ - 20/10 - Ngày Phụ nữ Việt Nam. Thật tàn nhẫn.

Chú ra đi thật đột ngột, còn chưa kịp để lại lời nhắn nào.

Tôi quay trở lại cạnh cái Hà, xoa xoa cái đầu nhỏ, như để an ủi đi phần nào cho em. Lúc này cái Hà đang cầm trên tay chiếc điện thoại của bố, và dòng tin nhắn mới từ tài khoản cái Hân. Tôi không dám nhìn.

Trông cái Hân nó như suy sụp lắm rồi.

" Bố ơi...!!!!!!!!!!! Con sống sao đây "

" Con xin lỗi vì trước khi bố mất con đã không nghe lời bố và để bố nhắc nhở nhiều "

" Nếu chúng con không hư thì bố đâu bị đau đầu thêm mà như thế này chứ "

" Con bảo bố này bố xin Thiên Vương là cho con vào sổ đen thay bố đi vì tất cả là lỗi của con mà "

" Bố về đi bố "

Kế đó, là một tấm ảnh chụp dì Huế đang nằm ngủ trên nền chiếu, hướng người về phía quan tài, trông chừng mệt mỏi nhiều lắm.

" Bố nhìn mẹ này "

Cảm xúc của tôi lại dâng trào, những dòng tin nhắn ấy là từ một bé gái lớp 7 ghi lên. Tôi cũng chẳng hơn em là bao nhiêu, nên có khi nói ra sẽ thấy hơi lạ. Liệu có phải khi gặp phải chuyện không thể lý giải thì trẻ con thường sẽ tự trách bản thân mình?

Tôi không mấy cảm thấy thương xót hay đau khổ thay cho chú Thắng. Điều khiến tôi liên tục xúc động và bật khóc, chính là cảm giác chân thực nhất của những đứa nhỏ thiếu thốn tình cảm vô cùng lớn ấy, đã truyền đến tôi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net