PHỐ LÀNG XÔN XAO

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bỏ qua "ổ" của tôi và "ổ" nhà anh Khờ (do chị vợ anh bày ra), chúng ta hãy cùng ra "phố".

Thú thực, chỗ nhà tôi đúng là một cái làng, chẳng qua sau khi chia tách sáp nhập gì đấy, thì "làng" mới lên đời thành "phố". Mà rõ là làng tôi hơi bị "phố"! Buổi sáng, đi ba bước ra đến đầu "phố" đã gặp một đống hàng: Bún riêu, bún ốc, bún chả, bún mọc, bánh cuốn nóng, trứng vịt lộn, cả... cháo lòng tiết canh. Đương nhiên, như phố, cũng sẽ có những hàng rong bán xôi, bánh rán, bánh mì, bánh giò, bánh nếp... ngồi "góc phố". Trưa, chiều: Cái chợ to đùng – mà cũng chỉ đi thêm vài bước chân – sẽ họp, tha hồ đông vui. Mẹ chả bao giờ phải lo lắng lên danh sách ăn gì – mua gì, vì dù có mua thiếu đi chăng nữa, thì chạy ù cái ra chợ là xong! Tối muộn chợ đóng cửa, thì hàng tạp hóa bán cả tỉ thứ bà rằn vẫn còn mở đến tận khuya, cùng với quán ăn vặt những nem chua, ốc, khoai, trà chanh, nước mía... cả hiệu thuốc, tiệm gội đầu, phòng mạch, phòng khám răng, sửa xe rửa xe... Tóm lại là, rất phố!

Cơ mà phố tôi lại cũng hơi bị "làng"! Mặc kệ hàng tạp hóa mở cửa từ sớm đến khuya, mặc kệ chợ to đùng ngày nào cũng họp rộn rịp, thì chúng tôi vẫn có hẳn một cái... chợ phiên, mỗi cuối tuần, ở ngay sau nhà (không phải đi một bước chân nào cả!).

"Chợ phiên" bắt đầu từ đợt có dịch... lợn tai xanh, một cô, không muốn mua thịt ở chợ nữa nên nhờ mẹ cô mua thịt ở quê gửi cho. Mọi người ùn ùn nhờ gửi theo và thế là cô Bán Thịt quyết định nhờ mẹ cô mua luôn cả con lợn (đã thịt), rồi lên đây xẻ ra bán lại cho mỗi nhà một ít. Sau này tiện thể gửi thịt, mẹ cô Bán Thịt gửi... tất cả các thứ có thể gửi và có thể bán: Bí xanh, bí đỏ, đu đủ, bí thơm... Cô Bán Thịt bận rộn đến nỗi phải có thêm hai "trợ lý": Một người ghi chép (ai mua bao nhiêu cân thịt, ai mua chịu chưa trả tiền, cái chân giò này phải để phần ai...); người kia giúp gói đồ, chuyển đồ cho khách.

Sau khi đã có "cái ăn", chợ phiên phát triển đến "cái mặc". Hàng xóm sát vách nhà tôi, có chị con gái đã đi lấy chồng. Cuối tuần chị về thăm bố mẹ. Thấy "chợ" đông vui, chị liền ôm quần áo trẻ con ra bán. Đủ cả đồ cho bé trai, bé gái. Đủ kích cỡ sắc màu chất liệu.

Thế là những người mua thịt có thể qua ngó quần áo, bới quần áo trong lúc chờ xẻ thịt. Và những người mua quần áo, có thể tiện tay xách thêm thịt, lạp sườn, rau củ quả... Chợ phiên vì thế lúc nào cũng nhộn nhịp đông vui.

À, nhân thể đang nói dở chuyện làng, để tôi kể luôn chuyện nhà anh Khờ trong con mắt của xóm làng. Vốn tính chăm chỉ tháo vát yêu động vật quý trẻ em, anh Khờ chiều vợ thôi rồi và bây giờ khi chị mang bầu thì anh càng chiều chị hơn. Buổi sáng anh là quần áo cho chị, mua đồ ăn sáng cho chị, chở chị đi làm rồi đến chiều lại rước chị về, anh nấu nướng cơm nước để chị... nghỉ ngơi. Ăn tối xong, lại là anh rửa bát còn chị nằm xem ti vi. Và việc nặng nhọc nhất mà chị làm, có lẽ là... thêu tranh. Chị thích tranh thêu chữ thập, thế nên nếu chị không nghỉ ngơi hoặc xem tivi, thì y như rằng chị lại tẩn mẩn giở đồ lề ra ngồi thêu. (Thôi được, từ bây giờ chúng ta hãy gọi chị là chị Thêu).

Anh Khờ chiều vợ, không có gì sai trái. Nhưng chị Thêu đâm ra hơi hơi lười biếng ỷ lại, thì xóm giềng yêu quý anh Khờ thấy như thế thật là không phải.

– Thôi, chuyện vợ chồng nhà nó, xen vào làm gì!

– Mọi người bảo nhau thế.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

#hht