Một tiếng chửi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tám giờ sáng.

Xe trờ tới bến. Thằng Nê đứng phắt dậy, hấp tấp chen lên phía trước. Thân hình cao nghều nghệu thành công bỏ lại những hành khách đang nhốn nháo sau lưng.

Vừa xuống xe thằng Nê đã bị bao phủ bởi tiếng chèo kéo khách của mấy chú xe ôm. Nó thầm tính, giờ đi xe vô nhà thì nó mất ba bữa cơm, nếu đi bộ thì hơn một tiếng. Thằng Nê lắc đầu thật mạnh. Thôi, ba bữa cơm thì ba bữa cơm. Nó nóng ruột quá, không đợi được.

Thằng Nê nhìn quanh quất, định bụng chọn chú nào hiền hiền năn nỉ bớt được chút nào hay chút nấy, thì nhác thấy thằng Nục em nó thu lu núp sau cột điện đằng xa, mắt ngó dáo dác. Dường như cảm nhận được có người đang nhìn, thằng Nục quay lại.

"Anh Hai..."

Thằng Nê cuống quýt bước đến. Tay nắm chặt lấy vai em trấn an. Nó nhận thấy trong mắt thằng Nục một nỗi sợ hãi dữ dội, lan ra cả bầu không khí xung quanh. Thằng Nê cắn môi một cái thật mạnh, xốc lại tinh thần. Giờ nó là chỗ dựa của em nó. "Sao em ở đây?"

"Em sợ anh Hai về gặp tía trước, nên..." Thằng Nục lí nhí. "Em đi với anh Sửu ra đây sửa cái máy dầu cho chú Mười." Nó vừa nói vừa kéo anh nó tới tiệm sửa máy ngay dưới dốc cầu.

*** *** ***

"Ôi tiếng cười vỡ vụn giữa không gian như thay vạn lời đưa... tiễn... Xin hãy cạn chén rượu hàn vi cho ngất... ngây say... mà mơ ước... chuyện... tương... phùng..." (1) Câu vọng cổ phát ra từ ra-dô buồn não nuột, vang vọng khắp mặt sông Cái, vỗ thẳng vào lòng thằng Nê.

Nó quay đầu nhìn thằng Sửu đang chạy máy phía sau. Hai ánh mắt lo ngại. Hai nụ cười gượng gạo. Chỉ thiếu một cái bọc ni-lông đựng hai bộ quần áo.

Là giống hệt bảy năm trước.

...

Bảy năm trước, thằng Nê mười lăm tuổi, học hết lớp tám thì bỏ học. Cái đói, cái khổ và sự chỉ trỏ của bà con lối xóm thôi thúc nó đi tìm cơ may đổi đời.

Nó nghe người ta nói ở Sài Gòn, Đồng Nai có nhiều công ty mướn người lắm. Nhưng mấy chỗ đàng hoàng chỉ tuyển công nhân mười tám trở lên. Nhỏ hơn thì làm những việc chẳng ra hồn ra vía gì, lương sống còn không đủ nói chi đổi đời. Có đứa dại dột nghe người ta dụ dỗ, đi trộm cướp hay bán ma túy thì chỉ có mục xương trong tù. Thằng Nê không muốn vậy, nó muốn đổi đời bằng cách làm ăn chân chính.

Mấy ngày đó thằng Nê nghĩ lung lắm. Nó cứ lật tới lật lui tờ giấy chứng minh mới cáu, không biết làm sao để được biến thành mười tám tuổi ngay tức khắc. Bất chợt một ý tưởng táo bạo lóe lên trong đầu nó, cùng với hình ảnh giấy chứng minh của thằng Sửu.

Thằng Sửu là em họ của nó. Tụi nó là anh em chú bác chung đầu ông sơ, tức là ông nội hai đứa là anh em chú bác ruột. Nghĩ cũng ngộ, bà con xa đại bác bắn không tới nhưng tụi nó lại hao hao giống nhau. Đó là nhìn bên ngoài. Chứ nhìn qua hai tấm hình nhỏ xíu trên giấy chứng minh thì phải nói là y hệt nhau. Lạ nữa là dù đói ăn thằng Nê vẫn cao vụt lên hàng ngày. Nó mười lăm đã cao suýt soát thằng Sửu mười tám. Hễ ra khỏi xóm Lung, nói thằng Nê là thằng Sửu chắc không mấy người nhận ra được.

Nghĩ sao làm vậy. Sáng hôm sau, thằng Nê ké vỏ lãi của thằng Sửu ra bến xe đi Sài Gòn. Hành trang nó đem theo là gần hai trăm ngàn tiền để dành của ba anh em nó với thằng Sửu, cái bọc ni-lông nhỏ đựng hai bộ quần áo mới cứng chưa mặc lần nào mà cô Năm nó mua cho hồi Tết, và giấy chứng minh mười tám tuổi mấy ngày của thằng Sửu.

Hôm đó. Cũng bài vọng cổ này. Cũng ánh mắt lo ngại. Cũng nụ cười gượng gạo.

Mơ ước chuyện tương phùng. Ngày tương phùng rồi sẽ ra sao?

...

"Thằng Sửu" ở Sài Gòn được duy nhất một ngày đã biết xứ phồn hoa này không dành cho những người nghèo rớt mồng tơi như nó. Giá cả chót vót trên ngọn tre ngọn trúc, chẳng thể nào sống nổi. Vậy là nó lặn lội đến mấy khu công nghiệp ở Đồng Nai, Vũng Tàu. Hai năm, đổi mấy công ty. Sau cùng, nó lần qua Bình Dương, xin được vào nơi nó đang làm, kể là êm nhất.

Khi thằng Nê chính thức được mười tám tuổi thì "thằng Sửu" xin nghỉ. Thằng Nê lại làm công nhân "mới toanh" một lần nữa, và làm đến tận bây giờ. Nó là một trong những công nhân ít học gắn bó lâu nhất với công ty. "Sống lâu lên lão làng", giờ nó đã là tổ trưởng, lương cao hơn một chút, có quyền hơn một chút.

Những tưởng công việc xuôi chèo mát mái thì đời nó cũng khá hơn. Nhưng không! Thằng Nê đi làm bảy năm, về lần này nữa là chín lần. Lúc đi cũng như lúc về, đều một nghèo hai trắng.

Cũng bởi vì thằng Nê một năm chỉ về ba ngày Tết, chứ tiền lương của nó thì về đều đặn hàng tháng. Công ty bao cơm, nên mỗi tháng nó chỉ để lại ít trăm phòng bất trắc, còn lại bao nhiêu gửi hết cho tía má.

Nhà nó không còn đất đai nên không làm ruộng. Muốn nuôi heo thì phải có tiền mua heo giống, mua thức ăn. Muốn trồng nấm thì phải có tiền mua rơm, mua meo, mua thuốc. Muốn nuôi gà thì phải có tiền làm chuồng, mua gà con. Nói chung là mọi thứ đều cần tiền. Và hai đứa em đang đi học cũng cần tiền.

Người khác đi làm thì năn nỉ xin nghỉ phép, thằng Nê đi làm thì năn nỉ xin tăng ca. Nó tăng ca đến mức người ta không dám cho nó tăng ca nữa, sợ cái thân mình khẳng khiu của nó chịu không nổi.

Nhưng nếu không tăng ca, với lương công nhân ba cọc ba đồng nó chẳng thể nào lo nổi cho cả nhà. Nói đâu xa, hồi đầu tháng này má nó cho hay đợt heo vừa rồi lỗ quá, không đủ trả tiền thức ăn, kêu nó gửi thêm tiền về. Má còn dặn nó ráng kiếm thêm ít đỉnh để má nó nuôi vụ nữa.

Có điều, nếu chỉ cần tăng ca là giải quyết được tất cả mọi vấn đề thì nó cũng không dám than van gì.

...

Xế chiều hôm qua, khi nhận được điện thoại của em lòng thằng Nê nóng như lửa đốt, khổ nỗi không nhờ được ai thay ca. Tối mười một giờ lên xe, hy vọng chợp mắt được một chút nhưng có được đâu. Chuyến xe đêm qua đông khách tợn, thiếu điều chen lên đùi nhau mà ngồi. Xe lại cũ, xốc nẩy dữ dội. Mình mẩy thằng Nê giờ ê ẩm như bị mấy con trâu giậm lên.

Thằng Nê vốn không muốn má nó nhìn thấy bộ dạng mệt mỏi của nó. Nhưng còn cách nào khác nữa đâu. Tuần này nó rơi vào ca đêm. Ban ngày trời Bình Dương nóng hầm hập như đổ lửa. Hơi nóng xuyên qua lớp ton (2) mỏng tan của cái phòng trọ cũ rích, rồi xuyên qua người nó, thấm tận xương tủy, làm nó không sao ngủ nổi. Cả người nó gầy xọp xuống, mắt trũng sâu, thâm quầng, nhìn như người lâm bạo bệnh mới khỏi. Lại thêm chuyến xe ép mắm tối qua, Thằng Nê có cảm giác cả xương cốt và đầu óc mình đều sắp rã ra cả rồi.

...

"Ê... Tính sao mậy?"

Ngữ điệu lo ngại pha chút hy vọng của thằng Sửu làm thằng Nê càng thêm uể oải. Nó thở hắt ra một tiếng, trả lời trổng không: "Ai biết."

"Cái gì? Ai biết thì mày về làm gì?" Thằng Sửu cự. "Mày không về thì thôi, mày mà về thì tía mày đoán được liền là thằng Nục báo cho mày hay. Mày quay lưng đi, ổng đánh chết nó cho coi."

Câu nói của thằng Sửu làm thằng Nục co rúm người lại. Thằng Nê nhìn bộ dạng của đứa em mà quặn lòng.

Trong nhà nội thương thằng Nê nhất. Lúc nó còn nhỏ xíu, nội dạy dỗ nó từng chút một. Nội dắt nó đi chợ, đi thăm bà con, đi đám tiệc, nên nó dạn lắm. Thằng Nứa thì được tía má cưng chiều vì là con út, lại lanh lợi hoạt bát. Chỉ có thằng Nục chậm chạp, ít nói, mặt lúc nào cũng dàu dàu, nên không được ai chú ý. Lúc thằng Nê đi làm, tía má nó đi nuôi vịt chạy đồng, thằng Nứa suốt ngày đi chơi bời với bạn bè, bỏ thằng Nục ở nhà lo hết mọi việc, từ câu cá nấu cơm, phơi vỏ dừa hun muỗi đến trồng bầu bí để ăn thêm. Thằng Nục ở nhà riết đâm ra nhát người lạ. Người vốn ít nói càng trở nên lầm lì.

"Sao tụi bây biết?"

Thằng Nê hỏi thằng Sửu, nhưng em nó giành trả lời. Giọng nói không thể nào che giấu được nỗi sợ vô hình đang len lỏi trong người nó. "Em thấy chiều chiều tía hay sai nó đi ghi số. Có một bữa em nghe nó rủ tụi bạn đi ka-ra-ô-kê ở đầu kinh, nó bao... Tụi em đâu có tiền... Em... em theo nó mấy bữa, mới biết tía trúng số, tía cho nó tiền." Nói tới đây, thằng Nục giương cặp mắt dè chừng nhìn anh Hai nó. "Nó lấy tiền đó đi đánh số, trúng mấy lần rồi."

"Má hay chưa?"

"Dạ rồi. Hổm má có rầy nó, nhưng tía bênh. Em thấy nó không bỏ, mới cho anh Hai hay."

Hai bàn tay thằng Nê vô thức siết chặt lại, từng lằn gân xanh hằn lên rõ rệt.

Nó sợ.

*** *** ***

Thằng Nê bước chân vô nhà. Hơn năm năm rồi nó vẫn không thể nào quen với cái nhà này.

Nhà của nó, trong kí ức, ở sâu trong kia kìa, chứ không nằm ngay bến nước như vầy. Nhà của nó cũng vách lá đơn sơ, nhưng chỉ sau hai mùa mưa lá mục thì nội và má nó sẽ trầm lá cho tía lợp lại, chứ có đâu ban ngày ngước lên thấy toàn sao như vầy. Nhà của nó có bộ ngựa gõ đỏ và bộ sa-lông chò chỉ của dượng Năm biếu nội, chứ không trống trơn như vầy. Nhà của nó xung quanh nào ớt, nào chanh, nào chuối, nào dừa, đủ thứ nội trồng cho tụi nó, chứ không tiêu điều xơ xác như vầy.

Thằng Nê không nhớ rõ lần đầu tiên nó thấy căn nhà này là khi nào. Nhưng nó nhớ rõ cái cảm giác hổ thẹn và ân hận lúc đó. Nhớ rõ lắm! Có lẽ đời này chẳng thể nào quên được.

Nó nhớ lúc tía nó cầm cố hết đất đai ông bà nội để lại, bán luôn cả chiếc ghe đi buôn hàng, thì nhà nó chẳng còn kế gì để sinh nhai. Chỉ còn lại nửa công đất với căn nhà thờ cúng ông bà. Thỉnh thoảng tía dẫn nó và thằng Nục lên xóm cầu Kiệu hay xuống kênh cầu Kho vác đất mướn cho người ta. Tía nó lãnh công trước rồi đi đâu mất biệt, bỏ lại hai anh em với hai ba thùng mì gói, dặn làm xong việc rồi tự về. Cũng may chủ nhà người ta thương tụi nó làm không nệ công nên cho ăn cơm nhà. Chứ không hơn nửa tháng phải vác đất nặng mà một ngày chỉ có hai gói mì suông, không thịt thà cá mắm thì chắc tụi nó chết, sức dã đâu mà làm cho nổi.

Thằng Nê lớn và khôn hơn thằng Nục, nó biết đó không phải là cách lâu dài. Sau mấy bận như vậy, nó đi. Nó giả thành "thằng Sửu" và đi đổi đời. Đời đổi chẳng được, dù tiền cứ gửi về luôn.

Thằng Nê đi được hai năm, một bữa có người quen cho nó hay tía má nó đi nuôi vịt chạy đồng, bỏ hai đứa nhỏ ở nhà cù bất cù bơ. Nghe nói chỉ để lại không đầy một táo gạo (3). Tụi nó ăn hết rồi, đói mấy bữa nay, mà không ai biết tía má nó ở đâu để cho hay.

Thằng Nê nghe xong tá hỏa. Hai đứa em nó một đứa mười bốn, một đứa mười một. Nó lật đật xin nghỉ về ngay.

Đường từ bến xe về nhà lúc đó còn sình lầy, xe hon-đa chạy không được. Nó lội bộ hơn một tiếng đồng hồ mới đến bên kia bờ.

Đập vào mắt nó là một cái chòi ngay bến nước. Cái chòi với mấy cây cột cứng cáp, nhưng bốn bề trống hoác, không cửa không vách, nhìn một cái thấu từ đằng trước ra đằng sau.

Từ nhỏ đến lớn, đó là lần đầu tiên thằng Nê nhận ra rằng sông Cái không rộng như nó tưởng. Chí ít là không đủ rộng để nó đừng thấy được hai cái bàn thờ ở trong cái chòi bên bến nước. Bàn thờ ông bà của nhà nó.

Thằng Nê định thần một lúc lâu mới đủ sức bắt tay làm loa, cất giọng khàn đặc gọi hai đứa em qua rước. Nhưng thứ nó đợi được không phải là chiếc xuồng ba lá cũ kỹ quen thuộc, mà là một cái thau.

Thằng Nê ngơ ngác nhìn em nó sốt sắng quăng cái thau giặt đồ mủ xuống sông, nhanh nhẹn leo vào, rồi lấy hai tay làm dầm quạt quạt nước đưa cái thau qua mặt sông Cái rộng thênh thang. Cổ họng nó đắng ngắt.

Nửa công đất cuối cùng đã mất. Căn nhà thờ cúng ông bà đã mất. Ngay cả cái xuồng ba lá thay chân cũng mất.

Cảm giác hổ thẹn và ân hận quấn lấy thằng Nê không buông. Ám ảnh nó đến tận bây giờ.

*** *** ***

"Nê?! Sao về vậy con? Con có sao không con?"

"Thưa má, con mới về." Thằng Nê vừa nghe tiếng gọi, đã đứng lên nghiêm chỉnh, hai tay khoanh trước ngực, cúi đầu thưa.

Từ nhỏ nó đã được dạy như vậy rồi. Chỉ cần ở nhà, dù là ở đâu trong khuôn viên hơn chục công đất xung quanh, lúc nghe có người lớn đến, nó phải bỏ ngay việc đang làm, chạy ù ra, đứng nghiêm chỉnh, khoanh tay chào. Sau đó nghe hỏi chuyện, đến khi được cho phép thì mới đi xuống. Đến bây giờ nó vẫn giữ được thói quen đó. Hình như trong xóm này chỉ còn mình nó giữ lề lối chào người lớn như vậy. Tụi còn lại khi nào gặp mặt thì đứng lên gật đầu, thưa một câu là xong.

Chị Hậu cẩn thận đưa mắt nhìn con hồi lâu, thấy nó không có gì không ổn, mới thở phào nhẹ nhõm. Sau đó chị lại lăng xăng lên, tay cởi nón lá để lên bàn, chân vội bước sang gian bếp nhỏ: "Con về hồi nào? Ăn uống gì chưa con? Để má nấu cơm."

"Thôi khỏi đi má. Chắc con đi liền rồi má." Thằng Nê cản. Nó còn bụng dạ nào mà cơm với nước.

Chị Hậu quay lại nhìn con. Ánh mắt thật khó hiểu. Như nhẹ nhõm, lại như lo lắng. "Con biết rồi hả?"

"Dạ, con biết rồi má."

Căn nhà lặng thinh. Tiếng hít thở của hai má con nghe rõ mồn một.

Hồi lâu, chị Hậu như sực tỉnh, thảng thốt hỏi: "Thằng Nục đâu rồi con?"

"Con kêu nó qua nhà chú Mười lánh một chút rồi má."

"Ừ." Không hiểu chị Hậu nghĩ gì mà chị lui cui tìm cái bọc ni-lông, xếp ba bộ quần áo mới của thằng Nục để vào.

Thằng Nê cũng không hỏi tại sao má nó làm vậy. "Tía đâu rồi má?"

"Tía con đi tiếp đám bên nhà chú Sáu. Chắc cũng sắp về rồi."

"Má, má ơi, chú Sáu có gửi thịt kho tàu với đòn bánh tét cho má nè má." Tiếng thằng Nứa í ới vọng vào nhà, cắt ngang lời chị.

Không khí trong nhà đặc quánh.

"Anh Hai..." Thấy anh Hai ngồi đình huỳnh giữa nhà, thằng Nứa chỉ muốn co giò bỏ chạy nhưng nó không dám. Nó đứng im, khoanh tay cúi đầu: "Thưa anh Hai mới về."

Vẻ mặt y như bị bắt gian tại trận của đứa em út đập tan chút xíu hy vọng nhỏ nhoi của thằng Nê. Nó xẵng giọng: "Sao? Giờ dám đánh đề luôn rồi phải không? Một mình tía chưa đủ hay sao mà giờ tới em?"

"..."

"Sao không trả lời?"

"Nê! Về hồi nào vậy?" Giọng tía thằng Nê khàn khàn vang lên ngoài cửa.

"Thưa tía, con mới về." Như một thói quen đã ăn sâu vào máu, dù cơn giận ngập trời, thằng Nê vẫn nghiêm chỉnh đứng dậy, khoanh tay chào tía nó.

"Về có chuyện gì không?"

Thằng Nê chắc chắn tía đã nghe được lời nó khi nãy. Nhưng nếu tía đã hỏi vậy, nó cũng không định giấu. "Thưa tía, con nghe nói thằng Nứa đánh số, con về coi."

"Ai nói? Thằng Nục nói hả?" Tía nó hỏi nhác gừng. "Mà đánh số thì có sao đâu!?"

"Tía..."

"Được rồi. Hết chuyện thì lên Bình Dương làm tiếp đi. Hơn tháng nữa là tụi nó nhập học rồi, nhớ gửi thêm tiền về mua sách vở."

"Tía!!!" Thằng Nê kéo câu chuyện quay lại đúng hướng. "Con không đồng ý cho thằng Nứa chơi số. Ở nhà một mình tía chơi là con lo không nổi rồi."

"Lo? Lo cái gì? Mỗi tháng gửi về dăm ba triệu thì cho là lo?"

Dăm ba triệu?! Tía nói thật nhẹ nhàng. Tía có thèm quan tâm dăm ba triệu đó đổi bằng bao nhiêu mồ hôi và công sức của nó đâu. Giọng thằng Nê nghèn nghẹn: "Không phải là bao nhiêu tiền. Mà là cách tía xài tiền. Tía chơi số như vậy con lo bao nhiêu cho đủ."

"Thôi, có gì từ từ nói mà con." Chị Hậu kéo nhẹ tay áo của đứa con lớn.

Thằng Nê nghe má nó khuyên, lại thấy vẻ mặt tái mét của em thì mím môi lặng thinh.

"Má con có nói với con chưa? Vụ heo lần trước lỗ quá. Tháng này gửi thêm tiền về trả tiền thức ăn và mua heo giống nữa." Tía thằng Nê lại mở miệng đòi tiền.

"Con không gửi tiền về nữa đâu."

"Con nói cái gì?"

"Con không gửi tiền về nữa đâu." Thằng Nê đanh giọng.

"Mỗi tháng gửi về dăm ba triệu mà đã làm mình làm mẩy. Cũng tại má mày không biết đẻ mới tới nước này." Giọng tía nó khinh khỉnh. "Hừ. Đẻ gì mà đẻ một lèo ba đứa con trai. Chỉ cần đẻ được một đứa con gái thôi thì tao đã có con gả Đài Loan, kiếm vài trăm triệu làm vốn rồi."

Cơn giận dữ dội xộc thẳng lên óc thằng Nê: "Đ.M tía. Tía nói cái gì?"

Một tiếng chửi thề. Làm tất cả mọi người ngơ ngác. Phá tan cái trật tự vô hình trong nhà. Trong lòng thằng Nê dường như có một con đập vừa nứt toát rồi vỡ tan tành, bao nhiêu uất ức dồn nén bấy lâu nay hệt một cơn đại hồng thủy lồng lộn ập xuống.

"Lúc trước sắp chết đói luôn mà ông không biết sợ sao? Ông đánh số thua hết nhà cửa đất đai ruộng vườn ông bà nội để lại. Cái nhà bây giờ còn có mấy cây cột chứ không có nổi cái vách mà ông còn không biết sợ. Ông bán hết tất cả đi chơi số, để bà nội già cả phải nương tựa dượng Năm mà ông không thấy ngại sao? Giờ ông còn dạy thằng Nứa theo thói của ông? Nhà bị ông phá tàn mạt rồi còn cái gì cho nó đánh số nữa mà ông dạy? Ông đừng tưởng tui không biết. Tui biết hết. Má nuôi heo lớn, ông kêu lái vô bắt, lấy hết đi đánh số, mới không có tiền trả thức ăn. Má trồng nấm, ông cũng kêu người vô mua rồi lấy hết tiền. Mần ăn không có lỗ lã gì hết. Tất cả là tại ông đem tiền đi đánh số thôi."

Gào lên bao nhiêu đó đã lấy đi tất cả sức lực còn sót lại trên người thằng Nê. Nó thấy cả người mềm nhũn, đầu óc trống không.

Nó thấy tía nó lao vào bếp chụp lấy một cây củi to hơn cùm tay. "Mày dám chửi Đ.M tao luôn hả? Đồ mất dạy!!!"

Nó thấy thằng Nứa ôm ngang hông tía nó kéo lại. "Tía! Tía! Chạy đi anh Hai, chạy đi anh Hai!"

Nó thấy má nó dúi cái bọc ni-lông đựng ba bộ đồ của thằng Nục vào tay nó. "Nê, đi đi con."

Nó thấy thằng Nục ở đâu xông ra, lôi nó xuống bến nước.

Rồi nó thấy má nó và thằng Nục đẩy nó lên chiếc vỏ máy đuôi tôm của thằng Sửu không biết đã chờ sẵn tự khi nào.

...

Tiếng máy đuôi tôm rầm rì. Tiếng gió thổi ù ù. Tiếng lá cây khua xào xạc. Tiếng sóng vỗ vào mạn vỏ lãi ì oạp. Tất cả hòa vào nhau cũng không thể át đi tiếng chửi tua đi tua lại trong đầu thằng Nê: "Đ.M tía... Lúc trước sắp chết đói luôn mà ông không biết sợ... Ông đánh số thua hết nhà cửa đất đai ruộng vườn ông bà nội... để bà nội già cả phải đi nương tựa dượng Năm... Giờ ông còn dạy cho thằng Nứa theo thói của ông..."

Thằng Nê choáng váng. Hồi nãy, là nó chửi Đ.M tía nó. Là nó chửi. Tiếng chửi thề đầu tiên trong cuộc đời hai mươi hai năm của thằng Nê, là chửi tía nó.

*** *** ***

"Mình đi đâu anh Hai?"

"Lên thăm nội."

"Ừ, em cũng muốn lên từ giã nội. Nếu đi làm giống anh Hai thì một năm chỉ về thăm nội được một lần lúc Tết hà."

Thằng Nê nhìn cảnh vật lướt nhanh bên ngoài cửa sổ, rồi nhìn nụ cười vô ưu vô lo trên môi đứa em. Ai cũng nói thằng Nục khờ ịch, lại nhát gan, nhưng rõ ràng thằng Nục gan hơn nó, làm việc tốt hơn nó. Nếu năm đó nó làm được như em nó, thì mọi chuyện có lẽ đã không như vậy.

...

Ông nội thằng Nê mất khi nó còn ẳm ngữa. Mọi người hay nói nếu ông không đi sớm, tía nó không bao giờ dám dính vào lô đề. Tía nó đi ghe hàng dăm bữa nửa tháng mới về một lần. Bởi vậy lúc bà nội biết tin tía nó đã lậm dữ lắm rồi. Nội la rầy suốt, có khi giận đuổi đi luôn, tía nó cũng không bỏ. Nội đành phó mặc cái ghe hàng cho tía nó nhưng nhất quyết giữ lại hơn chục công đất mà ông bà đã tích cóp cả đời. Nội nói đất đai mai mốt sẽ cho mẹ con nó, để lúc nội trăm tuổi già, mẹ con nó còn có cái, có chỗ mà thờ cúng, giỗ chạp ông bà.

Mọi chuyện có lẽ sẽ diễn ra như vậy nếu nội thằng Nê không đổ bệnh khi nó mới mười ba tuổi. Nội chần chừ không muốn đi trị vì nhà nó ở xa bệnh viện, không tiện. Đến khi bệnh trở nặng, hơi thở nội khò khè, cô Năm cô Út nóng ruột, nói lẫy nói hờn rằng nội lo cho con trai, một bước hổng dám rời, coi con trai quý hơn cả mạng, nội đành lên ở nhà dượng Năm để trị bệnh.

Trước khi nội đi, nội kêu nó lấy vỏ lãi đưa qua nhà những người dư dả trong xóm. Bữa đi, nội dắt nó ra vườn, dúi vào tay nó hai chục ngàn, tờ tiền có mệnh giá lớn nhất năm đó, rồi dặn: "Nội đi chớ nội lo lắm. Nội đi là không ai quản được tía con nữa. Đất đai ruộng vườn của ông nội con để lại chắc nó bán hết. Hôm rồi con chở nội qua nhà cô Sáu Quới đó, là để nội đánh tiếng với người ta, đất điền này là đứng tên nội. Ai mà cho tía con cầm cố thì mất tiền ráng chịu. Nhưng thể nào rồi cũng có người ham tiền mà cố rẻ con ơi. Con ở nhà để ý một chút. Hễ hay chuyện gì thì con lấy tiền này lên cô Năm báo cho nội hay, nghe con!"

Việc nội giao cho nó, chưa một ngày nào nó dám quên. Nhưng việc đó lại quá sức một thằng nhóc mới mười ba. Chỉ hơn một năm, bao nhiêu đất đai của ông bà nội tía nó bán đổ bán tháo hết cả. Tía nó có ghe hàng mua chuối, mua mía đem ra chợ bán, nên ruộng nhà nó cho người khác mướn. Nó không nhận ra bất cứ điều gì

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net