Chương 11TIẾP TỤC HỌC TẬP VÀ CÔNG TÁC TRONG QUÂN NGŨ TỪ 1978 ĐẾN 2007

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
bằng đổi lấy ngói lợp nhà cho bộ đội. Bởi vì, sau khi khai thác nứa, hoàn thành nghĩa vụ thuế, sẽ được vận chuyển hợp pháp. Với cách làm ấy trong năm 1986, cơ quan sư đoàn và hầu hết các đại đội trực thuộc Phòng Tham mưu đã có nhà ngói khang trang, sạch đẹp.

Số ngói còn lại chúng tôi còn chi viện cho các phòng Chính trị, Hậu cần, Kỹ thuật mỗi đơn vị 5000 viên và bán được một số cho dân nên những ngày lễ, ngày tết cán bộ chiến sĩ thuộc Phòng Tham mưu được cải thiện một bước rõ rệt. Trong năm 1986, Phòng Tham mưu còn trang bị được quạt điện tại nơi ở và phòng làm việc của cơ quan. Chúng tôi còn đóng cho cán bộ trung đội, đại đội trực thuộc, cán bộ cơ quan Phòng tham mưu và cán bộ Sư đoàn bàn ghế, giường, tủ. (Tùy theo cấp hàm và chức vụ mỗi người được nhận từ một đến ba loại). Anh em cán bộ đơn vị, cơ quan Tham mưu Sư đoàn 431 rất phấn khởi, đồng lòng xây dựng đơn vị ngày càng mạnh lên. Thế trận vùng biên giới ngày càng vững chắc, ổn định hơn.

3

Tháng 3 năm 1987, tôi được thăng quân hàm Đại tá. Tháng 4 năm 1987, tôi được về học đào tạo cán bộ chỉ huy tham mưu Chiến dịch - Chiến lược Khóa 9 của Học viện Quân sự cấp cao, thời gian học là hai năm sáu tháng. Có lẽ những năm tháng ấy là thời kì nền kinh tế Vịêt Nam gặp khó khăn lên tới đỉnh điểm do chính sách bao vây cấm vận của Mỹ và những thách thức ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.

Một lần, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có dịp đến thăm Học viện Quân sự cấp cao, ông nói: "Trong tình hình đất nước khó khăn thiếu thốn như thế mà các đồng chí vẫn miệt mài học tập như vậy thì tôi yên tâm rồi. Nhất định đất nước ta sẽ vững vàng vượt qua mọi thử thách".

Thời điểm ấy, mức lương của tôi, sau khi nộp tiền ăn và nhu yếu phẩm ra, chỉ còn đủ mua chưa tới một yến gạo trên thị trường tự do. Lúc bấy giờ, mọi người lấy hạt gạo làm thước đo nên tất cả mọi thứ đều được quy đổi ra thóc gạo. Có đủ cơm để ăn vừa đủ no là mơ ước của biết bao người.

Trong thời gian học tập ở Học viện Quân sự cấp cao, tôi không giúp được gì cho vợ con và gia đình. Vậy mà vợ tôi, một nách ba con nhỏ, vẫn nhẫn nại, chịu đựng, vượt khó, vun vén lo liệu cho gia đình. Ngoài việc dạy học ở trường, chăm sóc các con, không biết lấy sức lực ở đâu mà vợ tôi còn nuôi được lợn, gà vịt, cá và trồng rau, trồng cây ăn quả ...để cải thiện đời sống. Tuy công việc ở trường và ở nhà rất vất vả, nhưng vợ tôi vẫn cố gắng tham gia một số hoạt động ngoại khóa và học tập chuyên môn nữa. Hè năm 1988, vợ tôi được trường cử tham gia cuộc thi cờ vua do Sở Giáo dục tổ chức ở thành phố Nam Định và cùng đồng nghiệp tham gia hội diễn văn nghệ ở huyện Xuân Thủy. Dịp ấy, tôi đang nghỉ phép nên đã thay vợ chăm sóc và chơi với các con ít ngày. Tuy tôi có lúng túng đôi chút nhưng các con đều ngoan. Những ngày mẹ vắng nhà, các con Hải Trung , Duy Trọng và Thanh Tùng đã giúp bố nấu cơm, cắt cỏ cho cá, quét nhà, quét sân và phụ bố cho lợn, gà ăn. Dịp ấy, tôi còn được các ông bà nội, ngoại giúp đỡ nên đã hoàn thành "xuất sắc" nhiệm vụ của mình.

Những ngày nghỉ phép, tôi không bao giờ thấy vợ mình kêu ca phàn nàn mà còn động viên chồng yên tâm học tập. Em bảo tôi không phải quá lo lắng cho vợ con, ở nhà Em lo liệu được. Càng nghĩ, tôi càng hiểu được sự tận tụy, hy sinh cho chồng, cho con, cho gia đình của vợ mình và biết bao người phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn khó khăn nhất của đất nước. Với tôi, lại thêm những ngày tháng, mãi mãi là một thời để nhớ!

Tháng 7 năm 1989, tôi tốt nghiệp lớp đào tạo cán bộ chỉ huy tham mưu Chiến dịch - Chiến lược tại Học viện Quân sự cấp cao. Ra trường, tôi được Bộ Quốc phòng bổ nhiệm giữ chức Sư đoàn trưởng Sư đoàn 327, Quân đoàn 14, Quân khu 1. Lúc bấy giờ, Sư đoàn 327 đóng quân ở xã Phong Vân, huyện Lục Ngạn, tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang).

Trở lại khu vực Phong Vân, địa bàn khi công tác ở Sư đoàn 431, tôi rất vui khi gặp lại những người dân, những cán bộ xã, cán bộ huyện quen thuộc và càng vui hơn là tôi được về chỉ huy một sư đoàn chủ lực đủ quân số của Quân đoàn 14, Quân khu 1. Tuy nhiên, có một số vấn đề khó khăn trước mắt là tôi không được nhận bàn giao trực tiếp từ đồng chí Sư đoàn trưởng. Đồng chí Trần Đình Giai, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 327 đã nhận Quyết định bổ nhiệm Phó Tư lệnh Quân đoàn 14 và được lệnh tạm bàn giao công việc cho đồng chí Nguyễn Bá Minh - Sư đoàn phó tham mưu trưởng để về quân đoàn gấp. Sau khi nhận bàn giao từ đồng chí Sư đoàn phó Tham mưu trưởng Nguyễn Bá Minh, tôi đã bắt tay ngay vào công việc nắm tình hình và chỉ huy đơn vị.

Thời điểm ấy Sư đoàn 327 là đơn vị đủ quân, có lúc quân số lên tới gần một vạn. Cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn đã luôn hoàn thành nhiệm vụ của Quân đoàn, Quân khu và Bộ Quốc phòng giao cho. Cuối năm 1989, Quân khu 1 tổ chức hội thao quân sự ở Sông Hóa, tỉnh Lạng Sơn. Lực lượng đi dự hội thao của Sư đoàn 327 do đồng chí Chính - cán bộ Đại đội phụ trách đoạt giải nhất toàn đoàn.

Trong một chuyến về Hà Nội công tác tôi được em Nguyễn Tuyết Trinh (em gái út của Bình đang học ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội) báo tin vui: Chị đã sinh "thằng tóc đen" khỏe mạnh, rất đáng yêu... Cậu con trai út của chúng tôi tên là Lê Huy Toàn sinh ngày 16 tháng 9 năm 1989. Thế là "tứ tử trình làng". Dẫu có chút áy náy vì đông con, vì nhỡ kế hoạch, nhưng "Con là của, của là con" nên tôi rất vui.

Đang lúc sư đoàn vào mùa hội thao, huấn luyện tôi quá bận. Cho nên, cũng như những lần trước, vợ tôi sinh con, khi tôi đang ở đơn vị. Mẹ khỏe, con khỏe, con ngoan là mừng lắm rồi. Thế là cả bốn lần vợ sinh con, tôi đều không có mặt ở nhà để chia sẻ, đỡ đần, động viên. Thật là một điều đáng trách của người chồng, người bố. Nhưng chiến tranh và điều kiện công tác của người sĩ quan quân đội lúc bấy giờ là như vậy. Vợ tôi đã không một lời trách chồng về chuyện ấy.

Từ năm 1990 - 1991, vợ tôi được thuyên chuyển về công tác ở trường Năng khiếu Xuân Thủy tỉnh Nam Định. Về môi trường mới, vợ tôi có điều kiện công tác, giảng dạy tốt hơn và hoàn thành tốt nhiệm vụ của người Cán Bộ công đoàn mà Nhà trường giao cho. Do dạy tốt, công tác tốt nên vợ tôi được đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh quý mến, tin yêu.

Năm 1990, Sư đoàn có nhiều thay đổi về cán bộ. Đồng chí Sư đoàn phó Chính trị Phạm Việt đi nhận công tác mới. Cấp trên điều đồng chí Thượng tá Nguyễn Thanh Xuân-Trưởng phòng Tuyên huấn Quân đoàn 14 về thay. Đồng chí Nguyễn Bá Minh- Sư đoàn phó Tham mưu trưởng về Học viện Quân sự cấp cao học đào tạo. Đồng chí Ngô Giang-Trưởng phòng Tác chiến Quân Khu 1 về giữ chức Sư đoàn Phó tham mưu trưởng.

Đúng lúc ấy, Sư đoàn thực hiện nhiệm vụ tinh giản biên chế thành đơn vị rút gọn rồi chuyển quân về vùng Sông Hóa, Đồng Mỏ, tỉnh Lạng Sơn gần biên giới phía Bắc hơn. Thời điểm ấy, công việc quá nhiều. Nhưng trong dịp chuyển quân đó, tôi cùng Ban Chỉ huy Sư đoàn vẫn kiên quyết cho thu gom toàn bộ vũ khí đạn dược, trang bị dồn về khu vực Cấm Sơn thành một khu kho tổng hợp duy nhất của Sư đoàn, giao cho đồng chí Dương Hiền-Trung đoàn trưởng Pháo binh 120 trực tiếp quản lý. Làm như vậy, số lượng kho giảm và giảm được hơn 100 chiến sĩ bảo vệ, trông giữ. Quân số dôi ra tập trung vào tăng gia sản xuất, chăn nuôi tại chỗ để cải thiện nâng cao đời sống bộ đội.

Phát huy truyền thống của sư đoàn, tôi cùng anh Xuân-Sư đoàn phó Chính trị và anh Ngô Giang-Sư đoàn phó Tham mưu trưởng đã chung sức, chung lòng cùng cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 327 xây dựng đơn vị ngày càng mạnh hơn.

Lúc bấy giờ đời sống bộ đội quá khó khăn cho nên quân khu cho phép các đơn vị sử dụng 2% quân số để tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống. Chúng tôi đã lựa chọn được 18 đồng chí có năng lực, rồi thành lập "Đội Kinh tế" của Sư đoàn 327 do đồng chí Nguyễn Văn Quyền - Trợ lý Công binh phụ trách. Quan điểm của chúng tôi là ít dùng phương tiện của đơn vị và đả phá cách làm kinh tế theo kiểu "nước sông công lính". Từ năm 1990 đến 1992, Đội kinh tế của sư đoàn 327 đã ký nhiều hợp đồng như: Rà phá bom mìn, bảo đảm khôi phục đường sắt Đồng Đăng - Lạng Sơn; làm đường bộ, san ủi mặt bằng bến xe, nhà ga và đổ móng, dựng cột đường điện cao thế Đồng Mỏ - Văn Quan, ...

Phương tiện và nhân công hầu hết đều đi thuê; đồng thời với các chế độ thưởng động viên rất phù hợp, công bằng như: thưởng cho người quản lý theo hiệu qủa công việc, thưởng làm ngoài giờ để động viên người lao động ... cho nên năng suất và hiệu quả công việc của đơn vị rất cao. Đặc biệt tiền lợi nhuận thu về được quản lý chặt và sử dụng minh bạch như: đưa vào bữa ăn trong những dịp lễ tết, thưởng tết cho cán bộ trong Sư đoàn, mua quạt điện, bàn ghế ăn, bàn ghế làm việc, giường phản nằm cho bộ đội ...

Thời gian đơn vị ở xã Phong Vân huyện Lục Ngạn tỉnh Hà Bắc và Sông Hóa, Đồng Mỏ, tỉnh Lạng Sơn, cơ quan sư đoàn và các đại đội trực thuộc đều thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Chúng tôi đã tận dụng đường ống dẫn dầu cũ xây dựng một đường ống dẫn nước từ hồ Cấm Sơn về phục vụ bộ đội, làm cho đời sống cán bộ chiến sĩ được nâng lên rõ rệt.

Từ năm 1990 đến 1992 ngoài việc rà phá bom mìn bảo đảm thi công tuyến đường sắt Đồng Đăng - Lạng Sơn, sư đoàn còn thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mìn do Quân khu giao và đã giải phóng hàng trăm héc - ta đất rừng, đất ruộng, giao cho nhân dân trên vùng biên giới tỉnh Lạng Sơn canh tác lâu dài an toàn. Đoạn đường sắt Lạng Sơn- Đồng Đăng được nối lại, lãnh đạo địa phương và nhân dân phấn khởi tin tưởng ở bộ đội.

Một dịp, năm 2016 tôi được về thăm đoàn Kinh tế - Quốc phòng 327 ở tỉnh Quảng Ninh. Hôm ấy, tôi được gặp lại nhiều cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn, thật vui. Đồng chí Phó Chủ nhiệm Chính trị sư đoàn chạy đến ôm chầm lấy tôi. Anh vồn vã nói:

- Gặp thủ trưởng, thấy thủ trưởng khỏe chúng em mừng lắm. Hồi Sư đoàn ở Lạng Sơn, các thủ trưởng mua cho chúng em mỗi người một cái quạt bàn, em sướng quá, nhớ mãi đến bây giờ.

- Lúc bấy giờ, cán bộ chiến sĩ ta còn khó khăn quá. Chỉ huy sư đoàn có cố gắng nhưng đã làm được gì nhiều đâu- tôi đáp lại.

- Thời điểm ấy cái quạt rất quý và quan trọng lắm đấy thủ trưởng ạ - Đồng chí Đại tá nói rõ thêm.

Dấu ấn Sư đoàn 327 tổ chức làm kinh tế có hiệu quả, giúp cải thiện phần nào đời sống của bộ đội từ những năm 90 khi tôi ở Sư đoàn còn được ghi nhận trong ký ức nhiều cán bộ chiến sĩ cho đến bây giờ.

4

Đầu năm 1993, Sư đoàn 3 Quân khu 1 thiếu cán bộ trầm trọng. Đồng chí Nguyễn Như Hoạt - Sư đoàn trưởng được cử đi học lớp chính trị cao cấp, đồng chí Lê Đăng Nhiệm - Sư đoàn phó Chính trị ốm nặng phải nằm viện dài ngày, đồng chí Ngô Trọng Phú - Sư đoàn phó lâm bệnh hiểm nghèo. Cho nên sau khi ăn Tết Nguyên đán, tôi nhận quyết định bổ nhiệm Phó Tham mưu trưởng Quân khu 1, kiêm Sư đoàn trưởng - Bí thư Đảng ủy Sư đoàn Bộ binh 3 Sao Vàng.

Trong lúc tôi chuẩn bị chia tay Sư đoàn 327 thì một biến cố đau thương đột ngột đến với tôi và gia đình. Người mẹ hết mực yêu thương và kính trọng của tôi qua đời vào chiều ngày 27 tháng Giêng năm Quý Dậu (1993) hưởng thọ 70 tuổi. Dẫu biết lá rụng về cội nhưng với tôi đó mãi mãi là sự mất mát vô cùng lớn. Suốt đời mẹ tần tảo, tận tâm tận tụy với các con, các cháu. Căn bệnh phế quản mãn tính hành hạ những năm tháng tuổi già của mẹ tôi. Anh em tôi đã đưa mẹ ra Hà Nội chạy chữa ở bệnh viện Phổi Trung ương và các bệnh viện tuyến trên ở Hà Nội, dẫu chúng tôi đã có được thời gian chăm sóc phụng dưỡng mẹ, nhưng lòng tôi vẫn khôn nguôi xót xa bởi mẹ chưa được hưởng bao nhiêu những niềm hạnh phúc tuổi già. Mẹ ra đi trong lúc chỉ có vợ, con tôi và các bác, chú thím ở quê. Đến ba giờ sáng hôm sau, tôi cùng các em mới về được bên mẹ.

Đám tang mẹ tôi tổ chức tại quê nhà. Các con, các cháu, bà con họ mạc có mặt đông đủ. Đồng đội từ Sư đoàn 327, Sư đoàn 3 Sao Vàng, các cơ quan Quân khu 1 và từ nhiều đơn vị khác cũng tới phúng viếng chia buồn, đưa tiễn mẹ tôi về cõi thiên thu. Trân trọng biết bao tình làng nghĩa xóm, bạn bè và đồng đội của tôi!

Sau khi tiễn biệt mẹ tôi về với tiên tổ. Lên đơn vị được ít ngày, tôi chia tay cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 327 rồi về Sư đoàn 3 Sao Vàng công tác. Yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Sư đoàn 3 rất cao. Tôi đã cùng Ban Thường vụ phát huy được sức mạnh tập thể của Đảng uỷ Sư đoàn và cùng cơ quan, đơn vị đồng thời tiến hành một loạt công việc có hiệu quả, tạo ra những chuyển biến tích cực về công tác quản lý bộ đội, huấn luyện, duy trì nghiêm kỷ luật và sẵn sàng chiến đấu.

Sau khi kiểm tra các đơn vị, Ban Chỉ huy chúng tôi nhận thấy đời sống bộ đội ta quá khó khăn. Phòng ở, phòng làm việc của cơ quan đều không có quạt điện. Từ Thủ trưởng Sư đoàn trở xuống không có nhà tắm, không có nhà vệ sinh tự hoại hoặc bán tự hoại. Đặc biệt, anh em cơ quan phải dùng nhà vệ sinh ở ngoài cánh đồng phía sau doanh trại, cách nơi ở hàng trăm mét rất vất vả và bất tiện.

Chỉ huy sư đoàn đã họp bàn với các thủ trưởng bốn cơ quan lấy ý kiến dân chủ, sau đó đưa ra quyết định: "Tổ chức xây dựng nhà tắm, nhà vệ sinh bán tự hoại cho cán bộ ngay". Quyết định đó đã được các đồng chí trong cơ quan, đơn vị đồng tình. Mấy ngày hôm sau, sư đoàn đã quyết định trích quỹ phúc lợi mua cho mỗi ban và mỗi thủ trưởng phòng, ban các cơ quan sư đoàn hai chiếc quạt bàn: Một chiếc dùng ở nơi làm việc, một chiếc dùng ở phòng ngủ.

Tiếp đó sư đoàn phát động phong trào xây dựng nhà tắm và nhà vệ sinh bán tự hoại ở Cơ quan Sư đoàn bằng cách: Công sức thì do các đơn vị trực thuộc giúp đỡ. Riêng kinh phí xây dựng thì tự đóng góp và vay đơn vị rồi trả dần. Phòng Hậu cần và cơ quan Tài chính là những cơ quan đi đầu. Kết quả là, chưa đầy ba tháng sau, cán bộ chiến sĩ cơ quan sư đoàn đều được sử dụng nhà tắm sạch sẽ và nhà vệ sinh bán tự hoại. Mọi người rất phấn khởi và phong trào xây nhà tắm, nhà vệ sinh bán tự hoại đã lan dần xuống các đơn vị, làm cho đời sống bộ đội từng bước được cải thiện.

Sau khi cùng cơ quan kiểm tra các đơn vị, tôi thấy một điều rất vô lý là bộ đội thời bình mà phải ăn thịt ướp muối, cá khô đã để lâu ngày và gạo kém chất lượng. Đặc biệt hiện tượng bỏ ngũ của chiến sĩ, quân phiệt của cán bộ cấp cơ sở, và hiện tượng cho chiến sĩ đi làm kinh tế lẻ thu tiền ở các đơn vị cơ sở vẫn còn tồn tại. Trong một phiên họp Đảng ủy Sư đoàn đã bàn bạc tìm biện pháp khắc phục những tồn tại trên. Nghị quyết Đảng ủy Sư đoàn có đoạn nêu rõ: Không để bộ đội ăn gạo kém chất lượng; Không để bộ đội ăn thịt ướp muối; Không để bộ đội ăn cá khô cũ, kém chất lượng.

Ba nội dung trên được 100% đảng ủy viên thông qua và được thực hiện nghiêm túc, triệt để. Sau một thời gian không dài, Nghị quyết của Đảng ủy Sư đoàn 3 Sao Vàng đã từng bước đi vào đời sống của bộ đội. Từ đó và về sau bộ đội Sư đoàn 3 Sao Vàng đã không phải ăn thịt lợn ướp, cá khô cũ lâu ngày và gạo kém chất lượng nữa.

Để cụ thể hóa thêm nghị quyết của Đảng ủy, khoảng giữa năm 1993, Sư đoàn 3 đã tổ chức Hội nghị Quân - Dân một ý chí. Thành phần hội nghị gồm: Đại diện lãnh đạo chính quyền, đoàn thể các xã, các huyện và đại diện gia đình chiến sĩ ở các nơi có con em nhập ngũ tại Sư đoàn 3. Mục đích hội nghị là nhằm thống nhất quan điểm với lãnh đạo, chính quyền địa phương và nhân dân nơi đơn vị nhận quân cùng với Sư đoàn 3 Sao Vàng chống đào ngũ, bỏ ngũ, chống quân phiệt, chống việc cho chiến sĩ về nhà " làm kinh tế lẻ" thu tiền.

Sư đoàn đã yêu cầu: Nếu phát hiện các trường hợp cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 3 vi phạm kỷ luật Quân đội, nhờ nhân dân, các đoàn thể, lãnh đạo và chính quyền địa phương nơi sư đoàn nhận quân báo về sư đoàn để có biện pháp xử lý. Các đại biểu còn được tham quan nơi ăn, ở của bộ đội Trung đoàn 2 và được dự lễ bế giảng lớp huấn luyện chiến sĩ mới của sư đoàn.

Được tận mắt nhìn thấy nơi ăn, chỗ ở của bộ đội và sự trưởng thành của con em mình sau 3 tháng huấn luyện, lãnh đạo, chính quyền, đoàn thể và đại biểu nhân dân địa phương nơi sư đoàn nhận quân rất phấn khởi. Hội nghị thành công ngoài sự mong đợi. Các đơn vị của Sư đoàn 3 đã phối hợp rất chặt chẽ với địa phương nơi nhận quân để cùng thực hiện tốt công tác quản lý bộ đội. Dần dần tệ nạn đào bỏ ngũ, quân phiệt và cho chiến sĩ đi về nhà để thu tiền giảm hẳn.

Trong thời gian ấy, Sư đoàn Bộ binh 3 Sao Vàng còn thu gom 7 khu kho vũ khí, trang bị, đạn dược thành 1 khu kho kỹ thuật duy nhất. Cho nên đã giảm được trên 50 chiến sĩ coi giữ kho. Sư đoàn đã sử dụng quân số coi kho dôi ra, giao cho các đơn vị tổ chức trồng rau, nuôi cá, nuôi gia cầm, gia súc cải thiện đời sống bộ đội. Phong trào giết mổ lợn tập trung mỗi tuần từ hai đến ba lần đã lan rộng khắp các trung đoàn và khối trực thuộc cơ quan sư đoàn.

Đời sống của bộ đội từng bước được nâng lên, nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của sư đoàn được giữ vững và ngày càng tốt hơn. Hiện tượng vô kỷ luật, đào, bỏ ngũ giảm dần. Phong trào tăng gia, chăn nuôi tại chỗ của bộ đội ngày càng tốt hơn. Do đó, đời sống bộ đội được cải thiện, chất lượng cuộc sống của cán bộ chiến sĩ nâng lên rõ rệt. Sư đoàn Bộ binh 3 Sao Vàng giữ vững là đơn vị lá cờ đầu của Quân khu 1 và toàn quân.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Sư đoàn 3, tôi về Bộ tham mưu Quân khu 1 đảm nhiệm chức vụ Tham mưu Phó Quân khu. Cuối năm 1993, tôi đưa gia đình lên sống ở Hà Nội. Được quân đội hỗ trợ, tôi xây một căn nhà nhỏ ở số 162 - phố Nguyễn Ngọc Nại. Nơi ấy phần đông là gia đình bộ đội cư trú. Đồng thời vợ chồng tôi đưa bố tôi lên Hà Nội ở cùng gia đình chúng tôi để có điều kiện chăm sóc cụ những năm tháng tuổi già.

Thời gian công tác ở Bộ tham mưu Quân khu 1, tôi được phân công phụ trách công tác huấn luyện. Tôi đã cố gắng hoàn thành chức trách của mình và mọi nhiêm vụ được giao. Tôi có trên mười năm công tác ở Quân khu 1 vì vậy có nhiều kỷ niệm, gắn bó, tâm huyết với vùng đất biên cương thân yêu này.

Tháng 02 năm 1995, tôi được Bộ Quốc phòng quyết định giữ chức Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Quân đoàn 2. Đồng thời tôi được về Học viện Chính trị, học chương trình lý luận chính trị cao cấp khóa A6. Sau khi bàn giao công việc ở Bộ tham mưu Quân khu 1, tôi có một tuần chuẩn bị và chia tay anh em cơ quan, đơn vị rồi về ngay Học viện Chính trị để kịp thời gian khai giảng. Học viên về học lý luận chính trị cao cấp khóa A6 năm ấy, đều là cán bộ các Quân khu, Quân đoàn, Quân binh chủng, học viện, cơ quan Bộ quốc phòng và Quân y viện 108. Chúng tôi đã quen biết nhau nên rất vui. Suốt quá trình khóa học mọi người đều cố gắng cho nên kết quả hoc tập khá tốt.

Vào cuối năm 1995, sau khi kết thúc khóa học chương trình lý luận chính trị cao cấp, tôi về Quân đoàn 2 đảm nhiệm chức vụ Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Quân đoàn theo quyết định của Bộ Quốc phòng. Trở về Quân đoàn 2, tôi rất phấn khởi, bởi vì trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, tôi đã gắn bó với binh đoàn chủ lực này từ ngày đầu thành lập. Khi ấy tôi đang giữ cương vị Chủ nhiệm Trinh sát - Đặc công Sư đoàn 324. Vì vậy, tôi tự hứa với mình, là sẽ cố gắng làm việc hết sức mình và vượt qua mọi khó khăn trở ngại để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Lúc bấy giờ, Đại tá Phạm Xuân Thệ làm Tư lệnh, Thiếu tướng Trần Ngọc Sơn làm Phó Tư lệnh chính trị - Bí thư đảng ủy, Đại tá Hoàng Đình Thanh làm Phó Tư lệnh chung. Tôi đã cùng các đồng chí trong Bộ Tư lệnh và Bộ Tham mưu quân đoàn tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý bộ đội, huấn luyện, diễn tập thực binh và duy trì nghiêm kỷ luật. Trên cơ sở đó, từng bước nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị.

Mùa mưa năm 1996, xảy ra một trận lụt lớn ở Đồng bằng Bắc Bộ. Nước sông Đuống, sông Thái Bình lên cao. Đoạn đê sông Thái Bình thuộc huyện Lương Tài tỉnh Bắc Ninh có nguy cơ bị vỡ. Tôi được lệnh chỉ huy lực lượng Sư đoàn 325, Trung đoàn Công binh 219, Lữ đoàn Phòng không 273 và nhiều phương tiện xe máy về Lương Tài, Bắc Ninh cứu đê chống lũ.

Hơn 100 xe chở bộ đội gấp rút lên đường. Chúng tôi đến huyện Lương Tài đúng lúc nước đã mấp mé mặt đê của xã Minh Tân, Lai Hạ, Trung Kênh. Nước từ ngoài sông chảy vào cánh đồng đã đẩy cát thành từng đống. Theo kinh nghiệm, nước lụt đã đẩy cát qua

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net