Chương 11TIẾP TỤC HỌC TẬP VÀ CÔNG TÁC TRONG QUÂN NGŨ TỪ 1978 ĐẾN 2007

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


1

Khoảng giữa tháng 9 năm 1978, hết thời gian nghỉ phép, tôi chia tay vợ con và gia đình lên Trạm 66, (nhà khách của Bộ Quốc phòng 51 Phan Đình Phùng) thành phố Hà Nội nhận quyết định đi học. Đến Trạm 66, tôi tới ngay phòng trực ban, Cục Cán bộ đã bố trí người đón tiếp chu đáo.

- Đồng chí là sĩ quan cấp Thiếu tá mới 33 tuổi, rất trẻ nên Bộ quyết định đồng chí về trường Văn hóa Quân đội giải quyết xong chương trình cấp 3. Sau đó đồng chí sẽ về học tiếp tại Học viện Quân sự Cấp cao - Trợ lí Cục Cán bộ thông báo.

- Bao giờ tôi có mặt ở Trường Văn hóa Quân đội thưa đồng chí? - Tôi tươi cười hỏi.

- Ngay ngày mai. Hôm nay đồng chí làm công tác chuẩn bị - Đồng chí trợ lý cục cán bộ trả lời.

Vậy là sau bao năm từ ngày nhập ngũ, đến nay tôi mới lại bước tiếp vào chặng đường đèn sách, học hành. Đất nước đã thống nhất, niềm vui đã đến với mọi nhà. Tôi rất vui khi được thực hiện ước mơ của mình. Tôi sẽ cố gắng học thật tốt chương trình giáo dục phổ thông để có cơ sở tiếp thu kiến thức ở trường đại học, các học viện sau này. Đó là cơ sở vững chắc để tôi rèn luyện, phấn đấu trưởng thành ở những miền đất mới.

Hôm sau, xe ô tô của Cục Cán bộ chở tôi lên Lạng Sơn vào nhập học tại Trường Văn hóa Quân đội. Lúc đó tình hình biên giới Việt - Trung đã hé lộ những dấu hiệu của sự rạn nứt bất ổn. Các thế lực phía bên kia biên giới đã chuyển hóa từ hữu hảo sang tráo trở đối địch. Tuyến biên giới từ Móng Cái, Quảng Ninh đến Phong Thổ, Lai Châu nóng lên từng ngày.

Bộ quyết định chuyển gấp trường Văn hóa Quân đội từ Lạng Sơn về xã Vân Nội, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Sơn Bình. Thời gian ấy, chúng tôi ăn nghỉ, học tập đều nhờ nhà dân. Sau một thời gian tìm địa điểm mới, trường Văn hóa Quân đội được chuyển về phố Gạch huyện Phúc Thọ.

Tháng 02 năm 1979 cuộc chiến tranh trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nổ ra đẫm máu, khốc liệt chưa từng có ở vùng biên cương này. Toàn thể học viên, cán bộ Trường Văn hóa Quân đội đều sẵn sàng tình nguyện lên đường bảo vệ Tổ quốc. Bộ Quốc phòng chưa có lệnh động viên cho nên chúng tôi vẫn tiếp tục ở lại trường chuyên tâm nhiệm vụ học tập.

Tại Trường Văn hóa Quân đội, tôi rất vui khi nhận được tin ngày 28-10-1978 liên quân Việt - Lào gồm: Trung đoàn 335 thuộc Sư đoàn 324 cùng lực lượng Mặt trận 11A do đồng chí Tư lệnh Sư đoàn Lê Sơn và đồng chí Bun Chăn đồng chỉ huy mở chiến dịch giải phóng Phu Bia, sào huyệt cuối cùng của lực lượng phỉ Vàng Pao. Chiến dịch quan trọng này đã thắng lợi.

Tôi càng vui hơn khi biết Bộ Tư lệnh Sư đoàn còn chỉ đạo các đơn vị thi đua tăng gia sản xuất, tự cung tự cấp tại chỗ, cải thiện bữa ăn cho chiến sĩ. Do đó đã giảm được rất nhiều chuyến xe vận chuyển từ nước ta sang tiếp tế cho sư đoàn. Nơi ở của bộ đội ngày càng khang trang đẹp đẽ. Sức chiến đấu của các đơn vị ngày càng được nâng lên và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trên giao.

Học văn hoá cấp 3 rồi để vào đại học là ước mơ của tôi trước ngày nhập ngũ. Khi ấy tôi chưa tròn 18 tuổi. Bây giờ, sau 15 năm lăn lộn từ chiến trường gần đến chiến trường xa, từ chiến trường đất nước ta sang chiến trường đất nước bạn, Quân đội đã cho tôi thực hiện niềm ước mong ấy. Việc được tiếp tục học văn hóa đối với tôi là một cơ hội quí giá của đời người. Về trường văn hóa tôi học đều, học tốt ở tất cả các môn. Riêng môn học tiếng Nga và môn Văn tôi phải cố gắng học để đạt được điểm khá. Tôi có năng khiếu hơn ở các môn khoa học tự nhiên, nhất là Toán học và Vật lí. Thầy Hân, giáo viên môn Toán, tận tâm với tôi nhiều hơn. Cuối tuần, thầy thường cho tôi thêm một số đề toán để luyện thêm.

Mừng vì kết quả học tập không phụ công thầy, công mình, lại vui hơn khi nhận tin từ những lá thư nhà. Vợ tôi đã sinh cho tôi cậu con trai thứ hai đẹp trai và bụ bẫm vào ngày 13 tháng 4 năm 1979. Thật là hạnh phúc! Có đôi chút thắc mắc sao vợ không sinh con gái nhỉ? Nhưng rồi tôi lại gạt ngay cái ý nghĩ chợt đến,chợt đi ấy. Con của lính mà, phải là con trai chứ! Vợ chồng tôi và gia đình đặt tên cậu con trai thứ hai là Lê Duy Trọng.

Học xong chương trình cấp 3, ước mơ trở thành sinh viên đại học lại trỗi dậy trong tôi. Một người lính ở tuổi 35 sau chiến tranh, khao khát ấy thật cháy bỏng và hợp lí với thời buổi đất nước trở lại hòa bình. Nguyện vọng ấy, rất tiếc phải gác lại bởi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Cấp trên đã quy hoạch tôi trong diện phục vụ quân đội lâu dài. Sau khi tốt nghiệp trường Văn Hóa Quân đội, tưởng rằng tôi được về học tập ở Học viện Quân sự Cấp cao, nhưng lại phải tuân theo một tiêu chuẩn quy định mới của Bộ Quốc phòng. Cho nên, tôi nhận quyết định đi học lớp đào tạo cán bộ chỉ huy cấp Trung đoàn - Sư đoàn tại Học viện Đà Lạt.

Thời gian đầu, tôi phải nỗ lực rất nhiều để theo kịp sức bật của nhiều sĩ quan trẻ tuổi. Và sau một năm vất vả, với sự cố gắng không ngừng của mình, kết quả học tập của tôi từng bước tốt dần lên, hầu hết các môn đều đạt loại khá.

Tôi đi học ở quá xa, nên không có điều kiện giúp gia đình. Nhưng rất mừng là, tôi có người vợ chịu thương, chịu khó, luôn tìm mọi cách khắc phục khó khăn để lo cho gia đình và luôn động viên chồng yên tâm học tập.

Lá thư viết ngày 26-3-1981 có đoạn vợ tôi viết:

... "Em đã nhận được thư anh viết ngày 28. 2. Qua thư em thấy anh lo nhiều cho mẹ con em và anh động viên em nhiều.

Anh ạ! Anh đừng quá lo cho mẹ con em. Cuộc sống non trẻ của mẹ con em gặp nhiều khó khăn thật nhưng không đến mức như anh tưởng tượng đâu. Anh đừng lo, em và con đã được rèn luyện nhiều nên khi sống như thế này mẹ con em cũng không lấy làm bỡ ngỡ anh ạ. Chắc chắn gia đình ta còn gặp khó khăn nhiều hơn nữa trong những năm tới. Mẹ con em tập dượt dần càng cứng cỏi, dạn dày phải không anh?...

... Mẹ con em chúc anh ngủ ngon và học tập tốt. Các con đã ngủ say và em cũng đi ngủ anh nhé!"...

Cuối năm 1981, tôi được phong quân hàm Trung tá. Đó là một vinh dự, một niềm vui đến với tôi.

Giữa năm 1982, tôi lại đón nhận một tin vui mới, vợ tôi sinh con trai thứ ba, mẹ tròn con vuông. Trong thư vợ tôi viết ngày 20-5-82 có đoạn:

... "Em báo tin để anh mừng, chúng ta đã có cậu con trai thứ ba: Lê Thanh Tùng lúc 0giờ 30 ngag 11-5-1982, cân nặng 3,7kg, con khỏe và ngoan. Sau khi sinh con sức khỏe của em bình thường và đến nay em đã tự giặt giũ và cơm nước cho các con được.

Anh ạ, thế còn việc làm nhà của ta trong thời gian tới là hết sức khó khăn thế nhưng ta vẫn phải chuẩn bị để làm có phải không anh?...

... Em viết thư này trong lúc em chưa thật khỏe mạnh. Mong anh khỏe đó là điều em mong nhiều nhất"...

Đọc thư, tôi rất mừng nhưng nghĩ mà thương vợ... Do tôi đi học xa cho nên khi vợ sinh con, tôi đã không có điều kiện ở bên cạnh chăm sóc, chia sẻ, động viên. Vì vậy vợ tôi sau khi sinh chưa đầy mười ngày đã phải tự giặt giũ, lo cơm nước cho các con...Lại còn phải lo chuẩn bị làm nhà nữa... Vợ, con bộ đội thời ấy thật là vất và... Tôi còn rất lo, rồi đây, một mình vợ tôi phải nuôi 3 con nhỏ, cuộc sống sẽ rất chật vật, thiếu thốn, không rõ vợ tôi sẽ xoay xở ra sao nữa?...

Mùa Hè năm 1982 tôi về nghỉ phép, vợ chồng tôi được sự giúp đỡ của bố mẹ hai bên nội ngoại, anh em, bạn bè đã dựng được một căn nhà bốn gian lợp ngói. Sau đó, chúng tôi xin bố mẹ cho phép được đưa các con ra ở riêng. Tôi rất trân trọng và biết ơn công lao to lớn của bố mẹ hai bên và hai bác Bao, chú thím Rựng đã cưu mang, đùm bọc gia đình, vợ con tôi lúc khó khăn. Đặc biệt khi vợ chồng tôi làm nhà, cả đại gia đình, mọi người đã không tiếc công, tiếc sức giúp đỡ. Bác Bao trai còn dành cả tháng trời ra nhà tôi, trông coi để vợ con tôi yên tâm trong thời gian đầu ra ở nhà mới.

Sau dịp về nghỉ phép thăm gia đình, cuối mùa hè năm 1982 tôi đi thực tập tại Sư đoàn 347 Quân khu 1 ở vùng Thất Khê tỉnh Lạng Sơn với cương vị Phó Tham mưu trưởng Sư đoàn. Tuy là sĩ quan thực tập nhưng tôi được Sư đoàn trưởng Nguyễn Khắc Viện giao cho nhiều nhiệm vụ quan trọng. Tôi đã cùng Phòng Tham mưu trực tiếp xây dựng, điều chỉnh Kế hoạch Tác chiến Phòng ngự của sư đoàn trên địa bàn huyện Thất Khê, tỉnh Lạng Sơn; xây dựng Kế hoạch Diễn tập sư đoàn Phản công có pháo binh, xe tăng chi viện. Tôi còn được phân công trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo Trung đoàn 751 đánh chiếm lại điểm cao 636 sát gần điểm cao 820 trên địa bàn biên giới thuộc khu vực Pò Chả, huyện Thất Khê, tỉnh Lạng Sơn.

Sư đoàn trưởng Nguyễn Khắc Viện và đoàn Cố vấn Quân sự Nga đánh giá cao công tác tham mưu tác chiến và chỉ huy huấn luyện của tôi. Lần thực tập ấy, tôi học hỏi được rất nhiều về công tác quản lý bộ đội, công tác tham mưu xây dựng kế hoạch tác chiến, huấn luyện và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chiến đấu.

Hoàn thành tốt nhiệm vụ thực tập ở Sư đoàn 347 - Quân khu 1, tôi trở về học viện Đà Lạt tập trung ôn thi và đã tốt nghiệp khóa đào tạo cán bộ chỉ huy cấp Trung đoàn - Sư đoàn vào tháng 6 năm 1983. Do kết quả học tập khá tốt, tôi được lãnh đạo Học viện chọn, giữ lại học đào tạo lớp giáo viên Chiến dịch - Chiến thuật thời hạn một năm.

Dịp tôi nghỉ phép hè năm 1983, vợ chồng tôi mừng vui bên ba đứa con thơ quấn qu‎‎ýt trong căn nhà của mình. Từ khi gia đình tôi được bố mẹ cho ra ở riêng, nơi ăn ở rộng rãi, thoáng mát hơn nhưng vợ tôi rất vất vả. Nghĩ tới công việc của gia đình quá nhiều và những khó khăn do điều kiện thu nhập quá hạn hẹp, tôi lo lắng mình sẽ phải động viên chia sẻ với vợ con ra sao đây?... Nhưng chính vợ tôi lại động viên khích lệ tôi cố gắng yên tâm học tập "Việc nhà cửa, con cái đã có các cụ hai bên nội, ngoại giúp đỡ. Em sẽ cố gắng lo liệu, anh không phải suy nghĩ nhiều mà ảnh hưởng đến sức khỏe, đến kết quả học tập". Tôi thầm cảm phục và biết ơn người vợ đảm đang, mẫu mực trong cuộc sống gia đình, làm dâu, làm vợ, làm mẹ... Tôi cũng không bao giờ quên được tình cảm của gia đình chị Hường, gia đình em Hệ - Thanh đã dành cho vợ con tôi trong nhiều lần vợ tôi bồng con Lê Thanh Tùng lên thành phố Nam Định học tập để nâng cao trình độ chuyên môn... Rất may, những năm tháng tôi đi công tác xa; "Khu liên gia đặc biệt" bốn nhà của đại gia đình chúng tôi, có chị Hạc và các em áp út và út: Lương, Mỵ, Quang, Trinh, Doanh, Thanh còn đang học phổ thông ở quê cũng tận tình giúp đỡ, chăm sóc các con tôi... Chính những công sức, tình cảm đáng quí ấy, đã góp phần quan trọng giúp vợ chồng tôi vượt qua những lúc khó khăn nhất khi tôi đi công tác xa nhà...

Do điều kiện bố đi công tác vắng nhà liên tục, nên các con tôi biết giúp mẹ rất sớm.

Thư ngày 20. 10. 1983 vợ tôi viết:

..."Anh thương yêu của em!

Em mới viết thư thăm anh, nhưng vài tuần nay ở nhà không nhận được thư anh, em mong nhiều. Hôm nay kỷ niệm ngày tròn mười năm chúng ta về với nhau, em dành ít phút viết thư thăm anh. Em mong tình cảm của chúng ta đẹp mãi như mùa thu ấy.

Anh, chắc anh đã nhận được thư em báo tin cơn bão số 6. Đến nay tất cả mọi việc lại trở lại bình thường rồi anh ạ, mấy hôm nay nắng đẹp, lặng gió nên lúa quê ta hứa hẹn một vụ mùa bội thu nên bà con phấn khởi.

Còn nhà mình do việc vay vôi và mượn thợ khó khăn nên em quyết định để lại chưa sửa mà mới dàn tạm. Đến nay nhà mình không dột nữa, em chỉ lo gió to thôi. Vì vậy nên em tính đến hết tháng Chạp âm lịch ta phải mua lấy một ít vôi để sửa và làm trần hiên anh ạ.

Thế còn anh yên tâm về các con mình, con Trung chịu khó và học giỏi. Nếp sinh hoạt của mẹ con trở lại như cũ và khẩn trương: 4 giờ 30 sáng cả 4 mẹ con đều dậy, hai anh em trông em cho mẹ nấu cơm và thu dọn,... 5 giờ 45 các con ăn cơm và 7 giờ mẹ đi làm, con Tùng vào cô Mỵ, hai anh em rửa bát, quét nhà... và anh Trung học bài. Trưa mẹ về đón em, hai anh chơi với em để mẹ nấu ăn, giặt giũ, thu dọn... sau đó ăn trưa, con Trung đi học.

Tối đến con Trung học đều đặn từ 7h đến 8h 30. Con Tùng đang tập nói, con biết nói được nhiều từ rồi, ai hỏi bố đi đâu con nói: bố - Lạt - kẹo - ăn... (con nói từng từ) con đã khỏe hơn một chút nên vui cười nhiều.

Em đã khỏe lại bình thường, anh yên tâm. Năm nay nhà trường vẫn quyết định chỉ định em làm tổ trưởng tổ tự nhiên nên việc trường cũng tốn thêm ít thì giờ. Ỏ nhà lại thêm từ 20 - 30 phút tối hướng dẫn con Trung học nên mẹ con cũng bận. Thế nhưng, dịp này em định nuôi lợn vì xét thấy không làm thế không được; nhưng khó khăn nhất hiện nay là chuồng. Em định nhờ người đắp tạm ngay sau bếp, sát bếp và dàn ngói lên nuôi tạm...

... Thế anh nhé! Em mong anh khỏe. Anh cho em chúc sức khỏe các anh cùng đơn vị anh."...

Đọc thư tôi rất thương con, thương vợ, nhưng không biết làm thế nào được.

Như mọi người đều biết, sau chiến thắng năm 1975 của nhân dân ta, Chính quyền Mỹ và các nước phương Tây đã tiến hành một cuộc bao vây cấm vận Việt Nam với quy mô lớn. Các tổ chức phản động trong và ngoài nước chống phá ta quyết liệt. Và sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc, các nước Xã hội Chủ nghĩa và các nước bạn trên thế giới đã từng bước cắt giảm viện trợ đối với Việt Nam. Hai cuộc chiến tranh biên giới Việt Nam - Campuchia và Việt Nam - Trung Quốc diễn ra liên tiếp vào đầu năm 1979 và còn kéo dài nhiều năm sau đó đã làm cho đất nước và nhân dân ta gặp vô vàn khó khăn.

Trong suốt thời gian bốn năm từ 1980 đến 1984, tôi học tại Học viện Đà Lạt, cũng là những năm tháng đầy gian nan vất vả của thầy và trò chúng tôi. Thời gian ấy, đồng tiền Việt Nam mất giá nghiêm trọng. Lương sĩ quan Quân đội và công nhân viên chức quá thấp, chất lượng bữa ăn của bộ đội không đảm bảo, sức khỏe của học viên giảm nhiều. Khoản tiền lương cả năm giành dụm được của học viên quê ở miền Bắc cũng chỉ đủ chi tiêu tằn tiện trong kỳ nghỉ phép dịp hè. Những sĩ quan đã cùng tôi học ở Học viên Đà Lạt thời ấy, nghĩ lại chắc ai cũng thấy sợ. Chắc rằng đến hôm nay mọi người vẫn còn nhớ lại những toa tàu được học viên mua gạo ở ga Nha Trang chất đầy đến mức không còn chỗ ngồi phải nằm trên những bao gạo. Tàu dừng ở ga Thanh Hóa, anh em lại vội vã bán gạo mong lấy chút lãi...

Mỗi năm học, tôi chỉ được về thăm gia đình một lần vào dịp nghỉ hè. Những lần nghỉ phép ấy, không giúp được vợ con về kinh tế, nhưng tôi được chăm sóc, chơi đùa với các con, được giúp đỡ vợ con, bố mẹ hai bên những việc nho nhỏ trong nhà. Rất mừng là trong những năm chồng đi học xa ở Đà Lạt, tuy rất vất vả nhưng vợ tôi đã sắp xếp được thời gian vừa chăm sóc các con, gia đình, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy ở trường. Thời gian ấy, nhiều năm liền vợ tôi vẫn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, và có năm đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi Giải nhất cấp huyện môn toán. Với sự cố gắng không mệt mỏi ấy, năm 1984 vợ tôi đã trở thành Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Ở nơi xa xôi, tôi thầm cảm phục và tự hào về người vợ của mình.

Tháng 6 năm 1984 tôi đã tốt nghiệp lớp giáo viên Chiến dịch - Chiến thuật đạt loại khá. Lãnh đạo Học viện Đà Lạt có ý định giữ tôi ở lại làm cán bộ giảng dạy. Nhưng do khí hậu ở vùng cao nguyên Lâm Đồng không hợp với cơ địa của tôi. Vì vậy, sau khi hoàn thành chương trình hai khóa đào tạo, thể lực của tôi suy giảm nghiêm trọng, nhất là trọng lượng cơ thể của tôi lúc nhập học năm 1980 là 68 ki-lô-gam, đến năm 1984 khi ra trường chỉ còn 52 ki-lô-gam . Vì vậy, tôi đã đề nghị với Bộ Quốc phòng cho tôi được ra đơn vị ở phía Bắc công tác. Đề nghị của tôi đã được cấp trên chấp nhận.

2

Tháng 8 năm 1984, tôi được Bộ quốc phòng điều động và bổ nhiệm giữ chức Phó Tham mưu trưởng Sư đoàn 431 thuộc Quân khu 1. Trước đây, đơn vị 431 nguyên là Trường Thiếu sinh quân. Trong những năm chống Mỹ, theo yêu cầu của chiến trường, Trường Thiếu sinh quân 431 trở thành đơn vị huấn luyện quân bổ sung cho các đơn vị ở các chiến trường miền Nam và Lào. Đến năm 1978, đơn vị huấn luyện quân bổ sung này đã được biên chế thành Sư đoàn 431 thuộc Quân khu 1 làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc.

Sau khi tiến hành các thủ tục theo quy định ở Quân khu 1, tôi xin phép Tư lệnh Đàm Quang Trung trở về đơn vị ngay. Tư lệnh Đàm Quang Trung quê ở tỉnh Cao Bằng, là cán bộ Lão thành Cách Mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông là bộ đội Nam tiến. Thời kỳ chống Mỹ, ông chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên, và giữ trọng trách Tư lệnh Quân Khu 4. Những năm hòa bình, ông về làm Tư lệnh Quân Khu 1. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong Quân đội, Thượng tướng Đàm Quang Trung được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng nhà nước, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chiếc xe Gát 69 của Quân khu 1 đưa tôi về đến Sở Chỉ huy Sư đoàn 431 ở xã Phong Vân, huyện Lục Ngạn tỉnh Hà Bắc vào một buổi chiều. Hôm ấy, các thủ trưởng và cơ quan sư đoàn đón tôi rất chu đáo. Điều kiện ăn ở của Sư đoàn 431 lúc bấy giờ rất khó khăn, nhưng Phòng Tham mưu vẫn bố trí cho tôi ở một gian nhà lợp mái tranh rộng rãi, đủ tiện nghi để vừa sinh hoạt vừa làm việc.

Sau mấy ngày nắm tình hinh cơ quan và đi thăm các Trung đoàn 12, 155, 103, tôi bắt tay ngay vào công việc theo chức trách của mình. Thật may cho tôi, các thủ trưởng sư đoàn đều là người lớn tuổi cởi mở, chân tình. Sư đoàn trưởng Lê Khôi, Sư đoàn phó Hậu cần Hoàng Liên, Sư đoàn phó - Tham mưu trưởng Phạm Đạt, Chủ nhiệm Chính trị Trần Trọng Đức đều coi tôi như người em, người bạn, người đồng chí, đồng đội thân thuộc.

Kinh nghiệm chiến trường và kiến thức tiếp thu được ở nhà trường cùng với thực tiễn địa bàn biên giới phía Bắc đã giúp tôi thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ huấn luyện và chỉ huy tham mưu sẵn sàng chiến đấu. Tôi còn nhớ Sư đoàn phó, Tham mưu trưởng Phạm Đạt có lần nói: "Từ khi anh Mai về đơn vị, công tác tham mưu và kết quả huấn luyện của sư đoàn được nâng lên nhiều". Tôi cảm ơn anh vì đã có lời động viên chân thành.

Đầu năm 1985, kẻ địch từ bên kia biên giới có âm mưu dùng một lực lượng lấn chiếm một số địa bàn quan trọng. Thời gian ấy, Sư đoàn trưởng Lê Khôi, Sư đoàn phó - Tham mưu trưởng Phạm Đạt đi công tác. Tôi được giao nhiệm vụ trực chỉ huy. Chấp hành mệnh lệnh của trên, tôi cùng với đồng chí Trần Trọng Đức - Chủ nhiệm Chính trị, đồng chí Hoàng Liên - Sư đoàn phó Hậu cần đã trực tiếp chỉ huy, đưa toàn bộ sư đoàn vào chiếm lĩnh trận địa phòng ngự trên tuyến biên giới Bắc Xa, Kiên Mộc, tỉnh Quảng Ninh và huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn và đã ngăn chặn kịp thời âm mưu lấn chiếm của địch.

Một hôm đoàn cán bộ Sư đoàn 431 do tôi trực tiếp chỉ huy, đi nghiên cứu địa hình, trên đường cơ động qua dốc 6 độ Bắc thị trấn Đình Lập, Lạng Sơn đã bị một trận pháo kích dữ dội của địch đánh trúng vào đội hình. Do sơ tán, trú ẩn kịp thời nên cả đoàn cán bộ bình an vô sự. Trong thời gian Sư đoàn 431 thực hiện nhiệm vụ chặn địch trên tuyến biên giới ngày ấy, một chiến sĩ thuộc Trung đoàn 12 đã hy sinh do pháo binh địch từ bên kia biên giới bắn sang.

Sau một năm làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, mùa hè 1985 tôi được bổ nhiệm giữ chức vụ Sư đoàn phó Tham mưu trưởng Sư đoàn 431. Trên cương vị mới, tôi tận tâm, toàn ý hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức trách của mình. Đặc biệt, tôi cùng các đồng chí cán bộ Sư đoàn, chú trọng công tác quản lí bộ đội, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đi đôi với nâng cao đời sống cán bộ, chiến sĩ.

Thời gian ấy, Sư đoàn 431 đóng quân ở một vùng rừng núi thuộc 7 xã trên đèo thuộc huyện Lục Ngạn, tỉnh Hà Bắc. Đời sống bộ đội còn khó khăn, tiêu chuẩn ăn rất thấp. Các đơn vị đều ở nhà tranh, bởi vì không có kinh phí xây dựng doanh trại nên bộ đội phải vào rừng khai thác gỗ, tranh, lá nứa về tự làm nhà để ở.

Tôi suy nghĩ rất nhiều, làm sao để cải thiện được đời sống bộ đội, sau đó, bàn bạc với các đồng chí trong cơ quan tham mưu, rồi đề nghị Thủ trưởng sư đoàn cho phép Phòng Tham mưu và các đại đội trực thuộc tổ chức tự đốt vôi, làm gạch để xây nhà. Riêng ngói thì rất khó khăn vì bộ đội chưa đủ điều kiện tự làm. Để giải quyết khó khăn ấy, tôi mạnh dạn đề nghị sư đoàn cho phép Phòng Tham mưu tận dụng xe không tải lượt đi của những chuyến xe về miền xuôi lấy gạo, thực phẩm để chở nứa từ trên rừng về đồng

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net