3.CHÚNG TA HÃY SẴN SÀNG ĐỂ TỰ HỌC

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Không có ngọn gió nào giúp ta được nếu ta không có một bến để tới

MONTAIGNE

Rồi tôi đứng dậy và chiến đẫu nữa

A. BARTON

1. Phải dự bị trước.

2. Lòng tự tin

3. Nghị lực.

4. Lập chương trình:

a. Lợi của sự tự học.

b. Hại của sự tự học.

c. Định mục đích và lập chương trình.

1. PHẢI DỰ BỊ TRƯỚC

Ở chương I tôi đã ví sự tự học với một cuộc du lịch trong suốt đời ta, vừa thanh cao, vừa thú vị, ích lợi. Nhưng tôi chưa nói nó nhiều khi cũng gay go. Nó cũng như leo núi, càng lên cao, cảnh càng lạ, nhãn quang càng rộng, mà cũng càng khó nhọc.

Trước khi khởi hành cuộc viễn du đó, ta phải dự bị sẵn sàng. Sức khoẻ và tiền bạc không cần nhiều song cũng không được thiếu. Tôi nói không cần nhiều vì có những người đau vặt liên niên như Voltaire mà vẫn học được; còn sách thì thường rẻ lắm, một cuốn 5, 7 chục đồng dùng được hàng tháng hàng năm. Về hai phương diện đó chắc bạn có dư. Điều quan trọng nhất là tinh thần bạn đã sẵn sàng chưa?

2. LÒNG TỰ TIN

Bạn có lòng tin mãnh liệt không? Tôi không nói lòng tin Trời, tin Phật đâu; lòng tin nơi bạn kia. Trên thế giới không có gì mạnh bằng đức tự tin vì có tự tin mới can đảm, mới quả quyết, mới hăng hái, mới kiên nhẫn. Nó san được núi, lấp được sông; thiếu nó việc gì cũng thất bại.

Marc Aurèle nói: “Ta tin đời ta ra sao thì đời ta như vậy”. W.D. Scott, Khoa trưởng một trường đại học ở Mỹ cũng nói: “Thành công hay thất bại do khả năng tinh thần của ta thì ít mà do thái độ tinh thần của ta thì nhiều”.

Mà thái độ tinh thần của bạn ra sao? Bạn có tin rằng hễ bạn chịu khó thì phải có kết quả không, rằng không một sự gắng sức nào của bạn là vô ích không?

Có những điều bạn và tôi cũng vậy – học 5-7 lần mà không thuộc. Ta cho là uổng công, chán nản rồi bỏ. Như thế là lầm.

“Bạn có thấy một bãi cát mênh mông dưới ánh nắng chang chang không? Một trận mưa đổ xuống đó thấm thía gì đâu? Những giọt đầu chưa xuống tới mặt cát đã tan thành hơi nước. Những giọt sau thấm ngay vào cát. Sau cơn mưa, mặt cát vẫn khô như cũ.

Nhưng giọt sau kế giọt trước, thấm lần xuống, lâu lâu thành một dòng suối chảy tới một vũng xanh hoặc một giếng sâu mà không nắng hè nào làm cạn nổi.

Óc ta như bãi cát đó. Những điều ta học hôm nay, mai đã quên rồi, cũng như những giọt nước mới tới mặt đất đã bị cát thấm. Nhưng ta không quên hẳn đâu, vì những điều đó đã để lại một ấn tượng mơ hồ trong óc ta. Học lại 5- 10 lần, ấn tượng sẽ mỗi ngày một rõ và một ngày kia, những điều học được gom lại thành một dòng tư tưởng giúp ta hiểu lần lần được vũ trụ”.

Phải có tin như vậy mới tự học được. Muốn luyên đức tự tin xin bạn theo phương pháp của ông Gordon Byron trong cuốn: 7 bước đến thành công. (1)

----------------------

(1)Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê

----------------------

3. NGHỊ LỰC

Tự tin giúp ta có nghị lực.

Ở bên Pháp, người ta đã làm những thống kê và thấy 100 người ghi tên học các lớp hàm thụ thì chỉ được độ 20 người học đến nơi đến chốn. Tám mươi người kia phải bỏ dở vì thiếu nghị lực.

Bạn bảo bạn hoàn toàn thiếu nghị lực. Tôi không tin vậy. Thế nào bạn cũng có, không nhiều thì ít. Bạn nhớ lại, từ trước tới nay, đã làm được vài việc gì khó khăn chưa? Gần tới kỳ thi ra trường, bạn đã thức khuya, dậy sớm hoặc nhịn đi coi hát, đi dạo phố để ôn bài chứ? Như vậy là bạn đã có nhiều nghị lực đấy.

Rồi hồi tản cư, bạn đã có lần nào chân mỏi rã rời mà cũng rán quẩy đồ trên vai, lết từng bước trong 5-6 cây số nữa để tới chỗ nghỉ không?

Vậy thì sao bạn lại nói là thiếu nghị lực?

Từ khi ở trường ra, nhất là từ khi trở về thành sống một đời bằng phẳng, ủy mị quá, nghị lực của chúng ta sút đi nhiều lắm, nhưng ta vẫn có nó, chứ không phải là hoàn toàn thiếu. Ta không chịu luyện nó đấy thôi. Có hàng trăm cách để luyện.

Chẳng hạn ông Gordon Byron khuyên:

- Đặt trả lại trong hộp 100 cây quẹt (que diêm) hoặc 100 miếng giấy.

Làm rất từ từ, đều đều và chú ý vào công việc.

- Khoanh tay đứng trên mặt ghế trong 5 phút. Như vậy có vẻ như

thằng điên, nhất là khi có ai trông thấy; nhưng nếu bạn rán giữ điệu bộ ấy, mặc dầu có người phá thì bạn chắc chắn làm chủ được nghị lực của bạn rồi đấy.

- Đếm đi đếm lại trong 5 phút vài chục vật nhỏ

Bạn có thể tự kiếm được những cách khác để tập bất kỳ lúc nào: ở nhà, ở hãng, trong khi ăn, lúc sắp ngủ, khi đi đường, lúc ngồi xe…

Mỗi ngày chỉ cần 5-10 phút thôi.

- Mọi ngày cứ sau bữa cơm, bạn phải hút ngay một điếu thuốc, hôm nay thử bỏ thói quen đó xem sao.

- Sáng tỉnh dậy, bạn có thói quen nán lại ở giường, mươi, mười lăm phút, nhất là trong mùa gió bấc này. Ngay sáng mai bạn nhất định hễ thức rồi nhảy liền ra khỏi giường đi.

- Có bức thư của một người thân gởi tới mà bạn đã mong mỏi trong non tuần lễ rồi, bạn muốn mở ra coi ngay? Khoan, để đó 5 phút đã.

Ta tập tự thắng ta trong những việc nhỏ như vậy, lần lần ta sẽ tự chủ được trong những việc khó khăn hơn và nghị lực của ta tăng lên. Cứ đi từ dễ đến khó. Trong sự học tập, tu luyện, không quy tắc nào quan trọng hơn quy tắc ấy với quy tắc này nữa: Ngày nào cũng tập đừng quên một ngày.

Và xin bạn bỏ ý sai lầm tai hại này đi: ta không có nghị lực. Ai cũng có nghị lực, không nhiều thì ít; hễ tập thì ít sẽ hoá nhiều.

4. LẬP CHƯƠNG TRÌNH

a) Lợi của sự tự học.

Tự học có nhiều lợi. Như tôi đã nói, ta được tự do lựa môn học, lựa thầy học.

Ta lại khỏi bị chương trình bó buộc. Nếu chưa hiểu rõ một chương, ta có thể bỏ ra hàng tuần hàng tháng để học thêm, chứ không phải hổn hển theo lời giáo sư như ở trường. Nhờ vậy ta có nhiều thì giờ để suy nghĩ so sánh, tập xét đoán, giữ tư tưởng được tự do. Không ai nhồi sọ ta được, bắt ta phải lặp lại những điều mà ta không tin. Sách dạy rằng Nã Phá Luân là một vị minh quân anh hùng, nhưng ta chỉ cho ông là một người quyền quyệt đại tài. Sử chép Hồ Quý Ly là tên loạn thần có tội với quốc gia; ta có thể chưa tin mà còn xét lại.

Còn cái lợi này cũng đáng kể là khi tự học ta được tự do bỏ phần lý thuyết viển vông mà chú trọng vào thực hành; nhờ vậy, sự học vui hơn, có bổ ích cho ta ngay.

Ông Pierre Camusat trong cuốn Réussir avec ou sans diplôme

(Editions Gamma 1965) đã làm một cuộc phỏng vấn, kết quả là nhiều người nhận rằng người tự học có nhãn quang rộng, có nhiều ý mới và biết chú trọng đến thực tế.

b) Hại của tự học

Tuy nhiên có lợi thì có hại. Sự tự học lợi ở chỗ tự do thì hại cũng ở chỗ đó.

Trước hết, vì không ai dẫn dắt ta, nên ta không biết học cái gì. Có người mua một bộ Bách khoa từ điển về rồi quyết định học cho hết, nhưng mới độ một tuần đã phải bỏ vì chán quá, nhiều đoạn đọc chẳng hiểu gì cả.

Có kẻ gặp cái gì đọc cái ấy. Đó là trường hợp của tôi khi mới ở trường ra, như tôi đã nói trong lời tựa.

Người thì không tự lượng sức mình, chưa biết những sách đại cương về một môn nào đã đọc ngay những sách quá cao viết cho các nhà chuyên môn. Vậy nguyên tắc là phải đi trở lại từ những bước đầu.

Kẻ lại gấp rút quá, nhắm ngay cái thiết thực mà bỏ hẳn phần lý thuyết, thành thử thiếu căn bản để tiến một cách vững vàng.

Rồi còn bao nhiêu bạn cái gì cũng thích nhưng chi coi qua loa, khác chi những con bướm lượn trên bông này rổi tới bông khác, cả năm không làm thành được một giọt mật. Rốt cuộc thành một hạng học giả (chứ không phải học thiệt) như người đời thường mỉa.

Học như vậy phí công vô ích, đức không tu tiến mà óc không phát triển. Nguyên nhân là không có một mục đích nhất định để nhắm, một chương trình hợp lý để theo.

Sau cùng ta nên tránh thói tự phụ, chủ quan, hẹp hòi, cố chấp, tránh mặc cảm tự ti hoặc tự tôn rất thường thấy ở những người tự học.

c) Vậy ta phải định mục và lập chương trình.

Charles Péguy nói: “Trong đời ta, ít nhất cũng phải có một lần đem tất cả ra xét lại”. Ông muốn bảo chúng ta phải xét lại những điều hiểu biết, những tư tưởng và nhất là nhân sinh quan của ta.

Descartes cũng đã có lần cố ý quên hết, nghi ngờ hết những điều đã học được trong tu viện để tự tìm lấy chân lý.

Làm theo được hai ông cúng hơi khó, song thế nào ta cũng phải vạch một mục đích để hướng dẫn sự tự học cho hợp với nó.

Có mục đích gần và mục đích xa.

Bạn mới ở trường ra, mới vào tập sự trong một sở hoặc hãng. Tất nhiên bạn muốn được hiểu rành nghề để làm tròn nhiệm vụ người ta giao phó cho, rồi học hỏi thêm để mong được lãnh một chức vụ quan trọng hơn. Đó là mục đích gần của bạn.

Bạn khác ước ao có nhà lầu xe hơi, chiều tan sở, đánh xe một vòng trong châu thành rồi về vặn máy thu thanh nghe tin tức thế giới trong khi uống rượu khai vị để đợi bữa. Đó cũng là một mục đích gần nữa.

- Nhưng tôi đã già rồi, về hưu nay mai đây, còn ham gì giàu với sang.

Ông chi giùm tôi một mục đích của mình.

- Mỗi người phải tự vạch lấy mục đích của mình. Tôi chỉ có thể giúp cụ tìm tòi thôi. Cụ vẫn đọc báo hằng ngày đấy chứ? Cụ muốn hiểu rõ tình hình thế giới không? Nó có ảnh hưởng lớn đến đời sống của gia đình cụ. Vậy thì sao cụ không đọc những sách báo nghiên cứu tình hình thế giới? Tôi không cam đoan với cụ rằng đọc những sách báo đó, cụ sẽ đoán được lúc nào có chiến tranh thứ ba đâu. Nostradamus có tái sanh cũng vị tất đã giúp cụ được việc ấy. Muốn biết rõ chỉ có cách hỏi Eisenhower và Molotov. Tuy nhiên cụ cũng hiểu được thêm tin tức mọi nơi, và đôi khi cũng đoán trước được những việc nho nhỏ.

Nếu cụ lại chán ngán thời cuộc đến nỗi không đọc báo nữa thì chắc cụ ưa nhàn, muốn gây một vườn cúc ở trước hiên và vui với đàn cháu ở dưới gối? Vậy thì cụ nên học cách trồng cúc và đọc về tâm lý trẻ.

Muốn thăng chức, muốn có nhà lầu, xe hơi, muốn trồng một vườn cúc, muốn hiểu trẻ, đó đều là những mục đích gần.

Nhưng các bạn trẻ nghĩ sao, chứ làm việc 8 giờ có khi 10, 12 giờ một ngày chỉ để có cơm ăn (dù cơm tây với bơ, sữa, Sâm banh, Cô nhắc) có áo mặc (dù là tuýt xo, gấm vóc) thì đời cũng đáng chán lắm!

Ta phải có một mục đích cao xa hơn. Ta phải tự đào luyện cho đủ tư cách làm một người chủ trong gia đình, một công dân và một phần tử của nhân loại. Ta phải mỗi ngày một tiến về đức và trí để giúp ít người khác mỗi ngày một nhiều hơn.

Térence, một thi sĩ Latinh sống cách ta 21 thế kỷ, nói: “Tôi là người: không có cài gì liên quan tới loài người mà lạ với tôi”.

Vậy ta là giáo viên, cũng nên đọc về kinh tế, chính trị; ta làm thợ thuyền cũng nên học về triết lý, luật khoa… Nhà văn phải biết khoa học, vì khoa học giúp ta nhận xét, lý luận, hiểu vũ trụ hơn. Nhà khoa học cũng phải hiểu văn chương vì những áng văn thơ bất hủ nâng cao tâm hồn con người. Không một môn nào vô ích. Kẻ nào quá chuyên nghiệp, chỉ đọc những sách về ngành hoạt động của mình thì không khác chi đeo vào hai bên thái dương hai lá che mắt, không khác chi tự giam mình vào một phòng chỉ có mỗi một cửa sổ để thông ra ngoài.

Ta phải tìm cái lợi thiết thực trước mà cũng không nên chê cái vô ích.

Ai biết được nhiều cái vô ích là hơn người. Nếu tổ tiên ta hồi ăn lông ở lỗ, chỉ mong có thức để ăn, có da để khoác, khôn tìm tòi hầu hiểu biết thêm; trông vầng trăng giữa trời, không tự hỏi sao lúc nó tròn, lúc nó khuyết; nhìn giọt sương trên cỏ, không tự hỏi sao tháng này có, tháng khác không; tóm lại không tốn công nghiên cứu những cái cơ hồ như vô ích ấy thì chúng ta bây giờ các khác chi những con thú ở trong rừng? Cho nên Valéry đã nói: “Loài người chỉ là người ở trong cái phạm vi mà sự ích lợi không chỉ huy tất cả những hành động và sai khiến tất cả số phận của nó”.

Vậy có những điều tựa như vô ích mà vẫn nên học. Chỉ khi nào quên cái thiết thực mà chú trọng tới cái vô ích thì mới là đáng chê.

Tóm lại mục đích của ta là cải thiện đời sống vật chất, luyện trí óc và tâm hồn để tăng tiến khả năng giúp ích người khác, rồi mở rộng phạm vi hiểu biết để thoả mãn nhu cầu tò mò tự nhiên của loài người.

Ta sẽ theo mục đích đó mà vạch chương trình tự học. Chương trình đó sẽ có 3 phần:

- Học thêm về nghề.

- Luyện đức.

- Mở mang trí óc (chú trọng tới cái ích lợi thiết thực trước).

Dù có sống lâu như Bành Tổ mà học suốt đời cũng không hoàn thành được chương trình ấy, nếu ta không biết lựa những môn nào quan trọng để học trước những môn nào không hợp với khả năng của ta để bỏ đi.

Chẳng hạn, đói với tôi, luật học, kinh tế học, y học, giáo khoa, tâm lý thực hành… là quan trọng. Địa chất học, thiên văn học, cách sinh hoạt của các loài sâu, bọ… là phụ. Trong những môn quan trọng người thích môn này, người thích môn khác; môn nào thích thì học kỹ, khônng thích thì chỉ học qua cho biết.

Trong một chương sau tôi sẽ giới thiệu với bạn ít sách nên đọc về mỗi môn. Bây giờ tôi xin nhắc bạn đọc lại 2 danh ngôn tôi đã nêu lên ở đầu chương này, nó tóm tắt cả đại ý trong chương đấy.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net