Tự sát

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lần đầu tiên tôi có ý định tự sát là năm mười ba tuổi, khi cầm trong tay bài kiểm tra cuối kỳ Toán năm điểm rưỡi và thông báo rời lớp chọn.

Hết giờ học, tôi chạy về nhà, khoá cửa phòng thật chặt và bắt đầu khóc. Tôi cứ khóc như vậy, mặc kệ bố, mẹ và anh năm bảy lượt gõ cửa; hết doạ nạt, mắng mỏ rồi đến nịnh nọt, dụ dỗ. Chẳng nhớ tôi đã khóc bao lâu, chỉ biết là lâu, lâu lắm; cái gối thì ướt đẫm, và tôi chỉ chịu dậy, lọ mọ đi rửa mặt khi cả nhà đã ngủ.

Sau đó, tôi ngồi vào bàn học, bài kiểm tra choe choét đầy vết bút đỏ đặt trước mặt, bên cạnh là một con dao lam. Khi đấy, tất cả những gì tôi muốn là được rạch nát bài kiểm tra, nhưng khi cầm lưỡi dao lên, tôi lại kề nó vào cổ tay mình. Tôi-mười-ba-tuổi còn ngoan ngoãn, ngờ nghệch lắm, chỉ biết mỗi học. Tôi học nhiều lắm, tự bản thân thấy mình không bằng thiên hạ, thế là lại càng lao đầu vào học. Học như một con thiêu thân, chẳng biết mình học vì cái gì. Nhưng càng học, kết quả ở trường của tôi càng giảm. Ban đầu, tôi nghĩ mình không đủ chăm chỉ, nên tôi càng cố gắng, thức đến hai giờ sáng là chuyện thường. Cuối cùng, kẻ được kỳ vọng cao nhất lại có kết quả thấp nhất. Tôi muốn chết.

Nhưng rồi, tôi lại nghĩ, tự sát chẳng phải đau lắm sao? Vả lại, chết rồi, có chắc được đến nơi tốt hơn không, hay là mãi bị đày đoạ dưới địa ngục, vạn kiếp cũng chẳng thoát nổi?

Cuối cùng, tôi buông lưỡi dao, và tự hứa với bản thân chẳng bao giờ nghĩ đến cái chết nữa.

Cái sự nông cạn, ngờ nghệch của một đứa trẻ đã hại tôi, nhưng cũng cứu tôi.



Lần thứ hai tôi tìm cách chạm đến cái chết là năm cuối đại học. Đó là một đêm hè ngột ngạt, tình đầu rủ tôi ra công viên hóng gió, và nói lời chia tay. Đột ngột đến mức, tôi chưa kịp định thần lại thì cậu ấy đã bỏ đi. Ngày hôm đó, và cho đến mãi sau này, tôi chẳng thể nào hiểu nổi lý do gì mà cậu bỏ tôi.

Tôi quen cậu từ cuối cấp hai, từ cái hồi hai đứa còn là một lũ trẻ con ngờ nghệch. Hai đứa vốn chẳng có chút liên quan gì đến nhau, nhưng lên cấp ba lại học cùng trường, và nghiễm nhiên chơi thân với nhau.

Tôi thích cậu, thích cái nét trẻ con đáng yêu, thích cái nụ cười toe toét với lúm đồng tiền mờ mờ, thích cái đôi gò má phúng phính ửng hồng. Rồi từ thích, tôi chuyển qua yêu.

Lên đại học, chúng tôi không học cùng trường nên cũng ít gặp nhau. Chỉ có cuối tuần, khi không phải chạy trối chết với hàng trăm thứ deadline, hai đứa mới có một vài buổi hẹn hò con con. Đôi khi là ngồi cafe, cậu vu vơ kể chuyện trường lớp, tôi lơ mơ lắng nghe, hoặc cả hai ngồi trầm tư, thả hồn lãng đãng theo những bản nhạc rời rạc. Thỉnh thoảng, vào những ngày mưa, thư viện luôn là lựa chọn hàng đầu. Hai đứa lén lút đem vào cốc latte take-away, cùng chụm đầu vào nghiền ngẫm một cuốn tiểu thuyết - cậu thích Marc Levy, và tôi cũng vậy - thì thào đầy phấn khích khi đến những đoạn cao trào, và thỉnh thoảng bị đuổi ra khỏi thư viện khi cô thủ thư đi ngang qua trong khi hai đứa đang ôm cốc cafe. Lặp đi lặp lại mãi những việc như thế, nhưng chưa bao giờ tôi thấy buồn chán.

Năm năm trôi qua, mọi sự đều yên bình như thế, cho đến ngày cậu nói lời chia tay. Tôi ngạc nhiên, sững sờ, hốt hoảng, và cuối cùng là tuyệt vọng. Cậu thậm chí còn không cho tôi một cơ hội để thắc mắc. Chỉ một câu thôi, nhưng chẳng có cơ hội nữa rồi.

"Tại sao?"

Như một kẻ lãng mạn vô phương cứu chữa, tôi thất thểu lết về nhà, tìm đến những bài thơ tình bi thương, và những bản ballad đầy u sầu. Mắt nhoè nước, tôi chẳng đọc được chữ nào; tai ù đi, mọi nốt nhạc cứ dính nhập nhằng vào nhau, chẳng ra một cái thể loại gì, nhưng tôi vẫn cứ đọc, cứ nghe, mặc kệ cho mọi thứ trôi tuột đi.

Trong vô thức, tôi với lấy chiếc dây thừng - vốn đã được thắt thòng lọng sẵn - và treo nó lên trần nhà, ngoắc vào một cái móc đã ở đó từ rất lâu rồi. Giờ nhớ lại, tôi thấy mình thật kỳ cục, luôn tránh nghĩ về cái chết, nhưng lại chuẩn bị sẵn cho nó. Tôi đờ đẫn bắc chiếc ghế, trèo lên, và đặt đầu vào trong vòng dây thừng. Cứ ngơ ngẩn như một kẻ mất hồn.

Ý thức của tôi chỉ quay lại khi chân tôi trượt khỏi chiếc ghế. Chiếc thòng lọng thít chặt vào cổ, chặt đến mức cảm giác đầu tôi có thể đứt lìa. Tôi giãy giụa, chới với, miệng há ra để hớp lấy không khí, nhưng chẳng có gì đi vào buồng phổi. Tôi cố gắng lôi sợi dây thừng ra, nhưng tất cả những gì tôi có thể làm là cào vào cổ mình.

Và rồi, tôi hét, với chút hơi tàn còn sót lại, tạo ra một âm thanh chói tai kỳ cục, chẳng giống chút nào với chất giọng khàn khàn thường ngày. Thật lạ, vì khi bị đẩy vào hoàn cảnh khốn cùng, con người ta lại có thể thực hiện những điều bất khả.

Sau đó, tôi ngất xỉu. Vang vọng đâu đó, có tiếng gọi của anh hai.

Khi tỉnh lại, anh hai kể, "Lúc đó trông mày tởm lắm, mặt mũi tím tái, mắt trợn trừng trừng. Tao mà không kịp đỡ mày xuống thì mày đi đời rồi."

Tôi đưa tay lên chạm vào vết tím bầm quanh cổ, ngơ ngẩn hỏi "Em muốn chết cơ mà, tại sao lại cứu em?"

"Mày mà muốn chết thì đã không hét tướng lên như thế. Có thể lúc đó mày tự tử thật, nhưng trong sâu thâm tâm mày thì không đâu. Mày để cho tình cảm lấn át lý trí, nhưng đến giây phút cuối cùng, lý trí lại vượt lên. Mày vẫn muốn sống, em ạ."


Lần thứ ba tôi tự lao đầu vào cái chết là năm hai mươi ba tuổi. Một lần đi khám sức khoẻ, họ phát hiện trong não tôi có một khối u. Sau một loạt các phương pháp kiểm tra để chắc chắn kết quả, tôi nhập viện.

Bệnh viện là một nơi thực buồn tẻ. Phần lớn thời gian, tôi xem phim, chơi game, đi dạo, đọc sách, hoặc làm một việc vô bổ nào đó. Còn những lúc còn lại, tôi nằm bẹp trên giường, chìm trong cái sự buồn tẻ đến ngột ngạt. Ngày qua ngày, tôi cứ sống như vậy: ăn - ngủ - giết thời gian - trị liệu. Cuộc đời tôi, bỗng dưng vô nghĩa đến lạ.

Tôi vật vờ như thế được một thời gian thì những hành động vô thức bắt đầu xuất hiện. Bọn họ bảo, ban đầu chỉ là những lần mất ý thức ngắn, không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống - nếu tôi có cái thứ gọi là cuộc sống - nhưng khi bệnh tình trở nên trầm trọng, bệnh nhân sẽ có những hành động trong vô thức, và không có khả năng kiểm soát lời nói của mình.

Thời gian đầu, những lần mất ý thức rất ngắn, và thỉnh thoảng mới xảy ra một lần. Tôi đang ở trong phòng bệnh, và ngay sau đó, tôi nhận thấy mình đang lảng vảng dưới sân. Và khi mọi thứ trở nên tệ hơn, tôi bắt đầu đập phá đồ đạc trong vô thức. Khi tỉnh táo trở lại, trong tay tôi luôn là một chiếc cốc, chiếc gối, hoặc bất kỳ vật gì tôi có thể tìm được, và trước mặt luôn là một mớ hỗn độn. Tôi không phải một kẻ điên, nhưng lại hành động y hệt như thế.

Anh hai thường xuyên đến thăm, nghe em gái lảm nhảm về cái chết, và nhìn chính đứa em gái đó đang chết dần. Tôi chẳng biết mình đã nói những cái gì, nên tôi hỏi anh. Anh trả lời, "Mày nói về cái chết. Có khi là cái chết của mày - mày bảo nó đến rất gần rồi, mọi người đều biết vậy nhưng vẫn cố an ủi mày. Có khi là về cái chết của con chó mày nuôi hồi còn bé xíu, cái con chó bị xe cán lúc ra tiễn mày đi học đó. Và có một lần, mày nói về cái chết của tao và bố mẹ, nói rằng, một ngày nào đó, cả tao, cả bố mẹ, tất cả mọi người, rồi sẽ chết."

Tôi luôn tìm thấy bản thân trong một tâm trạng tồi tệ. Đây là não của tôi, cơ thể của tôi, nhưng tôi lại chẳng thể nào điều khiển được nó. Đến cả tâm trí, giờ cũng chẳng thuộc về tôi nữa rồi.

Rồi một hôm, tôi quyết định kết thúc cái chuỗi ngày sống vật vờ này. Tôi không muốn sống khi mà chẳng còn bộ phận nào trên cơ thể còn chịu nghe lời tôi. Tôi không muốn sống khi mà bản thân trở thành gánh nặng và trách nhiệm của người khác. Tôi biết, mọi người quá mệt mỏi vì tôi rồi.

Lần đó, tôi chọn cách nhảy xuống chiếc hồ con con, sâu chừng ba, bốn mét trong khuôn viên bệnh viện. Khi toàn bộ cơ thể chìm xuống mặt nước, tôi bỗng thấy nhẹ nhõm, và dễ chịu. Nước bao bọc lấy tôi, vỗ về an ủi tôi. Nhưng cảm giác thư thái đó chỉ kéo dài vài giây, cho đến khi nước tràn vào họng, vào mũi, làm tôi ngộp thở. Cố mở mồm ra để hít lấy không khí, nhưng chỉ có nước, thật nhiều nước thi nhau chui vào. Tôi quơ quào, tìm cách nào đấy đẩy bản thân lên trên mặt nước, nhưng càng giãy giụa, tôi càng chìm xuống.

Tôi chới với giữa dòng nước mênh mông.

Và rồi, có một tiếng động thật lớn, âm thanh của một vật gì đó va đập vào mặt nước. Một người lạ bơi đến chỗ tôi, kéo tôi vào lòng và đưa tôi lên bờ. Khẽ chớp mắt đỏ hoe, tôi thấy cậu ta thật quen thuộc. Cái nét trẻ con đáng yêu đó, đến cuối đời tôi cũng không thể quên.

Sau khi hồi phục lại, tôi dành hết những quãng thời gian tỉnh táo của mình để đi tìm cậu, nhưng chẳng bao giờ thấy. Ngày hôm đó, cậu như một ảo ảnh.


Ngày cuối cùng của đời tôi là ngày phẫu thuật.

Vào lúc này, tôi lại tỉnh táo đến lạ.

Bố mẹ nói nhiều hơn ngày thường, những lời về phép màu nhiệm của y học cứ vang mãi bên tai tôi như một điệp khúc không hồi kết. Trái lại, anh hai rất trầm lặng, chỉ ngồi bên cạnh tôi, lơ đãng nhìn ra ngoài cửa sổ.

Trước khi vào phòng mổ, tôi níu tay anh, hỏi, "Anh này, anh có tin là em sẽ sống không?"

Anh trả lời, giọng ráo hoảnh, "Nếu mày có hy vọng, mày sẽ sống. Mày có tin vào bản thân mày hay không mới quan trọng, không phải tao."

Anh nói vậy, nhưng ánh mắt nhìn tôi như biết chắc trong đầu tôi đang có những suy nghĩ gì. Tôi chưa bao giờ nuôi hy vọng rằng mình sẽ sống. Trong tôi, chỉ có sự tuyệt vọng đang lớn dần.

Tôi luôn có ám ảnh với cái chết của mình, một cái chết mà tôi sẽ nắm quyền chủ động. Cái chết của chính tôi. Tôi muốn tự tay kết thúc của đời mình. Nếu tôi chết trong khi phẫu thuật, sẽ chẳng ai nghĩ đó là hành động tự sát.

Sự thành công của một ca phẫu thuật phụ thuộc năm mươi phần trăm vào tay nghề của bác sĩ, và năm mươi phần trăm còn lại vào hy vọng của bệnh nhân.

Tay nghề của bác sĩ, đích thân ông trưởng khoa đứng ra đảm nhiệm ca phẫu thuật của tôi.

Còn về phần mình, tôi chẳng còn chút hy vọng nào.

Từ bỏ hy vọng, cũng chẳng khác gì tự sát.

Trước khi chìm vào giấc ngủ, tôi chỉ có duy nhất một suy nghĩ, "Mình sẽ chết."

Năm đó, tôi vừa tròn hai mươi tám tuổi.  


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net