Chương 7: Mùa đông đầu tiên

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thượng Hải vừa bước qua mùa đông thì những đoàn thuyền bọc thép cũng thi nhau kéo đến. Chẳng ai biết chúng đến từ nơi nào, cứ như thế đậu kín cả bến cảng. Những ống sắt khổng lồ nhả ra khói đen lem mờ cả đường chân trời. Mà trong không khí lại mơ hồ quẩn đục làn khói trắng từ những ống hít thuốc phiện chưa từng nguội lạnh.

Từng tốp lính tuần canh thay phiên nhau dạo trong các ngỏ ngách. Nhà hát đóng cửa, tiểu viện im lìm, đa số đều được ông chủ Lý phê duyệt về quê sớm, trong nhà lúc này chỉ còn lác đác vài đứa trẻ con. Lâu lâu bọn họ lại đón tiếp vài ba gã mắt xanh mũi lỏ, ông chủ Lý yêu cầu Tống Á Hiên mặc quần áo của Lưu Diệu Văn, đến mặt mũi cũng phải bôi bẩn. Nhìn hai đứa con nít tóc ngắn lởm chởm, gã Tây liền nhăn nhở tươi cười tỏ ý vừa lòng lắm. Trà nước vừa bưng lên, ông chủ Lý quẹt một que diêm đưa đến tận bên ống hít của gã da trắng kia, chẳng mấy chốc căn phòng ngập đầy mùi Phúc Thọ cao. 

Mặc dù cảnh tượng này ở Bắc Kinh thấy mãi cũng thành quen, nhưng Tống Á Hiên vẫn nôn nao khó chịu khi đông về. Gã người Tây vừa rời khỏi, nó dắt theo Lưu Diệu Văn mang mâm cơm vào để bên đầu giường ông chủ Lý. Căn bản là muốn trộm nhìn gia nhân từ bên trong tủ lấy ra một khóa còng, thành thạo kẹp lấy cổ tay và cổ chân ông. Dây xích nối với thành giường, bồn tiểu trong góc phòng, sắp xếp xong xuôi đâu vào đó, toàn bộ đóng cửa phòng lại rời đi.

Lưu Diệu Văn chưa từng chứng kiến có người cai thuốc phiện, lúc mới đầu nghe tiếng kêu gào của ông chủ hắn còn sợ phát khiếp. Đoàn kinh kịch thế mà lại cấm nha phiến, trừ ông chủ Lý bắt buộc phải qua lại với đám thương nhân và quan lại ra, còn lại những người trong đoàn nếu bị bắt gặp sẽ ngay lập tức trục xuất. Ban đầu bọn họ còn cảm thấy luật cấm này quá vô lý, nhưng khi hiệp định Nam Kinh đặt bút kí xong, chẳng một ai dám hó hé đòi hỏi mê dược nữa. Cái danh ô nhục vì thuốc phiện mà bán đất của tổ tiên không chỉ rơi trên đầu vua tôi Mãn Thanh mà còn là vết nhơ của mỗi người dân đang rít trên môi thứ khói hương trắng xóa kia.

Có những ngày không kìm lòng được muốn chạy ra phố, Tống Á Hiên cùng Lưu Diệu Văn lại cải trang thành tụi ăn mày con nít. Chạy đến phía sau tửu lâu chừng hai mươi thước sẽ bắt gặp một phần bờ rào bị sụt đất đủ để hai đứa nó trèo vào. Thay vì chạy vào trong sân, chúng lại quẹo trái lẻn đến kho chứa cũi phía sau quán. Tống Á Hiên quen thuộc lấy một thanh củi gõ cạch cạch hai tiếng lên tường, vài giây sau, một chiếc thang từ phía trên trần nhà được thả xuống, hóa ra nơi này còn có một tầng gác xép mà người bên ngoài khó lòng phát hiện ra.

Gác xép này là nơi bà chủ giấu Tịch Liên cùng một số cô nương khác khỏi bọn lính tuần canh, có người thì quá bé, có người vừa sinh con, hay như Tịch Liên, sức khỏe không tốt. Kể từ hai viên kẹo lần trước, Tống Á Hiên và Lưu Diệu Văn đã kết thêm được một người bạn mới. Tịch Liên là đứa trẻ được sinh ra trong tửu lâu, từ bé đã leo lên leo xuống gác xép này để tránh mũi chó của đám đàn ông đánh hơi thấy. Bởi vì đám lính tuần canh kéo đến, nơi đây cũng trở thành căn cứ bí mật của họ. Ông chủ Lý hiện tại đã không còn thời giờ để quản bọn nó, cũng vì thế mà Tống Á Hiên và Lưu Diệu Văn lẻn đi thường xuyên hơn. Cả hai đứa thường được cho kẹo, phồng miệng vừa nhai vừa kể lại khung cảnh u ám não ruột ngoài kia. Các cô nương ai nấy nghe xong đều than thở, sắp qua năm mới rồi cũng không được yên thân.

Lưu Diệu Văn và Tống Á Hiên lần này còn mang theo cả kịch nói mong có thể giúp các tỷ tỷ phấn chấn hơn một chút. Cả hai vừa trèo lên, Lưu Diệu Văn đã gọi Tịch Liên muốn khoe khoang về vở kịch. Cửa sập đóng lại, một miếng ngói vỡ mới được đẩy, ánh sáng yếu ớt của ngày đông tràn vào căn gác nhỏ, lúc này bọn hắn mới phát hiện ra, không thấy Tịch Liên đâu cả. Tống Á Hiên ngơ ngác nhìn quanh, lắp bắp nói không nên lời, mãi mới hỏi được một câu hoàn chỉnh:

"Tịch Liên tỷ tỷ đâu rồi?"

Không gian im lặng như tờ, các cô nương đưa mắt nhìn nhau không biết phải nói thế nào, mãi lúc sau mới có một người lên tiếng.

"Khách quen tìm đến nên đi rồi."

"Không phải bọn Tây nên không sao đâu, đừng lo lắng."

Lưu Diệu Văn nghe đến đây cũng mơ màng hiểu ra, hắn bối rối ậm ừ lảng tránh, lại không kịp nhận ra Tống Á Hiên dần trở nên khác lạ.

Ôm vở kịch trong tay trở về, lúc này hắn mới chú ý tiểu thiếu gia không nói một lời nào. Lưu Diệu Văn ngầm hiểu được đây là chuyện không đứng đắn, nhưng cũng chỉ là không đứng đắn mà thôi, có lẽ sẽ như cha dượng hắn chọc ghẹo những cô dì trong ngõ. Ngoài điều ấy ra, Lưu Diệu Văn cũng không biết tiếp khách thì còn có thể xảy ra chuyện gì. Thế nhưng trực giác nói với hắn rằng không nên không đề cập thêm điều này với Tống Á Hiên, cả lần đầu tiên biết đến Tịch Liên cũng vậy. 

Về đến phòng, Tống Á Hiên vội vàng nói muốn đi tắm,  vội đến mức không đợi được đun nước. Đối với Lưu Diệu Văn, cậu chủ nhỏ không phải là người không nói đạo lý, những đòi hỏi vô lý thường ngày đều là nghịch ngợm mà thôi. Thế nhưng hôm nay hắn cảm thấy Tống Á Hiên cực kỳ khó chiều, hắn không muốn để người nọ tắm nước lạnh, còn tiểu thiếu gia nhất quyết đẩy hắn ra ngoài. Lần đầu tiên trong lòng, Lưu Diệu Văn muốn giận dỗi Tống Á Hiên. Không phải vì cảm thấy người nọ cố tình gây sự, đối với một đứa trẻ con như hắn, không nhận được sự tin tưởng của Tống Á Hiên khiến Lưu Diệu Văn khó lòng hiểu được. Nhưng nếu hắn hỏi đến cùng, câu trả lời của Tống Á Hiên có lẽ cũng là không biết. 

Đứa trẻ rời đi không còn nhớ được gương mặt người phụ nữ đầy hơi rượu ấy, không thể nhớ những người đàn ông lén lút tìm đến trước cửa mỗi đêm, thậm chí giọng nói tỉnh táo rành mạch của bà, nó cũng không còn nhớ nữa. Nhưng nào có ích gì, rõ ràng trí óc đã cố gắng đến vậy, thế mà cơ thể vẫn ghi nhớ tỉ mỉ từng chút một. Dẫu cho ngàn lần tự nhủ rằng mẹ là mẹ của nó mà, nhưng Tống Á Hiên hết lần này đến lần khác vẫn không chấp nhận những liên hệ đến bà như một phản xạ lặp đi lặp lại mỗi ngày. Nó càng lớn lên, cảm giác bài xích tựa như tế bào nhân lên không ngừng. Tống Á Hiên của tuổi lên mười nào tường tận bản thân đến mức có thể nói rõ với Lưu Diệu Văn. Nó không ghét bỏ Tịch Liên, nhưng nó cũng hiểu rằng chúng không nên thường xuyên đến chốn hương phấn ấy nữa.

Cũng kể từ ngày hôm ấy, Tống Á Hiên chỉ vùi mình trong phòng, hết ngâm rồi lại xướng. Lưu Diệu Văn cũng không thể một mình chạy đến tửu lâu chơi, đối diện tiểu viện là một nhà rèn, đôi khi hắn vẫn hay đến đó xem các lò nung đỏ lửa sáng đêm. Thấy Lưu Diệu Văn hứng thú, ông chủ cũng dạy hắn làm vài món đồ thủ công nho nhỏ, thường hay vỗ bôm bốp vào vai hắn gọi con trai. Lần này hắn xách theo một cái ấm sắt bị sứt quai, muốn sang học lỏm tay nghề của ông chủ. Thấy đứa nhỏ sáng dạ lại có tố chất, ông chủ phun cây tăm trong miệng ra, hất đầu hỏi hắn.

"Tiểu Lưu, có muốn làm thợ ở đây không? Làm con trai ta."

Lưu Diệu Văn nheo mắt đổ xi hàn lên ấm nước, hắn còn không thèm suy nghĩ đã trả lời.

"Tống Á Hiên muốn đi thì con sẽ đi, nhưng ở đây thì gần quá."

Ông chủ cau mày.

"Nó không phải thiếu gia nhà đó à, ngươi cũng đâu muốn bám theo đứa nhóc đó cả đời đúng không. Nào để mai ta qua..."

"Không đâu."

Không để ông nói hết câu hắn đã lập tức khẳng định.

"Không có thiếu gia thì con không đi đâu."

Ông chủ lò rèn tỏ vẻ không vui, cũng đánh tiếng cho hắn biết rằng mình vừa làm phật lòng ông. Nhưng Lưu Diệu Văn vẫn trước sau như một. Không thể lay động được đứa nhóc con, ông phủi tay, không muốn thì không muốn vậy. Đều là lời trẻ con vô tri vô giác, ông cũng không cho là thật, chỉ đơn giản hăm dọa hắn rằng đến tuổi trưởng thành chẳng mấy chốc lại phải rời đi. Lưu Diệu Văn phồng má không đồng ý, hắn thực sự quyết tâm đồng hành cùng Tống Á Hiên cả đời. Lưu Diệu Văn không hề chú ý, nếu lớn hơn một chút, không biết hắn có hỏi người đàn ông cho ra lẽ. Thế nào gọi là "phải", tại sao lại là "phải rời đi", tại sao không thể là rời đi khi bọn họ mong muốn. Nếu một ngày hắn có đủ ý thức để hỏi những lời này, phải chăng là đã nếm mùi vị chia xa.

Mùa đông đầu tiên đầy khói lửa cuối cùng cũng kết thúc. Trái ngược với không khí thiết quân luật, Thượng Hải cứ như vậy nồng nhiệt đón chào năm mới từ năm này qua năm khác. Dáng vẻ điêu tàn dần lùi đi được thay thế bởi lớp xiêm y sắc màu trên cơ thể những người đàn bà đỏng đảnh, bến Thượng Hải sau những cuộc ngoại nhập với phương Tây càng thêm kiêu hùng. Bên trong ngõ nhỏ nơi xa nhất có thể nghe thấy tiếng còi tàu ấy, nhà hát của ông chủ Lý cứ như vậy trở thành chốn gửi gắm phong tình lãng mạn của cánh thương nhân phất lên từ chốn giang hồ sâu không lường được này. Phố đèn đỏ sính ngoại dẫn đầu trào lưu mới nhất thời bấy giờ, từng ngõ ngách được tầng lớp tiểu tư sản trang hoàng ngày một phù hoa, ngày một huyên náo hơn. 

Trong không khí phong tình như vậy, vào một ngày cuối mùa xuân năm 1847, Tống Á Hiên cuối cùng cũng đã đón tuổi 15 đầy ngạo nghễ. Chiêm ngưỡng vị trí kép chính đầu tiên của người nọ, Lưu Diệu Văn đứng phía sau cánh gà siết lấy y phục của y, ánh mắt nhìn theo từng vạt áo tung bay của Tống Á Hiên. Một động tác ngọa ngư xoay tròn yêu kiều hết mực cũng đã khiến cho khán đài chậm lại nửa nhịp vì mê đắm. Một giọng hát vút cao như cổ thụ vươn mình, cứ như vậy chuốc cho cả một con phố chếnh choáng say. Mồ hôi yên tĩnh rơi phía sau lưng áo, còn phía trước ánh đèn kia là thanh y được đẽo gọt tỉ mỉ đến mức giao hòa linh hồn với người bên dưới lớp hoa kiểm kia.

Tống Á Hiên buông lỏng tay áo nghiêng mình kết thúc, mà Lưu Diệu Văn lần đầu tiên đối mặt với vị thanh y ấy, hai bên tai đỏ lựng như đèn lồng đỏ. Tống Á Hiên trông dáng vẻ ngớ ngẩn đã lâu không thấy của hắn, khóe miệng dương cao cũng chẳng lộ một khe hở, ấp ủ một chút thơ ngây hỏi người kia rằng, đẹp không. Thiếu niên vốn tưởng còn đang mê man choáng ngợp, vừa trông thấy ánh mắt linh động xuyên qua lớp lớp phấn son đang mong đợi, Lưu Diệu Văn vuốt xuống dây tóc xõa trên cầu vai người nọ, nán lại hồi lâu mới nói được hai chữ "đẹp nhất". Tống Á Hiên phì cười đặt nắm đấm vào lòng hắn, bảo rằng ranh con nịnh bợ. Nhưng nếu Lưu Diệu Văn lúc ấy có thể nói rõ rằng, hắn muốn cho Tống Á Hiên biết hắn tựa như đã nhìn xuyên được cả cuộc đời, trong lòng hắn có một thiếu niên vĩnh viễn là đẹp đẽ tuyệt đối. Dẫu cho đài cao Thượng Hải có đổi chủ bao lần, y mãi mãi ở nơi cao nhất. 

Bất tri bất giác theo dòng chảy của thế sự vô thường. Lưu Diệu Văn và Tống Á Hiên cứ như thế lặng lẽ bước chân vào năm tháng thiếu niên rực rỡ nhất, mở ra đoạn thời gian chẳng thể nào quay trở lại ấy.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net