Phân tích 2 khổ đầu bài " Tràng Giang"-Huy Cận

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

     Trong cuốn Thi nhân Việt Nam, nhà phê bình Hoài Thanh viết: "Đời chúng ta nằm trong vòng một chữ tôi. Mất bề rộng, ta đi tìm bề sâu. Càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ. Ta phiêu du trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư. Ta đắm say cùng Xuân Diệu. Ta điên cuồng cùng Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng, lại tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta lại ngẩn ngơ buồn trở về cùng Huy Cận".  Huy Cận là một trong những nhà thơ xuất sắc của phong trào "Thơ Mới" với giọng thơ thấm đượm nỗi buồn, một nỗi buồn " mang mang thiên cổ sầu" như ngọn lửa âm ỉ cháy cho những rung động với con người và với cuộc đời. Và độc đáo hơn, ngay trong cách lựa chọn và cách thể hiện của Huy Cận cũng mang một nét riêng biệt , một tâm hồn lúc nào cũng trải ra, sẵn sàng '' bâng khuâng" với trời rộng, và sông dài, với nỗi sầu thân thế , nhân thế bao quanh. Và "Tràng Giang" trong tập "Lửa thiêng" cũng là một trong những chuỗi cảm hứng cho nỗi buồn triền miên , bất tận. Qua bài thơ mới mang nét đẹp cổ diển, Huy Cận đã bộc lộ nỗi sầu của một "cái tôi"cô đơn trước thiên nhiên rộng lớn, trong đó thấm đợm tình người tình đời, lòng yêu nước thầm kín mà thiết tha. Đặc biệt, qua 2 khổ thơ đầu của bài thơ  t không chỉ được chiêm ngưỡng bức tranh sông nước rộng lớn, bao la , mênh mông mà còn cảm nhận được rõ hơn nỗi buồn mênh mông vô định, nỗi cô đơn, hiu quạnh của nhà thơ. (TRÍCH THƠ)

     "Tràng giang" là một bài thơ tiêu biểu nhất của Huy Cận, sáng tác vào năm 1939, in vào tập thơ "Lửa thiêng". Huy Cận tâm sự rằng, bài thơ Tràng giang là do con sông Hồng gợi tứ, lúc đầu bài thơ có tên là Chiều bên sông nhưng sau đó nhà thơ đổi tên là Tràng giang. Nhan đề bài thơ Tràng giang gợi lên không khí cổ kính bởi hai từ Hán Việt gợi hình ảnh một dòng sông dài rộng mênh mông, vô tận. Không chỉ vậy, âm "ang" gợi âm hưởng mênh mang như tiếng sóng vỗ vào lòng ta biết bao nỗi niềm. Và nỗi niềm ấy còn lắng đọng hơn, da diết hơn bởi câu đề từ mang cảm xúc chủ đạo cho toàn bài "Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài". Bước vào bài thơ, khổ thơ đầu tiên đã khiến người đọc liên tưởng đến một con sông chất chứa bao nỗi buồn sâu thẳm:

"Sóng gợn Tràng giang buồn điệp điệp,
 

Con thuyền xuôi mái nước song song,

Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng"

      "Tràng Giang" mở ra  trước mắt người đọc bằng hình tượng dòng sông mặt nước với hình ảnh " sóng gợn" rất nhẹ khẽ dao động. Những con sóng nhẹ với nhịp điệu đều liên tiếp nối nhau, xô đuổi nhau đến tận cuối chân trời, đẩy không gian thêm rộng lớn vô cùng. Âm điệu của "sóng gợn" tạo nên một sự buốn tẻ tác động mạnh mẽ đến tâm trạng của con người, vì thế mà Huy Cận càng trào dâng nỗi cô đơn lạc lõng trước sông nước cảnh vật. "Điệp điệp" là một từ láy thật gợi hình, gợi cảm, vừa là hình ảnh vừa là tâm tư. Nó vừa gợi hình ảnh những con sóng từng gợn nhẹ nhấp nhô rồi tan biến trong dòng chảy mênh mông, vừa diễn tả "điệp điệp" nỗi sầu. Sóng của dòng sông, của thiên nhiên trong phút ấy đã hóa thành con sóng lòng của thi nhân với từng nỗi buồn cứ thế dâng đầy, lân rộng lan xa theo từng con sóng. Trên dòng sông ấy, xuất hiện hình ảnh "con thuyền xuôi mái". Đó là con thuyền nương theo dòng nước mà đi, nhưng cũng có thể hiểu là con thuyền buông xuôi, bất lực với cả mái chèo của mình lênh đênh để dòng nước cuốn xuôi tận cuối chân trời mặc cho dòng đời xô đẩy, phiêu bạt, buông xuôi không bến đậu gợi cho ta cảm giác cô đơn da diết. "Con thuyền cũng không buồn lái, để mặc xuôi theo dòng nước lặng lờ. Ngay cả dòng nước trong bản thân con sông cũng không thiết đến nhau, cứ âm thầm mà chảy "song song", vờ không quen biết nhau trong đời". Nguyễn Du từng viết "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Có lẽ vì lòng người buồn mà tâm cảnh cũng nhuốm lên ngoại cảnh.Nhà thơ khéo léo sử dụng nghệ thuật đối "thuyền về "-"nước lại" diễn tả sự chia ly, ngược hướng,nghich cảnh giữa thuyền và nước. . Xưa nay, thuyền nước vốn là hai sự vật không thể tách rời thế mà nay chúng lại vận động trái chiều, hững hờ như không ăn nhập vào nhau. Nhìn đâu thi nhân cũng chỉ thấy cảnh vật rời rạc chia ly, u sầu cứ thế mà hiện lên trong từng câu chữ. Cụm từ "sầu trăm ngả" nhấn mạnh nỗi sầu kéo dài theo thời gian và bao trùm cả không gian. Sầu vô cùng ,sầu tứ phía ,ngàn mayy.Rồi bất ngờ thay, trên dòng chảy mênh mông ấy, thi nhân bắt gặp cành củi khô đơn độc "Củi một cành khô lạc mấy dòng". Nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh nhận xét rằng "Lần đầu tiên trong lịch sử thi ca, một cành củi khô trôi vào thơ Huy Cận như nỗi cô đơn của một kiếp người trong xã hội cũ". "Cành củi" thôi đã gợi lên sự nhỏ bé, đơn độc lại còn "củi khô" nữa thì lại càng bé nhỏ tội nghiệp hơn và còn trôi dạt lạc long, bơ vơ không biết về đâu trên dòng sông vô định.Số từ "một" gợi cái đơn lẻ ,đơn chiếc giữa "mấy dòng" khiến hình ảnh "củi" lại càng nhỏ bé mong manh đến tưởng chừng như mất hút tạo nên cảm giác lạc lõng bâng khuâng. Phải chăng hình ảnh cành củi khô trôi nổi phù du trên sóng nước Tràng giang chính là hình ảnh ẩn dụ cho kiếp người như thi nhân đang nổi trôi, bơ vơ, vô định giữa dòng chảy của cuộc đời, giữa cuồng phong của một đất nước mất chủ quyền? Thơ Huy Cận không chỉ là tiếng nói cái tôi của nhà thơ mà còn là tiếng nói đồng điệu của cả một thế hệ tác giả trước CMT8. Khổ thơ trên đã khắc họa bức ranh sông nước rộng lớn mênh mông, buồn tẻ, hiu quạnh vừa cổ điển vừa hiện đại từ đó nhà thơ khẳng định cái tôi mang  một nỗi buồn sầu vũ trụ nhỏ bé lạc lõng đơn độc.

     Nếu như bức tranh thiên nhiên ở khổ thơ đầu mênh mông, điệp điệp thì khổ thơ thứ 2 nỗi buồn ấy chợt sâu lắng lặng lẽ nhiều hơn:
"Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
 Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót.
 Sông dài, trời rộng bến cô liêu."

     Không gian vốn rộng nay càng thêm rộng ra.Trên dòng sông mênh mang, xuất hiện "lơ thơ cồn nhỏ". Từ láy "lơ thơ" diễn tả sự rời rạc, thưa thớt của những cồn đất nhỏ nhoi mọc lên giữa dòng sông gợi cảm giác hoang vắng, cô tịch, tiêu điều, xơ xác. Hai chữ "đìu hiu" gợi hơi lạnh, như càng khắc sâu thêm nỗi buồn hiu hắt làm câu thơ chùng xuống như một tiếng thở dài man mác.Và Huy Cận cũng đã từng nói hai chữ "đìu hiu "ấy đã được mượn trong hai chữ của "Chinh phụ ngâm" :
" Non Kỳ quạnh quẽ trăng
  Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò "

      Trong tiếng gió buổi chiều là âm thanh của cuộc sống con người nhưng nghe mơ hồ quá "Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều"."Đâu tiếng làng xa", là ở đâu không xác định, âm thanh ấy nghe thật mơ hồ, vậy mà đó lại là âm thanh của chợ đã vãn nghe càng buồn hơn, cũng viết về chợ nhưng trong thơ của Nguyễn Trãi hình ảnh ấy lại hiện lên thật náo nhiệt đông đúc.

"Lao xao chợ cá làng ngư phủ"

Vui nhất là âm thanh của chợ vui, buồn nhất là âm thanh của chợ vãn. Ở câu câu thơ này cái tinh tế của Huy Cận là ở chỗ ông lấy động để nói tĩnh, lấy tiếng chợ vãn để gợi nên không khí vắng lặng của không gian đồng thời thể hiện mong muốn được giao hòa, giao cảm của con người dù đó chỉ là thính giác.  Nó chỉ thoáng qua trong gió rồi tắt lịm giữa bóng chiều đang xuống càng làm cho cảnh chiều hư vô, càng gợi thêm sự vắng vẻ, quạnh hiu. Hai câu thơ tiếp theo không gian tiếp tục được mở rộng: "Nắng xuống, trời lên sâu chót vót/ Sông dài trời rộng bến cô liêu". Hai hình "nắng '' và "trời" cũng được đặt trong những chuyển động trái chiều "lên" và "xuống", trong cảm giác về một sự chia rẽ. Nắng xuống và trời lên, để lại một khoảng trống thăm thẳm mở ra, vũ trụ được đẩy lên cao bởi khi nắng chiều xuống, bầu trời như được nâng lên hẳn làm nên độ cao"sâu chót vót". Chữ "sâu" rất ấn tượng. Nếu dùng từ "cao" thì chỉ tả được độ cao của bầu trời còn chữ "sâu" vừa tả được độ cao vừa gợi được cảm giác của con người trước chiều cao ấy. Đó chính là sự rợn ngợp của hồn người trước cái vô cùng của vũ trụ. Vì thế đọc câu thơ lên ta có cảm giác hồn mình như đang mênh mang cùng thiên địa. Con người trong phút ấy trở nên nhỏ bé cô đơn hơn bao giờ hết. Nhà thơ gọi quãng mình đứng là "bến cô liêu" hay chính tâm hồn thi nhân đang lẻ loi, cô liêu và hoang vắng. Có lẽ, Huy Cận và Xuân Diệu đã đồng điệu khi gọi hồn mình là "bến cô liêu" hay"Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề" (Xuân Diệu). Khổ thơ trên không chỉ miêu tả một bức tranh thiên nhiên đẹp, buồn ,nó còn là khao khát kiếm tìm hơi ấm cuộc sống con người của một cái tôi đang bơ vơ trong nỗi buồn nhân thế, nỗi sầu nhân sinh

       Tràng giang mang đậm phong vị cổ điển và hiện đại qua việc vận dụng nhuần nhuyễn thể thơ bảy chữ với cách ngắt nhịp, gieo vần, cấu trúc đăng đối; bút pháp tả cảnh ngụ tình, gợi hơn là tả ...nhiều từ Hán Việt cổ kính còn tình cảm thi nhân mang màu sắc hiện đại. Bài thơ khắc họa khung cảnh sông nước mênh mang, từ đó bộc lộ nỗi cô đơn, nỗi buồn thế hệ và tình yêu quê hương thầm kín mà sâu sắc của nhà thơ. Từ đó, bài thơ mở ra một tình yêu lớn lao và tha thiết về mỗi miền quê, mỗi cảnh vật trong trái tim con người.

      "Tràng giang" là một trong những bài thơ hay nhất trong tập thơ "Lửa thiêng". Nó là ngọn lửa thiêng liêng, ngọn lửa vĩnh cửu toả sáng một hồn thơ đẹp. Thi sĩ đã chọn thể thơ thất ngôn với bốn khổ thơ, như một bức hoạ tứ bình tuyệt tác. Như Xuân Diệu đã từng nói"Tràng giang là bài thơ ca hát non sông đất nước, do đó dọn đường cho lòng yêu Giang sơn Tổ quốc". Đọc "Tràng giang" ta thêm yêu, thêm nhớ đất trời sông núi quê hương Việt Nam.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net