Tràng Giang: Phân tích 2 khổ cuối

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


c, Luận điểm 3: Khung cảnh sông nước bao la:

"Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;

Mênh mông không một chuyến đò ngang.

Không cầu gợi chút niềm thân mật,

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng."

- Hình ảnh cánh bèo trong "bèo dạt về đâu" gợi sự tan tác, chia lìa. Cánh bèo như mang thân phận con người: lạc loài, trôi nổi. Đó là hình ảnh của số phận con người "hàng nối hàng" không biết đi về đâu trong xã hội cũ khi chưa có cách mạng về.

=> Cảm giác cô đơn khiến nhà thơ càng muốn tìm đến một sự gần gũi, một sự kết nối.

- Nghệ thuật phủ định để khẳng định: "Mênh mông không một chuyến đò ngang"; "Không cầu gợi chút niềm thân mật" càng thấm thía sự đơn độc, bơ vơ. Chiếc cầu, con đò bắc nối đôi bờ là biểu hiện sự gắn kết của con người với cuộc sống, thường gợi về sự tấp nập gần gũi và gợi nhớ quê hương. Nhưng ở đây "không một chuyến đò" đi qua, không một chiếc cầu bắc nối đôi bờ, nghĩa là tuyệt nhiên không một dấu vết của sự sống hay một cái gì đó gợi về tình người muốn gặp gỡ lại qua giữa đôi bờ hoang vắng. Hai bờ sông cứ thế chảy dài về phía chân trời xa như hai thế giới cô đơn, xa lạ không bao giờ gặp nhau, không chút niềm thân mật của những tâm hồn đồng điệu.

- "Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng". Bức tranh thật đẹp nhưng tĩnh lặng, buồn đến nao lòng.

=> Khổ thơ thứ ba là bức tranh gợi về số phận nổi trôi, bơ vơ, bất hạnh, vô định của kiếp người trong xã hội cũ và tô đậm hơn khát khao mãnh liệt về sự đoàn tụ, sum vầy của con người.

d, Luận điểm 4: Tâm sự sâu kín của thi nhân về tình yêu quê hương đất nước:

"Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.

Lòng quê dợn dợn vời con nước,

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà."

- Bức tranh thiên nhiên bao la, kì vĩ. "Mây" trắng trên cao hết lớp này đến lớp khác khi ánh mặt trời chiều chiếu vào trông như quả núi dát bạc. "Đùn" diễn tả những đám mây và cũng là nỗi sầu tự mở ra, liên tiếp như có một sức đẩy từ bên trong

=> Câu thơ dựng lên được một hình ảnh đẹp như một bức tranh sơn mài cổ điển.

- Cảnh thật hùng vĩ tráng lệ nhưng đối lập với cái hùng vĩ ấy là hình ảnh cánh chim nhỏ bé đơn côi đang "nghiêng cánh nhỏ". Bóng chiều buông xuống đè nặng lên cánh chim bé nhỏ, lạc lõng giữa bầu trời rộng thênh thang.

=> Cánh chim như chở nặng nỗi niềm thi nhân hay chính là hình bóng thi nhân đang lạc lõng, bơ vơ giữa vòng xoáy cuộc đời.

- Thi sĩ gọi tâm hồn mình là "lòng quê". "Lòng quê dợn dợn vời con nước", "dợn dợn" nghĩa là đầy lên, trào dâng lên trong tâm hồn (sáng tạo của Huy Cận). Có một nỗi niềm bâng khuâng, cô đơn của "lòng quê" đang "dợn" lên trong tâm hồn thi nhân. Đó là nỗi lòng nhớ thương quê hương khi đang đứng giữa quê hương mình nhưng quê hương đã không còn. Đây là nét tâm trạng chung của các nhà Thơ Mới lúc bây giờ.

- Câu thơ"Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà". Nhà thơ đã mượn ý thơ Thôi Hiệu để nói lên nỗi lòng của mình. Cách đó mười thế kỷ Thôi Hiệu nhìn khói sóng trên sông mà lòng nhớ quê hương da diết: "Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai". Huy Cận không nhìn thấy "khói", không cần đến sự tác động của ngoại cảnh nhưng vẫn nhớ nhà da diết. Có nghĩa là, niềm thương nhớ quê hương của Huy Cận còn mãnh liệt và sâu sắc, cao độ hơn thành một tình cảm thường trực: sông càng vời rộng càng buồn nhớ quê hương da diết, cháy bỏng vì quê hương không chỉ là một làng quê thân thương nào đó mà nó còn là bến đậu của tâm hồn, là cội nguồn đời sống tinh thần.

=> Cho nên, nỗi nhớ khắc khoải quê hương có mặt khắp mọi nơi và tự nó tuôn trào ra từ trái tim thi sĩ. Đó cũng là nỗi sầu, niềm thương nhớ quê hương dâng trào man mác của một tâm hồn tha hương, lưu lạc ngay trên Tổ quốc, ngay trên đất mẹ của mình. Đúng như câu thơ của Tố Hữu: Sống giữa quê hương mà bơ vơ như kiếp đi đày.

3. Đánh giá

- Tràng giang mang đậm phong vị cổ điển và hiện đại qua việc vận dụng nhuần nhuyễn thể thơ bảy chữ với cách ngắt nhịp, gieo vần, cấu trúc đăng đối; bút pháp tả cảnh ngụ tình, gợi hơn là tả ...nhiều từ Hán Việt cổ kính còn tình cảm thi nhân mang màu sắc hiện đại.

- Bài thơ khắc họa khung cảnh sông nước mênh mang, từ đó bộc lộ nỗi cô đơn, nỗi buồn thế hệ và tình yêu quê hương thầm kín mà sâu sắc của nhà thơ.

-Từ đó, bài thơ đã khơi dậy một tình yêu lớn lao và tha thiết về mỗi miền quê, mỗi cảnh vật trong trái tim con người.

III. Kết bài

"Tràng giang" là một trong những bài thơ hay nhất trong tập thơ "Lửa thiêng". Nó là ngọn lửa thiêng liêng, ngọn lửa vĩnh cửu toả sáng một hồn thơ đẹp. Thi sĩ đã chọn thể thơ thất ngôn với bốn khổ thơ, như một bức hoạ tứ bình tuyệt tác. Như Xuân Diệu đã từng nói"Tràng giang là bài thơ ca hát non sông đất nước, do đó dọn đường cho lòng yêu Giang sơn Tổ quốc". Đọc "Tràng giang" ta thêm yêu, thêm nhớ đất trời sông núi quê hương Việt Nam.

CHI TIẾT


Sang khổ thơ thứ ba, không gian sóng nước và cái tôi cô đơn của thi nhân như lan tỏa khắp không gian:

"Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;

Mênh mông không một chuyến đò ngang.

Không cầu gợi chút niềm thân mật,

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng."

Hình ảnh cánh bèo trong "bèo dạt về đâu" gợi sự tan tác, chia lìa. Cánh bèo như mang thân phận con người: lạc loài, trôi nổi. Đó là hình ảnh của số phận con người "hàng nối hàng" không biết đi về đâu trong xã hội cũ khi chưa có cách mạng về. Cảm giác cô đơn khiến nhà thơ muốn tìm đến một sự gần gũi, một sự kết nối. Đưa tầm mắt ra sông rộng thấy "Mênh mông không một chuyến đò ngang"; "Không cầu gợi chút niềm thân mật" để rồi thấm thía một sự đơn độc, bơ vơ. Chiếc cầu, con đò bắc nối đôi bờ là biểu hiện sự gắn kết của con người với cuộc sống, thường gợi về sự tấp nập gần gũi và gợi nhớ quê hương. Nhưng ở đây "không một chuyến đò" đi qua, không một chiếc cầu bắc nối đôi bờ, nghĩa là tuyệt nhiên không một dấu vết của sự sống hay một cái gì đó gợi về tình người muốn gặp gỡ lại qua giữa đôi bờ hoang vắng. Hai bờ sông cứ thế chảy dài về phía chân trời xa như hai thế giới cô đơn, xa lạ không bao giờ gặp nhau, không chút niềm thân mật của những tâm hồn đồng điệu. Hai từ "không" hai lần phủ định "không đò", "không cầu" trong hai câu thơ như hai cái lắc đầu buồn bã. Chỉ có con người đơn độc giữa không gian vắng lặng đến vô tình. Cảnh Tràng giang chỉ còn "Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng". Câu thơ vẽ lên được một bức tranh thật đẹp nhưng tĩnh lặng, buồn đến nao lòng. Mỗi hình ảnh mang một nỗi buồn riêng. Chúng kết nối thành một bức tranh gợi về số phận nổi trôi, bơ vơ, bất hạnh, vô định của kiếp người trong xã hội cũ. Với thủ pháp quen thuộc của nghệ thuật cổ điển: lấy không để nói có, nhắc nhiều đến cái không, càng tô đậm hơn khát khao mãnh liệt về sự đoàn tụ, sum vầy của con người.

Khổ thơ cuối cùng khép lại mang niềm tâm sự sâu kín của thi nhân về tình yêu quê hương đất nước:

"Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.

Lòng quê dợn dợn vời con nước,

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà."

Thiên nhiên, cảnh vật, tạo vật qua tâm hồn Huy Cận buồn nhưng cũng có khi bộc lộ một vẻ đẹp kì vĩ, nên thơ. Mây trắng hết lớp này đến lớp khác như những búp bông trắng khổng lồ cứ liên tiếp nở ra, ánh trời chiều chiếu vào trông như quả núi dát bạc trong nền trời trong xanh khiến cho ánh chiều trước khi vụt tắt ánh lên vẻ đẹp. Câu thơ dựng lên được một hình ảnh đẹp như một bức tranh sơn mài cổ điển. Đằng sau bức tranh là nỗi lòng thi nhân. Từ "buồn điệp điệp", "sầu trăm ngả" ở những khổ thơ trên, đến đây nỗi sầu thi sĩ đã dâng lên trùng trùng, "lớp lớp" tràn ngập cả bầu trời. Từ "lớp lớp" diễn tả nhiều lớp kế tiếp nhau, lớp nọ liền lớp kia đều đặn không dứt. "Đùn" diễn tả những đám mây và cũng là nỗi sầu tự mở ra, liên tiếp như có một sức đẩy từ bên trong. Cảnh thật hùng vĩ tráng lệ nhưng đối lập với cái hùng vĩ ấy là hình ảnh cánh chim nhỏ bé đơn côi đang "nghiêng cánh nhỏ". Bóng chiều buông xuống đè nặng lên cánh chim bé nhỏ, lạc lõng giữa bầu trời rộng thênh thang. Cánh chim như chở nặng nỗi niềm thi nhân hay chính là hình bóng thi nhân đang lạc lõng, bơ vơ giữa vòng xoáy cuộc đời? Không nhìn vào không gian nữa, nhà thơ nhìn vào chính tâm hồn mình. Thi sĩ gọi tâm hồn mình là "lòng quê". "Lòng quê dợn dợn vời con nước", "dợn dợn" là một từ láy nguyên sáng tạo của Huy Cận, chưa từng thấy trước đó, nghĩa là đầy lên, trào dâng lên trong tâm hồn. Có một nỗi niềm bâng khuâng, cô đơn của "lòng quê" đang "dợn" lên trong tâm hồn thi nhân. Đó là nỗi lòng nhớ thương quê hương khi đang đứng giữa quê hương mình nhưng quê hương đã không còn. Đây là nét tâm trạng chung của các nhà Thơ Mới lúc bây giờ.

Câu thơ cuối cùng khép lại "Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà". Nhà thơ đã mượn ý thơ Thôi Hiệu để nói lên nỗi lòng của mình. Cách đó mười thế kỷ Thôi Hiệu nhìn khói sóng trên sông mà lòng nhớ quê hương da diết: "Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai".Huy Cận không nhìn thấy "khói", không cần đến sự tác động của ngoại cảnh nhưng vẫn nhớ nhà da diết. Có nghĩa là, niềm thương nhớ quê hương của Huy Cận còn mãnh liệt và sâu sắc, cao độ hơn thành một tình cảm thường trực: sông càng vời rộng càng buồn nhớ quê hương da diết, cháy bỏng vì quê hương không chỉ là một làng quê thân thương nào đó mà nó còn là bến đậu của tâm hồn, là cội nguồn đời sống tinh thần. Cho nên, nỗi nhớ khắc khoải quê hương có mặt khắp mọi nơi và tự nó tuôn trào ra từ trái tim thi sĩ. Đó cũng là nỗi sầu, niềm thương nhớ quê hương dâng trào man máccủa một tâm hồn tha hương, lưu lạc ngay trên Tổ quốc, ngay trên đất mẹ của mình. Đúng như câu thơ của Tố Hữu: Sống giữa quê hương mà bơ vơ như kiếp đi đày.

Tràng giang mang đậm phong vị cổ điển và hiện đại qua việc vận dụng nhuần nhuyễn thể thơ bảy chữ với cách ngắt nhịp, gieo vần, cấu trúc đăng đối; bút pháp tả cảnh ngụ tình, gợi hơn là tả ...nhiều từ Hán Việt cổ kính còn tình cảm thi nhân mang màu sắc hiện đại. Bài thơ khắc họa khung cảnh sông nước mênh mang, từ đó bộc lộ nỗi cô đơn, nỗi buồn thế hệ và tình yêu quê hương thầm kín mà sâu sắc của nhà thơ. Từ đó, bài thơ mở ra một tình yêu lớn lao và tha thiết về mỗi miền quê, mỗi cảnh vật trong trái tim con người.

"Tràng giang" là một trong những bài thơ hay nhất trong tập thơ "Lửa thiêng". Nó là ngọn lửa thiêng liêng, ngọn lửa vĩnh cửu toả sáng một hồn thơ đẹp. Thi sĩ đã chọn thể thơ thất ngôn với bốn khổ thơ, như một bức hoạ tứ bình tuyệt tác. Như Xuân Diệu đã từng nói"Tràng giang là bài thơ ca hát non sông đất nước, do đó dọn đường cho lòng yêu Giang sơn Tổ quốc". Đọc "Tràng giang" ta thêm yêu, thêm nhớ đất trời sông núi quê hương Việt Nam.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net