Đêm đông cởi trói

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

🌿 𝐓𝐓𝐒 - “Trong vai trò một nhà văn, Tô Hoài đã để lại cho con cháu thế hệ sau một thứ tài sản vô giá, đó chính là những ký ức rõ ràng và trọn vẹn về thời trước...”, những ký ức về một Tây Bắc xa xôi <3

Văn học, dù ít nhiều, chân thực hay hư cấu đều mang sứ mệnh phản ánh hiện thực trong từng thời kỳ. Đối với văn học Cách mạng giai đoạn 1945 -1975 đã khắc họa từng khía cạnh của đất nước thông qua quá trình đấu tranh. Và truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài là một ví dụ điển hình. Ở đó, hiện lên một nhân vật Mị đan xen bi kịch và khát khao hạnh phúc của người phụ nữ trong chế độ thực dân phong kiến (miền núi phía Bắc cũ). Đặc biệt hơn là tâm trạng và hành động của Mị trong đêm cứu A Phủ- sức sống tiềm tàng mạnh mẽ đấu tranh cho tự do và hạnh phúc.

Tô Hoài được biết đến như nhà văn của phong tục và người dân miền núi phía Bắc. Có lẽ vậy mà Tô Hoài chia sẻ: “Tây Bắc đã để thương, để nhớ trong tôi”. Ông tìm kiếm sự chân thực với quan niệm viết văn là một quá trình không tầm thường, phản ánh sự thật ở đời cho dù phải đập vỡ những hình tượng trong lòng bạn đọc. Nếu cùng thời với nhà văn, Nguyễn Tuân lên Tây Bắc tìm thứ vàng mười đã qua thử lửa thì Tô Hoài Lên Tây Bắc với quan niệm Văn chương và khao khát đóng góp cho cuộc đấu tranh của nhân dân. Tám tháng gắn bó với bà con dân tộc miền núi phía Bắc (trong đợ theo bộ đội lên Tây Bắc mở trại sáng tác) là tám tháng Tô Hoài hiểu và cảm đời sống cùng tấm lòng của người dân nơi đây. Trước khi về, tạm biệt dân làng tại chân núi, hai tiếng “Chéo lù! Chéo lù!” (Trở lại! Trở lại!) để lại nỗi nhớ da diết về người thương nơi đây. Ông viết tập Truyện Tây Bắc và trong đó “Vợ chồng A Phủ” là truyện ngắn xuất sắc nhất. Truyện hoàn thành năm 1953 với người phụ nữ tên Mị trải qua cuộc đời đầy bi kịch trước những hào quang bề ngoài. Thế nhưng, sau sự cam chịu sống dật dờ, Mị đã thức tỉnh khao khát hạnh phúc và bứt phá khỏi sợi dây cường quyền, thần quyền để tìm lại tự do cùng với A Phủ.

Mị là cô gái xinh đẹp, chăm chỉ, ngoan và có tài thổi kèn lá, thổi sáo. Nhưng cuộc đời lại sắp xếp, đưa đẩy Mị về làm vợ A Sử, làm dâu nhà thống lí Pá Tra trừ nợ. Những tưởng đầu hàng trước số phận, chịu làm nô lệ không bằng con trâu con ngựa, thế nhưng Mị đã tìm lại ý thức, khát khao sống, khát khao hạnh phúc trong đêm tình mùa xuân. Để rồi sau bao tháng năm hoang phí cuộc đời, giờ đây, Mị có thể tự mình tìm lại lẽ sống, giải thoát bản thân và đi về phía tự do- nơi có ánh sáng cách mạng soi đường.

Đêm nào cũng vậy và có lẽ, việc hơ tay trên ngọn lửa những đêm đông ở miền núi cao kia là việc làm an ủi tâm hồn Mị nhất. A Phủ đã bị bắt về làm nô lệ trừ nợ cho nhà thống lý Pá Tra sau đêm tình mùa xuân. Thế nhưng A Phủ đi chăn trâu, để hổ bắt mất một con. A Sử cùng thống lí bắt trói anh vào cột, đợi khi nào tìm được rồi mới thả. Và Mị, đêm đêm vẫn thấy người đàn ông bị trói kia, Mị vẫn hơ tay, đều đặn và thờ ơ. Tự bao giờ, sự lạnh lùng trong mị trở nên sắt lạnh đến vậy, trở nên chai sạn trước những thay đổi của cuộc sống. Ai đó nói rằng, điều đáng sợ nhất của con người chính là sự thờ ơ, lãnh đạm trước nỗi đau của đồng loại. Chao ôi! Lẽ ra đứng trước cảnh tượng ấy, tâm hồn nhạy cảm của một người phụ nữ phải rung động, đau xót, hoặc chăng là nhói lên niềm cảm thông nào. Nhưng không! Đã mấy đêm rồi, A Phủ ngày càng yếu đi vì đói, vì mệt, Mị vẫn thờ ở trước những điều ấy dẫu cho nó đang kề cận, nó đang diễn ra ngay bên cạnh. Cuộc sống khốn khổ và những bất hạnh đã làm Mị vô cảm với cuộc đời rồi?! Xã hội thực dân phong kiến kia hay chính A Sử và nhà thống lí Pá Tra đã đẩy một tâm hồn trẻ phơi phới xuân thì đến bước đường ấy. Đó là một sự lên án ngầm, một sự tố cáo hiện tượng gáy gắt của nhà văn trước sự thật đau lòng ấy.

Nhưng cuộc sống là những đổi thay, là sự biến thiên mà ta không thể nào đoán trước được. Mị vẫn hơ tay như mọi đêm. Đêm nay Mị liếc nhìn qua A Phủ. Mị thấy trên hõm má xạm đen lại là “hai dòng nước mắt lấp lánh bò xuống”. Chao ôi! Chua xót đến đắng chát. Một người đàn ông đang khóc ư? Có một sự bất lực, một sự phản kháng yếu ớt trước sợi dây trói của cường quyền và thần quyền. Dòng nước mắt đã đánh thức tình thương của đồng loại trỗi dậy trong Mị. Mị nhớ lại những câu chuyện từng được nghe về người đàn bà bị trói đến chết. Mị nhớ lại mình. Phải, mình đã từng như vậy- Mị hiểu và biết rõ điều ấy. Cảm giác bị trói đứng, nước mắt chảy xuống mà không thể lau đi được, nỗi đau cứ chất đầy nỗi đau. A Phủ nào có phải người của nhà thống lí Pá Tra. A Phủ không đáng chịu một kết thúc như vậy cho cuộc đời anh. Mị đã làm ma nhà A Sử cong a Phủ thì không. Người đàn ông vô tội và đáng thương này tại sao phải chịu đựng những điều ấy. Mị không nghĩ được lâu, chỉ biết bàn tay mình đã cầm con dao cắt trói cho A Phủ. Mị thì thào vào tai A Phủ “đi ngay” rồi nghẹn lại. Có lẽ trong khoảnh khắc giành lại được phần hơn của sự sống và khát khao tự do, sứ mạnh tiềm tàng trong A Phủ trỗi dậy để dẫu cho bao ngày đói lã, mệt nhoài vẫn thôi thúc anh đứng dậy, vùng bước và chạy đi. A Phủ được giải thoát rồi nhưng còn Mị? Mị ở lại sẽ như thế nào? Người bị thay vào dây trói kia sẽ là Mị chăng? Hàng loạt câu hỏi được đặt ra. Mị gọi với theo A Phủ “cho tôi theo với”, “ở đây thì chết mất”. Vậy đấy, “ người đàn bà chê chồng” ấy đã giải thoát cho A Phủ song cũng tự giải thoát cho mình khỏi sợi dây trói của cường quyền, thần quyền bủa vây, rằn siết lấy cuộc đời cô. Cả hai chạy nhanh, không ngoái đầu lại. Trong đêm đen của Hồng Ngài, A Phủ và Mị cùng nhau đến với ánh sáng Cách mạng ở Phiềng Sa.

Trong giai đoạn này, khi xây dựng nhân vật trung tâm cho tác phẩm, các nhà văn dụng tâm vào “sự cường điệu nét này hay nét khác của cá tính, hoặc sự nhấn mạnh như một cách minh họa tính giai cấp, có làm cho nhân vật ít nhiều hoặc sa vào sự cá biệt, hoặc sự minh họa”. Song điều đáng nói không chỉ nằm ở nhân vật mà còn hiện tượng khách quan được tác giả phản ánh vào từng câu chữ đã cho thấy sự đóng góp riêng của từng nhà văn. Với Nguyên Ngọc, ông xây dựng những câu chuyện về người dân Tây Nguyên đánh Pháp bi tráng mà hào hùng và niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc. Hay qua các tác phẩm Vợ nhặt, Đứa con người vợ lẽ,… văn phong của Kim Lân mang tính chất tự truyện nhưng đã thể hiện được không khí tiêu điều, ảm đạm của nông thôn Việt Nam và cuộc sống lam lũ, vất vả của người nông dân thời kỳ đó. Và Tô Hoài khắc họa cuộc sống, con người miền núi phía Bắc qua những bức tranh sinh động mà ở đó cái rực rỡ của thiên nhiên không thể che đậy sự lầm than, bi cực của con người dưới tay thần quyền, cường quyền. Mỗi nhà văn đều xác định một mụch đích và con đường riêng để từ đó thông qua các tác phẩm - dù ít dù nhiều - đều hướng độc giả đến những ý nghĩa nhân sinh quan sâu sắc, tinh thần đấu tranh chính nghĩa, phất cao ngọn cờ tự do, hòa bình.

Khéo thay cho sự tinh tế của Tô Hoài khi khắc họa thành công diễn biến tâm lý, nội tâm đầy phức tạp của nhân vật, từ đó thể hiện tinh thần nhân đạo cùng giá trị hiện thực sâu sắc của tác phẩm. Dù ngắn nhưng trong đêm cứu A Phủ, Tô Hoài vẫn gửi gắm vào nhân vật của mình sức sống tiềm tàng mãnh liệt để vùng dậy đấu tranh, giành lấy ựu giải thoát cho bản thân và khát khao tìm lại sự tự do. Xây dựng những chi tiết đắt giá cùng hình ảnh giàu tính biểu tượng, gửi vào đó biết bao triết lý nhân sinh quan ở đời. Một lần nữa, Tô Hoài khẳng định tài năng, tâm huyết và bút lực của mình.

Bằng bút pháp hiện thực kết hợp với phân tích nội tâm nhân vật, Tô Hoài đã khắc họa đậm nét nhân vật Mị Trong đêm cứu A Phủ nói riêng và trong toàn bộ thiên truyện nói chung. Đó là khát vọng sống mãnh liệt, sự phản kháng mạnh mẽ trước những thế lực kìm hãm, đàn áp con người. Tô Hoài sau khi chia tay Tây Bắc, kể lại kỷ niệm “ Vợ chồng A Phủ” chia tay tại chân núi vẫn vẫy tay theo mãi, cũng vẫn hai chữ thân thương mà da diết trong lòng “Chéo lù! Chéo lù!”…


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

#tho #vcap