Đêm tình mùa xuân 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng nói “Nhà văn tồn tại ở trên đời trước hết để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những con người bị cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường…Nhà văn tồn tại ở trên đời để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực.” Với tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, nhà văn Tô Hoài đã hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh cao cả ấy. Sự thức tỉnh của nhân vật Mị đã thể hiện khát vọng sống, khát khao một cuộc sống mới tốt đẹp hơn của những con người dưới đáy xã hội và đoạn trích trên cũng đã thể hiện sụ trỗi dậy của sức sống tiềm tàng ở Mị.
Trước khi về làm dâu nhà thống lí Pá Tra, Mị cũng như bao người con gái khác, chịu thương chịu khó, có một sức sống mạnh mẽ. Mặc dù gia đình gánh trên vai món nợ truyền kiếp, nhưng cô sẵn sàng nói với cha để minh lao động rồi trả nợ dần; cô trẻ trung, yêu đời, có tiếng sáo hay khiến biết bao chàng trai say đắm. Nhưng sau đêm bị A Sử bắt về thì cuộc đời của cô đã sang một trang khác, đầy bi thương và thảm kịch.
Những ngày làm dâu nhà thống lí Pá Tra, Mị đã phải chịu bao nỗi đắng cay, tủi cực. Quanh năm cô quanh quẩn làm việc, chẳng có lấy một giây phút nghỉ ngơi. Nơi ở của cô chẳng khác nào nhà tù, chỉ có một lỗ vuông bằng bàn tay, nhìn ra ngoài chỉ thấy mờ mờ trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Phải chăng sức sống, sự yêu đời của cô trước đây đã bị bào mòn cạn kiệt? Nhưng không qua đêm tình mùa xuân và đêm đông tự giải cứu chính mình, ta biết rằng trong sâu thẳm người con gái kia, niềm yêu cuộc sống vẫn tiềm tàng mạnh mẽ.

Đêm tình mùa xuân đến với tiếng sáo, tiếng khèn của trai làng gọi bạn tình, như mồi lửa nhỏ làm bùng lên ngọn lửa khát khao sống, khát khao hạnh phúc trong Mị. Tác giả đã khéo léo tạo ra hai tác nhân, cả khách quan và chủ quan. Đặc biệt, âm thanh của tiếng sáo đã vọng vào tâm hồn Mị, khiến tâm hồn Mị thức tỉnh, hồi sinh. Đó là âm thanh giản dị, mộc mạc nhưng lại chan chứa khát vọng tự do, yêu đương, hạnh phúc. Chính tiếng sáo ấy đã khơi sức sống tiềm tàng tưởng chừng như đã ngủ yên trong lòng Mị.
Mị cũng uống rượu, “Mị… cứ uống ừng ực từng bát. Rồi say”. Mùa xuân đến gọi về trong Mị biết bao hồi ức đẹp đẽ “Mùa xuân đến, Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê ngày đêm thổi sáo đi theo Mị”. Mị thoát khỏi tâm trạng dửng dưng bấy lâu để trở thành con người thức tỉnh, vươn tới những ý nghĩ và khát vọng đẹp đẽ. “Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng” làm lòng Mị đang phơi phới sống về những ngày trước. Mị thấy “trong lòng đột nhiên vui sướng… Mị trẻ lắm… Mị muốn đi chơi”. Lúc này, ý thức về bản thân trong trỗi dậy. Mị biết mình cần gì, mình muốn gì chứ không còn là cái xác vô hồn, dửng dưng với đời như trước nữa. Càng nhận thức được bản thân, nhận thức được hoàn cảnh, Mị càng phẫn uất mãnh liệt và thấm thía nỗi tủi nhục của mình.
Những chuyển biến tâm lí ấy sẽ chuyển hoá tự nhiên thành hành động: “Bây giờ Mị cũng không…trong vách.”. Mị khêu to ngọn đèn cho sáng như thể khêu ngọn lửa của lòng ham sống, của sự khát khao. Sự thôi thúc của trái tim như muốn phá vỡ những xiềng xích tàn bạo trong nhà thống lí Pá Tra, thách thức mọi ràng buộc khắt khe của cường quyền. Tại sao Mị phải thắp đèn? Phải chăng khi sức sống trỗi dậy, Mị không cam chịu sống trong xó tối nữa? Mị muốn phá tan màn đêm âm u, mù tối nơi địa ngục trần gian này. Mị muốn thắp sáng cho tương lai của mình. Ngọn lửa trên đĩa đèn và ngọn lửa trong lòng Mị đang rực cháy. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm sống kiếp con vật, khao khát biến thành hành động: “Mị quấn lại tóc, với tay lấy chiếc váy hoa” chuẩn bị đi chơi ngày Tết. Hành động không đơn giản như một người phụ nữ sửa soạn để đi chơi ngày Tết mà còn là hành động bứt phá, muốn cắt bỏ sợi dây vô hình quấn quanh cuộc đời Mị. Giờ đây Mị đang hành đọng như một người hoàn toàn tự do.
Tô Hoài thành công với nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc biệt là nghệ thuật miêu tả, khắc hoạ tâm lí nhân vật sắc sảo. Ngôn ngữ giản dị, tự nhiên nhưng sinh động và hấp dẫn. Giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế, vừa giàu tính tạo hình, vừa giàu chất thơ.
Qua diễn biến tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân, người đọc chúng ta thấy được sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của một người phụ nữ bị đọa đày cả về thể hiện xác lẫn tinh thần, cũng là sức sống của bao người lao động nghèo miền núi dưới áp bứt của thực dân phong kiến. Phải có tình yêu thương, niềm tin mãnh liệt vào con người, nhà văn mới có cái nhìn nhân đạo như vậy. Tô Hoài đã tạo nên dấu ấn về giá trị nhân đạo cho tác phẩm với một nét mới, đó là tình hữu ái giai cấp.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

#tho #vcap