Chương 14. Cháy chậm*

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng




Ngày hội tư vấn tuyển sinh ở Đại học Bách khoa năm nay được tổ chức vào 20 tháng 4, muộn hơn năm trước gần một tháng.

Thành thật mà nói thì hiện tại Hà Thanh chưa có đủ lý do để tham gia ngày hội tuyển sinh, tuy nhiên, cô vẫn đồng ý đến HUST với anh trai vì anh ấy cứ nhất quyết muốn rủ cô đi cùng.

Lê Đăng Dương hơn cô hai tuổi, học lớp 12 chuyên Sinh ở THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ước mơ của anh ấy là Đại học Y Hà Nội, đi theo con đường giống như hai người phụ nữ quan trọng nhất trong cuộc đời anh ấy. Trước bài phát biểu với tư cách thủ khoa đầu vào khối chuyên Sinh của HSGS tại buổi lễ tuyên dương cựu học sinh ở THCS C cách đây ba năm, Đăng Dương vẫn gọi bố mẹ cô là cô chú.

Vì trên thực tế, nếu xét về huyết thống, Đăng Dương không phải anh ruột của Hà Thanh mà là anh họ.

Bố của Đăng Dương là anh trai sinh đôi của bố cô, còn mẹ của anh ấy là đồng nghiệp làm cùng bệnh viện với mẹ cô. Hai bác đã qua đời trong một vụ tai nạn cách đây hơn mười năm, khi ấy bố mẹ Hà Thanh chỉ còn mình cô, Đăng Dương chưa tròn năm tuổi được họ đón về mà chẳng cần nghĩ ngợi gì. Hà Thanh còn quá nhỏ để hiểu được tất cả những biến cố đã xảy ra ở thời điểm đó, cô chỉ biết rằng Đăng Dương đã xuất hiện với vai trò một người anh trai từ những giai đoạn rất đầu tiên trong ký ức non nớt của mình rồi, lâu đến mức kể cả khi có người họ hàng nào không biết ý nhắc lại chuyện anh ấy không cùng bố mẹ sinh ra với Hà Thanh, cô cũng chẳng buồn bận tâm đến nó.

"Em còn muốn đi du học không?"

Đăng Dương hỏi, sau khi đứng chờ Hà Thanh nghe tư vấn ở gian trại của HUST gần nửa tiếng đồng hồ. Hà Thanh không phải là người dễ có hứng thú với những thứ xung quanh một cách bất chợt, thế nên nán lại lâu như vậy chứng tỏ cô đang thật sự nghiêm túc với đề án tuyển sinh của HUST.

"Còn ạ. Nhưng đi lúc nào thì em vẫn đang nghĩ."

Hà Thanh đáp.

Trước sinh nhật năm nay của mình, cô cần đưa ra một vài quyết định quan trọng. Việc này không dễ cho lắm, và nếu phải so sánh thì nó khó hơn giành lấy một trong những vị trí đầu của khối nhiều. Hà Thanh đã phải thay đổi các dự định trước đây đi một chút kể từ khi chấp nhận bước vào THPT Y, và chúng thậm chí còn lệch xa thêm một chút nữa sau khi cô quyết định chọn Toán làm môn thi học sinh giỏi thay vì thế mạnh ban đầu của mình.

Sau gần một năm, mâu thuẫn trong cảm xúc của Hà Thanh đối với tiếng Anh không còn phức tạp như trước nữa, nhưng cô cũng không thấy tiếc nuối gì khi đã không nghĩ đến việc tham gia đội tuyển môn học này. Nếu như Hà Thanh được quay lại, Toán vẫn sẽ là lựa chọn cuối cùng.

"Nãy anh thấy gian trại của Học viện Hàng không đấy. Qua đó nhé?"

Đăng Dương vò rối tóc Hà Thanh trong khi đợi cô uống nốt cốc trà sữa. Cô nhăn mày, với hai má vẫn đang phồng lên vì ngậm nước, đoạn đánh nhẹ vào vai anh bằng tấm poster cỡ A5 đang cầm trên tay còn lại.

"Em tưởng mình đến đây vì anh muốn đi mà?"

"Anh chưa thấy trại của Đại học Dược. Gặp đâu trước thì vào đấy thôi, đi."

Nắng tháng tư mang theo một phần độ ẩm còn lại từ mùa xuân, không gắt bỏng như nắng tháng năm, tháng sáu, sáng nhưng không chói, long lanh trên những đôi mắt còn chưa tan hết màu thơ ngây.

Đăng Dương cầm ô, che Hà Thanh phía bên trong, hai người bước đi song song, hòa cùng dòng người qua lại khắp khuôn viên đông đúc. Thỉnh thoảng anh lại liếc nhìn Hà Thanh. Cô bạn nhỏ này có cách thể hiện sự hiếu kỳ khá yên tĩnh - quan sát mọi thứ, nhưng không ngó nghiêng khắp nơi và cũng rất ít khi hỏi gì, thay vào đó sẽ tự đưa ra một mệnh đề sau khi đã quan sát đủ và đợi người đi cùng đồng ý hoặc phản bác.

Có thể là Hà Thanh đã đoán được rồi - ngày hội tư vấn tuyển sinh thật ra không có mấy tác dụng với Đăng Dương và chủ yếu là anh muốn kéo cô bé ra ngoài. Đôi khi anh cảm thấy hơi lo lắng về Hà Thanh - dường như cô hay nghĩ ngợi hơn kể từ sau đợt thi chuyển cấp và bắt đầu đặt áp lực nặng hơn lên bản thân một cách vô thức.

"Em chào chị ạ."

Gian trại với tông màu xanh dương làm chủ đạo nằm ngay bên cạnh một cây hoa sữa lớn. Hà Thanh kéo ghế, ngồi xuống đối diện sinh viên nữ duy nhất đeo kính gọng vàng vì cảm thấy chị ấy có vẻ là một người kỹ tính.

"Chào bé." Chị ấy thậm chí đã mỉm cười trước cả khi Hà Thanh chạm tay vào cái ghế. "Không biết trước đây em đã tìm hiểu về trường chưa nhỉ?"

"Em mới bắt đầu thôi ạ."

"Vậy em đã có định hướng cụ thể gì chưa?"

Ngoài Hà Thanh ra thì gian trại của Học viện Hàng không bây giờ chỉ có hai cậu con trai khác, mãi mới thấy có một bạn nữ xuất hiện, một vài anh chị ngồi xung quanh bắt đầu kéo lại gần chị sinh viên đang tư vấn cho cô.

Sẽ là nói dối nếu Hà Thanh không thừa nhận rằng mình hơi ngại vì bất ngờ được cả một nhóm toàn các anh chị hỏi han. Trước sự nhiệt tình của ban tư vấn tuyển sinh, cô ngoái đầu, nhìn Đăng Dương với đôi mắt mở tròn hơn bình thường, sau đó mới nhẹ nhàng đáp:

"Kiểm soát viên không lưu thì học ngành nào của trường mình ạ?"





Giai đoạn sau khi thi giữa kỳ và trước khi thi cuối kỳ hai là giai đoạn uể oải nhất của học sinh lớp mười và lớp mười một.

Tâm lý chung của mọi người là gấp sách lại và lấy điện thoại ra, nhưng cũng không thể gấp sách hay cầm điện thoại quá lâu vì cột điểm chiếm hệ số lớn nhất học kỳ và cả năm học vẫn còn đang để trống. Chưa kể, tiết trời tháng tư cũng không dễ chịu chút nào. Đầu hè vừa nắng vừa ẩm, phòng học không đủ nóng để bật điều hòa nhưng lại quá ngột ngạt nếu chỉ bật quạt, và mọi thứ còn tồi tệ hơn trong những buổi trái ca có hai tiết đầu là thể dục.

Lớp Hà Thanh và lớp Trường Văn có giờ thể dục trùng nhau vào buổi chiều thứ hai, nội dung học gần đây chuyển từ cầu lông sang tâng cầu, vậy nên bọn họ được chuyển từ sân gạch vào sân bóng đá để tập. Một lý do khác là quanh sân bóng đá chủ yếu trồng cây to, nhiều chỗ có bóng râm và mát hơn một chút.

Kiểm tra xong sớm nên hai lớp được giáo viên thả cho nghỉ sớm. Nếu tính cả ra chơi thì từ giờ đến lúc vào tiết sau bọn họ có gần ba mươi phút rảnh rỗi, ngoài một số ít xuống canteen mua nước thì phần đông mọi người đều ở lại sân bóng đá.

Trên sân, con trai hai lớp bắt đầu một trận giao hữu ngắn với nhau như thể đã hẹn trước. Những người như Hà Thanh - quá lười để ra ghế đá phía bên ngoài, nhưng cũng không có nhu cầu đứng theo dõi trận bóng - bèn dịch ra sát đường biên và ngồi tụm lại theo từng nhóm nhỏ.

"Hôm kia bọn mày có đi tư vấn tuyển sinh bên Bách khoa không?"

"Tao có. Trại của NEU đông v*i luôn í."

"Tao thấy đi năm nay vẫn hơi sớm nên không đi."

Hà Thanh ngồi ngoài cùng, Thục Khuê gác cằm lên vai cô và chăm chú lướt điện thoại. Cùng nhóm đó còn có Diệu Huyền trong đội nhạc kịch và một bạn nữ mà Trường Văn biết mặt nhưng không biết tên.

Từ sau trận chung kết bóng rổ, hai người vẫn chưa nói chuyện lại. Thật ra trước nay cậu và Hà Thanh cũng không nhắn tin nhiều hay nói chuyện nhiều, nhưng có lẽ vì đã nhận ra câu chuyện đằng sau bất ngờ nho nhỏ trên sân, cô thường chỉ vẫy tay với Trường Văn.

Dĩ nhiên là Trường Văn không thể biết về sự đấu tranh tâm lý của Hà Thanh mỗi khi đối diện với cậu. Cô cảm thấy ngượng ngùng một cách vô lý và cứ phân vân khi chuẩn bị mở lời, nhưng rồi lại nghĩ rằng để mọi thứ trôi qua một cách bình thường hẳn là sẽ ổn hơn.

"Của mày đây."

Giọng nói quen thuộc vang lên ngay trên đỉnh đầu Hà Thanh. Một cách hoàn toàn vô thức, cô ngẩng đầu, nhìn về phía cậu con trai vừa cất tiếng.

Bấy giờ Hà Thanh mới nhận ra bên cạnh mình là một nhóm các bạn cả nam lẫn nữ lớp bên. Trường Văn vừa trở về từ canteen, cầm theo một gói giấy ăn và một chai nước lạnh. Cậu đặt gói giấy ăn và tiền thừa xuống trước mặt lớp phó văn thể của 10A2, sau đó điềm nhiên ngồi xuống chỗ trống giữa Hà Thanh và bạn ấy.

Sau rất nhiều chuyện xảy ra, mối quan hệ bạn bè giữa hai người đã đi đến giai đoạn không nhất thiết phải nói xin chào khi chạm mặt.

"Hôm qua tớ thấy cậu ở Bách khoa."

Trường Văn nói, không nhỏ nhẹ cho lắm dù đã cho thấy một vài nỗ lực trong việc tránh sự tham gia không cần thiết từ những người xung quanh.

"Thế á?"

Thục Khuê vừa ra ngoài nghe điện thoại, không còn bị ai ôm cứng ngắc nữa, Hà Thanh xoay người về phía Trường Văn một chút để không còn cần quay đầu sang một bên quá lâu khi nói chuyện với cậu. Trên sân không có gì thú vị, nhưng cũng không thể cứ nhìn Trường Văn mãi, sau khi đáp lại, Hà Thanh hạ mắt, nhìn xuống khoảng trống nho nhỏ giữa hai người.

"Ừ, lúc đứng ở trại của Đại học Sư phạm ấy." Trường Văn vẫn giữ nguyên hướng ánh mắt của mình, và vì Hà Thanh đang không mặt đối mặt với cậu, trông Trường Văn bây giờ có vẻ giống như đang tỏ ra tủi thân với cô. "Tớ chào mà cậu không nhận ra tớ luôn."

"Chắc hơi đông nên tớ không để ý." Hà Thanh chớp mắt, thử lục lại trí nhớ của mình, "Sao cậu không gọi tớ?"

"Thì-"

Giữa pha tranh chấp trước khung thành cách đó không xa, quả bóng bất ngờ bị sút chệch về phía đường biên và lao thẳng đến chỗ Hà Thanh thay vì góc sân như dự kiến. Không nhìn thấy đường bóng, cô thậm chí còn chưa kịp phản ứng gì trước khi Trường Văn chắn trước mặt mình và quả bóng bị cậu chặn lại chỉ bằng một tay.

"Đá khéo khéo các ông ơi."

Đám con trai vẫn còn đang sững người vì đường bóng đi sai hướng khi nãy. Trường Văn thả quả bóng vào lại sân rồi xoa xoa tay, mặt không đổi sắc.

Kể cả khi chỉ đá vui, người nhận vị trí thủ môn cũng sẽ phải đeo găng và sẵn sàng bắt bóng bằng cả hai tay. Trường Văn có thể quen với việc nhận bóng từ đồng đội, nhưng lực chuyền bóng rổ chắc chắn không thể mạnh bằng lực sút. Tiếng quả bóng đập vào tay cậu thậm chí có thể được nghe thấy từ bên kia sân, mặt trong cổ tay bị bóng đáp trúng bắt đầu đỏ lên nhanh chóng.

"Cậu ổn không đấy?"

Hà Thanh chỉ vào phần da đỏ lựng tưởng như nhỏ ra máu của cậu, lo lắng hỏi.

"Hơi ê ê một lúc thôi, kệ nó đi."

Khi đá với nhau, nếu có ai đó trên sân không may bị bóng sút vào người, con trai bọn họ sẽ coi như không có việc gì. Trong trường hợp bóng trúng vào mặt, bạn sẽ được tặng thêm một câu Sao không con trai và, tuỳ người, có thể đáp lại bằng Tiếp đi hoặc Thằng chó này hoặc vài thứ nghiêm trọng hơn nhưng không gây căng thẳng, sau đó trận bóng sẽ tiếp tục.

Tuy nhiên, Trường Văn nghĩ, nói nhiều hơn một chút với Hà Thanh cũng được.

"Tớ vừa nói đến đâu ấy nhỉ?"

"Không thấy tớ chào lại mà cậu cũng không gọi thử."

Hà Thanh nhấc chai nước lạnh lên và ấn nó vào cổ tay cậu.

"À, tại sau đấy tớ ở lại nghe tư vấn nên thôi."

"Cậu định thi Sư phạm à? Sư phạm Anh?"

Sự bất ngờ hiện lên một cách rõ ràng trong mắt Hà Thanh. Lần này cô không giấu nó đi nữa. Trường Văn mỉm cười, cậu giữ lấy chai nước, sau đó đáp:

"Có thể. Nhưng cũng chưa chắc."

"Cũng hợp lý mà. Cậu giỏi tiếng Anh."

Với Hà Thanh thì Trường Văn có thể xếp vào hàng chơi giỏi mà học cũng giỏi, nhưng thật ra lời Trường Văn từng nói với cô lúc bọn họ đứng xem danh sách đội tuyển học sinh giỏi không phải là nói sai.

Trường Văn không thích học. Thích ở đây là kiểu tập trung và cố gắng hết mình một cách tự nguyện. Nghĩa là, cậu vẫn có thể hoàn thành tốt mọi yêu cầu ở trường, đi học thêm nếu cần và giành được một thứ gì đó nếu muốn, nhưng cậu không cảm thấy mình có quá nhiều động lực khi làm tất cả những việc ấy.

Cụ thể, với tiếng Anh, có lẽ do được tiếp xúc với tiếng Anh sớm nhất, hứng thú Trường Văn dành cho môn học này mới nhiều hơn một chút so với những môn học còn lại. Cậu có một ngăn riêng trên giá sách để bày cúp, huy chương và giấy chứng nhận của các cuộc thi liên quan đến tiếng Anh mà cậu giành được từ lúc học tiểu học cho đến giờ, gần đây nhất là giải nhất học sinh giỏi cấp cụm. Nếu chỉ nhìn vào số cúp và huy chương, Trường Văn có vẻ hơi giống một thằng khốn khi nói rằng mình không học hành mấy, nhưng đó là sự thật.

Học sinh có điểm tiếng Anh cao ở trung học phổ thông thường sẽ chia làm hai kiểu: thứ nhất là kiểu phân tích đề bài dựa vào ngữ pháp, thứ hai là kiểu đọc lên thấy thuận thì khoanh. Trường Văn thuộc nhóm thứ hai. Nếu cậu đoán không sai, Hà Thanh sẽ thuộc nhóm thứ nhất.

Đúng là bố mẹ cậu đầu tư khá nhiều vào việc học ngoại ngữ của con trai - nhất là khi nhận thấy sự yêu thích của cậu với nó, song, chỉ có bản thân Trường Văn biết rằng mình không chăm học đến thế và với cậu, công lớn hơn trong việc giành lấy đống giải thưởng lớn nhỏ kia thuộc về thói quen đọc sách ngoại văn.

Khoảng lặng ngắn ngủi xuất hiện cùng với giai điệu của "I like me better". Hẳn là người trực loa phát thanh của trường đã hết thất tình rồi - có một khoảng thời gian mà ngày nào bọn họ cũng được nghe "We don't talk anymore", nhưng gần đây danh sách phát không còn bài đó nữa.

Cảm thấy Hà Thanh có vẻ đã nhìn mình với ánh mắt bình thường trở lại, Trường Văn mới bắt đầu câu chuyện thực sự mà cậu muốn nói với cô.

"Freeze không ngon à?"

"Đâu." Hà Thanh nhìn Trường Văn, có phần hơi ngại ngùng, rồi lắc đầu. "Ngon mà."

"Thế thì-"

"Nhưng-"

Hai người gần như nói cùng một lúc.

"Cậu nói trước đi."

Ngay cả khi cùng đang ngồi khoanh chân, nếu nhìn thẳng, tầm mắt Hà Thanh cũng chỉ ngang với chóp mũi của đối phương. Trường Văn chống tay xuống mặt cỏ và hơi ngả người về phía sau, kéo dãn khoảng cách giữa hai người ra một chút. Nó có tác dụng, vì Hà Thanh không còn phải ngước mắt lên quá nhiều. Cô mím môi, suy nghĩ gì đó trong chốc lát rồi hỏi nhỏ:

"Cậu không sợ tớ nghĩ tớ là người đặc biệt với cậu à?"

Trường Văn nghiêng đầu, với nét mặt hoàn toàn nghiêm túc, nhưng kỳ lạ là Hà Thanh lại cảm thấy thoải mái hơn với sự nghiêm túc đó của cậu.

"Thì đặc biệt thật đấy chứ. Chưa có ai ném bóng vào đầu tớ vì lớp người đó thua lớp tớ đâu."

Mọi thứ quay trở lại với đêm chung kết, trận đấu khép lại ở hiệp phụ thứ hai và Trường Văn là người ghi ba điểm cuối cùng để giành danh hiệu vô địch về cho 10A2. Không rõ từ lúc nào, giữa rất nhiều người, trái bóng lăn dần từ chân cột bóng rổ đến bên cạnh Hà Thanh và khi cô ôm nó lên để ném cho một cậu bạn trong ban tổ chức, thay vì về tay đúng người, nó bay vào Trường Văn đang đứng quay lưng lại với cô.

"Tớ không cố ý mà. Tớ cho cậu ném trả còn gì."

"Cậu thấy tớ có khả năng làm thế thật không?"

Sẽ không. Đã không. Chắc chắn là không.

Tiếng chuông vào tiết reo lên và mọi người bắt đầu quay trở lại phòng học một cách chậm chạp. Trường Văn đứng dậy trước, phủi sạch cát nhân tạo dính vào lòng bàn tay và trên quần áo, sau đó đưa một tay đến trước mặt Hà Thanh.

Hà Thanh thoáng ngẩn người. Trước khi Trường Văn làm như vậy, cô đã định chống tay xuống đất để đứng lên dễ hơn.

"Cảm ơn."

Hà Thanh mỉm cười và chẳng có lý do gì để từ chối. Cô vịn vào cẳng tay Trường Văn, gần như được cậu kéo dậy mà không tốn chút sức lực nào. Bàn tay con gái mềm mại không có lấy một vết chai, chạm vào da lành lạnh, Trường Văn nhìn cô, gió thổi nắng vào trong mắt, nóng ấm lan từ rát đỏ mà trái bóng để lại khi nãy lên hai tai.

Chiếm phần lớn trong tủ sách của Trường Văn là tiểu thuyết nước ngoài bản gốc, một số được mẹ cậu mua về sau những chuyến công tác dài ngày, một số được đồng nghiệp thân thiết của bố tặng, còn lại là những cuốn cậu tự chọn khi đi nhà sách. Có một chi tiết cậu rất thường hay gặp: "have butterflies in my stomach". Đương nhiên là không ai lại đi dịch sát nghĩa câu này sang tiếng Việt. Không thiếu từ để thay thế cho nó, nhưng Trường Văn cảm thấy trong số đó không có cái nào phù hợp với mình bằng cách nói kia cả.

Những cánh bướm lạo xạo trong dạ dày cậu.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net