Ý nghĩa của hai loại ánh sáng Thạch Lam đặc biệt quan tâm trong "Hai đứa trẻ"

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Đề bài: Trong bóng đêm tràn ngập phố huyện ở truyện ngắn "Hai đứa trẻ," của Thạch Lam, anh (chị) thấy nhà văn đặc biệt quan tâm tới hai loại ánh sáng nào? Ý nghĩa của hai loại ánh sáng đó ?

"Hai đứa trẻ" là truyện ngắn tiêu biểu cho các sáng tác của Thạch Lam trong dòng văn học hiện thực lãng mạn. Tác phẩm xoay quanh cuộc sống nơi phố huyện nghèo với những số phận quẩn quanh bế tắc. Bao trùm lên toàn bộ tác phẩm là bóng tối dày đặc. Nó đè nặng lên không gian sống và cả cuộc đời của các nhân vật trong tác phẩm. Tuy nhiên tác giả vẫn đưa đến sự xuất hiện của ánh sáng vào tác phẩm. Hai loại ánh sáng mà tác giả đặc biệt quan tâm ấy đã đem lại ý nghĩa rất lớn cho tinh thần của truyện ngắn "Hai đứa trẻ".

"Hai đứa trẻ" không có cốt truyện rõ ràng, không có xung đột mâu thuẫn, cũng không có yếu tố bất ngờ nhưng nó vẫn để lại dư âm vang vọng và hấp dẫn trong lòng người đọc. Toàn bộ tác phẩm xoay quanh khung cảnh của phố huyện từ chiều tối tới đêm khuya nên không có gì ngạc nhiên nếu phông nền của tác phâm ngập tràn bóng tối. Hiện lên trong bóng tối ấy là hình ảnh của hai chị em Liên và An cùng ngồi trên chiếc chõng nhìn ra phố, là mẹ con chị Tí với quán hàng nước của chị, là bác phở Siêu, vợ chồng bác xẩm. Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận khác nhau nhưng cuộc đời của họ đều nghèo khổ, quẩn quanh, bế tắc.

Sự xuất hiện của ánh sáng trong tác phẩm cũng không đến nỗi quá ít ỏi nhưng có lẽ ấn tượng sâu sắc nhất trong tác phẩm có lẽ là ánh sáng từ ngọn đèn con của chị Tí và ánh sáng của con tàu đêm qua phố huyện.

Chị Tí xuất hiện trong tác phẩm với chõng hàng nước trên đầu. Ngày chị đi mò cua bắt ốc, tối chị lại dọn quán hàng nước ngồi bán dù biết " sớm với muộn mà có ăn thua gì". Cuộc đời của chị cứ lặp đi lặp lại như thế. Chị mang đến cho tác phẩm ánh sáng của ngọn đèn con, một thứ ánh sáng lé loi nhỏ bé và yếu ớt. Sự xuất hiện của nó càng tô đậm thêm bóng tối, càng làm cho bóng tối dày đặc và mênh mông hơn. Nhưng nó cũng là đại diện cho hy vọng, ước mơ của những con người trong bóng tối, mong muốn một điều gì đó tươi sáng hơn cho dù ước mơ ấy còn khá mơ hồ và không rõ ràng.

Ánh sáng thứ hai, đối lập với ngọn đèn của chị Tí, đó là ánh sáng từ chuyến tàu đêm mang lại. Đây là điều mà "chừng ấy con người trong bóng tối" vẫn trông chờ. Ánh sáng thoát ra từ những toa tàu hạng sang, từ đồng và kền lấp lánh. Nó như đến từ một thế giới khác tươi sáng, vui vẻ và huyên náo hơn. Nó làm cho Liên nhớ đến Hà Nội, Hà Nội xôn xao và rực rỡ các loại đèn nơi tuổi thơ cô đã lớn lên. Sự xuất hiện của đoàn tàu cũng như của ánh sáng mà nó mang theo đã thổi một luồng gió mới vào cái phố huyện nghèo. Tuy nó chỉ xuất hiện trong tích tắc nhưng cũng đã thêm vào một cái gì đó tươi vui, sáng sủa hơn cho những cuộc đời nghèo khổ nơi đây. Reo lại chút hi vọng trong lòng họ, Để rồi ngày mai họ lại tiếp tục trông chờ chuyến tàu đi qua như thế. Rõ ràng đây là biểu hiện cho sự lạc quan hi vọng của tác giả rằng sẽ có một tương lai tươi sáng hơn cho những người dân phố huyện khi họ đã biết ước mơ một điều gì đó cho dù nó mơ hồ.

Khép lại tác phẩm nhưng hình ảnh ánh sáng ngọn đèn con của chị Tí và từ đoàn tàu mang lại vẫn để lại dư âm sâu sắc trong lòng độc giả. Hai hình ảnh tưởng chừng như khác xa nhau, thậm chí là đối lập ấy nhưng lại hết sức hài hòa và có ý nghĩa bổ trợ cho nhau. Đây là hai chi tiết đặc sắc, góp phần cho sự thành công trong việc biểu đạt tư tưởng của tác giả.

ĐỖ KIỀU

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net