Chương 9: Tôi và em

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Dù thằng Mẫn có suốt ngày lôi tôi đi, tôi vẫn dành thời gian với Quốc trong những ngày em được nghỉ ngơi. Ngày trước thì tôi cùng em dạo bước trên đường làng, tay trong tay. Giờ chúng tôi đi giữa rừng núi rậm rạp, đôi bàn tay thì bận rộn làm việc. Thời gian luôn làm mọi thứ biến đổi, thật nhanh và cũng thật nhiều. Vậy mà đôi mắt em cứ như thách thức dòng chảy của cuộc sống. Nó không gay gắt chống lại thời gian như cá chép vượt vũ môn, ngược lại, em dịu dàng như một dòng chảy nhỏ thần kỳ, cùng trôi theo con sông lớn nhưng độc lập đến lạ, như không thể xâm phạm được. Nó nhẹ nhàng bao bọc lấy đôi bàn tay đầy vết cắt mà chữa lành, dịu dàng yêu thương lấy những ai may mắn chạm tới được nó. Ánh mắt ấy vẫn như ngày nào. Ánh mắt em vẫn biết hát, biết cười, vẫn trong vắt, sáng lấp lánh như những ngôi sao.

Người ta nói, trẻ em là những gì trong sáng nhất, ngây ngô nhất. Vừa đúng, mà lại vừa sai. Em là một tờ giấy trắng. Còn tôi thì không. Ban đầu tôi cũng đơn thuần là một tờ giấy trắng tinh, sạch sẽ. Nhưng rồi mọi thứ tiến tới vẩy mực lên tôi, vo nát tôi, xé rách tôi, để rồi biến cuộc đời tôi thành một thứ nhàu nát bẩn thỉu.

Sau đó ngọn gió cuộc đời cuốn tôi đi, cuốn bay tờ giấy nát sang xứ người, gặp được vị "đốc tờ" tâm hồn tốt nhất, vừa chữa lành tôi bằng tiếng cười, vừa dạy tôi thêm một thứ ngoại ngữ, là tiếng Anh. Dù có thế, vẫn có một chuyện mỗi lần tôi nghĩ lại vẫn cứ dàu dàu.

Mẹ tôi hy sinh từ khi tôi còn quá bé, vì cứu người.

Vết mực đầu tiên cuộc đời tôi.

Người được mẹ tôi cứu, lại là chú Điền.

Lần này, lại là một giọt nước mằn mặn bất giác rơi xuống tờ giấy.

Ngày trước, em được ba tôi dạy "chú Điền đi đánh nhau bị Bụt phạt mới mất hai ngón tay", đến giờ em vẫn chỉ biết "ba đi đánh giặc nên tay mới hỏng", chứ không phải "ba đi đánh giặc suýt chết nhưng được mẹ anh Kỳ cứu nên chỉ mất có hai ngón".

Tôi và ba ngầm thống nhất sẽ không cho em biết chuyện của chú cho tới lúc thích hợp. Ba là người từng trải, ba biết khi nào nên nói ra. Tôi sẽ không phải hối hận ăn năn thêm một lần nào nữa, giống cái lần tôi một mình âm thầm quyết định không cho em biết tôi phải đi xa.

Chính vì sự nâng niu của người thầy như ba và người anh như tôi, nên tờ giấy của em vẫn còn đẹp chán. Tôi quyết rồi, tờ giấy đó không được phép bị người ta vo viên hay đục rách. Một mình tôi chịu khổ đã quá đủ rồi.


Đêm hôm đó là một tháng sau ngày tôi tận mắt nhìn thấy cái làng tôi trở về với cát bụi. Tôi không ngủ nổi, chỉ nằm nhắm mắt nghĩ ngợi. Khi ấy gió đã bắt đầu thổi mạnh, tiết trời cũng lạnh hơn, nhưng với cái kẻ vừa về từ xứ sở chỉ toàn băng và tuyết kia, lại còn nốc sạch mấy viên thuốc anh Trấn đưa "để tránh thay đổi thời tiết mà chú mày lăn đùng ra ốm", tôi chẳng hề gì. Mở mắt ra thì thấy em nằm ngay cạnh tôi. Quái lạ, lúc đi ngủ em có nằm đây đâu? Mò ra đây lúc nào nhanh thế!?

Tôi cũng kệ, dém cái chăn mỏng tang của tôi quanh em cho em khỏi lạnh rồi đi khỏi chỗ nằm. Cái giường, mà tôi cũng chẳng biết nó có phải cái giường không, lúc lên xuống cứ kẽo cà kẽo kẹt, làm tôi nhọc quá. Tôi ra ngoài mà cứ như đi ăn trộm. Trời nhiều mây, có lẽ sắp tới đợt mưa phùn. Đêm đó tôi cứ ngồi bên ngoài mãi, ngồi ngắm trăng với nghĩ chuyện đời như kẻ mới thoát khỏi cơn đau thất tình.

Sáng hôm sau tôi thấy một ông bác, lạ hoắc, đáng tuổi ba tôi vào trại lính. Ông tìm ba, cười nói, giọng ông sang sảng như muốn tạo nên âm vang nơi rừng núi. Tôi lúc đấy phải đi theo anh Trấn nên cũng không để ý gì lắm, chỉ thấy ông liếc ngó xung quanh, dòm như không muốn ai nhìn thấy hành vi của mình, dúi vào tay ba tôi một tập giấy mỏng, rồi cười ha hả, ra vẻ khoái chí lắm.

Tôi đi với anh Trấn từ sáng đến tầm trưa thì về. Quốc nó lại đi đâu rồi. Ba thấy tôi, cười cười, nom kì quặc lắm. Ba tiến tới, kéo lấy ống tay dài thòng lòng tôi chưa kịp xắn lên, mạnh tay lôi tôi ra một khoảng rừng trống.

- Con thấy ông bác sáng nay nói chuyện với ba không? Ổng ở đơn vị bên, ở cái chỗ Chính Quốc thỉnh thoảng tới giao thư ấy.

Sao tự nhiên ba lại nói với tôi nhỉ?

Ba chìa tay phải, đưa tôi vài tờ giấy xếp gọn gàng. Đặt tay còn lại đánh cái bịch lên vai tôi, ba nói:
- Của con tất! Đứng đây mà ngắm đi nhé!

Rồi ba bỏ tôi lại trong khoảng rừng chỉ có tiếng lá cây cọ vào nhau xào xạc và sự hoang mang khó hiểu của tôi.

.

.

.

Hiếu kì, tôi mở xấp giấy ra mà giật cả mình. Đây là tôi mà?

Từng tờ, từng tờ giấy nhỏ ba đã xếp gọn gàng đưa tôi, đều là những tấm tranh chì, đẹp lắm, chúng vẽ gương mặt tôi. Nhưng sao ông bác ấy lại có mấy cái này? Tôi còn chưa thấy ông bao giờ, và tôi đoán là ông cũng chưa từng thấy tôi. Lật tới tờ cuối cùng, tôi thấy bản thân mình ngồi đọc sách. Bình yên đến lạ. Lần đầu tôi được nhìn thấy ánh mắt của tôi. Trước nay dường như tôi đã quá đắm chìm vào cái ánh mắt đầy mê hoặc của em mà chưa từng hỏi ánh mắt tôi trông như thế nào. Giờ tôi mới biết, nó chăm chú đến lạ kì, nhẹ nhàng như thể muốn thay đôi bàn tay tôi nâng niu từng trang sách, những thứ tôi quý như vàng như bạc. Hoá ra, ánh mắt của tôi trông như thế.

Tôi lật mặt sau, thấy một dòng chữ nhỏ:

"Điền Chính Quốc, hoạ buổi trăng non"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net