Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên Quyển 3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
không có ngày thoát khỏi sanh tử. Một bộ Phật Học Cứu Kiếp Biên, một bộ An Sĩ Toàn Thư, một cuốn Sức Chung Tân Lương, có những sách này để làm người hướng dẫn cho tương lai, sẽ tự chẳng đến nỗi bị lầm lạc vì những kẻ tự phụ thông minh vậy.

484. Thư trả lời cư sĩ Tiết Huệ Trúc

Kẻ ngu trong thế gian thích tự lập môn đình, ăn trộm những lời lẽ trong Tam Giáo, lập ra đạo bí mật "chẳng được nói với người khác!" Do bí mật nên những kẻ không biết nội dung đều như nhặng bu theo mùi thối. Vì trước khi được truyền đạo đã phát lời thề độc địa nên kẻ ngu đến chết cũng chẳng dám trái nghịch. Hết thảy ngoại đạo trong thế gian đều cậy vào hai biện pháp này để truyền khắp thiên hạ, không thể nào diệt được! Nếu bọn chúng không có hai biện pháp này thì không một loại ngoại đạo nào có thể tồn tại, đứng vững trong thế gian! Các ông may đã thoát khỏi đường tà, trở về chánh đạo, hãy nên giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, nghiêm túc tuân phụng Phật pháp. Pháp danh của hai ông Vũ và Tả được viết trong một tờ giấy khác. Gởi cho hai người ấy mỗi người bốn gói sách để làm khai thị. Xin hãy nói với bọn họ. Trong năm nay sẽ có hai lần gởi đến chừng đó cuốn sách (Ngày Mười Ba tháng Tám)

485. Thư trả lời cư sĩ Lạc Quý Hòa (thư thứ nhất)

Nhận được thư, khôn ngăn cảm kích, hổ thẹn. Quang thuở bé thiếu học vấn, tuổi già chẳng biết gì; ai nấy đều đem sai ngoa lan truyền sai ngoa, lầm bảo Quang là tri thức. Lọt vào thế bất đắc dĩ, chỉ đành góp nhặt lời quê mùa cho xong trách nhiệm. Nào ngờ các hạ cũng vì thấy muôn người đồn đãi như thật mà tưởng là thật, chẳng suy xét [Quang được tiếng thiện tri thức như vậy] thật ra là do một người lan truyền hư giả. [Quang viết] lời tựa cho Tâm Kinh ông chẳng bắt tội thì là đã rộng dung rồi, huống chi lại còn khen ngợi quá đỗi! Xấu hổ há thể nào cùng cực! Tờ báo của quý vị đổi thành nguyệt san, rất hữu ích. Còn những bài viết hủ bại của Quang đâu đáng để chiếm chỗ tốt đẹp ấy! Huống chi tôi bận việc đa đoan, không có ai chịu nhọc nhằn giùm tôi, dẫu có một hai bài hơi đáng để mắt đến thì cũng đâu rảnh rang để sao ra gởi tới!

Còn như các hạ nói "xuất gia để chuyên tu", Quang trọn chẳng nghĩ như thế là đúng; bởi các hạ tài trí đủ để hoằng pháp, suất lãnh người nhà cùng tu Tịnh nghiệp thì đôi bên đều được lợi ích. Nếu xuất gia thì người nhà khốn khổ, ắt sẽ dấy lòng báng pháp. Như vậy là chưa thể tự lợi mà đã hại người nhà trước, nỡ lòng làm chăng? Phật pháp không một ai chẳng kham tu, mà cũng không một ai chẳng thể tu được. Chỉ nên trong niệm niệm biết "chẳng tu tịnh nghiệp sanh về Tây Phương thì sẽ luân hồi cả kiếp dài lâu, chẳng thể thoát được!" Do vậy, xót mình, xót người, thương ta, thương người, lớn tiếng hô hào để gần là người nhà, xa là người đời đều cùng tu đạo này! So với việc chỉ cầu tự giải thoát cho chính mình, lợi ích há nào phải khác biệt vời vợi như trời với đất? Đang trong thời buổi hoại loạn đến tột cùng này, muốn vãn hồi thế đạo nhân tâm thì càng phải coi sự lý nhân quả báo ứng là chuyện quan tâm bậc nhất. Biết nhân quả báo ứng, sẽ tự gắng sức làm người lương thiện. Nếu chỉ bàn nói điều huyền lẽ diệu, chẳng chú trọng nhân quả, chắc sẽ trở thành phường "miệng miệng nói không, bước bước làm có!" Lợi ích [sẽ đạt được] cũng chẳng qua là gieo hạt giống trong tương lai mà thôi! Nếu chú trọng nhân quả sẽ giữ được tấm lòng "sửa lỗi, hướng lành". Đấy chính là điều phải gấp rút bàn đến khi hoằng pháp trong thuở hiện tại này.

486. Thư trả lời cư sĩ Lạc Quý Hòa (thư thứ hai)

Nhận được thư hôm Hai Mươi Bốn, khôn ngăn cảm kích, hổ thẹn. Văn của Quang hệt như gom lá mà các hạ và Lý Khế Nguyên lại phỏng theo lầm lạc, cho là "có thể làm cho người khác sanh lòng tin tưởng!" Quang cũng chỉ đành đem lầm đáp lạc. Hiềm rằng mấy hôm gần đây công chuyện quá nhiều, thật chẳng có buổi rảnh rỗi, vì thế lần khân đến nay, chịu lỗi khôn cùng! Tôi vốn muốn đọc cuốn Phật Pháp Yếu Luận hai lượt nhưng không có thời gian, sức lực, chỉ đọc đuợc một lần. Do trong bản giảo chánh gốc, những chữ được viết theo lối Phá Thể đều được liệt kê, nên tôi cũng bắt chước theo, trong [sách] ấy có mấy chữ đáng nên thương lượng, châm chước thì tôi cũng nêu ra. Xin hãy cân nhắc!

Soạn được lời tựa gồm sáu trăm mấy chục chữ, chi ly, dông dài, thật chẳng đáng xem; chẳng qua cậy vào đó cho xong trách nhiệm. Nếu ghép [bài tựa ấy] vào đầu cuốn sách thì cũng chỉ là thêm thắt râu ria, chứ trọn chẳng có chỗ nào nêu bật được những ý nghĩa trọng yếu của cuốn sách. Hôm Hai Mươi Sáu, do Phương Viễn Phàm thấy các hạ từ đầu đến cuối sẵn lòng muốn sao chép lại, liền gởi tới hai bản, cậy Quang giảo chánh một lượt. Do vậy liền đọc hai lần, ngày hôm sau liền gởi đi. Do lúc sắp xếp, giảo chánh còn có chỗ sai sót, sợ rằng ông ta sẽ phải in bản đính chánh, nên chẳng dám để lâu. Ngày Hai Mươi Tám, cư sĩ Liên Hàng cũng gởi đến một bản, chắc các hạ đã xem qua rồi. Những chữ bị sai chắc các hạ cũng đã biết hết rồi, nên không gởi đi. Chỉ có dòng mười bảy trong trang mười chín và dòng thứ hai trong trang hai mươi tựa hồ bị sót câu văn, xin hãy xem kỹ. Nếu thật sự bị sai sót, xin hãy gởi sang cho cư sĩ Phương Viễn Phàm ở số Bảy Mươi Bốn, ngõ Hằng Dũ, đường Thanh Vân, thuộc Áp Bắc, Thượng Hải. Ông ta ở nhà người em rể. Thư của Lý Khế Nguyên gởi trả lại theo thư này.

487. Thư trả lời cư sĩ Lạc Quý Hòa (thư thứ ba)

Nhận được thư và bài văn đã sửa đổi rất hay. Cuốn sách ấy (tức Phật Pháp Yếu Luận) văn lẫn nghĩa đều hay, chỉ có mình chỗ ấy dường như bị khiếm khuyết. Vì thế, Quang xin các hạ thêm vào [nguyên bản] để lúc tái bản sẽ in thêm vào. Ngoài ra đều không có gì khiếm khuyết cả. Tất cả hai mươi mấy chữ sai đều do kẻ sao chép vô ý gây ra. Quang đang tính cách tái bản, nên với những chữ sai, chữ viết theo lối Tục Thể và đa số là những chỗ thiếu dấu chấm câu, mỗi mỗi đều ghi ra, gởi cho ông Phương Viễn Phàm. Nay tôi đem bản liệt kê [những chỗ sai] ấy gởi cho ông, xin hãy xem qua. Đây là chuyện giảo chánh, đối chiếu nhỏ nhặt, nào dám gọi là "giám đính?" Sách đã có lời tựa của ngài Đế Nhàn thì đã đủ để phát khởi lòng kính ngưỡng cho người ta rồi, đâu cần lời tựa của Quang!

Huống chi Quang lắm việc bận bịu, không lâu sau phải sang Thượng Hải để lo liệu chuyện [ấn tống] Quán Âm Bổn Tích Tụng. Lại còn phải sắp đặt một bản Văn Sao khác, tính sắp xếp sao cho mỗi trang tăng thêm hai hàng, mỗi hàng thêm hai ba chữ, [thành ra] thêm ba vạn chữ vào lời văn. Nếu chẳng thể mở rộng diện tích in chữ trong một trang thì cũng là một cách để giảm bớt chi phí.

Thêm nữa, do thanh niên không biết tiết dục cũng như [chẳng biết] những chuyện [cần phải] kiêng kỵ trong ăn nằm; do vậy mất mạng không biết là bao nhiêu, hoặc trở thành tàn tật cũng không đếm xuể. Bởi vậy, tôi phát tâm in cuốn Bất Khả Lục, tăng thêm một vạn chữ, đổi tên thành Thọ Khang Bảo Giám. Một vị cư sĩ bỏ ra một ngàn sáu trăm đồng để ấn tống, có thể in gần tới ba vạn bản. Lần này sang Thượng Hải để lo liệu sắp chữ. Cuối Thu, Văn Sao lẫn Thọ Khang đều có thể in ra sách; do vậy, bận túi bụi. Ước chừng giữa tháng Năm chắc sẽ quay về núi. Tâm Kinh Thiển Thuyết chưa thấy gởi đến, không cần phải lo chuyện này. Dẫu có một hai chữ bị sai cũng không ảnh hưởng lớn lao, người thông hiểu văn nghĩa sẽ đều nhận biết.

488. Thư trả lời cư sĩ Lạc Quý Hòa (thư thứ tư)

Thư hôm Mười Một chắc ông đã nhận được rồi. Hôm qua nhận được thư, khôn ngăn cảm kích, hổ thẹn. Đôi bên tâm giao, há cần phải khiêm hư quá mức như vậy? Tâm Kinh Thiển Giải không bị sai ngoa nhiều lắm, do thấy có lúc các hạ dùng chữ theo kiểu Phá Thể nên Quang bèn căn cứ theo đó để nêu ra cặn kẽ; nếu có một hai chỗ thay đổi, xin hãy xem xét kỹ để chẳng đến nỗi "khoét thịt thành vết thương". Do năm ngoái có chiến tranh nên chẳng dám phát hành bản đính chính cho cuốn Đại Sĩ Tụng (có hơn hai ngàn cuốn ở Trung Hoa [Thư Cục]). Sau đấy do nước cạn, chẳng thể ra khỏi núi được. Nay bản chánh vẫn chưa gởi đến; do vậy, tạm thời dùng giấy Mao Thái in một vạn tờ cho mọi người xem. Nội trong tháng này sẽ phát ra.

Các hạ dùng chữ "có thể rộng lòng ban cho mấy bộ được chăng?" sao mà xem Quang hẹp lượng đến thế? Quang tính quyên góp in mấy chục vạn cuốn để lưu truyền khắp trong ngoài nước. Tuy chưa thể như nguyện, nhưng đã được sáu vạn bộ rồi. Tuy hoàn toàn giao cho người bỏ tiền ra in tự biếu tặng, nhưng cũng có hơn một vạn bộ cậy Quang biếu tặng. Các hạ đã hỏi xuất bản [hay chưa] thì được, chứ nói "có thể rộng lòng ban cho hay chăng?" thì quá khiêm hư, đâm ra coi nhẹ Ấn Quang! Quang bận bịu quá nhiều chuyện, không rảnh rang để soạn văn. Vào ngày Hai Mươi Mốt, Hai Mươi Hai sẽ sang Thượng Hải để lo liệu chuyện [ấn tống] Quán Âm Tụng và nhờ Trung Hoa [Thư Cục] sắp chữ để in một bản Văn Sao khác.

Lại còn cho sắp chữ bản tăng đính cuốn Bất Khả Lục, ước chừng trong năm nay đều có thể in ra sách. Bất Khả Lục là do một cư sĩ được Tam Bảo gia bị, chẳng dùng thuốc mà căn bệnh ngặt nghèo suốt mấy tháng được lành (do vợ ông ta cầu nguyện suốt đời ăn chay nên ngay hôm ấy liền có chuyển biến, chẳng thuốc men mà được lành); do bệnh đã lâu chưa được bình phục hoàn toàn mà đã phạm "phòng sự" (ăn nằm) liền đến nỗi mất mạng . Quang nghĩ: Người đời chẳng biết kiêng kỵ đến nỗi người tử vong chẳng biết là bao nhiêu, liền phát tâm in sách này nhằm cứu giúp bọn thanh niên một cách vô hình, đạt đến bình trị khi chưa loạn, giữ yên đất nước khi còn chưa nguy. Nếu vị cư sĩ ấy biết được chuyện này sẽ trọn chẳng đến nỗi gặp phải kết quả ấy. Người ấy còn là người thành thật ưa thích điều nghĩa, chứ không phải là kẻ đớn hèn; tiếc là do chẳng biết kiêng kỵ đến nỗi mất mạng! Do vậy, người vợ hiền chí thành cầu đảo cho chồng được lành bệnh rốt cuộc trở thành ác phụ giết chồng, đều là do lúc thường ngày chẳng hiểu biết về đạo ăn nằm giữa vợ chồng nên mới đến nỗi như thế. Các hạ hành nghề Y, càng phải nên răn nhắc [bệnh nhân] về chuyện kỵ húy này để hết thảy mọi người chẳng đến nỗi lầm lạc mất mạng. Công đức ấy so với công dùng thuốc trị bệnh sẽ càng rộng lớn hơn nhiều.

Từ nay về sau, nếu không có chuyện gì khẩn yếu đừng gởi thư đến; bởi tôi ra khỏi cửa bận bịu lắm việc, không rảnh rỗi để phúc đáp được đâu! Ước chừng giữa tháng Năm tôi sẽ trở về núi, vì trong tháng Ba năm ngoái, vị Trụ Trì đã thoái ẩn của ngôi chùa tôi ở đã giao cho tôi giám đính Phổ Đà Sơn Chí (do một Nho sĩ tu chỉnh), đã cả năm rồi nhưng vẫn chưa rảnh rỗi để xem đến. Khi về núi, phải lo chuyện này trước để sách được lưu thông (Ngày Mười Bốn tháng Ba)

489. Thư trả lời cư sĩ Bàng Khế Thành

Toa thuốc cai á phiện gởi kèm theo thư cực hay. Trong hai bản khắc gỗ và đúc kẽm bộ An Sĩ Toàn Thư và Văn Sao, Quang đều có đính kèm [toa thuốc này]. Lại còn gởi khắp cho những bạn bè quen biết các nơi, mong [toa thuốc ấy] được lưu truyền. Y theo toa thuốc ấy để cai nghiện, trong mười người có đến tám chín người khỏi nghiện. Những kẻ không cai nghiện được quá nửa là do thân thể người ấy trước đó đã sẵn bệnh, hễ cai hút liền đổ ra bệnh khác. Đây chẳng phải là thuốc không linh nghiệm mà là do [cơ thể] người ấy thiếu căn bản (tức không đủ mạnh để có sức chịu đựng những vật vã khi cai nghiện - chú thích của người dịch). Ấy là tánh chất đặc biệt, chứ không phải là điều phổ cập tổng quát. Sợ có một hai kẻ thấy toa thuốc không linh nghiệm bèn nói toa thuốc ấy chẳng hay, nên tôi giãi bày nguyên do. Ôi! Người nước ta mê muội đến thế, coi chất Trầm độc là bổ dưỡng, nào biết nó đã khiến cho nhà tan, nước nghèo, nhân dân suy đồi, tàn phế! Chao ôi, buồn thay!

490. Thư trả lời cư sĩ Bách Linh

Học đường hiện thời đúng là hầm bẫy người. Chẳng hãm trong tà thuyết thì cũng hãm trong tự do luyến ái, mặc tình ăn chơi bừa bãi. Phải biết rằng con người chỉ là một động vật cao bốn năm thước mà cùng với trời đất xưng thành Tam Tài thì cái danh xưng Con Người tôn quý không chi bằng! Danh đã tôn quý, ắt phải có thực chất tôn quý thì mới đáng gọi là Người. Nếu không, sẽ thành "cầm thú đội mũ, mặc áo", do không có hơi hướng của con người! "Tài" (才) là khả năng. Trời có khả năng sanh ra vật, đất có khả năng chở vật, con người có khả năng kế thừa bậc thánh đời trước, mở mang lối học cho người đời sau, giúp đỡ những chỗ trời đất chẳng thể sanh thành, trưởng dưỡng! Vì thế, mới cùng với trời đất xưng là Tam Tài. Nếu chỉ biết ăn uống, trai gái, chẳng biết "hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ" thì so ra còn xấu hèn hơn cầm thú. Người như thế chỉ mang xuông cái thân người suốt cả một đời, trọn chẳng có một điểm nào mang hơi hướng con người! Khi một hơi thở ra không hít vào được nữa, sẽ đọa địa ngục trải trăm ngàn kiếp trọn chẳng có thuở thoát ra. Muốn làm cầm thú còn chưa thể được; huống là lại được làm thân người ư?

Thuở ban đầu ông không biết nghĩa này, nghe bạn xấu xúi giục bèn ăn chơi bừa bãi, đến khi bị mắc bệnh phong tình đau đớn không thể chịu đựng nổi. Lành bệnh rồi lại ăn chơi, lại đổ bệnh, lại phạm, cũng là kẻ chẳng biết tốt - xấu quá mức, quá thiếu chí hướng, khí tiết! Cần biết rằng đàn ông ăn chơi bừa bãi và nữ giới lén lút tằng tịu với người khác trọn chẳng hơn kém nhau! Người đời thường coi chuyện nữ giới lén lút tằng tịu với người khác là hèn hạ, chẳng chê trách nam giới ăn chơi bừa bãi. Đấy đều là chẳng biết đến ý nghĩa tên gọi Con Người, cho nên mới có tri kiến kém hèn như thế. May là ông đã nhiều lần chịu khổ, mới biết quay đầu, cũng là do thiện căn trong đời trước xui khiến. Nhưng Quang vẫn phải nói rõ nguyên do, vì sợ ông chưa chết hẳn cái tâm ấy, chắc sau này sẽ lại giẫm theo vết xe đổ ấy!

Vì thế, muốn làm cho ông biết danh hiệu Con Người tôn quý, chẳng đến nỗi tự ruồng rẫy, tự vứt bỏ! Và còn dùng những điều này để khuyên nhủ hết thảy thanh niên nam nữ cùng vâng giữ danh xưng Con Người tôn quý, thực hành điều lành thế gian là "giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành". Lại còn phát Bồ Đề tâm, làm lợi khắp ta lẫn người, đều cùng sanh lòng tin, phát nguyện, niệm thánh hiệu Phật, cầu sanh Tây Phương để tu điều lành xuất thế. Như vậy sẽ đáng gọi là Con Người, tuy chưa thể kế thừa bậc thánh đời trước, mở mang lối học cho người đời sau, giúp đỡ quyền sanh thành trưởng dưỡng của trời đất giống như bậc thánh hiền thời cổ, nhưng đã có chút phần công đức "kế thừa, mở mang, giúp đỡ" thì cái danh xưng Con Người mới có thực tế, chẳng thành nói xuông!

Nay đặt cho ông pháp danh là Tông Thành. Tông là chủ, là gốc. Nghĩa là dùng lòng chí thành chân thật để tự hành, dạy người, chẳng để một mảy may ý niệm hư giả và xấu hèn [nẩy sanh] đến nỗi cô phụ một chữ Người vậy! Hãy nên tự trì Ngũ Giới trước. Đã có thể trì thật sự lâu ngày rồi mới thọ, sẽ chẳng khó khăn gì! Nếu tâm vẫn còn do dự sẽ gọi là "trò đùa trẻ nít!" Chẳng những ông tự mắc tội lỗi mà Quang cũng cùng phạm tội lỗi (Ngày mồng Tám tháng Sáu)

491. Thư trả lời cư sĩ Huệ Tài

Nhiều lần mơ thấy giấc mộng tốt đẹp, ấy chính là do nhân trong đời trước lẫn lòng khẩn thiết trong đời này cảm vời. Đại tự viện [trong giấc mộng] chính là pháp hội Hoa Nghiêm, nhưng do ông chưa phá Phiền Hoặc, chỉ thấy được tướng tầm thường, chẳng thấy được tướng thù thắng, nhưng thấy được cảnh giới ấy cũng đã chẳng dễ dàng gì! Đối với chuyện [ông nằm mộng thấy] vị trưởng giả đưa nước cho uống, ấy chính là Văn Thù Bồ Tát đem cam lộ ban cho ông. Hãy nên thường gắng sức để khỏi phụ một phen ân đức gia bị.

Ấy là vì phàm phu sát đất phần nhiều bị cảnh chuyển. Vì thế nên Tăng Tử khi sắp mất, mới nói: "Kinh Thi có câu: 'Dè dặt kinh sợ như vào vực sâu, đi trên băng mỏng', từ nay trở đi, ta biết thoát khỏi". Chưa đến lúc lâm chung, vẫn sợ có khi bị vây hãm, chìm đắm, chẳng dám nói lời lớn lối ấy. Những kẻ thích ăn nói lớn lối hiện thời đều là những gã cuồng trọn chẳng dụng công nơi những điều họ có thể thực hiện được! Lệnh hữu thiệt căn (lưỡi) không nhanh nhạy chính là vì túc nghiệp. Niệm kinh Pháp Hoa cố nhiên là tốt, nhưng niệm Phật, niệm Quán Âm cũng có thể tiêu nghiệp, tăng huệ; chớ nên cố chấp, cho là "chỉ có niệm kinh Pháp Hoa mới được như thế". Nếu thật sự chí thành niệm Phật còn có thể siêu phàm nhập thánh, nào phải chỉ khiến cho thiệt căn được lanh lợi mà thôi ư? (Ngày Hai Mươi Lăm tháng Giêng năm Đinh Sửu - 1937)

492. Thư trả lời cư sĩ Huệ Hoa

Mấy hôm trước nhận được thư ông, khôn ngăn khiến người khác đau lòng! Thiên tai, nhân họa liên tục giáng xuống các tỉnh nước ta, dân không lẽ sống, thật đáng đau đớn thở than. Truy tìm nguyên nhân thì cái nhân xa là do Trình - Châu đả phá nhân quả luân hồi, cái nhân gần là do nhà cầm quyền đương thời vứt bỏ pháp tắc của bậc thánh nhân thời cổ, noi theo đường lối của người Tây Phương, đến nỗi cả nước như cuồng, lòng người ngày càng bại hoại, thiên tai thường giáng xuống. Nhà ông ở gần bờ sông, chẳng những nhà cửa đã không còn, chỉ sợ ruộng nương cũng tan nát. Suy tính đến kế sách cho tương lai, hãy nên đưa mẹ già và gia quyến dọn đến sống nơi tỉnh thành, có tiền lương của ông thì cũng còn có thể duy trì được! Nếu lòng mơ tưởng xa xỉ quá mức, muốn khôi phục lại nhà cửa, ruộng đất như xưa, sợ không có sức làm như vậy được đâu!

Nếu cứ cưỡng làm, chắc sẽ không thể nào chẳng noi theo hành vi của con người hiện thời, tức là vẫn hiềm tai ương còn bé nhỏ, càng tạo cái nhân cho tai họa lớn lao hơn, đấy chính là cách suy nghĩ tính toán của kẻ si vậy! Nếu có thể toàn thân buông xuống, chỉ quan tâm đến tình trạng hiện thời, quyết chẳng dám lại tạo cái nhân gây ra tai họa nữa thì mai sau sẽ hưởng tình cảnh tốt đẹp không ngờ! Quân tử hành xử theo đúng địa vị (chính là lúc hiện tại vậy). Đấy chính là cách tốt lành "gặp cảnh hoạn nạn bèn hành xử theo cảnh hoạn nạn". Còn chuyện lập cách để cứu giúp thì Quang đâu có sức lực lớn lao ấy. Năm nay, tôi đã tiêu lặt vặt vào chuyện cứu tế tai nạn và công ích hơn một ngàn đồng. Với những khoản tiền do người khác quyên tặng để in sách, tôi đã bảo họ đem cứu tế tai nạn tại Thiểm Tây tới hơn hai ngàn đồng. Huống chi Quang một mực chẳng chịu hướng về người khác quyên mộ, chẳng qua họ đã phát tâm, liền bảo họ chuyển [khoản tiền ấy] sang [làm chuyện khác] mà thôi!

Điều đáng nên dốc sức là phải cực lực đề xướng nề nếp đạo đức cũ, nhân quả, báo ứng. Trước mắt, [tôi cho] ấn hành cuốn Bát Đức Tu Tri, đợi khi sách được in ra sẽ gởi cho ông mấy gói để làm căn cứ đề xướng. Hiện thời, Quang bận bịu cùng cực, hết thảy chuyện thù tiếp đều tạ tuyệt. Do kể từ mùa Xuân năm ngoái phải tu chỉnh ba bộ Sơn Chí Thanh Lương, Nga Mi, Cửu Hoa, thỉnh ông Hứa Chỉ Tịnh soạn những ý chánh, còn chuyện sửa chữa, sắp đặt đều giao về cho Quang. Gần hết một năm rồi mà chưa xong được bộ nào cả! Nay Thanh Lương Chí đã cho sắp chữ, nếu không cự tuyệt hết thảy thì thật khó thể nào như pháp được. Ước chừng năm sau vào thời điểm này chắc sẽ đều xong xuôi hết. Nếu có bộ nào được in ra, cũng sẽ gởi cho ông. Xin đừng gởi thư tới, dẫu nhận được sách cũng chỉ ghi giản lược là "đã nhận được" mà thôi!

493. Thư trả lời cư sĩ Trần Bá Đạt (thư thứ nhất)

Nhận được thư, biết lệnh nghiêm gặp rất nhiều chuyện linh cảm, khôn ngăn khâm phục, an ủi. Nếu ước theo lúc nhận lãnh pháp thì Đại Sĩ và thiên long bát bộ đều hiện, nhưng chắc là do có giới cấm của Mật Tông không cho phép tuyên truyền cảnh giới nhiệm mầu [cho nên cụ không nói ra]. Đấy có phải là vì Bồ Tát thuận lòng người chuyên phụng thờ Cơ Đốc (Christ) mà thị hiện đó chăng? Nếu ước theo nghĩa này để phán định thì cụ nhất định có sở chứng. Nếu cụ không có sở chứng, chắc chắn bậc thánh chẳng khinh suất ứng hiện xuông được! Nếu nói để khơi gợi lòng tin mà thấy Ứng Thân thì đấy chính là tướng trạng khi người niệm Phật lâm chung, do chưa phá vô minh nên thân [của Phật, Bồ Tát, thánh chúng] được thấy đều là Ứng Thân; bởi lẽ, do thiện căn của người ấy chưa thể thấy được Pháp Thân và Báo Thân. Đối với cảnh tượng được thấy nơi động Phạm Âm ở Phổ Đà, ấy chính là Bồ Tát thuận theo lòng chúng sanh để tăng trưởng tín tâm cho họ. Ai nấy đều được thấy, nên chẳng thể lấy đó để làm lệ được! Nếu lấy đó làm lệ, sẽ khiến cho hết thảy mọi người đều dựa vào đấy để bịa đặt rêu rao.

Người

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net