Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên Quyển 3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
thời cổ thấy được đức Văn Thù ở Ngũ Đài khá nhiều, nhưng [mỗi vị ấy] đều có đại nhân duyên hoặc có công phu sâu xa. Ai thấy được Ngài bèn ngộ giải, chứng nhập. Năm Quang Tự mười hai (1886), Quang triều bái Ngũ Đà. Trước [khi lên núi] đã tìm nát cả con đường Lưu Ly Xưởng ở Bắc Kinh nhưng chỉ kiếm được một bộ Thanh Lương Sơn Chí, hằng ngày thường đọc. Do trời lạnh nên đến đầu tháng Ba mới tới được núi, ở lại núi hơn bốn mươi ngày, thấy người đến núi triều bái phần nhiều bảo đã thấy được Văn Thù Bồ Tát, nhưng rất ít người chân thật hành trì, nên biết rằng những kẻ đến núi bảo "thấy được Bồ Tát" đều là nói hùa theo sự tích của cổ nhân để khoe khoang. Nếu thật sự thấy thì người ấy ắt phải vàng - thau khác hẳn với những kẻ thuận giòng vỗ sóng. Nếu không, đức Văn Thù chẳng tự trọng, khinh thị hiện thân để làm gì cơ chứ? [Từ ngữ] "Lý Tức Phật" để chỉ hết thảy chúng sanh, chứ không phải chỉ nói về kẻ trái trần hiệp giác. Nếu trái trần hiệp giác thì đã thuộc về Danh Tự [Tức Phật].

Ông X... lúc nhập định giống như đức Tỳ Lô Giá Na, xuất định vẫn là phàm phu mà còn chẳng biết hổ thẹn, ăn nói lớn lối gạt người! Nếu thật sự giống như đức Tỳ Lô Giá Na, chắc chắn chẳng đến nỗi vẫn là phàm phu! Ông ta vốn muốn dùng Mật Tông để ép người, chẳng biết Quang tuy chẳng biết Mật Tông, há chẳng biết đúng - sai [đến nỗi] ông ta liền có thể lung lạc Quang hay sao?

Cha ông cả đời gặp chuyện linh cảm quá nhiều, dẫu người ở ngoài ngàn dặm hay trăm dặm nghe thấy cũng sẽ phát sanh lòng tin. Huống chi lúc mẹ ông mất, hiện tướng lành đài vàng, lại còn trở lại báo tin cho anh em ông và các nàng dâu biết ư? Nếu chẳng sanh lòng tin, [các ông] cũng đáng gọi là "hạng cứng cổ đến cùng cực!" Cha mẹ ông lúc còn sống hay sau khi đã mất đều có dấu tích siêu phàm nhập thánh, nhưng ông chẳng sanh lòng cảm kích nơi lợi ích lớn lao ấy mà vẫn cứ lo so đo gia đạo giàu - nghèo, bảo là "thờ Chúa thì giàu, thờ Phật thì nghèo!" Do vậy chẳng sanh khởi tín tâm. Chuyện này trọn chẳng khác gì kẻ trông thấy bảo châu Ma Ni có thể thuận theo lòng người mà tuôn ra các món báu, nhưng vẫn khinh rẻ bảo châu, quý trọng mắt cá, coi như của báu tột cùng! Mất trí điên cuồng cùng cực đến mức ấy, đến nỗi mẹ ông lại phải nhọc công hiện thân mới hơi ngớt lời gièm báng! Thật đúng là "phụ hữu trường thiệt, duy lệ chi giai" (tạm dịch: Mụ vợ lưỡi dài, cội nguồn mối họa ), cô phụ ân Phật, cô phụ ân mẹ!

Nghịch cảnh, tình huống khổ sở tuy xấu xa, nhưng muốn thành tựu đạo nghiệp thì vẫn phải nhờ vào đấy để nhắc nhở. Nếu không, hằng ngày sẽ rong ruổi trong chốn thanh, sắc, vật chất, lợi lộc, rảnh đâu để đoái hoài "chính ta sẵn có Phật tánh" để hòng miệt mài muốn được đích thân chứng nhập ngõ hầu được thọ dụng. Chúng sanh sống chết không ngơi đều vì có Ngã. Nếu vô ngã thì tham - sân - si, giết - trộm - dâm sẽ do đâu sanh khởi? Do lầm nhận cái Ngã do Tứ Đại giả hợp này nên Chân Ngã trọn đủ bốn tịnh đức "Thường - Lạc - Ngã - Tịnh" hoàn toàn bị mai một! Do vậy, thế đạo, nhân tâm ngày một đi xuống, giết người đầy đồng ngập thành chẳng sanh xót thương, đều là vì Ngã gây ra. Quang vốn là kẻ lòng dạ thẳng băng, chẳng thể không nói thật tình với ông (Ngày Hai Mươi Sáu tháng Mười năm Ất Sửu - 1925)

494. Thư trả lời cư sĩ Trần Bá Đạt (thư thứ hai)

Ông nói: "Để tự lợi thì phải xuất gia, còn làm lợi người khác thì đừng xuất gia!" Chẳng biết: Tu Giới - Định - Huệ chỉ có xuất gia là dễ dàng; chứ nếu tu pháp môn Tịnh Độ thì tại gia càng dễ đắc lực hơn. Nếu cho rằng "tại gia quyết khó thể tu hành", thì xuất gia cũng chẳng thể tu hành được! Vì sao vậy? Do khi còn tại gia chẳng dốc sức thì khi xuất gia làm sao sốt sắng cho được? Đây là tình thế "quyết chẳng thể thực hiện" có thể dự đoán được! Nhà ông có vợ con, [nếu ông xuất gia] họ sẽ không nơi nương tựa, há nên khởi ra vọng tưởng ấy? Đấy chính là tình kiến chần chừ, so đo vậy! Nếu ông thật sự xuất gia thì vẫn là kẻ lười trễ, biếng nhác, chẳng có thành tựu gì! Quang đã thấy nhiều lắm rồi!

Đối với chuyện thọ giới, "không làm các điều ác, vâng làm các điều thiện" chính là Giới tổng quát của ba đời chư Phật, ai chẳng chấp nhận cho ông tự phát tâm thọ? Ngay cả Ngũ Giới, ai không cho phép ông đối trước đức Phật tự thệ thọ giới? Cần gì phải đến Phổ Đà mới thọ được ư? Ngàn vạn phần đừng tới Phổ Đà. Do tới đây phải tốn chừng đó tiền tàu xe, mất chừng đó ngày, chẳng qua [vị thầy truyền giới] chỉ truyền danh tướng của Ngũ Giới mà thôi! Nếu cứ muốn phải thọ từ thầy thì ở Thường Thục cũng có Tăng nhân thanh tu, há [vị ấy] chẳng thể truyền giới mà cứ muốn phải thọ từ Quang mới được ư?

Người học Phật trước hết phải biết thực hiện cẩn thận, dè dặt nơi nhân quả. Đã có thể thận trọng, dè dặt thì tà niệm tự trong lặng, đâu đến nỗi có những chuyện chẳng đúng pháp! Nếu có, hãy nên dốc sức đoạn diệt thì mới là chân thật tu hành. Nếu không, học một đằng, hành một nẻo, tri kiến càng cao, hành vi càng tệ. Đấy chính là vết thương thấu xương của những kẻ học Phật tự xưng là thông gia hiện thời! Nếu chẳng vướng vào hai khuyết điểm ấy thì học một phần sẽ được một phần lợi ích thật sự.

Cõi đời hiện thời chính là đời hoạn nạn. Trước kia, Quang thỉnh ông Hứa Chỉ Tịnh soạn cuốn Quán Âm Bổn Tích Cảm Ứng Tụng đã cho sắp chữ. Nay gởi cho ông một trang thuyết minh [cách đứng ra chịu trách nhiệm in]. Có ai muốn lợi người thì chẳng ngại gì bảo họ đứng ra chịu trách nhiệm ấn hành để lưu truyền. Hiện thời đã có người chịu trách nhiệm đến năm sáu vạn bộ. Quang tính in mấy chục vạn cuốn để lưu truyền khắp trong ngoài nước. Sợ chẳng dễ gì đạt đến như vậy. Trên mười vạn bộ chắc sẽ làm được! (Mồng Bảy tháng Mười Một năm Ất Sửu - 1925)

495. Thư trả lời cư sĩ Châu Văn San (thư thứ nhất)

Chúng sanh đời Mạt muốn liễu sanh thoát tử ngay trong đời này mà nếu chẳng niệm Phật cầu sanh Tây Phương, chắc chắn sẽ chẳng thể đạt được! Vì sao vậy? Do không có sức để đoạn Hoặc. Do niệm Phật cầu sanh Tây Phương là cậy vào Phật từ lực nên kẻ chưa đoạn Hoặc cũng có thể vãng sanh. Đã vãng sanh rồi thì ba thứ Hoặc - Nghiệp - Khổ đều cùng tiêu diệt. Ví như mảnh tuyết rớt vào lò luyện lớn, chưa đến nơi đã tan mất. Do Tây Phương là cảnh giới của Phật, Bồ Tát, nên phàm phu hễ [sanh] đến đó, phàm những gì chẳng mong đoạn đều tự đoạn.

Nếu ông muốn liễu sanh tử hãy nên thỉnh Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao (có bán ở Phật Học Thư Cục tại Thượng Hải) đọc kỹ sẽ tự nhiên hiểu rõ ràng. Quang già rồi, mục lực lẫn tinh thần đều chẳng đủ, từ nay đừng gởi thư đến nữa, gởi đến cũng không trả lời. Do Văn Sao là một bộ sách khai thị, cần gì phải có một lá thư [để khai thị] nữa? Hơn nữa, Quang sẽ chết trong sáng tối, chẳng thể thù tiếp được ư? (Ngày Mười Hai tháng Tám)

496. Thư trả lời cư sĩ Châu Văn San (thư thứ hai)

Thư gởi hôm Mười Bốn đã nhận được, do bận việc chẳng thể trả lời ngay. Năm đồng sẽ dùng làm tiền in Văn Sao Tục Biên. Quang vốn chẳng muốn in nữa, cho nên từ năm Dân Quốc 15 (1926), [sau khi] Trung Hoa Thư Cục ấn hành bản Tăng Quảng Văn Sao hoàn chỉnh, tất cả văn tự thù tiếp đều nhất loạt chẳng giữ lại bản thảo, nhưng Đương Gia chùa Báo Quốc là thầy Minh Đạo sai người lén sao chép. Năm Dân Quốc 24 (1935), thầy ấy mất, những bản thảo sao chép được giao cho Đương Gia chùa Linh Nham [là thầy Diệu Chân]. Thầy ấy lại sưu tập những lá thư từ các tờ bán nguyệt san v.v..., Quang chỉ đành thuận theo ý thầy ấy; hiện thời đã cử người sao lại theo lối Chân Thư để khỏi bị sai ngoa khi sắp chữ.

Ông quyết định muốn cầu sanh Tây Phương, hãy nên thỉnh Ấn Quang Pháp Sư Tăng Quảng Văn Sao và Gia Ngôn Lục từ Phật Học Thư Cục tại ngay nơi mình ở. Nếu có lúc rảnh rỗi thì thỉnh Tịnh Độ Thập Yếu, Tịnh Độ Thánh Hiền Lục (hai loại sách này đều do Quang đứng ra ấn hành), Tịnh Độ Ngũ Kinh (thuộc loại kinh sách để đọc tụng, cũng do Quang ấn hành) để xem thì những điểm chánh yếu của pháp môn Tịnh Độ sẽ đều biết rõ. Đã muốn sanh về Tây Phương, ắt phải ba nghiệp thanh tịnh, hãy nên kiêng giết, ăn chay, cũng khuyên cha mẹ, anh em trai, chị em gái, vợ con đều cùng ăn chay niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Sanh về Tây Phương sẽ siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử, sao nỡ để bậc sanh ra ta và những người "đồng khí liên chi" với ta chẳng được hưởng lợi ích thù thắng này? Đối với người chung quanh, người trong cõi đời còn phải nên khuyên họ tu trì, huống là cha mẹ quyến thuộc của chính mình ư?

Cần biết rằng: Niệm Phật cầu sanh Tây Phương chính là pháp môn đặc biệt trong nhà Phật. Đa số kẻ tham Thiền giảng kinh chẳng đề xướng pháp này, hãy nên lập chí quyết định, bất luận họ nói như thế nào, ông trọn chẳng nghe theo lời họ rồi tu pháp khác! Vì sao vậy? Do Niệm Phật là cậy vào Phật lực để liễu sanh tử. Có lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, chí thành khẩn thiết niệm thì ai nấy đều giải quyết xong xuôi [sanh tử]. Những pháp môn khác đều phải đoạn sạch phiền não (tức Kiến Hoặc và Tư Hoặc trong tam giới) rồi mới có thể liễu được! Sự khó - dễ [giữa pháp môn này và các pháp môn khác] giống như sự cách biệt giữa trời và vực vậy (Ngày Mười Bảy tháng Tám).

497. Thư trả lời cư sĩ Mã Tông Đạo (thư thứ nhất)

Nhận được thư, biết niệm mỗi ngày một thuần, khôn ngăn vui mừng, an ủi. Năm nay loạn lạc quả là từ ngàn xưa chưa hề nghe nói tới! Đấy đều là vì ác nghiệp của chúng ta từ trong những kiếp xa xưa cảm vời, nên tuy chưa thật sự chịu khổ mà sự kinh hoảng, thê thảm đã chẳng thể nào diễn tả được! Các hạ đã biết nóng giận có hại, sao trong lúc nổi nóng chẳng nghĩ mình đã chết? Chết rồi thì mặc cho ai làm gì thì làm, trọn chẳng tranh chấp với họ! Nếu luôn nghĩ sẽ chết thì đạo niệm sẽ tự thiết tha, tình niệm sẽ tự dứt.

Người đời nay thích lập ra chương trình mới, những kẻ phế bỏ luân thường, vứt bỏ lòng thẹn v.v... còn công khai đề xướng, muốn thúc đẩy tiến hành trên khắp toàn quốc. Chúng ta tuân theo giáo giới của đức Phật, kiêng giết, ăn chay, há còn sợ những người cùng một tôn giáo dị nghị? "Gặp chuyện nhân chẳng nhường, thấy chuyện nghĩa liền dũng mãnh làm", vẫn mong lấy thân làm gương để dẫn dắt những kẻ câu nệ nơi giáo vào được pháp môn Đại Thừa ngõ hầu chẳng phụ ân Phật, chẳng phụ tánh linh của chính mình thì mới là đạo cứu thế.

Người cao tuổi cố nhiên nên nhất tâm niệm Phật; đọc kinh luận Đại Thừa chẳng qua là để hiểu rõ Lý Tánh, gieo thiện căn mà thôi! Nếu đã muốn liễu thoát ngay trong đời này, xin hãy như đã đến lúc lâm chung, như đọa trong nước lửa lớn mong được cứu vớt mà niệm Phật, ắt sẽ có thể cậy vào Phật từ lực đới nghiệp vãng sanh. Nếu không, sẽ khó giữ vững được! Xin hãy đọc kỹ Văn Sao sẽ tự biết.

Người đời thường câu nệ vào giới hạn giữa các giáo đến nỗi suốt đời chẳng nghe đại pháp, mà vẫn tự cho là có công tuân thủ bổn giáo (giáo pháp của chính mình [đang tu học]). Nếu [vị nào] thật sự là thánh hiền của bổn giáo mà chỉ cho phép người khác nương theo [những lý lẽ trong] bổn giáo để luận giáo, còn những lý thuộc các giáo khác dẫu có hay hơn bổn giáo cũng chẳng chấp nhận đưa vào; nếu có đưa vào đi nữa thì cũng không tán thành. Nếu vậy thì thật sự chẳng khác gì tri kiến của lũ trẻ nhỏ ở ngoài chợ búa, há còn đáng gọi là thánh hiền nữa ư? Do vậy, biết rằng: Tự ràng buộc mình bởi giáo điều đều là trái nghịch tâm của các vị thánh hiền trong bổn giáo.

Ông vốn là Hồi giáo, tín phụng Phật pháp, quy y Tam Bảo, đáng gọi là "bậc hào kiệt". Nhưng phải gắng sức giữ vẹn luân thường, nghiêm túc trọn hết bổn phận của chính mình, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành, tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Dùng những điều này để tự hành, lại còn dùng những điều ấy để dạy người, chắc chắn sẽ tự có thể thoát khỏi đời ác Ngũ Trược này, sanh sang cõi sen thanh tịnh kia, chẳng đến nỗi trên phụ ân Phật, dưới phụ tánh linh của chính mình.

Nay đặt pháp danh cho ông là Tông Đạo, vợ ông là Tông Đức, Văn Khánh có pháp danh là Huệ Sướng, Văn Dũ có pháp danh là Huệ Phong, Văn Trí có pháp danh là Huệ Thuần, Văn Hinh pháp danh là Huệ Phức để bọn họ đều cùng ăn chay niệm Phật. Nếu chẳng thể ăn chay thuần thì đừng mặc sức ăn [mặn]. Một là gìn giữ tâm Từ, hai là bảo vệ thân thể. Tôn giáo của ông ăn thịt trâu bò, hãy nên kiêng tránh, bởi trâu bò có công đối với con người, ăn vào sẽ càng thêm tội lỗi.

Người Hồ Nam ăn cơm [có thói quen] không ăn hết, phong tục ấy thật tệ. Đối với người dân, thức ăn trọng như trời, sao dám phung phí? Hãy nên nói với con cái và tôi tớ về nguyên do này, dẫu một hạt hay nửa hạt cũng không nên phí! Nếu con người quăng vứt ngũ cốc, chắc chắn đời sau sẽ không có cơm ăn, cũng có kẻ bị quả báo chết đói ngay trong đời này! Nếu con người giẫm đạp giấy viết chữ, chắc chắn đời sau sẽ không mắt, ngu si, vô tri.

Hãy nên dạy con cái v.v... cùng đọc Âm Chất Văn, Cảm Ứng Thiên, giảng nói cho bọn họ hiểu để họ biết tới đạo làm người và lý nhân quả ba đời, tương lai sẽ chẳng đến nỗi trở thành phường bạo ác. Kẻ giết cha, giết mẹ, phế luân thường, vứt bỏ lòng thẹn đều do từ lúc ban đầu đã chẳng biết đạo làm người và nhân quả báo ứng. Vừa được nghe tà thuyết bèn cực lực nương theo để thỏa cái tâm phóng túng không kiêng dè, đáng buồn thay! Nay gởi cho ông Di Đà Kinh Bạch Thoại, Tâm Kinh Chú, Học Phật Thiển Thuyết, Cảm Ứng Thiên Vựng Biên, gộp chung thành một gói để ông lấy đó làm căn cứ giáo huấn lũ con về đạo lập thân tu đức.

Ông chưa hết lòng đọc kỹ Văn Sao. Nếu có đọc cũng chỉ hời hợt lướt mắt qua mà thôi!

1) Ông nói "thoạt đầu, từ Thập Niệm mà tiến hành", chẳng biết pháp Thập Niệm vì người cực bận rộn mà lập ra. Do họ suốt ngày không được rảnh rang, chỉ có thể niệm mười hơi vào buổi sáng. Nếu là người có thời gian và sức lực, há phải chỉ có mười niệm là xong ư? Nếu trước hết niệm mười niệm, rồi dựa theo thân phận của chính mình mà lập ra công khóa để thực hiện thì được. Nếu chỉ mười niệm rồi thôi, sẽ không được! Huống chi đang trong tình thế hoạn nạn này, nguy cơ họa hại mai phục bốn phía. Nếu chẳng chuyên dốc chí niệm Phật và niệm Quán Âm, lỡ một mai họa hoạn xảy tới, còn có cách nào để được yên vui nữa đây? Huống chi gia đình ông còn mang tiếng là "có của ăn, của để", tuy hiện thời đã kém trước kia, nhưng những kẻ si dại thường muốn đoạt lấy. Ông không biết pháp môn Tịnh Độ thì thôi! Đã biết rồi há nên tu trì hờ hững? Nếu nói "duyên thế gian khó thể vô ngại" thì chỉ nên "hễ có chuyện bèn giảm lần". Lúc vô sự, sao không chuẩn bị sẵn cho lúc hữu sự để khỏi mắc lỗi gián đoạn chẳng tu tập vậy?

2) Xét theo lý, nên ăn chay thuần; dẫu gặp tình thế khó thể ăn chay ngay, cũng nên bớt ăn [mặn]. Dẫu ăn [mặn] thì cũng nên giữ tấm lòng thương xót, độ thoát, chứ không phải là "người ăn mặn chẳng được niệm Phật!"

3) Niệm Phật há có chương trình nhất định! Chỉ nên chọn sao cho thích nghi. Lúc sáng suốt, tỉnh táo thì niệm theo lối Kim Cang trì hoặc niệm thầm. Lúc hôn trầm thì niệm nhỏ tiếng hoặc niệm lớn tiếng.

4) Lễ Phật một lạy diệt tội hà sa. Hãy nên lượng theo khả năng của chính mình, đừng chỉ mong sao an nhàn, thảnh thơi.

5) Lễ Phật chỉ cốt sao chí thành, cung kính; cố nhiên chẳng phải chấp chặt theo hình thức lễ nghi thế gian hay xuất thế gian.

6) Nên lấy kinh Di Đà làm công khóa sáng tối. Nếu có thời gian rảnh rang, lúc sáng sớm rửa ráy, súc miệng xong xuôi, trước hết dùng pháp Thập Niệm. Kế đó lại lễ Phật ba lạy, niệm kinh Di Đà một biến, Vãng Sanh Chú ba biến, niệm Kệ Tán Phật, niệm Phật năm trăm câu hoặc một ngàn câu rồi niệm Quán Âm, Thế Chí, Thanh Tịnh Đại Hải Chúng mỗi danh hiệu ba câu. Tiếp đó niệm Hồi Hướng Văn, Tam Quy Y. Hãy chiếu theo cách tu hành được nêu ra trong Văn Sao hoặc trong phần phụ lục ở cuối cuốn Di Đà Kinh Bạch Thoại Chú. Những kinh khác như Kim Cang Kinh v.v... hãy nên tụng vào một thời khác tùy theo khả năng của chính mình.

7) Phật hiệu lẫn kinh Di Đà đều không có chữ nào cần đọc theo âm khác. Chữ "phạn thực" (飯食) đọc thành "phản tự" (反寺) là âm đọc thế gian, Tứ Thư, Ngũ Kinh đều đọc như thế. Do người ta thường vô ý nên tưởng là cách đọc đặc biệt. Ông hãy thử tra trong tự điển; nhưng chữ Phạn Thực đọc theo âm gốc của nó cũng được. Đọc theo âm gốc thì Phạn (飯) chính là cơm, Thực (食) là ăn, đọc theo âm đặc biệt thì Phản (飯) chính là ăn, Tự (食) chính là cơm , cho nên hai nghĩa này đều thông với nhau. Chỉ có trong Phật hiệu thì hai chữ Nam Mô (南無) phải đọc là Nạp Mạc (納莫) . Cuối sách Bạch Thoại Chú đã giải thích tường tận ý nghĩa này, chớ nên đọc theo âm gốc của nó.

8) Niệm Phật hãy nên dựa theo phòng ốc của chính mình để cân nhắc khoảng không gian rộng hay hẹp. Nếu có thể đi nhiễu được (đi vòng quanh) thì trước hết nên đi nhiễu, hoặc đi nhiễu ngoài phòng cũng được. Khi nhiễu cũng nên hít thở thong thả, điều hòa (nhiễu Phật nhằm thể hiện sự tùy thuận ý Phật), chẳng phải chỉ nhằm biểu thị đi theo chiều thuận mà thôi. Hãy nên giữ sao cho sự tu trì của chính mình được thành kính, còn quỳ, đứng, ngồi, đi nhiễu [để niệm Phật đều được] miễn sao thuận tiện.

Nếu muốn như pháp thì khi tụng kinh Di Đà nên quỳ, đứng tụng cũng được. Đến khi niệm Phật thì trước hết đi nhiễu, nhiễu niệm được một nửa số [câu hạn định] bèn ngồi niệm. Lúc ngồi niệm sắp xong, bèn quỳ niệm [Phật] mười tiếng, lại niệm Quán Âm, Thế Chí, Thanh Tịnh Đại Hải Chúng mỗi danh hiệu mười tiếng, hoặc mỗi danh hiệu ba tiếng, cốt sao thân tâm thư thái, chẳng quá sức buông lung, hơi thở thông suốt, thân thể thoải mái, sẽ có ích không bị tổn hại!

Ông cho biết hãy còn mẹ, cố nhiên hãy nên đem lý này kính khuyên mẹ khiến cụ sanh lòng tin niệm Phật để mong cụ thoát khỏi biển sanh tử; há nên nói là "[làm như vậy] quá xấc xược?" Lòng cha mẹ yêu con không đâu chẳng thấu tới. Nếu cụ biết là hữu ích, há lẽ nào chẳng chịu tán thành, chấp nhận ư? Nếu cụ chẳng biết đến ích lợi này thì càng phải dùng nhiều cách khơi gợi, hướng dẫn để đấng sanh ra ta được hưởng lợi ích thật sự nơi Phật pháp. Đấy gọi là Hiếu. Nếu bà cụ cố chấp ý kiến của chính mình, chẳng chịu sanh lòng tin, hãy nên sám hối tội nghiệp thay cho cụ. "Lòng Thành đến tột bậc, vàng đá cũng phải nứt"; huống chi mẹ con vốn sẵn mối liên quan thiên tánh. Nếu ông thật sự chân thành sám hối thay cho mẹ thì mẹ sẽ được Tam Bảo gia bị, sẽ có ngày chuyển lòng sanh tin tưởng. Lại nên khuyên Tông Đức, Huệ Sướng v.v... đều hành như thế thì tình thân cốt nhục một nhà đều cùng thành thượng thiện nhân trong cõi sen, may mắn nào bằng!

Thế sự ngày càng nhiễu nhương! Hãy nên siêng niệm Phật và niệm Quán Âm. Thầy Chân Đạt đi triều bái núi Cửu Hoa. Ngày Hai Mươi Lăm tháng Bảy, Quang đến chùa Thái Bình để lo chuyện in sách, sợ phải trong khoảng tháng Mười mới trở về núi được. Sách Nho Thích Nhất Quán của Dương Lệ Đường vẫn chưa in ra được. Sách ấy in ra chậm trễ thì sự chọn lựa ắt sẽ kỹ càng, nhưng nhiệm vụ quan trọng trong hiện thời chỉ là sốt sắng niệm Phật mà thôi!

Phàm mọi chuyện cần phải dựa theo thời tiết, nhân duyên và năng lực của chính mình để luận. Ví như kẻ gặp nạn muốn trốn đi xa, tuy vàng ngọc đầy nhà đều chẳng dám cầm theo. Thứ chẳng thể không đem theo chỉ là lương thực; bởi lẽ một ngày không có cái ăn, ắt sẽ chẳng thể sống được! Nếu cầm theo vàng ngọc, chắc sẽ đến nỗi chuốc lấy cái họa mất mạng! Ông muốn được lợi ích trong thời thế này mà có các sách Tịnh Độ thì đã có thể không băn khoăn gì! Nếu chẳng chuyên tâm dốc chí, nếu lại coi rộng các sách đến tột cùng, chắc sẽ đến nỗi coi rẻ Tịnh Độ.

Sáng - tối nên tụng kinh Di Đà, chớ nên chỉ Thập Niệm. Vào lúc khởi đầu nên lễ Phật Thích Ca ba lạy. [Niệm Phật xong, đọc] nguyện văn tùy ý, ắt phải nên dựa theo bài văn ấy mà phát tâm thì mới là nguyện. Nếu xét theo những cảnh tượng của Nghê phu nhân như đã nói thì bà ta chắc chắn được vãng sanh. Trước tiên, bà ta thấy một cụ già râu bạc, chẳng thấy Phật và hoa sen; ấy là do công hạnh còn cạn nên thấy được [cảnh tượng] khá kém cỏi. Nói tới phẩm vị thì sẽ là thuộc vào khoảng Trung Phẩm Trung Sanh hay Trung Phẩm Hạ Sanh. Nhưng chín phẩm [vãng sanh] của Tây Phương chỉ là nói đại khái; chứ thật ra, trong mỗi phẩm đều có vô lượng trăm ngàn vạn ức phẩm. Chỉ cần được vãng sanh là đã siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử. Tuy [vãng sanh] trong Hạ Phẩm Hạ Sanh, đã cao trỗi sanh

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net