Kiến thức nền tảng - Chương 6

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CHƯƠNG 6: Động lực được đánh giá cao quá mức; Trong khi môi trường lại có vai trò quan trọng hơn.

Anne Thorndike, nhà vật lý trị liệu tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts ở Boston đã có một ý tưởng điên rồ. Bà tin rằng bà có thể cải thiện một cách dễ dàng thói quen ăn uống của hàng ngàn nhân viên y tế và khách hàng mà không cần phải thay đổi động lực của họ. Thực tế là bà đã không lên kế hoạch sẽ nói cho họ biết.Thorndike và các cộng sự thực hiện một nghiên cứu trong 6 tháng về "Cấu trúc lựa chọn" tại phòng ăn tự phục vụ của bệnh viện. Họ bắt đầu bằng việc thay đổi việc sắp xếp các loại đồ uống trong căn phòng.

Theo như ban đầu thì chỉ có duy nhất soda trong tủ lạnh đặt kế bên quầy tính tiền trong phòng ăn. Họ đã thêm một lựa chọn khác vào là nước đóng chai. Bên cạnh đó, họ đặt một thùng nước đóng chai cạnh những quầy thức ăn dọc căn phòng Soda vẫn được xếp trong chiếc tủ lạnh như ban đầu, nhưng nước đóng chai thì lại có sẵn ở mọi khu vực nước uống trong căn phòng.Hơn ba tháng sau, doanh số soda bán ra tại bệnh viện giảm xuống 11.4%. Trong khi đó doanh số bán nước đóng chai tăng 25.8%.

Cũng với những thay đổi như vậy và kết quả thu về cũng tương tự khi họ áp dụng với đồ ăn trong phòng ăn. Những người đến ăn không được thông báo gì về những sự thay đổi này. Thường thì mọi người lựa chọn sản phẩm không phải bởi vì chính bản thân sản phẩm đó mà bởi vì vị trí của chúng. Giả dụ tôi đi vào bếp và thấy một đĩa bánh cookie trên kệ bếp, tôi sẽ bốc một nắm và bắt đầu ăn, cho dù trước đó tôi không không hề nghĩ về những cái bánh đó và cũng không cảm thấy đói. Nếu như cái bàn chung ở văn phòng luôn đầy bánh doughnut và bánh sừng bò, thật là khó mà không nhón một cái mỗi lần đi ngang qua. Những thói quen của bạn thay đổi dựa trên nơi bạn ở và những tác nhân ngay trước bạn. Môi trường là cánh tay vô hình nhào nặn nên thói quen của con người. Cho dù tính cách của chúng ta là độc nhất vô nhị, những hành vi nhất định vẫn có xu hướng được lặp đi lặp lại trong những điều kiện môi trường cụ thể. Như ở nhà thờ, mọi người thường có xu hướng nói thì thầm. Ở những con phố tối tăm, mọi người thường cảnh giác và tự vệ. Theo cách này, dạng thức thay đổi phổ biến nhất không phải ở bên trong mà là ở bên ngoài: chúng ta thay đổi bởi tác động của thế giới xung quanh chúng ta.

Mỗi một thói quen là một sự phụ thuộc vào hoàn cảnh. Vào năm 1936 nhà tâm lý học Kurt Lewis đã viết ra một phương trình đơn giản nhưng lại có tính đột phá mạnh mẽ: Hành vi là một chức năng của một cá nhân trong môi trường sống của họ, hoặc B = f (P,E).Không lâu sau thì phương trình của Lewis đã được thử nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh. Năm 1952, nhà kinh tế học Hawkins Stern đã miêu tả một hiện tượng mà ông gọi là Gợi ý thúc đẩy sức mua [* Suggestion Impulse Buying].

Hiện tượng này xảy ra khi người mua nhìn thấy một sản phẩm lần đầu tiên và hình dung ra nhu câù sử dụng nó". Nói cách khác, người tiêu dùng thi thoảng sẽ mua các sản phẩm không phải bởi vì họ mong muốn có chúng mà là bởi vì các sản phẩm được giới thiệu tới họ. Ví dụ những sản phẩm được đặt ở vị trí bắt mắt thường được chọn mua nhiều hơn những sản phẩm đặt phía dưới gần sàn nhà. Bởi vì lí do này mà bạn sẽ thấy những thương hiệu đắt đỏ, có tiếng được đặt tại những vị trí dễ nhìn trên kệ hàng vì chúng đem lại lợi nhuận cao nhất, trong khi đó những sản phẩm rẻ tiền thường được đặt tại những khu vực khuất tầm nhìn.

Điều này cũng đúng trong việc trưng bày sản phẩm dạng end caps, theo cách này sản phẩm được trưng bày ở hai đầu của những dãy hàng. End caps là máy kiếm tiền của các hãng bán lẻ bởi vì đó là những vị trí bắt mắt thúc đẩy sức mua. Ví dụ 45% doanh thu bán hàng của Coca-Cola nhờ những kệ hàng end-of-the-aisle. Các sản phẩm hoặc dịch vụ càng ở vị trí dễ thấy thì bạn lại càng mong muốn thử chúng. Mọi người uống Bud Light bởi vì sản phẩm được bán ở các quán bar và uống Starbucks bởi vì các cửa hàng có ở mọi ngõ ngách. Chúng ta thích suy nghĩ rằng chúng ta kiểm soát được mọi việc. Nếu chúng ta lựa chọn nước đóng chai thay vì soda, chúng ta sẽ tự cho rằng đó là do chúng ta muốn như vậy.

Tuy nhiên sự thật là rất nhiều việc mà chúng ta thực hiện hàng ngày được hình thành không phải bởi những lựa chọn có chủ đích mà bởi những lựa chọn hiển nhiên nhất. Mỗi một cá thể sống sẽ có những phương cách riêng về việc cảm nhận và nhận thức về thế giới. Những con chim đại bàng có tầm nhìn rất xa. Những con rắn có thể ngửi bằng cách "nếm không khí" với chiếc lưỡi rất nhạy bén của mình. Những con cá mập có thể nhận biết được cả những thay đổi nhỏ về điện trường và rung động dưới nước do những con cá khác ở gần đó tạo ra.

Mỗi một con vi khuẩn có những hóa thụ quan [* chemoreceptors] - đây là những tế bào cảm biến siêu nhỏ cho phép các con vi khuẩn nhận biết được những hóa chất độc hại trong môi trường sống của chúng. Ở con người, chúng ta nhận thức được nhờ hệ thống thần kinh và các giác quan. Chúng ta nhận thức thế giới thông qua hình ảnh, âm thanh, mùi, chạm và vị giác. Ngoài ra chúng ta cũng có những cách khác để cảm nhận được các tác nhân. Một vài cách là có ý thức, nhưng đa số là vô thức. Ví dụ bạn có thể "cảm giác" được nhiệt độ thay đổi trước một cơn bão, hoặc ruột quặn lên khi bạn bị đau dạ dày, hoặc khi bạn bị mất cân bằng trong lúc đi trên nền đá. Những cơ quan cảm nhận bên trong cơ thể sẽ ghi nhận mọi tác nhân bên trong, như lượng muối

trong máu hoặc nhu cầu uống khi khát.

Nhưng giác quan mạnh mẽ nhất của con người chính là thị giác. Cơ thể người có khoảng 11 triệu cơ quan cảm nhận. Khoảng chừng 10 triệu trong số đó phục vụ cho thị giác của chúng ta. Các nhà nghiên cứu đã ước tính rằng một nửa tài nguyên não bộ của người được phục vụ cho việc nhìn. Dựa trên những nghiên cứu rằng chúng ta phụ thuộc nhiều vào thị giác hơn những giác quan khác, thì cũng không có gì ngạc nhiên khi những tác nhân thị giác là những chất xúc tác mạnh mẽ nhất lên hành vi của chúng ta. Vì những lí do này, một thay đổi nhỏ trong những gì mà chúng ta nhìn thấy có thể đem lại một thay đổi lớn trong những gì mà chúng ta làm.

Kết quả là bạn có thể hình dung ra tầm quan trọng của việc sống và làm việc trong một môi trường đầy những tác nhân hiệu quả và không có những tác nhân xấu.May thay có một tin đáng mừng về khía cạnh này. Bạn không phải là nạn nhân của của môi trường bạn sống. Bạn có khả năng kiến tạo ra chúng.

CÁCH THỨC KIẾN TẠO MÔI TRƯỜNG TẠO RA THÀNH CÔNG

Trong cuộc khủng hoảng năng lượng và cấm vận dầu mỏ những năm 1970, các nhà nghiên cứu người Hà Lan bắt đầu đặc biệt chú ý tới nhu cầu sử dụng năng lượng quốc gia. Tại một vùng ngoại ô gần Amsterdam, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng có một vài hộ gia đình sử dụng năng lượng ít hơn 30% so với những hộ lân cận mặc dù diện tích nhà ở và giá điện là giống nhau. Các ngôi nhà trong khu vực này gần như là giống hệt nhau ngoại trừ một điều: vị trí của công tơ điện. Một vài ngôi nhà đặt công tơ điện ở dưới tầng hầm.

Một vài ngôi nhà khác lại đặt công tơ điện trên lầu, trong hành lang chính. Bạn có thể đoán ra được những ngôi nhà với công tơ điện đặt trong hành lang chính tiêu thụ ít điện năng hơn. Khi chủ hộ dễ dàng theo dõi được mức tiêu thụ điện của mình, họ sẽ thay đổi thói quen tiêu thụ điện. Mỗi một thói quen đều bắt đầu bởi một tác nhân, và chúng ta sẽ dễ dàng nhận biết những dấu hiệu nếu đó là những dấu hiệu dễ nhận biết.

Nhưng không may là các loại hình môi trường nơi chúng ta sống và làm việc thường khiến chúng ta không thực hiện được những việc nhất định một cách dễ dàng bởi vì không có những dấu hiệu hiển nhiên để hình thành nên một hành vi. Sẽ không dễ dàng trong việc thực hành đánh đàn guitar khi cây đàn cất rịt trong tủ. Sẽ không dễ dàng trong việc đọc một cuốn sách khi giá sách nằm trong góc của phòng khách. Sẽ không dễ dàng trong việc uống vitamin khi chúng nằm ở nơi khuất tầm nhìn trong tủ đồ ăn.

Khi những dấu hiệu hình thành nên một thói quen không rõ ràng hay bị ẩn đi thì chúng ta dễ dàng bỏ qua chúng. Trái ngược với việc đó là việc tạo ra những dấu hiệu/tác nhân rõ ràng, dễ nhận thấy có thể thu hút sự chú ý của bạn hướng về thói quen mà bạn mong muốn. Trong những năm đầu của thập niên 90, những nhân viên vệ sinh tại sân bay Schiphol tại Amsterdam đã cho treo một sticker nhỏ có hình giống như một con ruồi ngay chính giữa phòng vệ sinh nam. Một cách hiển nhiên, khi những hành khách nam bước vào khu vệ sinh, họ thường có xu hướng nghĩ rằng đó là một con bọ. Những sticker này đã cải thiện được điểm đích của họ và giảm thiểu đáng kể việc đi tiểu ra ngoài bồn vệ sinh.

Hơn thế nữa, phân tích số liệu còn cho thấy những sticker này đã cắt giảm được 8% chi phí lau dọn phòng vệ sinh mỗi năm.Tôi cũng đã có trải nghiệm về những dấu hiệu rõ ràng trong đời sống của mình. Tôi đã từng có thói quen là sau khi mua táo từ cửa hàng, tôi sẽ đặt những quả táo đó vào khay sắt dưới cùng của tủ lạnh và hoàn toàn quên luôn. Tới khi tôi nhớ ra thì những quả táo đã hỏng mất rồi. Tôi không bao giờ trông thấy những quả táo đó vì vậy tôi không bao giờ ăn tới chúng. Dần dần tôi tự rút ra được kinh nghiệm và tái cấu trúc lại môi trường của mình.

Tôi mua một cái bát lớn để đựng hoa quả và đặt chúng ở vị trí ngay chính giữa kệ bếp. Lần tới mỗi khi tôi mua táo, tôi sẽ đặt chúng vào vị trí mà mỗi lần mở tủ lạnh tôi đều có thể trông thấy chúng. Và như một phép màu, tôi bắt đầu ăn vài quả táo mỗi ngày đơn giản chỉ nhờ chúng đã xuất hiện trong tầm nhìn của tôi.

Dưới đây là một vài cách bạn có thể tái thiết kế lại môi trường của mình và khiến cho những dấu hiệu hình thành nên những thói quen mong ước của bạn trở nên hiển hiện trong tầm mắt bạn hơn:

- Nếu bạn muốn ghi nhớ việc uống thuốc mỗi tối, hãy đặt lọ thuốc trong tủ đồ phòng tắm ngay phía trên vòi nước.

- Nếu bạn muốn thực hành đánh đàn guitar thường xuyên hơn, hãy đặt đàn guitar ngay vị trí trung tâm phòng khách.

- Nếu bạn muốn ghi nhớ việc gửi nhiều hơn những tấm thiệp cảm ơn tới mọi người, hãy dán một tờ ghi chú trên bàn của bạn.

- Nếu bạn muốn uống nhiều nước hơn, hãy đổ đầy vài chai nước mỗi sáng và đặt chúng tại những khu vực bạn hay đi tới trong nhà.

Nếu bạn mong muốn biến thói quen thành một phần to lớn trong cuộc sống, hãy biến những dấu hiệu thành một phần to lớn trong môi trường của bạn. Những hành vi nhất quán nhất thường bắt nguồn từ nhiều tác nhân. Hãy cân nhắc những cách thức khác nhau mà một người hút thuốc có thể bị thôi thúc rút một điếu thuốc ra hút như: lái xe, nhìn thấy một người bạn hút thuốc, căng thẳng trong công việc, và nhiều điều khác nữa. Những chiến lược tương tự có thể được áp dụng cho những thói quen tốt. Bằng cách rải đầy những tác nhân trong môi trường xung quanh mình, bạn sẽ tăng khả năng suy nghĩ về những thói quen trong cả một ngày. Hãy bảo đảm lựa chọn tốt nhất là những dấu hiệu hiển nhiên rõ ràng nhất. Việc đưa ra một quyết định đúng đắn hơn rất là đơn giản và tự nhiên khi những dấu hiệu của những thói quen tốt hiển hiện ngay trước mắt bạn.

Việc thiết kế lại môi trường có hiệu quả mạnh mẽ không phải chỉ bởi vì ảnh hưởng của chúng lên cách thức chúng ta tương tác với thế giới, mà còn bởi vì chúng ta hiếm khi thực hiện việc này. Hầu hết chúng ta sống trong một thế giới mà người khác tạo ra cho chúng ta. Nhưng bạn có thể biến đổi những không gian sống và làm việc của mình để làm tăng khả năng hiển hiện cho những tác nhân tích cực và giảm thiểu những tác nhân tiêu cực đối với bản thân. Việc thiết kế môi trường cho phép bạn lấy lại quyền kiểm soát và trở thành kiến trúc sư của chính cuộc đời mình. Hãy trở thành người kiến tạo nên thế giới của mình chứ không phải là người chờ đợi thụ động.

BỐI CẢNH CHÍNH LÀ TÁC NHÂN

Những tác nhân hướng tới một thói quen có thể bắt đầu theo những cách riêng biệt, nhưng theo thời gian những thói quen của bạn sẽ không chỉ liên quan tới một tác nhân riêng lẻ mà còn có mối liên hệ với toàn bối cảnh xung quanh hành vi của bạn.Ví dụ nhiều người sẽ uống nhiều hơn trong các cuộc vui so với những lúc họ uống một mình. Sự khởi đầu hiếm khi bắt nguồn từ một tác nhân đơn lẻ mà là toàn bộ tình huống: quan sát bạn bè uống, nghe nhạc trong quán bar, nhìn thấy những chai bia trên kệ.

Chúng ta mặc định trong đầu mỗi thói quen với mỗi địa điểm mà chúng xảy ra: ở nhà, ở văn phòng, ở phòng tập gym. Mỗi một địa điểm sẽ phát triển một kết nối với từng thói quen và lịch trình cụ thể. Bạn thiết lập một mối quan hệ cụ thể với từng đồ vật trên bàn, trên kệ bếp, trong phòng ngủ của mình.Hành vi của chúng ta không chỉ được định hình bởi những đồ vật trong môi trường mà bởi mối quan hệ của chúng ta với môi trường.

Thực tế đây là cách hữu ích để suy nghĩ về tác động của môi trường lên hành vi mỗi người. Hãy dừng suy nghĩ về việc chèn đầy môi trường với những đồ vật. Hãy bắt đầu suy nghĩ về việc chèn đầy môi trường với những mối quan hệ. Hãy suy nghĩ về những phương cách mà chúng ta có thể tương tác với những không gian xung quanh mình. Đối với một người, trường kỷ là nơi cô dành một tiếng cho việc đọc sách mỗi tối. Đối với một người khác, trường kỷ là nơi anh ngồi xem ti vi và ăn một âu kem sau giờ làm việc. Mỗi người có một ký ức khác nhau và cả những thói quen khác nhau gắn liền với cùng một địa điểm. Thông tin hữu ích ở đây là gì?

Bạn có thể huấn luyện bản thân liên hệ một thói quen nhất định với một bối cảnh cụ thể.Trong một nghiên cứu các nhà khoa học đã hướng dẫn những bệnh nhân bị chứng mất ngủ lên giường nằm chỉ khi họ cảm thấy mệt mỏi. Nếu họ không thể ngủ, họ được yêu cầu sang ngồi trong một căn phòng khách cho tới khi họ cảm thấy buồn ngủ. Theo thời gian, các đối tượng nghiên cứu bắt đầu có mối liên hệ bối cảnh giữa giường của họ với hành động ngủ, và họ dễ dàng nhanh chóng cảm thấy buồn ngủ khi leo lên giường. Não bộ của họ học được rằng khi bước vào phòng ngủ thì sẽ chỉ ngủ mà thôi, không lướt điện thoại, không xem tivi, không nhìn chằm chằm vào đồng hồ.Sức mạnh của bối cảnh cũng hé lộ một chiến lược quan trọng: chúng ta có thể dễ dàng hơn trong việc thay đổi thói quen trong một môi trường hoàn toàn mới.

Môi trường mới sẽ giúp chúng ta thoát khỏi những tác nhân và thôi thúc khó nhận thấy, những thứ lôi kéo bạn về những thói quen hiện tại. Hãy tới một nơi mới - một quán cà phê khác, một băng ghế dài ở công viên, một góc trong phòng mà bạn hiếm khi dùng tới - và tạo ra một lịch trình mới tại đây. Sẽ dễ dàng hơn khi gắn kết một thói quen mới với một bối cảnh mới hơn là việc xây dựng một thói quen mới trong khi phải vật lộn trong cuộc tranh đấu giữa những tác nhân cũ và mới. Sẽ khó mà đi ngủ sớm nếu bạn xem ti vi trong phòng ngủ mỗi tối.

Sẽ khó mà học trong phòng khách mà không bị sao nhãng khi bạn thường xuyên chơi video game tại đây. Nhưng khi bạn bước ra khỏi môi trường quen thuộc, bạn sẽ bỏ lại những khuynh hướng hành vi theo lối cũ. Bạn sẽ không phải chiến đấu với những tác nhân thuộc về môi trường cũ nữa, việc này sẽ cho phép những thói quen mới được hình thành mà không gặp ngăn trở nào.Bạn muốn tư duy sáng tạo hơn? Hãy tìm một căn phòng rộng hơn, một căn phòng áp mái chẳng hạn, hoặc một tòa nhà với kiến trúc xa hoa.

Hãy rời khỏi không gian mà bạn vẫn thường sống và làm việc một khoảng thời gian, những không gian này cũng có liên hệ tới những khuôn mẫu tư duy ở hiện tại.Bạn đang cố gắng ăn uống lành mạnh hơn? Có vẻ như bạn đang mua sắm như một cái máy tự động tại siêu thị quen thuộc. Hãy thử một cửa hàng bán rau củ mới. Bạn có thể thấy dễ dàng hơn trong việc tránh những đồ ăn không lành mạnh khi não bộ của bạn không tự động nhận biết được những đồ ăn đó được bày bán khu vực nào trong cửa hàng. Khi bạn không thể xoay sở để có được một môi trường mới hoàn toàn, hãy tái cấu trúc hoặc sắp xếp lại môi trường hiện có của bạn.

Hãy tạo ra một môi trường mới riêng biệt cho làm việc, học hành, tập thể thao, giải trí và nấu nướng. Câu thần chú mà tôi thấy hiệu nghiệm là "Một không gian, một mục đích sử dụng". Khi tôi bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của mình, tôi thường làm việc trên đi văng hoặc trên bàn ăn trong bếp. Vào các buổi tối, tôi nhận thấy rằng mình rất khó ngừng công việc lại. Hầu như không có ranh giới rõ ràng giữa thời điểm kết thúc công việc và thời điểm bắt đầu thời gian cá nhân. Bàn ăn trong bếp là văn phòng làm việc của tôi hay là nơi tôi dùng bữa? Đi văng là nơi tôi thư giãn hay là nơi tôi gửi email công việc? Mọi thứ diễn ra tại cùng một nơi.

Vài năm sau đó, tôi cuối cùng đã có thể mua và chuyển tới sống tại một căn nhà nơi mà có phòng riêng để tôi làm văn phòng làm việc. Và tự nhiên công việc là cái gì đó diễn ra "trong này" và cuộc sống cá nhân là cái gì đó diễn ra "ngoài kia". Tôi thấy dễ dàng hơn trong việc tắt nguồn tâm trí dành cho công việc khi có sự phân chia rõ ràng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Mỗi phòng có một mục đích sử dụng riêng. Bếp là nơi dành cho nấu nướng. Văn phòng là nơi dành cho công việc. Hãy tránh bất cứ khi nào có thể việc trộn lẫn bối cảnh của một thói quen này với một thói quen khác. Khi bạn trộn lẫn các bối cảnh, bạn sẽ bắt đầu trộn lẫn các thói quen lại với nhau - và những thói quen dễ thực hiện thường thắng thế.

Đây là một trong những lí do tại sao tính đa năng của công nghệ hiện đại lại là ưu điểm và cũng là yếu điểm. Bạn có thể sử dụng điện thoại cho mọi công việc, điều này khiến điện thoại là một thiết bị đầy công năng. Nhưng khi bạn có thể sử dụng điện thoại để làm hầu hết mọi việc thì lại rất khó khăn để dùng nó cho một loại công việc. Bạn muốn làm việc có hiệu quả nhưng bạn cũng bị điều kiện hóa là sẽ lướt mạng xã hội, kiểm tra email, và chơi game mỗi khi bạn cầm điện thoại lên. Đây chính là sự hỗn loạn trong hành động. Bạn có thể đang nghĩ rằng, "Bạn không hiểu gì cả. Tôi sống ở New York.

Căn hộ của tôi giống như một chiếc smartphone. Tôi cần mỗi phòng có đa chức năng sử dụng". Hãy cân đối. Nếu không gian của bạn bị giới hạn, hãy chia căn phòng của bạn thành những khu vực dành cho những hoạt động khác nhau: ghế dành cho việc đọc sách, bàn cho việc viết lách, bàn cho việc ăn uống. Bạn có thể làm như vậy với không gian số của mình. Tôi biết một nhà văn, anh này chỉ sử dụng máy tính cho việc sáng tác, máy tính bảng cho việc đọc, và điện thoại cho việc nghe gọi và vào mạng xã hội. Mỗi một thói quen nên có một ngôi nhà riêng. Nếu như bạn muốn theo đuổi chiến lược này lâu dài, mỗi một bối cảnh sẽ gắn liền với một thói quen cụ thể và một dạng thức suy nghĩ.

Các thói quen sẽ được hình thành trong những điều kiện có thể dự đoán trước kiểu như vậy. Bạn sẽ tự động tập trung trí óc khi bạn ngồi vào bàn làm việc. Bạn sẽ dễ thư giãn hơn khi bạn ngồi trong một không gian được thiết kế cho mục đích đó. Bạn sẽ nhanh chóng đi vào giấc ngủ nếu như lên giường bạn chỉ làm mỗi một việc duy nhất là ngủ. Nếu bạn mong muốn các hành vi trở nên bền vững và có thể dự đoán được, bạn cần một môi trường bền vững và có thể dự đoán được. Một môi trường bền vững là một môi trường nơi mọi thứ đều có một địa điểm và một mục đích để thói quen có thể hình thành một cách dễ dàng.

Tóm tắt chương

Những thay đổi nhỏ trong bối cảnh theo thời gian có thể đưa tới những thay đổi lớn trong hành vi của chúng ta.- Mỗi một thói quen đều được bắt đầu bởi một tác nhân. Chúng ta sẽ dễ dàng nhận biết các tác nhân nổi bật.

Hãy biến các tác nhân cho những thói quen tốt trở nên hiển nhiên trong môi trường của bạn. 


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net