Oneshot

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tên truyện: Bạc
Tác giả: Cá Ăn Mèo
Ảnh bìa được lấy từ ảnh gốc của Tharo Minh ( đã được cấp phép bản quyền )

......................................................

( Truyện được lấy bối cảnh từ Việt Nam những năm 1961 - sau khi kí kết hiệp định Giơ-ven-nơ, miền Bắc đã đi vào thời kì ổn định, hồi phục và phát triển )

Những năm tháng ấy, là những ngày nắng sau giông của toàn dân miền Bắc, khi những tên lính Pháp cuối cùng đã rút, lịch sử đất nước đã mở ra một trang sách mới, miền Bắc bước vào thời kì sản xuất và phát triển.

Giữa thành phố thanh bình, đổi mới, đó là nhà của " cụ Lý ". Bọn trẻ con đi ngang qua vẫn hay trêu ông là " cụ ", bởi ông mới ngoài năm mươi mà trông ông già đến hơn hai chục tuổi. Cái đầu hói đến đỉnh, số tóc còn lại thì bạc phơ, nếp nhăn và đốm nâu phủ đầy trán và hai tay. Ông Lý làm cán bộ quan trọng của nhà nước, có "dinh thự" to như cái lâu đài, ông với vợ "đường ai nấy đi" đã mười ba năm nay, nhà chỉ có ông với đứa con trai lên mười bốn, căn nhà rộng lớn ấy lại thiếu vắng tiếng cười. Trong nhà còn có chị Miên, là cái ăn cái ở trong nhà, năm xưa chị với thằng Sung - con trai cả của chị, năm ấy nó mới lên bảy, bị gã chồng nghiện rượu nặng ngày đêm hành hạ, đánh đập dã man, chị lúc đấy đang mang bầu, nhưng cũng quyết bỏ chồng, bỏ quê mà đi. Chị lang thang trên thành phố năm ngày đầu đường xó chợ, xong được ông Lý cưu mang, đưa về làm con hầu con sen, chị chẳng dám xin lương xin lậu, chị chỉ cầu cho hai đứa con út - thằng Hải con Lanh của chị được học hành đàng hoàng tử tế, với có miếng cơm manh áo là chị đã đội ơn ông lắm.

" Phận đàn bà kiếp con sen con ở

Tủi nhục viết trên muôn mấy vần thơ
Thanh xuân kia một thời đã lỡ
No ấm đủ đầy cũng chẳng dám mơ "

Cả ông Lý lẫn thằng Sơn khinh ba mẹ con nhà chị ra mặt. Như mang cái vênh của người ban ơn, bố con ông Lý ho phát nào là mẹ con chị Miên run phát đấy, ông Lý chỉ cho mẹ con chị trải một cái chõng tre ở góc bếp, bốn người, hai người lớn hai trẻ con, chen chúc trong cái chỗ chật hẹp tối tăm, hè thì nóng đông thì rét, gần như mọi sinh hoạt là nhà chị sẽ làm ở đấy. Căn nhà hai tầng mái ngói đỏ tươi, ba bốn cái buồng ngủ mà mẹ con chị chẳng được ăn ké phần nào, ấy cũng phải, ở đợ thì làm gì có quyền được đòi hỏi, ơn ông Lý cả đời chị phải mang, như nợ không bao giờ trả hết, chị chỉ cố gắng chăm sóc các con cho chu đáo, còn đắng cay bao nhiêu chị nhận hết về mình.

Buổi sáng hôm ấy, từ sớm tinh mơ, chị Miên đã dậy cơm nước, quét tước sân vườn, giặt được hai cái áo thì đã đến bảy giờ, chị bưng một cái chậu nhôm sáng loá chứa nước lạnh và một cái khăn mặt lên trên lầu. Chị mở cửa, cẩn thận mà đặt cái chậu lên cái bàn cạnh giường, nhẹ nhàng gọi:

Anh Sơn, anh Sơn ơi, dậy đi thôi, bảy giờ sáng rồi. Dì mang nước mát khăn lạnh lên cho anh rửa mặt rửa mũi này, dì nấu cháo gà rồi đấy, ngon lắm, anh dậy mà ăn đi này.

Xong chị quay sang phòng ông Lý, lễ phép:

Dạ, sáng nay cậu dậy sớm thế ạ? Em mời cậu xuống dưới nhà ăn sáng

Ông Lý, người đã dậy từ lâu, thay một bộ vét tây, khuôn mặt nghiêm nghị đi đi lại lại trong phòng, khoát tay:

Thôi, nay tôi không ăn sáng, cô cho chúng nó ăn đi, dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ vào.

Chị Miên thấy lạ nhưng cũng không dám thắc mắc, chị chỉ vâng dạ rồi ra khỏi phòng, cẩn thận đóng cửa lại . Xuống phòng ăn dưới tầng trệt, thằng cả nhà chị đã dậy sớm đi tưới cây làm vườn, hai đứa con út của chị đang đứng sát vào tường, khoanh tay cúi đầu trong lúc thằng Sơn đang ngồi ăn cháo ngon lành, đôi mắt chúng nó hấp hé nhìn bát cháo gà khói nghi ngút. Cháo thơm thế chứ lại! Chúng nó nhìn mà rệu nước miếng, nhưng "Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa", ông Lý bảo mỗi bữa ăn, ông với thằng Sơn sẽ ăn trước, mấy đứa nhóc út nhà chị đứng đấy để hầu hạ, rót nước xới cơm, xong xuôi dọn dẹp bát đũa sạch sẽ rồi mới được xuống bếp ăn. Chị nhìn mấy đứa con mà dứt ruột, nhưng cũng chỉ nghẹn ngào đi lấy giẻ lau nhà, ông Lý đã dặn nay nhà cửa phải sạch sẽ.

Cái giẻ lau màu đen ở đâu thế thím Lặng?

Bà cụ kèm nhèm chỉ chỉ vào giếng nước, bà đang mải nhặt rau, nói bằng cái giọng Thanh Hoá:

Cái chi? Cái giẻ lau á? Nớ vắt ở cái giếng ý, bây ra coi có ở đó mô?

Thím Lặng cũng là người làm ở nhà ông Lý, cũng tứ cố vô thân, trông già cả vậy thôi chứ bà còn tinh tường lắm. Chị Miên giặt giẻ bên giếng, mệt đứt cả hơi:

Hôm nay làm sao mà tự dưng cậu lại bắt dọn từ trên xuống dưới, dọn không chừa chỗ nào, dậy từ sớm đến giờ vẫn chưa xong.

Thím Lặng ngẫm nghĩ một tí, rồi tặc lưỡi, chép miệng:

Dào, chắc tại có mấy cái buồng cả năm chả mó tới, bụi mù bụi mịt lên chớ chi?

Mấy đứa bé nhà chị mãi cũng ăn sáng xong, lon ton chạy ra phụ mẹ việc nhà, chúng nó cười cười nói nói với nhau, thím Lặng cũng quý chúng như cháu ruột, thỉnh thoảng lại ngồi kể chuyện, vuốt tóc vuốt má chúng nó. Quái thật! Cái nhà này người đầy tiền thì chẳng thấy cười đùa bao giờ, người không tấc đất trong tay lại vô tư đến thế.

Chừng đến chín giờ chín rưỡi, một cái xe xích lô hạng xịn chở một người con gái và một bà cô đội nón che kín mặt đi ngang qua phố, thẳng đến nhà ông Lý. Người thiếu nữ tóc tết nửa đầu, mặc áo dài gấm màu lục, cặp mắt thuôn, hơi xếch như mắt phượng, gò má cao. Đi đến đâu, đám đàn ông nhìn đến ngờ người ra, từ mấy cậu học sinh áo trắng, đến mấy ông xe ôm, cán bộ, dân buôn bán hàng rong, có người mải nhìn còn suýt nữa xô xe. Gần đến cổng nhà ông Lý, cô giơ tay ra hiệu:

Tới chỗ nhà vàng mái đỏ kia thì dừng cho tôi.

Người lái xe xích lô dạ một tiếng, từ từ giảm tốc. Quán nước đối diện bên đường nhà ông Lý, người ta bắt đầu bàn tán:

Ai mà nom đẹp rứa! - một cậu sinh viên từ Huế ra xuýt xoa

Đẹp mà hình như hơi khó gần, cái mặt lạnh tanh thế kia.

Có phải người ở đây không vậy, tôi chạy xe bao năm ở đây, thấy hơi lạ.

Chao ôi, không biết nàng đã có ý chung nhân chưa, tôi còn đang một mình một bến đây này.

Bà hàng nước cười như xé vải:

Ui giời, tôi lạy các ông các bố, đũa mốc chòi mâm son, có cái nước mương mà nó nhìn tới.

Một ông xe ôm xụ mặt, cong cớn lên:

Đàn bà, biết gì? Thương nhau là được

Anh thợ cắt tóc bèn nói:

Bà ấy nói đúng đấy ông ạ, ông nhìn đi, tay với cổ đầy trang sức, quần áo thế kia không phải tiểu thư đài các thì cũng là cành vàng lá ngọc.

Bà hàng nước kể chuyện:

Các ông không biết, đây là người nhà cụ Lý đấy, nghe bảo bao nhiêu năm nay mới về, cũng độ hơn chục năm. Tôi bán nước ở đây, con kiến chui ra còn biết nữa là...

Chết chửa? Người nhà cụ Lý, đấy, các bố có giỏi thì léng phéng với cô ấy đi, mai đi mọt gông như chơi.

Thiếu nữ xuống xích lô, vẫy tay. Bà già đi bên cạnh vội vàng mở túi lấy mấy đồng trả tiền xe. Thiếu nữ bấm chuông, nghe tiếng đinh-đoong, chị Miên ngó mặt ra, thấy lạ, chị vội lên phòng ông Lý. Ông Lý nãy giờ hết đứng rồi lại ngồi, hết châm tẩu hút thuốc rồi lại uống ngụm rượu vang, ông nhìn lịch, lại nhìn đồng hồ, nhìn trái nhìn phải, xoa xoa cái đầu hói, cau mày lại, trong lòng thấp thỏm bồn chồn.

Thưa cậu, có cô với bà nào đến bấm chuông ạ

Ông Lý giật mình:

Ai? Ai cơ?

Chị Miên không dám nhìn vào mắt ông, lễ phép đáp lại:

Dạ có cô trẻ trẻ, ăn mặc sang quý, đi cùng một thím nào đang cầm cái túi ạ.

Ông Lý hoảng hốt, xưa nay người ta hiếm thấy ông lộn xộn, mất bình tĩnh đến như vậy:

Chết! Mở cửa, mở cửa ngay cho tôi, cô còn đứng đấy nữa à? Xuống mở cửa ngay!

Chị Miên nghe ông quát, cũng giật mình sợ hãi, chị chạy vội xuống nhà như ma đuổi. Tiếng chuông lại vang lên, chị gọi:

Thằng Hải con Lanh đâu, mở cửa nhanh lên!

Hai đứa trẻ đang vo gạo nhặt rau cũng phải bỏ đấy chạy vội ra mở cổng, khoanh tay cúi chào:

Thưa con chào cô, con chào bà.

Chị Miên cũng kịp chạy xuống, đứng nép qua cửa, cung kính:

Dạ chào cô, chào bà ạ.

Cô gái trẻ chỉ mím môi, không nói gì, ngẩng cao đầu, bộ dáng kiêu ngạo, ông Lý cũng vừa xuống, bà cô đi cùng the thé:

Chào ông Lý ạ

Ông hạ giọng xuống hơn bình thường, cái mặt nghiêm nghị nhăn nhó cũng thả lỏng ra:

Hôm nay con lại nhà sao không gọi báo trước cho cậu, để cậu ra đón, đi xích lô có nắng không?

Cô gái quét mắt nhìn ông một lượt, nhận lấy cái túi da nâu từ tay bà cô, hất cằm:

Dì về đi, ở đây tôi lo được

Bà cô khẽ vâng, cô gái lại nhìn thẳng vào mắt ông, như lườm như trừng nhẹ mà rằng:

Cậu quan tâm tôi thế cơ!

Ông Lý không trách hành vi lỗ mãng của cô gái, chị Miên và mấy đứa nhà chị (chỉ thiếu Sung - con cả của chị đang mải cuốc đất trồng rau ở vườn xa) sợ đến nép cả người, không dám ngẩng mặt lên, cả ba đều có chung một suy nghĩ: "Ai mà dám nói chuyện với cậu như thế? Lần trước chỉ lỡ nói lại cậu có một câu đã bị cho nhịn ăn nguyên một tối, cô này là thần thánh ở đâu mà ăn gan hùm mật gấu thế? ", " Mà sao nay cậu lạ lắm, không cau có như ngày thường. " Ông Lý vuốt tóc cô gái, ôn tồn như tâm tình:

Biền biệt biết bao nhiêu năm, con cậu lớn đẹp quá...Bao nhiêu năm nay con chẳng có lấy cho cậu một bức thư

Cô gái không trả lời ông Lý, đá mắt sang mẹ con chị Miên. Bắt gặp cặp mắt sắc bén như nghìn dao, chị bất giác co người lại như cây xấu hổ. Cô hỏi trống không:

Ai đây?

Ông Lý không chấp nhặt, cũng thoải mái giới thiệu:

Đây là Miên, người ở nhà mình, với mấy đứa con cô ấy, trong kia còn bà cụ Lặng với thằng Sung nữa. Mẹ con cô lại đây - Câu sau là ông Lý nói với chị Miên - Đây là Hồng Nhạn, con gái cả của tôi, cô liệu mà đối xử với nó cho tử tế, không thì đừng trách tôi

Chị Miên chỉ dám hé mắt lên nhìn thiếu nữ, rồi khúm núm mà khom lưng:

Dạ, mẹ con em xin vâng. Cô Nhạn để tôi mang túi lên lầu cho ạ.

Thiếu nữ nhìn bóng chị Miên rời đi, nửa khinh bỉ nửa chọc xoáy:

Chà, lúc tôi ở đây có mình mợ tôi với tôi làm hết, giờ thiếu mợ con tôi một phát là cậu biến nơi đây thành biệt phủ của quan rồi đấy! Kẻ ăn người ở đông vui quá thể.

Ông Lý thở dài:

Cậu còn có công có chuyện, hơi đâu lo việc bếp núc đàn bà. Nghe nói mợ con ở dưới Hải Phòng làm ăn được lắm, mở cả tiệm vải.

Cô Nhạn bĩu môi, vênh vênh cái mặt, đong đưa thân hình mảnh mai:

Vâng! Được lắm, chứ không tôi đã còn cái da bọc xương! Cậu làm sao mà biết, trước đấy tôi sống ra sao, tự nhiên mà tôi như thế này à?

Con đừng nói vậy, cậu cũng thương nhớ con lắm, từ khi biết mợ con con ở đâu, thỉnh thoảng, cậu lại gọi điện viết thư nhưng con có khi nào hồi âm.

Thương nhớ tôi? Thương chỗ nào nhớ chỗ nào? Sao lúc đuổi mợ tôi ra khỏi nhà, không thương không nhớ? Bày đặt!

Hồng Nhạn hỗn, ông Lý giận lắm, ông nhăn trán rồi lại thả ra, dẫu sao nó cũng là giọt máu, ông cũng không phủ nhận những lời cô nói, vì, thật lòng cô nói cũng không sai. Ông mỉm cười, nụ cười chữa cháy hiếm thấy. Ông dẫn cô vào phòng khách, pha một ấm chè ngon, ông hỏi chuyện:

Thế, thế mợ con dạo này có khỏe không?

Cô Nhạn đen mặt, cúi gằm xuống đất, rồi lại nhìn sang mấy cái tủ:

Mợ tôi mất hai năm nay rồi. Cửa hàng tôi cũng bán, nhưng còn dư khá nhiều tiền, ở đây tôi cũng có mang một khoản, gửi cậu một phần, một phần tôi cho thằng Sơn, sau này nó lấy vợ.

Ông Lý nghe tin như sét đánh ngang tai, đập bàn đứng dậy:

Chuyện lớn thế mà con không nói cho cậu hay! Cậu không hỏi con cũng không nói? Con không xem cậu ra gì phỏng?

Cô thản nhiên cầm tách trà gốm lên, nhấp một ngụm:

Mợ tôi mệnh hệ vì sốt rét, không cứu kịp. Mợ dặn có như thế nào cũng không được nói cho cậu, không được để cậu dự ma chay, giỗ đầu của mợ.

Ông Lý bàng hoàng, ngồi xuống cái ghế tràng kỷ, mặt trắng bệch

Tôi định theo lời mợ, cả đời giấu cậu, nhưng tôi thương mợ tôi quá, thương mợ, tôi càng hận cậu, tôi muốn cậu ăn không trôi, ngủ không ngon, nên tôi mới nói với cậu.

Mày láo toét vừa thôi! - Tức nước vỡ bờ, ông Lý chỉ thẳng mặt Hồng Nhạn mà quát

Tôi lên phòng, đi đường dài cả ngày rồi. Đường từ Hải Phòng lên đây cũng dài, nhưng không bằng hơn mười năm đất khách quê người của tôi đâu.

Cô chỉ bâng quơ một câu thôi, ông Lý lại ngồi sụp xuống. Cô lạnh nhạt, vô cảm mà lên tầng lầu, nơi đây vẫn chẳng có gì thay đổi so với năm đó khi cô đi, cô rẽ vào phòng thằng Sơn. Sơn đang học
bài, miệng oang oang đọc mấy câu tiếng Pháp, thấy bóng người lạ, nó nhíu mày khó hiểu, xong nó cũng tự nhận ra, nó há hốc mồm, cuống chân cuống tay lao tới ôm thiếu nữ.

Chị Nhạn! Chị Nhạn đấy phải không?

Nhạn dịu mắt xuống, thở dài:

Ừ chị đây, Sơn lớn rồi đấy, ngày đấy chị đi em còn bé như cục kẹo, giờ cao quá rồi.

Từ bé đã thiếu thiệt tình mẹ, cu Sơn dụi mặt vào tà áo gấm, nũng nịu:

Chị với mợ đi chẳng nhớ em gì cả, em chỉ biết xem ảnh hai người trong phòng cậu, ở đây chơi một mình buồn lắm. Thế mợ có về cùng không hở chị?

Nhìn nét mặt của cô gái, Sơn lại xịu xuống, nhưng nó vẫn rất vui, suốt bao nhiêu năm nay nó mới thấy chị nó, gặp chị nó, được ôm chị nó. Các bạn trên lớp mà thấy chị nó như này thì ghen tị phải biết. Cô chỉ cười trừ, xoa đầu thằng nhóc, nhắc thằng nhóc học bài rồi về phòng cũ, cởi guốc cao gót nằm vật ra. Cô nhìn trần nhà, nhìn bàn ghế, nhìn con búp bê vải mà ông Lý mua từ ngoại, mấy bức tượng sứ trắng như tuyết. Tât cả chỉ như mới hôm qua. "Nơi này không bám bụi, hẳn cậu vẫn cho người dọn dẹp". Cô lấy con búp bê váy xanh tóc xoăn đen trên kệ, vuốt ve nó, rồi ôm chặt lấy nó, ngù thiếp đi.

Ông Lý đã xuôi cơn giận, ông cũng hiểu được phần nào, ông xoa xoa thái dương, gọi chị Miên lên:

Ra chợ, mua cua gạch, cá tôm, thêm một két bia, nay nấu ngon mà nhiều vào.

"Nhà ba bố con họ y đúc, ai nấy vừa lạnh lùng vừa khinh khỉnh" Chị Miên vừa nghĩ vừa dọn cơm canh tươm tất ra bàn, rồi đứng nép vào tường cùng mấy đứa nhỏ. Chừng hai phút sau, ông Lý ngồi xuống cái ghế chính diện, bên cạnh là thằng Sơn, chị khẽ giọng:

Cậu cho em lên mời cô Nhạn xuống xơi cơm ạ.

Không phải mời, tôi đây.

Hồng Nhạn bước từng bước rề rà, như không coi ai ra gì, một bên kéo ghế một bên ngồi phịch xuống, cái mặt vẫn cứ vênh vênh rõ là ghét.

Nay cậu làm cỗ to thế?

Ông Lý rót ít rượu vang, nhấp một ngụm, gật gù:

Nay con mới về, cậu nhớ con thích ăn hải sản, nên...

Chưa hết câu, cô đã nhìn sang mẹ con chị Miên:

Sao không cho chúng nó lui xuống bếp mà ăn đi, đứng đây làm tượng gác à?

Ông Lý giải thích:

Nhà này, chủ ăn trước, hầu phải đứng đấy, cậu cần gì còn sai.

Cô nhìn mấy đứa trẻ đang khoanh tay như học sinh, mặt mũi đói xếu mếu, không dám hé răng nửa lời:

Các người xuống bếp rồi ăn gì ăn đi, nhìn chướng cả mắt!

Chị Miên cúi đầu:

Thưa cô cho chúng tôi giữ đạo nhà...

Cô Nhạn nhảy dựng lên, đặt đũa xuống, chỉ thẳng mặt, cau mày quát:

Có xuống không! Hả? Đứng đấy nhìn chằm chặp vào thì ai mà nuốt trôi. Cậu nữa, không cho chúng nó xuống, là tôi lên lầu ngay, không cơm nước gì hết nữa!

Lũ trẻ rón rén nhìn cô, rồi hé mắt sang nhìn ông Lý, rồi lại ngước nhìn mẹ chúng như cầu cứu một sự giải thoát. Ông Lý thở dài, phất tay ý bảo mẹ con chị đi cho khuất mắt.

Dưới bếp, chị Miên và thím Lặng múc ra mấy chén cơm, thêm ít rau rợ canh thừa, mấy con cá bống kho, con Lanh đang sắp đũa, thằng Hải bốc vèn một miếng khoai, bỏ vào miệng cười tí tởn:

Bữa nay được ăn sớm một hôm thích ghê. Vừa không phải đứng mỏi, vừa đỡ đói.

Thằng Sung cũng vừa đi làm vườn về, nhìn thấy cả nhà dưới bếp đợi cơm, hắn thấy lạ lắm:

Nay u con mình xơi cơm sớm thế ạ, con còn tưởng phải đứng chờ ông Lý ăn xong mới đến lượt mình.

Chị Miên đưa con trai cả đã trưởng thành một bát cơm to, còn gắp vội nó mấy cọng rau muống:

Nay nhà có khách, cậu mới cho ăn sớm. Ăn đi cho đỡ đói.

Hắn vừa và cơm vừa hỏi:

Ai thế u?

Thằng Hải nhanh mồm nhanh miệng trả lời:

là cô Nhạn đấy anh, con gái cả của ông Lý

Sung đặt bát cơm đã gần hết xuống,chờ mẹ xới cho lưng nữa, ngẫm nghĩ:

Quái, u con mình ở đây cả chục năm, có thấy con gái nào đâu.

Thím Lặng già, ăn ít, chưa gì đã rút cây tăm trên tóc xỉa răng:

Cô nớ mới vừa từ Hải Phòng lên ni, nom đẹp gái lắm.

Con Lanh cười khúc khích:

Đẹp gái mà đanh đá ghê cơ!

Khẽ khẽ cái mồm mi thôi, cậu mà nghe được là mi ăn roi vụt không.

........

Tầm chiều chiều, cuối thu êm ả, tiết trời không gắt lắm, nắng nhẹ vẽ tranh trên nền sân gạch đỏ chói, bầu trời xanh phủ kín bằng mây trắng như bông, như những mảnh ghép xếp dang dở trên nền trời xanh biếc. Hồng Nhạn ngồi trước hiên nhà khâu lại áo cho con búp bê, Sung đang tỉa cây, len lén nhìn sang. Ban đầu hắn cũng chỉ tò mò xem con ông Lý trông ra làm sao, nhưng giờ vừa thấy cô, hắn không sao dứt mắt ra được, như dính phải bùa mê thuốc lú, đến mức mẹ hắn lay hắn mấy lượt, hắn mới lắc lắc đầu, chớp chớp mắt, như người tỉnh rượu sau cơn say triền miên.

Con đang làm gì đấy hả?

Sung ấp úng, cố tỏ ra tự nhiên nhất có thể:

Thì...con đang tỉa cây!

Chị búng trán hắn một cái, chỉ vào mấy cành hoa bị cắt tơi tả rơi dưới đất:

Con cắt như này đây? Cậu mà biết ốm đòn

Hắn cuống quít lên, buông cái kéo trên tay xuống, kéo rơi thế nào lại vào chân hắn, hắn nhảy cẫng lên như cò, mồm cứ xuýt xoa:

Ái ui, đau quá, chết chửa? Cậu mà biết thì chết!

Mà con đang trông cái gì mà cắt hết vào hoa thế?

Sung cứ ậm ờ, chị Miên không hỏi nữa, nhìn theo hướng mắt hắn. Ra là cô Nhạn! Chị nhéo tai hắn, nghiến răng ken két:

Giời ạ! Cụp cái mắt xuống ngay không? Anh đừng có mà si tầm vọng tưởng, người ta là hoa trong lầu son gác tía, anh là thằng khiêng kiệu thôi nghe chưa?

Hắn chậc một cái, tỏ vẻ thờ ơ:

Chậc, thì con chỉ tò mò con coi cái, u làm quá không...

Nhưng chị Miên vừa rời khỏi, hắn lại len lén nhìn sang, tủm tỉm cười. Ông Lý đi làm, nhà chỉ còn toàn đàn bà với trẻ con là chính, trước khi đi ông Lý dặn nhớ pha trà hoa sen với gọt hoa quả cho cô Nhạn vừa nhâm nhi vừa may vá. Chị vâng lời, gọt từng quả ổi, quả táo, cắt thành những miếng như cái thuyền, xếp cẩn thận lên đĩa, chị đưa cốc trà cho cái Lanh, đưa đĩa hoa quả cho thằng Hải, dặn dò:

Mang ra hiên cho cô, bưng bê cho cẩn thận

Hai đứa trẻ vừa đi vừa nói chuyện:

Ôi chao, nóng quá, anh Hải, bê giúp em cốc trà đi, em cầm đĩa hoa quả cho.

Thằng Hải lắc đầu:

Khôn như mày, quê tao đem đi thịt hết rồi

Ứ chịu! Anh bê đi, anh lớn anh phải nhường em chứ.

Không là không, tao với mày sinh cách nhau có mấy phút thôi, u sai tao bê đĩa, mày bê chén, việc ai nấy làm.

Hai đứa trẻ vừa đi vừa xô đẩy nhau. m thanh tiếng " loảng xoảng" vang lên, tiếng hét và quát khiến chị Miên hớt hải chạy ra. Trà đổ tung toé trên nền nhà, trên tà áo dài gấm lục, những miếng hoa quả ngon lành vương vãi khắp nơi cũng những mảnh sành vỡ từ cái đĩa và tách trà.

Ái! Giời ạ! Lộn xộn hết cả lên rồi

Chết tôi!, cô có sao không ạ? Có bỏng có đứt tay không ạ?

Cô Nhạn tức giận đến trắng cả mắt, không kiềm được mà lao ra xô vai chị Miên, cầm tà áo lên chỉ vào đay nghiến:

Dì có biết cái áo này bao nhiêu tiền không hả? Dì biết không hả? Tôi mới mặc có hai lần thôi đấy, cả nhà dì có đi làm mấy chục năm nữa cũng không đủ tiền mua đâu, vải gấm này khó giặt lắm! Cậu mà biết chết dì.

Chị sợ điếng người mà van lơn, hai tay vò gấu áo, khom lưng xuống:

Dạ tôi van cô tha cho chúng nó, con dại cái mang, tôi dặn dò chúng nó không cẩn thận, để bẩn hết quần áo cô. Van cô đừng mách cậu không cậu đuổi u con tôi đi, cô rủ lòng thương...tôi hứa là tôi sẽ đền.

Cô khoanh tay, cười nhạt rồi bới móc:

Đền bằng mắt!

Thằng Sơn nghe loảng xoảng, cũng chạy vội xuống:

Á à, chúng mày xúm vào bắt nạt chị tao đấy hả?

Thưa anh Sơn chúng em không dám ạ, chúng em vô lễ, thiếu cẩn thận nên lỡ...

Cái lũ nhà quê vô công rồi nghề, không được cái tích sự gì! Tao mà mách cậu là bây chết hết, cho cả nhà chúng mày

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net