Sáng chủ nhật là vậy

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nhà tôi và nhà thằng Quyết chung một cái bờ rào bằng bê-tông. Nói như vậy có vẻ gì đó như một cái ranh giới chắc chắn đã chia địa phận của hai quốc gia nhỏ vậy. Đã là quốc gia thì phải có đầy đủ chính quyền và địa phương, trong quốc gia tôi ở đó gồm bà tôi là người từng cầm quyền đã về hưu( thế hệ lãnh đạo trước), mẹ tôi là người đứng đầu quản lí kho về cả lương thực, nước uống, quần áo và cả kinh tế nữa(thế hệ đang lãnh đạo), thấp hơn chút là bố tôi hay người tạo ra sản phẩm chính cho toàn quốc gia gồm năm người kể cả chính mình(trụ cột chính). Còn tôi và chị tôi thì chỉ giống những kẻ biết ăn mà không biết làm. Hằng ngày luôn được quốc gia chu cấp đã quá đủ rồi, đôi khi chúng tôi còn đòi hỏi những sơn hào hải vị như: bim bim, bánh, kẹo nữa ... Đó là ngày trước còn giờ ở trong nhà kẻ ăn bám duy nhất như thế chính là tôi. Chị tôi thì đã từng làm rất tốt bổn phận của "kẻ ăn bám" nên với sự thống nhất của hội đồng đứng đầu gồm bà - bố -mẹ, chị đã được chu cấp học đại học cho một tương lại của cả quốc gia được tốt hơn và hơn hết là mọi người xung quanh sẽ phải thật ngưỡng mộ khi trong gia đình có người đang đi học đại học. Nhà thằng quyết cũng theo chế độ như thế nhưng đơn giản hơn chỉ gồm bố mẹ nó và nó là con một.

Bờ bê-tông thì chắc chắn thật nhưng đó là lúc mới xây còn cái hàng rào nhà tôi với nhà thằng quyết chung thì có từ cái thủa tôi và nó cứ o oe mỗi khi thích. Hay dễ hiểu hơn là chúng tôi hơn cái bờ bê tông ấy vài tháng tuổi. Nhưng hôm nay, khi chúng tôi đang trong tuổi lớn thì bờ bê-tông ấy đã đến tuổi già, nó không còn màu da máu trắng như những bờ bê-tông nhà hàng xóm nữa mà thay vào đó là màu rêu xám xanh trộn lẫn vào nhau trông hệt như nó đã đến cái độ mà người ta thường nói là gần đất xa trời.

Chạy dọc theo cái bờ rào ấy hướng về phía chiếc cổng nhà tôi và Quyết nhìn ra con đường là một cây phượng to lớn. Thân cây áp sát vào cái hàng rào phân định ranh giới ấy và gần như chính giữa từ vị trí cổng nhà thằng Quyết đến cổng nhà tôi. Mỗi lần vào hè cây phượng như một bó hoa màu chấm đỏ, tôi đã nhiều lần thử cố cầm bó hoa nhưng một vòng ôm vẫn không đủ. Dưới gốc là một cái chõng bằng tre cũ, hình như của nhà thằng Quyết. Tôi chỉ nói hình như vì nó có mặt cách đây khá lâu để mỗi buổi trưa bố tôi ôm mảnh chiếu manh ra đó, luôn kèm theo là ấm nước chè xanh ngon đặc. Tôi chẳng biết nó ngon ở đâu nhưng tôi luôn nghe bố tôi nói thế còn theo cảm nhận riêng của tôi thì nó thật sự chán ngắt với cái vị chát của riêng nó, nói là thế mà tôi vẫn không thể phủ nhận sự hấp dẫn của nó bởi cái mùi hương dễ chịu từ ấm chát chè ấy tỏa ra mỗi khi mở nắp. Không chỉ có bố tôi mà còn rất nhiều người thân thuộc với điểm tập kết "chõng gốc phượng" này. Này thì bố thằng Quyết, bác Thành ở phía nhà đối diện, hay chú Danh ở đầu dãy vào đến đây cùng nhiều người khác nữa, tất nhiên bao gồm cả hai đứa nhóc chưa qua cánh cửa mười sáu tuổi là tôi và Quyết. Chúng tôi làm gì ở cái chốn nước chè chát chán ngắt này cùng với các ông bác ông chú ba mươi bốn mươi ấy ư? Đương nhiên là hóng về những câu chuyện của người lớn rồi. Chúng tôi có được cảm giác làm người lớn khi chúng tôi ngồi đây mặc dù chúng tôi không biết thường thức nước chè chát nhưng chúng tôi biết ăn kẹo cu đơ nhà bác Thành( bác vốn trước ở Hà Tĩnh là nơi sản xuất cái đặc sản này, khi tới đây bác vẫn giữ lại cái nghề gia truyền ấy của nhà bác, cái nghề làm kẹo cu đơ). Mỗi buổi sáng bác làm nhiều lắm, đa số để bán còn lại bác để dành cho buổi trưa. Bác nhằm tiếp mạch cho nước chè đặc chát thì phải có ít cu đơ bôi ngọt miệng lưỡi. Nói là ít nhưng mỗi lần bác mang ra lại không phải ít, chúng tôi ăn sái cả quay hàm. Lúc nhỏ, răng tôi có cái bị lung lay, bố tôi đòi giúp tôi nhổ mãi mà tôi không cho. Vào một hôm trời thu mát, cũng trên chiếc chõng gốc phượng, miếng cu đơ của bác Thành đã giúp tôi không tốn sức gì vẫn làm rụng chiếc răng kia. Mọi thứ hôm đó nhanh lắm, rộp cái tôi nhả ra là thấy rơi răng ra, may mắn là nhanh thế không thì tôi sẽ được bố tôi áp dụng dàn biện pháp nhổ răng gia truyền mà ông sưu tầm được như là dùng chỉ buộc vào răng còn đầu chỉ kia sẽ được giật mạnh. Nhưng nếu nghe thế thì thật sự bình thường cớ sao tôi không áp dụng biện pháp của bố, vì ông từng lừa tôi, ông nói để ông nhổ theo cách đó cho tôi nhưng rồi ông lại dùng tay nhân lúc buộc chỉ giật cái làm tôi chưa kịp chuẩn bị tinh thần gì cả. Và như thế theo một cách tình cờ thì bố tôi lại có thêm một biện pháp nữa về việc nhổ răng mà những chiếc răng vô tội của tôi là vật thí nghiệm đó chính là: ăn cu đơ nhà bác Thành làm ra...

Hôm nay là ngày cuối cùng của tháng hai dương lịch rơi đúng vào chủ nhật, sao tháng hai chỉ có hai mươi tám ngày ngắn ngủi vậy? Câu hỏi thì tôi hỏi được nhưng trả lời thì không. Kì nghỉ tết đã kết thúc được hơn hai mươi ngày và giờ chỉ còn lại những kỉ niệm đêm giao thừa,... Nhưng kề cạnh đó là mớ bài tập tôi bỏ bê, dù cày cấy liên tục liên tục nhưng tôi vẫn không đủ sức kết thúc nó. Nó đeo bám tôi tới tận bây giờ, dù đã ba tuần kể từ khi ra tết nhưng thầy cô vẫn không kiểm tra một cuốn bài tập nào của tôi cả. Tất nhiên là không phải ba tuần qua không kiểm tra thì những tuần sau cũng thế mà thầy cô đã lên lịch hò hẹn rất rõ ràng cho đám học sinh chúng tôi vào ngày đầu tiên của tuần thứ tư sắp tới, nói thế cho xa chứ nói thẳng ra thì là ngày mai chúng tôi sẽ bị kiểm tra bài tập.

Bây giờ đang là năm giờ sáng, tôi xin nhấn mạnh hôm nay là chủ nhật. Đáng lẽ ra giờ tôi đang thảnh thơi tung tăng, thả hồn trong thế giới mộng mơ rồi ở đó tới tận tới trưa mới về nhà. Nhưng những ngày tháng trước tết tôi đã tận hưởng quá nhiều mất cả phần ngày hôm nay. Trời ngoài kia bây giờ vẫn còn là cả một màu đen khiến con người vẫn cảm giác được đây vẫn là khung giờ cho thế giới huyền bí mà ta không biết nó sẽ như thế nào mỗi khi kê đầu vào gối. Những tư tưởng đó đã vượt lên trong cuộc chiến giữa sự buồn ngủ và sự sợ hãi của một học sinh. Nó chỉ dành lợi thế thôi mà nó không chiến thắng. Ngoài kia có màn đêm thì trong này có ánh đèn học sáng màu vàng đỏ, khiến tôi hiểu được nếu bây giờ mình đi ngủ thì hậu quả sẽ đến với mình như thế nào. Tôi đã quyết định vừa lòng cho mình đó là nằm ủ ấm nửa thân còn đầu và tay của tôi vẫn phải hoạt động để kịp tiến độ trước cuộc hò hẹn ngày mai. Nếu không hoàn thành chỉ tiêu thầy cô đã giao chắc chắn rằng sẽ có rất nhiều điều xảy ra với tôi, đừng có nghĩ "cái gì đến nó sẽ đến" bởi tư tưởng đó sẽ bị thầy cô dậm nát như những cây cỏ mọc ở lối đi, dậm cho tới khi không cây cỏ tư tưởng nào như thế dám mọc nữa chỉ trừa lại con đường màu đất mới thôi. Với toàn bộ năng lực của họ có thì họ hoàn toàn có thể vùi bạn xuống tận cùng của sự hộ thẹn để cho bạn thấy cái tội nhác nhớn của bạn to lớn đến thế nào và dù có nhận ra thì cũng đã muộn. Những dòng suy nghĩ đó giúp tôi tỉnh cả ngủ.

Tôi vẫn hì hục làm bài tập. Như thường lệ, giờ này mẹ tôi đã dậy, có lẽ mẹ tôi thấy lạ khi ngọn đèn điện phòng tôi được thắp đỏ sớm thế này. Mẹ tôi bước vào căn phòng tôi, căn phòng nhỏ hẹp chỉ bỏ được một cái giường nhỏ và một cái bàn học,trên tường thì vô vàn hình dán đè lên lớp sơn cũ kĩ. Một ánh mắt hết sức ngạc nhiên, có lẽ mẹ tôi vào đây vì sự tò mò tôi đang làm gì. Mẹ tôi bước lại gần với lời khen khi thấy con trai mình chăm chỉ học bài.

-Chà chà! Lạ ghê! Dậy sớm thế học bài à, để mẹ xem lại hôm nay có đúng là chủ nhật không nhỉ?

Câu hỏi đúng thật là có ý khen ngợi nhưng trong đó có chút ngạc nhiên của mẹ khiến tôi thấy ngại, để giấu diếm sự ngại ngùng đó nên tôi đã hỏi mẹ một câu hỏi mà tôi đã biết câu trả lời:

-Mẹ dậy sớm làm gì thế ạ?

-Nấu cơm cho anh ăn chứ gì nữa. À, tối qua cô chủ nhiệm tụi con có nhắn với mẹ rằng ngày mai nghỉ học, mẹ chỉ thấy cô nhắn có vậy thôi còn lí do thì mẹ không biết.

Mẹ tôi vừa nói vừa nhìn đồng hồ rồi bước ra khỏi phòng tôi, có lẽ mẹ tôi nhận ra giờ không còn sớm cho công việc của mình nữa. May mắn cho tôi là phận nam nhi còn nhỏ chứ tôi mà là mẹ tôi cứ phải khổ cực dậy sớm thế này chắc không chịu được mất.

Sau câu nói của mẹ tôi nghe như có cả tiếng "phù" bên tai, có vẻ không phải từ tôi mà từ bọn sách và bút, chúng nó chắc cũng có tâm trạng như tôi. Như vừa thoát khỏi một kiếp nạn mà nếu tôi chần chừ ở lại chịu kiếp nạn đó thì cái chết sẽ là điều chắc chắn.

Những hồi gà gáy vang lên dần, mặt trời đã tỉnh ngủ, tôi liền phóc dậy đạp bay chiếc chăn đang đắp nửa người, quăng cái bút trên tay bay lại bàn học. Tôi bước chân ra khỏi phòng rồi để lại đó cả một bãi chiến trường. Vui quá tôi chẳng muốn đi của chính mà tôi bật nhảy qua cái hàng rào ngăn cách nhà tôi với nhà thằng Quyết.

-Quyết ơi, Quyết.

Giờ này nó vẫn đang ngâm mình trong chiếc chăn của nó, tôi gặp bố mẹ nó từ ngoài sân.

-Phong à, Quyết nó đang ngủ trong nhà đấy cháu, giờ này vẫn còn ngủ ngáy cháu vào gọi nó dậy giùm bác với.

Như vừa nhận được một nhiệm vụ rất quan trọng từ chỉ huy tôi thực thi ngay, chỉ còn từ "Dạ" là vang ngân ở lại từ miệng tôi. Tôi lao thẳng vào nhà, từ ngoài sân tôi đá bay hai chiếc dép cho nó va vào bậc tâm cấp rồi tiếp tục bay người lên thềm lao vào giường nó. Nó không có phòng riêng như tôi mà chiếc giường nó nằm tròng phòng khách gần mấy bộ bàn ghế và chính những bộ bàn ghế tiếp khách này là bàn học của nó luôn. Đến gần giường nó tôi giật bay tấm chăn của nó lên và hô:

-Dậy đi tên nhác nhớn này, đã gần bảy rưỡi rồi.

Dù bị giật bay mất cái chăn như vừa bị giật mất bộ lông giữ nhiệt mà nó vẫn co tay co chân ngủ tiếp. Nhìn lúc này thằng Quyết hệt như con nhộng đang chuẩn bị hóa thành bướm với đôi cánh biết bay và điều kiện nó cần là ngủ thêm chút nữa. Hóa gì kệ nó, tôi chẳng cần quan tâm, tôi chỉ muốn cho nó biết về tin vui mà tôi vừa mới biết từ mẹ tôi. Tôi đẩy qua đây lại vai nó:

-Dậy nhanh con lợn ham ngủ ngáy, mai ngủ không được à?

Nó cứ ngân hừ dài một cái rồi nói chẳng ra lời lẽ:

-Mai đi học rồi lấy đâu mà ngủ.

-Mai được nghỉ, cô giáo nhắn mẹ tao thế, còn bữa nay tao với mày thay đổi kế hoạch một chút, giờ tau mày lên nhà thằng Rùa luôn.

Nghe tôi nói xong nó như con nhộng đã đạt đầy đủ điều kiện để hóa thành bướm nhưng thiếu mất đôi cánh mà thay vào đó lại là cái bản mặt tưng bừng khác hẳn cái bản mặt ngu ngu của nó khi còn là nhộng. Tất nhiên tôi không đáp ứng điều kiện cho nó ngủ thêm chút nữa, thay vào đó tôi kích thích sự tỉnh táo của nó bằng một niềm vui mà bất cứ học sinh nào cũng thế nếu được san sẻ niềm vui nghỉ học tuyệt vời đó.

(Thực chất kế hoạch lên nhà thằng Rùa, chúng tôi sẽ dự định đi vào chiều nay. Vì thế một buổi sáng đâu nào làm hết bài tập bỏ bê của tôi, thế là tôi quyết định dậy từ năm giờ với lời hứa sẽ ngồi lì trên bàn học đến tận giờ cơm trưa nhưng tin vui đến nhanh quá nên tôi đành tạm gác lời hứa đó qua một bên.)

Nó nhanh nhẹn hẳn lên, lời nói cũng rõ ràng như con người tỉnh táo thật sự:

-Mày chờ tao xử lí bản thân trước rồi ta đi

Niềm vui tôi đưa sang cho nó đã thay thế gáo nước lạnh đánh thức nó tỉnh ngủ. Rửa trôi cả cái thế giới mơ mộng ban đêm ấy tan biến khỏi bầu trời tươi mới ngoài kia.

À mà tôi cũng phải nhanh chân về nhà "xử lí bản thân" đã.

Mười lăm phút sau, tôi cùng thằng Quyết đã có mặt trước gốc cây phượng là điểm xuất phát để chuẩn bị cho chuyến đi dài đến nhà thằng Rùa (nơi tập trung của các kiện tướng từ khắp nơi đổ về). Tôi và Quyết nhảy người lên hai cái xe đạp à phải là hai con chiến mã mới đúng. Vẻ hùng tráng đó sẽ không bị cắt ngang nếu bà rao bún không đi ngang qua nhìn chúng tôi mà kì thị mặc dù chúng tôi trông rất bình thường ở vẻ bề ngoài, chỉ có trong thâm tâm, suy nghĩ của chúng tôi thì đang hơi khác một chút là hướng về chiến trường tại nhà của Rùa.

Kết thúc dáng vẻ của hai kiện tướng dưới gốc phượng xuất quân. Thì Quyết mở đầu cho chuyến đi bằng một câu hỏi xuống tinh thần

-Đã hẹn chiều mà ta đi vào buổi sáng liệu có ai không hay chỉ vọn vẹn ba thằng tao mày và Rùa hứ?

Tôi đính chính lại tinh thần cho nó:

-Mình đi buổi sáng tới chuẩn bị trước, phải lên chiến lược cẩn thận. Thế nên càng ít người càng tốt. Còn chiều tất nhiên mình đi tiếp, chuyến này là chuyến phụ cho chuyến chính chiều nay thôi.

Đương nhiên sau câu nói của tôi thì lượng tinh thần mà câu hỏi lúc nãy thằng Quyết đổ khỏi lu lại được tôi đổ lại vào lu. Rồi cứ theo tinh thần đấy mà hai thằng chúng tôi đạp xe đến nhà thằng Rùa. Mở đầu cho chuyến đi dài đó là con dốc đường đất mà hai bên là hai vạt cỏ non đang ngiêng theo chiều con dốc đó để tỏ sự thành kính của mình trước hai kiện tướng chúng tôi đi đánh trận. Tôi nhắm mắt lại để cảm nhận rõ những cơn gió ngược chiều đang còn ghen tị với tài năng đánh trận của chúng tôi. Khi tôi nhắm mắt còn nghe thấy cả tiếng hô hào tên tôi lẫn trong đám cỏ vẻ muốn cổ vũ cho tôi: "Phong, Phong, Phong ..."

...

...

...

"Phong, Phong, Phong"

Mở mắt ra là khuôn mặt của Quyết đang dí sát mặt tôi, tôi cố vận động tay chân nhưng mọi thứ thật sự mệt mỏi như cơ tôi đã tan ra và giờ nếu muốn vận động tôi phải cô đặc nó lại vậy.

Tôi dành ra một phút để nhận thức môi trường xung quanh và theo một phản xạ tự nhiên tôi kêu lên:

-"Thôi chết rồi"

Tiếng kêu của tôi y như tiếng con mèo méo mó, xung quanh vẫn là cái phòng nhỏ hẹp mà mười mấy năm qua tôi vẫn sống, tôi vội gạt phắt Quyết sang nhìn vội chiếc đồng hồ gắn tại đầu giường. Thế là tôi có một buổi sáng chủ nhật như mong muốn, du hành trong cái thế giới mộng mơ đến tận trưa mới về mà sao trong lòng lại không được vui cho lắm.

Nhớ lại thì sau khi thức dậy lúc năm giờ cho đến khi tôi nằm trên giường ôm mớ bài tập thì vẫn thức, sau đó rồi theo dòng suy nghĩ về hậu quả tôi đã bị phản bội. Chính dòng suy nghĩ về hậu quả đó đã không giúp tôi thức thì thôi, đằng này còn dụ dỗ tôi đi vào giấc ngủ tai hại ấy. "Chuyện được nghỉ là mơ, đi đến nhà Rùa cũng là mơ..." Ôi thế là xong. Tôi vừa nghĩ vừa nhìn xuống gối kê đầu của mình, chính cuốn sách bài tập của tôi đặt lên đó đang dang dở tại cái bất phương trình đau đầu gì gì ấy.

Như cách tôi sang gọi nó dậy trong mơ, Quyết giật bay tấm lông giữ nhiệt của tôi. Chỉ khác rằng nó chờ cho tôi nhận thức được xung quanh, ngổm đầu dậy, nhưng khi thấy tôi vẫn ôm khư khư cái chăn của mình thì nó giật tung nó khỏi tôi. Nó dội gáo nước vào tôi khi nãy bằng cách đánh bay giấc mộng tuyệt vời đó thì tôi đã lạnh lắm rồi, mà giờ nó lại còn làm thế nữa. Chỉ vọn vẹn lại bộ da bọc xương của tôi đang chống chọi cái sự lạnh lẽo đấy.

Quyết dứt điểm thêm lần nữa bằng một câu hỏi hóc búa:

-Dậy sớm mày chỉ làm được từng này thôi à?

Nó siêng năng hơn tôi nhiều và nó cũng biết về sự nhác nhớn của tôi hay kể cả việc sáng nay dậy sớm làm bài tập thì tôi cũng bù lu bù loa với nó từ sáng qua rồi. Tôi đành im lặng trước câu hỏi của nó vì ngại ngùng.

Quyết tung thêm một câu hỏi nữa khiến tôi lại phải đấu tranh tư tưởng bao lần:

-Chiều thế mày có đi không?

Trước câu hỏi này cũng thế, tôi chỉ thể lặng câm không nói được gì. Nhưng cuộc sống đã bù đắp cho tôi một sự cứu trợ khi tiếng mẹ thằng Quyết vang lên gọi nó về ăn cơm:

-Về ăn cơm thôi Quyết

Tiếng gọi mẹ nó đã cứu tôi khỏi tình cảnh trên nhưng đó vẫn là cứu vãn tạm thời vì tôi sẽ phải trả lời nó không trước thì sau. Bởi dù khi nghe mẹ nó gọi thì ngay lập tức nó về ngay nhưng miệng nó vẫn để lại cho tôi "Chiều đi thì trưa ra gốc phượng báo tao một tiếng nhá".

Tôi chẳng biết có nên trông chờ vào số phận của mình không trong khi nếu không làm bài tập thì ngày mai sẽ nhận được sự trừng phạt của thầy cô. Còn cuộc họp ở nhà Rùa thì đã lỡ hứa với tụi kia chắc như đinh đóng cột rồi mà lại thất hứa chẳng khác gì đứa trẻ con, chưa kể tôi đã trông chờ cuộc họp mặt này lâu lắm rồi. Suốt bữa ăn tôi chẳng nghĩ được gì khác.

*_*

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net