Đừng quên thợ khai thác than và sản xuất xi măng khi chạm ngưỡng không phát thải

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

(*) Tựa đề đầy đủ: Đừng quên những người thợ khai thác than và sản xuất xi măng trên hành trình chạm ngưỡng không phát thải

Bốn cách để giúp đỡ những người bị tụt hậu khi chuyển đổi qua nền kinh tế xanh. 

---------------------------------------------------------------------------------------

Đến nay, tôi đã và đang tham gia mười một sự kiện trực tuyến để thảo luận về cuốn sách mới của mình, cuốn Cách Phòng Tránh Thảm Họa Khí Hậu, và vài cái nữa sắp tới. Tại mỗi sự kiện, tôi diễn giải về việc thế giới cần chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế vật chất như thế nào để chúng ta có thể ngừng phát thải khí nhà kính vào năm 2050, và tại hầu hết các sự kiện, tôi nhận được các phiên bản khác nhau của câu hỏi: "Còn thành phần lao động sẽ bị mất việc làm trong quá trình chuyển đổi này thì sao?"

Đây là một hỏi rất hay. Mọi người rất đúng khi lo lắng về điều đó. Không may là, khi bàn luận về vấn đề này, mọi người rất dễ bị các lập luận phân chia thành hai nhóm cực đoan.

Đối với những người đang lo lắng về khí hậu thay đổi, họ rất dễ cho những người lo sợ bị mất việc làm trong ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch là những kẻ chống đối và phủ nhận sự tồn tại của biến đổi khí hậu. Còn đối với những người sợ bị mất việc, họ lại dễ kết luận rằng các nhà bảo vệ môi trường không hiểu được tác động của quá trình chuyển đổi này đối với bản thân người lao động, gia đình và cộng đồng của họ. 

Sự thật là, mọi người đều có mối quan tâm chính đáng. Thế giới cần phải chuyển đổi sang nền kinh tế không cacbon trong vòng ba mươi năm tới. Tuy nhiên, đúng là nhiều cộng đồng đang bị phụ thuộc vào một cỗ máy kinh tế - ví dụ các nhà máy lọc dầu - chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Nếu công ăn việc làm duy nhất mà trước giờ bạn có là dựa vào nhiên liệu hóa thạch, chắc bạn sẽ rất đau lòng khi tưởng tượng nó biến mất. Ý thức được rằng quá trình chuyển đổi rất cần thiết để phòng tránh thảm họa khí hậu cũng không khiến bạn thấy khá hơn. 

Vì vậy, tôi muốn chia sẻ một số suy nghĩ về việc làm sao để chúng ta đạt được sự cân bằng phù hợp. 

Để bắt đầu thì điều quan trọng là chúng ta phải nhận ra rằng quá trình chuyển đổi này sẽ xảy ra trên nền tảng một nền kinh tế vốn đã cực kỳ năng động. Nhu cầu về người lao động có thể chuyển dịch nhanh chóng từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác, và từ khu vực địa lý này sang khu vực địa lý khác. Các thay đổi này không chỉ được thúc đẩy bởi năng lượng sạch - các yếu tố khác như tự động hóa và robot cũng đóng vai trò thiết yếu.

Nhìn chung, sự năng động này rất tốt cho nền kinh tế. Tôi nghĩ nó cũng sẽ tốt cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, bởi nó sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội mới cho người lao động. Trong một số trường hợp, kỹ năng của nhân công sẽ được chuyển đổi trực tiếp. Lấy ví dụ, nếu nhiên liệu khí hydro xanh trở thành một ngành kinh doanh lớn, chúng ta sẽ vẫn cần các đường ống và xe tải để vận chuyển - giống như chúng ta vận chuyển xăng dầu hiện nay. Kỹ năng khai thác mỏ cũng có thể hữu ích trong việc tìm kiếm các nguồn cung cấp khoáng chất, như lithium và đồng, được sử dụng trong sản xuất công nghệ sạch và nhu cầu sẽ ngày càng cao. 

Ngoài ra cũng sẽ có các công việc liên quan đến xây dựng và vận hành tất cả các cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế xanh: trang trại năng lượng gió và mặt trời, lưới điện hiện đại hóa, nhà máy sản xuất pin, nhà máy lọc dầu nhiên liệu bền vững, cơ sở lưu trữ điện dài hạn, cơ sở thu khí trực tiếp và nhiều hơn nữa. 

Bạn không cần phải là kẻ hoài nghi khí hậu để thấy được những thách thức của tầm nhìn này. Các giải pháp mới và sạch này có thể không sử dụng cùng một lực lượng lao động hoặc được đặt ở cùng một khu vực của giải pháp năng lượng cũ. (Phần lớn năng lượng gió của Mỹ nằm ở giữa lục địa, không phải ở các nước có mỏ than.) Một số công ăn việc làm mới có thể sẽ không tốt bằng công việc đã mất. Và một số công nghệ mới có thể sẽ cần ít nhân công hơn công nghệ cũ mà nó thay thế.

Lấy ví dụ, xe diện cần bảo dưỡng ít hơn vì chúng có ít bộ phận chuyển động hơn loại xe có động cơ đốt trong. Ở tương lai với nhiều xe điện chạy trên đường, sẽ cần ít người hơn để sửa chữa và làm việc tại các trạm xăng. Kết quả của việc chuyển đổi sang xe điện là tốt hay xấu cho ngành công nghiệp ô tô của Mỹ sẽ phụ thuộc vào việc liệu các chính phủ có hành động ngay bây giờ để khuyến khích sản xuất - trong các nhà máy hiện có và nhà máy mới - trong toàn bộ chuỗi cung ứng từ giai đoạn sản xuất các bộ phận đến giai đoạn lắp ráp hay không.

Theo thời gian, hàng chục ngành công nghiệp sẽ trải qua những bước phát triển riêng khi bắt đầu giảm thiểu và loại bỏ lượng khí thải. Người lao động và các cộng đồng trên khắp đất nước sẽ bị ảnh hưởng: từ thợ khai thác than ở Tây Virginia, công nhân nhà máy ở Ohio và Bắc Carolina, nhà sản xuất ô tô ở Detroit, nhà sản xuất xi măng ở Seattle. Và không chỉ ở Hoa Kỳ - những thay đổi tương tự sẽ ảnh hưởng đến người lao động trên khắp thế giới. 

Chúng ta có thể làm gì đây?

Không may là không có giải pháp duy nhất nào phù hợp với mọi ngành hoặc mọi cộng đồng. Chính phủ liên bang có thể cung cấp hướng dẫn và tài trợ, giúp kết nối các khu vực đang phải đối mặt với những thách thức chung, và tạo động lực để mọi người tiếp cận công ăn việc làm tốt trong ngành năng lượng sạch. 

Nhưng cuối cùng thì chính các nhà lãnh đạo của nhà nước và địa phương - từ các khu vực công và tư nhân, các nhóm lao động và các nhóm cộng đồng - sẽ là những người rất quan trọng. 

Có bốn quy tắc hướng dẫn việc chuyển đổi, như sau: 

Suy nghĩ rộng hơn và bắt đầu ngay bây giờ. Sự cố mất điện gây chết người ở bang Texas lời nhắc nhở đau đớn rằng các sự kiện thời tiết khó ngờ sẽ diễn ra phổ biến hơn, và sẽ có những lúc nó ảnh hưởng đến khả năng hoạt động hiệu quả toàn bộ các khu vực của đất nước. Chính phủ nên đầu tư ngay từ bây giờ vào việc nâng cấp để lưới điện và tất cả các cơ sở hạ tầng của Mỹ được linh hoạt hơn. Đây là một ví dụ cho thấy quá trình chuyển đổi này có thể giúp quốc gia chuẩn bị tốt hơn để ngăn chặn thảm họa khí hậu trong khi gia tăng đáng kể cơ hội việc làm tốt. 

Quá trình chuyển đổi này bắt đầu càng sớm thì càng có lợi. Các công nghệ mới như xi măng sạch và nhiên liệu hàng không bền vững sẽ cần các cơ sở sản xuất, chuỗi cung ứng và mạng lưới phân phối — tất cả đều sẽ sử dụng số lượng lớn lao động trong quá trình xây dựng và vận hành. Đơn vị nào xây dựng được một trong số các công nghệ này sẽ có vai trò trong việc phát triển những cái tiếp theo, và bất kỳ ai phát hiện ra các khía cạnh vận hành trước sẽ mở rộng quy mô nhanh hơn đối thủ cạnh tranh. Mỗi một phần cơ sở hạ tầng này nên được xem như các dự án xây dựng lớn đòi hỏi lượng lao động đáng kể. Chúng cũng sẽ là những khoản đầu tư dài hạn - các nhà máy sản xuất và nhà máy lọc sẽ đứng vững trong các cộng đồng này trong nhiều thập kỷ.

Tài trợ cho nghiên cứu và phát triển còn có cơ hội kinh tế to lớn. Quỹ dùng cho nghiên cứu phát triển tạo công văn việc làm ngay lập tức cho các cộng đồng tại đó, ngoài ra cũng mang lại cho họ một khởi đầu tăng trưởng - vì nơi mà số tiền đó được đầu tư thường là nơi các công ty mới bén rễ. Trong khi đó, chính phủ liên bang có thể áp dụng biện pháp khuyến khích các nhà đổi mới thể hiện và triển khai các ý tưởng mới của họ trong cộng đồng nơi các ý tưởng này nảy sinh.

Trong việc lựa chọn nơi thực hiện các khoản đầu tư, sự công bằng cần phải là một yếu tố thúc đẩy. Các ngành công nghiệp gây ô nhiễm thường nằm rải rác trong các cộng đồng người da màu, gây tổn hại đến sức khỏe và hạnh phúc của họ. Và những cộng đồng này có xu hướng dễ bị tổn thương hơn về kinh tế và có ít biện pháp bảo vệ hơn, vì vậy họ thường bị ảnh hưởng nặng nề hơn những cộng đồng khác. Trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, người dân ở các cộng đồng khó khăn xứng đáng các cơ hội có được công việc tốt mà không gây nguy hiểm cho sức khỏe của chính họ hoặc cho môi trường. 

Học hỏi từ những ví dụ tiềm năng. Thành phố Toledo, bang Ohio, đã là trung tâm của ngành công nghiệp sản xuất thủy tinh lâu đến mức người ta đặt biệt danh cho nó là "Thành phố thủy tinh". Sau khi các cơ sở sản xuất của thành phố gặp khó khăn, các nhà lãnh đạo địa phương đã chuyển sang một lĩnh vực mới có liên quan đến thủy tinh: sản xuất các tấm pin mặt trời. Công việc này đã trở thành một phần then chốt của nền kinh tế địa phương. 

Ở thành phố Pueblo, bang Colorado, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính phủ đang chuyển đổi một nhà máy gang lịch sử - từng là công ty sản xuất thép duy nhất phía tây Mississippi - thành lò điện hồ quang đầu tiên trên thế giới chạy chủ yếu bằng năng lượng mặt trời. Dự án đó sẽ đảm bảo ít nhất 1,000 công nhân thép giữ được việc làm và tạo ra hàng trăm công việc xây dựng khác. 

Và ở bang New York, tất cả các dự án điện gió ngoài khơi hiện phải trả mức lương hiện hành cho công nhân đang lắp đặt các tua bin gió. Các công đoàn địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thỏa thuận. 

Cam kết các nguồn lực thực hiện. Đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra công bằng bình đẳng thật không hề rẻ. Ví dụ, Đức đang có kế hoạch chi nhiều hơn cho nghiên cứu và phát triển đổi mới năng lượng sạch.

Nhưng chuyện không đơn giản là cứ chi tiền nhiều hơn. Nếu muốn cạnh tranh với châu Âu và Trung Quốc trong nền kinh tế xanh, Mỹ sẽ cần một thế hệ kỹ sư và nhà khoa học tập trung vào những lĩnh vực mới này - vì vậy quá trình chuyển đổi năng lượng là một lý lẽ thuyết phục khác nhằm cải thiện hệ thống giáo dục Hoa Kỳ. Ngay cả những tiến bộ tương đối nhỏ trong trường học cũng sẽ giúp sinh viên tốt nghiệp dễ dàng thích nghi hơn khi chuyển từ công việc hay ngành nghề này sang cái khác. Các nhà đổi mới tại trường đại học cũng cần được kết nối với các doanh nhân và nhà đầu tư để ý tưởng của họ có thể được đưa từ phòng thí nghiệm ra thị trường - điều này sẽ thúc đẩy sự ra đời của các công ty mới tạo ra việc làm và cơ hội. Lấy ví dụ, trường đại học Toledo đã và đang là một đối tác quan trọng trong quá trình chuyển đổi của thành phố.  

Phóng lao thì phải theo lao. Gần như mọi đảng phái chính trị ở châu Âu đều cam kết tránh một thảm họa khí hậu. Vì vậy, khi họ thực hiện các cam kết 10 hoặc 20 năm để tài trợ cho đổi mới hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng, khu vực tư nhân có thể thực hiện chúng một cách nghiêm túc. Nhưng ở Mỹ, sự thay đổi trong hàng ngũ lãnh đạo của Quốc hội hoặc Nhà trắng đồng nghĩa với việc các ưu tiên và chính sách cũng sẽ bị thay đổi - điều này khiến các công ty khó huy động vốn, chẳng hạn như trang bị lại các nhà máy sản xuất thép và xi măng. Một cam kết lâu dài nghiêm túc trong việc chống biến đổi khí hậu của tất cả các nhà lãnh đạo sẽ tạo ra sự khác biệt to lớn. 

Chuyển sang nền kinh tế xanh là thách thức lớn nhất mà thế giới từng phải đối mặt. Tôi lạc quan rằng chúng tôi có thể làm được, vì các lý do tôi đã giải thích trên. Dù vậy, việc chuyển đổi để loại bỏ nhiên liệu hóa thạch cần mang lại lợi ích cho tất cả mọi người - bao gồm cả những người lao động và cộng đồng, những người có đời sống phụ thuộc vào nó.

**

Ngày 02/03/2021

Link nguồn: https://www.gatesnotes.com/Energy/Transitioning-to-the-green-economy

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net