Chương 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trẻ con thành phố chả biết sao chứ trẻ con thôn quê bao giờ cũng sợ một thứ gì đó hay sợ một ai đó.

Tôi nghiệm ra điều đó từ chính tuổi thơ mình. Lúc tôi còn nhỏ, bọn trẻ trong thị trấn tôi đứa nào cũng sợ ông Cứ hớt tóc dạo. Hồi bốn, năm tuổi, tôi sợ ông vô cùng. Hồi đó, ông Cứ trạc năm mươi tuổi nhưng đã rụng mất hai răng cửa. Ông lại thích nhai trầu, miệng lúc nào cũng đỏ lòm như máu. Ông thích hả họng ra để hù dọa bọn trẻ con. Mỗi lần như thế, bọn tôi sợ chết

khiếp. Nhiều đứa sợ hãi thét be be, có đứa òa ra khóc.

Ông Cứ thường đi rảo ngoài đường với hòm đồ nghề bằng gỗ có dây đeo qua vai. Tay phải ông cầm cây kéo cứ lốc cốc. Đó là cách ông báo hiệu sự có mặt của mình. Ông Cứ không chỉ hả giọng nhát ma trẻ con. Có những lúc ông cao hứng giữ bọn tôi lại bằng một tay, tay kia ông nhịp nhịp cây kéo trước bụng bọn tôi, miệng cười khà khà:

- Để tao cắt chim thằng bé này đem về nhắm rượu!

Bọn tôi nhìn mũi kéo nhọn hoắt trên tay ông, sợ muốn tè ra quần. Đứa nào cũng khóc lóc xin tha, nước mắt nước mũi chảy đầy mặt.

Nói chung, trẻ con trong thị trấn sợ ông và ghét ông vô hạn. Hễ nhác thấy ông từ xa đứa nào cũng tìm cách nấp kỹ, cố đừng để ông chộp được. Nhưng con nít vốn ham chơi, cứ mỗi khi lơ đễnh là bị ông tóm lấy.

Các bệnh phụ huynh trong thị trấn chẳng rõ có biết về cái trò nghịch ngợm quái gở đó không mà chẳng thấy ai quát mắng hay trách móc ông Cứ.

Đã vậy, còn lấy ông ra làm ông Kẹ để đe nẹt con cái:

- Ăn cơm lẹ đi con! Con cứ ăn nhơi nhơi như thế, mẹ kêu ông Cứ tới bây giờ!

Tôi ghét ông Cứ suốt nhiều tháng năm. Cho đến khi lên lớp Năm, tôi vẫn còn ghét ông dù lúc đó tôi đã đủ lớn để không bị ông chặn đường giở trò dọa dẫm ưa thích của ông nữa.

Năm lớp năm cũng là năm tôi bắt đầu chơi thân với nhỏ Thắm.

Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao hồi đó tôi thích chơi với nhỏ Thắm. Da ngăm ngăm đen, nó không phải là đứa con gái xinh nhất lớp tôi. So với những đứa khác, nhỏ Thắm chỉ xếp hạng trung bình. Chắc tôi thích nó vì nó thắt tóc bím. Mỗi khi nó chạy nhảy hoặc nó vùng vằng với tôi, hai bím tóc không ngừng nhảy nhót trên vai nó như hai con sóc nhỏ trông rất ngộ nghĩnh.

Cũng có thể tôi thích nó vì nó hay cười. Sau này lớn lên, tôi luôn thích những đứa con gái hay cười. Con gái cười trông có duyên tệ. Nhưng có lẽ lý do quan trọng là nhỏ Thắm ngồi cạnh tôi trong lớp, hay trò chuyện với tôi, và tôi thích nó còn vì nó hay chống tay lên cằm mắt nhìn xa xăm đi đâu đó bên ngoài cửa sổ. Tôi thỉnh thoảng cũng ngồi chống cằm như vậy trong lúc học bài, có khi ngay giữa bữa ăn và bị mẹ tôi la hoài:

- Đang ăn mà con nhìn đi đâu vậy?

Đó là những lúc tự dưng tôi thích nghĩ ngợi vẩn vơ. Chỉ một cánh chim bay ngang cửa sổ cũng khiến đầu óc tôi lơ đãng.

Nhỏ Thắm cũng bị cô giáo nhắc nhở hoài về cái tật đó:

- Thắm, trò có nghe cô giảng bài không đó?

Nhà nhỏ Thắm bán bún mẹt trong chợ. Xưa nay tôi nổi tiếng là chúa lười.

Mẹ tôi sai tôi việc gì, tôi cũng đùn cho chị Hoài, riêng khoản đi mua bún thì tôi bao giờ cũng xung phong.

Và cũng từ khi thích chơi với nhỏ Thắm, tôi đâm ra thích ăn bún. Lúc nào tôi cũng đòi ăn bún dù chỉ ăn với nước mắm hay xì dầu. Đến mức mẹ tôi đâm thắc mắc:

- Sao dạo này con thích ăn bún vậy con?

Chị Hoài trêu:

- Tại nó thích con Thắm đó mẹ.

- Con Thắm là đứa nào?

- Nó là con bà Ưóc bán bún dưới chợ đó.

Chị tôi vừa nói vừa cười hích hích trong khi tôi đỏ bừng mặt và co giò chạy mất.

Chị khiến tôi xấu hổ không để đâu cho hết. Và tôi đâm ra giận chị. Tôi giận lây cả nhỏ Thắm. Nhỏ Thắm không biết tôi giận nó. Và trên trái đất bao la mày chắc cũng chẳng ai biết, vì cơn giận của tôi rất vô duyên. Từ bữa đó mẹ tôi sai tôi xuống chợ mua bún, tôi nhất quyết không đi. Đến lớp, tôi cũng không quay sang trò chuyện với nhỏ Thắm như mọi ngày mặc dù những lúc vang lên câu rầy quen thuộc của cô giáo ''Thắm, trò có nghe cô giảng bài không đó?'', tôi rất muốn đưa mắt liếc trộm.

Nhỏ Thắm có vẻ ngạc nhiên trước thái độ kỳ lạ của tôi. Tới ngày thứ ba, không nhịn được nó khều tôi:

- Đăng giận mình chuyện gì hả?

- Ừ. Tôi gật đầu và ngay lập tức cảm thấy lẽ ra tôi nên từ chối phắt mới phải. Tôi liền lúng túng chữa - À không, tao đâu có giận mày.

- Mình có làm gì đâu mà Đăng giận? - Phớt lờ sự đính chính của tôi, nhỏ Thắm tò mò hỏi.

Tôi nhìn ra cửa sổ lớp học, chép miệng:

- Mày thấy đàn bướm kia không?

- Đăng chưa trả lời mình. - Nhỏ Thắm lay lay tay tôi, quyết không cho tôi lảng sang chuyện khác,.

Tôi đành phải quay lại:

- Tao giận mày là vì...là vì...

- Vì sao?

- Vì chị tao cáp đôi tao với mày.

- ''Cáp đôi'' là sao?

- Sao mày ngu quá vậy! Cáp đôi tức là bảo tao và mày...thích qua thích lại đó.

Tôi chửi nhỏ Thắm ngu quả không oan ức chút nào. Trong khi tôi khó khăn lắm mới thốt ra được cái câu khó nói đó, mặt nó vẫn tỉnh bơ:

- Thích qua thích lại thì có gì đâu mà Đăng giận!

o O o

Chương 1.2

Nhỏ Thắm ''ngu'' như vậy nhưng nó chưa bị cô giáo Sa phạt bao giờ. Tôi chẳng biết nó học hành ra sao mà lần nào cô kêu lên bảng, nó cũng trả bài làu làu.

Ngược lại với nó, tôi học trước quên sau học sau quên trước. Không ít lần tôi đinh ninh tôi đã thuộc lòng bài học nhưng khi đối diện với cô giáo, tôi lại quên sạch. Lần nào bị cô giáo dò bài, tôi cũng ấp úng vài câu rồi đứng trơ như cột nhà.

- Hôm qua trò không học bài hả, Đăng?

- Dạ, có ạ.

- Có sao trò không thuộc - Con không biết ạ.

Cô giáo tôi tên Sa. Năm nay hai mươi tám tuổi nhỏ hơn mẹ tôi hai tuổi.

Cô Sa thương họ trò ngoan và ghét học trò không ngoan. Cô liệt tôi vào hạng không ngoan'' vì tôi luôn làm cô mất bình tĩnh. Cô có vẻ chán nản trước cụm từ ''con không biết'' ưa thích của tôi.

Khi đã tiêu nốt gam kiên nhẫn cuối cùng, cô chỉ tay ra cửa:

- Trò ra sân nhặt hết rác cho cô.

Kể từ lúc đó cô Sa nghĩ ra hình phạt đó, giờ ra chơi nào tôi cũng lang thang nhặt rác khắp sân trường. Chỉ vì ngày nào tôi cũng không thuộc bài.

Một hôm đang lui cui nhặt rác thì trời bỗng đổ mưa. Nước mưa dội lên tóc tai tôi, tưới đẫm quần áo tôi. Tôi không hiểu sao lúc đó tôi không chạy vào hàng hiên trú mưa như những đứa khác. Có lẽ tôi đợi cô Sa kêu tôi vào.

Nhưng tôi chờ mãi vẫn không thấy cô gọi. Có lẽ cô đã quên mất tôi đang ướt như chuột lột ngoài sân, cũng có thể cô cố tình hạnh hạ tôi cho bõ ghét.

Đến khi tôi không còn chỗ nào để ướt nữa thì nhỏ Thắm chạy ra.

- Đăng, cô giáo gọi bạn vào lớp đó!

Nghe tiếng nhỏ Thắm, tôi bỗng òa khóc tức tưởi

Khi trời vừa chớm mưa cô không gọi tôi vào, bây giờ cô gọi vào làm gì nữa!

- Đăng vào lớp đi! Bạn ướt mèm rồi kìa!

Chính vì ướt mèm nên tôi nhất quyết không vào. Mặc cho nhỏ Thắm nhắc chằm chặp bên tai, tôi một mực giả điếc, vẫn dọ dẫm dọc bờ rào nhặt hết tờ giấy vụn này đến tờ giấy vụn khác, nước mắt hòa lẫn với nước mưa chảy ròng ròng trên mặc.

Chỉ đến khi tiếng trống vào lớp vang lên, tôi mới lững thững quay vào lớp. Nhỏ Thắm đi bên cạnh tôi, người nó cũng ướt đẫm từ đầu tới chân.

Đêm đó, tôi lên cơn sốt.

Sáng hôm sau, nhỏ Thắm ghé nhà tôi. Trước nay nhỏ Thắm chưa bao giờ ghé rủ tôi đi học, dù mỗi khi đến trường nó đi ngang nhà tôi. Có lẽ chiều hôm qua thấy tôi phơi mình ngoài mưa suốt giờ chơi, nó sợ tôi bị ốm nên ghé thăm.

Khi nó vào nhà, tôi còn ngủ li bì, trán nóng ran.

Chị Hoài nhận ra ngay nhỏ Thắm:

- Ghé rủ Đăng đi học hả em?

- Dạ

- Bạn Đăng bị ốm rồi, hôm nay không đến lớp được đâu.

Chị Hoài dò hỏi:

- Hôm qua em có thấy bạn Đăng dầm mưa không?

- Dạ có.

- Bạn Đăng nghịch dại quá. Khi hết sốt, thế nào bạn Đăng cũng bị ba mẹ đánh đòn về cái tội dầm mưa này cho coi.

Thấy tôi bị kết tội oan, nhỏ Thắm lật đật lên tiếng:

- Không phải bạn Đăng nghịch mưa đâu chị ơi.

Rồi nó kể cho chị tôi chuyện tôi bị cô giáo phạt như thế nào, cả chuyện tôi không thuộc bài ra sao.

Khi tôi tỉnh dậy, chị Hoài thuật lại chuyện nhỏ Thắm ghé nhà và nó đã kể lại với chị tôi những gì, tôi tát mét mặt.

- Em học hành cách sao mà ngày nào cũng bị cô giáo phạt vậy, Đăng? - Chị Hoài nhìn chằm chằm vào mặt tôi.

- Em đâu có biết - Tôi gãi đầu - Tối nào em cũng học bài mà.

- Nhưng học nửa chừng thì em bỏ vào đi ngủ, đúng không?

- Dạ đâu có. - Tôi phân trần - Thuộc bài rồi em mới đi ngủ. Nhưng không hiểu sao đến lớp em lại không nhớ chữ nào.

Tôi nhìn chị tôi, đau khổ

- Chị ơi, em ép cả lá thuộc bài vào tập nhưng vẫn quên Chị Hoài cau mày:

- Hay là tại em thường chui vào bếp?

- Chui vào bếp á?

- Ờ, con trai mà chui vào bếp thì học không ra chữ.

- Vậy hả chị?

Tôi gãi đầu, bối rối hỏi lại. Ngày nào mà tôi chẳng lén chui vào bếp lục thức ăn.

- Con trai là phải tránh xa bếp núc. Cũng không được rúc dưới dây phơi đồ. Nếu không sẽ đứng bét lớp!

Tôi sợ đứng bét lớp. Tôi sợ bị cô giáo phạt. Nhưng tôi không chắc mình có tránh được chuyện chui qua lại dưới dây phơi đồ hay không. Dây phơi nhà tôi giăng ngang sân, nối từ cột nhà đến gốc mít, chơi đùa ngoài sân thế nào cũng có lúc tôi chui qua. Chẳng lẽ chạy nhảy vui đùa mà lúc nào cũng nhìn lên trời. Nghĩ vậy, tôi thở dài:

- Dạ, em nhớ rồi!

o O o

Chương 1.3

Tôi nghỉ học hai ngày.

Ngày thứ ba đến lớp, tôi lại gần nhỏ Thắm và thò tay cốc đầu nó một cái thật mạnh.

- Ui da! Sao bạn cốc đầu mình?- Nhỏ Thắm ôm đầu nhăn nhó.

Tôi gầm gừ:

- Ai bảo mày tới nhà méc với chị tao chuyện tao bị phạt.

- Mình chỉ muốn xem Đăng có bị ốm không thôi mà.

- Chị tao bảo mày khai ra chuyện tao không thuộc bài, rồi bị cô giáo phạt...

- Tại chị Hoài bảo Đăng sẽ bị ba mẹ đánh đòn vì tội dầm mưa nên mình phải thanh minh cho Đăng chứ bộ!

- Thanh minh cái đầu mày! Mày khai huỵch toẹt như vậy, tội của tao càng nặng hơn!

Mọi thứ không chỉ dừng lại ở đó. Không biết do ai méc mà chuyện tôi bị cô Sa phạt nhặt rác mỗi ngày tới tai bà nội tôi. Trong các đứa cháu, tôi là đứa được bà thương nhất. Nhà bà tôi cất trong khu đất của ông Cửu Năm ở xóm Bàu, cách đuôi chợ chừng ba trăm mét. Thầy hiệu trưởng trường tôi đang ở trọ nhà bà. Thỉnh thoảng xuống chơi với bà, tôi vẫn gặp thầy hiệu trưởng ở đó. Thầy hiệu trưởng có nụ cười hiền nhưng tôi vẫn sợ thầy, đứng trước mặt thầy bao giờ tôi cũng nơm nớp. Chỉ vì thầy là hiệu trưởng. Học trò đứa nào mà chẳng sợ thầy cô. Thầy hiệu trưởng lại càng sợ.

Thầy hay xoa đầu tôi mỗi khi tôi ghé chơi nhà bà tôi:

- Trò Đăng mỗi bữa ăn được mấy chén cơm?

Thầy hỏi giọng thân tình nhưng tôi vẫn run:

- Dạ...thưa thầy, mỗi bữa con ăn được ba chén.

Thầy vỗ vai tôi, khen:

- Giỏi quá! Ờ, trò ráng ăn cho mau lớn.

- Dạ.

Bà nội tôi đã kể lại với thầy hiệu trưởng chuyện tôi bị cô Sa phạt nhặt rác ngoài sân trường. Tôi đoán thế vì một hôm bà ôm tôi vào lòng, dịu dàng bảo:

- Con đừng sợ. Cô giáo con sẽ không bắt con nhặt rác nữa đâu!

Bà tôi nói đúng. Tôi chắc là thầy là thầy hiệu trưởng đã rầy la cô Sa, vì từ hôm đó cô không phạt tôi nữa cho dù tôi vẫn không làm sao trả bài trơn tru mỗi khi bị cô kêu lên bảng.

Xưa nay trong mắt tôi, cô Sa là một mụ phù thủy độc ác. Vì vậy tôi vô cùng hả dạ khi nhận ra cô không dám hành hạ tôi nữa. Mụ phù thủy ỷ làm cô giáo đã ''ếm bùa'' tôi, bây giờ bi thầy hiệu trưởng "ểm bùa trở lại.

Tôi khoe với nhỏ Thắm:

- Mày thấy không, cô Sa không dám phạt tao nữa.

- Ờ hả - Nhỏ Thắm chớp chớp mắt - Mình cũng thấy là lạ.

Tôi mỉm cười:

- Nhờ mày đó.

- Nhờ mình?

- Ờ, nhờ mày méc với chị tao. Chuyện tới tai bà tao và bà tao méc với thầy hiệu trưởng.

Nhỏ Thắm nhíu mày:

- Chắc thấy hiệu trưởng đã la cô giáo?

Tôi sung sướng:

- Chứ gì nữa!

- Tội cô giáo quá há! - Nhỏ Thắm chép miệng.

- Tội gì mà tội! - Tôi hừ giọng - Cô giáo ác như ma vậy bị thầy hiệu trưởng la là phải rồi! Bộ mày không tội cho tao hả?

Thầy tôi sa sầm mặt, nhỏ Thắm nín bặt. Chắc nó sợ tôi nổi điên cốc đầu nó. Mãi một lúc, nó quay mặt nhìn ra xa, khẽ nói:

- Hôm trước mình thấy cô Sa khóc nè.

- Cái gì? - Tôi giật thót - Mày thấy hồi nào?

- Cách đây hai hôm. Lúc đó cô đang ngồi trong phòng giáo vên.

Như có ai đâm dao vào ngực tôi. Tim tôi tự dưng thắt lại. Xưa nay tôi chưa từng thấy thầy cô khóc bao giờ. Chỉ có học trò khóc. Thầy cô khóc là lớn chuyện rồi. Tôi thấp thỏm không biết chuyện cô Sa khóc có liên quan gì đến chuyện cô bị thầy hiệu trưởng rầy la hay không. Trong một phút, cảm giác hào hứng lòng tôi. Tất cả chỉ tại tôi. Tại tôi không thuộc bài. Tại tôi không cố gắng trở thành học trò ngoan nên cô giáo mới không ưa. Cô giáo phạt tôi là đúng rồi, thế mà rốt cuộc tôi đã làm khổ cô giáo tôi.

Trưa đó, sau tiếng trống tan trường tôi cố tình nán lại trong lớp. Đợi tụi bạn ra về hết, tôi bước ra cửa dọ dẫm đi về phía phòng giáo viên.

Phòng giáo viên cửa chính đóng im im, chỉ mỗi cửa sổ khép hở. Tôi lấm lét nhìn quanh và mom mem lần về phía vách tưởng tróc vôi, thò đầu qua cửa sổ nhìn vào bên trong. Đúng như lo lắng của tôi, phòng giáo viên vắng tanh, chỉ còn mỗi cô Sa đang ngồi úp mặt trên bàn.

Tôi vừa mong vừa không mong nhìn thấy cô Sa ở đó. Tôi hi vọng cô đã quên nỗi buồn bị thầy hiệu trưởng quở trách. Nhưng dường như cô đã không quên. Cô đã không ra về như những thầy cô khác. Cô ngồi đó, trước mắt tôi, buồn bã úp mặt lên chồng sổ bày ngổn ngang trên bàn. Có phải cô không làm sao nhấc đầu lên khỏi nỗi buồn?

Tự nhiên tôi bắt gặp trong tôi một cảm giác gì đó như là sự nghẹn ngào. Tôi thấy ngột ngạt như đang đứng trong một cái hố sâu và trong lúc tôi cựa quậy người để cố bò ra khỏi cái hố vô hình đó, khuỷu tay tôi đã va chạm vào cánh cửa.

Tiếng động đã đánh thức cô giáo Sa. Cô ngồi thẳng lưng lên và quay mặt nhìn về phía cửa sổ. Ngay từ khi thấy đôi vai cô nhúc nhích, tôi đã muốn thụp người xuống nhưng không hiểu sao cơ thể tôi không chịu nghe lời tôi.

Người đông cứng lại, tôi muốn ngoảnh mặt đi chỗ khác để tránh ánh mắt cô nhưng cổ tôi cứ trơ ra. Tôi đành đứng ì ra đó, thao láo mắt nhìn cô.

- Đăng chưa về hả trò?

Tiếng cô giáo Sa cất lên khiến tôi choàng tỉnh. Nhưng tôi vẫn không thốt được tiếng dạ nghẹn ngay cổ họng

Cô Sa đưa tay ngoắt, giọng êm ái:

- Con vào đây với cô!

Cô không gọi tôi là trò nữ. Tiếng con ngọt ngào giúp tim tôi đập chậm lại. Tôi rụt rè bước lại chỗ cửa chính. Cửa không khóa nên tôi chỉ cần đẩy nhẹ.

Khi tôi đến gần, cô Sa mỉm cười:

- Con ngồi đi!

Tôi máy móc nghe lời cô, im lặng ngồi xuống bên chiếc bàn dài.

- Chắc con giận cô chuyện cô phạt con lắm phải không?

- Dạ, không ạ. - Tôi lúng búng, xấu hổ vì nói dối cô.

- Lẽ ra cô không nên phạt con như vậy. Nhưng cô không muốn thấy con học hành sút kém.

Cô thở dài, khi cô nói tiếp tôi thấy ánh mắt cô lang thang đâu đó bên ngoài cửa sổ:

- Con trai cô cũng trạc tuổi con, cũng lười học như con.

Cũng như thầy hiệu trường, cô Sa từ nơi khác chuyển về đây dạy học nên tôi không biết gì về gia đình cô. Cô đến thị trấn chỉ một mình. Bây giờ tôi mới biết cô có chồng, có con.

Tôi không rời mắt khỏi gương mặt cô, ái ngại thấy khóe mắt cô vẫn còn ngân ngấn nước. Nhưng tôi không lên tiếng, thật ra tôi cũng không biết nói gì trong lúc này.

Cô Sa tiếp tục câu chuyện bằng giọng rì rầm, và trong khi nói ánh mắt cô vẫn nhìn ra ngoài sân nắng như thể cô đã quên mất tôi. Theo như những gì tôi nghe được trong buổi trưa kỳ lạ đó thì vợ chồng cô đã chia tay lâu rồi. Những năm đầu con trai cô sống với cô. Nhưng thằng bé suốt ngày lêu lổng, chẳng chịu học hành nên rốt cuộc ba nó giành đem về nuôi.

Cô Sa tâm tình với tôi như tâm tình với một người lớn. Cũng có thể cô đang dằn vặt chính mình. Cô nói rất nhiều, có lẽ từ ngày về đây dạy học cô chưa có dịp bộc bạch nỗi lòng với ai, và mặc dù không hiểu biết hết những gì cô bày tỏ, tôi vẫn cảm nhận được cô đang nhớ con qua giọng nói và vẻ mặt buồn hiu hắt.

Tôi nghe cô càng lúc càng thiếu tập trung nhưng dần dần tôi cũng hiểu ra cô đang hối hận vì đã trót nuông chiều thằng con quá mức. Cô thương nó thiếu tình cha nên không nỡ trừng phạt tội lười học của nó, rốt cuộc thằng bé đâm hư. Chắc do vậy mà cô nghĩ ra cách phạt tôi- một cách sửa sai muộn màng của cô, hi vọng vì sợ bị phạt mà tôi sẽ chăm hơn. Tôi vẩn vơ nghĩ, nhưng ý nghĩ đó chỉ thoảng qua trong đầu tôi. Với trí não non nớt cuả tôi lúc đó, tôi chỉ ngạc nhiên tại sao con cô giáo mà lại lười học. Xưa nay, tôi vẫn đinh ninh đã là con của thầy cô thì phải học giỏi nhất lớp hoặc nhất trường.

Suốt gần nửa tiếng đồng hồ, tôi lạng thinh nghe cô dốc bầu tâm sự, thỉnh thoảng cựa quậy vai và hông, lòng chùng xuống theo câu chuyện của cô nhưng dù sao tôi cũng có chút nhẹ lòng khi không nghe cô nhắc gì đến chuyện cô bị thầy hiệu trưởng rầy la.

Thêm mười phút nữa, cô vẫn nói và tôi vẫn nghe. Cứ như thể động chạm đến đề tài này, tiếng lòng của cô cứ ngân mãi, không sao dừng lại được. Mệt mỏi và đói bụng, tâm trí tôi bắt đầu loãng đi. Tôi nghe cô tiếng được tiếng mất. Tôi cũng không nhìn vào mắt cô nữa. Tia nhìn của tôi rơi xuống đôi môi cô và trong một lúc tôi hốt hoảng nhận ra tim tôi đập rất mạnh. Môi cô Sa tô son đỏ. Trong trường tôi, chỉ có cô và cô Hải dạy lớp Năm B tô son môi và đi giày cao gót. Từ trước đến nay, tôi không quan tâm đến chuyện đó lắm.

Nhưng lúc này tôi phát hiện ra càng nhìn lâu vào đôi môi cô, một cảm giác bất an đột ngột lấp đầy tôi.

Những ý nghĩ trong đầu tôi bắt đầu chạy tán loạn và trong khi cố bắt mình trấn tĩnh, tôi chợt hiểu ra nguyên nhân của nó đến từ đâu. Ông Cứ. Đúng rồi, ông Cứ. Môi son của cô Sa vô tình gợi tôi nhớ đến cái miệng đỏ quạch những vệt trầu của ông. Suốt thời thơ ấu dài lâu, vẻ mặt đe dọa của ông Cứ đã không ngừng ám ảnh tôi. Không ít lần trong khi ngủ tôi đã hét lên hãi hùng vì mơ thấy ông hả họng thật to và gí sát mặt ông vào tôi. Từ khi lên lớp Năm, tôi đã không còn sợ ông nhưng nỗi khiếp hãi ông gây ra cho tôi những năm về trước vẫn còn lẩn khuất mơ hồ trong tiềm thức tôi, chỉ cần một liên tưởng bất chợt cũng đủ khiến tâm trí tôi rối bời.

Bây giờ thì tôi vỡ lẽ tại sao mỗi lần đứng đối diện với cô Sa trước bảng đen, tôi không thể nhớ nổi bài học dù đêm hôm trước tôi đã tụng đến thuộc lòng. Chính hình ảnh của ông Cứ, chứ không phải chuyện tôi lẻn vào bếp hay rúc dưới dây phơi đã khiến đầu óc tôi mụ đi trong lúc đó.

- Mình về thôi, con! Cô xin lỗi vì đã nói chuyện dông dài quá.

Tôi không nhớ trước đó cô Sa đã nói những gì nhưng khi cô chấm dứt câu chuyện thì tôi nghe rõ.

Cô đặt tay lên vai tôi khép nép đứng lên khỏi ghế và ân cần dặn:

- Con cố gắng học hành nghe con! Đừng làm cô và ba mẹ con buồn lòng.

- Thưa cô... - Đột nhiên tôi buột miệng.

- Gì hả con?- Cô Sa nhìn tôi âu yếm.

- Con hứa con sẽ nghe lời cô, nhưng... nhưng...

Tôi lắp bắp một lúc vẫn không thể nào nói hết câu. Cứ như thể câu nói của tôi bị chặt ra làm đôi và tôi chỉ có thể chốt được nửa câu đầu. Nửa câu sau mắc kẹt đâu đó trong họng.

- Con muốn nói gì cứ nói đi con! - Thấy tôi lúng túng, cô Sa động viên tôi.

Bàn tay cô xoa nhẹ đầu vai tôi như để truyền thêm dũng khí.

Tôi hít vào một hơi để lấy can đảm:

- Mai mốt cô đừng tô son môi nữa được không cô?

Cô Sa như không tin vào tai mình. Cô không ngờ tôi lại đưa ra đề nghị oái ăm như vậy. Không chỉ oái ăm, đề nghị của tôi hoàn toàn không liên quan gì đến câu chuyện trước mắt. Tôi thấy đôi mắt cô mở to, đầy vẻ sửng sốt.

- Tại sao con lại đề nghị như vậy? - Sau một thoáng bối rối, cô chăm chú nhìn tôi, ngạc nhiên hỏi.

- Nếu cô không tô son, con sẽ dễ thuộc bài hơn.

Tôi chắc cô Sa không hiểu được lý lẽ của tôi. Nhưng may mà cô không gặng hỏi, có lẽ vì cô và tôi đã nán lại qua lâu trong trường. Nếu cô thắc mắc, tôi phải giải thích lý do. Và hẳn tôi sẽ rất xấu hổ khi thú

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

#teenfic