Chương 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ngày giã từ trường tiểu học, tôi nửa vui nửa buồn.

Vui vì từ nay tôi đã là học sinh trung học, mỗi ngày đến lớp đều mặc quần dài xanh, áo sơ mi trắng bỏ vô quần và đeo dây nịt đàng hoàng, chị Hoài sẽ không còn chế nhạo tôi hỉ mũi chưa sạch mà đã thích... ăn bún" khiến tôi đỏ bừng mặt co giò chạy trốn ra sau hè như trước đây nữa. Buồn vì tôi phải rời xa ngôi trường quen thuộc, xa thầy hiệu trưởng hiền lành, xa cô Sa thương tôi như con. Hôm liên hoan bế giảng, tôi cầm tay cô Sa khóc như mưa khiến tụi bạn tròn xoe mắt. xa cô giáo đứa nào cũng buồn nhưng khóc tồ tồ như tôi thì chỉ có một. Nhưng trừ nhỏ Thắm ra, những đứa còn lại đâu có biết những kỉ niệm đáng nhớ giữa tôi và cô.

Lên cấp hai, chúng tôi đã là... người lớn. Sau này nhớ lại, tôi luôn yêu những tháng năm tiểu học của mình. Lúc đó, chúng tôi vẫn còn là những đứa trẻ ngây thơ. Những vui buồn giận hờn của chúng tôi hoàn toàn là kiểu vui buồn giận hờn của trẻ em.

Thực ra, hai năm đầu tiên của cấp hai tôi và lũ bạn vẫn chưa lớn hẳn. Tính cách tụi tôi những năm lớp Sáu, lớp Bảy vẫn còn hồn nhiên, có lẽ chẳng khác mấy so với hồi lớp Năm. Bạn bè vẫn là những khuôn mặt cũ, trừ những đứa ở lại lớp, những đứa theo ba mẹ chuyển trường đi nơi khác và những đứa nghỉ học hẳn vì lý do gia cảnh. Học trò nghỉ học nhiều nên trường trung học thị trấn chỉ mở một lớp Sáu. Lớp học của tôi vì vậy có thêm những gương mặt mới từ lớp Năm B của cô Hải chuyển lên và từ trường Bồ Đề chuyển sang như tụi thằng Trí, thằng Định.

Tôi, nhỏ Thắm và thằng Phan năn nỉ ỉ ôi gần suốt tiết sinh hoatj đầu tuần mới được thầy chủ nhiệm đồng ý xếp ngồi chung một bàn. Bàn học ở trường mới dài hơn ở trường cũ nên năm nay còn có thêm chú tiểu Khôi và nhỏ Ngọc, em gái anh Thắng khùng ngồi cạnh ba đứa tôi. Ngược với trường tiểu học, trường trung học thị trấn nằm gần đường quốc lộ, cách khá xa nhà tôi.

Bây giờ mỗi khi đi học, nếu muốn rút ngắn đoạn đường tôi phải đi luồn trong chợ, Đi luồn trong chợ tức là phải đi ngang nhà nhỏ Thắm.

Tôi đi học chừng ba hôm, tới hôm thứ tư nhỏ Thắm nhàu mặt trách:

- Đăng xấu quá.

Tôi trố mắt:

- Xấu chuyện gì?

Nhỏ Thắm thẳng toẹt:

- Ngày nào Đăng cũng đi ngang nhà mình mà không rủ mình đi với.

Tôi gãi cổ:

- Tao đi nguyên một đám mà.

- Một đám thì sao?

- Toàn con trai không hà.

- Con trai thì sao?

Tôi liếm môi:

- Nguyên đám con trai tự nhiên có đứa con gái lọt vô tao thấy nó kỳ kỳ thế nào!

- Có gì đâu mà kỳ.

- Tao thấy kỳ.

- Đăng xấu thì có.

Lần thứ hai trong vòng một phút, nhỏ Thắm mở miệng chê bai tôi. Tôi nổi điên tính vặc nó lại, bất chợt ánh mắt tôi đậu xuống đôi giày màu xanh nó đang mang, lòng bất giác dịu đi. Ờ, nhỏ Thắm đã quan tâm đến tôi như thế; chỉ vì biết tôi thích màu xanh lá cây mà nó nằng nặc đòi mẹ nó mua cho đôi giày này; rồi mới đây nó chẳng quản phận liễu yếu đào tơ đã cầm cây ra trận để giải vây cho tôi lúc tôi bị trấn lột giữa cánh đồng, vậy mà bây giờ chỉ vì xấu hổ trước tụi thằng Định tôi làm như nó không phải là bạn tôi. Mặt tôi càng thêm nóng ran khi tôi nhớ ra năm ngoái ngày nào nhỏ Thắm cũng ghé rủ tôi đi học, kể từ hôm tôi bị sốt vì nhặt rác dưới mưa. Nhỏ Thắm là con gái, lẽ ra nó phải ngại ngần, thế nhưng nó vẫn siêng năng ghé nhà tôi mỗi ngày. Nó tốt ghê!

- Ờ, ngày mai tao sẽ ghé rủ mày.

- Thật không?

- Thật

- Đăng hết thấy kỳ rồi hả?

- Ờ.

- Tại sao Đăng hết thấy kì?

Nhỏ Thắm tốt thì tốt thật, nhưng cái tật hỏi tới hỏi lui dai nhách của nó làm nó bớt tốt đi một chút. Tôi nghĩ thầm trong bụng và nhún vai:

- Tao cũng không biết nữa. Tự nhiên tao thấy vậy thôi!

Thực ra tôi vẫn ngường ngượng với quyết định của mình. Cho nên để rủ nhỏ Thắm đi học, tôi phải để đồng hồ báo thức sớm hơn lệ thường nửa tiếng.

Tôi tìm cách ra khỏi nhà thật sớm, trước khi tụi bạn xóm Chùa đứng trước cổng nhà tôi réo om sòm.

Chị Hoài khen:

- Dạo này em siêng học ghê. Còn dậy sớm hơn cả chị nữa.

Tụi thằng Định thắc mắc:

- Sao mấy hôm nay không đợi tụi tao hả mày?

Tôi phịa:

- Tao phải đi sớm ghé nhà bà nội tao có việc.

Mấy hôm sau gặp tôi, tụi nó nhe răng cười:

- Ủa, nhỏ Thắm là bà nội mày mà lâu nay tụi tao đâu có biết.

o O o

Chương 2.2

Thỉnh thoảng nhỏ Thắm hờn giận khi thấy tôi đùa giỡn hay trò chuyện thân mật với những đứa con gái khác. Riêng nhỏ Ngọc thì nó không nói gì.

Ngọc là em anh Thắng khùng người vớt nhỏ Thắm lên từ dưới bàu. Có lẽ vì vậy mà nhỏ Thắm xem Ngọc là ngoại lệ. Năm ngoái, khi tôi mười tuổi thì anh Thắng đã hai mươi ba tuổi. So về tuổi tác, lẽ ra tụi tôi phải gọi anh bằng "chú nhưng vì anh là anh của nhỏ Ngọc nên cả bọn nó đều bắt chước nó gọi là anh Thắng bằng anh".

Nhà nhỏ Ngọc theo đạo Cao Đài. Đó cũng là gia đình duy nhất thị trấn theo đạo này. Với miền Trung thời đó, Cao Đài là một tôn giáo lạ lẫm.

Đằng trước nhà nhỏ Ngọc, tít trên cao có vẽ hình một con mắt khác đang tỏa hào quang chớp nháy trên tấm bảng điện tử.

Hồi nhỏ, mỗi lần đu ngang nhà nó, tôi đều có cảm giác sờ sợ. Tôi chỉ liếc con mắt trên tường chút xíu rồi lật đật ngó lơ chỗ khác. Đi một quãng, tôi tò mò ngoái đầu nhìn lại, lạnh toát sống lưng khi thấy con mắt dường như đang nhìn theo mình.

Tôi nghe chị Hoài bảo, anh Thắng mới khùng gần đây thôi. Có nghĩa trước khi khùng thì anh Thắng... chưa khùng. Tôi nghe đồn anh Thắng học rất giỏi. Anh là người duy nhất trong thị trấn học tới cao học. Cao học nghe nói là cao hơn cả đại học. Thằng Phan giải thích cho tôi: Đại là lớn, nhưng chưa chắc đã cao. Còn cao học là vừa lớn vừa cao. Học tới cao học là siêu đẳng vô cùng". Nghe vậy, tôi phục anh Thắng sát đất. Chỉ tiếc anh học giỏi thế nhưng đầu óc không bình thường.

Theo bà nội tôi, anh Thắng học nhiều quá nên bị ngộ chữ. Bà hay cốc yêu lên trán tôi:

- Con học vừa vừa thôi, kẻo giống anh Thắng!

Có lẽ anh Thắng ngộ chữ thật. Anh điên vì chữ nghĩa nên cách điên của anh không nhếch nhác, bẩn thỉu như những người điên tôi từng thấy. Anh hay đi lang thang ngoài đường nhưng quần áo lúc nào cũng tươm tất, tóc chải bóng mượt, chân xỏ giày da, tay lúc nào cũng ôm kè kè cuốn từ điển Pháp-Việt dày cộm. Gặp ai, anh cũng nói tiếng Tây.

Tụi tôi hỏi anh:

- Anh Thắng ơi, anh đi đâu đó?

Anh xổ một tràng xí lô xí là. Tụi tôi chẳng hiểu gì hết, chỉ ôm bụng cười bò.

Lại hỏi:

- Anh Thắng ăn cơm chưa?

Anh lại nổ lốp bốp một tràng khác. Tụi tôi lại cười rũ.

Thỉnh thoảng tôi nghe anh Thắng hát. Đó là những lúc anh đi ngang cổng trường tiểu học, lúc bọn học trò đã vào lớp và giọng anh bất ngờ nổi lên văng vẳng trong gió.

Anh hát đi hát lại mỗi một bài. Lên lớp Sáu, tình cờ nghe một cô ca sĩ nổi tiếng hát trên ra-dô, tôi mới biết đó là bài Aline của Christophe, bản Tiếng việt dịch thành Gọi tên người yêu. Đang ngồi học, nghe tiếng hát quen thuộc vọng tới là bọn học trò nhớn nhác nhìn ra, biết anh Thắng sắp đi ngang cổng.

- J'avais dessinộ sur le table

Son doux visage qui me souriait...

Tới đoạn điệp khúc, giọng anh cao vút, rền rĩ:

- Et j'ai criộ, criộ Aline pour qu'elle revienne

................................................

Mỗi lần anh Thắng hát tới đoạn này, bọn tôi nhấp nhổm gần như muốn đứng hết cả dậy, không phải vì ý nghĩa của ca từ mà vì cái giọng rấm rứt như khóc than của người hát. Cô Sa mặt mày như sầm xuống. Cô nhíu mày đập đập cây thước xuống bàn, lúc đó tụi tôi mới thôi cựa quậy. Nhỏ Ngọc năm ngoái học lớp Năm B của cô Hải nên tôi ít có dịp tiếp xúc với nó. Năm nay nó ngồi chung bàn nên tôi hay lân la lại gần nó, dò hỏi:

- Anh Thắng có hay đánh mày không, Ngọc?

- Anh Thắng là anh của mình mà.

- Nhưng anh mày bị điên.

- Anh mình điên nhưng anh mình rất hiền.

Nhỏ Ngọc bảo anh nó thậm chí chưa bao giờ quát nó, cũng chẳng gây sự với ai. Chỉ có lầm rầm một mình suốt ngày. Thoạt đầu thì nó cũng hơi sợ nhưng bây giờ nó quen rồi. Bây giờ nó thấy thương anh nó hơn.

Từ khi quen nhỏ Ngọc vậy, tôi không trêu chọc anh Thắng nữa. Gặp anh ngoài đường, tôi chỉ hiếu kỳ giương mắt ngó. Tôi không hỏi anh đi đâu đó" hay ăn cơm chưa như trước đây.

Giống như nhỏ Ngọc, tôi thấy thương anh chẳng hiểu vì sao. Hay vì anh từng cứu nhỏ Thắm như ông Cứ từng cứu tôi?

o O o

Chương 2.3

Trong thời gian đó, chú Lãm cụt chân mở tiệm cho thuê truyện trên con đường chạy ngang cổng chợ.

Thị trấn tôi ở không có nhà sách. Muốn mua sách, phải vào Tam Kỳ hoặc ra Đà Nẵng. Và phải có tiền. Thị trấn nghèo đa số cư dân phải lo chạy ăn từng bữa, bỏ tiền mua sách là chuyện xa xỉ. Ông ngoại tôi ở Cẩm Lũ, thỉnh thoảng cưỡi mobylette ra thị trấn thăm gia đình tôi, có khi ông ở lại chơi vài ngày. Đó là quãng thời gian tuyệt vời nhất đối với tôi. Khi biết tôi học khá, ông thường vui vẻ hỏi: Con thích thứ gì, ông thưởng cho con?". Câu trả lời của tôi bao giờ cũng là: Sách". Thầy tôi ham đọc sách, ông càng hài lòng.

Vài hôm sau, thế nào ông cũng mua sách nhờ người đem tới cho tôi.

Nhưng sách ông tôi mua cho, đến năm tôi học lớp Sáu, bày chưa kín một góc bàn. Số sách đó tôi đã đọc hết từ lâu và bắt đầu đọc lại đến lần thứ năm, thứ sáu.

Vì vậy, việc chú Lãm mở tiệm cho thuê truyện là một sự kiện đối với tôi.

Tôi nghe người ta bảo hồi nhỏ chú Lãm đi chơi bị núi đè, phải cưa bỏ một chân. Bây giờ, chú đi lại bằng một cây nạng chống. Từ ngày lui tới tiệm cho thuê truyện của chú, tôi để ý thấy chú không có vẻ gì lúng túng với việc đi lại bằng nạng. Khi có việc gấp, tôi thấy chú đi rất nhanh. Chú chống nạng vọt tới, lướt băng băng, còn nhanh hơn người bình thường. Sau này đọc truyện "Thiên long bát bộ của Kim Dung, tôi thấy chú giống hệt nhân vật Đoàn Diên Khánh. Tôi cũng nhiều lần thấy chú cưỡi xe honda phóng vi vút như một tay chơi bạt mạng và hình ảnh đó khiến tôi phục lăn.

Tiệm cho thuê truyện của chú Lâm chỉ có hai loại sách: truyện kiếm hiệp và truyện tình cảm. Tôi còn bé, mới mười một tuổi nên không quan tâm đến các loại truyện tình cảm lâm ly sướt mướt. Riêng truyện kiếm hiệp, tôi bị nó mê hoặc ngay từ khi chạm vào trang sách đầu tiên. Trước đó, tôi say sưa với truyện của Tô Hoài, Thế Lữ, Lan Khai và các loại sách Hồng dành cho thiếu nhi. Tiếp xúc với truyện kiếm hiệp, lần đầu tiên tôi biết đến một thế giới hấp dẫn theo kiểu khác. Đó là một thế giới rộng lớn có kích thước khác hẳn với thế giới đời thường, nơi những cao thủ võ lâm đi trên nóc nhà, cũng sở hữu những chiêu thức vô cùng kỳ dị.

Truyện kiếm hiệp kích thích trí tưởng tượng của một chú bé mới lớn và nhanh chóng dẫn dụ chú vào vương quốc quyến rũ của nó.

Tôi không có tiền đặt cọc để thuê truyện đem về nhà. Tôi thuê sách đọc tại tiệm chú Lãm, chỉ phải trả tiền giờ. Hôm nào lớp học nghỉ hai tiết đầu hoặc hai tiết sau. tôi ghé tiệm của chú và chết chìm ở đó.

Chú Lãm thấy tôi chúi đầu vào cuốn truyện dày cộm trên bàn hàng tiếng đồng hồ, tội nghiệp tôi mỏi lưng, mỏi cổ, bèn cho phép tôi lên giường nằm đọc sách. Đó là giường ngủ của vợ chồng chú, chỉ ngăn cách với gian cho thuê truyện bằng một tấm rèm bằng vải hoa.

Từ ngày được ngả lưng trên giường, tôi càng nằm lì ở nhà chú Lãm, đọc sách mê man. Truyện kiếm hiệp tình tiết ly kỳ lắt léo, bộ nào bộ nấy dài cả chục tập nên tôi không làm sao dứt mình ra được.

Có hôm mê đọc, tôi bỏ cả hai tiết sau, cắm đầu xem tà ma ngoại đấu với chính phái võ lâm đến trưa trở trưa trật rồi lững thững ôm cặp đi bộ về nhà.

Nhỏ Thắm thấy tôi dạo này học hành lơ là, nhiều hôm không ghé rủ nó đi học, thậm chí còn cúp học hẳn, nó ngạc nhiên lắm.

- Đăng làm sao thế?

- Sao là sao?

- Sáng hôm qua sao Đăng không đến lớp?

- Hôm qua mẹ tao sai tao đi công chuyện.

Tôi trả lời quá ngu. Chắng có bậc cha mẹ nào kêu con cái nghỉ học để đi công chuyện cả. Nhỏ Thắm cong môi xì một tiếng:

- Mình không tin.

- Không tin thì kệ mày!

Nhỏ Thắm không kệ mày như tôi tưởng. Nó bí mật méc với chị Hoài chuyện tôi hay cúp học. Chỉ cần hai ngày âm thầm theo dõi, chị tôi biết ngay tôi bị tiệm cho thuê truyện của chú Lãm bỏ bùa.

Chị Hoài thương tôi, không báo cho ba tôi biết. Ba tôi biết, thế nào tôi cũng nhừ đòn. Chị đến gặp chú Lãm.

Hôm sau tôi vừa đun đầu vào tiệm, chú Lãm đã nhấc cây nạng huơ qua huơ lại trước mặt tôi:

- Từ nay chú không cho con thuê truyện nữa. Chị con đã dặn chú rồi.

Tôi giận chị Hoài đến ứa gan, nhất là tôi đang hồi hộp chờ xem kết quả cuộc đấu sống mái giữa đại cao thủ về kiếm thuật Tây Môn Xuy Tuyết và Diệp Cô Thành trong bộ truyện của Cổ Long tôi đang đọc dở dang.

Hôm đó mặt xụ xuống một đống, tôi lầm lũi ra về. Gặp chị Hoài tôi không thèm trò chuyện. Cả đếm mấy ngày sau.

Tôi không dò hỏi chị tôi nhưng tôi đoán ra tai nạn của tôi là do nhỏ Thắm mách lẻo. Con nhỏ này rất mến tôi nhưng nó cũng lắm mồm kinh khủng.

Nó vừa ôm cặp bước ra khỏi cửa, hớn hở reo:

- A...a...

Tôi đã nạt ngang:

- "A, a cái đầu mày! Chính mày méc với chị Hoài chuyện tao nghỉ học phải không?

- Ờ...ờ....

- Mày đúng là Diệp Nhị Nương.

Nhỏ Thắm không đọc Thiên long bát bộ nên không biết nhân vật này là ai. Nó tròn mắt nhìn tôi:

- Diệp Nhị Nương á? Là ai vậy?

Tôi khịt mũi:

- Diệp Nhị Nương là đệ nhất mỹ nhân trong truyện Kim Dung đó.

Nhỏ Thắm bán tín bán nghi nhưng không gặng hỏi. Đó là lần hiếm hoi tật hay hỏi ngủ quên trên môi nó. Chỉ vì nó đang vui. Chỉ vì nó thấy tôi lại rủ nó đi học như ngày nào.

Nó biết tôi gạt nó, nếu nó biết Diệp Nhị Nương là một trong Tứ đại ác nhân, có ngoại hiệu Vô ác bất tác tức là không có việc ác nào là không làm, chắc nó chưởi tôi tắt bếp!

o O o

Chương 2.4

Tôi giận nhỏ Thắm nhưng tôi không thể không trò chuyện với nó. Bởi vì cách đây hai hôm, một bí mật tình cờ gieo vào đầu tôi làm mọc lên trong tâm trí một loài cây lạ.

Loài cây này gây ngứa trong lòng. Ngứa khủng khiếp. Sự ngứa ngáy sẽ mỗi ngày một tăng nếu tôi không chia sẻ bí mật với ai.

- Thắm này - Một hôm tôi kéo nhỏ Thắm ra góc sân trường, vừa nói vừa lấm lét nhìn quanh.

- Gì vậy Đăng?

- Tao có chuyện này muốn nói cho mày nghe.

Nhỏ Thắm ngơ ngác, có vẻ nó lấy làm lạ trước vẻ nhớn nhác của tôi:

- Chuyện gì vậy?

Tôi lại đảo mắt ra chung quanh, thấp giọng;

- Chuyện này kỳ lạ lắm, mày không được kể lại với ai nghe không!

Nhỏ Thắm bắt đầu hồi hộp, tôi thấy nó cắn chặt môi:

- Ờ, mình không kể đâu.

Rồi nó cầm tay tôi lắc lắc theo thói quen, nôn nóng giục:

- Đăng nói đi!

- Anh Thắng ấy mà?

- Anh Thắng sao?

Tôi hít vào một hơi:

- Anh không hề điên như mình nghĩ.

- Cái gì? - Nhỏ Thắm giật mình, nếu không kềm được chắc nó đã ré lên.

- Anh Thắng không điên - Tôi lặp lại.

- Sao Đăng biết? - Nhỏ Thắm hạ giọng hỏi, đã bắt đầu nhận ra sự nghiêm trọng của câu chuyện. - Hai hôm trước, tao đang đọc truyện ở nhà chú Lãm thì thấy anh Thắng bước vào. Ảnh không nhìn thấy tao vì tao đang nằm trên giường khuất sau tấm rèm.

- Sao Đăng lại nằm trên giường nhà người ta?

Như thường lệ nhỏ Thắm lại làm tôi bực mình vì những câu hỏi oái oăm của nó. Lại là một thắc mắc ngoài lề, chẳng liên quan gì đến điều tôi muốn nói. Tôi tặc lưỡi giải thích, cố đừng nổi cáu:

- Tại chú Lãm thấy tao mê đọc sách nên cho phép tao lên giường nằm đọc cho đỡ mỏi lưng.

Nếu gặp lúc khác, nhỏ Thắm ắt sẽ không buông tha tôi về chuyện này. Nó sẽ trêu tôi dai nhách. Nhưng lúc này, có lẽ nó đang thấp thỏm trước tiết lộ động trời của tôi. Nó bồn chồn giậm giậm chân:

- Rồi sao nữa?

Tôi bảo với nhỏ Thắm lúc đó tôi không nhận ra anh Thắng ngay, kể cả khi anh cất giọng hỏi Chuyện tôi nhờ chú sao rồi, chú Lãm?. Vì lúc đó tâm trí tôi đang mải ngao du theo bước chân của lãng tử giang hồ Lục Tiểu Phụng.

Hơn nữa, tôi không nghĩ câu hỏi đó phát ra từ miệng anh Thắng khùng.

Trước nay tôi chỉ toàn nghe anh nói tiếng Tây. Khi anh nói tiếng Việt, tôi không nhận ra giọng anh. Tiếp theo tôi nghe tiếng chú Lãm trả lời: "Cô Sa nói cô không rảnh. Và cô nhờ tao bảo chú mày đừng có đi ngang cổng trường hát hò om sòm nữa để học trò cô học bài". "Vậy hả chú?. Đến khi anh Thắng lên tiếng lần thứ hai tôi vẫn chưa biết ai đang nói chuyện với chú Lãm.

Chỉ vì nghe chú Lãm thình lình nhắc đến cô Sa, tôi mới giật mình hé rèm trông ra. Tôi vén rèm một tích tắc rồi vội vã buông xuống ngay vì chú Lãm như chợt nhớ ra có một cậu học trò đang nằm đọc sách trên giường. Tôi thấy chú ngoái cổ nhìn về phía tấm rèm rồi gần như ngay lập tức cả chú lẫn anh Thắng chuyển giọng thì thầm và từ lúc đó tôi không nghe thấy gì nữa, ngoài tiếng đập bình bịch mỗi lúc một lớn của trái tim tôi.

- Lạ quá ha Đăng? - Nhỏ Thắm ngẩn người khi nghe tôi kể xong.

- Ờ, lạ ghê!

- Đăng có thấy anh Thắng vào tiệm của chú Lãm lần nào nữa không?

- Thấy sao được mà thấy! - Tôi hừ mũi - Sau hôm đó, chị tao đâu có cho tao tới tiệm chú Lãm nữa. Tại cái miệng bép xép của mày đó.

Nhỏ Thắm biết tôi vẫn còn giận nó chuyện bữa trước. Nó biết nếu nó cãi lại, câu chuyện của chúng tôi sẽ lập tức chệch hướng. Mà nó thì đang có nhiều điều muốn hỏi tôi quá. Vì vậy nó nhìn tôi, tươi cười:

- Đăng nè.

- Gì?

- Vậy anh Thắng và cô Sa đang thích qua thích lại phải không?

- Làm sao tao biết được. Tao chưa thấy hai người đó đi chung với nhau bao giờ.

Nhỏ Thắm nguýt tôi:

Cô Sa làm sao dám đi chung với người điên được.

- Ờ há. - Tôi quẹt mũi - Nhưng anh Thắng chỉ giả vờ điên thôi.

- Tại sao anh Thắng giả vờ điên?

Tôi nhún vai:

- Tao không biết. Nhưng chắc nhỏ Ngọc biết

Giờ ra về, tôi và nhỏ Thắm, vừa gặp nhỏ Ngọc, tôi phủ đầu ngay:

- Ngọc nè, tụi tao biết bí mật của anh Thắng mày rồi đó nghe.

Nhỏ Ngọc giương mắt nai:

- Anh mình có bí mật gì đâu.

- Mày đừng có làm bộ. - Tôi nhếch môi, thẳng toẹt - Anh mày đâu có điên, đúng không? Vừa nói tôi vừa nhìn chằm chặp vào mặt nhỏ Ngọc. Tôi thấy mặt nó thoáng biến sắc nhưng nó vẫn cố nói cứng:

- Đăng đừng có đoán mò.

Tôi bĩu môi:

- Đoán mò gì! Tao còn biết anh mày thích cô Sa nữa kìa.

Tới đây thì nhỏ Ngọc không ra vẻ thản nhiên được nữa. Tôi thấy đôi môi nó giần giật. Nó chìa bộ mặt xanh lè vào mắt tôi, run run hỏi:

- Đăng và Thắm biết hết rồi hả?

Tôi đáp giọng đe dọa:

- Ờ, tụi tao biết tỏng tòng tong hết rồi.

Nhỏ Ngọc càng thêm lo lắng:

- Ngoài hai bạn ra, trong lớp mình còn ai biết nữa không?

- Không. - Tôi đập tay lên ngực - Chỉ có hai đứa tao thôi.

Nghe tôi nói vậy, nhỏ Ngọc thở phào. Và giọng nó chuyển qua năn nỉ:

- Hai bạn làm ơn giữ kín chuyện này giùm mình nha.

Khác với tôi, nhỏ Thắm có vẻ không thích thú gì chuyện hù dọa nhỏ Ngọc. Nó chỉ háo hức vén màn bí mật:

- Mình và Đăng sẽ không nói cho ai biết đâu. Nhưng tại sao anh Thắng giả điên? Sao nhà bạn lại giấu mọi người?

Trong nhà, chỉ có mỗi mình biết anh Thắng giả điên thôi. Ba mẹ mình vẫn tưởng anh điên thật. Theo những gì nhỏ Ngọc kể cho hai đứa tôi sau đó thì anh Thắng thích cô Sa lâu rồi. Đó là dạo anh về quê nghỉ hè và tình cờ gặp cô Sa trong một lần ghé thăm trường cũ. Nhưng ba mẹ nhỏ Ngọc quyết liệt phản đối mối tình này vì anh Thắng nhỏ hơn cô Sa tới năm tuổi, và vì cô Sa đã từng có một đời chồng. Ba mẹ nhỏ Ngọc không thể nào hình dung được một người con trai bảnh bao, tài cao học rộng, tương lai xán lạn như anh lại đem lòng yêu một người như cô Sa. Chưa kể, cô Sa thực ra đâu có đáp lại tình yêu của anh Thắng. Nghe nói sau khi hôn nhân đổ vỡ, cô đâm ra sợ lấy chồng.

Nhỏ Thắm nín thở:

- Thế là anh Thắng giả điên?

- Lúc đó thì chưa. - Nhỏ Ngọc lắc đầu. - Chỉ đến khi ba mẹ mình ép anh Thắng lấy chị Hòe thì anh mới giả điên.

Tôi biết chị Hòe. Tôi chưa từng thấy người con gái nào xinh đẹp như chị.

Từ thời còn đi học, chị đã được mọi người tôn là hoa khôi của huyện. Mẹ chị là chủ tiệm vải lớn

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

#teenfic