Bài 9

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

BÀI 9

LUẬT DÂN SỰ

Pháp luật dân sự là công cụ pháp lý hết sức quan trọng trong việc góp phần bảo đảm đời sống cộng đồng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân và tổ chức, lợi ích hợp pháp của Nhà nước của cộng đồng, bảo đảm sự bình đẳng và an toàn pháp lý trong các quan hệ dân sự, góp phần tạo điều kiện đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần của công dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của một quốc gia.

Ngành Luật Dân sự có vị trí hết sức quan trọng trong hệ thống Pháp luật Việt Nam, là ngành luật chủ yếu làm cơ sở cho một số các ngành luật khác trong hệ thống Pháp luật. Vì vậy việc tìm hiểu ngành Luật Dân sự sẽ tạo điều kiện dễ dàng trong việc tiếp cận các ngành luật khác phát sinh từ ngành luật chủ yếu này.

MỤC TIÊU

Tìm hiểu đầy đủ nội dung bài này, các bạn sẽ biết được:

xã hội.

Khái niệm cơ bản về Luật Dân sự.

Đối tượng và phương pháp điều chỉnh Luật Dân sự.

Quyền sở hữu tài sản của cá nhân và các tổ chức khác nhau trong

Các căn cứ phát sinh và chấm dứt quyền sở hữu.

Các hình thức thừa kế tài sản theo quy định Pháp luật dân sự.

NỘI DUNG CHÍNH

1.Khái niệm, đối tượng và phương pháp điều chỉnh của Luật Dân sự

Khái niệm Luật Dân sự

Luật Dân sự là ngành luật độc lập trong hệ thống Pháp luật Việt Nam gồm tổng thể các quy phạm Pháp luật điều chỉnh các nhóm quan hệ tài sản hoặc quan hệ nhân thân phát sinh giữa các cá nhân hoặc giữa cá nhân và tổ chức trong quá trình sinh hoạt, phân phối lưu thông, tiêu dùng.

1.2.Đối tượng điều chỉnh của Luật Dân sự

Là những quan hệ tài sản và các quan hệ nhân thân phát sinh trong quá trình sản xuất, phân phối, lưu thông, tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa nhằm thỏa mãn nhu cầu hàng ngày của các thành viên trong xã hội.

Quan hệ tài sản là quan hệ giữa người với người thông qua tài sản dưới dạng tư liệu sản xuất, tư liệu tiêu dùng và cả dịch vụ. Chủ thể của các quan hệ này có thể là cá nhân hoặc tổ chức.

Quan hệ nhân thân là những quan hệ gắn liền với một chủ thể nhất định, phát sinh từ một giá trị tinh thần. Quan hệ nhân thân được chia thành 2 nhóm:

-Quan hệ nhân thân không liên quan đến tài sản như: tên gọi, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân hoặc tổ chức.

-Quan hệ nhân thân có liên quan đến tài sản. Các quan hệ này là tiền đề phát sinh các quan hệ về tài sản như quyền tác giả các tác phẩm văn học, nghệ thuật, các đối tượng sở hữu công nghiệp như các sáng chế phát minh, kiểu dáng công nghiệp.

Phương pháp điều chỉnh của Luật Dân sự

Là phương pháp thỏa thuận và bình đẳng giữa các bên trong khuôn khổ quy định của Pháp luật.

Phương pháp điều chỉnh luật dân sự có đặc điểm:

-Các chủ thể khi tham gia các quan hệ Pháp luật dân sự được bảo đảm sự bình đẳng về mặt pháp lý.

-Các bên đều bình đẳng trong việc hưởng quyền và gánh chịu các nghĩa
vụ.

-Bình đẳng giữa các bên về trách nhiệm trong trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, đầy đủ các nghĩa vụ.

-Các chủ thể khi tham gia các quan hệ Pháp luật dân sự đều có quyền tự định đoạt.

-Các bên tự thỏa thuận về trách nhiệm trong các quan hệ Pháp luật.

2.Chế định về quyền sở hữu

Khái niệm quyền sở hữu

Quyền sở hữu là tổng hợp các quy phạm Pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực chiếm hữu, sử dụng và định đoạt các tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng.

Quyền sở hữu bao gồm các quyền năng của chủ sở hữu đối với tài sản của mình. Đó là:

-Quyền chiếm hữu: là quyền kiểm soát và chiếm giữ vật trên thực tế. Việc chiếm hữu có thể được thực hiện bởi chủ sở hữu tài sản hoặc người được chủ sở hữu chuyển giao hay do Pháp luật quy định.

-Quyền sử dụng: Là quyền khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức từ vật. Việc sử dụng có thể được thực hiện bởi chủ sở hữu tài sản hoặc người được chủ sở hữu chuyển giao quyền sử dụng hay do Pháp luật quy định.

-Quyền định đoạt : Là quyền quyết định số phận pháp lý và số phận thực tế của vật. Chủ sở hữu tài vật có quyền bán, cho tặng hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác với tài vật nhưng phải có năng lực hành vi dân sự theo quy định Pháp luật.

Chủ sở hữu có thể là cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác có đầy đủ 3 quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt.

Tài sản sở hữu có thể là động sản, bất động sản, các giấy tờ trị giá bằng tiền và các quyền tài sản.

Nước ta có nhiều hình thức sở hữu: Sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu hỗn hợp, sở hữu chung và sở hữu của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp. Mỗi hình thức sở hữu có chế độ pháp lý khác nhau.

Căn cứ xác lập và chấm dứt quyền sở hữu

Các căn cứ xác lập quyền sở hữu

-Do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp.

-Thu hoa lợi, lợi tức.

-Được chuyển giao quyền sở hữu theo thỏa thuận hoặc quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

-Vật tạo thành do sáp nhập, trộn lẫn, chế biến.

-Thừa kế tài sản.

-Chiếm hữu đối với vật vô chủ, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, chôn dấu... theo quy định của Pháp luật.

-Các trường hợp khác theo luật định.

Các căn cứ chấm dứt quyền sở hữu

-Chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu của mình cho người khác.

-Chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu.

-Tài sản bị tiêu hủy.

-Tài sản bị trưng mua.

-Tài sản bị tịch thu.

-Tài sản bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu.

-Vật bị đánh rơi, bị thất lạc, bị bỏ quên mà người khác đã xác lập quyền sở hữu do Pháp luật quy định.

-Các trường hợp khác theo luật định.

3.Chế định về quyền thừa kế

Khái niệm quyền thừa kế

Thừa kế là việc chuyển dịch tài sản (gọi là di sản) của người chết (gọi là người để lại di sản) cho người, tổ chức khác (gọi là người thừa kế) theo di chúc hoặc theo quy định của Pháp luật.

Quyền thừa kế là tổng hợp các quy phạm Pháp luật về thừa kế, quy định về việc bảo vệ và điều chỉnh trình tự dịch chuyển tài sản và quyền tài sản của người chết cho người sống.

Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết và phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác, quyền về tài sản và nghĩa vụ về tài sản của người chết.

Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người để lại tài sản chết.

Cá nhân thừa kế là cá nhân còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.

Tổ chức thừa kế là tổ chức này phải còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Những người không được quyền hưởng di sản thừa kế thuộc một trong các trường hợp sau :

-Người bị kết án có hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người đó.

-Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản.

-Người bị kết án có hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng.

-Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn trở việc lập di chúc, giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

-Các trường hợp trên vẫn được thừa kế, nếu người để lại di sản qua di chúc vẫn cho người bị tước quyền thừa kế hưởng di sản.

Các hình thức thừa kế

Có 2 hình thức thừa kế là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo Pháp luật.

Thừa kế theo di chúc

Thừa kế theo di chúc là việc chuyển dịch di sản của người chết cho người còn sống hoặc tổ chức theo sự định đoạt của người này lúc còn sống.

Hình thức di chúc: Di chúc có thể lập bằng văn bản hoặc di chúc miệng. Di chúc bằng văn bản được thể hiện dưới các hình thức:
-Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng: Trường hợp này người lập di chúc phải tự tay viết và ký vào bản di chúc trong đó có ghi rõ ngày tháng năm lập di chúc, họ tên, nơi cư trú của người lập di chúc, họ tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản, các di sản được hưởng, nghĩa vụ người hưởng di chúc phải thực hiện (nếu có).

-Di chúc bằng văn bản có người làm chứng: Trường hợp người để lại di sản có thể tự mình viết di chúc hoặc nhờ người khác viết nhưng phải có ít nhất hai người làm chứng. Người làm chứng phải là người không có quyền và nghĩa vụ liên quan đến di sản thừa kế.

-Di chúc bằng văn bản có chứng thực của cơ quan Nhà nước: Người muốn lập di chúc cũng có thể đến UBND xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan Công chứng để nêu yêu cầu cần lập di chúc.

-Di chúc miệng: Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng trước ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.

Sau 3 tháng kể từ ngày lập di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống thì nội dung di chúc miệng không còn giá trị.

Thừa kế theo Pháp luật

Thừa kế theo Pháp luật là trường hợp chuyển dịch di sản cho các thừa kế là cá nhân theo quy định của Pháp luật.

Áp dụng khi tài sản (hoặc phần tài sản) không có di chúc, di chúc không hợp pháp, những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản, tổ chức, cơ quan được hưởng di sản theo di chúc nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế; những người được chỉ định thừa kế theo di chúc mà từ chối hưởng di sản hoặc không có quyền hưởng di sản.

Những người được thừa kế gọi là diện thừa kế. Diện thừa kế được xếp vào các hàng thừa kế theo thứ tự 1, 2, 3. Những người trong cùng một hàng được hưởng phần thừa kế bằng nhau. Những người thừa kế ở hàng sau chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước.

Hàng và diện hưởng thừa kế:

-Hàng thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha ruột, mẹ ruột, cha nuôi, mẹ nuôi, con ruột, con nuôi của người chết.

-Hàng thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh chị em ruột của người chết.

-Hàng thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột và cháu ruột của người chết.

Thừa kế thế vị: Trường hợp con của người để lại di sản chết trước người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

TÓM LƯỢC

1.Luật Dân sự là ngành luật gồm tổng thể các quy phạm Pháp luật điều chỉnh các nhóm quan hệ tài sản hoặc quan hệ nhân thân phi tài sản.

2.Đối tượng điều chỉnh của Luật Dân sự là những quan hệ tài sản và các quan hệ nhân thân phát sinh trong quá trình sản xuất, phân phối, lưu thông, tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa nhằm thỏa mãn nhu cầu hàng ngày của các thành viên trong xã hội.

3.Phương pháp điều chỉnh của Luật Dân sự là phương pháp thỏa thuận và bình đẳng giữa các bên trong khuôn khổ quy định của Pháp luật.

4. Quyền sở hữu là tổng hợp các quy phạm Pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực chiếm hữu, sử dụng và định đoạt các tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng.

5. Quyền sở hữu bao gồm các quyền năng:

- Quyền chiếm hữu: là quyền kiểm soát và chiếm giữ vật trên thực tế.

- Quyền sử dụng: Là quyền khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức từ vật

- Quyền định đoạt: Là quyền quyết định số phận pháp lý và số phận thực tế của vật.

6. Quyền thừa kế là tổng hợp các quy phạm Pháp luật về thừa kế, quy định về việc bảo vệ và điều chỉnh trình tự dịch chuyển tài sản và quyền tài sản của người chết cho người sống.

7. Có 2 hình thức thừa kế: thừa kế theo di chúc và thừa kế theo Pháp
luật.

CÂU HỎI TỰ LUẬN

1. Có trường nào trong quan hệ dân sự một bên chủ thể có quyền mà không phải thực hiện nghĩa vụ không ? Cho ví duï.

2. Người không có quyền sở hữu tài sản thì có quyền chiếm hữu và sử dụng tài sản không?

3. Một người có quyền sở hữu tài sản do chiếm hữu ngay tình, công khai, liên tục theo điều 255 của BLDS. Nếu chủ sở hữu tài sản trước đó biết được có quyền đòi lại tài sản đó không?

4. Một người chết để lại nhiều di chúc hợp pháp khác nhau như: chúc thư, di chúc có công chứng, di chúc có người làm chứng nhưng không có xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền… theo bạn di chúc nào sẽ được áp dụng?

5. Thừa kế theo Pháp luật, có trường hợp nào người ở hàng thừa kế sau (hàng thứ hai) cùng được hưởng thừa kế với người ở hàng thừa kế trước (hàng thứ nhất) không?



CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM

1. Các quan hệ nào sau đây là đối tượng điều chỉnh của luật dân sự?

a. Quan hệ tài sản phát sinh trong sản xuất, tiêu dùng giữa cá nhân với cánhân.

b. Quan hệ liên quan đến danh dự, nhân phẩm phát sinh giữa các chủ thể với nhau.

c. Quan hệ giữa tác giả với tác phẩm của họ.

d. Tất cả đều đúng.

2. Các trường hợp chiếm hữu nào sau đây là chiếm hữu bất hợp
pháp?

a. Chiếm hữu của chủ sở hữu vật.

b. Chiếm hữu vật đánh rơi không khai báo.

c. Chiếm hữu do chủ sở hữu vật uỷ quyền.

d. Chiếm hữu thông qua việc thuê vật của chủ sở hữu.

3. Các trường hợp quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu bị hạn
chế:

a. Bán cổ vật thuộc sở hữu của chủ sở hữu.

b. Bán vật thuộc sở hữu của chủ sở hữu đang thế chấp.

c. Bán vật thuộc sở hữu của chủ sở hữu bị hư hỏng.

d. b và c đều đúng.

4. Một người lập nhiều di chúc hợp pháp với các hình thức khác nhau, di chúc nào có giá trị áp dụng trong trường hợp người lập di chúc chết ngày 01/01/2005?

a. Di chúc bằng lời nói lập ngày 20/12/2004.

b. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng lập ngày 20/10/2004.

c. Di chúc bằng văn bản có công chứng nhà nước lập ngày 20/08/2004.

d. Di chúc bằng văn bản viết tay lập ngày 20/05/2004.

5. Hàng thừa kế thứ nhất theo quy định pháp luật về thừa kế:

a. Con nuôi của người chết.

b. Vợ của người chết.

c. Em ruột của người chết.

d. a và b đều đúng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net