Mở đầu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Với rất nhiều người, nước Nhật đẹp nhất là hoa anh đào hồng rất mịn và trắng như mây trong một mùa xuân đầy. Là núi Phú Sĩ quanh năm kiêu hãnh cao và rải tràn tuyết. Là Okinawa xanh ngắt biển, ấm nắng vàng và dịu dàng sóng với cát. Là Hokkaido bạt ngàn hoa của những cánh đồng thơm đến mê mẩn. Là những suối nước nóng khắp đất nước núi lửa đã ngâm người xuống là vạn sự mệt mỏi biến tan theo bọt. Là Kyoto cổ kính và trữ tình mùa phong đỏ lá, là Osaka đêm náo nhiệt rực rỡ đèn, và Tokyo ngày đông đúc sầm uất phố...
Nhưng nước Nhật đẹp nhất của tôi chính là người Nhật. Họ là người Nhật, là cốt lõi tạo nên một Nhật Bản với nhiều điểm riêng biệt, độc đáo, tự tôn, tự trọng bà duy mỹ đến mỹ cực. Người Nhật vừa mâu thuẫn vừa thống nhất như đất nước đó là hai đường song song chạy dọc: giữa đậm đặc truyền thống cổ xưa với đông kín của náo nhiệt hiện đại. Giữa hai thế giới tũnh lặng tinh khiết sâu thẳm với không gian phát triển thần kì, siêu tốc và nổi bật.
Những mùa được sống ở đây, tôi cảm nhận rõ nét là đang ở chính giữa năm tháng và sống sâu giữa sự sống và nhiều sự sống.
Nước Nhật của tôi, là người đàn ông công sở, một đêm muộn nôn trong tàu, một màu đỏ của rượu vang, tàu chạy, đến đoạn chuyển tay thì lắc, dòng nôn chảy dọc mệt nhọc. Nhưng khi tàu vừa dừng,là những con người hốt hoảng vội vã chạy... đi tìm anh nhân viên nhà ga để xin trợ giúp."Xin hãy giúp nhan ấy, anh ấy đã quá mệt rồi" - đó là điều mà những người xa lạ nói với nhau, về một người say.
Là một người đàn ông vô gia cư cứ ngơ ngác lang thang, đầu nghễng ngãng, tai cứ dỏng lên nghe ngóng, nói không câu gì rõ chữ, lúc nào cũng chỉ có một bộ quần áo cũ đã bẩn, mặt mọc rậm râu, trông như người rừng bị lạc trong đám đông vội vã của nhà ga, mà chẳng một ai đi qua soi mói nói cười kì thị. Vì ai xũng đều là con người - đó chính là một sự bình đẳng.
Là người đọc báo say sưa trong giờ nghỉ giải lao giữa ca làm, lật từng trang bằng mấy ngón tay nhăn nheo vì ngâm nước nhiều tiếng đồng hồ liên tục, là người thu ngân với đôi tay rát khô chảy máu của mùa đông căm rét, vẫn đếm vuốt từng tờ tiền phẳng phiu cười tươi chào và cúi đầu tạm biệt. Là người mặc chiếu áo len màu ghi đã xước sờn đứng run run với chiếc máy ảnh nhỏ cũ để quay lại cảnh đoàn tàu đang lăn bánh và cảnh từ cửa sổ kính... vì yêu thích, thích một con tàu mà ngày nào cũng thể trông thấy, chỉ vậy thôi. Là người đầu bếp trẻ giấu mô hình nhỏ của siêu nhân trên kệ bếp, lâu lâu ngó lên để thư giãn. Là đôi vờ chồng già hờn dỗi trên vỉa hè như đôi tình nhân trẻ. Là người đàn ông béo uống thuốc rồi nhấm nháp một que kem xoài trong cửa hàng tuện lợi như một đứa trẻ. Là người lặng lẽ gắp rác trên đường sáng sớm. Là vị chính trị gia cúi đầu chào người dân giữa trưa nắng rất nắng ở trước cửa nhà ga để mong một sự ủng hộ bầu cử. Là người đàn ông xa lạ đứng phát bịt mắt như tặng một món quà cho hành khách cùng đi chung chuyến tàu xa đêm. Là anh cảnh sát đạp xe đạp và đi qua nhắc nhở hãy đi đường cẩn thận nhé như một lời quan tâm. Là bà cụ không quen không biết, cùng dừng chung đèn đỏ rồi thông báo trời sẽ sắp mưa, còn trẻ hãy chú ý sức khoẻ, là ông già chơi sudokuthong thả trên tàu. Là hai mẹ con nhà nọ ngồi ngoắc tay nhau chơi trò cua mẹ cua con. Là nghệ sĩ đường phố đánh chiêng trên chiếc xe đạp, là cậu thanh niên ăn rón rén trên tàu dù rất đói nhưng vẫn không muốn làm phiền đến ai...
  Đó là những người Nhật không tên, mà trong đó có những người có khi cả đời tôi chỉ gặp một lần duy nhất. Và cả những người Nhật, tôi lưu tên họ thật đậm trong trí nhớ của mình. Như Giáo sư Tomita và Phó giáo sư Shimizu của Đại học Osaka vài chục năm trời ay mê với tiếng Việt, tiếng các dân tộc Việt, bao nhiêu chuyến lên bản sống trong làng để nghiên cứu khám phá sự giàu đẹp của ngôn ngữ Việt, và tiếp tục lan truyền tình yêu đó đến thế hệ những người Nhật trẻ yêu Việt Nam, trước hết từ ngôn ngữ.

  Như cựu Thủ tướng Nhật Bản Murayama, thủ tướng Nhật Bản đầu tiên đến thăm Việt Nam năm 1994 mà hơn hai chục sau đó tôi có cơ hội phỏng vấn tại tư gia. Bao nhiêu năm rồi, cho đến khi đã 92 tuổi, ngài vẫn giữ nguyên lòng tin "Việt Nam nhất định là trung tâm của ASEAN!"
  Như những người Nhật mà tôi gặp trong toà nhà Quốc hội ở cuộc họp nội bộ đặc biệt trước sự kiện thường niên Festival Việt Nam - lễ hội quảng bá văn hoá Việt Nam được tổ chức tại Tokyo, họ bao gồm các vị nghịc sĩ, giám đốc cty truyền thông, đại diện các tổ chức, nhà báo,... Họ tranh thủ sau giờ làm để họp chung với nhau, từ 6h tối đến gần 9h tối. Hơn 20 người cho mỗi lần họp, họ ăn tối lúc nào để tâm huyết, dốc sức bàn bạc cho lễ hội quảng bá vănh hoá một đất nước khác? Tôi không biết nữa. Tôi nhớ nghị sĩ Aoyagi đã vắt tay tôi và khiêm nhường nói,"Xin hãy giúp đỡ, xin cùng dốc lòng cho sự kiện. Vì Việt Nam! Xin cảm ơn!"
  Như hoà thượng Daichi của ngôi chùa Nisshinkutsu, hiền như một ông tiên, mỗi lần, mỗi lần gặp tôi đều xoa đầu và cười hóm hỉnh. Ngôi chùa đó đã giúp những sinh viên Việt Nam có nơi trú nghỉ trong trận động đất sóng thần kinh hoàng nước Nhật không thể quên năm 2011.
  Như sự lạnh lùng nét mặt nhưng ấm áp tấm lòng của ông Kamata, người thuộc tổ chức Hữu nghị Hoà bình Nhật Việt, tổ chức phi chính phủ của Nhật 16 năm qua miệt mài gây quỹ từ thiện, cây dựng trung tâm phục hồi chức năng cho người tàn tật ở Việt Nam, giúp đỡ nạn nhân chất độc chiến tranh, bảo trợ học bổng cho trẻ em miền núi, và tổ chức những hoạt động giao lưu, biểu diễn, quảng bá văn hoá truyền thống ở hai nước.
  Là anh Terada, chàng trai trẻ sang Việt Nam tình nguyện ở Hoà Bình, sống cùng nông dân, học tiếng Việt và đam mê với thứ tiếng khó này, để rồi trở thành một thầy giáo dạy tiếng Việt cho người Nhật, là phóng viên ban tiếng Việt của đài truyền hình quốc gia NHK.
  Là chị Mika, chị Ayaka, tiến sĩ và thạc sĩ chuyên ngành ngôn ngữ tiếng Việt, tha thiết với Việt Nam từ ẩm thực đến quốc phục.
  Là bố Sekine của tôi. Bố nuôi của tôi. Người đàn ông sẵn sàng lấy khăn giấy lau những bãi nôn vì say xe của tôi trên nền đường, một cách nhẫn nại, yêu thương. Lau sạch sẽ vì lòng lịch sự của một người Nhật điển hình.
  Suy cho cùng, điều đặc biệt nhất của cuộc đời, chính là con người. Vì "Nhật Bản là một kì quan thế giới"(Darwin) nên người Nhật chính họ cũng là kì quan thế giới. Một kì quan rất Con Người. Tôi đã có cơ hội sống giữa kì quan đó, và đã "học" được rất nhiều. Một khi "học" được nhiều thì khao khát sẻ chia cũng lớn. Đó là lí do tôi viết quyển sách này.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net