(P1) Chương 2 - #3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CHƯƠNG 2: ĐỪNG COI TÔI LÀ ĐỨA TRẺ CHÙI ĐÍT KHÔNG SẠCH

#3

   Tôi trở lại hàng hoa quả, một cô béo phục phịch đang mua nho thuỷ tinh. Cô béo mua xong đi mất, tôi ngồi phịch xuống cái ghế đẩu. Cô Hạ quan tâm gói: "Đỡ chút nào chưa? Có cần đi khám không?". Tôi lắc đầu, cố ghìm sự tủi thân đang dần đầy lên trong lòng. Thái độ ân cần nhẹ nhàng của cô Hạ làm tôi nhớ đến mẹ. Mẹ tôi xinh hơn cô Hạ nhiều, nhưng lúc này đây tôi thấy cô Hạ cũng rất xinh. Tôi chỉ chực khóc!

   Lã Tam đeo một cái kính râm to bự khấp khểnh đi đến. Lã Tam gầy như cái que phơi quần áo, mụn đỏ trên mặt còn nhiều hơn trứng cá của cả tôi lẫn Vi Vi cộng lại, trông giống như thanh niên mới lớn hoóc-môn tiết ra quá nhiều. Thật ra ông ta đã qua tuổi 40 mấy năm rồi, và hiện là bố của một cặp chị em song sinh xinh đẹp. Nhân trung giữa mặt ông ta sâu như dao khắc. Lã Tam cười để lộ hai khoé miệng như hai vết sẹo cứa sâu, lúc nào cũng chuẩn bị cứa bạn vài đường.

   Lã Tam cười híp mắt đi đến bên cạnh quầy, tiện tay bứt một quả nho tím to như quả nhãn vứt tọt vào mồm. Ông ta nhổ hết vỏ nhổ đến hạt, sau đó quay ra nói với cô Hạ: "Buôn bán thế nào?". Cô Hạ nói: "Thì cũng thế. Kiếm miếng cơm ăn. Sao bì với Lã Tam ông được?". Lã Tam nói: "Đều vì miếng cơm cả, đều vì miếng cơm cả!". Cô Hạ nói: "Anh phát lương thực mà, có gì tốt nhớ đừng quên chị Hạ này nhé!". Lã Tam nói: "Quên là quên thế nào, không quên được". Rồi đột nhiên Lã Tam hạ thấp giọng thì thầm: "Hàng lần trước bán thế nào?"

   Lã Tam là vua hoa quả nổi tiếng ở Yên Thuỷ này. Ông ta quen biết rộng, lần trước nhập một nửa tàu loại xoài vỏ mỏng ở Quảng Tây về, cô Hạ lấy thử hai hòm, ai ngờ được, chớp mắt đã bán hết veo. Vì chuyện này, cô Hạ hối hận không ít, bỗng dưng vứt đi cơ hội phát tài nhỏ. Cô Hạ nói: "Dạo này có hàng nào hay không?". Lã Tam nói: "Dưa hấu không hạt Hải Nam, hai ngày nữa hàng về. Chị Hạ thẳng thắn, nhanh nhẹn, hào phóng, lộ trước cho chị biết, lấy bao nhiêu tuỳ ý chị". Cô Hạ nói: "Lấy tạm ba thùng". Lã Tam nói: "Ít thế thôi à? Đây là cơ hội kiếm tiền đấy!". Cô Hạ nói: "Chúng tôi làm ăn nhỏ, lỗ cái chết. Chẳng may không bán đi được, lỗ cả chì lẫn chài thì hỏng. Ăn miếng nào biết miếng đấy thì làm sao có thể làm một ngày ăn cả đời được!". Lã Tam cười, lại ngắt thêm quả nho nữa, vừa nhổ vỏ với hạt vừa nói: "Nói chị Hạ khôn, chị còn khôn hơn quỷ, cẩn thận lái tàu, trăm năm không đắm chẳng sai đi đâu cả".

   Lã Tam lại đeo cái kính râm to bự khấp khểnh đi về phía quán trà Tả Ngạn phía trước. Bước chân của Lã Tam không dài, đít nhô lên hạ xuống. Đây chính là kiểu đi điển hình đang rất thịnh hành của những người sắp thành ông chủ ở khắp các thành phố Trung Quốc bấy giờ. Nếu như cắp thêm cái cặp da đen ở nách nữa thì càng giống. Kiểu đi này luôn làm người ta có cảm giác bay bổng, đê mê, cao hơn người, bành trướng bản thân. Nghe nói kiểu đi này cùng với sự mở cửa của Trung Quốc, đã được các tư bản gia Đài Loan và Hồng Kông đem vào. Trải qua mười mấy năm phổ cập và phát triển, nó đã trở thành bài học vỡ lòng cho những người chuẩn bị gia nhập hàng ngũ các tư bản gia. Nhìn Lã Tam đang say sưa nhấp nhô mông đi vào quán trà Tả Ngạn, tôi thấy dạ dày lộn ngược buồn nôn. Tôi ba tuổi đi nhà trẻ, mười mấy năm đèn sách không phải là công không. Nội dung trọng tâm thầy cô giáo giảng thường gắn liền với hai từ "tố giác" và "phê phán". Hai từ này làm tôi từ nhỏ đã hiểu địa chủ và tư bản đều không phải thứ tốt đẹp gì. Sự căm thù của tôi với chúng càng ngày càng tăng, cài sâu rễ cọc. Không ngờ rằng cô Hạ cũng tâm đầu ý hợp với tôi. Cô Hạ nhìn về phía lưng của Lã Tam, nhổ toẹt một bãi đờm, nghiến răng nói: "Toẹt! Đồ khốn!". Rõ ràng nhận thức chính trị của cô Hạ cao hơn tôi hẳn một bậc, cô không những cho rằng Lã Tam là đồ chẳng ra gì, thậm chí còn cho rằng Lã Tam chẳng là đồ gì cả. Tôi học cách của cô Hạ, cũng mắng đế: "Đồ khốn". Cô Hạ nói: "Mày chửi nó làm gì?" Tôi nói: "Cô chửi thì cháu cũng chửi". Cô Hạ cười vỗ vai tôi, nụ cười vừa rạng rỡ vừa như được an ủi, cô nói: "Mày lớn hơn Vi Vi nhiều. Cái thằng quỷ sứ đấy có ngày nào không làm cô lo cơ chứ? Giống hệt thằng bố chết tiệt của nó".

   Tôi đã nhìn thấy bố của Vi Vi. Bố của nó quả đúng là ông bố chết tiệt, không chệch đi đâu. Bố nó trốn trong cái khung ảnh đen, khung ảnh đó được đặt ở nơi trang trọng nhất trong phòng khách nhà cô Hạ. Bố nó nhìn qua còn rất trẻ, trông như Vi Vi mười mấy năm về sau, mày rậm mắt nhỏ, khi cười lộ ra hàm răng trắng như sứ đúc. Ông bố nó mất năm 35 tuổi, xe chở than đè bố nó bẹp dúm như bánh kẹp thịt, năm đó Vi Vi sáu tuổi, cô Hạ vẫn còn là công nhân nữ tuyến một của xưởng dệt khăn mặt Thành Nam. Từ đó cô Hạ và Vi Vi sống dựa vào nhau. Cũng có người giới thiệu cho cô Hạ, nhưng với điều kiện của cô, những người được giới thiệu phần đông cũng cùng hoàn cảnh cả, cô Hạ nhất loạt từ chối. Lý do cô đưa ra là cô không muốn làm mẹ kế của người khác, cũng không muốn người khác làm cha dượng của Vi Vi. Bản thân cô cũng có cha dượng cô hiểu nỗi khổ đó.

   Cô Hạ không bao giờ kể về tuổi thơ lãng mạn nhưng cũng đầy vất vả của cô. Điểm này hoàn toàn trái ngược với bố mẹ tôi. Bố mẹ tôi lúc nào cũng so sánh kể lể chỉ với một mục đích duy nhất, cho tôi hiểu rằng cuộc sống của tôi bây giờ hoàn mỹ và sung sướng biết bao, rằng tôi nên trân trọng, gắng học tập, phấn đấu để thành người có ích. Bố tôi kể khi ông còn nhỏ bụng đói, phải đi bảy tám cây số đường núi để đi nhặt (mà tôi ngờ là đi trộm) khoai lang ăn, mẹ tôi kể khi bà còn nhỏ ngày nào cũng phải lên núi nhặt củi, chỉ vì một cành củi nhỏ mà bị những đứa trẻ khác bắt nạt; bố tôi nói, ngày bé bố cùng bà nội đi bán nước mát dạo, một xu một cốc, cả ngày kiếm được một xu tiền lãi đã sướng rơn như nhặt được cả cục vàng; mẹ tôi kể ngày bé bà phải đi đào rau dại như đi đào mìn, quỳ bên ruộng, đầu cúi gầm để tìm những cọng rau chỉ cần ăn vào không chết người để chống đói. Họ nói suốt ngày, chỉ tiếc không đạt được hiệu quả như mong muốn. Tôi vẫn hết sức ngưỡng mộ cái thời kỳ tự do rực lửa ấy. Về sau tôi có may mắn được xem bộ phim "Những ngày nắng rạng" của đạo diễn Khương Văn thì nỗi khát khao trở về thời kỳ ấy của tôi càng thêm mãnh liệt. Tôi không thể hiểu được tại sao lại vẫn có người coi những năm sục sôi ấy là một cơn ác mộng? Rốt cuộc là bố mẹ hay Khương Văn lừa gạt tôi, hay những người đang mơ những giấc mơ hãi hùng lừa gạt tôi?

   Cô Hạ không bao giờ làm tôi phải băn khoăn như thế. Cô rất kỵ nhắc đến tuổi thơ của cô, cô chỉ kể về cuộc phấn đấu của hai mẹ goá con côi là cô và Vi Vi. Năm Vi Vi sáu tuổi, cô bị xưởng dệt khăn mặt đuổi về hưu sớm, lý do là cô đã thành một vật thừa, chỉ làm ảnh hưởng đến sản xuất của xưởng mà thôi. Cô Hạ nói: "Đấy mày xem, kết cục của các chị em công nhân vô sản là thế đấy". Tôi ầm ừ gật đại, chỉ muốn hợp tác một chút để cô Hạ tiếp tục câu chuyện của mình. Cô Hạ sau khi bị xưởng đuổi chỉ muốn nhảy xuống sông Yên Thuỷ chết đi cho xong, nhưng lại thương Vi Vi còn nhỏ, Cô đành ngậm đắng nuốt cay, cắn chặt răng cố gắng cho đến tận bây giờ. Cô trở thành hộ cá thể buôn bán nhỏ. Lúc đó hộ cá thể bị coi là công dân hạng hai của xã hội, không ai tôn trọng, cũng không ai thèm quan tâm giúp đỡ. Cô đã từng bán rượu ngoại, thuốc lá ngoại, bán trứng gà nhà, bán đĩa lậu, nếu không phải của nợ Vi Vi vướng chân vướng tay, có thể cô đã là bà triệu phú lâu rồi, một năm kiếm tầm năm sáu trăm nghìn tệ chỉ là chuyện nhỏ.

   Tôi cực kỳ khâm phục cô Hạ. Tôi một thân một mình xông pha chưa đến một tháng mà đã bụng đói cật rét, gần như tuyệt vọng rồi, thế mà cô Hạ hai bàn tay trắng lại thêm một đứa con nhỏ nhưng vẫn tạo dựng nên cơ ngơi của riêng mình. Mặc dù cô chẳng qua chỉ là một bà bán hoa quả ven đường, nhưng cô mua được nhà, mua được ấm no cho hai mẹ con. Điều này không biết có gợi cho những người cả ngày chỉ biết ngồi phòng lạnh hưởng lương nhà nước, ăn uống chơi bời, không làm việc gì, chút suy nghĩ nào không? Tôi nói: "Cô Hạ, cô đúng là một nữ hào kiệt! Cháu cũng sẽ học cô, cố gắng phấn đấu tự thân lập nghiệp", Cô Hạ cười vang, vỗ lưng tôi nói: "Mồm mày đúng là bôi mật ong! Nói cứ ngọt như đường. Mày về sau nhất định sẽ thành công cháu ạ. Vi Vi thì chán lắm. Thằng ranh tính ngang như cua, có vào ngõ cụt cũng nhất định không thèm quay đầu lại, không tài nào yên tâm được".

Cô Hạ làm gì cũng không quên nhắc đến thằng con trai cưng, nghe qua cũng thấy cô coi Vi Vi như hòn ngọc của mình. Thằng ranh Vi Vi đúng là sướng không biết đường sướng, chỉ thích làm phản. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi cũng có khác gì Vi Vi đâu? Tôi không dám nghĩ tiếp nữa. Tôi không muốn người khác lo lắng cho mình, việc của tôi, tôi muốn tự quyết định lấy.

Vi Vi đối xử với tôi lịch sự hơn nhiều rồi, đấy là vì tôi nắm được đuôi của nó. Tôi mãi không có thời gian lắp cái khoá ở cửa, hoặc trong thâm tâm tôi chưa bao giờ định làm thế cả. Vì thế cửa phòng tầng hầm có cũng như không. Vi Vi dăm bữa nửa tháng lại xách chai bia mò xuống. Đầu tiên nó cầm một bình, một khoảng thời gian sau là hai, một bình cho nó, còn một cho tôi. Tôi hỏi: "Mày thích uống bia thế à?". Không ngờ câu trả lời của Vi Vi là: "Chẳng thích tí nào. Y như nước đái ngựa". Tôi nói: "Thế mà mày còn uống? Giống hệt thẳng bợm rượu". Vi Vi cười khì khì: "Tao cứ uống. Thì làm sao? Tao thích thế!".

Tôi thấy thật ra mình thích Vi Vi xuống dưới đây. Nói thật tôi rất sợ ngồi một mình trong cái lỗ chuột này. Tôi không mở miệng, cả phòng yên tĩnh như một cái vực không đáy hút hết mọi thứ vào trong, còn tôi giống như một mảnh giấy rách, lờ đờ rơi tự do, nhưng rơi mãi, rơi mãi vẫn không chạm đến đáy, cứ xoay tròn, xoay tròn bay mãi. Đây là một trạng thái rất đáng sợ, tôi nếm thấy một vị có tên là cô đơn. Cô đơn làm người ta phát điên. Thế nên khi Vi Vi xuống đây, tôi mặt thì giả vờ không vui, nhưng trong lòng vui như mở cờ.

Hôm đó nửa đêm Vi Vi lại mò xuống.

Tôi nói: "Mày sao cứ như mấy con hồ ly tinh với ma nữ trong Liêu Trai ấy, chỉ chuyên đến lúc nửa đêm đèn tắt?"

   Vi Vi chỉ tay vào cái đèn 12W nói: "Đèn đã tắt đâu, vẫn sáng ở đấy thôi". Tôi lạnh lùng nói: "Sắp rồi. Tao chuẩn bị cho nó tắt bây giờ".

   Vi Vi nói: "Thế sao được! Tao là hồ ly tinh với ma nữ đấy, mày sợ không?". Tôi lườm nó một cái, nói: "Chỉ tiếc mày là giống đực. Trong truyện truyền thuyết ma quỷ Liêu Trai toàn là hồ ly cái nửa đêm thanh vắng đến dụ dỗ tú tài nghèo thôi. Mày không phải hồ ly cái, tao cũng không phải tú tài nghèo. Mà cho dù mày là hồ ly cái đi, tao vẫn không phải là tú tài nghèo. Sợ gì?"

   "Thế mày là gì?". Nó hỏi.

   "Tao là đạo sĩ núi Lao Sơn". Tôi vênh mặt nói, "chuyên trị hồ ly tinh".

   Vi Vi khì khì bật cười, lại lần nữa lộ ra hàm răng trắng muốt hút lấy cái nhìn của tôi, nhen nhóm lên mầm lửa ghen tị từ trong sâu thẳm. Vi Vi nói: "Mày cũng hài hước gớm nhỉ". Nó ngồi xuống mép giường. Khoảng thời gian gần đây, nó lần nào đến cũng ngồi ngả ngốn trên cái giường quân dụng của tôi. Lần này thì càng được đằng chân lân đằng đầu, nhấc cả cái chân bẩn lên giường.

   Tôi nói: "Ê ê ê, chú ý cái chân của mày đấy, đừng có mà làm bẩn giường tao".

   Vi Vi không những chẳng thèm nghe lời cảnh cáo của tôi, ngược lại còn vươn dài vai, nhấc nốt cái chân còn lại lên giường. Nó nheo cái mắt bé tí nhìn tôi nói: "Giường nào của mày? Giường này là của tao".

   Tôi nói: "Của mày thì mày khênh về phòng đi. Nếu mày đã đặt ở đây, xin lỗi nhé, nó là của tao".

   "Mày ngang ngược gớm!" Vi Vi nện cả người nó xuống cái giường của tôi. Tôi không làm gì được, đành tức tối lườm cái hình hoạ báo minh tinh cũ mèm trên tường, ừ hữ cho qua. Minh tinh trên tờ hoạ báo là Phạm Hiểu Huyên. Phạm Hiểu Huyên đang đội một cái mũ nghịch ngợm màu đen, mặc một cái váy bồng màu xanh da trời, nửa chính nửa tà nhìn tôi mỉm cười.

   "Mày thích Phạm Hiểu Huyên hà?" Vi Vi đột nhiên hỏi. Nó hôm nay không mang theo bia, ai mà biết nó mò xuống đây làm gì? Tốt nhất là lờ nó đi Vi Vi lẩm bẩm một mình: "Phạm Hiếu Huyên cũng được. Tao cũng thích nghe nhạc của Hiểu Huyên".

   "Tao không thích". Tôi tự dưng buột miệng nói. Tất nhiên là tôi thích rồi, nếu không tôi việc gì phải dán hình Hiểu Huyên ngay chỗ dễ nhìn nhất? Tôi thấy tiểu ma nữ này có thể đem lại cho tôi rất nhiều niềm vui. Âm nhạc của Huyên mang trong mình một thứ tiết tấu sôi động, phiêu bồn, phản nghịch. Nhưng tôi nhất định nói là tôi không thích, tôi phải vạch rõ ranh giới với Vi Vi.

   "À......". Vi Vi thở dài, nói: "Mày có ghét tao không?" Tôi hơi giật mình, đang định nói có, nhưng chẳng hiếu tại sao lại không thể thốt ra khỏi miệng. Thật ra Vi Vi không đến nỗi đáng ghét lắm. Ấn tượng của tôi về nó hơi tệ một chút nhưng cũng chưa đến nỗi ghét. Tôi phát hiện chúng tôi có nhiều tính giống nhau, chúng tôi đều là những thanh niên tuổi 16, muốn chứng minh rằng mình đã lớn đến phát điên. Chỉ có điều chúng tôi đều đang lên gân với nhau, tỏ vẻ mình chẳng thua kém thằng nào hết. Tôi quay đầu nhìn Vi Vi.

   Vi Vi nhìn lại tôi, mặt nó lúc này trông thật tội nghiệp. Nó nói: "Tao muốn làm bạn với mày, mày không từ chối chứ?". Tôi đột nhiên cảm thấy có cái gì đó ẩn sâu đằng sau ánh nhìn của Vi Vi, một tia buồn mà lúc bình thường được Vi Vi ngụy trang kín, bị tôi sơ ý bỏ qua. Tôi như nhìn thấu sự yếu ớt, mệt mỏi cắm rễ nơi thế giới nội tâm của Vi Vi. Nó không còn là thằng thanh niên đầu óc đơn giản, tính khí nóng nảy, vô tâm vô tư, nghĩ gì nói nấy nữa. Nó có tâm sự. Những người mang trong mình những suy tư thì làm sao có thể trở nên giản đơn được? Cho dù có giản đơn đi chăng nữa, cũng có thể đơn giản được đến đâu?

   Tôi cuối cùng đã không từ chối. Khi người khác đưa cho bạn một cành ô liu thân thiện, liệu bạn có vứt nó xuống đất quay lưng đi không? Chí ít là tôi không thể. Tôi vẫn là đứa yếu lòng. Tôi nói: "Được thôi". Tôi thấy Vi Vi cười. Lần này ai nói nó giống hồ ly tinh, tôi sẽ tặng ngay cho bông hoa năm ngón!

HẾT CHƯƠNG 2: ĐỪNG COI TÔI LÀ ĐỨA TRẺ CHÙI ĐÍT KHÔNG SẠCH
>> CHƯƠNG 3: NHỮNG ĐỒNG TIỀN XƯƠNG MÁU

LỊCH ĐĂNG TẢI TRÊN WATTPAD
20h thứ 3, thứ 5, thứ 7 hàng tuần.
Cảm ơn bạn đã theo dõi truyện.
____________
Tiểu thuyết: Đom Đóm Nhỏ
Tác giả: Thiên Tử
Người dịch: Hà Nam
Biên tập: Roéus
Được xuất bản lần đầu tại Việt Nam vào năm 2010, nhà xuất bản Dân Trí.
Thể loại: Tiểu thuyết nước ngoài, Tuổi trẻ, Cuộc sống...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net