lời từ biệt quay về phương bắc

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

bản beta đã được update!





 Chẳng hiểu sao dạo gần đây trời Seoul cứ buồn bã lạ thường, mây mù che phủ cả một góc thủ đô. Những năm dạo gần đây, cái lạnh lẽo của mùa đông từ phương bắc bất chợt tràn tới, mà ngay từ đầu Seoul vốn đã được bao phủ bởi những trận bão tuyết dày đặc, lạnh giá thêm một chút thì có gì to tát đâu?

- Mười năm lận á?

Chất giọng trong trẻo cùng một chút nghẹn ở cổ do viên kẹo ngậm của em bất chợt thét lên the thé, cô bạn ngồi đối diện hoảng hồn đưa tay lên suỵt khẽ, vì giờ đang ở trong lớp học, mà lại còn là môn học của thầy chủ nhiệm gắt gỏng nữa mới khổ.

- Ừ, nhưng bé cái miệng thôi! Chủ nhiệm Oh cho bọn mình giờ tự học để hoàn thành bài nghiên cứu chứ không phải để nói chuyện vớ vẩn đâu.

Em ngao ngán lắc đầu:

- Nói chuyện gì chứ? Cậu không thấy đây là câu hỏi trong vấn đề cần nghiên cứu sao?

Haerin xoay đầu bút, ghi ghi chép chép chăm chú gì đó vào trong tập tài liệu dày cui, những trang giấy ngả vàng do ảnh hưởng của thời gian cùng vài vệt ố. Người bạn đồng niên nhìn tờ giấy khó chịu:

- Cậu không lấy giấy khác được à? Bộ nhà cậu thó xấp giấy ấy ở bãi rác hả?

Haerin nhún vai:

- Tôi làm nghiên cứu, cái gì càng mang lại cảm giác hoài cổ, tôi chắc chắn sẽ dùng.

Quay lại vấn đề chính. Khi được phó chủ nhiệm giao cho một bài nghiên cứu về hành vi và tập tính của các loài động vật, nhóm của em bốc thăm trúng loài có tập tính di cư. Vì vậy với vai trò là chủ nhiệm đề tài, Haerin lười nhác chọn chim di trú, thông tin của loài chim này thì nhiều vô kể, thư viện của trường chắc chắn có không ít tư liệu để bọn Haerin bắt đầu mày mò nghiên cứu như những người trưởng thành thật sự.

Lại nói về chim di trú. Hiển nhiên ai cũng biết một điều: loài này cứ đến mùa đông là sẽ lại trốn rét bằng cách bay về phương nam ấm áp. Nhưng trong thế kỷ 20 này, tài liệu của các nhà khoa học nghiên cứu hành vi động vật nổi tiếng tại Hàn Quốc đã từng ghi nhận nhiều trường hợp chim di trú bay ngang qua bầu trời Seoul để trở về phương bắc sau một kỳ nghỉ đông dài.

Cứ độ mười năm một lần, từ năm 1968 đến năm nay, tức năm 1997, đã có ba trường hợp người dân thành thị chứng kiến cảnh một đại đội quân chim di trú, độ tầm hơn một ngàn con sải cánh miệt mài bay về phía bắc. Kỳ lạ là thời tiết của những ngày đó thường âm u ủ dột, như thể đó là một lời tạm biệt thật đau đớn và lưu luyến mãi không nguôi của bầy chim.

Giống như những người con xa xứ. Nghe đến đây, Haerin thản nhiên cắt ngang lời nói cao hứng của bạn mình bằng cách lặp lại lời thảng thốt ban nãy, nhưng giờ đã điềm tĩnh hơn:

- Sao phải là mười năm?

- Tôi không biết, nhưng đó là ngày buồn nhất trong vòng một thập kỷ. Tất cả chúng tôi, những ai biết đến sự tích này đều mặc định rằng đó là một lời giã từ mảnh đất phương nam, là một lời từ biệt quay về phương bắc...

Giọng cô bạn kéo dài, không phải do cô ấy nói không rõ mà là Haerin chẳng chú ý đến những lời phía sau. Bạn cùng lớp biết rõ tính ít nói của em, thậm chí có người còn cho là chút lập dị, thấy chẳng nhận được phản ứng tích cực gì từ Haerin liền bĩu môi đứng dậy kéo ghế rồi bỏ đi một mạch, để lại cô gái bé nhỏ đơn độc ngồi ngay bên cạnh cửa sổ hí hoáy viết ghi chú.

Chăm chỉ như những con chim ấy. Khi nhận ra sự tương đồng hóm hĩnh này, Haerin nửa muốn cười mỉa vì sự tự cao của mình, chốc sau lại thấy bản thân dường như đang mắc bệnh hoang tưởng nên ngậm miệng một cách kín đáo, chỉ có tiếng kẹo nổ vang lên lốp bốp trong miệng.

- Rảnh rỗi sao không kiểm tra miệng lấy bừa điểm đi mà cứ bày biện ra nghiên cứu thuyết trình đủ thứ? Mệt não!

Em hạ giọng mắng thầm hai vị chủ nhiệm lớp, sau đó thở dài gấp sách vở, để nguyên hiện trạng bày bừa trên bàn, đi ra ngoài hóng mát.

Trời nửa thu nửa đông của Seoul cực kỳ khắc nghiệt, dù đang là tháng 11 nhưng ai nấy trong trường cũng ăn bận những chiếc áo khoác lông, áo phao đắt tiền và đủ thứ màu mè nổi bật. Riêng Haerin vẫn cứ cái sơ mi đồng phục, chân váy tối màu, đôi khi còn chẳng thèm diện vest màu lông chuột cho đỡ rét. Từng lớp lông tơ nhỏ xíu của cô bé chốc chốc lại dựng đứng lên sau những đợt gió mùa đưa đẩy thổi qua thổi lại, nhưng chẳng thấy lạnh một chút nào. Cùng vài lọn tóc thổi phất phơ trước gió, Haerin khẽ rùng mình, không phải do mùa đông, mà do cuộc gọi đến rung ầm ĩ trong túi váy, cái điện thoại gập bé tí xíu chỉ bằng lòng bàn tay được đưa lên vội vàng:

- Sao?

- Sao em không bao giờ bớt tỏ vẻ cục mịch, trịch thượng lại được vậy?

Đó là Kim Minji, chị gái của em, cũng là con riêng của người mẹ kế, người vợ sau của bố.

- Chị gọi làm phiền tôi chỉ để nói mấy lời nhạt nhách này hả?

- Nhớ mặc áo ấm. Mẹ sẽ lo đấy.

- Mẹ chị?

Minji qua điện thoại gằn giọng:

- Là mẹ của chúng ta! Đến khi nào em mới gần gũi hơn với mọi người trong gia đình đây?

Ánh nắng nhàn nhạt của buổi chiều năm 1997 bắt đầu phủ đầy lên ngôi trường cấp ba, khu ký túc xá nội trú dành cho nữ sinh. Haerin giữ máy im lặng hồi lâu, đứng đực mặt thẫn thờ trông theo phía chân trời xa xa. Đôi khi Haerin hay chìm vào trạng thái "bất động toàn tập" như thế này, em chẳng còn nghe giọng Minji oang oang bên tai, chốc sau bị cô mắng cho tỉnh người:

- Mày điếc à?

- Tôi không biết.

Minji rất hay đâm ra nổi cáu với Haerin, do cô bé lúc nào thờ ơ với tất cả mọi người xung quanh. Dù Minji có quan tâm đến em bao nhiêu thì đều bị em trả lại bằng những lời nói vô nghĩa và những hành động rất dễ khiến người khác bực mình. Minji thương Haerin không biết để đâu cho hết, và cũng vì em mà cô chị này phải khổ tâm rất nhiều.

- Chị cúp máy đây, không được bỏ bữa nữa đấy.

Định bụng sẽ mở miệng phân trần thêm một câu nào đó, cuối cùng lại bị những lời nói lo lắng của Minji động đến trái tim, Haerin thôi không đôi co nữa. Cô bé gật đầu, nhưng rồi nhận ra cô chị không máu mủ ruột thịt gì của mình chẳng thể nào nhìn thấy cái gật đầu đó, bèn mệt mỏi lên tiếng:

- Dạ.

- Nhớ phải uống thuốc đúng liều và đúng giờ, trào ngược dạ dày không phải cứ uống thuốc liền là hết được đâu.

Haerin đáp một cách máy móc:

- Dạ.

- Còn nữa, vài ngày nữa chị sẽ vào thăm em, có cần mua gì không?

- Làm như học sinh nội trú không được ra ngoài thủ đô ấy.

- Thì cũng lâu rồi chị chưa về thăm thầy thăm cô, cần gì cứ gọi một tiếng. Vậy nhé?

Chưa kịp đợi Haerin đồng ý, người bên kia liền cúp máy điện thoại khiến cô gái bé nhỏ đứng ngây người vì cú điện chớp nhoáng. Gần mười năm trưởng thành cùng Minji, Haerin mong cô chị biết điều xử sự hợp lý một tí, vì con người khô khan và cứng nhắc như em vốn không thích tuýp người hướng ngoại và tuỳ hứng như Minji, cái gì cũng thích làm theo ý mình.

Haerin quay lại lớp học thu dọn sách vở, giờ đã là năm giờ kém, nếu về ký túc xá muộn sẽ hết phần cơm chiều. Giáo viên chỉ ở lại đến sáu giờ rưỡi hơn để chuẩn bị bài tập cho học sinh cuối cấp vào buổi tối, em cất gọn vỏ kẹo nổ trong túi áo khoác, quay sang mỉm cười chào thầy rồi vác balo đi mất.

Haerin khi còn nhỏ vốn là một đứa trẻ lanh lợi hoạt bát, nhưng đáng buồn thay, từ năm 6 tuổi, đứa trẻ chưa kịp trưởng thành về mặt nhận thức ấy đã phải chứng kiến cảnh mẹ mình chết chìm trong biển lửa cao vài mét đang cố san bằng cả ngôi nhà. Haerin kể lại chuyện này rất vô tư cho Minji nghe, cô chị tỏ ra sốc đến không thể nào nói nên lời:

- Chuyện vậy mà cũng nói được à?

- Nói thì sao mà không nói thì sao?

Đầu Minji lúc này như đang có ba chấm vạch ngang chạy qua đầu.

- Sao mẹ em mất mà có thể mang ra trò chuyện bình thản tới vậy?

- Mất thì cũng đã mất rồi, chị tò mò nguyên nhân thì tôi mới kể.

Lại nói, bố của Haerin, nghĩa là bố dượng của Minji là một thương nhân cỡ lớn trong vùng. Lúc bấy giờ vào những năm 90, hàng hoá di chuyển trong và ngoài nước phần lớn là của ông Kang, hiếm khi nào người dân thấy bến cảng vắng loe hoe mà lúc nào cũng đông đúc tấp nập như hội chợ. Chính vì thương nhân như bố em lúc nào cũng bận rộn, ít khi đoái hoài đến mẹ con Haerin, nên cho đến khi đêm tháng năm hè oi bức, ngôi biệt thự như hoá thành đèn đóm sáng rực trời đêm thì ông Kang mới nhận ra sai lầm của mình.

- Thế mối quan hệ của em với bố...

- Chị nghĩ tôi với bố sẽ căng thẳng như nữ chính trong mấy bộ phim ngôn tình Trung Quốc mà chị hay xem hả?

Minji giật mình:

- Đi guốc trong bụng chị à?

Haerin mím môi:

- Đừng nghĩ tôi với bố như thế. Vì ngay từ đầu cả hai bố con đều là người dưng nước lã, bây giờ mẹ mất thì cũng chẳng thay đổi được gì đâu. Hay chị nghĩ bố sẽ hối lỗi, chăm lo cho tôi nhiều hơn?

- Cùng chảy một dòng máu, sao em nói bố mình như thế được?

- Ngày mẹ đẻ tôi, bố còn đang ngồi ôm tiền và ký hợp đồng với khách hàng.

Minji nhất thời chẳng biết nói gì nữa, chỉ đành ngậm miệng để Haerin tiếp:

- Bố đối xử tốt với mẹ con chị đơn giản là vì ông ấy không muốn lặp lại sai lầm đó nữa. Còn tôi thì sao cũng được, chị không thấy tôi bị tống vào trường nội trú là có lý do hết sao?

Điểm này Haerin nói đúng, không sai một tí gì vì căn bản những điều mà em vừa nói, Minji đều thấy, đều biết tất thảy. Những bữa cơm trong gia đình nhà họ Kang, ông bố và mẹ cô đều trò chuyện rất vui vẻ, chỉ cho đến khi Minji đề cập đến đứa con còn lại, là Kang Haerin một cách thật hứng khởi thì đều bị họ đánh trống lảng trò chuyện một vấn đề khác. Từ nhỏ đến lớn, quà sinh nhật duy nhất mà Haerin nhận được chính là những món quà từ Minji, em trân trọng cô nhiều. Còn về phần bố...

- Có khi bố còn chẳng nhớ tôi là một thành viên trong gia đình nữa ấy chứ.

- Đừng nói thế. Do bố bận bịu, em cũng thấy ông ấy...

Minji chính là người duy nhất được Haerin tin tưởng và trân quý. Tuy nhiên, lời bao biện cuối cùng mà Minji dành cho bố khiến em không hài lòng, Haerin mỉa mai:

- Thế sao ông ta lúc nào cũng nhớ đến ngày sinh, nhóm máu, cung hoàng đạo, thậm chí là cả những sở thích nhỏ nhặt của chị?

Ánh mắt vô tâm của Haerin chẳng cuộn lên được những đợt sóng trào, chỉ đơn giản là mặt sóng yên bình những ngày xuân. Nhưng như thế không có nghĩa là Minji không hiểu em gái mình. Cô biết rõ em ghen tị như thế nào, huống hồ gì Minji chỉ là đứa con riêng của người vợ sau, điều này thật không công bằng.

- Ông ấy từng đề cập đến vấn đề đổi họ Kang cho chị, quý ông ta đến vậy thì sao không đổi?

- Đừng ấu trĩ thế chứ! Bố của em dù có tốt với chị bao nhiêu thì cũng chẳng thể nào bì kịp bố chị, tuy chỉ là một thợ làm bánh quèn trong ngõ cuối xóm.

Bố của Minji cũng mất từ khi cô còn bé, chính vì thế mẹ Minji và bố Haerin mới có cơ hội đến bên nhau.

- Ngưng khoe về những ông bố đi, chị biết rõ tôi ghen tị mà.

- Nhưng em đâu có ghét chị.

Haerin khịt mũi:

- Vậy thì chị nhầm rồi, tôi ghét chị lắm đây.

Minji biết rõ những gì từ mồm miệng Haerin thốt ra đều là nói dối. Con bé tuy độc mồm độc miệng nhưng thực chất lại rất yêu thương người chị gái này. Nó từng nán lại chờ Minji tan làm ở công ty dù lúc đó cô tăng ca đến mười giờ đêm, cốt chỉ muốn tâm sự trải lòng. Cô bé từng nhọc công bỏ ra mấy tuần liền chỉ để học làm bánh nhân dịp sinh nhật Minji, dù cho cái bánh không được đẹp lắm, nhưng nhớ đến sinh nhật năm đó, cô chị không cần đến món quà của bố dượng hay mẹ ruột, chỉ vài ba cái nến cháy xém cắm trên mặt kem bơ trắng đánh không đều tay của em, gương mặt khó ở khi chìa cái bánh cho Minji thổi cũng đủ khiến cô khóc trôi cả cái bánh.

Không được bố chăm đã đành, mẹ của Minji chỉ làm đúng bổn phận của một người mẹ, đó là hỏi han một hai câu về tình hình học tập và sức khoẻ của Haerin, sau đó lại thôi. Haerin bình thường đã ít nói, từ lúc mẹ mất, ai cũng tưởng em bị câm. Minji rủ rê ra ngoài đi chơi đi dạo mấy lần, Haerin toàn viện cớ ở nhà làm bài tập, làm dự án. Mấy lần rủ không được, sau cùng Minji tức mình bỏ đi chơi đêm với bạn bè, Haerin ung dung ngồi trên lầu ngó thấy Minji bực bội vì không rủ được em đi liền nở một nụ cười tươi như anh đào tháng ba. Cô bé lại cực kỳ yếu kém về mặt vận động. Hồi đó, trường cấp tiểu học của mấy đứa nhỏ có mở hội thao để phụ huynh cùng tham gia ghi lại kỷ niệm với các con. Rốt cuộc bố lẫn mẹ kế đều không một ai tới, một mình Haerin chạy trong sự đơn độc, bị đè ép bởi hàng trăm tiếng hò hét cổ vũ của những ông bố bà mẹ khác, lại còn té lên té xuống, rối loạn nhịp thở. Sau này khi lớn lên, hỏi ra mới biết hoá ra hội chứng sợ đám đông của em là do từ ngày hội thao năm ấy gây ra.

Minji vẫn còn tự trách, phải chi năm ấy mình đến cổ vũ nó thì con bé đâu có tự khép mình đến mức này.

Haerin đang đi lững thững về phía nhà ăn, sau cùng lại thôi quay đầu đến bãi đỗ xe lấy chiếc xe đạp cọc cạch. Nhìn những món trong khẩu phần ăn liền muốn nôn, không phải do các bà nấu dở, mà do chứng trào ngược của em lại tái phát. Dù Minji dặn là không được bỏ bữa, nhưng chỉ cần mùi thức ăn bốc lên thơm lừng nghi ngút xộc vào mũi là Haerin cảm thấy bụng mình muốn quặn lên từng đợt sóng cuồn cuộn.

Điện thoại hiển thị tin nhắn đến. Minji lại nhắc phải ăn uống đúng giờ, Haerin phì cười:

- Đồ điên! - Em lầm bầm.

Sau cùng, với yên xe đã cũ mèm, thoạt nhìn đã muốn tháo phứt cái yên đi để ghép cái khác. Nhưng đây là chiếc xe mà mẹ thường hay chở em đi đến công viên gần nhà mỗi khi mẹ đón em từ nhà trẻ về, mấy lần bố toan vứt cái xe gỉ sét đi, cuối cùng Haerin chỉ ném lại một câu lạnh tanh ở giữa nhà:

- Bố vứt chiếc xe này đi thì coi như chúng ta chẳng còn quan hệ gì nữa.

Minji nhào tới khoác tay con bé, ai dè em còn kịp phun thêm một câu:

- Bố nghĩ tại sao đến bây giờ con vẫn nể bố? Vẫn gọi là "bố"?

Chắc bố sẽ nghĩ làm sao mà một cái xe rách rưới lại có thể so đo với một con người như bố, Haerin tự giễu cợt chính mình, đúng là chiếc xe này đáng giá hơn ông ta nhiều.

Cô bé lọt thỏm giữa chốn đông người ùa ra ngoài phố như hội. Tầm ba tiếng nữa là chín giờ, tức giờ giới nghiêm của học sinh, Haerin mỉm cười chìa thẻ báo danh cho bảo vệ rồi nhảy phóc lên yên xe, lấy hết sức bình sinh đạp một lực thật mạnh lên bàn đạp, thả người lướt đi phăng phăng giữa phố.

Đột nhiên gió thu đông khiến mắt em cay đến độ chảy nước nơi khoé mắt, bàn chân vẫn hoạt động không ngơi nghỉ. Chỏm tóc đuôi ngựa cột thấp phía sau như muốn thoát khỏi cọng thun cột tóc chật chội. Cô bé đau đớn mãi chạy trốn về điểm cuối của đoạn đường, chạy trốn thực tại, chạy trốn bệnh tình và chạy trốn biết bao ước mơ hoài bão. Em thèm nhìn thấy hình bóng của mẹ phía sau Minji, nhưng cô sẽ chẳng thể nào là mẹ được. Những dòng suy nghĩ lạc lối vô tình đẩy Haerin đi quá xa, em ủi phải một bụi rậm gần đó khiến cả người lẫn xe ngã dúi về phía trước.

Haerin lúc nào cũng tự cười chính mình, như lúc này đây, khi ngó đăm đăm bàn tay trầy trụa và phần đầu gối sưng đỏ toạc da chảy máu, em chắt lưỡi hít hà mấy cái, sau đó lại điềm nhiên dựng cái xe đứng dậy.

Kỳ diệu, chiếc xe đã cũ thế mà sau cú ngã, nó chẳng hề hấn gì, chỉ có em là trầy xước mình mẩy.

Chẳng có mẹ, cũng chẳng có chị Minji ở bên. Biết bao giờ chim di trú mới lại đến trốn rét ở phương nam?

***

- Nghe bảo lớp mình mới có một chú chim di trú ghé ngang qua à?

- Chim di trú?

Cư dân Seoul dạo gần đây rất thích gọi những ai mới đến định cư tại thủ đô là "chim di trú", một cách gọi thân mến mà người sống ở vùng này dành tặng những chú chim xa lạ. Đám nữ sinh trong lớp cứ nhao nhao lên, bọn con trai cứ vuốt những cái đầu đinh loe hoe tóc hóng hớt cùng. Haerin bị ba từ "chim di trú" làm cho ngớ người, khẽ hỏi lại. Cô bạn gần đó mặt vênh lên tự đắc:

- Là bạn học mới.

Haerin đối với mấy chuyện này, là chẳng có chút hứng thú gì. Mấy cô gái mới lớn tập tành bôi son vui vẻ nói mồm:

- Nam hay nữ thế?

- Là con gái. Hình như là con lai.

Nghe đến hai từ "con lai", ai nấy đều ồ lên vẻ kinh ngạc. Vào những năm cuối của thế kỷ 20, con lai Á Âu từng bị gọi là quỷ ngoại lai bởi những người lạc hậu còn sống ở thời loạn, khác với thời bình. Con lai của những năm đó rất khó sống với dân bản địa, trái lại bây giờ, người của thế kỷ mới cũng sống thoải mái tích cực hơn, còn chấp nhận nét đẹp lai là một nét đẹp pha trộn độc đáo giữa các châu lục khác nhau. Haerin nghe những lời bình phẩm về "chú chim mới" từ đầu đến cuối, chẳng thở một câu nào.

- Haerin, sao cậu chẳng nói gì hết?

Cha Junho, một bạn nam cùng lớp tiến đến hỏi. Có vẻ như sự khó gần và kiệm lời của em làm bọn con trai chú ý, trong khi đó đám con gái đã quá quen rồi. Em nhìn cái đầu đinh lởm chởm những mảng tóc không đều cùng nụ cười khả ố của Junho, nhắm mắt thở dài rồi xô ghế đứng dậy bỏ ra ngoài, để lại cho Junho một ánh nhìn lạnh băng.

Không gian trong lớp quá ồn ào và nóng nực như mùa hạ dù ngoài trời lạnh ở mức âm độ. Haerin chịu lạnh giỏi chứ không chịu nóng giỏi, em mở cửa cái xoạch, bấm điện thoại một chút gửi tin nhắn cho Minji rồi quay gót vào trong. Còn đi đâu giờ này nữa? Chuông vào học đã điểm rồi.

Chủ nhiệm Oh với cái áo sơ mi trắng và quần tây thô kệch được đóng thùng chỉnh tề rồi bước vào một cách cứng nhắc.

- Các em ngồi đi. Lớp trưởng lên đây tôi nhắc nhở một chút.

Cả lớp khẽ đẩy ghế, im phăng phắc mong ngóng chú chim di trú mới lọt lòng mẹ. Haerin đang lơ mơ ngái ngủ bị gọi dậy.

- Haerin!

- Tôi á?

- Thầy gọi lớp trưởng nãy giờ, mau lên kìa.

Trước ánh nhìn xét nét của thầy, cô bé vẫn ung dung từ tốn cất bước chân tiến lên bục giảng. Thầy Oh chỉ đại khái căn dặn em điều chỉnh lại thái độ của lớp học, nhắc nhở trật tự rồi xua em đi xuống.

- Tôi xuống văn phòng đưa học sinh mới lên, lớp trưởng có trách nhiệm nhắc nhở các bạn. Thầy cô lớp bên cạnh mà phàn nàn là không xong với tôi.

Haerin chỉ vâng dạ cho có, đợi thầy đi thì uể oải quay về chỗ ngồi. Cái lớp này vốn sợ thầy Oh, không cần em ra mặt gào thét cũng tự biết điều mà câm miệng.

Đợi năm phút hơn, vẫn chẳng có ai vào. Đến khi nghe tiếng xì xầm ngoài cửa, cả lớp lại thêm phần hào hứng, bàn tán rôm rả đến mức em phải gõ thước lên bàn mấy cái hòng giữ trật tự nghiêm chỉnh.

Cửa xoạch mở, chẳng thấy thầy Oh đâu, chỉ thấy một cô gái lạ mắt đi vào.

- Xin lỗi... phải lớp B2 không ạ?

Haerin đứng dựa vào bục giảng, nhìn lướt từ đầu đến cuối cô bạn mới một cách không rõ ràng, gật đầu rồi đi xuống bàn của mình, nhường lại diễn đàn cho bạn nữ.

Cả lớp lại im ắng như lúc thầy Oh vào.

Chừng mét sáu lăm, dáng người vì quá thon gọn nên trông hơi nhỏ con. Mái tóc được cắt kiểu khá lạ mắt với người Hàn Quốc lúc bấy giờ, Haerin nheo nheo đuôi mắt mèo của mình lại dò xét. Làn da trắng trẻo mềm mại, sống mũi cao thanh tú, khung xương mặt cùng tổng thể hài hoà một cách vô cùng tự nhiên. Đôi mắt to tròn nhưng khi đảo một vòng quanh lớp học lại vô cùng sắc sảo, ánh nhìn của nàng đặt lên người Haerin bỗng khiến em giật mình mà chả hiểu vì sao.

Có tiếng rì rầm từ các bạn học phía trên:

- Đáng yêu chết mất! Trời ơi bộ ai là con lai cũng xinh đẹp dễ gần như vậy hả?

- Như một chú cún golden.

- Trông như búp bê ấy, nhìn là muốn bế rồi.

Giữa một loạt ca từ cảm thán khen ngợi khác nhau, nàng gãi gãi mái tóc cắt kiểu vô cùng rối bời. Đợi một lúc lại mỉm cười đến độ hai mắt nhắm tịt lại tự giới thiệu bản thân:

- Các cậu cứ gọi mình là Danielle, hoặc Jihye. Sau này mong mọi người có thể giúp đỡ mình thật nhiệt tình!

Cô nàng vừa dứt lời, trai gái già trẻ lớn bé ở dưới bị ảnh hưởng bởi năng lượng tích cực liền vỗ tay rào rạo như những chú chim chích choè chào đón con chim di trú ghé sang xóm ngụ cư. Haerin cũng hoà theo vỗ tay lấy lệ mấy cái.

Hoá ra Danielle, à không, Mo Jihye từng phải nghỉ học một năm vì bị mắc khối u ác tính, vậy nên tức là mọi người phải gọi nàng một tiếng chị. Bạn nữ ở dưới lên tiếng:

- Vậy... phải là chị Dani ạ?

Jihye bối rối, chốc sau xua tay:

- Học cùng một lớp, đều là người một nhà cả. Mọi người muốn gọi sao cho thoải mái nhất đều được nha.

- Vậy em gọi chị là cún con, hoặc

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net