Ngoại truyện

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Under the Stars and Stripes – Dưới lá cờ hoa

Đến học kỳ hai của năm hai, tôi mới bắt đầu chú ý đến vị giáo sư đó.

Tuy không được chào đón lắm nhưng ít ra lớp giáo sư vẫn đủ chỉ tiêu sinh viên đăng ký dự học để không bị đình chỉ. Giáo sư dạy môn chính trị học hay quan hệ quốc tế nhỉ, chẳng nhớ nữa, dẫu sao tôi cũng không mấy hứng thú với những nghiên cứu không gian cộng cộng hay phê phán chủ nghĩa bài trừ Do Thái gì đó lắm. Tôi đã đến lớp giáo sư vì có Mia ở đó. Mia Fitzgerald, một cô gái tóc vàng ngọt ngào đáng yêu, tôi luôn ngồi phía sau nàng rồi ngẩn ngơ ngắm nhìn cần cổ trắng ngần ấy, cho đến khi bị giáo sư Norris gọi dậy từ những ảo tưởng. Ừ thì, không hẳn ngẩn ngơ lắm, tôi chỉ đang tưởng tượng đôi môi mình áp trên cần cổ bóng loáng và mái tóc vàng óng ả kia thôi.

“Patrick Heden!” Vị giáo sư hô to cái tên này. “Ai là cậu Heden?”

Thế là tôi ngơ ngác đứng dậy, đờ đẫn như con gà tây bị bỏ đông trong tủ lạnh suốt một tuần, suýt chút nữa đã làm đổ lọ mực. Mia quay đầu nhìn tôi với vẻ tò mò, dưới cặp mắt chăm chú đó, tôi thấy má mình nóng bừng. Giáo sư Norris đặt tập tài liệu một bên và cất giọng ôn tồn hỏi. “Cậu có muốn cùng tôi trao đổi về những vấn đề do Hannah Arendt đặt ra vào cuối tuần này không hở cậu Heden? Chắc hẳn cậu đã lướt sơ qua cuốn sách mà tôi đề xuất nên đọc rồi nhỉ?”

Tôi không nhớ mình đã đưa ra một đáp án lố bịch thế nào, chỉ biết khi đó cả lớp đều phá lên cười, có cả Mia trong đó nữa. Tôi không hề đọc qua cuốn sách đó, một chữ cũng không. Càng không biết Hannah Arendt là ai. Hôm đó là một mớ hỗn độn, một mớ hỗn độn chết tiệt. Lúc ngồi xuống, tôi còn thấy ngượng chín mặt, cúi gằm nhìn sàn học dưới giày thể thao, hình như tôi đã giữ nguyên tư thế đó suốt buổi học ấy.

Lúc tiếng chuông vang lên, tôi đã vớ ngay ba lô rồi chạy biến ra khỏi lớp học từ cửa sau. Đến hôm sau, tôi lấy hết can đảm đi mượn Mia cuốn sổ ghi cùng danh sách những cuốn sách mà giáo sư Norris đã đề cử trong buổi đầu tiên, cố đọc nhanh trước ngày thứ năm để thể hiện chút. Nhưng suốt buổi học đó, giáo sư chẳng hề cho tôi lấy một ánh mắt, chỉ chăm chú giảng kết cấu không gian công cộng của người Hy Lạp cổ đại. Lúc buổi học kết thúc, khi tôi đang chen qua đám sinh viên để ra ngoài thì chợt nhiên bị vị giáo sư này gọi lại, yêu cầu tôi hãy lên văn phòng vào thứ ba tuần sau. Đám chung quanh nhìn tôi với vẻ thích thú khi thấy có người gặp chuyện, có thể tôi sẽ trượt môn này mất… Thực lòng tôi đã đinh ninh như thế, nên năm ngày sau đó, tôi cứ thấp thỏm không yên trước cửa phòng giáo sư, còn băn khoăn nên tìm cớ xin giáo sư đổi án phạt thế nào đây. Tôi gõ cửa, bên trong lập tức có tiếng “mời vào”.

“Chào buổi chiều, thưa giáo sư Norris.” Tôi dè dặt cất lời, đóng cửa lại.

Bên trong căn phòng, cửa sổ quay ra hướng Tây, rèm bị kéo nửa để che khuất nắng chiều. Bên cửa sổ lại kê mỗi kệ sách gỗ, hơi đổ về sang trái vì chồng chất tài liệu và sách chuyên khảo, nhiều đến mức khiến cái kệ trông sắp đổ đến nơi thật. Tường bên phải thì treo một tấm bảng trắng phủ đầy tờ ghi chú nghệch ngoạc cùng lịch trình công việc. Dưới tấm bảng thì trang trí một chậu cây dương xỉ già úa. “Chào buổi chiều, cậu Heden.” Giáo sư tháo kính xuống, cất giọng điềm đạm. “Đừng lo lắng, tôi không định gạch tên cậu đâu, tạm thời là chưa.”

“Em xin lỗi…”

“Hiển nhiên rồi.” Trông giáo sư lấy làm thích chí mà hơi nheo cặp mắt. “Cậu Heden này, quả thực tôi rất để ý việc cậu luôn nhìn chăm chăm bạn nữ trong giờ của mình… Nhưng phải công nhận là bảng đen của tôi nhìn chán thật.”

Tôi hắng giọng vì ngượng.

Giáo sư ngắm nghía cây bút trong tay mình. “Tôi gọi cậu đến đây không phải để răn đe, cậu Heden ạ, hãy thả lỏng ra nào. Cậu học ngành gì?”

“Là ngành báo chí, thưa giáo sư Norris.”

Giáo sư gật gù đáp lại,nở một nụ cười khó hiểu. Mãi sau này tôi mới biết, thầy luôn cười như thế mỗi khi gặp một ý kiến thú vị hay trái chiều. Tôi nhìn thẳng giáo sư, đây là lần đầu tiên tôi được dịp quan sát rõ ràng người giáo sư dạy môn chính trị này. Hình như giáo sư đang độ tuổi tứ tuần, với cặp mắt nâu trông thật điềm tĩnh, thoạt đầu tôi đã tưởng con người này đã sống sung sướng từ nhỏ, thành công né khỏi chiến tranh từ mái trường đại học, giảng cho những sinh viên đang ngáp ngắn ngáp dài này về sự khác nhau giữa hai chế độ tổng thống và bán tổng thống. Cho đến khi bắt gặp chiếc huân chương nhỏ bé.

Đó là chiếc huân chương màu tím có hình trái tim*.

*Đây là huân chương được tổng thống trao cho những người lính đã hi sinh hoặc bị thương trong lúc phục vụ quân đội Hoa Kỳ, được ban hành sau ngày 5 tháng 4 năm 1917.

“Đúng vậy, tôi đã từng đi lính.” Hình như nhìn ra tầm mắt của tôi, giáo sư khẽ khàng đáp lời, mở ngăn kéo ra, điềm nhiên bỏ huân chương vào. “Chính xác là kỹ sư.”

“Nhưng giáo sư đang dạy môn chính trị mà.” Tôi buộc miệng gào lên, rồi lập tức hối hận về lời lẽ bồng bột của mình.

“Chuyện này kể ra dài lắm.” Giáo sư lại đeo kính lên, lúc này trông giáo sư có vẻ khó gần… Mà có khi là khó gần thật. “Tôi gọi cậu đến đây không phải nói về tôi, mà là về cậu cơ, cậu Heden ạ.”

“Bạn bè luôn gọi em là Pat ạ.”

Vị giáo sư thở dài. “Được rồi, Pat.” Tuy chọn thỏa hiệp nhưng vẻ mặt lại hết sức nghiêm túc, giọng điệu như trao đổi một vụ làm ăn. “Nhìn xem, có thể cậu đăng ký lớp tôi vì một mục đích khác.” Giáo sư còn nhấn mạnh chữ “khác”. “Nhưng nếu đã đăng ký rồi thì không thể lấy đại con C hay B- cho qua môn, huống chi việc lấy điểm A trong môn của tôi cũng đâu khó khăn gì. Như tôi nói đấy, chỉ cần mỗi tuần đều chăm chỉ lên lớp…”

Tôi đờ người, buồn là tôi đã nghe mấy lời lẽ này đến nhàm tai rồi, nào là khuyên tôi đừng phí công tiền học bố mẹ bỏ ra, nếu tôi phản bác lại rằng tiền học là do mình kiếm được thì lập tức họ sẽ đổi giọng thành “đừng phí tổn thời gian của mình” rồi “hãy tôn trọng công sức mình bỏ ra”. Tôi nhìn tấm hình trên bàn, vì sai góc nên không thấy rõ được. Mà bên cạnh là một chồng luận văn với tờ đầu tiên chình ình ngay một con C- to tướng. Tôi nuốt ực, không dám nhìn đi đâu nữa.

“Này cậu Heden, cậu có nghe tôi nói không đấy? Cậu mất tập trung quá.”

“Em vẫn đang nghe đây, thưa giáo sư Norris.”

Giáo sư nhìn tôi với vẻ nghi ngờ, rồi chồm người gạch gì đó trên tờ ghi chú. “Thế thì cậu đi được rồi đấy, cậu Heden, nhớ đừng quên chương ba Nguồn gốc của chủ nghĩa toàn trị, chúng ta sẽ bàn luận về vấn đề đó vào buổi tới.”

“Vâng ạ.” Tôi đứng dậy.” À thưa giáo sư Norris, không biết, về sau em có thể tìm thầy giải đáp một số thắc mắc…”

“Thứ hai tôi sẽ có tiết đến mười giờ, từ mười rưỡi đến mười hai rưỡi vào thứ tư và giờ này vào thứ năm, nếu cậu dành hai giây để quan sát thời khóa biểu tôi dán ngoài cửa thì không cần phải hỏi tôi câu này đâu.”

Giáo sư luôn móc mỉa người khác theo ý thích của mình. Không biết đã có biết bao sinh viên bị ám ảnh khi đóng cánh cửa bình thường màu nâu này ra ngoài, hiển nhiên là bản thân tôi cũng nằm trong danh sách đó, và việc nên làm lúc này là run rẩy cụp đuôi lại như một con thỏ chết nhát, hoàn thành mọi yêu cầu trong lớp, giành lấy điểm B+ trong tay rồi không bao giờ đăng ký tiết học của giáo sư Dane Norris nữa. Nhưng chiếc huân chương màu tím hình trái tim đó đã khơi dậy nỗi tò mò trong tôi, thôi thúc tôi đến văn phòng trồng cây dương xỉ quật cường sống sót đó. Ban đầu tôi còn mang theo sách vở, nhưng đến giữa kỳ thì hoàn toàn ngang nhiên mang túi bánh đến trò chuyện với vị giáo sư dạy môn chính trị này.

“Cậu muốn biết điều gì ở thầy hở Pat?” Vào một buổi chiều đầu tháng sáu, giáo sư Norris bất chợt hỏi thẳng, con híp cặp mắt thích thú. “ Thầy cá là cậu đã bỏ rất nhiều công sức, nên giờ cứ hỏi đi.”

Tôi ngượng nghịu sờ mũi. “Về chiếc huy chương, thưa giáo sư.”

“Thầy biết.” Giáo sư nở nụ cười như đang đắc ý vì đoán trúng. “Đó là cách giao tiếp cậu được dạy ư?”

Tôi lại sờ mũi. “Em chỉ muốn biết… Chiến tranh là thế nào thôi ạ, thì giáo sư cũng biết đó, lúc em đến tuổi đọc báo thì đã là năm 1949 rồi, giáo sư ạ.”

Vị giáo sư trầm ngâm, cặp mắt màu hạt dẻ như đang phủ một lớp bụi mờ ảo. Tôi không chắc có phải mình hỏi một vấn đề không nên hỏi không nên chỉ biết dời mắt e ngại, nhìn ra bên ngoài cửa sổ. Đó là một buổi chiều ấm áp, thậm chí là hơi quá nóng với thành phố Chicago. Cánh cửa hé ra, gần như rõ toan bãi cỏ xa xa, và những tán sồi lấp lánh trong nắng trời.

Chợt nhiên tôi thấy giáo sư từ từ vươn tay lên, như đang mò mẫm tìm gì đó, rồi giáo sư cầm lấy khung ảnh, xoay nó ra. Bên trong không phải là một tấm hình, mà là tập hợp rất nhiều những tấm hình được cắt ra, mỗi tấm đều được cắt cẩn thận theo một hình vuông vứt, có những tấm đen trắng, cũng có những tấm in màu, có cậu nhóc đội mũ lưỡi trai, có người thanh niên vật vờ gác đầu bên cửa sổ, và có anh lính mặt đồ quân phục lục quân, điểm giống nhau là họ đều có mái tóc vàng và mắt xanh, nhìn như đang cố nhồi nhét một quãng đời ngắn ngủi của ai đó.

“Anh ấy là Frank.” Giáo sư cất lời, tháo kính ra lau rồi đặt trên bàn. “Một người bạn của thầy, thân rất thân, và đã…” Giáo sư lại lau mặt kính vốn đã sạch bụi bặm, cố thốt lên câu cuối. “Hi sinh ở Anh rồi.”

Tôi giật thốt trên ghế, quả nhiên bản thân đã hỏi một câu không nên hỏi. “Em rất tiếc.”

“Ừm.” Giáo sư thì thầm một tiếng gỏn lọn. “Thầy xuất ngũ… Vào mùa xuân năm 1946, nếu nhớ không nhầm thì sau đó… thầy đã bắt một chuyến đến New Orleans để chào hỏi mẹ anh ấy. Lúc đó, bà đã cho thầy những tấm hình này. Hình như bà rất vui khi có người đến thăm, luôn miệng bảo thằng nhóc nhà mình là một thằng ranh thích chọc ghẹo người khác. Nhờ đó mà thầy đã biết được mớ ngôn ngữ của Frank được hình thành từ đâu.”

“Là loại thằng ranh thích chọc ghẹo người khác.”

“Đúng rồi, chính là nó đấy.” Giáo sư bật cười, như thể tôi vừa được thoáng nhìn thấy chàng thanh niên Dane Norris vào hai mươi năm trước. “Frank là một tên khốn rất khoái chọc người khác, khiến cậu ước gì có thể đẩy phắt anh ta xuống biển chết đuối cho rồi nhưng cuối cùng lại chẳng nỡ.” Giáo sư thở dài, thôi không cười nữa. “Đã lâu lắm rồi thầy mới có thể kể về anh ấy một cách thỏa mái thế này, thầy nhớ anh ấy lắm, thề có Chúa, cậu không biết thầy nhớ anh ấy đến nhường nào đâu.” Những câu cuối cùng nghe nhỏ đến mức như đang lầm bầm, hình như giáo sư lại ngớ được điều gì mà vội vã bổ sung thêm. “Anh ấy là người bạn thân nhất của thầy.”

“Em biết ạ.” Dù đáp thế nhưng tôi thấy không đúng lắm, cảm giác như giáo sư đang kể về người mình yêu hơn là bạn. Tôi ngoái đầu nhìn người tên Frank đó. Cặp mắt anh ta hiện lên vẻ cợt nhả tinh quái, điệu độ ngả ngớn như một tên lưu manh thứ thiệt. Tôi không tài nào hình dung được một người như vậy lại có thể thân thiết với giáo sư Norris. Người bạn thân nhất ư?

“Giáo sư bảo mình là kỹ sư mà.” Tôi đã bồng bột hỏi một câu sỗ sàng. “Xin lỗi giáo sư, em không có ý dò hỏi, nhưng hai hình tượng lính giải nghệ và giáo sư dạy môn chính trị quả thực quá cách biệt.”

Tôi cứ tưởng sẽ được nhận một câu trả lời “Đó là một câu chuyện dài, rất dài”, thế mà giáo sư chỉ gật đầu đáp rằng. “Chính trị, quốc gia, những chủ nghĩa, học thuyết tương tự… chúng là giết Frank, tôi cho ít nhất là vậy, cũng không hẳn là đúng…” Giáo sư xòe tay ra, nửa đùa nửa thật. “Dù gì đi nữa thì tôi cũng ở đây rồi, Pat ạ, người phụ trách thành tích cuối kỳ của cậu.”

“Vậy em có thể lấy điểm A không ạ?”

“Với điểm bài tập ít ỏi và giữa kỳ kém cỏi thì không thể đâu.”

Tôi xấu hổ vò đầu bứt tóc, không dám trả lời. Giáo sư đặt khung ảnh về chỗ cũ, đứng dậy tìm cặp táp của mình. Theo giáo sư rời khỏi phòng, nhìn đối phương khóa chốt cửa rồi chúng tôi cùng sóng vai đi trên con đường nhỏ rợp bóng trong tiết trời ấm áp của tháng sáu. Những bụi cây đã được cắt tỉa gọn gàng ngào ngạt mùi nhựa cây đăng đắng. Suốt dọc đường không một ai lên tiếng, giáo sư vẫn đong mắt nhìn phía trước, còn tôi lại không ngừng liếc một bên mặt của giáo sư. Lạ thay, trông giáo sư có phần ưu phiền khi soi dưới nắng trời chói chang. Trên trán và khóe mắt đã lăng tăng vài nếp nhăn, và trên vạt áo vẫn còn dính bụi phấn. Chỉ vài giây ngắn ngủi, tôi đã gần như không kiềm chế được mà muốn đưa tay giúp giáo sư phủi phấn đi, nhưng đến cùng vẫn không dám làm thế.

“Cậu không ngờ được đâu, Pat ạ, hai năm đầu về nước, thầy đã thành một con quái vật bị rối loạn thần kinh.” Giáo sư đột ngột cất lời, chuyển cặp táp sang tay phải. “Không muốn ra ngoài, không muốn trò chuyện với bất cứ ai, hễ nghe thấy tiếng còi xe hay tiếng rè của máy pha cà phê là lại giật mình.” Tôi trố mắt nhìn giáo sư, giáo sư cũng nhìn lại tôi như đang thích thú trước vẻ bất ngờ của tôi. “Người ta gọi đó là di chứng của chiến tranh. Mẹ thầy đã thúc giục thầy đi gặp cha… Thầy theo Thiên Chúa giáo, đến bây giờ thầy vẫn chưa chắc lắm… nhưng khi đó tín ngưỡng sắp không cứu nỗi thầy rồi nên thầy đã bắt ngay một chuyến tàu đến New Orleans. Nói là để chào hỏi mẹ Frank nhưng thực chất phần lớn thời gian thầy đều đi dạo khắp nơi, nhìn ngắm những cánh đồng và khu rừng mà anh ấy kể,sau đó là đến khu vui chơi luôn mở vào mùa hè và chiếc máy bay nhỏ của cậu Anthony. Lúc trở về thì trời đã chập tối, thầy giúp mẹ Frank khiêng hai chiếc ghế bành ra hiên hè và bọn thầy ngồi đó thưởng thức ly nước chanh. Thầy không biết phải diễn tả thế nào nữa, nhưng thầy có cảm giác anh ấy đang hiện diện quanh đây, có thể sẽ xuất hiện ở một góc đường nào đó, hoặc đang xách một chai bia từ phòng khách ra.”

“Dường như bắt đầu từ ngày hôm đó, thầy đã nghĩ anh ấy quay trở về rồi.”

Chúng tôi đi bộ đến bãi đỗ xe. Vị giáo sư mở chiếc xe Ford màu xám tro của mình rồi ném cặp táp lên ghế phụ. “Được rồi, cậu hãy về đi thôi.” Vừa nói, giáo sư vừa vịn tay lên cửa xe.

Tôi nuốt ực. “Giáo sư quý người đó lắm ạ?”

“Hiển nhiên rồi, anh ấy là bạn thầy mà.”

“Không.” Tôi cố tìm từ thích hợp, nhưng cổ họng tôi lại thắt lại vì căng thẳng. “Kiểu… Yêu ấy ạ?”

Giáo sư nhìn vào mắt tôi, một chốc không hề đáp lại. Sau đó, giáo sư nâng tay vỗ lên vai tôi và bảo. “Về đi Pat, chúc cậu cuối tuần vui vẻ.”

Tôi đứng đó dõi theo chiếc Ford xám tro cho đến khi nó khuất hẳn. Đó là lần cuối cùng tôi được trò chuyện với giáo sư Dane Norris. Về sau, mỗi khi nhớ lại cặp mắt nâu như chan chứa biết bao lời muốn nói đó, tôi luôn cố đoán câu trả lời thật lòng của giáo sư. Bỏ đi từng lớp đề phòng, khổ đau và dịu dàng, lần nào tôi cũng thấy một âm thanh chắc nịch của giáo sư, rằng đúng vậy đấy, thầy yêu anh ấy.

Nói mới nhớ, cuối cùng thì giáo sư cho tôi điểm B-, nhưng không sao cả, vì Mia đã đồng ý hẹn tôi đi xem phim rồi.

                                Hết

Pơ: Dane không phải là một người dễ trải lòng với người khác, thế nên mình đã bất ngờ khi anh ấy có thể thỏa mái tâm sự với một cậu sinh viên chỉ vừa quen trong tiết dạy. Về sau mình nhận ra Pat có gì đó rất giống Francis, về khoảng lưu manh (ảo tưởng răm rê con gái người ta) và tuổi trẻ bồng bột (dù sợ nhưng vẫn tò mò tiếp cận để hỏi vụ huân chương). Có lẽ vì thế mà mình đã để xưng hô của hai người có phần gần hơn chút.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net