Chương 2: Hạt dẻ & Đậu phộng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chuyến tàu về Dạ Vọng Nguyệt phải chạy xuyên suốt hai ngày một đêm mới có thể đến. Chỉ vừa mới nghĩ thôi đã làm cho Trí Mân cứ chống cằm rầu rĩ lẩm nhẩm mãi, kêu sao đường về nhà lại xa tít tắp, lâu ơi là lâu.

Thời gian vốn trôi qua không nhanh không chậm nên sự buồn chán đang bắt đầu xâm chiếm hết tất thảy, lúc này anh vẫn như mọi giờ, ngồi yên vị trên ghế khoang tàu mải mê nhìn cảnh vật bên ngoài lướt nhanh qua tầm mắt, xong để nó khuất xa về phía sau rồi biến mất... cứ thế lập đi lập lại bất kể ngày hay khi màn đêm buông xuống.

Bởi vì quan sát rất nhiều do vậy mới có thể ghi nhớ thật kĩ. Phác Trí Mân đi được hai phần ba chặn đường liền có thể nhận thấy được sự đối lập đang uyển chuyển đổi chỗ cho nhau dần dần hiện rõ rệt. Từ những cây thông to lớn phủ đầy tuyết, mặt kính in dấu màn sương lạnh nơi 'Kinh đô ánh sáng' qua hôm lại được thay vào chút nắng ban mai dịu dàng chạm khẽ vào da, làn gió mát vui đùa len qua nhành cỏ dại mọc ven đường luồn sau ô cửa, thổi nhẹ vào đầu ngón tay anh như sự kết nối vô hình mà thiên nhiên niềm nở gửi lời chào đón.

Hai nơi, hai màu sắc trái ngược cứ liên tục đổi thay, duy chỉ có một mình chàng trai ấy trước sau như cũ suy tư lẵng lặng nhìn sự khác nhau của chúng.

※※※

"Thịt, cá, rau xanh các bác ơi..."

"Cà chua, bắp cải, khoai tây, khoai mỡ đây..."

"Ai ăn bánh bò, bánh tiêu, giò chéo quẩy hông..."

"...."

"Ông ông! Phác Duẫn! Khi nào Mân mới tới?" Hạ Vĩ Nhiên - bà Phác nôn nao lây lây chồng mình, còn đôi mắt thì vẫn hoài ngóng trông nơi cánh cổng đông kẹt người kia.

"Từ từ bình tĩnh! Bà cứ gấp gáp chi vậy! Bà trông tui cũng trông đấy thây!"

"Lâu rồi con nó không về nhà nhớ nó nên mới vậy, ông cằn nhằn cái gì?"

"Tui nào dám nói nặng gì bà đâu chứ."

Ga tàu ở dưới quê thì đông vui náo nhiệt hơn vạn lần, những tiếng rao bán bình dị, thân thuộc vang lên từng hồi không dứt, có khoai có rau, có nhiều đồ ăn vặt khoái khẩu của bọn trẻ, hay... tiếng 'lốc cốc.. lộc cộc' từ chiếc xe ngựa đi - về.

Nói chung, đâu đâu cũng thấy rôm rả.

"CHA, MẸ!" Phác Trí Mân vừa đến liền như chú sóc nhanh nhảu ôm hành lý chạy ra ngoài trước tiên. Dù mệt mỏi nhưng vừa chạy đến cổng đã thấy cha mẹ của mình đang đứng cùng nhau chụm đầu chia nốt cái bánh bò, miệng thì luyên thuyên đủ điều, thời khắc đó vành mắt Trí Mân ửng hồng chợt nhận ra sau bao năm xa nhà thì hạnh phúc thực sự mới là đây... chính là nhìn hai người họ vẫn còn mạnh khoẻ yêu thương nhau là tốt rồi! Trái tim cũng tự khắc ấm áp theo.

"Cha mẹ! Con nè!"

"Trời ơi, con trai tui về rồi này..."

Mẹ Phác ôm mặt đứa con trai của mình bằng hai tay, hết sờ lại miết nhẹ hệt y một món bảo vật trân quý. Ai mà chẳng thương con, huống hồ chi Trí Mân từ nhỏ đã ra ngoài tự lập từ rất sớm, chưa kể một mình nơi đất lạ quê người mang bản thân đi làm công cho người ta, tự trang trải cuộc sống đến da thịt cũng mất dần - ốm thấy rõ, thật không đành lòng... Vốn nhà có điều kiện nhưng lại để con cực khổ ở ngoài bươn chải khiến bà xót cả ruột gan.

Đấy, mà mỗi lần khuyên thì đều bị anh từ chối thẳng, rồi bảo 'con biết gia đình mình giàu nhưng con muốn cố gắng.'

Trí Mân rất ngoan, bà biết, chỉ là...

"Mẹ, sao lại rơm rớm chảy nước mắt tèm lem mặt mũi thế này? Chẳng phải đã về như lời đã hứa rồi hay sao?" Vốn định tạo bất ngờ nhưng nghĩ lại có muốn cũng không được, anh về bây giờ là mù đường tuyệt đối nên cần phải có người dẫn đi cho chắc.

"E hèm! Về nhà thôi, trời ngả nắng gắt rồi. Đã cơm nước gì chưa?" Phác Duẫn thấy mình như người thừa liền mau chóng hắn giọng ho ho mấy cái, lấy lại sự hiện diện.

"Vẫn chưa thưa cha, con đói mốc đói meo cả lên luôn."

"Mau mau, mẹ về nhà liền kêu người dọn cơm lên cho con ăn, mẹ cũng đói rồi."

"Con mới thấy cha mẹ ăn bánh bò xo—"

"Thằng cha mày ăn chứ tao có ăn đâu! Ăn nói lung tung không hà!"

Anh nghe đến đây liền bất lực bật cười, hỏi sao cái nhà này cứ nhí nha nhí nhố miết.

※※※

Cũng phải kể đến thời điểm được dẫn về thôn Trí Mân chưa từng nghĩ lại được chào đón hân hoan nồng hậu đến mức này. Khổ thay, lại càng không biết để tạo ra được bầu không khí náo nhiệt như hiện tại đều do bà Vĩ Nhiên gây ra! Chuyện... Vừa hay tin báo Mân nhà mình sẽ về, bà liền nhanh nhảu đi rêu rao khắp nơi, khơi dậy sự tò mò của hàng xóm - cho nên ngày hôm nay vừa đặt chân vào còn chưa kịp thở phào đã bị doạ đến đơ người.

Đầu tiên có tiếng ai 'báo động' 'hú' lên một tiếng xong chưa đầy ba giây, mọi người ở hai bên đều cùng lúc nhú đầu ra ngoài nhốn nháo lên, người thì ngó, người thì xôn xao bàn tán, ngay cả mẹ Phác cũng bắt đầu lên giọng khoe 'Bà con thấy đẹp không? Đây là con trai tôi mới từ phương Tây về mà hổm rầy nhắc đó!'.

Vốn còn chưa kịp bình tĩnh lại thì chuyện cứ tiếp đến dồn dập làm anh chỉ biết thở dài vuốt mặt ngượng ngùng.

Trí Mân đi đến đâu họ đều ưu ái mang những lời tựa hoa tựa mật gửi đến, nối theo gót chân người đi bằng vô vàng lời cảm thán khen ngợi. Anh còn nghe thấy loáng thoáng đâu đây 'muốn làm con dâu nhà họ Phác ghê...' , 'con muốn gả cho anh ấy!'

Làm Phác Trí Mân càng ngày càng "..." 


Dù chỉ mới thoáng chút ánh nhìn nhưng có lẽ tôi đã vội vàng đem lòng tương tư cả vùng trời xanh biếc hay nhớ thương những cánh hoa tươi toả hương bát ngát hoà vào thời tiết nồng nàn đầu hạ, chút yên bình thư thả ở Vọng Nguyệt.

Đoạn đường đến nơi không quá dài anh lơ đễnh nhìn những chú chim đang nắm tay nhau bay lượn cùng rít hót ca. Đắm chìm trong cảnh đẹp đến mức đến lúc tới nơi bao giờ cũng chẳng hay rằng mình đã xuống xe vào sân nhà từ khắc nào.

"Ngửa riết gãy cổ bây giờ."

"Ê, ông làm cha mà ăn nói gì kì vậy! Trí Mân đến nhà rồi, đừng nhìn nữa cởi giày dép gì ra đi. Đặt cả túi xuống, ừ, bỏ ngay đây không cần xách. Thằng Húng đâu! Chạy ra cầm đồ vào cho cậu hai đây nè!"

Vừa hoàn hồn, trước mặt Trí Mân chính là kiến trúc đồ sộ gần giống như một ngôi đình có bốn mái dài, thêm những cây cột kèo được làm bằng gỗ đã lên nước bóng, chạm khắc tinh xảo. Nghe nói, nhà ở quê thì được chia rất nhiều gian lớn nhỏ. Điển hình anh thấy ngay kia, phía nhà chính có ba gian, một gian để tiếp khách, uống trà; gian để thờ ông bà tổ tiên, cái còn lại mẹ cho hay được nối dài ra phía sau chỗ các phòng ngủ. Cách một khoảng xây cái sân phơi lúa, mà trong sân ấy lại xuất hiện gian bếp đủ lớn.

"Ah! Mẹ, mẹ, để con tự xách không cần phiền—"

"Im lặng, về mệt thì nghỉ chứ có sao. HÚNG ĐÂU?"

"DẠ BẨM BÀ, CON RA NGAY!"

Từ xa một cậu nhóc trạc mười ba mười bốn lon ton chạy ra làm Trí Mân nhìn thấy thương. Người nó nhỏ con trông ốm lại còn đen, mặt mũi thì tèm lem lọ nồi quần ống cao ống thấp, thêm chiếc áo bà ba xanh sờn cũ đã bạc màu.

"Chào cậu chưa?" Cha Phác nghiêm khắc đứng phía sau nhắc nhở phép tắc.

"Dạ— dạ chào cậu.."

"Được rồi, được rồi. Cái, cái túi này cứ để trước phòng thôi không cần mang vào trong. Xong có chuyện gì cứ tiếp tục làm đi nhé, khi nào cần anh sẽ gọi."

Anh đã từng đọc qua "nếu một người chưa từng cảm nhận sự đau khổ khó khăn thì rất khó cảm thông cho người khác." tất nhiên, Trí Mân từng ở bên ngoài trải nghiệm nên hiểu cảm giác khó khăn khi phải làm thuê là như thế nào nhưng có lẽ vẫn dễ thở hơn nhiều. Rõ ràng, ở quê chế độ phong kiến vẫn còn người dân nghèo phải tự bán cho phú ông làm kẻ tôi đầy tớ để có tiền sống qua ngày, nên lúc nào cũng lầm lũi làm việc sáng tối, khúm núm cuối đầu trước chủ chẳng dám cãi nửa lời.

Ra anh vẫn hiểu: nhập gia thì tuỳ tục. Có những chuyện đã định sẵn như vậy thì nhất định phải thuận theo, anh mà từ chối thì người làm thuê phải chịu oan ức thay, thế thì tội cho họ lắm.

"À, khoan đã!" Tiếng gọi với khiến thằng Húng đang cắm đầu chạy liền thắng gấp ngơ ngác 'dạ' một tiếng.

"Lại đây." Cậu hai ngoắc ngoắc nó, sau lại chìa ra một túi giấy to ụ. Cũng không biết chứa gì ở trỏng nữa chỉ biết nó thoang thoảng cái mùi gì thơm lắm khiến nó tò mò không thôi.

"Này, anh cho. Là hạt dẻ anh mua lúc đi ấy, em đem chia với mọi người cùng ăn nha. Chưa có hư đâu, mà bị nguội rồi khi nào ăn thì rang nóng lại cho ngon."

"Thôi...thôi ạ... cậu giữ ăn—"

"Nào, cầm lấy! Anh có rồi! Mau mau."

"Cậu cho thì lấy đi. Với cả xuống dưới nói bà hối mọi người nấu ăn lẹ lẹ, nghe chưa?"

"Dạ để con hối. À, con cảm ơn, cảm ơn ạ! Cậu hai thật tốt!"

Phác Trí Mân phì cười nhìn bóng dáng lon ton khuất dạng dần. Rõ hai mắt sáng rực khi nghe thấy món lạ, thế mà chưa dám lấy về cứ đứng đó chờ ông bà lên tiếng cho phép rồi mới toe toét cười, ôm khư khư chạy đi như thể mới nhặt được vàng.

...

Đợi đến khúc chẳng còn ai, ông Phác mới chầm chậm nói với con trai: "Ở dưới đang làm cơm, con vào phòng thay đồ ra cho thoải mái rồi cả nhà ăn chung— Chết cha! Già lẩm cẩm hay quên, quên nãy kêu thằng Húng dẫn thằng Mân về phòng luôn chứ nó có biết đường đâu. Húng—"

"Cha, cha được rồi được rồi mà! Đừng hành xác người ta nữa, thằng nhỏ vừa mới chạy xuống. Để con tự đi. Xin ạ, cho con xin... cha mẹ để con tự nhiên như nhà của mình với!"

"Cái thằng! Cha sợ mày mệt nên mới chẳng cho động việc, chứ á hả một hai ngày ở quen là mấy đứa hầu chỉ cho theo mỗi hai ông bà già này thôi. Cậu hai Phác thì đuổi đi ra sân sau ý bắt phơi lúa, chứ ai đời lại thèm nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa."

"Vâng, vâng, vâng con sai rồi con sai rồi. Nghĩ sao mà mặt mũi sáng lạng thế này mà bị bắt đi phơi lúa..."

"Con với chả cái trả treo! Đi vô lẹ lên!"

※※※

Tôi đem tình yêu ví như một bát cháo hành.

Người dùng cả trái tim để thưởng thức,

vị của nó sẽ chan chứa cái tình ngọt tựa lần đầu gặp gỡ của Chí Phèo và Thị Nở.

Nhưng nếu vô tình gặp kẻ hững hờ,
.
quanh đi quẩn lại... nó cũng chỉ giản đơn là một bát cháo trắng nhạt, không có gì đặc biệt cả.


Căn phòng của cậu hai từ lúc sanh ra đến giờ vẫn luôn nằm ở phía Nam nên không khí lúc nào cũng trong lành đìu hiu gió mát, điểm thêm phía sau là vườn trồng đậu ngọt của bà Phác, đẹp vô cùng. Ấy vậy mà thời khắc yên bình này chỉ tồn tại được vài giây, bóng ai vui vẻ nói chuyện vô tình để anh bắt gặp, nhìn ra thì thấy nhóc Húng đang đứng với cô bé nào lạ trạc khoảng mười sáu mười bảy tuổi.

"Ơ Húng cái chi đấy?"

"Cậu hai vừa về mang cho! Nghe bảo là hạt dẻ, mang rang lên ăn ngon lắm!"

"Hở? To bằng con mắt luôn? Lạ vậy ta, còn thơm nữa.. cho xin nửa 'quả' thôi có được không..."

"Không đâu... nãy ý Năm thấy em cầm cái Năm nhắc, dặn em nói với chị khi nào đem cải chua đi phơi cho hết, xong lựa nốt đống đậu để kịp cho bà nấu chè thì mới cho chị một 'quả'..."

"Đông người vậy... làm xong thì hết rồi còn đâu..."

"... Húng nhường cho chị cho, đừng lo."

"Thôi... em cứ ăn, chị đi xin Sen hạt đậu phộng! Quả này chắc cũng hao hao đậu phộng hen? Đậu phộng ngửi cũng thơm y chang!"

Từ nhỏ Trí Mân bản tính luôn dễ dàng cảm thông với người khác vì vậy khi nghe cuộc đối thoại kia, tâm trạng của anh tự nhiên tuột dốc không phanh còn hơn cả lúc nhìn thấy hình ảnh thằng Húng nhếch nhác chạy vào vâng dạ.

...

Trên đời này đúng thật không có gì công bằng hết. Thật đau lòng khi một đứa bé vừa khóc, vừa làm loạn thì sẽ được bao dung, cưng chiều nhưng nếu một đứa bé đặt biệt hiểu chuyện đến đau lòng thì lại chẳng được thương.

Tại sao? Phác Trí Mân dằn vặt đặt câu hỏi này tận mấy lần đến nỗi đỏ hoen mắt theo, lúc thấy bóng dáng nhỏ bé đằng xa khi người rời đi hết từ từ cuối đầu tự mỉm cười với những ngón tay, song chút lại nhịn không được mà mếu tủi thân chầm chậm rơi nước mắt nén từng tiếng nấc vụn vặt.

Ở trên đời này, có lẽ thân phận là thứ đè nặng con người ta ngay từ thuở mới sinh cho đến mãi cuộc đời về sau. Dù người lớn hay trẻ nhỏ, nó mãi trói buộc họ bằng những định kiến, những mốc thước đo về địa vị tiền bạc hay tầng lớp trong xã hội...

Giống như thứ khiến một chiếc thùng gỗ trở nên vô dụng không phải là những vết thủng to lớn mà là từ những vết nứt thật nhỏ, bởi vì quá nhỏ bé nên chẳng ai để tâm, cứ vậy chồng chéo lên nhau - và sự phân biệt đối xử cũng thế.





"Ngoan nào, đừng khóc. Có anh ở đây rồi, nín đi... đây, em không cần phải ăn đậu phộng nữa anh cho em hạt dẻ nè, cho em cả túi, chỉ một mình em thôi nhé."






《...Em là mây cho, trời ban
Xin đừng buông xuôi dễ dàng...


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net