Không mưa không nắng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng



Tác giả : xiaoheliang

Tôi là Tào Tình.

Mẹ bảo nguồn gốc của cái tên này là do tôi đã chọn một ngày nắng đẹp để với đến thế giới này.

Nhưng dĩ nhiên rồi, không phải ai cũng hoan nghênh sự xuất hiện của tôi.

"Nếu là một đứa con trai thì tốt rồi."

Mặc kệ lời những than thở của mấy người họ hàng không mấy thân thuộc, bố tôi vẫn rất vui mừng, còn cười đến mức không khép được miệng. Ông liên tục bảo vậy là tốt rồi, bảo rằng ông chỉ muốn có một cô con gái nhỏ thôi.

"Thời tiết thật đẹp, bố nhớ mình đã đọc qua một bài thơ, hình như là... Hương đồng nắng hạ gió đưa, cỏ xanh bóng mát không hoa nào bằng."

Bố tôi tâm đắc ngâm hai câu thơ rồi trịnh trọng ra quyết định.

"Con gái nhà tôi tên là Tào Tình vậy !"

*Tình : chỉ trời trong, quang đãng, không mây.


"Tào Tình ? Một cái tên thật hay, vừa nghe đã biết đây là một cô bé vô cùng hạnh phúc rồi."

Người đang ngồi xổm nói chuyện với tôi còn rất trẻ, đôi mắt lấp lánh ánh sáng, kèm theo đó là nụ cười khiến người khác vô thức muốn tiến lại gần.

Người đứng phía sau anh mang theo một nụ cười dịu dàng, nhưng dường như tầm nhìn của anh ấy không đặt trên người tôi, mà là ở trên người đang ngồi trước mặt tôi.

"Dĩ nhiên rồi, để tôi nói mấy cậu biết, con nhóc này sắp lên làm bá chủ của cái nhà này luôn rồi."

Tuy ngoài miệng oán trách nhưng vẻ mặt bố lại lộ rõ vẻ cưng chiều.

"Con gái mà, nên được nuông chiều mới phải, đúng không Lý Hưởng ?"

Người đó xoa đầu tôi rồi đứng dậy, quay đầu lại hỏi.

"Đúng vậy."

Người trả lời thậm chí không còn cần suy nghĩ, lập tức mỉm cười đáp lại ngay.

Bố đứng bên cạnh nhìn tôi, tình yêu trong mắt bố nhiều như biển lớn.


Hai người họ là hai đồ đệ mà bố tôi tự hào nhất trong đơn vị, một người là An Hân, người kia là Lý Hưởng.

Trường học của tôi rất gần nơi làm việc của bố, vậy nên tôi luôn đến văn phòng của ông sau giờ học, đợi ông cùng về nhà.

Bất cứ khi nào tôi cảm thấy buồn chán, An Hân sẽ kéo Lý Hưởng đến chơi với tôi, có khi chỉ là trò chuyện, cũng có khi sẽ cùng tôi chơi cờ ca rô.

"Em đi sai rồi, chơi lại đi !"

Sau khi thua nhiều trận liên tiếp, sự tự tin của tôi đã hoàn toàn bị phá vỡ.

"Thua là thua, không được đi lại !"

Anh ấy không hề nhượng bộ chút nào.

"Nhường em một chút đi mà, anh An rộng lượng."

Tôi bắt đầu làm nũng.

"Làm gì thì cũng không được đi lại đâu."

Vẫn không có chút tiến triển nào.

"Nhưng anh lớn hơn em nhiều như vậy, nhường một chút thì có sao đâu ?"

"Ai bảo lớn tuổi hơn thì phải cho em đi lại ?"

Tôi không hiểu, sao có thể có một người cứng nhắc như vậy chứ ? Khi chơi với Lý Hưởng, anh ấy lúc nào cũng để tôi đi lại cơ mà.

"Anh Hưởng, cho em thắng một ván đi."

Tôi cầu cứu trọng tài Lý Hưởng.

"Không được giúp em ấy, Lý Hưởng."

An Hân kiên quyết nói.

Lý Hưởng cười với An Hân.

"Bạn nhỏ, cậu bao nhiêu tuổi rồi vậy ?"

"Bao nhiêu tuổi cũng không được đi lại."

Lý Hưởng sờ sờ mũi, bất lực lắc đầu với tôi.

"Anh thấy em còn trưởng thành hơn cậu ấy nhiều. Tình Tình ngoan, đừng so đo với cậu ấy nữa nhé."

Tôi không tình nguyện đặt quân cờ xuống.

Bố làm xong việc đến đưa tôi về, tôi vội vàng chạy đến mách bố.

"Anh An chơi cờ không chịu nhường con, đi lại một bước cũng không cho."

An Hân vô tội giơ hai tay lên.

"Hạ cờ không tiếc, làm gì có chuyện đi lại chứ sư phụ !"

An Hân nói rồi dùng cùi chỏ huých tay Lý Hưởng.

Lý Hưởng liếc anh ấy một cái, nhưng vẫn là đồng tình với cái con người cứng nhắc đó.

"Đúng vậy, không có cách nào, hạ cờ không tiếc."

Bố nắm lấy tay tôi, ông vậy mà lại cùng một phe với bọn họ.

"Nhớ lấy, hạ cờ không tiếc."


Hạ cờ không tiếc.

Rất nhiều năm sau tôi mới nhận ra rằng tất cả chúng ta đều là chỉ là những quân cờ không thể hối tiếc, dù là quá khứ hay hiện tại.


Bố tôi chết rồi.

Vạt nắng đổ xuống bia mộ làm bức ảnh đen trắng của ông càng thêm ấm áp.

Trước đây bố thường bảo, là do ông Trời cũng thấy việc tôi sinh ra là một điều tốt lành nên mới tặng cho bầu trời hôm ấy một trận nắng to đến vậy. Ánh mặt trời thật ấm áp, và bố tôi cũng vậy.

Hiện tại, ngay thời khắc này, tôi cảm thấy thân thể mình lạnh buốt dưới ánh mặt trời chói chang. Dường như tôi vừa mới phát hiện ra lời nói dối của bố, hóa ra thời tiết không thể nào hiểu thấu được nỗi buồn của con người.

"Lý Hưởng, cậu có dám nói ra sự thật không hả ?"

Nước mắt lưng tròng, tôi nhìn thấy một bóng dáng quen thuộc đang lao về phía mình.

Bàn tay mẹ ôm lấy vai tôi đột nhiên siết chặt lại, tôi theo bản năng muốn mở miệng kêu đau, nhưng giọng nói lại khản đặc, không tài nào phát ra âm thanh gì.

Vài cảnh sát đã ngăn anh ấy lại, nhưng họ không thể nào bịt miệng anh ấy, từng câu từng chữ đều lọt vào tai tôi.

"Chắc chắn trong thâm tâm cậu biết rõ vì sao sư phụ lại đến đó !"

"Chỉ biết che giấu sự thật, cậu thấy mình có xứng với bộ cảnh phục trên người không hả ?"

"Lý Hưởng, cậu biết mình đang làm gì không hả ? Đây là bao che tội phạm !"

Tôi sững sờ trong giây lát, tôi không muốn tin đó là An Hân mà tôi biết.

An Hân mà tôi biết luôn rất tôn trọng bố tôi, trong ký ức của tôi, anh ấy cũng chưa lần nào gắt gỏng với Lý Hưởng.

Đầu của mẹ càng lúc càng cúi thấp, bà run rẩy khóc không thành tiếng.

Tôi siết chặt tay mình, lòng bàn tay in hằn vài vết móng tay thật sâu, thật sâu.


Sau khi bố rời đi, Lý Hưởng thỉnh thoảng sẽ đến nhà chúng tôi, còn mang theo ít trái cây hay sữa gì đó.

An Hân cũng đến, nhưng sau lần đầu tiên vừa vào cửa đã bị tôi ném cốc trúng cánh tay, lần nào anh ấy cũng chỉ đứng ở cửa đợi.

Tôi càng ngày càng hận anh ấy, bởi vì lúc ném cốc tôi còn chưa dùng hết sức lực, sao anh ấy có thể đau đến như vậy được ?

Sau khi bọn họ ra về, mẹ luôn nghẹn ngào khuyên bảo tôi.

"Con đừng làm thế, cậu ấy không làm sai cả."

"Anh ấy xúc phạm bố !"

Tôi rơm rớm nước mắt hét lên.

"Bố không phải người xấu, anh ấy dựa vào đâu mà dám nói những lời đó ?"

Mẹ vừa khóc vừa gọi tên tôi.

"Tình Tình, Tình Tình..."

Nhưng bố tôi, người luôn mỉm cười dịu dàng gọi tôi là "bé con của bố" sẽ không bao giờ tỉnh lại nữa.


Khi đến thăm bố ở nghĩa trang, tôi thường nhìn thấy những thứ được người khác mang đến đặt trước mộ.

Hai năm đầu thì nhiều hơn một chút, trước bia mộ gần như được chất đầy, về sau thì ngày càng ít dần.

Tôi biết rằng sẽ không có ai khác kiên trì như vậy nữa, nhưng tôi không muốn thừa nhận, càng không muốn biết ơn anh ấy.

Có một hôm tôi rất nhớ bố nên đã mua một bó hoa đến đây, ai ngờ lại vô tình trông thấy An Hân ngồi trước một tấm bia mộ, đầu cúi thấp, đôi vai run rẩy giống như đang khóc.

Tôi nhẹ nhàng bước từng bước lại gần, khi nhìn thấy bức ảnh trên bia mộ, tôi dường như đã ngừng thở trong giây lát.

Sự bất ngờ và nỗi sợ hãi cùng lúc ập đến.

Tôi cũng không biết mình đã ngây người đứng đó bao lâu mới hoàn hồn lại, tôi lấy từ trong bó hoa ra hai đóa hoa cúc trắng tinh, nhẹ nhàng đặt trước bia mộ.

Khi rời đi, anh ấy nói thật khẽ sau lưng tôi.

"Cảm ơn."

"Cũng không phải dành cho anh."

Tôi bước nhanh đi.

Nếu tôi nhớ không lầm thì anh ấy chỉ mới ngoài ba mươi.

Nhưng sao tóc bạc lại nhiều đến vậy ?


Tôi không biết vì sao cảm giác căm ghét đối với An Hân lại đột nhiên giảm đi nhiều như vậy.

Có lẽ là bởi vì mẹ luôn khuyên bảo tôi.

"Con đừng ghét cậu ấy nữa."

Nhưng tôi nghĩ khả năng lớn nhất có lẽ là vì dáng vẻ của anh ấy khi ngồi trước bia mộ Lý Hưởng thật sự quá giống với bản thân tôi.

Đều đáng thương như nhau.

Sau khi trưởng thành, tôi thậm chí còn có thể bình tĩnh ngồi cùng anh ấy, cùng trò chuyện với bố, cùng trò chuyện với Lý Hưởng.

"Đến rồi đây, sư phụ."

"Lần sau lại đến thăm người, sư phụ."

Lần nào anh ấy cũng chỉ nói với bố hai câu này.

Nhưng khi đối mặt với Lý Hưởng, anh ấy có nhiều lời để nói hơn thế.

"Hôm qua tôi mới đi ăn ở quán vỉa hè mà chúng ta thường đến. Cậu xem, sau khi cậu đi, không còn ai gắp thêm đồ ăn cho tôi, cũng không còn ai bảo tôi không được kén ăn nữa, đến bây giờ vẫn chưa quen lắm."

"Bắn súng chuẩn hơn trước rồi, cánh tay thỉnh thoảng sẽ hơi nhức, nhưng chỉ là bệnh cũ thôi, không trị tận gốc được."

"Gần đây thời tiết trở lạnh, cậu ở bên đó nhớ mặc thêm quần áo."

"Tôi sống cũng khá tốt."

Tôi không giống với anh ấy.

Mỗi lần đến thăm Lý Hưởng cũng chỉ gọi một tiếng "anh Hưởng " là hết, tôi cũng chẳng biết phải nói gì với anh ấy.

Nhưng khi đứng trước mặt bố, tôi luôn nói hết chuyện này đến chuyện khác, những câu chuyện vặt vãnh ấy vậy mà nói mãi không hết.

Lần nào tôi cũng sẽ nói với bố một câu giống như An Hân nói với Lý Hưởng.

"Con đang sống rất tốt."

   
Nhưng thật sự tốt sao ?

Số lượng tóc bạc trên đầu An Hân ngày càng nhiều khiến tôi rất nghi ngờ lời nói của anh ấy.

Tôi không tin anh ấy, nhưng tôi hi vọng mình có thể tin anh ấy. Những năm qua anh ấy đã già đi rất nhiều, tôi cũng chẳng mong nhìn thấy dáng vẻ đó của một người bạn cũ.


"Chúng ta làm được rồi, Hưởng."

Qua rất lâu sau đó, vào một ngày bầu trời xanh ngắt, tôi nghe thấy An Hân nói câu này.

Tôi không biết họ đã làm gì, nhưng thật kỳ lạ, phản ứng đầu tiên của tôi không phải là tò mò về nội dung câu chuyện, mà thay vào đó là một loại cảm xúc dâng trào không thể giải thích được.

Bố ơi, bọn họ đã làm được rồi.

Tôi nghĩ đây hẳn là câu trả lời mà bố tôi luôn muốn nghe.

An Hân đứng dậy rời đi. Nhìn theo bóng lưng cô độc ấy, tôi chợt nhớ lại khung cảnh ba người chúng tôi cùng chơi cờ ở văn phòng của bố. Ánh nắng của mùa hè năm ấy thật ấm áp, nụ cười của mùa đông năm ấy cũng thật trong sáng.

Tôi lau đi những giọt nước mắt không biết từ đâu đến, một cảm giác luyến tiếc thôi thúc tôi gọi anh ấy lại.

"Hạ cờ không tiếc sao ?"

An Hân dừng bước chân lại.

"Ừ. Hạ cờ không tiếc."



_______________


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net