Nói cùng anh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Em hiểu rằng mỗi lúc đi xa

Tình anh đối với em là xứ sở
Là bóng rợp trên con đường nắng lửa
Trái cây thơm trên miền đất khô cằn"

Thành sực tỉnh khi trời đã tối, mắt em lem nhem trông thấy anh và cha đang nướng hàu trước sân. Đêm nay em muốn đi sớm về sớm, ngày mai là ngày rằm, phải lên chợ huyện từ bốn rưỡi mới không mất khách. Lo mất khách là một chuyện, em còn phải về sớm để phụ bà anh hong xôi.

"Vào vét nồi đi con, còn tí cơm cháy ăn với hàu cũng được đấy" - Cha vừa chăm chú quạt lửa vừa nói vọng vào mà không thèm quay đầu nhìn em lấy một cái, em mới thấy kì nào anh về nhà cha cũng chiều anh thật. Cha coi anh như con đẻ, anh thích ăn gì cha đều nhớ, cha đều chiều.

Thật ra anh cũng đâu có thích ăn hàu nướng mỡ hành đến vậy, chẳng qua xưa giờ ai cũng biết cha thích, anh ngồi ăn với cha cho vui. Hơn năm đổ lại đây em kiếm chác được nhiều nhưng cha vẫn tiết kiệm lắm, thích ăn gì cũng không dám ăn nhiều. Anh mà không về hay không đánh tiếng là đang thèm này thèm nọ để rủ cha ăn cùng thì cha cũng chẳng mấy khi ăn đến cả.

Khói lửa hăng hăng quyện vào mùi hàu chín thơm nức mũi, em vốn không hay thèm hàu mà giờ bụng cũng kêu sùng sục. Liếc qua đồng hồ trong nhà đã thấy gần chín giờ tối, tay chân em bắt đầu xoắn xuýt hết cả lên. Hôm nay gió mát quá nên em ngủ hơi sâu, bình thường bảy, tám giờ em đã dậy.

"Sao cha không kêu con dậy?"

"Anh bảo cha khỏi kêu, chiều nay em ngủ muộn."

Biết ngay là thế, bình thường cha luôn gọi em dậy vào giờ ăn, gần như không có ngoại lệ. Có những hôm Thành lên chợ tỉnh đến tận năm giờ chiều mới về ngủ vội một giấc, thế mà hơn bảy rưỡi cha đã dứt khoát đập em dậy ăn tối. Cha lúc nào cũng chiều anh hơn em, em không lấy làm ghen tị mà trái lại còn cảm thấy vui. Đối với em và cha, anh từ lâu đã là một thành viên không thể thay thế trong gia đình.

Cha có một thói quen rất lạ. Bình thường khi hai cha con ở một mình nương tựa vào nhau thì cha rất dịu dàng với em. Cha không thể hiện bằng lời nói, mà thay vào đó mọi cử chỉ và hành động của cha đều đong đầy tình yêu thương. Mỗi tội cứ mỗi lần Lạc qua nhà em, hoặc mỗi lần ba cha con cùng đi đâu đó, trước mắt anh là cha đối xử với em khác hẳn. Cái gì ngon, cái gì tốt đều để phần cho anh trước; anh nói cái gì cha cũng gật gù đồng ý, anh chê em thì cha chê theo mà anh khen em thì cha cũng khen theo.

Năm mười tám em đi bộ đội, cứ mỗi một tháng là lại được phát thẻ điện thoại gọi về cho gia đình một lần. Nửa năm đầu em ưu tiên gọi cho cha, mà cha lại bảo con trai lớn rồi đừng uỷ mị gọi điện cho cha nhiều. Em nghe thế cũng hơi dỗi dỗi, em chuyển sang gọi xen kẽ cho cha và anh. Lạ ở chỗ cha chẳng bao giờ hỏi con có nhớ cha không, cha chỉ hỏi có nhớ thằng Lạc không con.

Có, nhớ chứ cha. Nhớ lắm.

Nhưng em chẳng nói ra như thế bao giờ, em luôn nói con nhớ cha hơn. Cha lần nào cũng bảo con phải nhớ thằng Lạc, dù sau này hai đứa có xa nhau trăm dặm thì con cũng không được quên nó. Em hiểu thủa xưa cha gà trống nuôi con vất vả, người chân chất vụng về như cha chẳng biết phải chăm lo cho con thế nào mới đủ đầy. Anh lớn hơn em có mấy tháng mà lại nhanh nhạy hơn biết bao nhiêu, có anh ở bên kèm cặp em nên cha cũng đỡ khổ.

Cha nhớ anh như vậy, tất nhiên em còn nhớ nhiều hơn.

Em đi bộ đội ở vùng biên giới, từ đất đai cho đến thời tiết đều khác xa với quê hương luôn mặn mà hương biển cả của anh và em. Lắm lúc em thèm một ngọn gió sin sít những cát là cát, lắm lúc còn nhớ da diết tiếng sóng mỗi bình minh, nhớ cảm giác lênh đênh trên con thúng nhỏ đầy những cá. Từ bé đến lớn, từ những buổi chiều hóng gió cho đến buổi sáng cào ngao, bên cạnh em đều có anh. Nhớ quê thì nhớ anh, nhớ anh thì nhớ quê. Nơi biên giới lặng yên có đồi có núi, em luôn nhớ tiếng anh dịu dàng ngâm thơ đối đáp lại tiếng sóng vỗ ồn ã - vì em đã yêu cả bờ biển quê hương mình và anh suốt một thời niên thiếu. 

Vậy nên khi gọi cho anh, em đã nói em nhớ anh lắm. Anh luôn đùa em chỉ nhớ anh gội đầu cho em thì có, ba cái trò thương thương nhớ nhớ này anh thuộc nằm lòng rồi. Em nghe vậy là đã biết anh cũng nhớ mình, dù suốt một năm đầu đi Đại học anh chẳng bao giờ chủ động nói nhớ. 

Nỗi nhớ của em không uỷ mị thiết tha như những đồng đội khác đã có người thương ở quê nhà chờ chờ đợi đợi. Nỗi nhớ của em dữ dội và ồn ào như sóng đánh vào bờ những ngày biển động, là em vừa nhớ vừa cảm nhận được sâu sắc sự tồn tại của anh trong cuộc đời mình những năm qua quan trọng đến nhường nào. Suốt năm đầu anh đi Đại học, em còn có thể bầu bạn cùng biển khơi và bờ cát trắng mịn màng. Cứ rảnh rỗi là anh lại gọi điện về cho em, thành ra nỗi nhớ cũng chỉ như một chén rượu mơ thơm lừng, không say. Em đi bộ đội rồi, xa biển và xa anh, nỗi nhớ cứ cuồn cuộn khiến kẻ một đời gắn bó với biển khơi như em cũng phải say sóng điên đảo.

Em rời quân ngũ về gần năm thì háo hức chờ anh ra trường, ấy thế mà anh còn ở lại học thêm một năm tiếng Nga nữa. Thế là em biết, mình lớn rồi, anh mình cũng lớn rồi. Nếu mai sau anh có đến những phương trời xa xôi trù phú khác để lập nghiệp, em chỉ biết buồn trong lòng chứ không còn cách nào khác nữa. Em sinh ra ở miền biển này, cả gia đình chỉ còn mình em phải lo hương khói, mồ mả tổ tiên; em không có dũng cảm để xa quê hương kiếm sống. Điều dũng cảm duy nhất mà em có chắc là dũng cảm đối mặt với chuyện mình sẽ phải xa anh suốt quãng đời còn lại - khi mà anh đã gắn bó với em từ thủa còn bé cho đến tận bây giờ.

"Tối nay anh đi biển với con, cha rảnh thì ra buộc thêm mấy cái thúng vào thuyền cho con nha cha. Lâu rồi con không buộc, lỡ buộc lỏng thì chết mất."

Cha chỉ gật đầu không nói, lấy thìa múc một con hàu đã chín đặt lên miếng cơm cháy trên tay em. Hàu nướng mỡ hành thơm ngậy, cơm cháy hơi nguội nhưng nhai vẫn vui răng lắm. Giá mà anh để cha gọi em dậy sớm chút thì tốt, giờ em đành phải ăn vội ăn vàng để đi biển sớm chừng nào hay chừng đó. 

"Bác ở nhà đi bác, con buộc thúng chặt lắm. Ngày xưa con chỉ thằng Thành buộc thúng mà, bác cứ ngủ sớm khỏi ra biển làm gì cho mệt người ra."

"Anh nói điêu, hồi chiều anh bảo cá nục cá thu anh còn không phân biệt được cơ mà? Thế thì làm sao buộc chắc thúng được?" - Em vừa nhai nhồm nhoàm vừa nói, chưa nói xong đã bị cha dùng muôi xới cơm đánh một cái rõ đau vào đùi. Đấy là luật của cha, đang có thức ăn trong miệng thì không được nói chuyện. 

"Đừng có lèm bèm, cha già thế này rồi mà con còn bắt cha đi buộc thúng cho con nữa à?"

Thành tính cãi lại là nãy cha vừa gật đầu đồng ý buộc thúng cho con rồi cơ mà, nhưng thấy cha vẫn lăm lăm muôi xới cơm trên tay nên lại thôi. Đấy, cha tin tưởng anh một trăm phần trăm, anh nói anh làm được thì cha tin là anh làm được. 

Mà em cũng tin anh đấy chứ. Chẳng qua có cha đi cùng thì vui hơn, từ khi sức khoẻ cha yếu đi, cha chẳng mấy khi ra biển cùng em nữa. 

Cha không ra biển cùng em nhưng vẫn chuẩn bị đầy đủ đồ đạc cho cả hai đứa, còn lấy thêm cái áo phao dự phòng và một chiếc áo gió để lỡ đêm về anh có lạnh. Sợ anh lâu ngày không đi biển dễ say sóng, cha dặn dò anh kĩ lưỡng như dặn trò trẻ con, lại còn chuẩn bị sẵn cả mấy lát gừng tươi ngâm nước ấm. Em trông thấy thế phải bảo cha một câu, rằng anh là con miền biển, cha cứ làm như đây là lần đầu tiên trong đời anh đi biển vậy!

"Con đừng có lấc cấc với anh, thả lưới ban đêm vất vả lắm! Thằng Lạc nó đi một đêm phụ giúp, sáng mai còn là ngày rằm, con buôn lớn nhỏ khắp nơi kiểu gì chả đổ về mua tôm mua cá. Lại chả lời căng đét cả túi tiền ra, con có định trả công không mà bảo? Đã không trả công thì phải chăm lo nó cho kĩ chứ!"

"Cha buồn cười, tất nhiên con trả công cho anh rồi. Con nào có nợ nần công sức của ai bao giờ."

"Bậy nào, em làm như em trả thì anh thèm lấy đấy? Anh chưa chửi cho là may!" - Anh bĩu môi đáp trả, giờ mà dám bảo trả công cho anh, anh bỏ về luôn cho biết mặt.

Em chỉ cười cười không trả lời, em có nói là trả công anh bằng tiền đâu, sao anh không nghĩ đến việc em trả công bằng cái tình cái nghĩa. Có phải anh trả công cho cái Khánh bằng vật chất nên giờ anh cũng tưởng em sẽ trả công cho anh như vậy luôn không. 

Chuyện trả công ra sao thì để ngày mai hẵng tính, em còn muốn đi sớm về sớm để ngày mai qua phụ bà anh hong xôi cúng rằm. Xưa giờ em chỉ biết mang cá mang tôm sang cho bà, tay chân con trai lóng ngóng nên vụng về chuyện chăm sóc người lớn trong nhà lắm. Bởi thế mới phải khen cái Khánh chu đáo, tận tâm; còn anh thì lại tuyệt tình chết đi được!

Thành và Lạc sóng vai nhau ra bãi thuyền, trời tối không nhìn rõ quả hạt trần trên cát nên anh không chơi trò giẫm quả được. Trời về đêm yên tĩnh làm mùi biển càng mặn chát trong từng hơi thở, lòng anh lại nôn nao những kỉ niệm thủa bé thơ. 

Xưa khi Thành lên tám thì cha em chạy vạy mua được con thuyền mới. Mấy hôm đầu cha đi biển độc mỗi thuyền, đến ngày thứ năm cha bảo phải buộc thêm thúng vào mới được, không thì đi một chuyến cả đêm phí lắm. Hằng đêm cứ trước khi cha ra biển, anh lại cùng em ra buộc thúng với cha. Anh nhớ là anh chỉ đi chỉ lại nhiều lần cho em lắm rồi, nhưng em cứ quên miết. Mãi đến năm mười sáu cha bệnh nặng, không đi đêm được thì em mới bắt đầu buộc thúng quen tay.

Ấy chứ mà sức em không như sức cha, chẳng bao giờ thả được đầy bốn thúng. Em thả được khoang thuyền và hai thúng là nhiều lắm rồi, thế nên cha cố định luôn cho em hai cái thúng vào hai thân trước hai bên mạn thuyền. Hai cái còn lại hôm nào cha nổi hứng muốn đi biển với em thì cha buộc, không thì lâu rồi chẳng dùng đến nữa.

"Em ở quê suốt mà buộc thúng lỏng, con gái cả xóm nó cười cho, sau này không lấy được vợ."

Lạc tay thoăn thoắt buộc thúng, miệng không ngừng lải nhải chỉ chỗ này chỗ nọ để em phụ buộc một tay. Em nghe anh chốt một câu vừa không liên quan lại vừa châm chọc, không nhịn được mà đáp trả:

"Ai nói anh là em thèm lấy người trong cái xóm này!"

"Thế là muốn lấy vợ xa đấy hả?" - Anh nhướn mày, hất cằm hỏi đểu. Anh thừa biết ý em sao, nhưng em mà không nói thì anh cứ vờ như không biết - "Cũng được, thế tự đi mà rước dâu, anh ngồi ở xóm chờ. Xa quá lười đi rước."

"Dâu em em tự rước, ai mượn anh rước giúp đâu mà phải lo. Lo thân anh đi đã, kiểu gì anh chẳng lấy vợ xa hơn em."

Em vừa đẩy thuyền khỏi bãi vừa làu bàu, ống quần xắn đến đầu gối đã ướt hết cả. Trời đêm hè như muốn hâm nóng cả đại dương, hơi mặn bốc lên môi ran rát, càng liếm càng mặn, càng khô. Anh theo sau cuộn dây thừng thành cuộn, dùng lực ném lên nóc thuyền một tiếng thật kêu.

"Thế lỡ mà sau này hai đứa lấy xa bằng nhau thì em tính thế nào? Rước giúp không?"

Em nhảy lên thuyền, kéo anh lên theo. Thuyền ra khỏi bãi cạn thì em bắt đầu bật động cơ, tiếng động cơ ầm ầm cùng tiếng mạn thuyền rẽ sóng át đi câu trả lời thỏ thẻ của em:

"Thì anh ở yên rồi em sang rước."

Trăng ngày rằm tròn vành vạnh như mảnh tình kín mít của em. Mảnh tình em chẳng chia sẻ cho ai bao giờ, cũng không để cho ai bắt lấy được. Mảnh tình em như trăng xa ngàn dặm, anh thấy rõ mồn một mà anh chẳng có cớ để bắt lấy bỏ vào trong túi áo. Khó lắm, thà như trăng tự mình hạ xuống trần gian; hoặc như em tự mình chia sẻ mảnh tình kín mít.

Phía chân trời xanh đen lấp lánh những ngọn đèn thả lưới, là cảnh tượng quen thuộc mà lâu lắm rồi anh mới được tận mắt nhìn. Ngực trái anh nở rộ cảm giác bồi hồi xúc động, anh thấy biển như đang mở rộng vòng tay đón người con xa quê về ngụp lặn trong những kỉ niệm thời thơ ấu. Đêm trên quê hương đầy những sao lấp lánh, dẫn dắt cho từng đứa con của biển đi theo con đường chúng cần phải đi. Sao của trăng ở trên trời, sao của người con miền biển là ánh đèn lấp lánh ngoài khơi xa, sao của anh đang ngồi lọ mọ gỡ lưới mắc vào nhau trong khoang thuyền đong đầy ánh trăng bạc. 

Xóm Hến này, biển dấu yêu này, quê hương này có tất cả mọi thứ đã làm nên cuộc đời anh.

"Qua Tết năm sau là anh học xong chứng chỉ tiếng Nga, anh sang bên đó học lên thạc sĩ. Chắc phải hơn hai năm mới về."

Em treo đèn trước đỉnh thuyền rồi tung một mẻ lưới thật rộng. 

"Thế thì tốt quá còn gì. Chắc bà và mẹ vui lắm, em cũng vui."

Lạc nghe em đáp lại như vậy thì không ưng. Vui thì nói là vui, buồn thì nói là buồn, mà buồn vui lẫn lộn thì cứ nói là buồn vui lẫn lộn. Anh không tin anh nói mình đi xa hai năm mà em không buồn, ít ra cũng phải biết buồn một chút chứ!

"Em không nhớ anh à?"

"Nhớ anh thì sao? Nhớ rồi anh có về với em không? Anh an tâm, dạo này em kiếm được nhiều tiền lắm. Anh cứ gửi số về rồi khi nào rảnh thì em gọi anh." 

Đột nhiên anh thấy giận. Chẳng ra làm sao cả, anh chỉ muốn giận. Anh im lặng kì vọng một phản ứng khác từ em, rồi cũng chính anh im lặng giận em. Động cơ đã tắt được một lúc, bốn bề xung quanh chỉ còn tiếng gió, tiếng sóng, tiếng chim, tiếng hát ngân nga từ chiếc thuyền phía xa xa. Trăng sáng thế này trộm vía thuyền sẽ đầy khoang, ấy thế mà lòng anh trên biển lênh đênh lại vơi đi một chút vui vẻ. Thấy mình im lặng mà em không hỏi han câu nào, anh lại càng giận thêm.

"Anh hỏi cho vui vậy thôi, em không nhớ cũng không sao. Tiền em làm thì cứ để đấy nuôi cha, không nhất thiết phải dùng để trả cước điện thoại. Tiết kiệm đi để sau này còn lấy vợ nữa."

"Tiết kiệm thì tiết kiệm, chả lẽ nhớ anh mà cũng không dám gọi à? Này, cái giọng đấy là dỗi lắm đấy nhé, anh không vừa lòng em cái gì nữa rồi?" - Em vừa trông lưới vừa quay sang dỗ anh, kiểu dỗ trên trời này phải gọi là đe dọa rồi chứ dỗ dành gì ở đây.

"Làm gì có chuyện dỗi. Nói vu vơ thế thôi mà em cũng để bụng."

Để bụng chứ sao, tại anh cứ đi xa là em lại nhớ cơ mà.

Thành buộc lưới vào mép thuyền cho chắc, nhắm qua nhắm lại một lúc lâu rồi mới kéo lưới. Anh cũng phụ em kéo một tay, cá con nào con nấy nhảy tanh tách làm thuyền lảo đảo một trận kinh hồn. Kéo được mẻ lưới đầu tiên vào khoang mà anh đã thấy choang choáng, thế này không biết đi cả đêm có say sóng thật không. Cá tươi thi nhau nhảy ầm ầm cả khoang thuyền, mùi biển mặn cùng mùi tanh đặc trưng của hải sản làm anh nguôi giận đi phần nào. Đây là quê mình, đây là em mình, đây là biển mình. 

Mình xa quê, quê còn chưa giận, lẽ nào mình lại giận em mình vu vơ thế kia.

Em bật động cơ rẽ thuyền sang vùng nước khác, khép một nửa khoang cá lại rồi mới ngồi xuống bên khe thuyền với anh. Mấy thuyền đánh cá đi sớm giờ đã ở tít ngoài xa, em thả lưới vừa vừa không lớn lắm nên chỉ định quăng vài mẻ rồi chuyển sang câu mực cho đỡ mệt. 

"Nói thế thôi chứ nhớ thì vẫn nhớ. Mà em chỉ dám nhớ đến khi nào anh lấy vợ thôi nhé, lấy vợ rồi em không có phần mà nhớ nữa đâu." 

"Có chứ, anh để dành cho. Chỉ sợ khi đó vợ em không cho nhớ thôi" - Anh bĩu môi nói đùa, việc cưới xin hai đứa còn chưa tính đến, thế mà cứ đòi nói chuyện xa xôi.

Khoang thuyền dần đầy ắp cá, lấp lánh ánh trăng bạc như những khúc hát kinh điển về biển cả. Đến tuổi này thì cũng chưa gọi là lớn lắm, nhưng người ta đã tập che giấu cảm xúc hết cả rồi - em nghĩ thế. Bởi vậy mà lòng em man mác buồn chuyện xa anh thì mặt em cũng không để lộ dù là một góc nỗi buồn nho nhỏ đó. Chắc là anh cũng biết em buồn, mà em thì lại không biết anh có thoải mái khi thấy bộ dạng buồn thiu của mình hay không.

Tương lai của anh rộng mở như thế, mình không biết đường vui cho anh thì thôi chứ sao mà dám nói rằng mình buồn được. 

Thành và Lạc vừa kéo lưới vừa chầm chậm ôn lại những kỉ niệm xưa cũ nơi vùng biển thân quen. Biển nuôi anh lớn, nuôi em lớn, cho em một đời ấm no đủ đầy ở xóm Hến nhưng lại không giữ được chân anh tìm đến phương trời mới. Em biết khi anh đã quyết định đi xa, thì anh đã biết đích đến của cuộc đời ở đâu rồi, chính vì thế mà em không hề lo lắng. Em chỉ buồn, buồn vì biết rằng ngày đường đời của hai đứa xẻ làm đôi theo hai hướng khác nhau đã đến rất gần, mà kể từ ngày đó cuộc đời em sẽ chẳng còn gắn chặt với hình bóng dấu yêu của anh nữa. Em biết mình đã không còn là trẻ con từ lâu, nhưng bây giờ em mới sâu sắc cảm nhận được mình thực sự phải lớn - vì anh đã lớn, anh mang cả tuổi thơ của em rời khỏi xóm Hến bay đến một nơi xa.

Vậy là hôm nay em phải buồn nỗi buồn của người lớn rồi đấy ư? 

Khi những hạt sao lấp lánh mờ dần, khi thuyền và thúng đầy cá và mực, em và anh đã ôn lại gần hết từng ngày từng tháng ở bên nhau nơi xóm Hến thân thương. Tiếng động cơ ù ù hướng về đất liền ngày một bé dần, vào bãi cạn thì tắt hẳn. Hai người nhảy xuống, anh thì đẩy còn em thì kéo thuyền vào bãi neo. Bốn giờ sáng ngày rằm cả bãi neo đã sin sít thuyền, ai ai cũng về sớm để lên chợ huyện tìm khách buôn lấy lời.

Lạc giúp em chất thúng lên xe kéo, trộm vía đêm nay hải sản tươi roi rói, phải lấy thúng mây úp ngược lại kẻo cá nhảy rơi hết ra ngoài. Em luôn miệng nói phải đi nhanh mới kịp về hong xôi cho bà, anh thì lại bảo sáng chủ nhật bà dậy muộn nên không phải lo. Anh chẳng hiểu sao em cứ khăng khăng đòi phụ bà hong xôi, xưa giờ cúng rằm bà làm cỗ chay đơn giản lắm, mẹ và anh còn chẳng mấy khi phải phụ một tay nữa là.

Em kiểm tra thúng trên xe xong xuôi thì nổ máy, hướng về phía chợ huyện mà đi. Xem ra sáng nay hơi bị bận, không biết phải trả công cho anh như nào mới phải. Anh cũng hiểu lòng em lắm, ngồi sau xe kéo nói với lên thật to để át đi tiếng gió sớm lồng lộng:

"Đêm nay thích thật đấy. Cho anh đi với em đến sát mùa cá đẻ luôn đi!"

"Anh đi với em đến bao giờ cũng được!"

Chân trời phía sau lưng đã lờ mờ màu đỏ mận, mùa hè cuối cùng của anh và em luôn ửng hồng vì hơi mặn của biển cả bao la.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net