Vì sao

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!

Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu..."

Thành thấy nắng chiều đáp nhẹ lên gò má ửng hồng của anh, chưa kịp in xuống một nụ hôn mặn mà hương biển khơi thì đã bị gió phơn cuốn xa về phía chân trời. À, là mùa hè thứ bao nhiêu đó em chẳng nhớ, mây đâu chẳng thấy mà gió Lào lại vun vút từng cơn. Lạc quay đầu sang nhìn em, híp mắt cười:

"Thuộc chưa?"

Anh đã đọc đi đọc lại đến lần thứ mười mấy rồi, tất nhiên là em thuộc chứ. Nhưng em không nói, em chỉ cười ngu ngơ lắc đầu. Rồi em biết anh sẽ lại gõ đầu em, nói rằng mai này nghề của anh là gõ đầu trẻ, đứa trẻ đầu tiên anh gõ đến mỏi cả tay là em đấy. Thành nghỉ học từ năm lớp Bốn, bảng cửu chương có thể chưa thuộc hết nhưng lại thuộc nằm lòng những động tác vu vơ nhất của anh.

Đúng không sai, anh gõ đầu em một cái, còn tiện tay vò vò mái đầu bết mùi biển cả. Anh nghịch mái đầu em tứ tung xong cũng chẳng nói thêm câu nào, lại tiếp tục nhẩm lẩm mấy câu thơ trong cuốn sổ đã sờn gáy. Lòng bàn tay anh rin rít cát và muối, đoán là em đi biển liên tiếp mấy hôm không gội đầu rồi.

"Thằng Lạc về nghỉ hè rồi đấy hả con? Bận học hành thì thôi chứ khuyên nhủ thằng Thành lấy vợ đi, đêm hôm đi biển nhà neo người không có ai trông thằng cha nó!"

"Thế sao dì không kêu cha con lấy vợ dì ơi!" - Em đáp lại lời dì Thiều, giọng vang xa còn hơn cả gió - "Dì thương cha con thì dì sang lấy!"

Dì Thiều vừa kéo thúng vừa cười nắc nẻ, lần nào dì giục em lấy vợ, em cũng đáp lời như vậy. Trai miền biển đi bộ đội về được dăm tháng là đua nhau lấy vợ hết, Thành xuất ngũ gần hai năm rồi mà vẫn ở một mình. Đêm hè nào đàn ông con trai xóm Hến cũng ra biển, mãi đến khi bình minh ló dạng mới quay trở về. Thằng nào cưới sớm thì có vợ chăm nom cha mẹ, sáng dậy còn nhanh tay dọn nhà nấu cơm rồi lên chợ huyện phụ chồng. Riêng thằng Thành cứ vỗ ngực không cần ai phụ, có mấy thúng tôm thúng cá loáng buổi sáng là xong; cha ở nhà còn khoẻ như trâu, đấm mình mình còn ngã chứ cần gì cái tay lóng ngóng của mình bổ củi giúp.

"Cái Hoàng năm nay hết khó chưa nhỉ?" - Anh gật đầu cười chào dì Thiều, tiện miệng hỏi nhỏ em chuyện con gái dì Thiều. Chồng dì mất sớm, con gái chưa tròn mười sáu đã lâm bệnh nặng không qua khỏi.

"Vừa hết tháng trước. Em sang nhà phụ dì làm cỗ."

"Đảm đang quá, thế này thì cần gì lấy vợ" - Lạc nhìn em phì cười, ánh mắt không giấu khỏi tự hào và tự mãn. Ngày xưa Thành chê cơm cha nấu, nhưng em cũng đâu nấu được món nào. Anh vừa kèm em học vừa dạy em nấu vài món cơ bản, chẳng mấy chốc cá biển nướng của em đã đắt khách nhất chợ huyện mỗi ngày rằm. Không tự mãn làm sao được! Đứa trẻ đầu tiên anh gõ đầu.

"Chờ anh lấy vợ đã rồi em mới an tâm lấy. Anh lên thành phố lớn học thiếu gì mối, em ở quê ngó qua ngó lại chẳng ưng bụng cô nào."

Ấy là em nói thật, xóm Hến đi vài mét lại gặp vài bờ má đỏ hây hây, thế mà em nhìn xuôi nhìn ngược không thấy màu đỏ nào vừa mắt. Em nghỉ học từ sớm, mấy cô trong xóm phần lớn học đến hết cấp Ba, có người khá giả còn mạnh dạn đi học Đại học trên thành phố. Nói là không cô nào vừa mắt em, chứ thật ra em sợ chả cô nào thèm để em vào mắt.

Nghĩ thế nên Thành thở dài, cha ở nhà không giục thì em cũng không sợ, mà anh ngồi trước mặt em vẫn còn thong thả học hành lắm; từ bé đến lớn đọc thơ tình rõ nhiều nhưng nào đã biết yêu ai. Anh không vội thì em vội cũng chẳng để làm gì.

"Nói linh ta linh tinh. Kiếm đại một cô mà cưới cho cha đỡ khổ, nam nữ ở gần nhau không có tình thì vẫn lâu lâu vẫn đỏ má. Nửa tháng em ra biển, nửa tháng lên chợ huyện đi buôn, ai ở nhà chăm cha? Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, bận bịu như em chờ đến khi nào mới ưng bụng người ta?"

Thành nghe không lọt tai, chuyện cưới xin là chuyện cả đời, huống gì tầm tuổi hai mươi đang bục mặt kiếm tiền không có thời gian ngon giấc; gặp anh được một buổi mà anh đã tưởng mình rảnh rỗi lắm rồi. Đang chuẩn bị vào mùa vụ sinh sản, đêm đêm cứ ra khơi là lại dễ dàng đầy ắp thúng trở về, chợ huyện sớm tinh mơ nào cũng tấp nập người bán kẻ mua. Em cũng phải tranh thủ tung vài mẻ lưới cuối cùng, vào vụ cá đẻ là tỉnh uỷ cấm không cho săn bắt tận hai tháng rưỡi. Dịp này là dịp ăn nên làm ra, sáng với tối cày liên tục, may ra chỉ có chiều mới kịp đánh một giấc. Nếu không phải vì anh đi Đại học từ Tết đến nay mới về thì em đã chả có sức mà ra đây ngồi hóng gió.

"Đọc thơ tình nhiều thế mà lại khuyên em kiếm đại một cô. Thà anh có bằng lòng về ở đợ nhà em thì về, không thì đừng nói. Mình em cũng làm ăn đủ để nuôi cha rồi, dăm năm nữa cha mà yếu thì thuê con ở. Chứ giờ chẳng cần, anh có về ở đợ cũng chẳng có việc gì đến tay."

"Thơ là thơ, đời là đời. Sống sao để vẹn đời mình, trọn hiếu cha mẹ khó lắm" - Lạc nhả ra từng chữ thật nhẹ nhàng, em mà không vểnh tai lên nghe thì gió cuốn tiếng anh đi mất.

Nghĩ cũng lạ thật, đẹp trai trắng trẻo như anh mà còn chưa có mối nào. Ba năm trước anh Huy nhà hàng xóm đi Đại học được hai năm thì nghỉ ngang về lấy vợ, cưới được sáu tháng đã lãi thằng cu kháu khỉnh. Anh Huy cao to đẹp trai, ai cũng đoán thằng này lấy vợ sớm mà hoá ra lấy sớm thật. Em cũng nghĩ biết đâu Lạc của em lên thành phố lớn học Đại học kiểu gì cũng có vài mối, xưa nay ở xóm Hến đã có bao nhiêu cô thầm thương trộm nhớ anh rồi.

Thế mà kì nào về nhà Lạc cũng về tay không, có xách cái gì từ trên thành phố lớn về thì cũng là mấy hộp ô mai chua ngọt chứ chả phải là cô nào cả.

Có khi là do người ta thấy anh quê miền biển mà da trắng hơn cả mình nên mới ngại không dám yêu cũng nên. Xưa bọn con trai trong xóm thấy anh da trắng lại suốt ngày cầm sách trên tay nên thi thoảng cũng ra kiếm chuyện. Vài lần anh đập cho mấy thằng thâm hết cả mắt, rồi chẳng thằng nào dám sinh sự với anh nữa. Các cô trong xóm cứ thế mà mê như điếu đổ, đi học về lại giả vờ ngã xe hay rơi sách để nhờ nhờ vả vả. Thành thấy vậy thì hò chị Lực nhà hàng xóm hộ tống anh đi học, cô nào rơi sách thì chị Lực nhặt hộ, cô nào ngã xe thì để Thành cõng về.

Thành còn nhớ có hôm trùng hợp thay hai cô ngã xe. Em cõng một cô mất rồi, không còn lưng mà cõng thêm người khác. Chị Lực ngay tức khắc quăng bao gạo năm cân cho anh cầm, liếc anh một cái rõ ác rồi mới khom lưng trước mặt cô gái vừa ngã:

"Lên em. Thúng gạo nửa tạ chị còn cõng như chơi nữa là. Không ngã đâu mà sợ, em để thằng Lạc cõng có khi còn sợ hơn. Thấy sẹo trên trán chị không em? Xưa thằng Lạc cõng chị ngã đập đầu vào đá đấy."

Em gắng lắm mới nhịn được cười, nhưng chị Lực nói cũng đâu có sai. Hồi mười một, mười hai tuổi gì đó chị Lực ngã xe gãy chân mà vẫn phải lên chợ huyện phụ mẹ nướng cá. Thành đã lên chợ từ bốn, năm giờ sáng với cha, còn mỗi Lạc lon ton xung phong cõng chị để mẹ chị lên dọn sạp hàng trước. Trời chưa sáng hẳn, đường lên chợ huyện thời đó chưa rải bê tông, luống cuống kiểu gì mà hai chị em ngã lăn quay, chị Lực đập đầu vào đá. Anh vừa khóc vừa cõng chị chạy hơn hai cây số lên trạm xá xã, thành ra từ đó nhớ đời không dám cõng ai nữa.

Chuyện cũ lúc nào cũng vui, chị Lực lấy chồng được hai năm rồi mà thi thoảng vẫn nhắc lại. Ngày đó chị Lực vừa gãy chân vừa sứt trán, anh biết chị khó gội đầu nên hai ngày lại qua nhà hộ chị gội đầu một bữa. Vốn anh không biết gội tóc dài ra sao mới sạch, mấy lần đầu tóc chị Lực cứ bị anh vò cho xoắn hết cả vào nhau. Chờ được đến ngày anh gội suôn sẻ từ đầu đến đuôi thì chân chị Lực cũng đã khỏi, sẹo đã liền da, mà em đứng chờ anh trước cổng nhà chị Lực cũng bắt đầu tị nạnh:

"Em cũng muốn được anh gội đầu."

Em vừa hồi tưởng vừa vò vò mái đầu đã phơi gió biển được hơn ba ngày, hồi đó phải nài nỉ anh lâu lắm anh mới chịu gội đầu cho em. Em nghe đâu mấy đứa nhà có điều kiện trong xóm mà ở lại ăn bán trú, ngủ trưa tại trường đều bị lây chấy của nhau hết. Thế là em nhịn một bữa ăn trưa để ở lại trường, anh gọi bao nhiêu lần em cũng kiên quyết không về, nói là bị phạt chép bài. Ấy vậy mà thành công thật, sáng hôm sau đầu em đã ngứa râm ran rồi.

"Anh ơi, tự dưng em có chấy. Ngứa lắm. Anh gội đầu cho em được không?"

Anh ngoài miệng chê em ở bẩn nhưng vẫn về hỏi mẹ cách trị chấy cho em. Nhà em chỉ có em và cha nương tựa vào nhau, em còn chẳng rõ cha em có biết cách trị chấy không nữa, mà có lẽ là không. Cha mà bị chấy thì chắc lại xuống biển bơi ngửa vài ngày, em đoán thế vì bị gì cha cũng bảo "để đấy vài hôm nó hết".

"Mẹ anh bảo bị chấy thì lấy rượu trắng ủ đầu, mà nhà anh chỉ còn rượu mơ thôi. Hay là anh gội tạm bồ kết cho em nhé?"

Lạc khệ nệ bê nồi nước bồ kết vừa đun xong qua nhà em, đặt một phát thật kêu xuống nền đất xi măng. Bình thường gội đầu cho chị Lực toàn dùng nước chị nấu sẵn, ở nhà mẹ lại hay gội bằng xà phòng thơm hơn, thành ra đây là lần đầu anh tự nấu nước bồ kết.

"Nhà em còn rượu nếp đấy, cha em nấu hồi Tết!"

Cuối tháng Chạp cha em nấu rượu mang lên chợ huyện bán, ở nhà chẳng uống bao nhiêu nên vẫn còn một hũ đầy. Hương rượu nếp ngửi nơi đầu mũi thì đăng đắng, xuống cuống họng thì lại thơm nức mùi men. Em múc hẳn hai bát rượu đầy, trong đầu vẫn cứ ngây thơ nghĩ rằng có chấy thì ủ rượu một hôm là hết. Nhưng mà thực tế thì nó khác lắm! Làm gì có chuyện dễ như ăn bánh thế được, dễ vậy thì bọn trẻ bán trú đã không bị lây chấy cho nhau. Em nào đâu có biết, chỉ rõ rằng mình mà có chấy thì chắc chắn anh sẽ gội đầu cho mình.

"Anh nghe bà kể là đi về phía Bắc khoảng trăm cây số nữa, người ta gọi con chấy là con chí đấy, Chí Thành ạ. Bà bảo không sao, có chí thì nên. Em than ngứa nên anh mới gội cho, chứ không thì để đấy để có chí chăm học, nghe chưa?"

Xưa em tưởng anh nói đùa, trên đời làm gì có con chí, chứ hoá ra anh nói thật. Con nít chín, mười tuổi ấy mà; kể chuyện cho nhau nghe thì một là chuyện gì đó cực kì nghiêm trọng, mà hai là chuyện ba láp ba xàm chọc ghẹo nhau. Em không quan tâm đến chuyện có chí thì nên cho lắm, bây giờ toàn bộ tâm tư của em chỉ đặt lên đôi bàn tay dịu dàng của anh. Hương rượu ngọt gắt cùng nhịp điệu êm ái nơi đầu ngón tay anh làm em mơ mơ màng màng, chỉ cần thả lỏng một chút thôi là ngã ngay vào giấc ngủ. Em còn chẳng nhớ nổi lần cuối cùng cha gội đầu cho mình là khi nào nữa, em chỉ biết ngay lúc này lòng mình thật ấm áp, em biết đây chính là cảm giác được vỗ về.

Anh giúp em ủ đầu, giúp em xả lại với nước bồ kết, làm kĩ lưỡng lắm rồi mà đến đêm em nằm vẫn ngứa. Sang tuần em mới chịu thú thật với anh, em muốn được anh gội đầu cho nên mới cố tình để lây chấy, ai ngờ một tuần anh gội ba lần rồi mà chấy vẫn chưa chịu hết. Cha thì cứ bảo ra biển bơi ngửa vài hôm là đỡ ngứa, nhưng em bơi đến mọc cả táo mèo khô trên tay rồi mà vẫn có đỡ tí nào đâu. Anh biết chuyện thì chê em trẻ con, dù anh cũng chưa lớn là bao.

"Ai lại nghĩ ra ba cái trò đó, trẻ con thật. Giờ thì biết mùi rồi đấy, lần sau còn dám nữa không?"

"Không dám nữa", nhưng nếu em vòi vĩnh anh cái gì mãi mà vẫn không được, thì chắc em vẫn dám.

Sau này lớn hơn một chút thì em cũng bớt hẳn mấy trò nghịch ngợm để được anh chiều, vì thi thoảng em đi biển lười gội đầu thì anh sẽ luôn chủ động nói để anh gội đầu cho em nhé. Có đôi khi anh vừa gội vừa kể lại chuyện em cố tình để đầu mình bị lây chấy, chêm thêm vài câu chê em trẻ con, chê em ham ngủ không tự giác gội đầu, chê em lớn rồi mà vẫn hay vòi vĩnh. Thời gian mà em chăm tự gội đầu nhất chắc là thời gian đi bộ đội, lần nào gọi điện về cho anh, em cũng phải khoe em đã gội đầu rồi mới được.

"Mấy nay đi biển không gội đầu đúng không? Đi về đi, anh gội đầu cho rồi ngủ lấy sức tối đi biển."

Em không nói gì mà chỉ cười tít mắt. Lạc của em về rồi, em bỗng thấy mình vẫn còn là một đứa trẻ. Đợt Tết anh về em không đi biển, thành ra cũng chẳng còn cớ để đòi anh gội đầu. Dăm bữa nữa vào mùa vụ sinh sản lại không đi biển được, mấy hôm nay phải tranh thủ cơ hội thôi.

Đường từ bãi neo thuyền về nhà em không xa lắm nhưng lại hơi gập ghềnh. Cát lún khó đi thì chớ, lại toàn quả hạt trần khô rụng vương vãi, hồi xưa hai đứa nghịch ngợm mà không đi dép thì thể nào cũng thâm tím hết cả chân. Từ khi anh lên thành phố học, tác phong của anh trông nho nhã hơn hẳn, nếp sống cũng chỉn chu gọn gàng hơn. Thế mà khi về quê nghỉ lễ với em, anh vẫn giữ thói quen đi đến đâu giẫm quả hạt trần khô tanh tách đến đó. Người ta né ra còn không được, anh thì cứ như đứa trẻ con giẫm phát nào phải ăn ngay phát đó mới thôi, thành ra bình thường em về nhà mất có mười phút hơn thì đi với anh luôn hao gần nửa tiếng.

Mà nửa tiếng đi cùng anh tưởng lâu thế nào, chứ nháy mắt một cái đã qua.

Bây giờ thì chẳng mấy ai gội đầu bằng bồ kết nữa, thanh niên trai gái trong xóm đều mua dầu gội đầu hoặc xà phòng thơm, chỉ còn các dì, các mẹ vẫn nấu nước bồ kết đều đặn. Thành vẫn ưa gội đầu bằng nước bồ kết hơn vì em không thích bọt, nhưng bận bịu suốt ngày lại còn lười sẵn nên em đã chuyển sang gội dầu gội từ lâu. Hơn nữa Lạc gội đầu cho em thì em luôn nằm trên chõng tre, dù sao bọt cũng không vào mắt nên em cũng phiên phiến vậy, được anh gội cho là thích rồi.

Thành kéo chõng tre ngoài sân vào gần vòi nước máy, tiện lấy thêm một chiếc đòn con cho anh ngồi. Mấy lần anh bảo cái đòn này ngồi tê chân lắm, em cũng lên chợ tìm vài loại đòn khác nhưng cái thì quá cao, cái thì quá bé. Vậy thì thôi anh nhỉ, anh gội đầu cho em xong thì để em xoa bóp chân cho anh.

Em thong thả nằm lên chõng, rướn người cho hơn nửa đầu kê lên thành tre để anh dễ gội. Em thấy mình như đứa con nít đang háo hức chờ mẹ gội đầu, lớn bằng này tuổi rồi mà cảm giác vui vẻ mỗi lần được anh chiều vẫn chưa vơi đi một chút nào.

Lạc xả nước ra sẵn một chiếc chậu to, chờ nước đầy chậu mới bắt đầu với lấy chiếc gáo gỗ múc nước xối nhẹ lên mái đầu em. Tóc phơi muối biển ba ngày rít thật, gần như lần nào gội đầu cho em anh cũng thấy rít. Kể mà em cứ ở trong quân ngũ luôn đi thì có phải đầu tóc lúc nào cũng sạch sẽ hơn không.

"Thành này?"

Anh vừa bóp dầu gội ra tay, bắt đầu vò tóc em vừa hỏi nhỏ. Thường thì anh đâu có mở lời như vậy, anh muốn nói gì là cứ trực tiếp nói. Em lờ mờ đoán chắc là anh có chuyện gì đó rất quan trọng muốn nói với mình, trong lòng em chỉ thầm mong anh đừng nói rằng tốt nghiệp xong anh sẽ ở lại thành phố lớn. Tất nhiên nếu là điều tốt cho anh thì em chẳng bao giờ phản đối, nhưng nếu anh cũng như nhiều người học cao khác trong xóm bỏ lưới chài quê hương lên thành phố lập nghiệp, em vẫn sẽ rất buồn.

Buồn vì xa anh thôi, chứ anh đi đâu cũng được.

"Ừm anh?"

"Hồi em đi bộ đội, có đợt bà anh ốm nặng lắm. Cha mẹ anh đi làm ăn xa, một tháng giỏi lắm về nhà được hai lần. Cái Khánh con bác Hồng ngày nào cũng qua chăm bà, cơm nước đầy đủ, dọn dẹp tinh tươm. Mẹ anh gửi tiền thì nó không lấy."

Cái Khánh, em biết cái Khánh, ngày xưa học cấp Ba bị ngã xe trước mặt anh mấy lần. Cái Khánh xinh thật, em muốn chê cũng không chê được, khuôn mặt bầu bĩnh mà vẫn duyên dáng như nó có khi lật tung cả cái xóm Hến này lên cũng không kiếm được ai ngang bằng. Nếu nhà cái Khánh mà có ý với anh thì thể nào mẹ anh cũng đồng thuận.

Em im lặng không trả lời, nếu anh vẫn ở lại quê hương mà lại cưới cái Khánh; em cũng buồn không kém. Nhưng cái buồn này khác lắm, em không biết phải giải thích như thế nào.

"Mẹ anh bảo anh chăm sang nhà cái Khánh một chút, phụ cha nó bổ củi. Cha nó già rồi."

Thành trông thấy từ phía xa xa mấy cột khói lam chiều thẳng đứng, lên cao một chút thì bị gió thổi xiên xiên vẹo vẹo, đặc sản khói lam xiên vẹo này may ra chỉ ở miền biển mới có. Bây giờ nhà nào cũng dùng bếp ga nấu ăn nhưng đun nước nấu cơm thì vẫn đun bếp củi, cơm cháy bếp củi ngon hơn cơm nồi điện rất nhiều. Bởi thế mà cha em vẫn thường xuyên bổ củi nhóm bếp, cha cái Khánh chắc cũng thích ăn cơm cháy mỡ hành đấy nhỉ.

"Ừm anh. Người lớn giờ vẫn không thích dùng đồ điện, lạ thật đấy. Anh qua phụ bác một tay."

Cái Khánh trông bà anh, anh phụ cha cái Khánh bổ củi; đôi trai gái qua nhà nhau phụ cha mẹ mấy lần, sớm muộn rồi cũng có hôm dạm ngõ. Thành híp mắt lại, bảo sao lúc nãy mới giục em kiếm một cô mà cưới. Nhà em neo người nên chẳng bị giục lấy vợ bao giờ; nhà anh còn bà, còn mẹ, chắc cũng sốt sắng chờ anh tốt nghiệp Đại học là bảo cưới ngay.

"Anh nói anh lên thành phố lâu quá nên quên mùi biển rồi, cá nục cá thu anh còn không phân biệt được. Anh bảo mẹ là anh bận đi biển với em."

Lạc của em trông vậy mà ăn nói linh tinh quá, đến cả tiểu thư trên thành phố đi chợ cũng thừa sức phân biệt được đâu là cá nục, đâu là cá thu. Em nghe mà không biết nên khóc hay cười, nói không phân biệt được cá nục cá thu chẳng khác gì nói không phân biệt được mèo với chó. Mẹ anh mà tin được thì em cũng lấy làm lạ, không biết anh đi biển với em về thì mẹ có còn bảo anh qua nhà cái Khánh nữa không?

"Anh dễ say sóng, khó đi biển cả đêm với em lắm. Chi bằng anh cứ qua phụ cha cái Khánh đi, có qua có lại chứ ai lại để nợ nần tình nghĩa của nhau bao giờ."

Lạc im lặng một lúc, tay vẫn không ngừng vò đầu cho em. Anh nâng nhẹ đầu em lên để vò nốt phần tóc gáy, sợ em mỏi cổ nên anh chỉ vò nửa phút. Thành thấy anh im lặng không nói nữa, chẳng biết ý anh sao, mới vòng tay lên đầu nắm lấy cổ tay anh, rướn đầu mở mắt hỏi:

"Em không nói là không cho anh đi, chỉ nói anh dễ say nên khó đi cả đêm. Anh im lặng là sao? Lạc của em giận em đấy à?"

Bấy giờ anh mới cảm nhận được những vết chai sần trên từng đốt ngón tay của em. Anh mới nhận ra, à, em mình lớn bằng từng này rồi đấy, đã là người đàn ông xóm chài đi biển kéo lưới thuần thục rồi. Anh đang đi học nên vẫn thấy mình hẵng còn trẻ con lắm, chứ em đã nuôi thân lẫn nuôi cha được mấy năm chứ ít. Xóm Hến này đúng là làm người ta già đi nhanh quá.

"Giận gì đâu, con nít. Biết là không nên nợ tình nghĩa nên sáng nay anh qua nhà cái Khánh biếu cha nó mấy hộp thuốc bổ anh mua trên thành phố rồi. Đắt chứ không rẻ. Không lấy anh cũng bắt phải lấy, người ta cho tình còn mình trả của, người ta tự biết ý mình sao."

Chắc là mẹ anh nói chuyện cái Khánh với anh lâu lắm rồi, nên trước khi về nghỉ hè anh mới mua chuẩn bị cả thuốc bổ để đến từ chối khéo nhà người ta. Ác thật, ác với cái Khánh thì chớ; lại còn ác với em, chuyện lâu rồi mà anh không kể, cứ im ỉm một mình.

"Còn chuyện đi biển, em không cho thì thôi, anh đi với người khác" - Anh vừa nói vừa xả đầu cho em, tay vò đầu em cũng hời hợt hơn một chút.

Em không giấu được ý cười trên đôi mắt cong cong, thấy em nín cười anh càng thấy ghét, xối nước qua qua cho sạch dầu gội rồi lấy khăn cuộn đầu em lại bắt em tự lau tóc. Em không nói anh ác, nhưng anh đoán thừa em đang nghĩ mình ác thật.

"Anh lau tóc cho em đi, rồi tối nay em cho anh đi biển. Không thì thôi, anh ở nhà mà ngủ."

Giỏi thật.

Lạc nghĩ thế thôi chứ vẫn lau tóc cho em. Anh mà không lau có khi em để luôn cả đầu ướt đi ngủ, anh nhớ xưa giờ anh phải thay đến chục cái vỏ gối mốc cho em rồi. Hồi em đi bộ đội về, anh mua cho em cái máy sấy, em lại bảo tiếc đồ xịn nên không dám dùng. Giờ thì hay rồi, này gọi là lười không thèm dùng đến chứ thằng Thành này thì tiếc gì ba cái đồ bán nhan nhản trên chợ tỉnh.

Cha em vừa gom củi khô về, đến đầu cổng đã chửi oang oang:

"To đầu rồi còn bắt thằng Lạc hầu như con ở!"

"Con đòi đi biển cùng mà nó bắt con gội đầu cho nó thì nó mới cho đi bác ơi!"

Sân nhà nhỏ lại ăm ắp tiếng cười, buổi chiều xanh mướt đáp xuống mái tóc anh một ngọn gió nho nhỏ, để lộ vầng trán lấm tấm mồ hôi. Hè đến rồi nhỉ. Đến cả gió cũng mằn mặn mùi biển khơi.

Giữa cơn buồn ngủ ập đến, em nằm trên chõng tre lờ mờ thấy bóng anh phụ cha xếp đồ lên chạn nơi thềm bếp củi, thầm nghĩ sáng mai đi biển về chắc phải qua nhà phụ bà anh hong xôi cúng rằm mới được. Phải qua sớm một chút để lỡ may cái Khánh còn ôm hi vọng phụ bà một tay. Bảo sao mấy nay mỗi lần em đưa cá sang cho bà lại thấy cái Khánh đi vào từ đầu ngõ, em thấy mình chẳng tinh ý tí nào.

Buổi chiều nắng hẵng còn vàng, em đã trôi vào giấc ngủ êm ru.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net