Trên chiếc xe bán tải

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Summary:

"... Hay là mình về nhà đi."

_________

Chiếc xe bán tải chạy băng băng trên đường, những hàng cây héo khô chỉ chực chờ gãy rụng và những căn nhà đổ nát lao vụt qua mắt tôi. Tôi chống tay lên cửa sổ xe với kính đã nát hết từ lâu, để khói và bụi bay đầy trong không trung theo những sợi gió mà cuốn lấy tóc, lấy áo quần tôi. Len lỏi đâu đó, tấm màn xanh lơ cũng lả lướt theo, nó có màu như bầu trời của những gì tôi còn có thể nhớ về một miền đất xa lạ, hoặc có lẽ là một miền quen thuộc đã vùi chôn nơi trí óc tôi vì cát bụi thời gian.

Cảnh Nguyên vặn đài theo thói quen, nhưng chúng tôi thừa biết sẽ chẳng còn thanh âm nào được phát ra từ nó nữa. Tôi nghe tiếng chàng thở dài, và rồi chàng bắt đầu ngân nga, giọng chàng vốn rất hay, dẫu lúc này tôi chỉ nghe được chàng thông qua một lớp mặt nạ phòng độc, chúng vẫn mềm mại và dịu dàng tựa bài hát ru thân thuộc của một thuở xa xưa nào đấy, vỗ về tôi và khiến mắt tôi díp lại, để mặc cho giọng ca chàng mang tôi đi thật xa, thật xa. Tôi đã ở với chàng đủ lâu để hiểu chàng đôi chút, Cảnh Nguyên đang muốn tôi có một giấc nghỉ ngơi đàng hoàng sau hơn một ngày trời ngồi ghế lái, chúng tôi chỉ mới thay ca cho nhau độ một tiếng trước và ấy cũng vì chàng ép tôi. Vậy nên theo ý chàng, tôi nghiêng đầu nhắm mắt và để chàng dắt tay tôi, để những lời hát ru của chàng đưa tôi đi đến một bầu trời mà tôi không biết, không nhớ.

Giọng chàng bình bình, tựa con đường đã thôi những ổ gà, những sỏi đá rơi rớt từ những căn nhà đổ sụp chung quanh, phía trước của chúng tôi bỗng không còn gập ghềnh và va vấp nữa. Thanh âm chàng trong trẻo lắm, đến nỗi tôi ngỡ trên mặt chàng vốn chẳng đeo thêm lớp ngăn cách nào, chúng gợi tôi về một bầu trời khác với bây giờ. Khi ấy vòm trời cao hun hút, xanh ngát một màu và những đám mây to tròn sẽ vắt mình trên nền thinh không, lững lờ trôi nhẹ. Tôi nhớ cánh chim chao lượn từ khoảng không này sang khoảng không khác, chúng nhảy từ một cành cây mới chỉ chớm những đọt non đến một cành lá xum xuê, xanh biết và điểm trên đấy là bao nụ mới sinh e ấp khép mình chờ ngày trưởng thành. Tôi nhớ bầu không khí mà mỗi khi tôi hít vào, thứ lấp đầy buồng phổi tôi là sự sống chứ chẳng phải khói, bụi và độc; lúc ấy tôi còn có thể nhìn rõ mặt chàng.

Chợt Cảnh Nguyên khựng lại không hát nữa, tôi cũng giật mình tỉnh giấc. Chàng xuống xe ngắm nghía một hồi rồi bảo tôi.

"Hình như xe mình bể lốp rồi anh ạ."

Nghe vậy tôi cũng định xuống theo nhưng bị chàng ngăn lại, chàng khuyên tôi hãy cứ nghỉ đi, chuyện nhỏ này chàng làm được. Rõ ràng hồi ấy có khi nào chàng động tay vào những chuyện như thay lốp thế này đâu, toàn là tôi xuống xe kiểm tra rồi thông báo về độ hư hại cho chàng, toàn là tôi mở cốp tìm lốp dự phòng, và chàng sẽ đứng hoặc ngồi cạnh tôi, luyên thuyên rằng tôi giỏi giang ra sao. Giấc mơ đẹp thường làm con người ta yếu mềm, tôi nghĩ bụng. Chúng khiến tôi quên mất thứ hoàn cảnh đang luôn hiện hữu nơi đây đã buộc chàng phải học những điều chàng không biết; tôi không còn giỏi trong mắt chàng nữa, và chàng cũng chẳng tài hơn tôi là bao. Tôi học thứ chàng biết và chàng cũng học vài ba ngón nghề từ tôi, nhưng như thế thì chúng tôi mới đỡ đần cho nhau được.

Tôi tựa mình trên ghế, nghe tiếng leng keng và chợt tôi lại bình yên đến lạ, tôi nhắm mắt.

Người ta thường nói những kẻ sắp chết thường hay nhớ về quá khứ, và chắc là vậy thật, vì tôi đã mơ về một buổi chạng vạng, trong căn bếp nghi ngút khói và nồng đượm mùi thơm của thức ăn, tôi ngồi trên bàn làm việc và chàng thì loay hoay bên bếp. Cánh tay chàng rắn rỏi, nâng chiếc chảo gang thật lớn rồi xốc lên, cơm chiên cong thành một vòng đẹp mắt, lửa phựt lên cao, lan tỏa hơi nóng và hương cơm khiến bụng tôi cồn cào. Cảnh Nguyên là con người của cái đẹp, tôi thường nghĩ thế, mỗi khi chàng làm gì, rõ nhất là bây giờ, chàng sẽ bật những bài ca. Hãy cứ tưởng tượng rằng vào một buổi chập tối, khi đèn trần trên đầu tỏa ánh vàng nhạt, khi băng đĩa quay những giai điệu êm ái hòa vang cùng âm xì xèo báo hiệu một buổi tối đủ đầy, tôi ngồi đấy ngắm chàng và rồi quanh tôi bỗng nhiên tối om, đèn không còn chiếu sáng khắp nhà nữa, chỉ căn bếp này, nơi có chàng và tôi, chỉ nơi đây còn ánh sáng chiếu rọi.

Chiếc xe bán tải lại băng băng trên đường.

Tầm bảy giờ, chàng dừng xe bên một tòa nhà bỏ hoang, mà thật ra cũng chẳng còn bao căn là có chủ nữa. Chúng tôi đi bộ khắp các ngõ ngách, sau hơn ba tiếng đồng hồ lật dỡ và tìm kiếm trong đống đổ nát thì hai thằng đàn ông sức dài vai rộng cũng phải thấm mệt nhoài. May mắn làm sao khi cuối cùng chúng tôi cũng trông thấy một chồng các thùng giấy xếp đều tăm tắp trước hiên một căn nhà, dẫu khung cảnh hoang tàn là thế, chúng vẫn mới toanh tựa như vừa có ai cố tình để đấy chờ những kẻ lang thang như bọn tôi ghé qua. Tôi vừa bưng mớ chiến lợi phẩm cất vào cốp vừa trêu Cảnh Nguyên rằng đây chắc hẳn là món quà cuối cùng của ai đó trước khi họ quyết định thôi không lưu lạc nữa. Tôi nói thế rồi chờ một câu đáp trả từ chàng, nhưng hôm nay chàng chỉ im lặng và phụ tôi đỡ những thùng hàng lên xe, với nỗi tâm sự nặng trĩu nơi đáy mắt.

Tôi thường mường tượng hành trình lang bạc này như một cuộc đi về cái chết theo cái lối vòng vo nhất, vì dù gì, với tình trạng này, không sớm thì muộn chàng và tôi cũng phải lìa đời, chẳng do đói khát thì cũng do đuối sức mà đi tong. Nhiều lần tôi muốn buông xuôi, không thiết tha ăn uống nữa, tôi muốn cứ để đấy mà chết đi cho nhẹ đời. Nhưng nhìn chàng bỏ bữa theo là tôi lại chẳng kiềm được, tôi muốn chết nhưng lại ghét việc chàng cũng sẽ nối gót theo sau. Thế là tôi lại ăn, lại uống, lại lang thang cùng chàng kiếm tìm một tương lai vô định, mịt mờ.

Bởi bầu khí quyển ô nhiễm và khí độc cứ luôn lởn vởn khắp nơi nên chúng tôi phải hạn chế đến mức tối đa việc tháo mặt nạ. Tôi lôi từ thùng giấy ra một chai dinh dưỡng, nối chiếc ống dài từ miệng chai rồi cắm thẳng vào. Mùi vị của thứ dung dịch ấy vẫn kinh khủng như lần đầu tôi nếm thử, tôi nhăn mặt, những lúc thế này Cảnh Nguyên sẽ cười và bảo tôi sao mà kén chọn quá, nhưng tôi thì cứ mãi nhớ và mơ, về một buổi chiều với bữa cơm nồng ấm mà chàng - cùng nụ cười và bàn đã dọn sẵn - thường gọi là 'bữa ăn gia đình', và khi ấy tôi lại càng không thể nuốt trôi thứ gọi là 'thức ăn' này.

Ước chi thời gian có thể quay trở lại để tôi được ăn những món chàng nấu, tôi ngẩn ngơ.

Tối muộn, hai đứa bọn tôi nằm ở hàng ghế sau, tôi nghe tiếng ngáy nhè nhẹ từ chàng mà lòng cứ run rẩy mãi, tôi không tài nào ngủ được. Tôi nhìn làn khói đặc quánh khỏa lấp đi bầu trời và tưởng tượng chúng là một tấm rèm bông để tôi có thể vươn tay từ khung cửa sổ trống rỗng này mà vén lên, để lộ những vì sao lốm đốm trên nền trời khuya cao ngút ngàn. Vì tinh tú ấy sẽ tỏa sáng rực rỡ lắm, sẽ tầng tầng lớp lớp nối tiếp nhau thành một cây cầu bay lấp lánh mà thuở bé tôi từng ao ước được đặt đôi bàn chân mình lên rồi chạy vút giữa hai đầu cầu. Tôi sẽ chạy và chạy, chạy mãi, chạy cho đến vô tận. Bước chân con con làm hồn tôi lửng lơ, rồi bất chợt, giữa những tầng mây cao và những ngôi sao chói lọi, tôi thiếp đi từ lúc nào chẳng hay.

Sáng sớm, chiếc xe bán tải lại băng băng trên đường.

Thật ra trên cuộc phiêu lưu này tôi và chàng đã gặp rất nhiều người; độc hành có mà đồng hành cùng nhau cũng có; khi thì gia đình, khi thì bạn bè hoặc chỉ đơn giản là những người dưng vì duyên số mà vô tình gặp nhau; có kẻ chọn quay về, cũng có kẻ can trường bước tiếp. Tôi không phán định đúng sai vì chính tôi cũng chỉ là kẻ mơ hồ, luẩn quẩn trước những ngã rẽ vòng vèo khiến đầu tôi đau nhức. Đi tiếp thì sao? Dừng lại thì thế nào? Có chăng cái đích kia chỉ độc một chữ 'chết' mà thôi. Nhưng Cảnh Nguyên vẫn mong ngóng đến thứ gọi là tương lai, mà tôi thì luôn sánh bước bên chàng.

Hôm nay, như mọi ngày, tôi nối chiếc ống vào mặt nạ và ăn sáng. Chợt bụng tôi quặn thắt đau đớn, từng cơn từng cơn, tựa như có bàn tay ai đó thọc thẳng vào và ngoáy tung hết cả, dịch dạ dày trào lên cuống họng, tôi mở tung cửa xe, lao nhanh xuống và dùng hết sức tháo thứ đồ vướng víu trên mặt. Cảnh Nguyên đuổi theo, ngồi ngay sát bên và vỗ về tấm lưng tôi; tôi thốc tháo thứ dịch xanh vàng ghê tởm, miệng tôi chua và nhớp nháp, tôi không thở được. Chàng ngồi đấy, ngay sát bên, bàn tay chàng cứ hết vuốt lên rồi lại xuống, như một chiếc máy đã được lập trình sẵn. Cho đến tận khi tôi đã súc miệng và ra đằng sau xe nằm nghỉ, chàng vẫn chẳng thốt lên lời nào.

Xe không chạy nhưng chàng cứ nắm hờ vô lăng, nhìn thẳng về phía trước. Tôi chỉ thấy được mái đầu trắng cùng tấm lưng thẳng tắp ấy, tôi muốn ngồi dậy để nhìn cho rõ mặt chàng nhưng bụng tôi lại đau quá đỗi. Ánh mắt tôi hướng về người đàn ông kia thật lâu, lâu lắm, để rồi muộn màng nhận ra dạo này chàng đã ít nói hơn hẳn, tim tôi như nổi trống trong lồng ngực.

Sau một khoảng lặng kéo dài tựa vô tận, bức tường kiên cố bỗng dưng đổ vỡ. Từ đâu đó, thấp thoáng trong không gian, một tiếng nức nở vọng về, nhỏ bé và yếu ớt biết bao, tôi ngỡ ngàng. Chàng ngã hẳn cả thân mình vào ghế, bờ vai co lại, tí xíu và run run, từng tiếng nấc nghẹn chảy xiết qua kẽ răng chàng. Với chất giọng tựa những mảnh kính vụn, chàng thủ thỉ.

"Anh, hay là mình về nhà đi."

Tôi từng khen giọng Cảnh Nguyên rất hay, với sắc âm trầm ấm và quyến rũ, chàng như được sinh ra chỉ để xướng lên những bản tình ca lãng mạn dưới vầng trăng tròn, dưới ánh nến và rượu vang đỏ, dưới đèn chùm và những vũ công đang nhảy múa, dưới hoa hồng và dưới những nụ hôn. Hương nước hoa luôn vấn vương nơi đầu mũi, lưu luyến cùng những nốt nhạc được ngân lên từ một buổi giao hưởng khiến hồn ta đê mê; và chàng là trung tâm, là viên ngọc quý giá nhất mà tôi đã không biết bao lần tự thán phục sự may mắn của cuộc đời khi đã cho phép tôi được ấp ôm chàng trong lòng mình. Chàng xứng đáng được hưởng mọi tình yêu thương trên đời này.

Nhưng viên ngọc ấy, dưới những áp lực không tên, lặng lẽ hiện lên những vết nứt mà tôi chẳng hay chẳng biết.

Tôi gắng gượng ngồi dậy, chồm người lên ghế lái, tôi loáng thoáng thấy bàn tay chàng khẽ chùi lau đôi mắt hoen đỏ. Tôi mím môi, vòng tay ôm siết chiếc ghế mềm, ôm siết lấy chàng, ôm siết lấy người tôi thương.

"Xin lỗi..." Tôi run rẩy.

"Xin lỗi em."

Tôi nghiêng người, bàn tay chạm vào má chàng và xoay mặt chàng về phía tôi, cách một lớp nhựa cứng, tôi hôn chàng và thầm thì.

"Nào, Cảnh Nguyên à, ta cùng về nhà thôi."

Đến bây giờ tôi mới hiểu, sở dĩ chàng vẫn cầm chắc vô lăng và lao về phía trước bởi chàng nghĩ chàng còn có tôi, cũng như tôi chọn đi tiếp vì bên tôi có chàng. Cái tương lai mà chàng hằng mong mỏi ấy chính là tôi, chẳng phải ai hay điều gì khác; và tương lai của tôi - thứ tôi không nhận ra rằng bản thân cũng đang tin vào - chỉ duy vì chàng, vì khao khát chàng được sống, được bình an, mạnh khỏe.

Chúng tôi để số thực phẩm dự trữ lại tại một ngôi nhà xa lạ, chỉ chừa vừa đủ cho chuyến đi.

Chiếc xe bán tải lại băng băng trên đường.

Tôi đạp chân ga, tiếng động cơ hòa cùng tiếng hát chàng, vang mãi trên đường về. Và tôi thấy lấp ló trên những cành khô quắt kia những lộc non chớm lộ, nhập nhoạng khóe mắt những cánh chim trời, những làn gió xưa hong khô gương mặt lấm lem vì nước mắt. Tôi thấy bầu trời dần chuyển xanh, một màu xanh thân thuộc, một màu xanh đã sống lại trong tâm hồn tôi. Tôi vừa lái xe vừa nghĩ, khi đã đến được chốn về, điều đầu tiên tôi làm sẽ là tháo phức lớp ngăn cách phiền toái này và hôn chàng thật sâu, thật lâu; để nuốt trọn bao thương nhớ, để thỏa sức vật lộn trước cái kết đang cận kề.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net