Boston, bánh quế hoa và lời ngân nga của nắng ☀️

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tìm một tiệm bánh mang tính quốc tế ở Boston không khó, nhưng cũng cực kỳ khó. Nếu như thật ra, thứ bạn tìm không chỉ là bánh, mà còn là loại bánh bạn chưa từng thích ăn.

Mã Gia Kỳ đối với bánh ngọt có một niềm yêu thích nhất định, nhưng cũng có những loại bánh mà chính anh không thể cảm thấy ngon lành dù chỉ mới một lần nếm qua.

Hồi còn ở quê nhà, anh không ưng cái món quế hoa bao giờ.

Ông bà của anh hay chuẩn bị món bánh này vào những dịp rất quan trọng, bởi vì nó bắt mắt và cũng bởi vì nó nhẹ nhàng thanh tao. Cái loại bánh mà tồn tại qua lịch sử hết mấy trăm năm, xem chừng như của quý của các bậc gia trưởng thì đối với Mã Gia Kỳ khi còn là đứa trẻ chưa biết cất cánh bay đi, chung quy lại cũng chỉ là một góc bánh tẻ nhạt, có vị ngọt của đường, âm ấm mùi quế, có kỷ tử đỏ òm chua chua, cắn một miếng liền dinh dính vào răng một hồi.

Thế nên, chính vì không thể giải hòa với món bánh truyền thống, Mã Gia Kỳ quyết định giữ y nguyên cái nhìn thiếu hảo cảm với nó suốt hành trình trưởng thành.

Mãi cho tới một ngày trên đất khách quê người vừa lạnh lùng vừa ủ dột vì mùa đông. Ngày đó cũng là ngày Mã Gia Kỳ biết tới Lạc Yên và nhớ lại món quế hoa trong quá khứ.

Chuyện rằng...

Ở cái khu dân cư vốn được gọi là Chinatown ấy, người ta hay truyền tai nhau về câu chuyện có một cô gái nhỏ người Châu Á mang nụ cười như nắng hạ sáng bừng, vừa hiền lạnh, vừa ân cần dễ mến. Cô ấy đến với Boston vào một ngày đông đặc sệt, tóc ủ đầy tuyến rơi. Thế nên đôi má cô ửng hồng lên như đôi mận chín.

Rồi cô ấy tưởng như mình sẽ chết chìm trong đống mềm mịn trắng xoá khi vừa mới đôi mươi, cô ấy đoán rằng người ta sẽ tìm thấy cái khăn choàng cổ màu đỏ của cô trước nhất, sau đó mới là cơ thể bé nhỏ của cô tím tái cứng đờ vì băng tuyết phủ qua. Nhưng điểm dừng của sự tưởng tượng ngốch nghếch ấy lại vừa khít để cho một bàn tay đặt vào.

Một bàn tay giấu sau cái bao tay màu đỏ y hệt loại màu trên khăn cổ, cùng một thân áo măng tô dày màu nâu đã dính đầy tuyết rơi. Lạc Yên không thở nổi, nhưng vẫn cố gượng một lời cảm ơn nhỏ rít bằng tiếng người ở nơi xa xứ chu du. Ấy thế mà câu chuyện đã bắt đầu, khi người đối diện to lớn kia đáp lại cô bằng những ngôn từ cùng quê cha đất mẹ nghe sao thân thuộc lắm.

Và câu chuyện ấy đặt họ vào một chỗ, đồng nghĩa, một Lạc Yên cô đơn ở Boston đã biến mất như tuyết tan vào mùa xuân.

Thế nên...

Mã Gia Kỳ chủ động tìm tới Lạc Yên mỗi khi lòng mình nặng trĩu. Và cậu sẽ chọn bánh quế hoa làm món quà vặt cho chính mình.

Chả biết từ bao giờ, anh đã trót thích cái món bánh mà tuổi thơ chưa từng để mắt tới. Và cũng chả biết từ lúc nào, anh lại tò mò về câu chuyện của Lạc Yên.

Mà Lạc Yên của hiện tại Mã Gia Kỳ nhìn thấy, cũng chỉ còn là một tiệm bánh quốc tế giữa con phố người Hoa.

Rất nhiều người trong khu Chinatown này truyền tai nhau về Lạc Yên, từ khi nó còn là hình dạng của một cô gái, cho đến khi nó trở mình thành một tiệm bánh truyền thống mang hương vị chuẩn xứ Thanh Hoa.

Người ta kể nhiều lắm, nào là việc cô ấy gặp được định mệnh đời mình, nào là việc cô ấy cùng người đó hạnh phúc ra sao. Rồi cả việc ngày mà cô ấy thành hôn, cô ấy đã mặc một chiếc sườn xám đỏ thêu hoa chỉ vàng, mang cái dáng vẻ ngập tràn nắng xuân ấy lưu luyến khắp cả Chinatown.

Rồi người ta cũng kể, cái ngày mà cô ấy đến đây là một ngày đông bão tuyết, cái đống tuyết dày lên cả mét trông đáng sợ biết bao. Nhưng thời khắc mà cô ấy rời đi, thì lại là vào một ngày giữa thu thanh thuần như ánh mắt cô đong đầy những lá phong đỏ thắm và mây trời cứ dịu dàng yên bay.

Cô ấy đã rời đi, đôi mi mỏng manh và xanh xao khép lại, khi mà chẳng còn vướng bận điều gì nữa ở thế gian nà nữa.

Khi mà người cô yêu vẫn luôn rất yêu cô. Khi mà người cô yêu đã mở một tiệm bánh có tên cô và người mà cô yêu nhiều biết nhường nào ấy, anh ta biết làm món bánh mà cô ưa thích, ngon lành như thể anh chính là Lưu Cát Tường, xuyên không mang đúng hương vị bánh ấy đến cạnh cô.

Rồi người ta cũng kể, những ngày cô ấy vừa qua đời vì căn bệnh nan y, tiệm bánh đã trở nên u ám đến nỗi như thể nó là cái kho chứa đủ thứ nỗi buồn. Nó tối tăm, đầy sương mù quạnh quẻ. So với hiện tại thì có vẻ giống như so giữa thiên đàng và địa ngục hơn. Chính là cái cảm giác sầu rũ khiến nó đau thương lắm. Vậy mà có duy nhất một điều không bao giờ thay đổi, những người dân trong khu phố hào hứng kể thêm, đó chính là mấy món bánh truyền thống vẫn rất thơm ngon, cứ như là một điểm sáng, bừng lên giữa không gian u uất trầm buồn.

Mã Gia Kỳ không phải là kiểu người ưa tò mò nhưng mải mê cuốn theo câu chuyện của những người cho mình cảm giác gần gũi như những cô dì hàng xóm liền cảm thấy có chút thắc mắc.

Thế nên, vào một ngày xuân vừa rơi lên mi mắt, tuyết vẫn còn lấm tấm đầy một vòng nón len, Mã Gia Kỳ lại ngồi xuống trên cái bàn ưa thích, gấp menu lại và gọi một tách trà hoa cúc nóng cùng bánh quế hoa.

Mã Gia Kỳ đã không kiềm được mà cất tiếng hỏi người con trai trong câu chuyện ấy, trong ánh đèn vàng ấm cúng đến lạ.

Mà hôm ấy, miếng bánh quế hoa cũng không còn thơm lành như mọi lần nữa, vì được tẩm thêm chút cay cay từ câu trả lời phát lên từ quầy bánh đượm vàng.

"Vì cô ấy thích ăn bánh của anh làm lắm. Cái gì có thể tệ đi, nhưng bánh thì không thể tệ được."

Mã Gia Kỳ im lặng nhấn một góc bánh, thấy quả kỷ tử mắc kẹt sắp rơi ra.

Anh chủ tiệm lại ôn tồn nói:

"Nếu mà bánh dở, cô ấy ở trên thiên đường sẽ không vui..."

Đúng vậy, người ta có thể sửa cái nhà, sửa cái cửa, cái đèn khi nó hỏng, nhưng đâu thể nào sửa được cái bánh khi lỡ làm hư. Anh chủ quán có thể để cho cái tiệm bánh nhuốm đầy nỗi u uất, nhưng tuyệt nhiên chẳng dám làm ra một mẻ bánh dở òm trái với khẩu vị của người anh yêu.

Vậy thì cũng thế thôi, Mã Gia Kỳ nhận ra mình cũng thế.

Cũng giống như chính Mã Gia Kỳ có thể sửa được cái cảm giác của mình đối với một loại bánh tuổi thơ. Nhưng trần đời, trốn chạy đến Boston để quên một người là điều mãi chẳng thể nào làm được.

Bởi vì đó là yêu, là nhớ nhung, là hao gầy trong vô thức.

Thế rồi, anh chủ tiệm lại hứng khởi cởi tạp dề, quay sang chỉnh máy tính để đổi cái nhạc Jazz có hơi sang trọng thái quá. Anh lại ồn ã hơn khi mở cửa quầy, cầm cốc trà hoa cúc đến cạnh Mã Gia Kỳ:

"Lâu lắm mới gặp đồng hương trẻ tuổi chịu ăn mấy cái bánh truyền thống, mà để nhạc Jazz thì chán quá hả, để anh đổi sang nghe chút nhạc trẻ nha, anh thấy bài hát này đang đứng đầu bảng xếp hạng, nghe cũng ấm áp lắm"

Loa của tiệm bánh là loại loa trầm, không chát chúa giật đùng như mấy cửa hàng thức ăn nhanh. Vừa hay bài hát anh ấy mở lại là bài hát viết về mùa xuân. Mã Gia Kỳ khúc khích cười nhìn anh chìm trong đoạn dạo nhạc du dương, quả là một đoạn âm thanh khiến người ta vừa nhẹ lòng vừa nhớ nhà quá đi mất, đến mức quả kỷ tử đang mắc kẹt cũng nhẹ nhàng lơi ra, ngã xuống dĩa sứ.

Cùng lúc ấy, giọng của ca sĩ nọ cất lên...

Lần đầu tiên ở Boston, Mã Gia Kỳ thấy nắng vàng cuối đông lại rực rỡ diệu kỳ đến thế. Mấy tia nắng cứ nhảy nhót trên búp lá phong vừa nhú trên cành, rồi lăn tăn luồn qua cửa kính, vội vàng soi lên cái quả kỷ tử nằm lăn lóc cô đơn.

Mã Gia Kỳ nghe tiếp một câu hát tình xuân, nghe âm ỉ bên ngực trái khoan khoái lạ kỳ.

Và rồi dường như không thể không thừa nhận.

Đây cũng là lần đầu tiên, sau hơn một năm dài dặn dò con tim mình đừng ỉ ôi la hét, Mã Gia Kỳ cuối cùng đã không thể giấu được một tiếng kêu thổn thức từ tận tâm can...

Và tâm, và tim, và Đinh Trình Hâm.

Lần đầu không trốn tránh, lần đầu anh chấp thuận để giọng hát của em được tự do quanh quẩn bên anh và tự do ngân nga giữa mông mênh đất trời.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net