nguoi khmer

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

  1  Tết Chol-chnam-thmay

Tết Chol-chnam-thmay được tổ chức vào đầu tháng Pôsăk, còn gọi là tháng Chét theo Phật lịch Tiểu thừa. Nhưng dù vào tháng nào theo lịch Khmer, Tết này cũng rơi vào các ngày 14, 15 và 16 tháng 4 Dương lịch (nếu năm nhuần thì bắt đầu từ ngày 13- 4 Dương lịch). Đây là thời gian khô ráo, mùa màng đã thu hoạch xong, người dân trong giai đoạn nông nhàn nên tha hồ vui Tết. Ăn tết xong là chuẩn bị đón mùa mưa, gieo sạ lúa.

Cũng như tết cổ truyền của các dân tộc khác, Chol- chnam- thmay của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ tuy có cùng ý nghĩa nhưng lại được tổ chức với vài tập tục khác biệt theo bản sắc văn hóa của mình. Vì là một cộng đồng dân tộc theo Phật giáo Tiểu thừa nên mọi sinh hoạt Tết Chol-chnam- thây của đồng bào Khmer Nam Bộ đều diễn ra tại chùa.

Chùa Khmer Nam Bộ được xây cất trong khuôn viên rộng lớn, sạch sẽ, u trầm dưới bóng mát những hàng sao, hàng dầu cổ thụ được trồng ngay hàng thẳng lối, đẹp như tranh. Chùa Khmer là nơi sinh hoạt văn hóa, là chỗ dựa tinh thần, là nơi tín ngưỡng tôn nghiêm nhất dành cho cả cộng đồng. Nên bất kỳ một cuộc lễ nào của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ cũng đều được diễn ra hoặc kết thúc tại chùa.

Tết Chol-chnam- thmay còn gọi là tết “chịu tuổi”, diễn ra trong ba ngày với những nghi lễ khác nhau. Ngày thứ nhất gọi là Sang-kran có nghĩa là “bước đi”. Ngày thứ hai gọi là Won-bot có nghĩa là “thiếu hoặc thừa”. Ngày thứ ba gọi là Lon-sătk có nghĩa là “tăng lên”. Trước tết mọi người sơn phết lại các ngôi chùa, và bàn thờ tổ tiên. Các chùa Miên ở Trà Vinh, Châu Đốc, Sóc Trăng, Hậu Giang được tu bổ, trang trí lại với nhiều màu sắc sặc sỡ. Mấy ngày tết mọi người chủ yếu vào các chùa để cúng vái các thần linh như thần Vitnu, Siva, Hanuman…

Gia đình nào cũng vậy, dù rất nghèo cũng có nồi bánh nùm-chrụt (gần giống bánh tét của người Kinh Nam Bộ), và bánh nùm-tiên (gần giống bánh ít Nam Bộ). Hai loại bánh này tượng trưng cho sự no ấm, làm ăn thịnh vượng, được mùa của người Khmer, nó cũng như bánh chưng, bánh dầy của người Kinh vùng đồng bằng Bắc Bộ dùng trong ngày tết Nguyên đán. Ngoài ra còn có các loại bánh như: nùm-chết (bánh dừa nhân chuối), nùm- niềng- nóc, sùm-bóc-cháp (bánh bột nhân dừa)

Vào đêm giao thừa mọi nhà đều thắp đèn sáng, cúng bánh, trái cây, hương hoa trên bàn thờ tổ tiên, để tiễn thần Tê-vô-đa cũ về nhà trời, và rước thần Tê-vô-đa mới xuống ăn tết, cai quản đất đai, thổ trạch trong một năm. Người ta tin rằng thần Tê-vô-đa được nhà Trời sai xuống để cai quản dương thế trong một năm. Hết năm cũ nhà trời lại sai vị thần Tê-vô-đa khác xuống thay thế.

Sáng ngày Tết thứ nhất Sang-kran (như ngày mùng một tết Nguyên đán của người Kinh), mọi người tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc đẹp, đem theo nhang, đèn, phẩm vật đến chùa để lễ, tụng kinh, niệm Phật, làm lễ rước đại lịch (Ma-ha-sang-kran). Tại đây có vị gọi là Acha điều khiển mọi người đứng xếp hàng rồi đi vòng quanh chánh điện ba lần để làm lễ chào mừng năm mới. Sau đó tổ chức rước “thần bốn mặt”. Theo truyền thuyết thì đó là thần Tho-ma-bat. Ka-bun, Ma-ha và Prun. Đến đêm những người lớn tuổi tụ tập trong nhà nghe sư thuyết pháp, còn thanh niên nam nữ ra sân chùa múa hát, vui chơi.

Ngày Tết thứ hai là ngày Won-bót, mọi người làm lễ dâng cơm cho các sư sãi ở chùa, còn gọi là Wên-chô-han. Tới chiều thì đắp những núi cát (còn gọi Puôn-fun-khsach) tượng trưng cho sự bền vững của vũ trụ, trời đất ở chín hướng. Núi thứ chín nằm ở chính giữa gọi là Mê-ru, biểu tượng trung tâm của trái đất. Cuối buổi chiều họ làm lễ quy y cho núi.

Ngày tết thứ ba gọi là Lon-sătk mọi người tiếp tục dâng cơm, ban phát quần áo cho các sư sãi, rồi tắm cho các tượng Phật để cầu hên. Sau đó họ về nhà tắm cho những người lớn tuổi để tẩy trần những điều phiền muộn của năm cũ. Tới chiều họ làm lễ cầu siêu (còn gọi là lễ Băng-skot) cho những vong hồn được siêu thoát tới miền cực lạc. Sau cùng mọi người về nhà lạy ông bà, cha mẹ trước bàn thờ, rồi tắm cho ông bà, cha mẹ để tỏ tấm lòng hiếu thảo của con cháu.

Trong ba ngày Tết, nam nữ thanh niên Khmer vui chơi ca hát thoả thích các điệu dù-kê, rô-băm, múa lăm-thôn… tại sân chùa. Đây cũng là dịp để họ tìm hiểu nhau, hò hẹn và phô bày tình cảm, và nhiều đôi đã nên vợ nên chồng. Vui nhất là hát “dù-kê” (còn gọi là hát lò-khôn). Hai bên nam nữ hát đối đáp (còn gọi xác-cô-va) kết hợp ném Chơ-hung. Đó là những chiếc khăn màu sắc sặc sỡ kết tròn lại như hình trái bóng rồi nam nữ ném đi, ném lại cho nhau cùng bắt như người Thái ở Tây Bắc ném “còn”. Phần thưởng thường thuộc về phái nữ. Bởi họ tin rằng nữ gắn liền với mặt trăng, với nước, là biểu tượng cho mùa màng năm mới tốt tươi. Trong lễ hội này còn có nhiều nam nữ thanh niên người Kinh, người Hoa, người Chăm cùng vui chơi. Ngoài ra còn có các trò chơi như kéo co, hát bo-suông (hát giao duyên), đánh bóng chuyền…

Người Khmer ở Nam Bộ rất trọng lễ nghĩa. Trong một năm họ tổ chức rất nhiều ngày lễ, hội, giỗ, chạp, nhưng chỉ có tết Chol-chnam- thmay là lớn nhất. Tại nhà văn hoá Khmer ở ao Bà Om- ngoài thị xã Trà Vinh, chùa Sa-mar-hum ở Sóc Trăng, các chùa Miên ở An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang…đều được tổ chức lễ, hội rất lớn. Đặc biệt đồng bào Khmer ở Bạc Liêu còn có lễ Thanh minh, gọi là Bang skoil.

Trước Tết Chol-chnam- thmay, bà con dọn dẹp, sơn phết tháp thờ hài cốt ông bà, cha mẹ mình cho gọn gàng, đẹp đẽ. Sau đó nhờ nhà sư làm lễ cầu cho linh hồn ông bà tổ tiên được siêu sanh miền Tịnh độ. Đây cũng là dịp họ nhờ các sư tụng kinh siêu thoát cho những tháp mộ không người thân chăm sóc. Lễ viếng mộ kết thúc, họ trở về nhà tắm tượng Phật thờ trong gia đình.

Tiếp đó, con cháu đem bánh, mứt, trà, rượu mời ông bà, cha mẹ dùng cùng những lời chúc mừng năm mới tràn đầy sức khỏe, gặp nhiều may mắn... Nhiều năm trước, đây còn là dịp để họ tổ chức lễ tát nước vào người lớn tuổi lấy hên, giống như lễ Song- kra ở Thái Lan. Nhưng tập tục này đã chấm dứt từ lâu, thay vào đó là dùng nước sạch ngâm các loài hoa có mùi thơm thấm vào quần áo, đồ dùng của ông bà, cha mẹ như một lời cầu chúc may mắn đầu năm.

Vào dịp Tết Chôl Chnăm Thmây, một cụm từ được người Khmer nhắc đến nhiều nhất là “Băng sô côl”, tức là ban phước lành cho những người đã quá cố, gọi theo tiếng Việt là “lễ cầu siêu”. Lễ này, thường diễn ra ngày cuối Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây.

Đến dịp Chôl Chnăm Thmây, dù sống ở nơi đâu con cháu cũng phải về quê sum họp với gia đình, thể hiện lòng hiếu thảo đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ mà quan trọng nhất là làm Lễ băng sô côl cho những người đã quá cố, cầu cho linh hồn siêu thoát về miền cực lạc.

Băng sô côl là một phong tục giống như tục “cúng mã-thanh minh” của người Kinh-người Hoa, mà con cháu phải làm để đền đáp công ơn đối với ông bà, cha mẹ. Ngược lại, ông bà, cha mẹ cũng phải làm cho con cháu (đã chết), cầu cho linh hồn được siêu thoát. Nói chung, ai còn sống đều phải có bổn phận làm lễ băng sô côl vào dịp Tết Chôl Chnăm Thmây để chia sẻ tình cảm đối với người đã khuất, không phân biệt. Đây là sự thể hiện tình cảm công bằng giữa người còn sống và người chết, tạo nên một truyền thống tốt đẹp, gắn bó với cuộc sống. Từ đó, người Khmer quan niệm rằng: “Khi còn sống phải làm việc tốt để khi chết đi còn được nhiều người nhắc đến, hay hổ chết để da, con người ta chết để tiếng”, là như vậy. Trước khi làm lễ băng sô côl cũng phải làm mồ mả, hay bảo tháp cho sạch sẽ.

Khi làm Lễ băng sô côl vào dịp Tết Chôl Chnăm Thmây, người Khmer thường mời 2 vị sư đến tận mả, hay bảo tháp-nơi an nghỉ cuối cùng của người quá cố, đọc kinh cầu siêu. Đồ vật thường dùng vào lúc này là vải trắng đắp lên mồ mả, bảo tháp và khi nhà sư đọc kinh xong, người ta lấy miếng vải dâng cho nhà sư. Vải càng nhiều càng tốt, bởi người ta quan niệm, sau khi miếng vải được dâng cho nhà sư, thì miếng vải sẽ trở thành trang phục để người chết hưởng

                                     2  Lễ cúng trăng

Cứ vào trung tuần tháng mười âm lịch, đồng bào Khmer Nam bộ lại háo hức chuẩn bị cho Lễ cúng trăng (Óoc om bok), lễ lớn thứ ba trong năm của người dân nơi đây.

Sở dĩ gọi là Lễ cúng trăng vì lễ được tổ chức nhằm tưởng nhớ đến công ơn của mặt trăng, coi mặt trăng là một vị thần điều tiết mùa màng, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.

Tuy trong Lễ cúng trăng, phần lễ là chính nhưng cũng như nhiều lễ hội dân gian khác, ngày lễ này của đồng bào Khmer cũng có hai phần lễ và hội.

Phần lễ được tổ chức vào tối ngày 14/10 âm lịch, chủ yếu là những hoạt động xung quanh nghi thức cúng trăng. Việc cúng trăng có thể tại chùa, tại nhà, miễn sao nơi đó có thể nhìn rõ mặt trăng và phải cúng trước khi mặt trăng lên đến đỉnh đầu. Dưới ánh trăng, mọi người cùng thành kính chắp tay làm lễ. Một cụ già sẽ được cử làm chủ lễ và đọc lời khấn Thần Mặt Trăng nói lên lòng biết ơn của mọi người với mặt trăng, xin mặt trăng tiếp nhận những lễ vật do mọi người dâng và chúc phúc cho loài người có sức khỏe dồi dào, được mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, dân chúng được hưởng ấm no, hạnh phúc trong năm tới.

Ngoài các vật phẩm cúng có nguồn gốc từ nông nghiệp, cốm dẹp là lễ vật không thể thiếu trong Lễ cúng trăng. Càng gần đến ngày lễ, tiếng cối, chày gỗ quết cốm dẹp trong các sóc của đồng bào Khmer lại rộn vang. Cháy hết tuần hương, người già gọi trẻ con đến ngồi xếp hàng trước ban thờ và vừa đút cốm dẹp, vừa hỏi: "Con muốn được gì?". Người dân Khmer cho rằng, năm nào câu trả lời của các em suôn sẻ, lễ độ, rõ ràng, năm đó mọi điều tốt lành sẽ đến với họ. Có lẽ vì thế mà Lễ cúng trăng còn có tên là Lễ đút cốm dẹp.

Phần hội trong Lễ cúng trăng cũng rất sôi động và đặc sắc mà tâm điểm là các cuộc đua ghe ngo. Các hoạt động trong phần hội của Lễ cúng trăng lôi cuốn không chỉ đồng bào dân tộc Khmer mà còn hấp dẫn cả đồng bào dân tộc khác sinh sống cùng tham dự. Nhạc ngũ âm, tiếng trống, tiếng cồng và tiếng hò - hụi của các đội đua vang dội cả một khúc sông.

Đánh Kol: Kol là một khúc cây tròn ngắn, cứng, dài chừng 5 đến 8cm bằng ngón tay cái. Trên một khoảng sân rộng bằng non nửa sân bóng đá, người chơi chia làm hai phe, từ 5 đến 10 người một phe. Mỗi phe đứng dàn ngang ở vạch cuối sân. Giữa sân có một gạch ngang chia đôi bên. Giữa lằn gạch có một lỗ tròn.

Bắt đầu chơi, mỗi bên lần lượt cử người cầm khúc gậy gỗ dài chừng 1m gõ cho kol bay lên vừa tầm và đánh về phía đối phương. Nếu người cầm gậy phía bên kia bắt (chụp) được kol thì mang lại lỗ và đánh trả lại. Nếu đỡ hụt (không bắt được kol) thì người đỡ phải nhặt khúc kol chạy đến vạch cho vào lỗ. Lúc nầy mọi người phe kia ùa ra cản và giành khúc kol trở lại. Người bị truy đuổi phải chuyền khúc kol lại cho phe mình và tìm cách làm sao cho kol vào lỗ là thắng. Phe kia nếu cướp được kol thì bên giữ kol bị thua. Tùy theo giao kết, thường thì những người bên thua phải cõng những người bên thắng đi một vòng sân hoặc chịu một yêu cầu khác. Chơi kol gần giống như trò chơi “đánh trổng” (Nam bộ), đánh khăng (phía Bắc) của người Kinh.

Lbeng Arat Sva là trò chơi của trẻ Khmer Nam bộ còn gọi là trò chơi “khỉ nhập”. Lbeng Arat Sva thường được tổ chức vào những đêm trăng sáng ở trước sân nhà, sân phơi lúa. Bắt đầu cuộc chơi, bọn trẻ gom lại rồi chọn một người làm “khỉ”. “Khỉ” bị bịt mắt và ngồi giữa sân. Bọn trẻ con đi vòng quanh vừa vỗ tay vừa nói những câu chọc tức. Khi đám trẻ đi đủ ba vòng và không nói nữa, người làm khỉ lộn đầu ba lần rồi nhảy lên đuổi bắt bọn trẻ. Bắt được người nào khỉ cắn người đó (giả vờ). Bọn trẻ không được đánh khỉ mà chỉ xúm lại cố kéo người bị khỉ cắn ra. Trò chơi cứ thế kéo dài đến khi lũ trẻ chán thôi. Khi nghỉ chơi, một đứa trẻ phải đi hái lá môn múc nước về tạt vào khỉ cho nó trở lại kiếp người, vì lúc đầu nó đã bị “khỉ nhập” rồi!

Qòng Hơ Khlen còn gọi là Bòng Hơ Khlen là trò thả diều thường tổ chức vào tháng 11 (tháng Maksir của người Khmer). Diều có nhiều loại khác nhau như: Khlen Phnong dài 3-4m trên đầu mang một “cây đờn” được làm bằng tre dán giấy (giống như sáo diều của người Kinh). Tùy theo gió mạnh hay yếu, diều bay cao hay thấp mà “cây đờn” phát ra âm thanh to hay nhỏ. Ngoài loại diều sáo còn có loại diều đấu. Diều đấu có mỏ nhọn bằng tre vót sắc bén, có thể đâm rách diều đối phương. Một loại diều đấu khác có dây se keo dán các mảnh thủy tinh nhỏ để nghiến đứt, cứa rách diều địch. Ngoài mục đích vui chơi người Khmer còn thả diều để cầu trời cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Tok Sây là trò chơi đá cầu. Quả cầu làm bằng lông vịt và mỗi lần chơi có ít nhất 4 người đứng ở 4 góc chuyền theo đường thẳng hay vòng tròn tùy thích. Giữ cho trái cầu không rơi xuống đất càng lâu càng hay. Người nào đá hỏng (hụt) sẽ phải ra ngoài và bị bôi lọ lên mặt tùy theo lời giao. Nhiều người có kỹ thuật đá rất độc đáo như: đá móc, đá giò lái, đá bàn, đá ngoéo, đá tạt ngang. Ngoài ra, còn có loại cầu bằng sợi mây đan tròn như quả bóng quần vợt gọi là “Sây kem pôn”. Loại nầy khó đá nên kén người chơi. Mỗi lần đá có từ 4 đến 12 người đứng thành vòng tròn hoặc chéo góc giống như đá cầu lông vịt. Tok Sây rất giống đá cầu lông của người Kinh.

Qòng Hot Kon (Thả đèn gió, đèn trời) cũng là một trò chơi dân gian hấp dẫn. Làm đèn gió và đốt đèn khá đơn giản. Miệng đèn là một thanh tre được làm như cạp rổ. Thông thường đường kính miệng đèn rộng 0,8m và thân đèn cao 1m. Miệng đèn làm khuôn để dán giấy. Giấy dán đèn là giấy bản hoặc giấy dó, có độ dai bền. Tim bấc đèn bằng sợi vải tẩm với dầu phộng hoặc mỡ heo. Từ miệng đèn có sợi dây để buộc bấc đèn. Khi đốt, người ta giữ cho đèn thăng bằng rồi châm lửa vào bấc, lửa nóng làm không khí trong lòng đèn giãn nở và đèn từ từ bay lên, gặp gió đèn sẽ bay cao, bay xa.

Vào dịp lễ Ok-Om-Bok, người Khmer hay thả đèn gió với mục đích cầu cho trời đất phù hộ mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân an lành. Tuy nhiên, do tránh hỏa hoạn nên hiện nay không được phép thả đèn gió.

Bà con dân tộc Khmer còn có rất nhiều các trò chơi dân gian đặc sắc khác như: On Kul (đánh bông vụ, con quay), Tielprot (kéo dây), Qòng Na ga (rồng rắn)...

      3 Lễ hội Sene Dolta của dân tộc Khmer

Hằng năm, vào cuối tháng 8 âm lịch, người dân tộc Khmer Nam Bộ thường tổ chức ngày hội Sene Dolta từ ngày 16 đến 30-8 âm lịch. Cũng giống như lễ Vu Lan của người Kinh, người Hoa lễ hội Sene Dolta thể hiện lòng tri ân, báo hiếu của con cháu đối với các bậc tiền bối.

Ngày xưa, khi mùa mưa đến, công việc đồng áng được gác lại chờ mùa vụ mới. Do nước mưa và thủy triều dâng cao, không ra đồng được, những người con xa quê thường thu xếp về thăm ông bà, cha mẹ, bà con thân thuộc.

Nhưng vì giao thông cách trở, việc về quê cũng gặp nhiều khó khăn nên một bộ phận cư dân Khmer đã phát kiến hình thành một ngày lễ tại gia đình để tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ ở quê. Ngày lễ đó gọi là Sene Dolta có nghĩa là cúng ông bà. Ban đầu chỉ một vài hộ ở cùng quê, sau lan tỏa ra khắp toàn bộ cư dân trong vùng thành một lễ hội có tính cộng đồng.

Trước ngày lễ, các hộ gia đình Khmer phải quét dọn trang hoàng nhà cửa, dán giấy hoa, bày cúng hoa, quả, nhang, đèn… tươm tất như một ngày Chol ChnamThmay (Tết cổ truyền). Độ khoảng giữa trưa, họ bày mâm cỗ lên bàn thờ cúng tổ tiên, khấn vái. Kế tiếp, họ gắp thức ăn (mỗi thứ một ít) ra một cái chén hoặc dĩa, đem ra đầu đất của gia đình, cạnh gian thờ Neaka để mời quỷ, thần và những người khuất mặt không được vào nhà dùng. Sau đó, bà con chòm xóm xúm xít bên nhau ăn cỗ, trò chuyện, thăm hỏi. Đến nay, phần lễ hội này vẫn được đồng bào dân tộc Khmer gìn giữ.

Khi Phật giáo xâm nhập vào đời sống của người Khmer thì lễ hội Sene Dolta không chỉ diễn ra trong ngày cuối tháng 8 âm lịch mà diễn ra trong suốt thời gian khoảng nửa tháng kể từ ngày 16-8 đến ngày Sene Dolta (trong mùa an cư kiết hạ). Mùa lễ hội này được bà con Khmer gọi là Phchum Banh (gọi tắt là Phchum) nghĩa là cùng nhau tụ hội lại làm phước. Bản thân mùa Phchum Banh không thể tách rời với ngày Sene Dolta nên có nơi còn gọi là Phchum và Sene Dolta là ngày kết thúc mùa lễ hội.

Mùa này, con cháu khắp nơi trở về quê hương, trợ giúp ông bà, cha mẹ, người cao niên trong dòng họ. Nhiều thì tiền chục, tiền trăm; Ít thì lon gạo, nải chuối để họ mang đến chùa thiết lễ Đat bai-banh (đặt cơm nắm). Mỗi gia đình cử một người lớn tuổi túc trực trong chùa suốt cả mùa lễ (16 ngày). Con cháu trong nhà, dòng họ thay nhau mang thức ăn, cơm, gạo, vật dụng đến phục vụ. Đây chính là dịp để họ báo hiếu cha mẹ, ông bà sau một thời gian bôn ba khắp nơi tìm kế sinh nhai.

Hiện nay, mùa lễ hội Phchum ở Cà Mau chỉ tập trung vào những ngày cuối, ngày hội chính Sene Dolta với tinh thần tiết kiệm.

Mùa lễ hội Phchum của dân tộc Khmer là một lễ hội văn hóa đặc biệt, cần được nghiên cứu, bảo tồn. Nó vừa mang màu sắc tín ngưỡng, vừa có yếu tố tôn giáo và thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của cộng đồng các dân tộc Việt.

Bên cạnh đó, lễ hội này còn là dịp để các thành viên trong gia đình, trong cộng đồng thắt chặt các mối quan hệ, sự đoàn kết chòm xóm, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau về các mặt trong đời sống.

                          4 Lễ hội Cúng Biển

Hàng năm vào ngày 12 tháng Năm âm lịch tại tỉnh Trà Vinh có truyền thống tổ chức Lễ hội Cúng Biển. Đây là một truyền thống có hang trăm năm, được tổ chức rất long trọng tại thị trấn Mỹ Long (huyện Cầu Ngang) cách thị xã Trà Vinh khoảng 20km về hướng Đông (Biển Đông). Từ những ngày đầu tháng Năm ÂL hàng năm thu hút hàng chục ngàn du khách các nơi về thăm dự. Cúng biển Mỹ Long tổ chức theo nghi thức cổ truyền, rất hoành tráng, lịch sự và bên cạnh đó có nhiều trò chơi náo nhiệt, hào hứng, ngoạn mục, mới lạ được tổ chức chu đáo, tưng bừng...

Lễ hội cúng biển Mỹ Long từ lâu đã được xem là một trong những lễ hội quan trọng diễn ra hàng năm ở Trà Vinh. Cứ vào dịp lễ hội (từ 10- 12 tháng 5 ÂL), ngư dân lại tưng bừng tổ chức lễ hội Nghinh Ông hay còn gọi là lễ cúng biển. Theo những người lớn tuổi trong thị trấn kể lại, Lễ hội này đã được tổ chức lần đầu tiên từ năm 1917 nhằm thể hiện lòng thành của ngư dân trong vùng tạ ơn biển cả đã đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho người dân làng. Cùng với việc cầu cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, lễ hội còn mang tính chất tạ ơn cá voi (cá Ông) mà ngư dân thường gọi là ông Nam Hải. Đối với người đi biển, cá Ông là vị cứu tinh của họ. Nhiều câu chuyện kể về các ngư dân đi biển gặp bão, lúc thuyền sắp chìm đã được cá Ông cứu đưa vào bờ hoặc bảo vệ không cho cá mập ăn thịt...

Các lão ngư dân Mỹ Long kể: Ngày xưa cá mập ở Mỹ Long nhiều lắm, ngư dân ra khơi bằng tàu buồm, khi bị bão tố thường bị chìm, nhiều người không may bị cá mập ăn thịt nên từ đó vào giữa mùa biển ngư dân tổ chức cúng biển để trả lễ. Lúc đầu, ngư dân cúng ở mé biển, đến năm 1922 mới cất miếu Bà Chúa Xứ để thờ. Lễ cúng biển được chia ra làm 6 phần chính gồm: Đi nghinh Nam Hải bằng ghe biển; Giỗ tiền chức; Chánh tế; Chánh tế Bà Chúa; Đi nghinh ngũ phương; Tống tàu ra khơi.

                    5 Đám cưới người khmer

Lễ nhập gia

Sau lần đầu đem trầu cau, bánh trái mỗi thứ đủ đôi, trao một số tiền cho bên đàng gái, tặng đồ kỷ niệm cho cô dâu xin cầu hôn và quyết định ngày cưới. Buổi sáng ngày bắt đầu lễ cưới, gia đình đàng trai đưa chú rể đến nhà cô dâu làm lễ nhập gia gọi là Pithi-đong-he-kôn-prốs-tâu-kanh-khang-srây, dưới sự hướng dẫn của ông Achar, hai ông Maha Tếp và Maha Montrey. Bên cạnh chú rể còn có họ hàng thân tộc và một số thanh niên nam nữ trong phum sóc mang các mâm lễ vật:

Đầu heo

Vịt luộc

Rượu nếp

Bánh mứt

Trái cây

Trầu cau

Mâm đựng buồng hoa cau non Phka-sla (bắt buộc phải có).

Cùng đàng trai đến còn có dàn nhạc dây “Vong-phlêng-ka” tăng thêm phần

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

Ẩn QC