Ánh mắt và thơ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mãi tới sau này, máu đổ bao nhiêu lần Tuân không thể nhớ nhưng vẫn còn như tạc vào đầu cuộc nói chuyện ngày hôm đó, đôi mắt Vĩnh nâu nhạt, tóc mai nhẹ vờn trong gió, cậu thanh niên ấy ngồi trên tảng đá, nhìn anh như đã quen thân từ lâu.

Rồi cũng kể từ ngày đó, Tuân cũng hay để mắt đến Vĩnh. Cậu trai trẻ này có ngoại hình rất được, đúng chất dân có ăn học, dáng người khá nhỏ chứ không to thồ như anh. Mà đẹp nhất là đôi mắt. Đôi mắt ấy như một dòng sông chảy xuôi mềm mại, nâu một vẻ rất đỗi dịu dàng, và những đêm xa xăm huyền ảo thì sao trời lại rải lóng lánh dưới lòng sông. Với ngoại hình này thì nhiều cô giao liên, rồi quân y, trinh sát mấy đơn vị say như điếu đổ. Ấy vậy mà Vĩnh có vẻ khờ, không thấy đi với cô nào. Mà từ cái đợt nói chuyện với nhau đó, Vĩnh cứ đi theo Tuân, có lẽ cậu xem Tuân là anh trai thật.

Cũng có mấy lần Tuân dõi mắt theo Vĩnh, rồi anh phát hiện Vĩnh rất hay len lén nhìn anh. Khi anh đang chùi khẩu tiểu liên, khi anh đi xuống khe lấy nước, khi anh đi tắm, đều có thể bắt gặp đôi mắt nâu nhạt của Vĩnh. Dần dần hai người cũng hay nói chuyện hơn, Vĩnh đọc mấy bài thơ kháng chiến mà cậu đã học thuộc lòng để Tuân chép vào cuốn sổ nhỏ. Mỗi lần nghe Vĩnh đọc những dòng thơ ấy, trong tim Tuân như sống lại một mảnh máu thịt gì đó có vẻ như đã xa xăm:

"Nước chúng ta, nước những người chưa bao giờ khuất

Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về..."

Có lần đọc xong Vĩnh từng hỏi anh một câu:

- Anh thích thơ, hay chỉ ưa kháng chiến trong thơ?

Tuân gặm cây bút nhỏ, gấp tập thơ mới chép lại một cách cẩn thận rồi ngẫm nghĩ.

Anh chưa từng thích cuộc chiến này, nhưng chiến tranh trong thơ thì khác. Ở đó có hy sinh, có đổ máu, có mất mát, thương đau, nhưng bao giờ thi sĩ cũng cho vào trong thơ những âm vang hào hùng nhất của thời đại. Thế hệ của anh, và cả Vĩnh nữa, thế hệ của bọn họ đã bước vào cuộc chiến với những lý tưởng đẹp đẽ nhất và chứng kiến những gì tồi tệ nhất của hiện thực. Kì thực từ lâu anh đã chẳng khóc vì bất kì chuyện gì, từ cái lần anh Minh - tiểu đội trưởng của anh chết vì đỡ đạn cho anh. Anh ấy ngã xuống, vùi chôn rất nhiều thứ trong Tuân. Mà giờ đây cạnh Vĩnh, những điều đó dường như đang lần lượt phục sinh trở lại.

- Tôi thích sống trong thơ.

Đúng vậy. Sống. Tuân trả lời. Nghe vậy, đôi mắt Vĩnh hấp háy như hái được chùm hoa thanh mát đầu tiên trong rừng vào mùa Xuân. Và có lẽ chàng trai trẻ ấy phát hiện ra cậu có thể dẫn tiểu đội trưởng của mình sống trong những cảm xúc khác. Có thể còn đó tiếng rung giật, đập thình thình vì sóng xung kích của bom dội nhưng bao giờ cũng đẹp.

Ngoài những lúc phải vác khẩu tiểu liên lao đi trong mưa đạn, dí họng súng vào quân địch rồi bắn từng phát điên rồ nhất để giết người, Tuân và Vĩnh có thời gian rảnh thì mỗi đêm đều lén dậy đọc thơ cho nhau nghe. Nhưng những dòng thơ ấy là bí mật giữa hai người, bởi nó ủy mị quá, để mấy thằng lính quen trồng lúa nghe được thì dễ bị cười cho. Mà trên chiến trường, nơi mà nhặt được một khẩu súng dễ hơn cầm trên tay kẹp tóc con gái thì mấy bài thơ tình mà Tuân và Vĩnh thích nghe thật là quái gở. Và đôi khi ngẫm lại, đáng xấu hổ thay. Mỗi lần Vĩnh đọc một cách chậm rãi như thỏ thẻ một lời yêu, Tuân chép vào mà đôi tay cũng ngường ngượng:

"Anh không xứng là biển xanh

Nhưng cũng xin làm bể biếc

Để hát mãi bên gành

Một tình chung không hết...."

Tuân cẩn thận viết những dòng chữ ấy cất giấu thật kĩ như vật báu gì quý giá của đời. Những lúc như thế, Tuân quay sang nhìn Vĩnh, trong đôi mắt trẻ kia như chứa nhiều hơn một lời thơ, một nhạc điệu, một mối tâm tình, đôi mắt ấy chăm chú nhìn anh tựa như chưa từng rời khỏi. Để rồi có lúc Tuân trộm nghĩ nó đã như vậy, và sẽ mãi như vậy.

Những buổi tối trăng thanh, lén ngồi cùng nhau ở một góc, anh có cảm giác như mình và Vĩnh đang vụng trộm yêu đương, mà kể cả cái này cũng là anh trộm nghĩ. Sâu trong đôi mắt nâu nhạt ấy có chăng còn ẩn tàng nhiều điều mà chính Tuân cũng không dám nhìn, và có những lúc thật vô tình, bắt gặp ánh mắt Vĩnh, anh sợ nhìn thấu chính mình.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net