Tiểu đội trưởng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CHÚ Ý: Nhật ký thời chiến với sinh ly tử biệt, xin viết thành sinh tử văn gia đình hạnh phúc. Mình chỉ viết từ viết mới hoàn toàn từ chương 6, các chương trước chỉ sửa và đặt tiêu đề.
Không hề có ý bất kính, xin mọi người lượng thứ. Ai không thích xin quay lại ngay.

Trong phòng ẩm ướt, mái nhà nhỏ những chỗ dột nước cứ rỏ xuống từng hạt chầm chậm. Miền trung đang bước vào mùa mưa, về đêm lại càng lạnh, cũng đã mấy ngày rồi, mưa không lớn nhưng không ngớt, trời cứ mưa, mưa....

Thức dậy sau giấc mộng dài, người đàn ông bải hoải nhìn về phía cửa sổ. Trời sáng rồi nhưng sẫm màu và cô quạnh, không ánh nắng, không hy vọng. Cũng đã mười năm hòa bình lập lại trên mảnh đất này nhưng Tuân chẳng tìm đâu được một chỗ để linh hồn tàn rỗng này náu lại. Để rồi mỗi đêm, anh lại mắc kẹt trong tiếng bom đạn và những kỉ niệm đã xa xăm. Để rồi mỗi ngày, anh lại đợi chờ một người trong thầm lặng.

Có những chuyện đã cố chôn vùi thật sâu nhưng vào một ngày mưa qua khung cửa mục, nhìn những hạt nước đan thành tấm lưới phủ xuống, Tuân không lý giải được vì sao mình lại nhớ về Vĩnh, về tiểu đội của anh, và rất nhiều những đồng đội đã ngã xuống trong cuộc chiến đó.

Anh còn nhớ cái hồi năm 71 cũng có độ trời mưa như vậy nhưng lạnh hơn, lúc ấy Tuân đang làm tiểu đội trưởng, tiểu đội của anh dựng lán ở chân núi vài hôm. Mấy đêm liền không biết có phải do trời se lạnh nên khó ngủ không, hay vì linh tính, anh cứ tỉnh dậy vào giữa đêm, phát giác được điều gì đó nhưng Tuân làm thinh. Có vài đêm trở người, anh lại nghe tiếng người len lén bước ra khỏi lán. Chỗ này không xa có một ngôi làng, bọn họ đi không nói với anh một tiếng, chắc cũng vì sợ bị cấm. Nghĩ rồi Tuân nhắm chặt mắt lại, tự nhủ rằng mình không biết chuyện gì, quay người vào trong, thổn thức nhớ đến nhiều chuyện cũ.

Chiều ngày hôm sau thì ngớt mưa, Tuân tìm một tảng đá lớn cạnh lán rồi ngồi đó một mình, trong lán vẫn nghe tiếng Thanh và Thịnh cãi nhau với đám còn lại rồi cười ha hả. Anh không nghĩ gì cả, chỉ lặng yên thôi. Trước đây Tuân không như thế này, anh cũng có thời trẻ nhiệt huyết ra trận vì lý tưởng, cũng biết vui đùa cùng đồng đội, ấy thế mà chiến tranh với sức hủy diệt kinh khủng của nó đã khiến lòng Tuân biến dạng, Tuân ghét cái thế cuộc này vô cùng. Nhất là sau khi tiểu đội trưởng cũ của anh chết, Tuân chuyển đến đơn vị này toàn những người mới tầm 20 mơn mởn sức trẻ, Tuân cảm thấy mình như lạc, anh dần ít nói hẳn đi, trở thành thằng lính già trong đơn vị cục cằn, khó gần, chỉ nói chuyện bằng súng đạn với kẻ thù và có những khi lao lên bắn nhau như không thấy địch có vũ khí. Cứ ngỡ chắc không mấy người mặn mà với tính cách này của anh, mấy đồng chí trong kia thấy xa cách hơn là sợ hãi, thế mà bầu không khí lặng lẽ tới nhàm nhạt của Tuân cũng bị phá vỡ bởi một cậu lính mới vào gia nhập đơn vị tháng trước.

- Lúc em mới vào tiểu đội ta, mọi người nói với em chúng ta có một khúc gỗ là đội trưởng.

Vĩnh ngồi cạnh Tuân, nói như vu vơ, cậu là người Hà Nội, năm nay mới 19, là người trẻ tuổi nhất trong đơn vị. Nghe nói xuất thân sinh viên, được ăn học đàng hoàng chứ không phải thả cuốc cầm súng ra trận như Tuân. Có mấy đêm nằm trên võng thao thức nhưng vờ ngủ, Tuân vẫn nghe cậu đọc mấy bài thơ kháng chiến cho các đồng chí, phải công nhận rằng giọng Hà Nội rất dễ nghe, mà càng nghe nhiều càng thích.

- Làng bên ấy thương bộ đội lắm, còn có nhiều thiếu nữ rất ưng bộ đội ta. – Vĩnh tiếp tục nói, không ngại gì với Tuân.

- Thế hả, đêm nay tôi cấm các cậu sang chơi với con gái bên ấy.

Đành rằng cái phép quân là thế, đơn vị mà biết đêm hôm mấy đồng chí trong tiểu đội anh tìm con gái thì kỉ luật là cái chắc. Là tiểu đội trưởng, anh nên ngăn lại nhưng anh cứ thấy thương mấy chàng trai trẻ, họa hoằn lắm mới có những khi không phải nghe tiếng súng giật, bom chần, mà được tận hưởng những gì thật đẹp của đời người. Anh ngăn sao được. Tình yêu, Tuân chưa bao giờ có cơ hội cảm nhận nhưng anh luôn cho rằng nó chưa bao giờ là một cái gì đó sai trái, đáng phải cấm đoán.

- Đêm qua lúc mọi người đi hết, em nghe thấy anh thở dài.

Tuân hơi bất ngờ, anh cứ nghĩ Vĩnh là một thanh niên trẻ tuổi chỉ biết đến sách vở, chưa nghĩ đến chuyện gái trai nên lăn ra ngủ như chết vào giữa đêm, thì ra cậu ta cũng như anh, nhìn hết tất cả, mà như câm, như điếc.

- Anh không phải khúc gỗ mà, phải không? – Vĩnh hỏi, bằng cái giọng đặc sệt miền Bắc mà Tuân nghe thoáng ra một nụ cười trong đó, rất tinh quái.

- Anh rất giống anh trai em, anh Tuân. Giống đến mức hồi mới vào đây em tưởng phía trên họ gửi nhầm giấy báo tử về cho mẹ.

- Anh trai cậu chết rồi? – Tuân bấy giờ mới lên tiếng.

- Vâng, anh ấy hy sinh trên chiến trường.

Tuân nghĩ mình nên tỏ ra tiếc thương một chút, nhưng trong hoàn cảnh này anh hoàn toàn cảm thấy bình thường. Con người anh đã trở nên như vậy. Chai sạn. Chết thôi, đó là một câu chuyện bình thường tới tầm thường trong cái thế cuộc đầy hung gở này. Vĩnh im lặng một lúc Tuân vẫn không nói gì, bèn lên tiếng, âm thanh nhỏ nhưng không lẫn vào tiếng gió mà rõ mồn một:

- Anh Tuân này, anh giống anh ấy đến mức em cứ nhìn anh mãi. – Nói rồi Vĩnh cười, một cách ngô nghê lẫn cả thẹn thùng như một thiếu nữ mới biết yêu lần đầu. Nụ cười của Vĩnh dường như bao giờ cũng thế, rất đẹp nhưng lại như mây đen nắng úa, luôn ẩn trong đó một kiểu buồn mà chẳng ai rõ vì sao lại như thế.

Mãi tới sau này, máu đổ bao nhiêu lần Tuân không thể nhớ nhưng vẫn còn như tạc vào đầu cuộc nói chuyện ngày hôm đó, đôi mắt Vĩnh nâu nhạt, tóc mai nhẹ vờn trong gió, cậu thanh niên ấy ngồi trên tảng đá, nhìn anh như đã quen thân từ lâu.

Rồi cũng kể từ ngày đó, Tuân cũng hay để mắt đến Vĩnh. Cậu trai trẻ này có ngoại hình rất được, đúng chất dân có ăn học, dáng người khá nhỏ chứ không to thồ như anh. Mà đẹp nhất là đôi mắt. Đôi mắt ấy như một dòng sông chảy xuôi mềm mại, nâu một vẻ rất đỗi dịu dàng, và những đêm xa xăm huyền ảo thì sao trời lại rải lóng lánh dưới lòng sông. Với ngoại hình này thì nhiều cô giao liên, rồi quân y, trinh sát mấy đơn vị say như điếu đổ. Ấy vậy mà Vĩnh có vẻ khờ, không thấy đi với cô nào. Mà từ cái đợt nói chuyện với nhau đó, Vĩnh cứ đi theo Tuân, có lẽ cậu xem Tuân là anh trai thật.

Cũng có mấy lần Tuân dõi mắt theo Vĩnh, rồi anh phát hiện Vĩnh rất hay len lén nhìn anh. Khi anh đang chùi khẩu tiểu liên, khi anh đi xuống khe lấy nước, khi anh đi tắm, đều có thể bắt gặp đôi mắt nâu nhạt của Vĩnh. Dần dần hai người cũng hay nói chuyện hơn, Vĩnh đọc mấy bài thơ kháng chiến mà cậu đã học thuộc lòng để Tuân chép vào cuốn sổ nhỏ. Mỗi lần nghe Vĩnh đọc những dòng thơ ấy, trong tim Tuân như sống lại một mảnh máu thịt gì đó có vẻ như đã xa xăm:

"Nước chúng ta, nước những người chưa bao giờ khuất

Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về..."

Có lần đọc xong Vĩnh từng hỏi anh một câu:

- Anh thích thơ, hay chỉ ưa kháng chiến trong thơ?

Tuân gặm cây bút nhỏ, gấp tập thơ mới chép lại một cách cẩn thận rồi ngẫm nghĩ.

Anh chưa từng thích cuộc chiến này, nhưng chiến tranh trong thơ thì khác. Ở đó có hy sinh, có đổ máu, có mất mát, thương đau, nhưng bao giờ thi sĩ cũng cho vào trong thơ những âm vang hào hùng nhất của thời đại. Thế hệ của anh, và cả Vĩnh nữa, thế hệ của bọn họ đã bước vào cuộc chiến với những lý tưởng đẹp đẽ nhất và chứng kiến những gì tồi tệ nhất của hiện thực. Kì thực từ lâu anh đã chẳng khóc vì bất kì chuyện gì, từ cái lần anh Minh - tiểu đội trưởng của anh chết vì đỡ đạn cho anh. Anh ấy ngã xuống, vùi chôn rất nhiều thứ trong Tuân. Mà giờ đây cạnh Vĩnh, những điều đó dường như đang lần lượt phục sinh trở lại.

- Tôi thích sống trong thơ.

Đúng vậy. Sống. Tuân trả lời. Nghe vậy, đôi mắt Vĩnh hấp háy như hái được chùm hoa thanh mát đầu tiên trong rừng vào mùa Xuân. Và có lẽ chàng trai trẻ ấy phát hiện ra cậu có thể dẫn tiểu đội trưởng của mình sống trong những cảm xúc khác. Có thể còn đó tiếng rung giật, đập thình thình vì sóng xung kích của bom dội nhưng bao giờ cũng đẹp.

Ngoài những lúc phải vác khẩu tiểu liên lao đi trong mưa đạn, dí họng súng vào quân địch rồi bắn từng phát điên rồ nhất để giết người, Tuân và Vĩnh có thời gian rảnh thì mỗi đêm đều lén dậy đọc thơ cho nhau nghe. Nhưng những dòng thơ ấy là bí mật giữa hai người, bởi nó ủy mị quá, để mấy thằng lính quen trồng lúa nghe được thì dễ bị cười cho. Mà trên chiến trường, nơi mà nhặt được một khẩu súng dễ hơn cầm trên tay kẹp tóc con gái thì mấy bài thơ tình mà Tuân và Vĩnh thích nghe thật là quái gở. Và đôi khi ngẫm lại, đáng xấu hổ thay. Mỗi lần Vĩnh đọc một cách chậm rãi như thỏ thẻ một lời yêu, Tuân chép vào mà đôi tay cũng ngường ngượng:

"Anh không xứng là biển xanh

Nhưng cũng xin làm bể biếc

Để hát mãi bên gành

Một tình chung không hết...."

Tuân cẩn thận viết những dòng chữ ấy cất giấu thật kĩ như vật báu gì quý giá của đời. Những lúc như thế, Tuân quay sang nhìn Vĩnh, trong đôi mắt trẻ kia như chứa nhiều hơn một lời thơ, một nhạc điệu, một mối tâm tình, đôi mắt ấy chăm chú nhìn anh tựa như chưa từng rời khỏi. Để rồi có lúc Tuân trộm nghĩ nó đã như vậy, và sẽ mãi như vậy.

Những buổi tối trăng thanh, lén ngồi cùng nhau ở một góc, anh có cảm giác như mình và Vĩnh đang vụng trộm yêu đương, mà kể cả cái này cũng là anh trộm nghĩ. Sâu trong đôi mắt nâu nhạt ấy có chăng còn ẩn tàng nhiều điều mà chính Tuân cũng không dám nhìn, và có những lúc thật vô tình, bắt gặp ánh mắt Vĩnh, anh sợ nhìn thấu chính mình.

Sau đó có những đêm, Tuân mơ thấy nhiều chuyện, tấm màn nhung của giấc ngủ bị xé toạc. Anh thức giấc, quay sang nhìn cái võng đang mắc bên cạnh mình, mồ hôi đổ ra, sau lưng lạnh như đồng. Rồi cũng đâu ai ngờ được, một tiểu đội trưởng lúc nào trước địch cũng lao lên như một con mãnh thú gì bắt đầu biết sợ. Anh sợ phải thấy cảnh đồng đội ngã xuống. Mọi người cũng đã biết anh nhìn vậy chứ rất thương anh em mình, hôm cái cậu Thanh hay nói lắp một đi không về, Tuân cứ ngồi im một góc. Chiến tranh là thế, đáng ra đã nên quen từ lâu rồi nhưng cái cảm xúc rất người của Tuân cũng chẳng có gì quá khó hiểu, chỉ là nếu Thanh biết được, cậu ta sẽ cười anh cho xem. Chết. Chết quách đi là xong! Chả có mấy thằng lính nào dám cầm súng mà sợ chết cả. Mà Tuân vẫn hãi cái thế cuộc này.

Trận này Thanh bỏ lại anh em mà Tuân cũng bị thương ở tay, Vĩnh tiến đến thành thục băng lại vết thương cho anh. Khi đó mọi người đã đi cả, trong lán chỉ sót lại hai người, Vĩnh nói, giọng trầm đi, thấp hơn cả tiếng gió ngoài trời, mà lòng cậu dường như cũng đau sầu vì một điều gì thật khó tả:

- Sau này lúc ra trận em sẽ bảo vệ anh...

- Không chóng thì chày chiến tranh cũng hết. Đến lúc đó anh cho em về quê anh với.

Có lẽ Vĩnh cũng nghĩ như Tuân, một ý nghĩ thật ủy mị, không có chút lính nào. Rồi lần đó Vĩnh đánh bạo, cậu ngồi phía sau Tuân, nhẹ nhàng luồn tay vào eo anh rồi ôm chặt. Dáng người của Vĩnh nhỏ nhắn nhưng cái ôm đó ấm áp lắm, Tuân tưởng như anh được một lần nữa là một đứa trẻ yếu ớt núp vào lồng ngực cha mình. Những cảm xúc thổn thức nơi tim là lạ, và trong đầu Tuân vẫn luẩn quẩn tiếng Vĩnh vào một đêm trời lất phất những hạt rượu si mê:

"Nhưng anh giấu em những giấc mộng không ngờ

Cũng như em giấu những điều quá thực...

Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực!

Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài!

Những cánh tay hãy quấn riết đôi vai!

Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt!"

Bất chấp chiến tranh với sức hủy diệt kinh hoàng, bất chấp những điều được xem là đáng khinh và quái gở, bất chấp những định kiến, khuôn khổ của con người và đời lính. Hai người bọn họ từ lúc nào đã lặng yên nắm tay nhau bước lên một bậc thang cấm, chẳng ai nói với đối phương một lời nào thật rõ ràng nhưng họ đều biết và tự biết. Mãi đến sau này, mỗi khi hồi tưởng lại đoạn thời gian ở bên Vĩnh cùng những xúc cảm chẳng bao giờ có lại được trong đời, Tuân còn mơ hồ tự hỏi liệu tất cả là mơ hay thực. Chỉ là đôi mắt của Vĩnh vĩnh viễn đẹp, vĩnh viễn tồn tại trong đời Tuân như tinh tú chỉ đường. Và nó chắc chắn thực.

Bước sang năm 72, cuộc chiến càng ác liệt. Trận Quảng Trị cam go vô cùng, quân mỹ không tham chiến mấy mà chúng chần bom liên tục. Đã mấy ngày liền, tiếng máy bay rùng rùng xé rách thinh không, bom liên tục nổ tạo thành từng hố chôn thây người, và trên cao, những cơn mưa tay chân gan phổi cứ rơi xuống lịch bịch không ngớt. Tiếng người thét khuất lấp trong tiếng gầm long lở kinh hồn của bom. Mặt đất run lên như cầy sấy, người cứ chạy mà chắc mẩm mình sẽ chết. Tuân ôm cây tiểu liên đã hết đạn, cắm đầu bắn một cách mất trí. B52 trên nền trời cao và những mảnh sắt thép rực lửa, người tan xác khắp nơi. Điên loạn! Kinh sợ!

Âm thanh cánh quạt máy bay lặng dần, bom vẫn nổ nhưng thưa đi. Máy bay địch rút rồi.Tuân kiệt sức và thảng thốt nhận ra mình vẫn còn sống, đôi chân rớm máu tự bao giờ nhưng chẳng còn biết đau, anh lết trên những mảnh bom và xác người đi tìm trong vô định. Còn hay không, tiểu đoàn của anh và cả Vĩnh?

Mặt đất mềm oặt đi trước dòng chất lỏng đỏ ghê gớm. Ở chỗ kia...Tuân thấy rồi, thấy Vĩnh nằm đó, đôi mắt vẫn mở một cách mơ hồ. Khắp người Vĩnh lúc ấy bụng đã nhão nhoét, tay chân gãy hết và mạn sườn cũng chẳng còn nguyên vẹn nữa, nhưng ông trời ác lắm, không cho cậu chết, cái vóc người nhỏ bé ấy máu chảy không ngừng chỉ rên lên đau đớn mà không tài nào lịm nổi. Hay là cậu chờ anh?

- Anh Tuân – Vĩnh khẽ gọi, cứ như cái lần đầu tiên hai người trò chuyện nhưng lần này tất cả đã khác. Giờ Tuân mới thấy chân mình đau đến mức không đứng nổi, anh gục xuống, buông khẩu tiểu liên bò xuống bên Vĩnh. Anh biết được thứ lúc đó bị bom đánh nát là tim anh. Không thở nổi. Không nói được lời nào và khi mở miệng ra dòng chất lỏng mặn đắng trôi tuột vào không biết đó là máu hay nước mắt. Anh dùng đôi bàn tay đỏ loét của mình, đỡ Vĩnh lên. Anh phải cứu Vĩnh! Phải cứu Vĩnh!

- Anh...em đau lắm! Đau lắm! - Giọng Vĩnh nhỏ như một tiếng rên dài. Gương mặt trắng bệch và khóe môi không ngừng run rẩy.

- Em chờ một chút, anh lấy đồ rồi quay lại chữa cho em.

- Không...anh...em đau. Rất đau. Anh...em mệt lắm! Chỗ này...đất...ấm!

Khoảnh khắc đó, Tuân cũng muốn nói với Vĩnh rằng anh đau lắm! Rằng lồng ngực anh bị thương rất nặng. Tuân cố nuốt nước mắt, lấy bình tĩnh chạy bằng đôi chân muốn gãy rồi quay lại nhưng cơ thể Vĩnh đã nát đến mức trong phút chốc anh không biết phải băng bó từ chỗ nào. Anh sợ đến điên dại, anh rõ ràng biết. Tuân nhìn vết thương đó, giữa chiến trường hoang nát, anh bỗng nhiên buông tất cả, chống tay trên nền đất, bất lực nhìn Vĩnh, nước mắt anh vồ vập tuôn xuống như mưa cùng những nghẹn đắng không thành lời. Tất cả chỉ là mơ phải không? Thức dậy. Ngày mai Vĩnh sẽ lại ôm anh dưới làn mưa đạn. Đôi mắt nâu ấy...Mãi mãi như vậy... Tuân run rẩy khóc lớn, chưa bao giờ anh như thế nhưng lần này anh không kìm được mà rống lên, nấc từng tiếng bằng tất cả nghẹn ngào và đau đớn đến cùng tận.

- Anh để em đi...anh đừng khóc. - Vĩnh thầm thì nhưng lời nói này lại vỡ ra từng giọt lệ trong suốt không ngừng.

- Anh giết em bây giờ, được không anh?

- Vĩnh ơi, em về với anh. Anh xin em!

- Em xin anh. Để em đi. Giết em đi anh. Em đau lắm! Giết em đi. Em không chết được.

"Giết em đi." Vĩnh cứ lặp đi lặp lại câu ấy bằng chút hơi tàn khuất. Tuân muốn thét thật to và ra lệnh cho cậu không được chết! Bằng giá nào cũng phải sống với anh. Nhưng lý nào anh tàn ác thế được? Làm sao anh nỡ nhìn Vĩnh bị đau đớn dày vò, dãy dụa như thế? Vĩnh của anh! Người mà anh yêu. Đúng vậy. Anh yêu cậu! Không phải chỉ là tình đồng chí. Anh yêu. Một người con trai. Người mà anh yêu nằm đó cầu xin anh giết cậu. Tuân đứng dậy, bấu chặt lấy tim mình muốn bóp vụn nó, nó khiến Vĩnh đau. Vứt hết đi! Mày là một thằng lính! Tuân tự nhủ. Dùng hết thảy dũng khí và tình cảm, Tuân cầm lấy cây tiểu liên trong tay, nó đã từng giết rất nhiều kẻ địch và giờ đây, vào khoảnh khắc này. Anh nhìn Vĩnh, ánh mắt nâu nhạt phảng phất tia hy vọng xót xa, miệng cười một nụ cười u buồn, thống khổ. Cậu đang chờ anh, chờ anh chấm dứt nỗi đau ấy cho cậu. Tuân chầm chậm nhắm vào đầu Vĩnh, chỉ một phát đạn thôi. Chấm hết. Chết thôi! Rất đơn giản. Nhưng anh làm thế nào đây? Anh...quá ác độc. Vĩnh ơi! Tha thứ cho anh. Anh quá ích kỉ.

Tuân bất lực buông cây súng trong tay. Cả trời sụp đổ. Anh yếu ớt nằm xuống đất rồi bò tới ôm cậu vào lòng.

Một lần cuối cùng thôi trong đời cho anh được làm thế này. Làm một kẻ tham lam. Tàn nhẫn. Được ôm em. Mãi mãi...

Người Vĩnh còn ấm lắm. Dù cố nén như thế nào Tuân vẫn khóc, khóe môi anh lúc đó đã thú tội với trái tim rằng:

- Anh thương em, Vĩnh.

Vĩnh đau! Nhưng cậu biết anh càng đau! Cậu đón nhận cái ôm đó, cổ họng phát ra từng tiếng rưng rức không thành lời. Đã hơn trăm lần, cậu nói lời yêu anh nhưng cả đời này cậu chỉ có thể mượn tiếng thơ của người khác để nói ra lòng mình. Chưa một lần cậu có thể chính miệng nói ra cậu yêu anh nhiều như thế nào. Tiếc là, lần đầu tiên này cũng là lần cuối cùng cậu được anh ôm như thế. Một cái ôm quặn đau đến cùng tận, rít lên tiếng gào của kiếp sâu kiến trong chiến tranh. Nỗi đau thể xác cùng trong tâm hồn chồng chéo lên nhau, thi nhau dằng xé. Đến tận lúc này, Vĩnh bỗng nhiên sợ chết. Âm thanh Tuân khóc lạc dần, ý thức Vĩnh cũng cạn đi cùng máu Vĩnh và nước mắt của Tuân.

"Em cứ muốn nhìn anh mãi."

"Sau này lúc ra trận em sẽ bảo vệ anh..."

"Không chóng thì chày chiến tranh cũng hết. Đến lúc đó anh cho em về quê anh với."

Đã hứa nhiều như vậy nhưng em lại đi trước mất rồi. Xin lỗi anh.

Mệt lắm rồi phải không? Vĩnh. Em ơi! Giá như ta không gặp nhau trong thời thế loạn ly này. Anh yêu em đến dường nào em còn chưa được biết. Vĩnh ơi, đợi thắng lợi rồi, yên bình rồi, anh đưa em về quê anh...

Vĩnh ơi!...

Cả kiếp người cõng theo sát nghiệp nhưng trớ trêu thay, điều mà đời này Tuân hối hận nhất lại là ngày đó, anh đã không thể giết người anh yêu ngay tức khắc!

Phải đau rất lâu... Trong vòng tay Tuân, cơ thể Vĩnh lạnh đi. Ông trời thả xuống từng hạt mưa buốt giá tiễn biệt, nước mắt Tuân và Vĩnh ngày hôm đó cùng mối tình của họ, tan vào trong bụi mưa.

....

Miền trung của mười mấy năm sau trời cũng khóc từng đợt thật dài. Tuân đã sống sót trở về từ chiến tranh nhưng anh không biết đó là may mắn hay trừng phạt? Có phải hay không, Vĩnh đã che chở cho anh như lời cậu nói? Có phải hay không, Vĩnh vẫn luôn ở bên Tuân?

Một thủa khi xưa từng được sống và thương nhiều như thế. Một người đến nay, vẫn ngày ngày ngồi ngóng tin tìm hài cốt liệt sĩ.

Tuân vẫn đợi chờ một lời hứa đã xa.

Trước khung cửa sổ, đôi mắt người đàn ông trung niên cô độc chợt cay.

- Hòa bình rồi, Vĩnh ơi! Bao giờ em mới về với anh?

nhật kí người lính, là sự thầm kín và trải lòng của họ về người xưa. Nhưng dù đúng dù sai, với họ, tình yêu là thật, chiến tranh là thật, nỗi đau là thật.
Chúng ta, những thế hệ non trẻ sau này, hi vọng khi đọc xong bài viết phần nào sẽ thêm sự cảm phục và biết ơn đời trước, trân trọng những thứ còn tồn tại trước mắt mình.

Thế giới này có những người dù thời gian trôi, cuộc đời thay đổi như thế nào đi nữa, họ vẫn đứng ở đó, vẫn nụ cười đó, ánh mắt đó,...


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net