Chương 2: Cỏ Hoa Trên Tay

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 2

Cỏ hoa trên tay

Đầu thu năm 2008, nó tròn 11 tuổi, vừa lúc chuẩn bị xong tập vở để bước chân vào cấp hai. Hồi ấy muốn vào học ở các trường cấp hai có tiếng trong thành phố cũng phải qua một đợt thi tuyển.

Mới nhận được thông báo sáng ngày mai lên trường để nhận lớp, nó chẳng lấy làm bỡ ngỡ hay bận tâm chi mấy. Tuy tên này khá trầm tính nhưng vốn phải tự bôn ba kiếm sống từ nhỏ nên đã gặp gỡ đủ loại người trên đời, tuyệt nhiên việc làm quen bạn mới với nó cũng là chuyện khá dễ dàng.

Nhà Ân có bốn người, mẹ mất lúc nó vừa lên hai tuổi, sau cơn tai biến không được phát hiện kịp thời, đến khi vỡ lẽ thì cha nó đã tá hỏa không còn đủ thời gian và tiền bạc để đi lên Thành Phố chữa khám nữa. Nếu nó không nhìn thấy mẹ qua bức ảnh trắng đen đặt trên ban thờ thì nào nhớ nổi mặt mũi bà ra sao nữa. Nó còn có người chị tên Phương, lấy chồng đợt đầu năm ngoái, rồi dạo ấy đến nay chẳng về nhà hỏi han gia đình lần nào.

Cha nó là ông Phước, ông mang vóc người mảnh khảnh, nước da ngăm đen, mái tóc gần như bạc xóa. Ông khá thích uống rượu. Lúc Ân còn bé thì ông thương nó lắm, nhưng khổ nỗi khi nó lên lớp bốn thì số tiền ông làm ra không đủ lo cho nó ăn học nữa, vì ông hầu như đã cúng hết vào mấy chai rượu đế, miếng khô mỗi tối với lão Ba Tài nhà kế bên.

Trong khi nó còn đang loay hoay cột cái đống sách lớp năm cũ thì nghe có tiếng í ới ngoài cổng, nó thoáng ngó mắt trông ra. Có con bé trạc tuổi nó đang hí hửng chạy vào sân. Đó là nhỏ Uyên, Đỗ ngọc ánh Uyên. Nhỏ hàng xóm bên cạnh nhà nó chỉ cách có một miếng vườn khoảng độ trăm mét vuông.

Nhỏ Uyên có dáng người nhỏ nhắn, làn da trắng tinh khôi dù nhỏ vẫn thường hay dang nắng, mái tóc đen xõa dài ngang qua vai và đặc biệt cái ánh mắt sáng trong hồn nhiên của nhỏ là thứ khiến nó bị thu hút ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Gia đình nhỏ có năm người, khá giả hơn nhà nó song cũng có chút trục trặc. Sau năm 75 thì cha mẹ con bé rời miền nam mà lên trên này lập nghiệp, cũng đã quen biết với cha nó từ đó đến nay.

Cha của nhỏ tên Đỗ Tài, có vẻ mặt khá bặm trợn, là một bợm nhậu cà trớn. Mấy thằng cu trong xóm hay gọi ổng là Ba Tài vì khi có hơi men trong người là ổng đều xưng hô ba con ngọt xớt với tụi nó. Mẹ nhỏ tên Quỳnh, bà thì tính cách hoàn toàn ngược lại với chồng, bà hiền lành ít nói, lại lo toan sắp xếp mọi việc trong nhà. Nhỏ còn có một người chị tên là Duyên và một người anh nữa tên Thăng. Nó mới chỉ thấy mặt ông anh của nhỏ một hai lần hồi bé tí, anh ấy bỏ đi biền biệt suốt ba bốn năm nay không thấy về, nghe nói là đi du học. Cả nhà nhỏ trông cậy vào mức lương của chú Thành, là em trai ruột của cô Quỳnh, hiện đang nắm giữ chức đội trưởng đội cảnh sát hình sự thành phố.

Gia đình tuy vậy nhưng nhỏ vẫn chưa hề than thở vì bất kì điều gì, vẫn luôn mỉm cười, vẫn có nhiều bạn bè, vẫn chăm chỉ học hành, thật trái ngược với nó.

- Nghe tin gì chưa? - Nhỏ nói giọng hớt hải.

Nó lớ ngớ chưa kịp phản ứng gì thì nhỏ lại bồi thêm:

- Tui với Ân học chung trường, chung lớp luôn nè.

- Uyên xin mẹ được rồi hả? - Nó nhướn mày. - Ủa mà sao chung lớp được hay vậy?

- Tại mẹ tui xin cô sắp xếp cho á.

- Vậy tốt quá!!! - Nó cười mỉm.

Nhỏ ngồi phịch xuống:

-Thế sáng mai mình đi chung tới trường hay sao đây?

- Không! Bà đi một mình đi bà nội!

- Ờ vậy mai đừng có mà qua rủ á. Nghe chưa?

Ân khá bất ngờ, trước đó mấy ngày hè nó có dặn nhỏ xin cha mẹ cho hai đứa được học chung, vì nhỏ học tốt hơn nó nên sẽ có cơ hội đỗ vào trường chuyên của tỉnh, còn nó chỉ nhắm đến mấy trường vừa với sức học. Ấy thế nhưng chẳng biết do trùng hợp, do duyên phận hay con bé đã làm cách nào mà rồi cuối cùng lại học chung trường với nó, ngạc nhiên hơn là còn chung lớp nữa. Rồi đây mỗi ngày hai đứa sẽ đạp xe trên cùng một con đường đến trường.

o O o

Nó với con nhỏ chưa từng ngồi học với nhau bao giờ, nhưng vẫn rất thân thiết. Nhỏ thường qua nhà rủ rê hôm thì ra hồ bắt cá, hôm thì đi vặt cỏ chơi đá gà với lại tụi xóm bên, hôm thì hai đứa ngồi toòng teng trên cây xoài nhà cô Tư thủ thỉ tâm sự đủ thứ trên đời. Vậy mà cũng do ngại ngùng nên chưa một lần nó nhờ nhỏ qua chỉ nó mấy bài ngoại ngữ, cái môn nó dốt đặc. Nay học chung lớp nó sẽ thường xuyên sang nhà con bé hơn.

- Ây, ném tôi mượn cục gôm!

- Ân học hành kì quá ha.

- Tại tôi không có tiền mua gôm. - Nó chép miệng.

- Xạo! Bữa tui qua nhà thấy có nguyên hộp thước viết trên gác luôn kìa. - Nhỏ quay xuống đặt tay qua bàn nó vẻ nghi hoặc.

- Ừm! Mà đó đồ của thằng Tâm, mốt nó ghé lấy, thấy thiếu nó lại chửi tôi chết.

Ở trên lớp Ân ngồi bàn cuối cùng trong góc, còn nhỏ thì ngồi bàn phía trên nó, hiển nhiên đây chỗ ngồi mà nó thích, là vị trí thuận lợi để trông ra ngoài cửa sổ. Cứ cần gì thì nó lại nhướn người lên bàn nhỏ Uyên để mượn, có khi thì hỏi trên bảng cô đang viết chữ gì, nhỏ hỏi sao nó không mua mắt kính đeo, nó trả lời câu quen thuộc: "tại tôi không có tiền mua kính."

Thanh Tâm là thằng bạn chí cốt của nó với nhỏ Uyên, ba đứa ngang tuổi chơi thân với nhau lắm. Nhà Tâm thì ở xóm bên, cũng khá khó khăn. Hè 2006, năm Ân lên lớp bốn, bà chị có cãi nhau chuyện gì với cha nó rồi thoắt cái đi lấy chồng không thèm về nhà nữa, nó phải qua bên nhà thằng Tâm ở ké cho đỡ tiền ăn uống sinh hoạt.

Cha mẹ Tâm hay còn gọi là cô Năm, chú Năm, vốn bán bánh tiêu với bánh ít lá gai, nay có nó qua thì cho hai thằng vừa học vừa đi bán bánh kiếm thêm tiền lo học phí, tuy có mệt song cả hai đều vui vẻ. Học phí hồi ấy không có cao như bây giờ, và nguyên năm đó nó không tạt ngang nhà lần nào mà chỉ cắm đầu đi học và đi làm, đến đợt đóng học thì còn dư ra chút đỉnh.

Tới đầu lớp năm thì nhỏ Uyên đạp xe qua gọi nó về. Con bé tí tởn:

- Bộ tính ở đây làm đám cưới luôn à?

Tâm nhanh nhảu:

- Yên tâm, không có mời bà dự đâu!

- Tôi sắp đồ rồi, mai về. - Nó nghiêm túc. - Để ông già ở nhà mình thấy không an tâm.

- Đùa chứ nó cũng nói tui hồi qua rồi, tại nó nhớ bà đó - Tâm cười khẩy - Chắc bà cũng lo cho chồng quá chứ, cứ ghé hỏi han suốt mà.

- Ông lôi thôi là ăn đòn á! - Nhỏ vênh mặt lên.

Không biết sao mà khi về thấy cha nó còn nhậu nhẹt tợn hơn trước, rồi cứ hết hôm này qua hôm nọ rủ cha nhỏ Uyên tới quán nước của bà Mận uống đến say khướt, còn chơi đùa với mấy đứa nhỏ trong xóm. Nó hỏi thì con bé cũng chỉ lắc đầu không biết cho qua.

Từ dạo đó nhỏ qua nhà nó chơi nhiều hơn, cứ khi nào thấy nó thiếu tiền là nhỏ lại rút ống heo của mình ra dúi tay nó. Mặc cho nó không nhận thì cũng có khi hộp xôi, khi thì bịch đậu hũ, chén chè, khiến thằng này áy náy hết sức, mà đôi lúc nó nghĩ lại vẫn thấy ray rứt trong lòng. Thế là Ân đâm ra quý con nhỏ, càng to xác hơn nó càng thấy tình cảm của nó cứ ngày một lớn dần, lớn dần lên mãi đến khi nó nhận ra mình đã thích nhỏ đó thật rồi.

Câu chuyện bắt đầu với từng biến cố ập đến. Mới sau ngày Ân với nhỏ Uyên nhập học được vài hôm, Có tin nhà thằng Tâm rời xóm đi, vừa sáng sớm đã nghe tiếng bà Sáo oang oang đi rêu rao khắp làng trên xóm dưới: "rồi thôi rồi cô Tư ơi!!cô biết tin gì chưa?Lão Năm trốn nợ, Lão dắt cả nhà bỏ đi từ hồi qua rồi cô có biết chưa!?" Nó nghe mà muốn điếng người đi, song vội vã đạp xe qua nhà thằng Tâm dò la, mới biết chuyện chú Năm làm giả giấy tờ nhà đất để nhượng lại cho người khác đứng tên, rồi về sau bị phát hiện đã bỏ trốn nên dắt nó đi theo, còn đi đâu thì không ai biết.

Thế là thằng bạn nó một thời ăn chung, ngủ cùng, bươn trải khắp nơi với nó giờ đã biệt tăm không chút dấu vết, tin tức gì nữa. Cái hộp thước viết vẫn còn nguyên trên gác, thằng Tâm không nhắc mà nó cũng quên khuấy, tính ra vừa đủ cất trọn một tình bạn đẹp đẽ.

o O o

Trời ngập màu nắng, lá cây cứ xào xạc trong gió mát. Tiếng ve sầu thôi ing ỏi trên những cành cây cao, như muốn báo cho các cô cậu học sinh biết rằng chuỗi ngày rong chơi của bọn chúng dường như đã ngừng lại.

- Dậy đi cha nội ơi, trễ rồi!

Tiếng kêu lặp đi lặp lại đó khiến nó choàng tỉnh, lật đật khom người ra phía trước nhìn đồng hồ, rồi lại hớt hải chạy ra sau nhà rửa mặt thay quần áo.

Nó thừa biết giờ này ông bố già của nó đã đi làm rồi, ông thường ngủ luôn trong quán bà Mận tới rạng sáng thì mò về xách ba gác ra phố kiếm miếng cơm, thỉnh thoảng mới trở vô nhà hỏi han nó đôi ba câu. Và dĩ nhiên là hôm nay cũng vậy, ông chẳng thèm gọi nó dậy.

Nó vội vã dắt xe ra khỏi cổng, thấy nhỏ Uyên đang đứng bên chiếc xe đạp mà chống nạnh nhìn chằm chằm vào nó.

Nhỏ nhếch miệng cười:

- Biết mấy giờ rồi hông, phen này phải khao tui ly chè chứ chẳng chơi đâu nha.

Nó khẽ gật gật mấy cái:

- Chè thì chắc tôi đủ tiền á!

- Chứ chẳng lẽ không, thôi nhanh đi nè, ngày nào mà hổng có tui chắc Ân bị phạt dọn vệ sinh với viết kiểm điểm mỏi tay quá.

- Cùng lắm viết tới khi bị mời phụ huynh thôi chứ có sao. - Nó tặc lưỡi.

Nó cũng biết chứ, năm nay nó giành thời gian đi làm quá nhiều mà tối chỉ chợp mắt được có mấy tiếng đồng hồ, sáng ra nhỏ không gọi dậy thì cũng nằm ngáy khò tới chín giờ là ít.

Nhỏ khép một bên mi mắt:

- Chứ bộ hông sợ mời phụ huynh hả?

- Không hề!

Chắc nhỏ cũng hiểu tại sao mà.

Hai đứa vội đạp xe tới trường, vừa đi vừa nghĩ ngợi đến những mẩu chuyện cười của nhỏ Uyên khiến cho nó thấy yêu đời hơn, vì nhỏ chẳng bao giờ nói ra những lời bi quan trước mặt nó cả. Thế rồi con đường tới trường tuy xa mà gần, tuy dài mà ngắn, ít nhất là đối với nó.

o O o

Chưa hôm nào Ân thấy hạnh phúc như vậy, vào một buổi chiều, cái cảm giác trời se lạnh xuyên qua da thịt, nhưng man mát trong tâm hồn. Ngày 12 tháng 8 năm 2008. Nó sẽ đánh dấu cột mốc này lại.

Nghe tiếng bước chân nhỏ chạy qua nhà réo nó:

- Có ai nhà hông Ân?

- Biết rồi còn hỏi. - Nó khịt mũi.

- Đi. - Nhỏ nói giọng quả quyết.

- Đi đâu?

- Thì cứ đi đi.

Chưa dứt câu nhỏ đã kéo lấy tay nó dắt ra khoảng sân.

- Ông chở tui tới đây một lát.

- Xe Uyên đâu? - Nó đảo mắt nhìn quanh.

- Hư rồi! Bộ hông muốn chở tui một lần hay sao?

Nói rồi chẳng chờ nó đồng ý hay không, nhỏ một mực đẩy nó ngồi lên yên xe. Nó đạp ra ngoài, đóng cổng lại rồi chạy theo hướng ngón tay nhỏ chỉ. Được một quãng khá xa thì con bé mới hỏi:

- Có mệt hông để tui chở nốt cho nè?

- Tất nhiên không rồi! Hồi tôi bên nhà thằng Tâm cũng có mấy ngày toàn cong đuôi chở nó đi rao bánh suốt mà.

Nhỏ làm bộ xuýt xoa:

- Vậy ráng xíu hen, sắp tới nơi rồi á.

Nói là không mệt vậy chứ phía trán nó đã vã đầy mồ hôi, lại thở hổn hển. Nhưng thực sự lúc ấy nó cảm giác bao mệt mỏi và âu lo trong mấy ngày qua đều được xua tan hết, nó chỉ còn biết một điều là lòng nó giờ đang rất vui sướng. Lần đầu tiên trong đời ôm lấy cái cảm giác hạnh phúc, thật hạnh phúc khi được chở đứa con gái mà nó thích trên chiếc xe đạp cọc cạch của mình.

Vẻ mặt nhỏ hí hửng:

- Tới rồi nà.

- Woaaa...

- Tuyệt quá cô nương ơi! - Nó hăm hở, mắt dáo dác ngó quanh.

Nơi nó vừa gác chân chống xe, một cánh đồng bạt ngàn cỏ lau trắng ngát đẹp mê hồn người.

- Tặng Ân nè!

Nó chìa tay cầm lấy mấy bông hoa lau mà nhỏ Uyên vừa hái, chúng đang phất phơ trước gió chiều.

- Nay hổng có đi học. - Nhỏ cười thủ thỉ, đưa nó cái máy ảnh sẵn trong túi áo khoác.

- Ân chụp tui mấy tấm làm kỉ niệm.

À hóa ra nhỏ kêu nó tới đây làm thợ chụp ảnh cho nhỏ, thôi kệ! Được đứng đây chụp hình ta cũng cho là niềm vui khôn xiết trong lòng rồi.

Hai đứa nô đùa chừng nửa tiếng đồng hồ quanh hương hoa cỏ, rồi con bé mới ngồi bật dậy chỉ tay về chỗ mấy bậc thang gỗ rải đều trên khoảng gò nhô cao ở phía cuối cánh đồng, song kéo tay nó tới đó. Nhỏ rủ nó chơi oẳn tù tì, hễ ai thắng thì bước lên một bậc.

Lên tới bậc thang cuối nó thấy trước mặt là một căn nhà nhỏ chưa đầy mười lăm mét vuông, ắt hẳn là nơi cho khách du lịch ghé chơi hoặc trú mưa gì đó.

Nhỏ lại nở nụ cười tươi nhưng không nhìn nó:

- Từ nay mỗi tháng cứ ra đây một, hai lần nha.

- Chi vậy?

- Thì... ôn bài. Chỗ này vừa mát mẻ lại yên tĩnh nữa, ở nhà bà chị rầy không học được.

- Thế hôm nay?

- Qua tui mới phát hiện ra... Nay cho ông tham quan á!

- Ùm! Mà mỗi tháng có một, hai lần sợ không đủ cho tôi theo!

- Vậy để coi sao đã... Chắc lần sau đi xe riêng á nghe.

Nhỏ cười, Ân cũng cười, mà chả biết trong lòng nhỏ có đang rối ren cái mối quan hệ chập chờn vậy không. Có chăng tất cả chỉ là do thằng này đã hoang tưởng quá nhiều, có chăng chỉ là do hy vọng một phía đến từ nó...

.

Trên tay nó chợt man mác đượm buồn giữa một mùa hoa cỏ lau nở trắng trời.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net