Chương 3: Muôn Hình Vạn Trạng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 3

Muôn hình vạng trạng

"Ân, mày mau tránh xa tên đó ra! Nhanh lên, bảo với con Uyên nữa, TRÁNH XA TÊN ĐÓ RA!"

Ân giật mình tỉnh giấc, mồ hôi nhễ nhại vai áo, nó nhận ra mình vừa gặp ác mộng. Trong mơ nó thấy thằng Tâm, khuôn mặt lộ rõ vẻ thất thần gọi với theo nó bằng cái giọng run rẩy đến kinh sợ, đứng bên Tâm là một gã đàn ông mà nó không trông rõ mặt, dáng vẻ cao lớn vạm vỡ, tóc để dài chớm tai, mặc bộ đồ màu nâu đậm.

Nó vội xuống giường, bước ra nhà sau rót miếng nước uống cho cổ họng đỡ khát. Nó nghĩ ngợi hoang mang: "không lẽ mình chưa già mà đã bị Alzheimer rồi sao?"

Song thằng này định thần lại, có thể do nó chưa dứt hẳn hình ảnh của thằng bạn một thời thân thiết nên mới đâm ra vẫn còn chút mắc mớ vậy thôi.

o O o

Một cái "năm mới" nữa lại đến, với Ân thì năm nào cũng như năm nào, cuộc sống của nó đã thành thông lệ, sự nhàm chán, vô vị vẫn ngang nhiên giậm chân tại chỗ. Riêng chỉ có tình cảm không tên bỏ ngỏ mà nó dành cho nhỏ Uyên thì cứ ngày một lớn dần lên, tựa như con yêu tinh đang hút trọn sinh khí để thay đổi diện mạo vậy. Những ngày đầu năm của nó là nằm ngáy khò xả hơi bù công việc, trừ khi có nhỏ Uyên lại chơi thì nhỏ còn bắt nó dọn nhà đón tết chứ không thì nó chẳng lấy làm bận tâm.

Ngặt nỗi có năm nào mà nhỏ không qua nhà nó chứ? Cứ tới ngày 29 là con bé đã phụ mẹ với chị dọn xong bên đó, rồi hôm 30 thì chạy qua phụ lau nhà cửa quét sân đâu ra đấy với nó.

Nhỏ khuyên mấy câu na ná mọi năm:

- Mình dọn nhà á vừa sắp xếp đồ đạc sạch sẽ vừa thay đổi cả không khí của năm cũ luôn, vậy thì năm nay mình mới có nhiều may mắn chớ.

- Có khoa học nào chứng minh? – Nó hỏi cắc cớ.

- Tui có lòng tin thì Ân cũng phải có lòng tin giống tui.

- Chắc được hai hôm nhỉ?

- Ông bớt lười lại đi nào! – Nhỏ khựng lại, gắt nhẹ – Bộ đây nhà tui hả? Có muốn dọn hông đây?

Ôi vô lý thiệt chứ! Rõ ràng là nhỏ tự nguyện qua nhà nó chứ nó có ép buộc chi đâu. Nhưng câu nói khiêu khích kia như thể đang thôi thúc sự chăm chỉ bên trong nó vậy, nó mau mắn chạy đi lấy chổi, xô với dẻ lau rồi cả hai bắt tay vào dọn dẹp. Mất gần nửa ngày trời nhỏ mới thấy tươm tất. Tối đến khoảng độ mười giờ hơn thì nhỏ rủ nó với mấy đứa nữa chạy lên bãi đất trống cuối xóm mà xem pháo bông.

Chẳng biết lúc này ông bố già của nó với Ba Tài có trò gì mới không hay vẫn cứ chơi binh xập xám phạt rượu, cược tiền cùng mấy lão ba gác, xe ôm ở bên quán bà Mận như năm ngoái. Cái chính là cha nó không còn mấy quan hệ bạn bè như trước nên tết đến chẳng có ma nào ghé nhà nó hỏi thăm sức khỏe, cả bia mộ của ông bà với mẹ nó mà nó còn chẳng biết nằm ở chốn nào để đi viếng nữa. Suy cho cùng mồng một mồng hai rồi mồng ba tết nó cũng chỉ thắp vài nén nhang trên ban thờ, tạt ngang mấy nhà quanh xóm nhận lì xì vậy thôi.

Nó chờ cho nhỏ Uyên về quê tảo mộ ông bà xong xuôi hết rồi mồng bốn lên lại, nó sẽ rủ nhỏ đi chùa chiền, ăn uống, ghé siêu thị hay đi chơi đâu đó.

Với nó, 2009, mọi thứ vậy là ổn.

o O o

Qua tết lại bới từ trên kệ xuống cả núi bài tập về nhà, nó vừa bắt đầu cho học kì hai lớp sáu. Chưa gì mới tuần đầu tiên của năm mới mà nó đã ăn phải trứng ngỗng cũng như bị bắt ở lại trực nhật lớp.

Chuyện là hôm thứ ba sau đợt nghỉ tết, Ân cho thằng Đông Phú bàn cạnh bên mượn tập vở toán chép bài về nhà, vì nó chỉ giỏi có mỗi bộ môn toán. Song bữa đi học thằng nọ vừa quên mang tập của mình lại còn quên luôn cả tập của nó. May sao mà thầy không đọc tới tên hai đứa chúng nó.

Phú liếc mắt qua bàn nó thì thào:

- Má ơi tao cứ tưởng phen này tiêu rồi chớ.

- Mày ngon, mém chút tao bị vạ lây.

Chỉ chợt vụt qua, chút may mắn ấy rõ ràng chẳng được bao lâu. Con nhỏ Nguyệt Minh, lớp phó lao động của lớp ngồi bàn đầu đưa tay xin ý kiến.

- Sao đó em?

- Thưa thầy, thầy có nói qua tết sẽ kiểm tập bạn Phú tại hồi hôm bữa bạn í chưa có làm bài! – Con bé dõng dạc, vừa quay xuống lè lưỡi với thằng Phú.

- À à... rồi, chút nữa tôi lại quên anh nhỉ, ANH PHÚ ĐÂU RỒI?

Thằng nọ nghe tên phát hoảng, thằng Ân cũng hoảng theo, nó sẽ bị gán vào cái tội lừa dối giáo viên, đem vở mình cho bạn chép bài.

Thế là 11 giờ 40 phút trưa oi bức, dưới sân trường THCS Phan Bội Châu thấy lác đác vài học sinh ngồi chờ phụ huynh ghé đón, trên các phòng học hầu như đã tắt quạt điện hết. Duy chỉ có lớp 6G vẫn còn mấy học sinh ở lại, trong đó có hai đứa là Đông Phú với Ân đang loay hoay lau cửa kính, còn bé Nguyệt Minh ngồi trên bục chỉ trỏ ra hiệu thằng Phú lo mà lau cho sạch. Đúng là đồ cái thứ con gái lẻo mép, đang yên lại rỗi hơi đi mách thầy giáo làm nó phải khốn đốn ở đây cả tiếng đồng hồ. Phú bực bội trong người lắm, nhưng vẫn phải răm rắp lau theo thằng Ân dưới sự chỉ đạo của con nhỏ.

- Mày có việc thì cứ đi trước, còn chỗ này để tao lo nốt rồi giặt khăn luôn thể. – Nó ra vẻ người tốt.

- Lỗi hoàn toàn của tao, mà giờ tao phải đi gấp thật, bữa sau hứa đãi mày chầu nước chịu không – Phú coi bộ hối lỗi.

Nhỏ Nguyệt Minh thấy vậy đập bàn nghe cái "CỘP".

- Cái gì? Không chịu làm mai tui mách thầy cho biết!

- Thì tôi đang làm đây! – Nó đáp, vừa ngước qua thằng phú – Mày về đi, có hứa là được rồi!

- Đa tạ, cũng cáo lỗi với mày luôn. – Nói xong thằng nọ bước thoăn thoắt ra cửa.

Chờ Phú khuất hẳn, nó quay lên bục nhìn nhỏ Nguyệt Minh vẻ mặt buồn bã, hỏi:

- Bộ bà thích thằng Phú hả?

- Gì cơ? Ai? Nghĩ sao... vậy... ai thích cái thứ lười biếng ham chơi đó! – Nhỏ ngập ngừng, đỏ mặt.

- Cứ vậy nó càng ghét bà thêm thôi.

- Kệ tui đi, đồ nhiều chuyện!!!

Con bé chạy vội đi, để lại trên mặt bàn những câu nói ngượng ngùng, trái khoáy dẫu còn chưa dứt khoát. Nó thì tỏ rõ nét khoan khoái, cúi người, thong thả xách chiếc xô xuống sân trường đổ nước giặt khăn rồi ra về.

Tình yêu thật kì lạ, nó là thứ mang đầy đủ dáng vẻ, sắc thái và hương vị sâu sắc nhất trên đời. Là thứ khiến cho con người ta say đắm, tự nhấn mình vào si mê mà không thể dứt ra được, làm con người ta hạnh phúc, vui sướng rồi cũng sẵn sàng khiến họ phải chịu đau đớn, tổn thương, dằn vặt. Và cái cách mà mỗi người thể hiện tình cảm của mình với người kia lại càng kì lạ hơn. Có người luôn âm thầm lo lắng săn sóc, có người thì thể hiện sự ân cần chu đáo ấy ra bên ngoài, có người cứ hay trách móc, chọc ghẹo đối tượng mà họ quan tâm đến, song họ cũng chỉ vì muốn người đó sẽ thích ngược lại họ hoặc chí ít sẽ giành chút sự chú ý đến họ mà thôi.

Riêng nó thì chẳng biết khi nào mới thốt ra được tiếng yêu chân thành với con nhỏ hàng xóm nữa, do e ngại, do lo sợ sẽ phá vỡ thực tại.


Hay là cứ thản nhiên để việc cần làm cho ngày mai, ngày mai rồi lại ngày mai nữa đi.

"Phải rồi! Hãy cứ như vậy đi."

o O o

Ân là một học sinh kiệm thể hiện bản thân trước đám đông. Ở trên lớp nó luôn tránh né những câu hỏi liên quan đến mình, tệ hơn vụ nhứt quyết không chịu làm ban cán sự bộ môn toán thì nó luôn lảng đi chẳng bao giờ tham gia các hoạt động nào do trường lớp tổ chức. Vậy nên mấy đứa bạn liệt nó vào thành phần vô dụng nhất của lớp.

Với nó tham gia vào mấy thứ đó tựa như có cây kim đồng hồ đang đứng chết giấc trong khi mọi linh kiện khác đều không muốn chôn chân mình vào quãng thời gian lãng phí vô nghĩa kia. Thời gian của nó là để về nhà quẳng chiếc cặp táp nặng nề qua một bên, nuốt xong bữa trưa đặng lê đôi giày ra ngoài sân, chỗ thường dựng cái xe đạp.

Nay là một ngày nóng nực lại không may mắn của cu cậu. Xe lủng lốp giữa trời trưa nắng.

Ân bị ông chủ Long mập rầy cho một tăng vì cái tội đi trễ đúng lúc quán đang đông khách. Ông chủ không rõ có ghét bỏ gì nó không song ông vẫn hay quát tháo đủ thứ mặc dù có vẻ trông nó như chả quan tâm mấy đến những lời la mắng của ông.

Thùy Linh, nhỏ làm cùng với nó ghé tai hỏi:

- Ê, nãy lão mập kêu giam lương tao một tuần là sao mày?

- Hôm qua nhận lương mà mày nghỉ, ổng giam đúng rồi còn gì!

- Chán thiệt! Tao tính cuối tuần lãnh tiền là đi hội chợ mà mắc vụ này. – Mặt con bé vẻ rầu rĩ mà trông cũng giận dỗi.

- Cần nhiêu? Tao cho mượn. – Nó làm bộ đưa tay vô túi quần.

Chuyện gì chứ chuyện tiền bạc là nỗi khổ tâm lớn trong nó, song thằng này vẫn vui vẻ cho Linh mượn hơn bốn chục bạc. Rồi tới lúc con bé nhận lương nó sẽ tìm cách hợp lý nhất mà đòi lại mớ sức sống kia của nó.

Ân có được tính tự lập sớm hơn tụi bạn. Cũng nhờ vậy nó mới sinh cái thói suy nghĩ ngang ngược, ghét cay cái dòng họ chả bao giờ ngó ngàng đến gia đình nó, nghe cha kể trước khi cuộc sống gia đình nó khó khăn thì lũ bọn họ hết nhờ cậy việc nọ đến việc kia, việc bắt buộc mà lại dựa trên tình nghĩa anh em. Ôi sao mà xảo trá, thoáng thấy thương cho người cha tất tả lam lũ gần cả cuộc đời. Ngược lại nó thấy hận người mẹ sao ra đi sớm để mặc hai cha con giữa nghi ngút khói hương, hận người chị chớm bỏ đi tìm hạnh phúc riêng mà chả thèm về lấy một tiếng thăm hỏi.

Dù sao hiện giờ nhận thức của nó cũng đang được thay đổi dần, nhờ con bé hàng xóm.

Có bữa đi ăn với nhỏ Uyên, tuyệt nhiên nó thấy xấu hổ. Nói đến vụ tiền nong thì hai đứa nằm bên ranh giới của hai tuýp người xa hoa và bần tiện. Nhỏ vẫn luôn gọi món ăn uống thỏa thích rồi coi trả tiền, còn nó thì phải biết giá trước mới tính tới chuyện ăn, bởi vì nó không có tiền, thông thường nếu nó mà không đi làm thì lấy đâu ra tiền đóng các khoản học phụ đạo trên trường cũng như tiền cơm canh điện nước, sinh hoạt hằng ngày. Huống hồ gì mấy khi đi chơi, đi ăn uống với bạn bè.

Bữa đó Ân vừa mở miệng thì bất ngờ bị nhỏ chặn họng.

- Bao nhi...

- Lấy con chục xiên xủi cảo với hai ly sinh tố loại lớn, lát có ăn nữa thì con kêu thêm.

Nhỏ quay sang nhìn nó vẻ đắc ý:

- Nay tui khao, khỏi lo!

- Thôi đi bà nội! Tưởng tôi không có tiền hả? Qua mới nhận mấy đồng cứng đây nè.

- Tiền đó Ân lấy đóng quỹ lớp đi!

- Tôi vẫn còn dư mớ, nhiêu đây mà nhằm nhò.

- Ờ! Rồi mốt không đóng quỹ người ta gạch tên ông ra cho coi.

- Sao đâu mà!!!

- Ông sao mà giống anh Thăng vậy nhỉ... – Nhỏ bỗng ngập ngừng.

- Hả? Bộ hồi đó tính anh bà cũng cố chấp giống tui vậy hả – Nó ngơ ngác.

- À... không có gì.

Kì kèo một hồi thì nó chịu thua con bé, thua cả về lý lẽ lẫn số tiền nằm trong ví.

Nếu dưới nghèo khổ vẫn là tiền bạc, thì nó đinh ninh sẽ bị đày xuống tận đáy của cái nghèo khổ kia mất. Số đời của nó sao cứ phải lệ thuộc vào người khác, sao cứ luôn bị chút đồng lương ít ỏi của ông chủ quán cơm kiểm soát, và một đồng như một rào cản chắn ngang tâm hồn vàng vọt của nó với bao mối quan hệ chung quanh.

Nếu trên đời này có còn tồn tại lòng tốt, thì nhỏ Uyên chính là sự cô đúc của thứ lòng tốt tinh túy kia. Nhỏ sẽ kéo nó ra khỏi cùng cực của hố sâu phiền muộn lo toan đang chất chứa trong lòng nó, sẽ mang đến cuộc đời nó bao ý nghĩa tốt đẹp muôn hình muôn vẻ, đầy ắp sắc màu rực rỡ.

Nếu như không hề tồn tại một đứa con gái tốt bụng, luôn biết cách hỏi han quan tâm đến nó như nhỏ Uyên, thì cuộc sống của nó sẽ ra sao nhỉ?

Nếu... Thì...

.

Ân lấy làm hổ thẹn, lẽ ra một thằng như nó không đáng có được cái vẻ thân thiết với nhỏ như vậy...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net