Bèo dạt sóng dềnh (3)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nói đoạn, cô dừng tay trên lưng Đặng Anh, thử xích lại về phía chàng gần hơn. Đau đớn làm chàng hơi run run, khiến mép chăn cọ nhẹ gò má Dương Uyển.

"Đau quá thì bóp tay tôi đi."

"Không..." Chàng nhịn đau lắc đầu, "Nếu đến một ngày phúc phần cạn kiệt, về sau ắt sẽ là báo ứng."

Dứt lời, chàng chợt đau đến nhíu mày, bàn tay đặt bên gối siết lại rồi lỏng ra, lỏng ra rồi lại siết.

Dương Uyển không dám động đậy nữa, nhẹ giọng nói: "Tôi vốn tưởng rằng sau cái chết của những người Đồng Gia Thư  Viện kia, anh sẽ được nở mày nở mặt ngồi lên vị trí đề đốc thái giám Đông xưởng."

"Như bây giờ... là xứng đáng."

Hơi thở của Đặng Anh phả lên mặt Dương Uyển, nhiệt độ dường như nóng hơn cơ thể chàng đôi chút.

"Tôi hiện giờ không thể nhặt xương cho thầy, không thể khâm liệm cho Châu tiên sinh và anh em họ Triệu, ơn huệ của họ tôi cũng không thể hoàn trả... Coi như đây là chuộc tội đi."

Nói rồi chàng ho khẽ mấy tiếng.

Dương Uyển giơ cổ tay lên, vỗ lưng Đặng Anh. Đối mặt với người thương tích đầy mình này, cô cảm nhận được chân thực hơn bao giờ hết sự mâu thuẫn của triều Đại Minh. Nhưng bản thân sự mâu thuẫn ấy lại có tính cân bằng, nó dẫn dắt Đặng Anh vào nỗi tự trách tự bi, cũng đẩy chàng dũng cảm đứng ra cáng đáng. Một sự mâu thuẫn tuy khiến chàng phải vật lộn nhưng cũng giúp chàng có thể sống tiếp.

Ngay trong thời đại mà Dương Uyển và Đặng Anh đang ở này, Ý đang trải qua làn sóng văn hóa Phục hưng, chủ nghĩa tư bản manh nha, chủ nghĩa cá nhân đâm chồi, cái gọi là tư tưởng "quân thần" đang từng bước tan rã, nền văn minh tân tiến hơn dẫn dắt tư duy con người đến một thời kỳ mới. Sau đó, nền văn minh phương Tây bắt đầu coi trọng giá trị cá nhân, nhấn mạnh sự chi phối của bản thân và tự do cá thể. Sẽ không còn ai đã tự đưa tay vào gông cùm tổn thương mình mà vẫn còn nỗ lực tháo gỡ xiềng xích cho người khác như Đặng Anh nữa.

Phong kiến ăn thịt người, nền văn minh đến từ một thời đại khác sao lại không giết người.

Dương Uyển cảm thấy may mắn khi lịch sử mang tính chất tuyến tính, không có khả năng quay đầu lại giống cô, cũng không ai có khả năng tiên đoán hậu thế, mọi người đều sống trong sự cân bằng của đương thời, thế nên mới không cảm thấy mình là kẻ bị bánh xe lịch sử băng băng tiến về phía trước nghiền chết.

Bởi vậy, Dương Uyển quyết định tôn trọng Đặng Anh.

"Đúng vậy, họ thấy anh như vậy, sao còn tiếp tục trách anh nữa."

Nói rồi, động tác tay cô chậm lại, "Còn đau không?"

Đặng Anh nhắm mắt lại, nhẹ nhàng lắc đầu, "Không đau."

Dương Uyển nhoẻn miệng, bỗng nói một câu, "Sau này những người đó cũng sẽ bị trừng phạt."

Đặng Anh cuộn nắm tay, "Cô đang nói gì vậy..."

"Ý trên mặt chữ."

Cô nói, nhìn vào mắt Đặng Anh, "Tôi đã nói với anh rồi... ừm..."

Tay cô chậm hơn, nhai nát logic lý thuyết cứng ngắc trong đầu mình rồi một lần nữa phun ra, "Thế nào rồi chuyện cũng sẽ phát triển theo chiều hướng tốt, nhưng quá trình ấy sẽ gặp phải trở ngại đôi chỗ, lên xuống trầm bổng. Có điều, anh phải tin rằng những thương đau và tủi nhục anh phải chịu sẽ từ từ trôi qua, mà chuyện anh đã làm thì sau này nhất định sẽ có người thấu hiểu, còn những người đó, hình phạt bây giờ và lời xổ nho chửi chữ ngày sau giống nhau ở chỗ đều là thứ họ không thể thoát được."

Đặng Anh im lặng chốc lát rồi cười: "Điều cô nói, tôi lại... nghĩ mãi không hiểu nữa rồi."

"Vậy anh đừng nghĩ  nữa, anh ngủ một giấc đi, đau hay khát gì cứ gọi tôi."

Nói rồi, cô nhổm dậy thổi tắt ngọn nến đơn côi trên bàn.

Đêm nay, gió thổi thâu đêm trên sông hộ thành, Dương Uyển co người lại, lắng tai nghe mọi âm thanh nhỏ vụn trong bóng tối. Đặng Anh nằm bên cạnh cô, có lẽ vì mệt mỏi, hoặc giả là vì cơn sốt gây ra do vết thương, dường như chàng ngủ rất say, cần thưỡng thương nên trung y khoác trên người mỏng như cánh ve, bọc tuyết gói sương.

Dương Uyển nghe tiếng lá rào rạt ngoài cửa sổ, chợt nhớ thời Tống có một nhà thơ tên là Mao Bàng, rất thích viết về mùa thu. Trong "Dạ hành thuyền" của ông có một câu: "Vài giọt tiếng thu lùa mộng đoản." Trước đây, cô không cảm thấy câu này có gì đẹp, nhưng lúc này nằm bên cửa sổ trong phòng Đặng Anh, cô lại bỗng xúc động trước nét lãng mạn xa xưa này.

"Vài giọt tiếng thu lùa mộng đoản."

Cô lẩm bẩm câu này trong miệng, lại nhất thời không nhớ ra vế tiếp theo là gì. Sau một hồi nghĩ ngợi mãi không ra kết quả, không khỏi cười tự giễu, mím môi nhắm mắt lại.

Trong bóng tối sền sệt, Đặng Anh tiếp lời nửa câu sau, nhưng chỉ mấp máy môi không ra tiếng.

"Dưới hiên chuối reo mưa."

Vài giọt tiếng thu lùa mộng đoản, dưới hiên chuối reo mưa.

Quả thực, mùa thu năm nay trôi nhanh quá.

Đúng như Trịnh Nguyệt Gia nghĩ, ngày thứ bảy sau khi Châu Tùng Sơn chết, hoàng đế đích thân giá lâm trực phòng Nội các.

Hôm ấy, đâu đâu trong kinh thành cũng tổ chức đưa tiễn dọc đường, tro giấy bay múa khắp thành. Trên đường phố, bất kể quan tài của hơn mười người kia có đi qua hay không cũng đều nghe thấy tiếng đau thương truy điệu.

Nhất thời, đế đô trắng xóa áo tang.

Bắc trấn phủ ti vốn định ngăn chặn đưa tiễn dọc đường, đồng thời truy bắt kẻ cầm đầu, nào ngờ bị một mật chỉ của hoàng đế đè xuống. Hoàng đế nghiêm khắc trách cứ Trương Lạc trong Dưỡng Tâm Điện, phạt hắn quỳ trước Thái Hòa Môn một ngày.

Lúc Dương Luân và Bạch Ngọc Dương đi ngang qua Thái Hòa Môn, vừa vặn trông thấy Trương Lạc bị người của Cẩm y vệ áp giải, nhấn xuống quỳ gối trước Thái Hòa Môn.

Bạch Ngọc Dương nói: "Vụ án thảm như vậy mà chỉ phạt quỳ. Còn cho hắn quỳ ở đây giờ này nữa chứ, để cho Nội các xem đây mà..."

Dương Luân liếc Trương Lạc, quay đầu lại nói với Bạch Ngọc Dương: "Bệ hạ vẫn muốn dùng hắn tiếp."

Bạch Ngọc Dương vừa đi vừa thở dài, "Ba phải như Trương các lão mà sao lại sinh ra một U Đô Quan như vậy được nhỉ."

Dương Luân không tiếp lời câu này, đi thẳng về phía trực phòng Nội các.

Hai người tới nơi, lại thấy nghi trượng của hoàng đế thình lình dừng trên Hội Cực Môn. Trịnh Nguyệt Gia đứng trước nghi trượng, thấy hai người bèn đi qua chắp tay hành lễ.

"Nhị vị đại nhân."

Bạch Ngọc Dương ngó trực phòng, hạ giọng hỏi: "Bệ hạ giá lâm à?"

"Vâng."

Dương Luân nói: "Hà chưởng ấn đâu?"

"Đang ở trong hầu bệ hạ ạ."

Nói rồi y nghiêng người nhường lối, "Đại nhân, mời."

Dương Luân và Bạch Ngọc Dương không dám rề rà, cùng nhau đi vào trực phòng, vừa bước vào cửa, còn chưa kịp hành lễ vua tôi đã nghe Trinh Ninh Đế nói: "Người này tuy là hậu duệ tội thần nhưng cũng đã thụ hình, thuộc quản chế của Ti lễ giám, trẫm cho rằng không còn gì để chỉ trích nữa."

Đoạn, giơ tay về phía hai người Dương Luân, ra hiệu hai người đứng lên.

Hai người Bạch Trương đều không nói gì, Hà Di Hiền dâng trà bên cạnh hoàng đế, liếc thoáng sắc mặt hoàng đế, cũng im lặng.

Lão vốn định uy hiếp Đặng Anh tự khước từ, nhưng phạt trượng một trận rồi, Đặng Anh lại chỉ đáp năm chữ "không có gì để nói".

Mặc dù chàng một mực khiêm nhường ngoan hiền, đến thụ hình cũng rất phối hợp, thậm chí xuống được giường rồi còn tự mình thỉnh tội nhận sai với Hà Di Hiền ở Ti lễ giám, thế nhưng Hà Di Hiền biết, Đặng Anh không chịu, cũng không thể làm con cháu mình.

Song, lão hầu hạ Trinh Ninh Đế rất nhiều năm, biết rõ hoàng đế am hiểu rất sâu thuật chế ngự, cuộc đối thoại với Đặng Anh trên Dưỡng Tâm Điện đã để lộ ba phần ý định, lão không thể nói thêm gì nữa, bằng không ba phần đó sẽ bị đẩy lên thành tám chín phần.

Hôm nay Trinh Ninh Đế xuống hỏi Nội các, đối với lão, lại là một chuyện tốt.

Lão bèn đưa mắt nhìn Trương Tông.

Trương Tông đứng sau Bạch Hoán bắt được ánh mắt này, bèn hắng giọng, tiến lên một bước, bẩm với Trinh Ninh Đế: "Lời bệ hạ, lão thần cảm thấy rất đúng, nhưng dù sao Đặng Di cũng bị diệt tộc, giữ lại tính mạng cho Đặng Anh đã là bệ hạ khai thiên ân, thần lo rằng... hắn có hai lòng."

"Có hai lòng gì?"

Mí mắt Bạch Ngọc Dương giật giật, người hỏi là Dương Luân đứng bên cạnh gã.

Trương Tông bị đốp chát, tức thì không biết nói tiếp thế nào, "Chuyện này..."

Dương Luân không nhìn ông ta, quay sang nói với Trinh Ninh Đế: "Người này đã là nô tì nội đình, chịu ràng buộc của 'Thái tổ nội huấn', nếu vẫn dám hai lòng thì Trương đại nhân đã đặt nội huấn chói lọi của triều ta đi đâu? Đặt thiên uy của bệ hạ đi đâu? Vả lại, người này thân mang tội mà xây Thái Hòa Điện, cần cù chăm chỉ nửa năm nay không một sơ sót, hai lòng ở chỗ nào?"

"Dương Luân." Bạch Hoán cất tiếng gọi y, "Không được vô lễ trước mặt bệ hạ."

Trinh Ninh Đế phẩy tay với Bạch Hoán, "Để cậu ta nói đi."

Dương Luân chắp tay xá dài: "Thần hiểu rằng tuy Đặng Anh đã thụ hình nhưng cha hắn tội ác tày trời, con cháu đời sau đều không thể tha thứ, nhưng xưa nay thần vẫn biết phẩm hạnh hắn, bệ hạ lập Đông tập sự xưởng là để dẹp yên tai họa trong kinh, lắng nghe tiếng quan lời dân trong thiên hạ, nếu kẻ giữ vị trí này phẩm tính tầm thường, sao có thể lắng nghe thay bệ hạ?"

"Phẩm tính tầm thường" trong lời y chỉ đến Hồ Tương, tay Hà Di Hiền run lên, suýt nữa làm sái nước trà.

Trinh Ninh Đế cười, "Dương thị lang nói rõ ràng lắm. Ý Bạch các lão thế nào?"

Bạch Hoán đáp: "Thần tạ ơn bệ hạ đã hỏi, lúc trước người này là học trò của lão thần, nhưng nghiệp chướng nặng nề, lão thần không dám nhiều lời vì nó, được bệ hạ ân sâu đến nhường này, nếu còn hai lòng thì chỉ e trời cũng chẳng dung được. Lão thần cao tuổi, quản hạt ti đường ngoài các đã lực bất tòng tâm, nếu có ai có thể thay bệ hạ lắng nghe tiếng quan lời dân như Dương thị lang, tỏ rõ nhân đức của bệ hạ, khiến thần dân quy tâm, thần cũng chấp nhận. Nhưng... nếu bệ hạ hỏi ý kiến thần, thần chắc chắn không tiến cử người này..."

Ông còn chưa nói hết, lồng ngực đã nghẹn ứ, đỡ bàn hổn hển ho.

Có hoàng đế ở đây, Bạch Ngọc Dương và Dương Luân đều không dám tiến lên đỡ.

Bạch Hoán tự xuôi cơn cho mình rồi mới lại nói: "Bệ hạ, thần không thể cùng triều với hậu duệ của Đặng Di."

Hoàng đế nghe ông nói vậy, tự mình đứng dậy đỡ, "Bạch các lão quá lời, Đông tập sự xưởng có trách nhiệm giám sát thay trẫm, trẫm sẽ không cho hắn quyền lực hình ngục, hắn cũng không xứng hỏi ý kiến bách quan."

Bạch Hoán tránh khỏi tay hoàng đế, khom người: "Thần sợ hãi, không còn gì để nói."

Thấy ông như vậy, hoàng đế không nói gì thêm nữa, phất tay áo đi tới cạnh cửa, "Nếu đã vậy, việc này quyết định thế, Dương Luân."

"Có thần."

Hoàng đế đưa tay chỉ hờ về phía y, "Ý chỉ này ngươi soạn đi, nhân hôm nay có trẫm ở đây, tiện thể chu phê1."

1 Hoàng đế phê duyệt ý chỉ tấu chương đều dùng mực đỏ, nên gọi là chu phê.

"Vâng."

Hoàng đế gật đầu, giơ tay bưng trà, Hà Di Hiền vội đỡ chén thay hoàng đế.

Hoàng đế nhận trà uống một ngụm, ngẩng đầu xem sắc trời, "Giờ nào rồi."

Hà Di Hiền đáp: "Giờ Ngọ ạ."

"Đi gọi Trương Lạc đứng lên, ra ngoài đi."

"Vâng..."

Nhất thời, trong trực phòng lặng ngắt tiếng người.

Hoàng đế bưng chén trà đi đến cạnh Dương Luân đang dựa bàn soạn chỉ, nhìn chữ trên giấy nói: "Án Đồng Gia đến giờ, lòng trẫm đau đớn, hận những kẻ đọc sách này khổ học mười năm mà chẳng biết phép quân thần, cũng tiếc cho chúng tuổi trẻ mà bầu máu nóng trút vào sai chỗ, không biết là bị ai mê hoặc mà ngu muội đến thế."

Lúc nói câu này, ánh mắt ngài quét về phía hai người Trương Bạch.

Trương Tông vội quỳ xuống, "Lão thần sợ hãi."

Dương Luân không nghe thấy Bạch Hoán lên tiếng, ngừng bút thầm nhìn về phía Bạch Hoán. Ánh mắt Bạch Hoán chạm ánh mắt y rồi lập tức thu lại, sau đó đỡ bàn khuỵu gối, "Thần, tội không thể thứ."

Hoàng đế ra hiệu Hà Di Hiền đỡ hai người dậy, "Hai người các khanh chấp chưởng Nội các, là thần tử đắc lực, trẫm không có ý liên lụy hai vị ái khanh, vụ án Đồng Gia Thư Viện chấm dứt tại đây, trẫm sẽ không sai Bắc trấn phủ ti tra tiếp nữa. Năm nay lại sắp qua rồi, xuân tới tân chính, thừa lúc hãy còn khỏe, trẫm còn phải cùng các khanh bàn lại một phen."


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net