Thành biếc lẻ bóng (3)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chớp mắt đã đến tháng Tư, Dương Luân xuôi Nam xuống Giang Hoài, chủ trì việc thanh điền. Từ Tề của Công bộ đi theo, phụng chỉ khảo sát miệng đê vỡ ở thượng du Vân Mộng Trạch.

Lúc ý chỉ hạ xuống Công bộ, Nội các và Hộ bộ đều thở phào một hơi to. Bấy giờ, Hộ bộ mới phát bạc Tết và bạc sưởi ấm năm ngoái ra.

Tuy đã sắp vào hạ nhưng quan lại nhỏ sống qua ngày dựa vào những món bổng lộc này vẫn ai nấy mừng vui hớn hở đến cửa nha môn Hộ bộ, mắt long lanh đợi phát tiền. Trước cửa nha môn nhất thời rộn rã như tết, nhân lúc chờ đợi, mấy cấp sự trung không có bao nhiêu thực lực của Lễ khoa tụ tập với nhau bàn tán.

Một người trong số đó ngồi trên ghế dài ngoài cửa hớp bát trà nói: "Năm ngoái còn nói sẽ kéo dài qua cả năm nay, chờ đến tết năm sau mới phát bù, sao bây giờ đã có rồi nhỉ?"

Một quan viên Công khoa ngồi bên cất tiếng trả lời: "Tháng trước họp bàn ngự tiền, Từ đại nhân của Công bộ dâng tấu dự khoản tu bổ sông Kinh, ít hơn một phần ba so với tấu sớ Công bộ trình trước đó, nhờ vậy mà Hộ bộ có bạc dư, thế nên mới có ngày hôm nay."

Một ti đường quan lớn tuổi hơn nói: "Năm nay mới chân chính thấy được bạc đó... Có thể diện hơn mấy năm trước lấy hồ tiêu, muối gạo,... ra phát nhiều."

Quan viên ngồi trên ghế buông bát trà xuống, thở dài, "Đúng vậy, giáp tết năm ngoái, nhà tôi ốm yếu mà đến tiền thuốc cũng tiết kiệm, bảo là phải để dành chút ít làm thêm chăn bông cho giường mẫu thân, hàn môn không có điền sản, dẫu là quan lại có phẩm cấp, muốn giữ danh 'thanh liêm', người trong nhà cũng chỉ đành chết đói chết rét."

Y nói lời này giữa trời xuân nắng ấm gió nhẹ, không dưng làm nhạt bớt nụ cười vất vả mãi mọi người mới nở được ra.

Ngày Hộ bộ phát bổng lộc, trùng hợp cũng là sinh nhật của Phúc Khánh trưởng công chúa, Chung cổ ti diễn kịch cung đình tại Tiêu Viên.

Phúc Khánh công chúa là em gái ruột của Trinh Ninh đế, được nhà Kinh quốc công cầu hôn vào năm thứ nhất, gả cho con trưởng của Kinh quốc công. Tuy Kinh quốc công đã về nguyên quán dưỡng già nhưng công chúa và phò mã vẫn ở lại kinh thành.

Thái hậu rất thương cô con gái nhỏ của mình, đích thân mừng sinh nhật cho công chúa trong cung. Để làm thái hậu vui vẻ, hoàng đế bèn dẫn hoàng hậu và chư vị tần phi cùng tới xem kịch. Vốn dĩ những lúc thế này, mấy thái giám có mặt mũi của Ti lễ giám đều sẽ hầu hạ trái phải, nhưng hôm nay lại chỉ có mình Trịnh Nguyệt Gia phục vụ ngự tiền.

Hoàng đế xem một vở kịch, thấy Phúc Khánh công chúa không có hứng thú, bèn thuận miệng hỏi: "Sao vậy Phúc Khánh?"

Phúc Khánh thẫn thờ nghe kịch, không trả lời.

Thái hậu đưa tay vỗ mu bàn tay thị, "Phúc Khánh?"

Bấy giờ Phúc Khánh công chúa mới hồi thần, thấy hoàng đế và thái hậu đều nhìn mình, bèn vội vàng đứng dậy đáp: "Phúc Khanh thất lễ."

Hoàng đế khoát tay áo, "Trẫm thấy muội tâm thần không yên, có chuyện gì không ngại cứ nói thẳng với trẫm."

"Dạ."

Phúc Khánh công chúa đứng dậy, "Bẩm hoàng huynh, quốc công ở phương Nam ốm nặng, thuốc thang vô hiệu, thần muội và phò mã lo lắng không thôi. Mới nãy thần muội nghe xướng từ trong kịch, nhớ đến quốc công, nhất thời thất thần, quả thực thất lễ, mong hoàng huynh thứ tội..."

Thái hậu hỏi: "Cuối năm ngoái không phải bẩm tấu là bệnh có khởi sắc à?"

Phúc Khánh công chúa nghe thái hậu nói câu này, dứt khoát quỳ xuống trước mặt hoàng đế.

Thái hậu cao giọng lệnh dừng diễn, khom người hỏi: "Làm gì thế hả? Mau đứng lên."

Phúc Khánh công chúa cúi rạp người, thưa: "Mẫu hậu, con gái là hạng đàn bà ngu dốt, biết đại chính triều đình không thể bàn xằng, nhưng quốc công thực sự đã cao tuổi, không chịu nổi liên tục bị hỏi về thanh điền, vì chuyện này mà phò mã ngày đêm rầu rĩ, Phúc Khánh cũng không đành lòng, xin mẫu hậu và hoàng huynh chiếu cố cho."

Thái hậu thấy con gái kể mà khổ sở, nhưng chuyện liên quan đến đại chính đầu năm, cũng không dám mạo muội lên tiếng.

Trinh Ninh đế ra hiệu bảo Trịnh Nguyệt Gia tiến lên đỡ Phúc Khánh công chúa dậy, hạ giọng hỏi Trịnh Nguyệt Gia hai câu rồi mới bình thản nói với Phúc Khánh công chúa: "Trẫm sẽ sai Nội các tra rõ rồi viết một bản điều trần. Hôm nay là sinh nhật muội, mẫu hậu và trẫm đều vui vẻ, chuyện này tạm đừng nhắc đến."

Ninh phi ngồi dưới tay hoàng hậu, nghe xong câu này, trong lòng dần dậy lên lo lắng bất an. Nàng tìm cớ đứng dậy ra khỏi Tiêu Viên, đi về phía Thừa Càn Cung, vừa hay gặp được Dương Uyển trên đường cung trước Hàm An Cung.

Dương Uyển đang trên đường trở về Thượng nghi cục báo cáo kết quả công việc, mắt thấy nhóm người Ninh phi đi tới đây, vốn không định trì hoãn, bèn lùi sang một bên hành lễ như những người khác, nào ngờ Ninh phi lại gọi cô: "Uyển Nhi, tỷ tỷ có chuyện cần nói với em."

Bấy giờ Dương Uyển mới đứng dậy tiến lên trước hỏi: "Kịch ở Tiêu Viên còn chưa tan mà sao nương nương đã ra rồi?"

Ninh phi ra hiệu cho trái phải lui xuống mấy bước, nói với Dương Uyển: "Uyển Nhi, ca ca xuống Nam lâu vậy rồi mà sao không thấy có tin tức gì vậy nhỉ?"

Dương Uyển nghe nàng hỏi vậy, nhớ trước khi đi Dương Luân dặn dò mình: "Bất kể tình huống của ta dưới Nam ra sao cũng đừng để Ninh nương nương biết." Lại thấy vẻ mặt Ninh phi lo lắng, bèn gượng cười, đáp: "Không có tin tức nghĩa là hết thảy bình an, nương nương đừng lo lắng."

Dương Uyển muốn nói lại thôi.

Tước vị của Kinh quốc công là do tiên đế phong, gia tộc ở phía Nam đâm rễ sâu rộng. Mục đích chính sách thanh điền của Dương Luân chính là moi hết ruộng tư trốn thuế của đám địa chủ thế gia này ra, nhưng những đại tộc này hoặc là kết thân với hoàng đế như Kinh quốc công, hoặc là dựa lưng vào quan lớn kinh thành. Cảnh ngộ chính trị của Dương Luân ở phương Nam hoàn toàn có thể tưởng tượng được.

"Đợi Phúc Khánh công chúa ra khỏi cung, có lẽ sẽ ổn thôi." Dương Uyển nói một câu trấn an đến bản thân cũng không tin, lại bảo: "Nương nương, người đừng nhắc đến chuyện của ca ca với bệ hạ."

"Tỷ tỷ hiểu." Ninh phi bóp cổ tay mình, "Nhưng trong lòng tỷ tỷ bất an, cũng chẳng biết nên làm gì."

"Nương nương không cần làm gì cả, mấy ngày nay nhất định phải chăm sóc điện hạ cẩn thận, còn nữa, tuyệt đối đừng có bất kì qua lại gì với Diên Hi Cung."

"Diên Hi Cung?"

"Vâng, mấy ngày nay Diên Hi Cung quá nổi trội, chúng ta nên tránh thì hơn."

Ninh phi gật đầu, đáp: "Em không nói tỷ tỷ cũng biết mà, ơ..."

Nàng nhớ ra mình chỉ mải hỏi Dương Uyển, quên mất hôm nay cô vẫn đang trong giờ trực, vội vỗ trán.

"Có phải tỷ tỷ cản trở em rồi không?"

"Không ạ, hôm nay em đã sớm giải quyết xong việc cần làm rồi, chỉ cần về đóng dấu thôi."

Ninh phi nói: "Được... Vậy tỷ tỷ không dây dưa em nữa, em đi làm việc đi, tỷ tỷ về Thừa Càn Cung."

Dương Uyển bước sang bên cạnh nhường đường tiễn nàng, mãi đến khi nàng rẽ qua góc tường Hàm An Cung rồi mới thẳng người dậy tiếp tục đi về phía Thượng nghi cục.

Trong Thượng nghi cục lúc này chỉ có hai vị nữ quan ti tân và ti tán và vài nữ sử, Khương thượng nghi và ti tịch nữ quan đều không có mặt.

"Khương thượng nghi đâu rồi ạ?"

Ti tán nữ quan ngẩng đầu đáp: "Hồ ti tịch đi Kinh tịch khố kiểm tra rồi, còn thượng nghi... chắc là đi Ti lễ giám, hôm nay làm thịt kho bỗng, mỗi lần làm món này, thượng nghi đều sẽ tự mình mang mấy bình sang biếu lão tổ tông, răng lợi lão tổ tông yếu, cái khác ăn không tiêu, ăn thịt bỗng là lợi nhất, cô ngồi chờ một lát đi."

Dương Uyển đã nghe thấy sự kính trọng đối với Hà Di Hiền trong lời những nữ quan này không chỉ một lần. Hôm nay nhàn rỗi, cô bèn dứt khoát ngồi xuống tiếp lời: "Thượng nghi tốt với lão tổ tông thật đấy."

Hai nữ quan cấp ti nhìn nhau cười.

"Lão tổ tông tốt với đám người chúng tôi thật không lời nào tả xiết, lúc mọi người mới vào cung đều như ruồi mất đầu, nếu không nhờ lão tổ tông có ơn đãi ngộ thì chẳng biết còn phải chịu phạt bao nhiêu. Lúc thượng nghi đại nhân mới vào cung, mẫu thân trong nhà ốm chết, cha bà ấy lại không chịu bỏ tiền ra an táng, lão tổ tông nghe nói, bèn cầm mười lượng bạc đưa cho Hồ Tương, bảo y đích thân giúp đỡ phát tang, bấy giờ thượng nghi mới nhận lão tổ tông làm cha nuôi."

Dương Uyển nói: "Trước đây tôi cứ mãi không hiểu, tại sao người như thượng nghi lại cung kính với Ti lễ giám như thế, giờ mới biết là có duyên cớ như vậy."

Ti tán nữ quan buông công văn trong tay xuống, "Chúng tôi vào cung làm nữ quan đều là bởi có nỗi khổ tâm, so với chúng tôi, đám nội thị kia lại càng đáng thương hơn, chủ tử bậc nào mà chẳng không đánh thì cũng mắng chửi họ, nếu không có lão tổ tông ngầm che chở thì chẳng biết sẽ phải chết thảm đến mức nào."

Đoạn, cô nhìn sang ti tân nữ quan, nói: "Thế nên, lần trước Đặng xưởng đốc chịu trượng ở Ti lễ giám, chúng tôi đều kinh ngạc vô cùng. Tuy lão tổ tông cũng từng trách phạt người dưới, nhưng lần nào cũng là sấm to mưa nhỏ, hù dọa một chút rồi thôi, đánh thẳng tay như vậy quả thực là lần đầu tiên."

Ti tân tiếp lời: "Nhất định là anh ta làm chuyện gì gây loạn quy củ nên mới phải chịu phạt như vậy, lão tổ tông chỉ cần kẻ dưới không phá quy củ của mình là sẽ coi chúng tôi như con cái của mình, nhưng đã phá thì tất không tha. Đặng xưởng đốc... quá phô trương, các cô nói xem, vị trí Đông tập sự xưởng nào có đến lượt anh ta ngồi."

Dương Uyển im lặng nghe hai người đối thoại, không lên tiếng.

Ti tán nữ quan thấy cô cúi đầu trầm mặc, cũng cảm thấy hai người hơi quá lời trước mặt Dương Uyển, bèn vỗ vai cô.

"Không phải chúng tôi cố ý nói vậy trước mặt cô đâu, nói với cô cũng là hi vọng cô có thể khuyên Đặng xưởng đốc, trên đầu có ô che thì đó chính là trời, tội gì phải phải lật trời ra, đến lúc trời sập xuống, người chịu khổ vẫn là mình, có đúng không?"

Dương Uyển nghe vậy, nhưng đến một cái gật đầu giả ý cũng cảm thấy khó khăn.

Đây không thể nghi ngờ là con đường chung đụng Hà Di Hiền rèn luyện trường kì cho toàn bộ cung nhân nội đình, như một loại quan hệ "ruột thịt" méo mó, dùng "ơn huệ" để cưỡng ép "con cái" uốn gối quỳ lạy. Nhưng hành vi như vậy, ở nội đình thời đại này, lại được tất cả mọi người bao gồm cả Khương thượng nghi công nhận. Điều khiến Dương Uyển khó chịu là họ cho rằng Đặng Anh là kẻ dị loại, chịu tội cũng là cần thiết.

"Tôi cảm thấy Đặng Anh rất tốt."

Cô không nhịn được nói một câu.

Ti tân nữ quan thở dài: "Bởi vì anh ta tốt với cô nên cô mới nói như vậy. Cơ mà, Dương Uyển, nếu cô thật sự muốn bảo vệ anh ta thì không nên nói thế. Sau này lỡ như anh ta thực sự phạm lỗi trước mặt bệ hạ, lão tổ tông không khoan dung cho anh ta thì anh ta chết cũng không có chỗ chôn đâu."

Dương Uyển không nói gì nữa.

Thực ra đứng trên lập trường của hai nữ quan này, lời họ nói với Dương Uyển đã là vô cùng thành khẩn, Dương Uyển biết mình không nên mở miệng tranh cãi ở đây, nhưng cô vẫn không muốn phụ họa hùa theo, đành ho một tiếng, lảng tránh ánh mắt họ, ngẩng đầu nhìn ra ngoài cửa sổ.

Đã sắp trưa, cung nhân qua lại đều bận việc của mình, giống như chúng sinh, cũng như sâu kiến.

Cô mím môi thở dài, khoanh tay đặt lên bàn, khom lưng nằm xuống.

Cửa chính đường Ti lễ giám đóng.

Lúc Khương thượng nghi đi đến Hỗn đường ti thì đã thấy bên ngoài chính đường Ti lễ giám có người đang quỳ.

Người đó thân bận cẩm bào của xưởng thần Đông tập sự xưởng, thẳng lưng xuôi tay, ống tay áo rủ xuống cạnh đầu gối, phất phơ khe khẽ theo gió.

Khương thượng nghi đi ngang qua bên cạnh chàng, đến trước cửa chính đường. Nội thị trước cửa vội tiến lại nói: "Thượng nghi tới rồi ạ, để nô tì đi truyền lời với lão tổ tông."

Khương thượng nghi nói: "Không vội, nếu lão tổ tông đang nghị sự thì ta chờ là được."

Nội thị khom người đáp: "Lão tổ tông biết hôm nay ngài đến đưa thịt kho bỗng, người khác tới thì không được nhưng ngài đã tới thì nhất định phải vào thông báo, ngài đứng đợi chốc lát ạ."

Khương thượng nghi gật đầu, hỏi một câu như tùy ý: "Xưởng đốc làm sao vậy?"

Nội thị liếc mắt ra sau lưng thị, "À... Nô tì nào dám nói, đều tổ tông cả, chốc nữa ngài vào hỏi lão tổ tông đi."

Khương thượng nghi không hỏi nữa, nhân lúc đợi, xoay người lại nhìn về phía Đặng Anh.

Chàng vẫn không ngẩng đầu.

Đã sắp quá trưa, Ti lễ giám rất nhiều người tới lúc, lúc đi ngang qua chàng đều khó tránh có người thầm thì vài câu, nhưng từ đầu đến cuối chàng chỉ trầm mặc. Khương thượng nghi đưa mắt sang đường cung, hai bách hộ Tập sự xưởng đứng cách đó không xa, quát cung nhân qua lại bàn tán, nhưng giọng cũng hạ rất thấp.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net