Trời xanh như ngọc (5)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trịnh Nguyệt Gia xuống xe ngựa, Đông Hoa Môn đã ở trước mặt y.

Theo quy định của hoàng thành Đại Minh, kể từ ngoài tứ môn, ngoại trừ hoàng đế và phi tần, tất cả mọi người vào cung đều phải đi bộ.

Xưởng vệ Nội đông xưởng tiến lên xốc cánh tay Trịnh Nguyệt Gia, chỉ một động tác ấy thôi, máu huyết toàn thân y đã lập tức tràn khỏi miệng vết thương.

"Xin hãy chậm chút."

Y không nhịn được khẩn cầu.

Đặng Anh quay đầu lại nhìn Đàm Văn Đức, vẻ áy náy tức khắc chồng lên mặt Đàm Văn Đức.

"Chậm thôi, không sao."

"Vâng, đốc chủ."

Đoàn người từ từ đi trên đường cung yên lặng.

Hoa nở đúng mùa giấu sau lớp lớp tường cung, muôn vàn sóng nhụy dập dờn theo gió, nghe tựa sấm xa.

Trịnh Nguyệt Gia hỏi Đặng Anh: "Không phải là mang tôi đến Nội đông xưởng à? Tại sao lại phải đi về Hội Cực Môn."

"Đi Ngự dược phòng trước."

Trịnh Nguyệt Gia không nói tiếp ngay, lảo đảo đằng sau Đặng Anh, hồi lâu sau mới thở dài một hơi.

"Nhất định phải thế à?" Y ngẩng đầu, "Tôi đã chẳng được hậu nhân chiêm ngưỡng truy điệu thì còn cần chi một thân xác hoàn chỉnh, cứ để thế đi, tôi cũng cảm thấy không sao."

Đặng Anh ngước mắt nhìn về Hội Cực Môn, đi thêm mấy bước, qua Hội Cực Môn rồi chính là Văn Hoa Điện.

Hôm ấy là ngày nhật giảng do Trương Tông chủ trì, tuy không thể to như xuân giảng kinh diên nhưng vì là đề mục mới do Nội các chỉ định nên mấy biên tu Hàn lâm viện và tế tửu Quốc tử giám đều có mặt.

"Đặng Anh."

"Tôi đây."

"Bên trong đang giảng gì vậy?"

Ngoại trừ Ti lễ giám và Dưỡng tâm điện, nơi này xem như là chỗ Trịnh Nguyệt Gia quen thuộc nhất. Y hầu bút mực Trinh Ninh Đế quanh năm, cũng theo đế tham dự kinh diên mỗi năm hai bận, tuy về sau, Trinh Ninh Đế chán học, nhưng kể từ khi Dịch Lang xuất các đi học, mỗi một năm hai ngày nhật giảng xuân thu, đều là y hầu sách trước bàn.

Nếu là trước đây, dù chỉ nghe bập bõm vài chữ, y cũng có thể phân biệt được giảng quan đang nói gì. Nhưng hiện giờ thương tích quá đau, tai y ong ong từng trận, lại không nghe được rõ ràng một chữ nào.

Đặng Anh nghe y hỏi vậy, bèn dừng bước, nhắm mắt lắng tai chốc lát, "'Trinh Quán chính yếu'."

"Ồ..." Trịnh Nguyệt Gia cười, "Mấy ngày xuân giảng cuối cùng, tôi không có mặt, Ti lễ giám phái ai hầu sách tại Văn Hoa Điện?"

Đặng Anh đáp: "Hồ Tương."

"Ông ta à..." Trịnh Nguyệt Gia cười rồi bật ho, nhìn lối đi dưới chân mình, "Chớ có giẫm bẩn chỗ ngồi dưới chân đại điện hạ đấy nhé."

"Trịnh bỉnh bút cẩn thận ngôn từ."

"Không sao." Trịnh Nguyệt Gia cười lắc đầu, "Xa như vậy, ông ta không nghe thấy được, hôm nay tôi rất vui, thấy điện hạ còn nghe giảng ở Văn Hoa Điện là biết... những người đó không được như ý rồi."

Nói đoạn, y cúi đầu nhìn cái bóng trước mặt mình, không còn ngẩng lên nữa.

Trên nguyệt đài Văn Hoa Điện, Ninh phi một mình đứng sau lan can bạch ngọc.

Cách đó không xa, Trịnh Nguyệt Gia bị áp giải băng qua Hội Cực Môn, đang đi về phía Ngự dược phòng phía nam.

Hoặc giả, không thể nói là đi, trọng thương khó bước, y cơ hồ bị kéo lê cả một đường.

Y phục trên người đã đổi, nhưng lúc này cũng đã thấm đẫm máu loãng.

Ninh phi không thể tưởng tượng được mấy ngày nay trong chiếu ngục, rốt cuộc Trịnh Nguyệt Gia đã phải chịu đựng tra tấn thế nào vì nàng. Nàng muốn hỏi, muốn nghiêm túc ghi nhớ ơn tình dịu dàng này, nhưng y không nghe thấy.

Đời này, lời họ nói với nhau không nhiều, gần như đều nằm trọn ở thời niên thiếu.

Nàng là tiểu thư khuê các, mà y đối nhân xử thế lại rất mực đoan trang, dẫu ngồi cùng một chỗ, ngôn ngữ cũng chưa từng vượt giới hạn thế tục. Sau khi vào cung thì có thể gặp nhau thường xuyên hơn, nhưng ngoại trừ hành lễ thỉnh an thì chưa từng nói một lời nào khác.

Năm tháng đổi thay, mỗi người tự dệt nên gấm vóc nội tâm cho riêng mình.

Nàng không thể nói với Trịnh Nguyệt Gia, về sau nàng vẫn đọc sách tập viết, cũng không bỏ kim chỉ canh chè, tính tình điềm đạm, nội tại trù phú, tu luyện còn tốt hơn thuở thiếu thời.

Mười năm nhìn nhau, mười năm trầm mặc.

Thời khắc này, nàng cũng chỉ có thể nhìn người không muốn ngẩng đầu nữa kia tiếp tục chậm rãi chìm vào sự trầm mặc vô biên...

Đặng Anh trông thấy bóng người sau cột ngọc dưới Văn Hoa Điện, quay đầu nói với Trịnh Nguyệt Gia: "Xuân giảng và thu giảng hàng năm đều là anh hầu sách bệ hạ và điện hạ tại Văn Hoa Điện, anh không muốn nhìn lại nơi này sao?"

Trịnh Nguyệt Gia lắc đầu: "Tôi không giống cậu, tôi chưa từng xây dựng hoàng thành, không chăm nom gì mấy cung điện này, không nhìn cũng chẳng tiếc nuối."

Nói rồi, y lại than một tiếng, "Đặng Anh, tiếc nuối chân chính trong lòng tôi còn lớn hơn trời, hơn nữa sống càng lâu lại càng khó bù đắp. Cứ mặc thế đi..."

Y ho ra một búng máu, thân thể rung bần bật trong tay xưởng vệ.

"Bệ hạ đã nói xử trí tôi thế nào chưa?"

Đặng Anh lắc đầu, "Vẫn chưa."

"Miễn không phải đánh chết là được."

Y vừa nói vừa cười, "Từ xưa yêm hoạn đã khó được chết tử tế, như tôi đã là không tệ rồi. Tôi vốn tưởng sẽ chết bên ngoài, lúc nhặt xác cho tôi, chú và cháu gái tôi trong nhà còn phải chịu người ta lườm nguýt, hiện giờ thì tốt rồi, trong cung nhặt xác cho tôi, đơn giản mà chôn, mọi người đều vui."

Nói xong cũng đã sắp đi qua Văn Hoa Điện.

Đặng Anh không nhịn được nói: "Đi chậm thêm chút nữa đi."

Đàm Văn Đức đáp: "Đốc chủ, đi càng chậm, Trịnh bỉnh bút sẽ càng phải chịu khổ nhiều hơn đấy."

Trịnh Nguyệt Gia vẫy tay với Đặng Anh, "Cậu qua đây."

Đặng Anh đi đến cạnh y, đỡ một cánh tay y, "Có lời gì anh hãy nói đi."

Trịnh Nguyệt Gia từ từ thở ra một hơi, thấp giọng: "Tôi biết... ai ở đó."

"..." Lưng Đặng Anh cứng đờ, nhất thời nín thinh.

"Sinh tử tôi tự chịu, xa chúc nàng thương thân."

Cuối tháng Sáu năm Trinh Ninh thứ mười ba, toàn bộ việc xử lí Hạc cư án được gom từ Bắc trấn phủ ti về trong nội đình.

Cung chính ti và Đông tập sự xưởng thanh tra một lượt tất thảy cung nhân hầu hạ ở Hạc cư, sau đó lục cung nội đình, bao gồm hai mươi tư cục và sáu cục nữ quan, đều trải qua một cuộc thanh tẩy tàn khốc, lòng người trong cung kinh sợ, ai ngày thường có thù riêng lại càng tố giác lẫn nhau, nhất thời dính líu gần ba trăm người.

Hoàng hậu vốn muốn khai ân chút ít đối với những người này, hoàng đế lại không cho phép, thậm chí còn trách cứ hoàng hậu, "Bên giường trẫm sao có thể dung chứa nửa phần lòng muông dạ thú" là lí do để khép tội những cung nữ và nội thị này, bao gồm cả Trịnh Nguyệt Gia, toàn bộ bị ban cho đánh chết. Hoàng đế lệnh Đông xưởng chưởng hình, Ti lễ giám giám hình.

Lúc Trịnh Nguyệt Gia nghe được ý chỉ này trong Nội đông xưởng, đã nói với Đặng Anh một câu, "Bệ hạ... chung quy vẫn hận đám người chúng ta."

"Không phải hận, mà là sợ."

Trịnh Nguyệt Gia cười nói: "Cậu thấy tôi sắp chết, sau này không tố giác được cậu nên mới dám nói lời như vậy chứ gì?"

Nói xong, y dừng cười, "Chó đã buộc xích rồi mà còn sợ, ha... Hèn chi kiêng kị đám không đeo xích Trương Lạc. Xưởng đốc Đông xưởng cậu đây xem như thực sự sánh vai được với Bắc trấn phủ ti rồi."

Trước khi chết y chuyện trò vui vẻ, lại khiến lòng người lạnh lẽo sợ run.

Đặng Anh không nói thêm gì với y nữa.

Bên ngoài trực phòng, Đàm Văn Đức tới tìm chàng, tóm lược chuyện Nội các dâng tấu xin tha cho cung nhân trong vài câu.

Đặng Anh vừa đi về phía xưởng nha vừa hỏi, "Anh gặp người nào bên Ti lễ giám rồi phải không?"

"Vâng, thuộc hạ đi gặp Hồ bỉnh bút, ngày mai là ông ta giám hình."

"Ông ta nói thế nào?"

"Ôi." Đàm Văn Đức thở dài, "Bệ hạ bác sổ xếp của Nội các trước mặt ông ta, ông ta còn tiếp lời nói lần này xử lí những người này là để răn đe nội đình, thế nên không thể lấy mạng trong vòng trăm côn."

Đặng Anh dừng bước, "Là sao?"

Đàm Văn Đức lại thở dài, "Trăm côn không đánh chỗ yếu hại, nhưng lại khiến những người này sống không bằng chết, xong rồi mới lấy mạng, vừa là xử tử, vừa là tra tấn. Lúc trước bọn tôi ở Cẩm y vệ đều từng luyện những kĩ năng này."

Đặng Anh đáp: "Giờ Thân anh tới gặp tôi thêm lần nữa, bây giờ tôi quay lại Ti lễ giám."

"Vâng."

Lúc này, Dưỡng Tâm Điện vừa hoàn tất chu phê, trong chính đường Ti lễ giám đang dọn cơm.

Sau khi trở về từ Dưỡng Tâm Điện, Hồ Tương và Hà Di Hiền không vào trong ngay mà đứng trước Nội phủ cung dụng khố trò chuyện.

Hồ Tương thấy Đặng Anh tới, chẳng chờ chàng chào đã nói thẳng: "Nếu là chuyện ngày mai thì khỏi nói."

Đặng Anh không nghe lời gã mà vượt qua gã, đi đến trước mặt Hà Di Hiền, "Nô tì có lời muốn nói riêng với lão tổ tông."

Hà Di Hiền cười, khoát tay với Hồ Tương, "Con bưng cơm ra ngoài ăn đi."

"Lão tổ tông..."

"Bảo con bưng thì cứ bưng đi, sao mà lắm lời vậy."

Đoạn bảo Đặng Anh: "Có chuyện vào trong nói."

Chính đường đã dọn cơm xong, bưng lên mười hai đĩa, có thịt nướng, có cả rau xanh, còn có một hũ thịt tương bỗng đặt dưới đất.

Hà Di Hiền ngồi xổm xuống, mở nắp hũ ra ngửi, "Ừ, nấu ngon đấy, gắp hai miếng ra đi."

Nội thị vội bưng bát đũa đi lên, gắp hai miếng cho Hà Di Hiền, Hà Di Hiền lại cười, "Bát đũa của Đặng đốc chủ đâu, các ngươi thật càng ngày càng không hiểu chuyện."

Nội thị kia lại vội vàng lấy một bộ bát đũa đến, cung kính đưa cho Đặng Anh.

Hà Di Hiền thấy chàng đã cầm vững bát, bèn gắp một miếng thịt trong bát mình bỏ vào bát chàng.

"Ngồi đi."

Lão nói rồi ngồi vào chủ vị, thêm một bát cơm đưa cho nội thị, "Mang sang cho Hồ bỉnh bút."

Đoạn lại quay về phía Đặng Anh, dịu giọng hỏi: "Có phải cảm thấy ngồi ăn cơm ở đây không quen không?"

"Vâng." Chàng cúi đầu nhìn bát đũa trong tay, "Nô tì sợ hãi."

Hà Di Hiền cắn một miếng thịt, nhai nhấm mười mấy lần mới nuốt xuống, nâng đũa ngẩng đầu lên nói: "Làm việc trong Ti lễ giám, ngoại trừ thay hoàng thượng chu phê chút chuyện râu ria ra thì không phải tất cả mọi người cùng ngồi ăn bát cơm sao? Người có thể ngồi ở vị trí này đều bưng bát cơm ngự tiền này, bây giờ Đông xưởng được quyền giam giữ thẩm vấn, ngươi cũng chính là người thứ hai của Ti lễ giám bưng bát cơm, anh không ngồi, những người khác cũng không thể ngồi."

Đặng Anh nghe xong, vén bào ngồi xuống.

"Vậy mới phải chứ, ăn lạc đi."

Lão nói, cúi đầu và một miếng cơm, lúc gắp thức ăn thuận miệng hỏi một câu: "Đến vì chuyện của Nguyệt Gia chứ gì?"

"Vâng."

Đặng Anh gắp một cọng rau, lại không ăn, "Kính xin lão tổ tông thương xót y."

"Ha ha..."

Hà Di Hiền buông đũa, "Lúc nó mới vào cung, tuổi còn trẻ lắm, tính tình hòa nhã, không nhiều lời nhưng làm việc rất khá, quả thực là tỉ mỉ đâu ra đấy. Mấy năm trước nó cũng gọi ta một tiếng cha nuôi, ta thật sự coi nó như con đẻ, nhưng về sau chẳng biết làm sao, lòng dạ đã chẳng còn ở đây, ôi..."

Lão thở dài, "Quả thực đáng hận. Có điều, bảo ta xem nó chịu đày đọa, trong lòng ta cũng không dễ chịu. Ai cũng nói ta hung ác, nhưng ai hiểu được nỗi đau mất một đứa con trai ở tuổi này của ta."

"Nô tì hiểu."

"Ngươi hiểu? Ngươi hiểu cái gì? Ngươi bây giờ, đến ta cũng chẳng thể không sợ, huống hồ, ta cũng già rồi, tự lo còn chẳng xong, một mẫu ba phân ruộng trong nhà chỉ ít nữa thôi là bị vơ vét, già cả rồi mà không con, không nhà, nói không chừng, đợi Dương thị lang về, ta còn phải đeo gông đeo xích, quỳ trước mặt ngươi chịu thẩm đây. Nghĩ mà thấy, sống tiếp cũng chẳng có bao nhiêu ý nghĩa."

Đặng Anh cúi đầu, "Ý ngài là mảnh học điền ở Hàng Châu kia?"

Hà Di Hiền nói: "Ngươi có biết Giang Nam đã thanh điền tới đâu rồi không?"

"Có ạ. Trừ Sơn Thư Viện và Hồ Đạm Thư Viện ở Hàng Châu có gần trăm mẫu học điền, chia cho nông hộ hai huyện Thường Bình, Hoài Li trồng trọt, nhưng kỳ thực chỉ là ruộng tư treo danh học điền."

Hà Di Hiền gật đầu, "Vậy ngươi có biết những mảnh ruộng này là của ai không?"

Đặng Anh ngẩng đầu lên, "Là của ngài."

"Ha..." Hà Di Hiền gác đũa cười, "Trinh Ninh năm thứ tư, bệ hạ muốn làm một bộ đạo y, vì là ý tưởng đột ngột nảy sinh nên chi phí không nằm trong số bạc hàng năm Hộ bộ cấp cho Châm cung cục. Đám người Nội các kia chỉ vì một bộ quần áo như vậy mà hận không thể viết một vạn chữ chỉ trích chủ tử. Về sau, làm sao có được bộ y phục ấy?"

Lão cầm đũa trỏ ra ngoài, "Chính là từ mảnh ruộng kia, ngươi nói đó là ruộng của ta à, ha... Kể cũng phải. Có điều, bệ hạ là ta trông nom trưởng thành, tuy ta bất kính khôn xiết, nhưng cũng là không nhịn được đau lòng cho chủ tử. Đáng tiếc đám đại nhân Nội các, đến một mảnh đất bé xíu như thế cũng nhất định không chịu giữ cho ta."

"Nếu thế," Đặng Anh đứng dậy, "Lão tổ tông hãy giao học điền Hàng Châu cho nô tì đi, coi như là ruộng tư của nô tì, chờ Dương thị lang tới xử lí."

Hà Di Hiền cúi đầu nhìn chòng chọc Đặng Anh, "Ta đang nghe vế sau của ngươi đây."

"Chuyện Ninh nương nương và Trịnh bỉnh bút, xin ngài hãy giữ kín trong lòng. Ngày mai hành hình cũng xin ngài rủ lòng thương."


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net