Chương 2: Nhã hứng trong Hồng Phong đình

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CHƯƠNG 2: NHÃ HỨNG TRONG HỒNG PHONG ĐÌNH

Trong Từ Ninh cung, Thái hậu ngồi an nhàn thưởng trà. Vân Khinh bước vào cửa đầu tiên, hương trà Bích Loa Xuân thoang thoảng chóp mũi khiến nàng dễ chịu. Nàng thả lỏng cơ thể, sải bước rất nhẹ nhàng đến bên cạnh Thái hậu, giọng vẫn êm dịu như vậy, thêm vài phần kính cẩn:

"Nhi tức xin thỉnh an mẫu hậu."

Nói rồi rất quy củ hành lễ, đoàn oanh yến phía sau cũng thôi ríu rít mà đều răm rắp làm theo Hoàng hậu.

Thái hậu họ Dương, xuất thân từ gia tộc trăm năm chinh chiến bảo vệ quốc gia, Dương lão gia, tức bào đệ của Thái hậu năm xưa lập được nhiều chiến công hiển hách, giúp tiên đế giữ vững giang sơn trước cuộc tấn công của Nam quốc nên được phong làm Trấn quốc tướng quân, đời đời vinh hiển.
Khác với khí chất rất tiểu thư khuê các của Vân Khinh, Dương thái hậu lại có hàng lông mày đậm nét, đôi mắt to rõ hai mí, trắng đen rõ ràng, thêm mấy phần anh khí sắc bén, đúng với xuất thân nữ nhi nhà tướng của bà.

Thực ra, Vân Khinh với thái hậu có mối quan hệ rất thân thiết. Mẫu thân nàng là tiểu thư Tô gia, thư hương thế gia nổi tiếng vùng Giang Nam. Ngoại công Vân Khinh vào thời tiên đế từng làm quan nhất phẩm trong triều, sau đó cáo lão chuyển đến vùng Giang Nam, xây dựng lên thư viện Tri Tâm lớn nhất Hoàng Dương quốc. Khi đó, Tô Linh, mẫu thân Vân Khinh là bạn tâm giao với nhị tiểu thư Dương gia, Dương Tú Chi, tức thái hậu bây giờ. Đến khi xuất giá, hai người vẫn thường xuyên giữ liên lạc, gửi thư từ rồi gặp mặt trong các yến hội hoàng gia, thỉnh thoảng, Vân phu nhân vẫn dùng địa vị nhị phẩm cáo mệnh phu nhân vào cung thăm tri kỉ.

Tuy nhiên, ít lâu sau, Vân phu nhân mất khi Vân Khinh mới hơn một tuổi, vì căn bệnh tim bẩm sinh quái ác, để lại nữ nhi duy nhất của mình chống trọi với chính căn tử bệnh đó.

Vân Khinh từ nhỏ đã yếu ớt, lớn lên cũng không có da có thịt lên bao nhiêu, nhưng may gương mặt, phong thái lại rất giống mẫu thân, đoan trang thùy mị, hiền thục nhẹ nhàng, không hề có một chút hư nhược nào của con bệnh. Tính tình lại ôn hoà, biết lễ nghĩa nên rất được trưởng bối yêu thích, bệnh trạng cũng không mấy khi chuyển biến xấu.

Dương thái hậu lúc mất đi người tỷ muội thân thiết thì vô cùng đau buồn, tâm trạng u uất, chán ăn kéo dài suốt một thời gian, gọi đến bao nhiêu thái y cũng vẫn vậy. Cho đến hơn một năm sau, Vân lão gia cưới tân phu nhân, thái hậu đại giá quang lâm đến dự hôn lễ. Mọi người cứ nghĩ hôm ấy sẽ có một trận náo loạn nhưng Dương thái hậu chỉ bước đến nơi một đứa trẻ ba tuổi gầy nhỏ, da hơi tái đang ngoan ngoãn ngồi chơi cạnh nha hoàn, ánh mắt ưu thương vô hạn, tuyên bố với toàn dân thiên hạ Vân đại tiểu thư từ bây giờ trở thành Hải Vân công chúa.

Hành động của Dương thái hậu khi đó vừa giúp Vân Khinh biến từ một nữ hài tử mồ côi mẹ thân cô thế cô trở thành một trong những đứa trẻ quyền lực nhất Hoàng Dương quốc. Từ đó, ngày nào thái hậu cũng cho người đón Vân Khinh vào cung chơi, yêu thương như nữ nhi ruột thịt của mình. Đến khi Vân Khinh lên sáu tuổi thì cũng ít hơn, vì khi đó nàng bắt đầu phải hưởng nền giáo dục đặc biệt của Vân gia.

Thái hậu mắt lướt nhẹ trên đầu của những cung phi đang quỳ trước mặt rồi dừng lại nơi Vân Khinh, ánh mắt mềm mại nhưng giọng nói vẫn không giảm bớt phần uy nghiêm:

"Miễn lễ."

Tất cả đồng loạt đứng dậy. Trong tất cả các phi tần, ai cũng tỏ ra có phần kiêng kị thái hậu, hẳn là vì khí thế bức người cùng cá tính sắc sảo, khó đoán của bà. Liễu Như Hoạ thường ngày chua ngoa hống hách, giờ cũng rất an phận thưởng trà thái hậu vừa ban. Giang Vãn Tình vẫn là khí chất lạnh nhạt, không kiêu ngạo không siểm nịnh như vậy. Duy chỉ có Vân Khinh, từ đầu đến cuối vẫn trưng bộ mặt tươi cười đến tê cứng ra hỏi han

"Dạo này sức khoẻ của mẫu hậu vẫn tốt chứ ạ?"

"Ai gia vẫn khoẻ, con mới được sắc phong hôm qua, nghi lễ quy củ mất nguyên một ngày, chắc mệt lắm phải không?!" Dương thái hậu rất ân cần hỏi Vân Khinh, khóe mắt còn hạ thấp hiền từ.

"Dạ không đâu thưa mẫu hậu, nhi tức cảm thấy rất vinh dự, không mệt mỏi chút nào."

Vân Khinh nhẹ nhàng trả lời, khi nói vẫn không quên đầu hơi cúi thể hiện sự kính cẩn đối với bậc trưởng bối, nhưng ánh mắt vẫn nhìn thẳng vào mắt người đối diện, không liếc ngang dọc, thể hiện sự tôn trọng khi giao tiếp.

Dương thái hậu nhìn Vân Khinh vừa hài lòng gật gù, lại vừa thương tiếc dưỡng nữ của mình phải trải qua cuộc sống khắc nghiệt có quá nhiều áp lực từ gia tộc đến mức dần dần trở nên khách sáo với bà.

Bà chỉ thở dài rồi phẩy tay cho nàng ý bảo đã hiểu. Đứa nhỏ này sinh ra, diện mạo, cử chỉ giống hệt Tô Linh khi xưa, nhưng tâm tính thực sự của nó lại kiên cường hơn mẫu thân rất nhiều. Bà còn nhớ năm bà gặp Vân Khinh ba tuổi tại hôn lễ của cha nàng, bên cạnh là bà vú và hai nha hoàn thân cận. Nữ hài tử nói còn chưa sõi, ngồi lẳng lặng một góc, gương mặt điềm tĩnh lặng lẽ dõi theo hôn lễ của phụ thân. Khách đi qua lại ngoan ngoãn đứng lên chào hỏi rất ra dáng, khi được hỏi thì trả lời rất có lễ đâu vào đấy. Nàng có một thứ tỷ tên là Vân Nhu lớn hơn nàng một tuổi, bình thường luôn không thích Vân Khinh, khi mẫu thân nàng mất lại càng ra sức khi dễ. Hôm đó, khi đang dẫn nha hoàn đi qua nơi Vân Nhu đứng cùng bạn bè, nàng bị lũ trẻ ngáng chân ngã trên đất giữa rất đông khách nhân. Cứ nghĩ một đứa nhỏ ba tuổi sẽ khóc ầm lên tố cáo thứ tỷ bắt nạt nhưng Vân Khinh không thế. Nàng bặm chặt đôi môi nhỏ nhắn vốn dĩ đã hơi tái, không nói không rằng tự mình bò dậy, phủi váy áo sạch sẽ, sau đó rất hiền lành quay sang Vân Nhu nói:

"Đại tỷ, muội xin lỗi vì đi không cẩn thận ngã vào chân tỷ. Lần sau muội sẽ chú ý hơn."

Sau đó tiếp tục ưỡn thẳng lưng kêu nha hoàn đi tiếp. Lũ trẻ không bắt nạt được nàng cũng không lấy làm hứng thú nữa, tiếp tục chơi đùa với nhau. Chỉ có Dương thái hậu chứng kiến sự việc từ đầu đến cuối, trong lòng xót xa như bị xát muối lên vết thương chưa lành. Ngày thành hôn của cha mà còn vậy, ngày bình thường thì sẽ như thế nào? Đứa trẻ Vân Khinh bị khi dễ trước mặt bao nhiêu người, mà vẫn cắn chặt răng gạt oan ức sang một bên, cư xử nhẹ nhàng phải phép như thế, thậm chí không có lấy một câu móc mỉa ngầm, chứng tỏ không phải là một đứa trẻ yếu đuối. Từ giây phút ấy, bà đã dành tình thương cho nữ hài tử này.

Bây giờ nhìn lại, khoảng thời gian Vân Khinh ở cùng bà là những năm tháng thanh bình vui vẻ. Nhưng rồi thân phận vẫn trói buộc lấy hài tử bé nhỏ ấy, để đối mặt với nguồn gốc của chính mình- Vân gia. Sau nhiều năm, hai người lại sống dưới một mái nhà như trước, nhưng là với danh nghĩa mẹ chồng và con dâu hoàng gia. Thế mà dường như, sợi dây quan hệ đáng ra nên được thắt chặt nay lại càng dãn cách. Sao mà có thể khăng khít khi mà nữ nhi mình từng yêu chiều nay lại trở thành quân cờ để nhi tử ruột thịt hoàn thành nghiệp đế vương? Sao có thể khi nữ nhi ấy lại là một trong những người muốn lợi dụng con trai mình để đạt được vinh hoa phú quý? Sao có thể khi Vũ Văn Duệ vốn dĩ chẳng yêu thương vị hoàng hậu hờ này, cũng như Vân Khinh chẳng thiết tha gì ân sủng của phu quân chứ?
Dương thái hậu ngoài thở dài cũng chỉ biết thở dài.

Vân Khinh hoàn toàn không biết tâm sự của bà lúc này, khuyến khích các phi tần hỏi thăm thái hậu nương nương, không quên nhắc nhở lễ nghĩa.

Vậy là cuối cùng, buổi vấn an diễn ra rất thanh bình nếu không muốn nói là nhàm chán. Không có một ai nhắc đến sự việc xảy ra đêm qua. Việc đó cũng nhanh chóng chìm vào quên lãng, nhường chỗ cho những sự kiện trọng đại hơn phía sau.

Hôm sau, đúng giờ Thìn, Vân Khinh lại ung dung ngồi thưởng trà trong tẩm cung. Không thích giao du với những nữ nhân oanh oanh yến yến kia, nàng thực hiện cung quy rất thoáng tay: ba ngày thỉnh an hoàng hậu và thái hậu một lần.

Mặc dù vậy, cuộc sống của Vân Khinh lại rất chặt chẽ quy củ. Như một cái máy, mỗi sáng, đúng giờ Mão Vân Khinh bước ra khỏi giường, vệ sinh thân thể rồi bắt đầu tập giãn gân cốt. Dĩ nhiên, tất cả đều là những bài tập có chủ đích mà khi xưa nàng được dạy hàng ngày. Ví dụ như tập tư thế đứng thẳng bằng một chân để luyện thăng bằng trong mọi trường hợp không bị thất thố, hay đứng dang rộng hai tay, mỗi bên treo một vật nặng, trên đầu giữ một vật kích thước lớn trong nửa canh giờ để luyện tư thế đứng ngồi hoàn hảo, không nghiêng lệch, hay chỉ đơn giản tập ngồi thiền điều hoà nhịp thở, nhịp tim... Sau khi vận động hơn nửa canh giờ, Vân Khinh bắt đầu đi tắm. Mỗi ngày, khối lượng những thứ cần học của nàng rất nhiều, lại phải thường xuyên tập luyện các loại kiểu cách này nọ nên buổi sáng thường đi tắm để tinh thần sảng khoái, tươi mới hơn.

Sau khi tắm rửa sạch sẽ xong, nàng sẽ dùng bữa sáng. Cũng là ngày trước, một ngày nàng thường phải học nhiều, mama cùng phu tử khi đến giảng dạy rất nghiêm túc, nhiệt tình. Để đạt hiệu quả cao, họ thường dạy một mạch không nghỉ, việc đó yêu cầu Vân Khinh phải học thật chăm chỉ và đủ tỉnh táo cùng năng lượng để lĩnh hội hết kiến thức. Do đó, vào buổi sáng, trước khi bắt đầu học, nàng thường ăn một bữa được chuẩn bị riêng rất thịnh soạn để có đủ sức học xong một buổi học, tầm giữa buổi, khi nào đói, nàng chỉ ăn nhẹ điểm tâm rồi lại học tiếp. Đến tận chiều tối, mọi thứ kết thúc, nàng tắm rửa rồi dùng bữa với gia đình. Đó cũng là khoảng thời gian mà phụ thân, mẫu thân kiểm tra thành quả bồi dưỡng của mình.

Trước mặt trưởng bối, ăn uống cũng có chút gò bó. Khi ngồi ăn, lưng phải thẳng, đầu hơi cúi, vì nữ nhi khi ăn uống không được phép quá ngang nhiên, dù thức ăn xa như thế nào cũng không được phép rướn người về phía trước, mà phải hỏi người ngồi gần đó gắp hộ, sau đó đưa bát bằng hai tay, dù là với người kém tuổi hay địa vị thấp hơn đều phải như thế vì mình đang nhờ vả, và tuyệt đối không được nối đũa. Rồi khi gắp thức ăn là phải cho vào bát trước rồi mới được đưa lên miệng, rau không được phép quá dài, phải tách sợi ra trước, thịt cũng phải dùng đũa gỡ ra thành miếng nhỏ sao cho khi đưa vào miệng, miệng phải há một khoảng đút vừa một ngón tay mà miếng thịt không được chạm răng. Việc này yêu cầu khả năng dùng đũa phải đạt đến trình độ bậc thầy mới có thể ăn được những món như thịt gà, thịt vịt, giò chả... Tiếp đó, khi nhai không được mở miệng, cũng không được phát ra âm thanh, khi uống nước cũng không được để miệng chén quá sâu, mà chỉ ven ở bờ môi bên ngoài, không chạm đến răng bên trong, không thì chén dính dầu mỡ sẽ rất bất nhã. Ăn uống cũng nên sạch sẽ, không được bỏ mứa thức ăn, mỗi lần gắp chỉ gắp ít một vừa ăn, tránh để vào bát quá nhiều rồi thừa lại, như vậy rất lãng phí, không biết tôn trọng người nấu cũng như người ngồi cùng mâm cơm. Đến khi ăn uống xong xuôi, bát phải sạch sẽ, đũa được để ngay ngắn trên bát, không được đặt xuống bàn ăn, sẽ dây mỡ ra khăn trải bàn hoặc bàn gỗ, miệng lau sạch bằng khăn ướt rồi mới thưa với trưởng bối mình đã dùng bữa xong. Chỉ khi trưởng bối gật đầu thì mới được phép đứng lên khỏi bàn ăn, cúi đầu hành lễ nhỏ rồi mới được ra ngoài.

Sau thời gian dùng thiện, sẽ là thời điểm dùng trà. Vân Khinh không có một sở thích cụ thể, nên dặn nha hoàn mỗi ngày dùng một loại trà tùy ý. Dù không phải người sành sỏi hay đam mê trà đạo, nhưng khi uống trà nàng vẫn phải giữ đầy đủ phong phạm, trình tự. Ví dụ xét riêng về khoản ấm chén lỉnh kỉnh, Vân Khinh phải có hơn mấy chục bộ khác nhau. Mỗi loại trà được dùng đến vài bộ, trong đó, các bộ lại được dùng trong các mùa trong năm. Nàng thậm chí còn làm hẳn một thực đơn cụ thể, ghi những loại bánh hợp với từng loại trà một và đọc thuộc lòng chúng như một bài học. Rồi công đoạn nhận biết và chọn lựa lá trà nàng cũng phải học qua, kiểu như lá trà sao có bị quá tay không, có vừa không hay vụn quá... Đến khi đổ trà vào miệng cũng phải bài bản. Khi cầm tách trà phải đặt trong lòng bàn tay để cảm nhận hơi nóng bên trong, như hình ảnh của một bông sen trên mặt hồ. Sau đó, tay còn lại cầm quai chén, các ngón tay chụm lại, ngón út hơi cong ra thể hiện sự duyên dáng. Nàng cũng không được uống vội, mà phải đưa nhẹ lên mũi để cảm nhận hương thơm của trà rồi mới nhấp từng ngụm nhỏ, từ từ ngấm lấy vị đắng chát ngọt bùi.

Bài học thưởng trà còn cầu kì đến nỗi nàng phải cập nhật xu hướng thuởng thức chính thống của từng loại trà thịnh hành một để bản thân được trang bị đầy đủ những kiến thức văn hoá như một tiểu thư quý tộc đẳng cấp. Nàng nhớ vó một thời gian, văn hoá trà Tây du nhập vào trong nước. Cách thưởng trà bên đó hơi khác ở Hoàng Dương quốc, nhưng rất ưu nhã, quý phái lại sành điệu. Các phu nhân lũ lượt thi nhau đặt mua về, nhưng vì không có văn hoá thưởng thức nên rất nhanh chán rồi bỏ. Riêng nàng thì không được. Trà là một thức uống phổ biến nhất mà mọi quốc gia đều có, Trương mama dạy trà đạo của nàng đã từng nói. Bà là một người uyên thâm, nghe nói là đã đi qua nhiều nơi trên thế gian để học văn hoá trà đạo của từng quốc gia, khi đã đứng tuổi thi về lại quê hương dạy quy tắc dùng trà cho các tiểu thư quan lại, đồng thời kinh doanh một trà lâu nổi tiếng chuyên dành cho những vị khách chơi trà. Tiểu thư bình thường thì không cần học về trà Tây đâu, nhưng Vân Khinh với thân phận là trưởng nữ Vân gia, bị phụ mẫu yêu cầu phải học. Khi ấy nàng còn nhớ, cách pha và uống trà Tây rất khác. Họ thường dùng một loại sữa đặc có vị ngọt để thêm vào trà, tùy theo khẩu vị từng người, không như quý tộc phương Đông, chỉ coi trà tinh khiết không thêm gia vị mới là ngon. Hầu như về cách rót trà, pha trà, cầm tách đều giống như lúc trước, duy chỉ có công đoạn pha sữa là khác. Vì bên đó, họ mở tiệc trà giữa các quý tộc thì người hầu sẽ chỉ pha nước trà rồi rót cho từng người, phần sữa phải tự khách cho thêm vào, không như ở đây, mọi công đoạn chuẩn bị đều do nha hoàn làm. Trước hết là phải lựa. Vân Khinh đã bị bắt nếm đi nếm lại vị sữa hàng ngày để làm quen với độ ngọt của nó, để tự cảm nhận lượng sữa phù hợp với từng tiêu chuẩn ngọt nhạt, rồi tập pha đi tập pha lại từng loại cấp độ ngọt đó cho chuẩn xác. Rồi khi pha xong, nàng phải dùng muỗng nhỏ chuyên dụng trong bộ trà cụ phương Tây quấy đều cho sữa hoà tan vào nước trà, phải quấy làm sao muỗng không được chạm vào đáy và thành chén tạo ra tiếng va chạm, quấy không được quá chậm, sẽ cho thấy sự thiếu thành thục, cũng không nên quá nhanh, sẽ thể hiện sự kém nhã nhặn, phải nhanh vừa, nước không được sánh lên cao hay bắn ra ngoài. Nhưng tập cho sữa là một chuyện, còn cái nàng được phép uống lại là chuyện khác. Theo mama, khẩu vị thể hiện một phần trong con người. Vân Khinh không được phép dùng trà quá ngọt, sẽ ảnh hưởng đến tính cách điềm tĩnh, ung dung mà một chủ mẫu nên có, cũng không được phép quá nhạt, vì sẽ làm cho tinh thần trở nên nhạt nhẽo trì độn. Mà phải vừa đủ theo đúng quy chuẩn vị giác của một chuyên gia như bà đánh giá. Thế là riêng một loại trà thôi đã phải mất gần một tháng để học, thế giới thì có bao nhiêu loại cơ chứ, không biết còn bao nhiêu giống trà nữa sẽ du nhập vào Hoàng Dương quốc đây?!

Hết giờ uống trà là chừng giờ Tỵ, nàng sẽ mời các vị mama từng dạy mình đến để nhờ họ chỉ thêm những xu hướng mới hiện nay về ẩm thực, trà đạo, gấm vóc lụa là, hương liệu rồi trang sức..., cũng có thể ngồi đọc một số sách giải trí như thoại bản, ngôn tình, hay tản bộ quanh ngự hoa viên cho tiêu thực. Nói đến thú vui giải sầu, người ta hay nhắc đến cầm kì thi hoạ. Về những loại nhã hứng truyền thống đó, tiểu thư quan thất phẩm còn phải học chứ nói gì đến Vân Khinh. Chỉ là dường như nàng lại không có thiên phú lắm về khoản tài nghệ. Khi mà quần chúng ngày một có xu hướng mộ tài, danh ca vũ công đào kép nổi lên như cồn, đệ nhị tài nữ thậm chí còn nhiều hâm mộ hơn cả đệ nhất mỹ nữ thì Vân Khinh lại có một hướng đi khác. Dĩ nhiên những thứ như thơ ca nhạc hoạ, nữ công gia chánh, nữ huấn nữ tắc, tứ thư ngũ kinh, lịch sử, thiên văn, địa lý, thậm chí thể dục, một phần nhỏ của võ nghệ nàng đều phải học, nhưng các phu tử, tú nương... đều nhận xét về thiên tư kém cỏi của nàng. Ngược lại, khả năng thích ứng với kĩ năng của Vân Khinh rất tốt, bằng chứng là tất cả những nghi thức, trình tự của mọi việc trong cuộc sống hàng ngày được nàng làm quen với tốc độ chóng mặt. Để cân bằng lại lời phản ánh không tốt của những phu tử kia, các mama lại nức nở khen ngợi, nói rằng quý tộc từ cốt tủy như nàng mấy đời mới dưỡng ra một... Cho nên dù đã thúc ép đủ đường, phụ mẫu Vân Khinh không thể làm gì hơn. Hơn nữa, làm hoàng hậu thì chẳng mấy khi phải ra mặt biểu diễn tài nghệ, học làm gì cho phí công, còn chẳng có tác dụng thực tiễn.
Cụ thể như hôm nay, Vân Khinh quyết định sẽ đi tản bộ. Ngự hoa viên được chăm sóc rất công phu. Như hoàng thượng có ba ngàn giai lệ để sủng ái, mỗi người một vẻ, thì vườn hoa hoàng cung cũng phải trăm hoa khoe sắc, trái mùa cũng phải khoe. Vân Khinh dẫn theo một đoàn tùy tùng lớn, chậm rãi ngắm nghía từng loại cây hoa.

Tô mama dạy nàng về hoa và cây cảnh đã từng giảng về một loại cây thân gỗ gọi là cây phong, sinh trưởng ở phương Bắc, thích hợp khí hậu lạnh, đặc biệt là lá sẽ chuyển đỏ và rụng vào mùa thu vô cùng nên thơ. Hoàng Dương quốc ở phía nam, khí hậu ấm áp, mùa đông hiếm hoi lắm mới có một trận tuyết nhè nhẹ. Chuyện là thế này. Tiên đế khi xưa từng có một vị Lệ phi từ dân gian, xinh đẹp tuyệt luân nên sủng ái vô hạn. Có một lần sứ thần phương Bắc tới thăm, mang theo lễ vật là một chậu cây phong nhỏ. Khi ấy là mùa thu, vừa hay lá phong chuyển đỏ. Lệ phi trông thấy quá đỗi yêu thích, tiên đế cũng rất chiều lòng giai nhân, huy động cả ngàn nhân lực cùng những thợ làm vườn giỏi khắp cả nước, thậm chí là từ đất nước phương Bắc về, trồng nguyên một rừng phong thân gỗ, cao đến vài trượng, mà bây giờ gọi là Hồng Phong đình. Cứ mùa thu đến, các phi tần lại thích đi dạo ngắm cảnh trong Hồng Phong đình, Vân Khinh, một nữ nhân được giáo dục rất tỉ mỉ về thẩm mỹ, cũng không ngoại lệ.

Vân Khinh không nhanh không chậm đi về phía Hồng Phong đình. Càng đến gần, cảnh sắc càng thay đổi rực rỡ hơn. Lá phong xào xạc đỏ rực như được quét sơn, trong không khí thoang thoảng vị ngọt dịu của nhựa phong, cùng âm thanh... đàn ca sáo nhị?!

Vân Khinh khựng lại, mày khẽ nhíu. Hôm nay ra cửa không xem lịch, đến cũng không đúng chỗ. Nhưng rất nhanh sau đó, cơ mặt dãn ra, giữ nguyên tư thái bước về phía trước. Hoàng thượng tập võ từ nhỏ, cơ thể tráng kiện, giác quan cũng rất tinh nhạy. Nàng dẫn theo một đoàn tùy tùng, gây ra động tĩnh lớn như vậy hẳn hắn sẽ biết. Nay lại quay đầu bỏ đi thì không phải phép cho lắm. Phu thê dù là trên danh nghĩa, cũng không phải kẻ địch không đội trời chung, việc gì phải né tránh.

Càng vào sâu, âm thanh ca cầm càng du dương rõ ràng. Nghe nói Hàn quý nhân cầm kĩ thượng thừa, rất được lòng hoàng thượng. Tin tức quả không sai. Nha hoàn Vân Minh bên cạnh sắc mặt lo lắng quay sang chàn chờ:

"Nương nương, bên trong có lẽ là hoàng thượng và..."

"Bản cung đã biết."

Vân Khinh khẽ cong miệng trả lời, bước chân không dừng lại. Vân Minh khẽ liếc Vân Tuệ bên cạnh rồi tiếp tục bắt kịp bước chân của chủ tử.

Hoàng hậu nương nương khi gả vào vương phủ chỉ mang theo bà vú từ nhà mẹ đẻ, cũng không thấy nha hoàn nào. Không phải vì Vân gia nghèo khó đến nỗi một nha hoàn cũng không cho được trưởng nữ làm hồi môn, mà nghe nói không chọn được người phù hợp. Trong cung ai cũng biết, Vân Hoàng hậu rất gia giáo chuẩn mực, một lần thất thố cũng không có, là do gia đình quản giáo và dạy dỗ rất nghiêm. Trước ngày gả vào vương phủ, bọn họ còn làm một cuộc tuyển chọn nha hoàn hồi môn cho hoàng hậu nương nương nhưng không ai đạt chuẩn về lễ nghi cả. Ngày trước cũng vậy, lúc hoàng hậu còn nhỏ, rất dễ bị ảnh hưởng nên tất cả nha hoàn đều không được phép lại gần, chỉ duy có bà vú già từ Tô gia, cũng từng là bà vú của cố phu nhân chăm bẵm. Hoàng hậu thấy quá khắt khe nên nói không cần tuyển chọn nữa. Ban đầu, Vân gia không đồng ý, cho là như vậy sẽ làm hỏng thanh danh gia tộc nhưng hoàng hậu thuyết phục cũng rất có lí rằng "... Tuyển mãi cũng chẳng được người nào, chất lượng quan trọng hơn số lượng. Nếu không có thì thôi, qua loa chọn bừa rồi sau này lại hỏng chuyện. Vân gia quyền cao chức

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net