Review "Trôi" của ThuanAn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Link đọc:

https://www.wattpad.com/story/125761875-tr%C3%B4i


Review cho truyện "Trôi" của bạn ThuanAn. Đây là lần thứ tư mình đọc truyện của bạn, và bạn cũng là một trong số ít các tác giả trên mạng (và so với cả tác giả chính thống) mà mình đánh giá cao về tiềm năng, chất lượng viết cũng như chất lượng truyện. Ở mức độ nào đó, truyện "Trôi" có thể coi là tốt nhất trong tất cả các truyện mà bạn từng viết (có lẽ về mặt kết cấu chưa bằng "Thành Phố Lặng Im", nhưng cao hơn về mặt tự sáng tạo thay vì dựa khá nhiều cảm hứng từ tác phẩm khác như "Thành Phố Lặng Im"). Review cho truyện của bạn thì mình sẽ bỏ qua phần lớn góp ý, vì những cái này không cần thiết với một tác giả đã định hình phong cách cũng như phương hướng đang theo đuổi . Nếu có góp ý thì là phần kỹ thuật, có một số thứ không được ổn và khiến truyện bị rề rà khá nặng :v. Tổng quan là vậy. Review có thể spoil, nếu không thích có thể bỏ qua.

Tên truyện là "Trôi", vì vậy bối cảnh trong truyện đặt ở nơi đầy nước xem chừng khá hợp. Hành trình của nhân vật chính Nguyễn Thiện Tân có lẽ cũng y hệt như tên truyện và gắn chặt với bối cảnh. Cậu ta trôi lạc nhiều nơi trong thế giới đầy nước này, đi qua những vùng đất kỳ lạ và thậm chí chạy trốn trước khi nước đuổi đến chân mình. Cũng giống như các bộ truyện mà bạn từng viết, "Trôi" mang phong cách và ảnh hưởng từ chủ nghĩa hiện sinh rất nhiều. Điểm đặc biệt là gần như 100% truyện được diễn tả trong một thế giới siêu thực, may ra thì được Chương 14 và đoạn cuối Chương 25 là có hình ảnh thế giới thực. Có lẽ bạn lấy cảm hứng từ Hoàng Tử Bé – quyển sách có được đề cập một lần trong chương truyện – nhưng nó đã phát triển lên, dữ dội và hoang dại hơn rất nhiều. Việc sử dụng thế giới siêu thực cho phép bạn phô diễn khả năng dùng câu văn đa dạng, câu tự vấn và đặc biệt lối hành văn theo dòng ý thức. Bạn có khả năng về cách viết này. Tuy nhiên, nó cũng là một điểm khiến người đọc dễ bị trôi tuột đi khi đọc, mình sẽ nói sau.

Các hình ảnh trong truyện được dựa theo những hình ảnh hiện sinh nổi tiếng. Bao gồm "sa mạc và ốc đảo" mà có thể bắt gặp rất nhiều trong cuốn sách "Zarathustra đã nói như thế"; từng loại bản ngã bên trong con người được nhân cách hóa qua hình tượng Ủ Rũ, Lý Tưởng và Anh Giao Hàng; hình ảnh về "cái giếng" và "tòa khách sạn với nhiều căn phòng" trong cuốn "Biên niên ký chim vặn dây cót" của Murakami; và cũng hình ảnh về cái bóng đen đánh đập nhân vật Thiện Tân như cái bóng chiến đấu với nhân vật chính trong "Biên niên ký chim vặn dây cót". Bạn cũng đưa lại hình ảnh về một hành tinh mộng mơ của Hoàng Tử với Cây Hồng như hình ảnh trong "Hoàng Tử Bé". Nói chung thì với dòng văn học ý thức, việc ảnh hưởng từ chủ nghĩa hiện sinh là bình thường, chỉ là bạn sử dụng nó hơi nhiều. Như bạn có nói ở chương cuối cùng là một thử nghiệm, nên khi viết ra cũng không nghĩ ngợi nhiều, chỉ là theo vô thức mà viết. Mình đánh giá khá cao khi bạn hiểu được hết các ý nghĩa hình ảnh kể trên và kết hợp chúng rất tốt trong thế giới truyện. Chỉ duy cái đoạn anh chàng Tân vào ốc đảo, rồi lộn cổ xuống giếng thì hơi bị khớp. Nó hơi thiếu tự nhiên, chừng như tác giả ép anh ta vào các hình ảnh hiện sinh nhiều quá.

Ngoài ra thì cái phần vật lộn giữa Ủ Rũ và Lý Tưởng hoặc phần vật lộn giữa Tân và Anh Giao Hàng làm mình nhớ lại nhân vật chính vật lộn với bản ngã của anh ta trong "4 Ngày Ở Dala". Vì từng xuất hiện rồi nên mình mong chờ những tình tiết kiểu mới hơn, nay lại gặp, có hơi hẫng :v. Vả lại những phần vật lộn giữa các bản ngã, hoặc giữa bản ngã với bản thể thế này thì hãy điều tiết lại, chúng khá dài và rất dễ làm người đọc mệt. Theo ý kiến riêng của mình, hãy giảm bớt mấy phần vật lộn đó, mô tả vừa phải, hiện tại như mình thấy thì chúng quá đậm đặc. Ngoài ra, hình ảnh về Công Ty cũng như lời giới thiệu của anh chàng chuyên nhận cuộc gọi giao hàng cũng gợi lại cho mình về nhân vật chính trong "4 Ngày Ở Dala" với một công việc lặp đi lặp lại. Ngay cả trong tự sự của nhân vật chính và chính anh chàng này, cái việc giao hàng được thể hiện rõ là nhàm chán.

Dù vậy, việc sử dụng hình ảnh Công Ty với "mẹ" là giám đốc cũng là một kiến giải khá thú vị ở truyện, nó giải thích tại sao mọi người tên Tân đều được cung cấp miễn phí mọi mặt hàng, mọi sản phẩm. Anh Giao Hàng, Tân – già – cả, Tân – nhận – giao – hàng... tất cả đều được cung cấp miễn phí, được ăn miễn phí, đồ đạc miễn phí, bởi vì người đứng đầu Công Ty là "mẹ", không ai cho không Tân như thế ngoài "mẹ". Và chính "mẹ" cũng là người giam giữ Tân trong cái thế giới siêu thực của nước, của bình yên, của một tương lai lý tưởng được hoạch địch sẵn, của một căn nhà đầy đủ không thiếu thứ gì. "Mẹ" đã ngăn Tân không đến Thị Trấn – biểu trưng cho một thế giới tấp nập, có đầy đủ những con người đã bước vào đó là dễ thành phát điện, hay nói đúng hơn nó biểu trưng cho "cuộc đời". Ngay cả hình ảnh những con người trong tòa nhà Công Ty đó làm việc như cái máy với khuôn mặt không rõ hình dạng, cũng biểu trưng cho sự cung cấp miễn phí vô điều kiện từ giám đốc "mẹ". Và rồi chính "mẹ" cũng bị giam hãm trong cái Công Ty đó, không để đứa con hay chính mình nhảy vào Thị Trấn hay là cuộc đời. Mình đánh giá cao các phân đoạn này. Nó khá sáng tạo.

Ngoài ra, nhân vật Thập – bố Tân cũng là một nhân vật đáng nói. Ông ta ở Nhà Máy, làm việc mà không cần biết hạnh phúc hay ánh mặt trời, chỉ cần có tiền cho vợ con. Nhưng chính ông ta là người mở lối cho Tân lên gặp giám đốc Công Ty, phá bỏ những rào cản ngăn bước Tân đến Thị Trấn. Điểm này khá tiến bộ và cho thấy sự tiến triển của các nhân vật phụ vốn ít đất diễn trong một thế giới ít nhân vật thế này. Tất nhiên, cách bạn viết vẫn khá lộ liễu và dễ đoán: bởi vì bạn để nhân vật nói nhiều quá, lời thoại dài hàng trang. Nhưng nghĩ lại, đây cũng là một cách gợi mở hay để người đọc thấu hiểu. Chứ viết mà lắm ý tứ quá thì mình cũng không hiểu lắm là đang đọc cái gì :v. Dù vậy, nhờ nhân vật Thập, cái ý tưởng của bạn vốn xuyên suốt qua nhiều tác phẩm cũ là "chán nản với thế giới thực tại"đã nâng cấp, trở thành "tìm về thế giới thực tại để tiếp tục sống" thông qua hình ảnh Tân tìm thấy Thị Trấn. Không biết đây có phải ý của bạn khi viết hay không, hay chẳng qua chỉ là hình ảnh ngẫu nhiên, nhưng với cảm quan của mình là vậy (có chơi chữ hay không khi Thị Trấn = Town = Thành Phố?). Nó khá tốt :v.

Và khi hiểu được vai trò của nhân vật "bố" và "mẹ", hình ảnh "nước" mới rõ ràng hơn thay vì sự mông lung trong suốt truyện. Có thể, theo một nghĩa nào đó, nhân vật chính bị ám ảnh với nước từ một lần suýt chết hồi bé. Nó đại diện cho sự yên bình nhưng cũng đồng nghĩa với cái chết và sự luẩn quẩn trong thế giới mơ hồ. Khi Tân muốn tới Thị Trấn, nước theo đó cũng dữ dội, như thể cái chết đang bám víu cậu ta và buộc cậu ta ở lại trong nó. Điều này được gợi mở ở Chương 14, khi chỉ có một đoạn ngắn nói về một người băng bó toàn thân, hoặc là cởi bỏ tấm băng đó ra rồi cất cánh hoặc chết rục bên trong. Và cũng có thể, chỉ là phỏng đoán từ người review, rằng "nước" dữ dội là một hình ảnh phản chiếu hoặc hình tượng hóa sự đấu tranh của Tân và bố mẹ cậu ta để giành giật sự sống, phá bỏ những rào cản ngăn cách thành viên gia đình (có nhắc đến rất nhiều tình trạng gia đình). Hoặc là gia đình vượt khỏi đống nước bình yên đó mà tới Thị Trấn, hoặc là tiếp tục sống với nó để chết chìm vào một ngày nào đấy. Dù vậy, trong một tác phẩm hiện sinh dựa toàn hình ảnh siêu thực thế này, đôi khi nó không sâu xa như vậy :v. Có thể "nước" chỉ hoàn toàn là một cách diễn giải, một quan niệm của tác giả về thế giới mà tác giả hình dung. Nên là tùy theo cách hiểu của người đọc.

Về nhân vật Cúc hay Tân – tuổi già, mình không ấn tượng nhiều lắm so với hai nhân vật kể trên. Cúc là một nhân vật nhằm bộc lộ cái bản ngã của Tân, và có lẽ chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của cậu mà thôi. Tân – giao hàng có lẽ gây nhiều ấn tượng sau bố và mẹ. Anh ta là sản phẩm đẹp đẽ, hoàn hảo nếu theo con đường mà giám đốc "mẹ" vẽ ra, và là sự tuyệt vời mà Tân có thể chạm đến nếu nghe theo mẹ. Và cũng chính nhân vật lý tưởng này ngăn Tân bước ra cuộc đời – Thị Trấn. Khá tốt ở phân cảnh này :v. Có lẽ là chỉ cần anh ta thôi, nên loại bỏ cái nhân vật Tân – Lý Tưởng trong gương, nó làm truyện rối :v.

Tựu chung nội dung là vậy. Về kỹ thuật, mình chỉ muốn nhắc bạn là hãy giảm bớt độ chi tiết mô tả hành động. Hãy rút gọn nó, không cần phải mô tả kỹ ăn gì, làm gì, bước đi thế nào, hoặc ý nghĩ xảy ra cùng lúc với những hành động ấy. Tất nhiên, như bạn nói ở chương cuối là ảnh hưởng và thể nghiệm với Murakami, nhưng quả thực là mấy đoạn của bạn tả như vậy khi Tân đi trên đường tới Thị Trấn, khi ăn, khi chơi với con cá mèo làm mình nhớ lại nhân vật chính dọn bếp nấu nướng ở "Biên niên ký chim vặn dây cót", khá là mệt. Bởi việc này cộng thêm các đoạn văn rất dài, nên khi viết, bạn không liên kết được hoặc thường làm hẫng diễn biến truyện.

Như khoảng Chương 2, khi chưa giới thiệu bà lão mà chỉ liên tưởng bà lão giống Cúc, bạn gán luôn tên Cúc cho bà ấy? Dụng ý chăng? Mình không hiểu lắm. Chương 5 bị rối phần hành động. Chương 8 thì lạm dụng từ "siêu thực" nhiều quá; và hình ảnh con cá đang nuốt thì không rõ là nó nuốt Tân – Giao Hàng hay nuốt Tân – thật. Chương 9 sử dụng nhiều từ văn nói quá như "Với chả lúc", làm giảm ít nhiều giá trị hành văn. Chương 19, con rắn xuất hiện nhanh quá, làm mình phải đọc đi đọc lại để coi xem nó đang thòi ra từ đâu. Chương 25 thì cũng như vậy, khi tự dưng có sợi xích từ đâu ra cho Tân bám vào. Đại để những lỗi kể trên không lớn, bản thân bạn khi nhờ mình review cũng nói đừng để ý mấy lỗi lặt vặt. Tuy nhiên, mấy lỗi kiểu vậy cộng thêm sai chính tả trong một tác phẩm viết theo lối khó đọc, khó hình dung, hơn nữa lại trong thế giới siêu thực, thì quả thực nó gây ra nhiều phiền toái. Đối với mình, khi đọc phải xem kỹ câu chữ tác giả đưa vào có dụng ý gì, mà nhiều khi lại sai chính tả hoặc sai chữ, quả thực khá là mệt, chưa nói tới các độc giả chỉ đơn thuần là "đọc". Họ sẽ dễ trôi luôn với truyện đấy :v. Thế nên hãy tìm một biên tập viên soát lại :D.

Ngoài ra một vấn đề nhỏ khác là sử dụng ngôi "nó", "cậu" lẫn "ta", tự sự nội tâm xen lẫn kể cũng là một điểm khiến truyện khá khó đọc. Hãy thử thể nghiệm với một ngôi nhất định. Hiện giờ trong tầm Chương 15 trở đi, theo dõi truyện khá là vất vả.

Tựu chung là vậy, nhìn chung "Trôi" là một tác phẩm tốt, nếu sửa, cắt gọt bớt mấy cái không cần thiết và lắt nhắt thì mình xếp nó với kiểu văn học chính thống được. Dù sao thì khả năng của bạn trước giờ vẫn ở tầm văn học chính thống :v. Chỉ là bạn sẽ cần nhiều thời gian để sáng tạo hình ảnh cho riêng mình hoặc những thể nghiệm mang nặng bản sắc cá nhân hơn. Dù vậy, cũng như nhiều truyện khác của bạn, "Trôi" khá khó đọc và hợp với một số người, không dành cho số đông. Nhưng dù sao vẫn rất vui khi có người lựa chọn ngả đường khó như vậy. Luôn giữ phong độ nhé. Thân! :D 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

#review