Phần 11

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CON ĐƯỜNG ĐẾN MUNICH 

 PHƯƠNG án Màu Lục là mật mã của kế hoạch tấn công bất ngờ Tiệp Khắc, do Thống chế von Blomberg soạn thảo và được Hitler bổ sung chi tiết trong huấn từ cho tướng lĩnh vào ngày 5 tháng 11 năm 1937. Trong những ngày này, Hitler nhắc nhở họ rằng "đòn đánh phủ lên đầu bọn Tiệp" phải "được thực hiện với tốc độ sấm sét" và có thể diễn ra "sớm nhất là năm 1938" .

Việc thôn tính Áo một cách dễ dàng khiến cho Phương án Màu Lục có tính khẩn trương: cần phải cập nhật và chuẩn bị thực hiện ngay từ bây giờ. Vì mục đích này mà Hitler cho triệu Keitel đến ngày 21 tháng 4 năm 1938. Ngày hôm sau, Thiếu tá Rudolf Schmundt, tân tuỳ viên quân sự của Hitler, đã soạn bản tóm tắt để thảo luận gồm có 3 phần: "phương diện chính trị", "kết luận về quân sự" và "tuyên truyền". Hồ sơ Phương án Màu Lục được quân Mỹ tịch thu nguyên vẹn ở Berchtesgaden và bản tóm tắt buổi họp ngày 21 tháng 4 cũng có trong hồ sơ này .

Hitler bác bỏ việc tấn công "mà không có nguyên nhân hoặc minh chứng" vì "dư luận thế giới thù địch có thể dẫn đến tình hình nguy kịch". Ông nghĩ đến phương án thứ hai: "Hành động sau một thời gian đàm phán chính trị để dần dần đưa đến khủng hoảng và chiến tranh" là không thích hợp vì "phải loại bỏ những biện pháp an ninh của Tiệp Khắc" .

Rốt cuộc, Lãnh tụ thiên về phương án thứ ba: "Hành động sấm sét dựa trên một sự cố (ví dụ: việc ám sát một bộ trưởng Đức trong một cuộc biểu tình chống Đức)". Ta còn nhớ một "sự cố" như thế đã được trù định để biện minh cho việc xâm lăng Áo, khi Papen bị chỉ định là nạn nhân của vụ ám sát. Trong thế giới côn đồ của Hitler, thì việc hy sinh các nhà ngoại giao Đức ở nước ngoài là hoàn toàn có thể .

Hitler nhấn mạnh với Keitel về sự cần thiết phải hành động nhanh chóng: "4 ngày đầu có tính quyết định về mặt chính trị. Nếu không đạt thành công đáng kể về quân sự, chắc chắn châu Âu sẽ dấy lên khủng hoảng. Chuyện đã rồi sẽ thuyết phục các cường quốc là chẳng còn có hi vọng gì để can thiệp bằng quân sự nữa" .

Nước Cộng hoà Tiệp Khắc, mà bây giờ Hitler quyết chí tiêu diệt, được thành lập sau Thế chiến I từ các hoà ước mà người Đức rất căm ghét. Được tách ra từ Đế quốc Habsburg cũ, Tiệp Khắc đã phát triển thành một trong những nước dân chủ và phồn thịnh nhất Trung Âu .

Nhưng vì có nhiều dân tộc khác nhau, ngay từ đầu Tiệp Khắc đã bị giằng co bởi những vấn nạn nội bộ mà suốt 20 năm vẫn chưa thể giải quyết được. Đó là vấn nạn của những dân tộc thiểu số. Có 1 triệu người Hungary, nửa triệu người Ruthenia và 3 triệu rưỡi người Đức Sudeten. Các dân tộc này tha thiết với "đất mẹ" của họ, lần lượt là Hungary, Nga và Đức, tuy rằng người Đức ở Sudetenland chưa bao giờ thuộc về Đế chế Đức (ngoại trừ xưa kia là một phần của Đế quốc La Mã Thần thánh) mà chỉ thuộc về Áo. Nói chung, các dân tộc này đòi hỏi có thêm quyền tự trị .

Ngay cả người Slovak, chiếm ¼ trong số 10 triệu người Tiệp Khắc, cũng muốn được phần nào tự trị. Hai nhóm Slovak và Séc di cư sang Mỹ đã ký hiệp định cho người Slovak quyền lập Chính phủ, Nghị viện và Toà án riêng. Nhưng Chính phủ ở Prague không cảm thấy bị bắt buộc phải tuân thủ hiệp định này .

So với những dân tộc thiểu số ở phương Tây, thậm chí là ở Mỹ, thì những dân tộc thiểu số ở Tiệp Khắc vẫn không bị lép vế. Họ có quyền dân chủ và tự do cá nhân trọn vẹn – ngay cả quyền được bầu cử – và có thêm cả quyền được lập trường học riêng và duy trì nền tảng văn hoá của riêng mình. Lãnh tụ các dân tộc thiểu số thường là bộ trưởng trong chính quyền Trung ương. Tuy nhiên, người Séc không thể giải quyết những vấn đề của người thiểu số. Họ thường có tư tưởng ái quốc cực đoan và thiếu khôn khéo. Trên hết, các dân tộc thiểu số cho rằng Chính phủ Tiệp Khắc đã không tôn trọng những cam kết trong Hội nghị Hoà bình Paris năm 1919 về việc thành lập thể chế liên bang tương tự như Thuỵ Sĩ .

Điều mỉa mai là người Đức Sudeten có vị thế khá cao trong nước Tiệp Khắc – chắc chắn cao hơn bất kỳ dân tộc thiểu số nào khác trong nước và cao hơn cả những dân tộc thiểu số Đức ở Ba Lan hoặc ở Phát xít Ý. Nhưng họ bất mãn với tính hà khắc vụn vặt của quan chức địa phương người Séc và thái độ kỳ thị đôi lúc xảy ra ở thủ đô Prague. Sống trong các vùng Tây Bắc và Tây Nam công nghiệp hoá, họ giàu lên và dần dà trở nên hoà thuận với người Séc, họ vẫn tiếp tục đòi hỏi thêm quyền tự trị và sự tôn trọng đối với các quyền về ngôn ngữ và văn hoá. Trước khi Hitler nổi lên, không có phong trào chính trị nghiêm túc nào đòi hỏi hơn thế .

Thế rồi, khi Hitler nắm quyền Thủ tướng năm 1933, cơn bão Quốc xã tràn đến người Đức Sudeten. Năm ấy, một giáo viên môn thể dục dụng cụ tên Konrad Henlein đã thành lập Đảng người Đức Sudeten (SDP). Đến năm 1935, Bộ Ngoại giao Đức bí mật hỗ trợ tài chính Đảng ở mức 15.000 mác mỗi tháng. Trong vòng vài năm, Đảng này chiếm được đa số trong cộng đồng người Đức ở Sudeten. Vào lúc Áo bị sáp nhập vào Đức, Đảng SDP đã sẵn sàng nghe theo lệnh của Hitler .

Để nhận lệnh, Henlein đi đến Berlin. Ngày 28 tháng 3 năm 1938 thì ông ta đã ngồi họp với Hitler trong 3 tiếng đồng hồ. Chỉ thị của Hitler, như ghi trong một bản ghi nhớ của Bộ Ngoại giao, là: "Đảng SDP phải đưa ra những đòi hỏi mà Chính phủ Tiệp Khắc không thể chấp nhận". Như chính Henlein tóm tắt quan điểm của Hitler: "Ta phải luôn đòi hỏi nhiều để ta không bao giờ hài lòng" .

Vì thế, hoàn cảnh khó khăn của người Đức thiểu số ở Tiệp Khắc – giống như Danzig ở Ba Lan 1 năm sau – đối với Hitler chỉ là cái cớ để quấy động mảnh đất mà ông thèm thuồng, khuynh đảo, tung hoả mù và gây hiểu lầm giữa những bạn hữu của mảnh đất ấy, đồng thời che giấu đi mục đích thực sự của ông ta. Mục đích là gì thì Hitler đã vạch rõ trong bài diễn thuyết lê thê ngày 5 tháng 11 năm 1937 cho giới lãnh đạo quân sự và trong chỉ thị đầu tiên của Phương án Màu Lục: hạ gục Tiệp Khắc và chiếm lấy lãnh thổ cùng dân cư cho Đế chế Thứ Ba .

Mặc cho những gì đã xảy ra ở Áo, các nhà lãnh đạo Anh và Pháp vẫn chưa nhận ra điều này. Suốt mùa xuân và mùa hè, thật ra ngay cả cho đến cuối cùng, Thủ tướng Chamberlain và Thủ tướng Daladier cùng với phần lớn thế giới vẫn còn điềm nhiên tin rằng Hitler chỉ mong muốn sự bình đẳng cho người Đức ở Tiệp Khắc .

Thật vậy, khi những ngày mùa hè trở nên ấm áp hơn, 2 Chính phủ Anh và Pháp cố tìm cách tạo áp lực lên Chính phủ người Séc để nhượng bộ thêm cho người Đức Sudeten. 4 ngày sau, tức ngày 7 tháng 5 năm 1938, hai Đại sứ Anh và Pháp tại Prague thúc giục Chính phủ người Séc "đi đến giới hạn tột cùng" để đáp ứng những đòi hỏi của người Đức Sudeten. Hitler và Ribbentrop hẳn là phải rất vui mừng khi thấy 2 Chính phủ Anh và Pháp lo lắng giúp đỡ Đức đến thế .

Tuy vậy, trong giai đoạn này, Đức vẫn cần che giấu ý đồ. Ngày 12 tháng 5, Henlein bí mật đến Đức để nhận chỉ thị của Ribbentrop về cách hành xử khi đến Anh. Một bản ghi nhớ của Nam tước Ernst von Weizsaecker ở Bộ Ngoại giao chỉ rõ: "Henlein sẽ phủ nhận ông đang thi hành chỉ thị từ Berlin... Cuối cùng, Henlein sẽ nói về sự phân hoá cùng cực trong cơ cấu chính trị ở Tiệp Khắc, để làm nản lòng những ai còn muốn can dự..." Cùng ngày, Công sứ Đức tại Prague tham mưu cho Ribbentrop về việc che đậy sự chi tiền và ra chỉ thị cho Đảng người Đức Sudeten. Ngày 14 tháng 5, Weizsaecker thông báo cho Đại sứ Hugh R. Wilson của Mỹ tại Berlin rằng Đức e sợ nhà cầm quyền Tiệp Khắc đang cố tình làm dấy lên một cuộc khủng hoảng toàn châu Âu khác nhằm ngăn chặn "sự tan rã của Tiệp Khắc" .

Hai ngày sau, Thiếu tá Schmundt, tuỳ viên quân sự của Hitler, thay mặt gửi một bức điện khẩn và "bí mật nhất" đến Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực, hỏi có bao nhiêu sư đoàn dọc biên giới Tiệp Khắc "sẵn sàng hành quân trong 12 giờ, trong trường hợp phải điều quân". Trung tá Zeitzler thuộc Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực trả lời lập tức: "12". Hitler vẫn chưa thoả mãn, đòi hỏi: "Yêu cầu gửi mã số của các sư đoàn". Câu trả lời liệt kê mã số của 10 sư đoàn bộ binh, thêm 1 sư đoàn thiết giáp và 1 sư đoàn quân sơn cước .

Hitler càng trở nên bồn chồn. Ngày hôm sau, ông hỏi Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực thông tin chính xác về những lô cốt mà Tiệp Khắc xây dựng trên dãy núi Sudeten dọc biên giới – được xem như Phòng tuyến Maginot của Tiệp Khắc. Zeitzler trả lời cùng ngày với một bức điện dài và "bí mật nhất" cung cấp nhiều chi tiết về hệ thống phòng thủ của Tiệp Khắc, vạch rõ rằng hệ thống này khá vững chắc .

CUỘC KHỦNG HOẢNG ĐẦU TIÊN: THÁNG 5 NĂM 1938 Thứ Sáu ngày 20 tháng 5 năm 1938 bắt đầu một cuộc khủng hoảng mà sau này được gọi là "Khủng hoảng tháng Năm". Trong 48 giờ đầu, các Chính phủ Anh, Pháp, Tiệp Khắc và Liên Xô trở nên hốt hoảng tin rằng châu Âu đang ở gần bờ vực chiến tranh hơn là bất kỳ thời điểm nào khác kể từ mùa hè 1914. Đây có lẽ chủ yếu là do kế hoạch của Đức tấn công Tiệp Khắc bị rò rỉ. Vì tin như thế mà Tiệp Khắc bắt đầu động binh, còn Anh, Pháp và Liên Xô biểu lộ sự cứng rắn và hợp nhất để đối phó với mối đe doạ từ Đức .

Cùng ngày, Tướng Keitel gửi đến Hitler bản thảo mới của Phương án Màu Lục mà ông và các phụ tá đã bỏ công viết ra. Trong một bức thư với nội dung đầy vẻ quỵ luỵ, Keitel giải thích rằng Phương án có tính đến "trường hợp sáp nhập Áo vào Đế chế Đức" và rằng Phương án đã không được mang ra thảo luận với tư lệnh 3 quân chủng trừ phi "ngài, Lãnh tụ của tôi" cho phép và ký tên vào .

Chỉ thị mới cho Phương án Màu Lục đề ngày 20 tháng 5 năm 1938 là một văn kiện đáng chú ý và khá quan trọng. Đó là mô hình của cách thức Quốc xã trù hoạch cho chiến dịch tấn công mà sau này cả thế giới đều quen thuộc. Văn kiện bắt đầu bằng: "Chủ định của tôi không phải là đập tan Tiệp Khắc bằng vũ lực trong tương lai gần, trừ phi bị khiêu khích hoặc vì có sự cố không tránh khỏi... mà bên trong Tiệp Khắc phải bắt buộc dẫn đến các hành động, hoặc những biến cố chính trị ở châu Âu tạo nên cơ hội thuận lợi mà có lẽ không bao giờ có lại" .

Ba "khả năng chính trị để động binh" được xét qua. Khả năng thứ nhất, "tấn công bất ngờ mà không có lý do bên ngoài" bị bác bỏ .

"Nên động binh trong các trường hợp: Sau một giai đoạn gia tăng những tranh luận và căng thẳng chính trị kết hợp với những bước chuẩn bị quân sự, khai thác lợi thế để đổ lỗi cho kẻ thù .

Bằng hành động sấm sét do hậu quả của một sự cố nghiêm trọng nhằm biện minh về mặt đạo đức, dưới con mắt của ít nhất một phần dư luận thế giới, cho biện pháp quân sự .

Trường hợp (b) là thoả đáng hơn, khi xét qua cả 2 khía cạnh quân sự và chính trị" .

Về việc hành quân, phải đạt kết quả trong vòng 4 ngày chính là để "chứng tỏ cho các kẻ thù muốn can thiệp thấy rõ tình hình tuyệt vọng của Quân đội Tiệp Khắc và cũng tạo động lực cho những nước có đòi hỏi về lãnh thổ cùng hợp nhất chống Tiệp Khắc" .

Những nước đó chính là Hungary và Ba Lan, đồng thời kế hoạch này mong đợi họ sẽ tham gia. Có lẽ Pháp sẽ không giúp đỡ Tiệp Khắc, nhưng "phải dè chừng Nga sẽ hỗ trợ Tiệp Khắc về mặt quân sự" .

Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực, hoặc ít nhất là Keitel và Hitler, tỏ ra tự tin rằng Pháp sẽ không hành động, đến nỗi chỉ điều "lực lượng tối thiểu che mặt sau phía Tây" và khẳng định là "phải sử dụng toàn sức mạnh của mọi lực lượng để tiến công Tiệp Khắc" .

Đó sẽ là chiến tranh toàn diện. Lần đầu tiên trong việc đặt kế hoạch cho binh sĩ Đức, giá trị của cái mà văn kiện chỉ thị gọi là "chiến tranh tuyên truyền" và "chiến tranh kinh tế" được nhấn mạnh, đồng thời hoà quyện trong kế hoạch tấn công tổng thể .

"Chiến tranh tuyên truyền phải một mặt trấn áp người Tiệp Khắc qua cách doạ nạt và làm suy yếu ý chí kháng cự, mặt khác làm cho các dân tộc thiểu số hỗ trợ hành động quân sự của ta và gây ảnh hưởng lên những phe nhóm trung lập nhằm tạo thuận lợi cho ta .

Chiến tranh kinh tế có nhiệm vụ sử dụng mọi nguồn lực kinh tế sẵn có để thúc đẩy sự suy sụp của Tiệp Khắc... Trong quá trình tác chiến,... phải nhanh chóng thu thập thông tin về những nhà máy quan trọng và khởi động lại càng sớm càng tốt. Vì lý do này, nếu điều kiện tác chiến cho phép thì không được gây thiệt hại cho cơ sở công nghệ và kỹ thuật của Tiệp Khắc..." Mô hình tấn công của Quốc xã về cơ bản là không được thay đổi và sẽ được áp dụng để đi từ thành công này qua thành công khác, cho đến khi thế giới bừng tỉnh nhận ra thì đã quá muộn .

Sau giữa trưa ngày 20 tháng 5 năm 1938, Công sứ Đức ở Prague gửi bức điện "khẩn và bí mật nhất" đến Berlin, báo cáo rằng Chính phủ Tiệp Khắc quan ngại về nguồn tin Đức đang tập trung quân đội và dù ông đã trấn an họ, thì ông vẫn muốn Berlin thông báo cho ông rõ tình hình .

Đây là khởi đầu cho một loạt những trao đổi ngoại giao gây chấn động ở châu Âu rằng Hitler đang chuẩn bị chiến tranh. Theo chỗ tôi biết, không ai rõ làm thế nào tình báo của Anh và Tiệp Khắc lại nắm bắt được thông tin về việc động binh của Đức. Báo chí có đăng tải sự di chuyển của Quân đội Đức, lời tuyên bố của Henlein cắt đứt vòng đàm phán với Chính phủ Tiệp Khắc và cũng có chiến tranh tuyên truyền của Goebbels tường thuật những câu chuyện về Chính phủ Tiệp Khắc "khủng bố" người Đức Sudeten. Tất cả khiến cho bầu không khí căng thẳng đến cùng cực .

Dù sự chuyển động của Quân đội Đức liên quan đến những cuộc diễn tập mùa xuân, nhưng các tài liệu tịch thu được sau chiến tranh lại không cho thấy việc tập trung Quân đội Đức dọc biên giới Tiệp Khắc vào lúc này. Hai tài liệu của Bộ Ngoại giao Đức ngày 21 tháng 5 của Đại tá Jodl ở Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực cho thấy không có sự tập trung của Quân đội Đức ở Silesia hoặc vùng Hạ nước Áo. Jodl khẳng định trong các báo cáo không dành cho nước ngoài đọc rằng chẳng có gì cả "ngoài những cuộc tập trận thời bình". Nhưng biên giới với Tiệp Khắc không phải hoàn toàn vắng bóng quân Đức. Như ta đã biết, vào ngày 16 tháng 5 Hitler đã được Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực thông báo có 12 sư đoàn Đức "sẵn sàng lên đường trong vòng 12 giờ" .

Có thể nào tình báo Tiệp Khắc hoặc Anh bắt được các bức điện trao đổi thông tin này? Hoặc họ đã tiếp cận được văn kiện của Keitel gửi cho Hitler ngày 20 tháng 5 chăng? Vì lẽ, ngày hôm sau Tham mưu trưởng Quân đội Tiệp Khắc, Tướng Kreici, báo cho Tùy viên Quân sự Đức tại Tiệp Khắc, Đại tá Toussaint, là ông có "bằng chứng không thể chối cãi là từ 8 đến 10 sư đoàn Đức đã được huy động ở Saxony". Số sư đoàn không sai sự thật là bao, tuy cách thức động binh thì không chính xác .

Dù sao đi nữa, chiều ngày 20 tháng 5 năm 1938, sau buổi họp Nội các khẩn cấp, Tổng thống Beneš quyết định động binh một phần ngay lập tức. Một phần quân trù bị được gọi vào Quân đội. Trái với người Áo 2 tháng trước, Chính phủ Tiệp Khắc quyết tâm chiến đấu .

Việc Tiệp Khắc động binh một phần khiến cho Hitler lên cơn giận dữ và ông càng giận hơn khi nhận được thông báo của các Đại sứ Anh và Pháp, cảnh cáo Đức rằng tấn công Tiệp Khắc có nghĩa là chiến tranh toàn châu Âu .

Đức chưa bao giờ chịu sức ép ngoại giao của Anh như lần này. Đại sứ Anh, Nevile Henderson, liên tục gọi đến Bộ Ngoại giao Đức để dò hỏi về những chuyển động của Quân đội Đức và khuyên Đức nên thận trọng. Thử tướng Anh phái nhà ngoại giao chuyên nghiệp này đến Berlin để áp dụng tài khéo léo trong việc xoa dịu Hitler. Chắc chắn Ngoại trưởng Anh Lord Halifax và Bộ Ngoại giao Anh ủng hộ Henderson vì con người khéo léo, vui vẻ này không có cảm tình với Tiệp Khắc. Ông liên tiếp gặp Ngoại trưởng Đức Ribbentrop và Thứ trưởng Ngoại giao Đức von Weizsaecker để trao thư riêng của Halifax, đồng thời nhấn mạnh rằng tình hình đang khá nghiêm trọng. Ở London, Bộ Ngoại giao Anh cũng triệu Đại sứ Đức đến để bày tỏ quan ngại .

Qua các cuộc trao đổi này, phía Đức nhận ra rằng Chính phủ Anh cho dù biết chắc Pháp sẽ giúp Tiệp Khắc, nhưng vẫn không xác nhận sẽ trợ giúp Tiệp Khắc. Cùng lắm thì Anh chỉ tuyên bố cảnh cáo, như Halifax nói, theo như Dirksen thuật lại: "Trong trường hợp có xung đột ở châu Âu thì không thể nào đoán được liệu Anh sẽ can dự hay không". Thật vậy: đây chính là cách mạnh mẽ nhất mà Chamberlain sẽ hành động cho đến khi đã quá muộn để ngăn chặn Hitler. Tác giả này có cảm tưởng rằng nếu Chamberlain thẳng thắn nói với Hitler rằng Anh sẽ có phản ứng mạnh khi đối diện với sự gây hấn của Đức, thì có lẽ Hitler đã không dám phiêu lưu như thế để dẫn đến Thế chiến II. Cảm tưởng này càng được củng cố hơn thông qua việc nghiên cứu các tài liệu mật của Đức. Đó là một lỗi lầm chết người của vị Thủ tướng có thiện chí .

Tại biệt thự nghỉ dưỡng Berghof phía trên Berchtesgaden, Hitler cảm thấy bẽ mặt nặng nề vì hành động của Tiệp Khắc và cũng vì sự ủng hộ của Anh, Pháp và ngay cả Liên Xô dành cho Tiệp Khắc. Hitler càng phẫn nộ hơn vì bị cáo buộc – đúng tội nhưng quá sớm – về hành động gây hấn mà chính ông ta định sẽ thực hiện. Ông đã rà soát Phương án Màu Lục do Keitel trình nộp, nhưng thấy không thể áp dụng ngay được. Nén giận, ông ra lệnh cho Bộ Ngoại giao thông báo cho phía Tiệp Khắc rõ rằng Đức không có ý định gây hấn và rằng tin tức về việc Đức tập trung quân đội vùng biên giới là vô căn cứ .

Các nhà lãnh đạo Tiệp Khắc, Anh, Pháp và Liên Xô đều thở phào nhẹ nhõm. Hitler đã nhận được một bài học. Ông hiểu rõ rằng mình không thể nào gây hấn một cách dễ dàng như ở Áo .

Nhưng các nhà lãnh đạo nước ngoài thì không hiểu rõ Hitler .

Hitler trải qua vài ngày ủ rũ ở Obersalzberg, cộng thêm lòng tức giận sục sôi mong trả đũa Tiệp Khắc và đặc biệt Tổng thống Beneš vì nghĩ ông này đã cố tình làm nhục mình .

Đến ngày 28 tháng 5 năm 1938, đột nhiên Hitler trở về Berlin và triệu tập tướng lĩnh cao cấp của Quân đội để phổ biến một quyết định quan trọng. Chính ông kể lại trong diễn văn đọc trước Nghị viện 8 tháng sau: "Tôi nhất định phải giải quyết rốt ráo vấn đề người Đức Sudeten. Vào ngày 28 tháng 5, tôi ra lệnh: Thực hiện các bước chuẩn bị cho hành động quân sự chống quốc gia này vào ngày 2 tháng 10 .

Mở rộng và đẩy nhanh tiến độ hệ thống phòng thủ phía Tây... Bắt đầu điều động ngay 96 sư đoàn..." Trước mặt Goering, Keitel, Brauchitsch, Beck, Đô đốc Raeder, Ribbentrop và Neurath, Hitler thét lên: "Ý chí không gì lay chuyển của tôi là xoá Tiệp Khắc khỏi bản đồ thế giới!" Phương án Màu Lục lại được mang ra và được chỉnh sửa lần nữa .

Nhật ký của Jodl ghi lại những gì diễn ra trong tâm trí sục sôi không khoan dung của Hitler .

"Chủ định của Lãnh tụ (không kích hoạt vấn đề Tiệp Khắc) được thay đổi vì lý do vào ngày 21 tháng 5 Tiệp Khắc tập trung quân đội có tính chiến lược. Việc này không phải là vô duyên cớ mà đe doạ được Đức. Bởi vì Đức đã kiềm chế, nên hậu quả là làm cho Lãnh tụ mất mặt và ông không muốn chuyện này lặp lại .

Vì thế, chỉ thị mới về Phương án Màu Lục được ban hành ngày 30 tháng 5" .

Các chi tiết của chỉ thị mới về Phương án Màu Lục về cơ bản không khác với phiên bản trình cho Hitler 9 ngày trước. Nhưng có 2 thay đổi quan trọng. Thay vì câu mở đầu trong chỉ thị cũ: "Chủ định của tôi không phải là đập tan Tiệp Khắc bằng vũ lực trong tương lai gần...", thì chỉ thị mới ghi là: "Quyết định không gì thay đổi của tôi là đập tan Tiệp Khắc bằng vũ lực trong tương lai gần..." Keitel giải thích "tương lai gần" có nghĩa là chậm nhất là ngày 1 tháng 10 năm 1938 .

Đó là ngày mà Hitler sẽ theo đuổi cho đến cùng dù cho bao thăng trầm, dù trải qua hết cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác và ở bờ vực của chiến tranh, mà không hề chùn bước .

CÁC TƯỚNG LĨNH NAO NÚNG Ngày 30 tháng 5 năm 1938, Jodl ghi vào nhật ký là "... những ý định ban đầu của Quân đội phải thay đổi một cách đáng kể", đồng thời bổ sung: "Cả sự tương phản đã trở nên sâu sắc hơn giữa [một bên là] trực giác của Lãnh tụ rằng ta phải hành động trong năm này và [bên kia là] ý kiến của Quân đội rằng ta chưa thể làm được, vì gần như chắc chắn rằng các cường quốc phương Tây sẽ can thiệp, trong khi ta chưa mạnh bằng họ" .

Vị tướng nhạy cảm đã

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

#dichle