Phần 10

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

ÁO BỊ SÁP NHẬP VÀO ĐỨC 

 VÀO cuối năm 1937, vì lý do thay đổi công việc từ báo chí sang phát thanh, văn phòng chính của tôi được chuyển từ Berlin qua Vienna, nơi tôi đã làm việc trong thập kỷ trước. Dù tôi sẽ dành phần lớn thời gian trong 3 năm kế tiếp ở Đức, nhưng công việc mới bao quát toàn châu Âu sẽ giúp cho tôi có cái nhìn tổng thể về Đế chế Thứ Ba, đồng thời đặt tôi ở trong các quốc gia láng giềng mà sau này là nạn nhân của Hitler. Trong những ngày này, tôi di chuyển qua lại giữa Đức và quốc gia là đối tượng của cơn giận dữ của Hitler, do đó thu thập được những gì đã kinh qua để kể lại ở đây. Mặc dù cánh nhà báo chúng tôi chính mắt quan sát những gì đang xảy ra, điều lạ lùng là chúng tôi lại thật sự biết rất ít về căn nguyên của những sự việc ấy. Mưu đồ, thủ đoạn, hành vi phản trắc, quyết định có hậu quả quan trọng, thời khắc thiếu quyết đoán, hội đàm giữa những nhân vật trong cuộc – tất cả đều diễn ra trong vòng bí mật, tránh khỏi cặp mắt soi mói của những nhà ngoại giao, ký giả và điệp viên nước ngoài, vì thế trong nhiều năm được ít ai biết đến ngoại trừ vài người trong cuộc .

Chúng ta thường phải chờ cho đến khi đọc được những tài liệu mật và nghe lời khai của những nhân vật chính còn sống sót, nhưng phần lớn trong số họ không được tự do lúc vụ việc xảy ra, thậm chí nhiều người còn bị đưa vào trại tập trung của Quốc xã. Vì thế đa phần những gì ghi ra đây là dựa trên chứng cứ được thu thập từ năm 1945. Nhưng có lẽ cũng hữu ích khi một người kể lại lịch sử như thế này lại được có mặt tại những biến cố chính và các bước ngoặt này của lịch sử. Do tình cờ mà tôi có mặt ở Vienna vào đêm ngày 11 rạng sáng 12 tháng 3 năm 1938, cũng chính là thời điểm đáng nhớ khi nước Áo bị thôn tính .

Hơn một tháng nay, thủ đô nằm bên bờ sông Danube xinh đẹp này sống trong lo âu. Tiến sĩ Kurt von Schuschnigg, Thủ tướng Áo, sau này nhớ lại khoảng thời gian từ 12 tháng 2 và 11 tháng 3 năm 1938 là "Bốn tuần đau khổ". Đại sứFranz von Papen của Đức tại Áo vẫn tiếp tục bỏ công sức nhằm lũng đoạn nền độc lập của Áo và sáp nhập quốc gia này vào Đức. Năm sau, ông báo cáo là "chỉ có thể đạt tiến triển nếu tạo áp lực mạnh lên Thủ tướng [Schuschnigg]". Chẳng bao lâu, ý kiến tham mưu này được mang ra thi hành vượt trên cả mức ông có thể nghĩ đến .

Suốt năm 1937, với sự tài trợ và thúc giục từ Berlin, Quốc xã Áo gia tăng chiến dịch khủng bố. Bom nổ hầu như mỗi ngày trên đất Áo, biểu tình diễn ra rầm rộ ở những tỉnh miền núi và thường gây bạo lực khiến cho Chính phủ suy yếu dần. Kế hoạch bị lộ cho thấy đám côn đồ Quốc xã đang chuẩn bị loại bỏ Schuschnigg giống như họ đã làm đối với người tiền nhiệm của ông .

Cuối cùng, ngày 25 tháng 1 năm 1938, cảnh sát Áo bố ráp văn phòng Trung ương bí mật của Quốc xã nằm vùng. Họ tìm thấy tài liệu chỉ rõ Quốc xã Áo sẽ phát động cuộc nổi dậy vào mùa xuân năm nay và khi Schuschnigg cố đàn áp, Quân đội Đức sẽ tiến vào Áo để ngăn "máu Đức bị đổ do người Đức". Theo Papen, một trong những tài liệu này là kế hoạch ám sát ông hoặc tuỳ viên quân sự của ông, Trung tướng Muff, để tạo lý do cho Đức can thiệp .

Trong khi con người yêu đời Papen không lấy gì làm vui khi biết lần thứ hai cá nhân mình là mục tiêu cho Quốc xã hạ sát theo lệnh của lãnh đạo Đảng ở Berlin, nhưng ông lại càng buồn thêm lúc nhận tin mình bị sa thải cùng với Neurath, Fritsch và vài người khác .

Sau này, ông kể: "Tôi kinh ngạc đến nỗi gần như không nói được gì." Khi bình tĩnh lại, Papen nhận ra rằng Hitler hẳn quyết định sẽ hành động mạnh hơn ở Áo, sau khi đã thanh trừng Neurath, Fritsch và Blomberg. Ông quyết định lưu trữ mọi văn thư trao đổi với Hitler "ở một nơi an toàn", tức là Thuỵ Sĩ. Ông nói: "Tôi đã quá quen với những chiến dịch bôi nhọ của Đế chế Thứ Ba." Như ta đã thấy, việc bôi nhọ khiến cho ông suýt mất mạng vào tháng 6 năm 1934. Việc cách chức Papen cũng là lời cảnh báo cho Schuschnigg. Vị Thủ tướng Áo không tin tưởng Papen lắm, nhưng thấy ngay là hẳn Hitler có ý đồ gì khác trong đầu ngoài việc cách chức một đại sứ quỷ quyệt. Trong mấy tháng gần đây, chính trường châu Âu không được thuận lợi cho Áo. Từ khi thành lập Trục Ý-Đức, Mussolini càng thân cận hơn với Hitler và chẳng còn mặn mà với việc duy trì nền độc lập cho Áo như lúc Dollfuss bị ám sát. Ngay cả nước Anh dưới Chính phủ mới của Chamberlain cũng muốn xoa dịu Hitler, còn Pháp thì đang rối bời vì xung đột nội bộ, cũng chẳng còn quan tâm đến việc bảo vệ Áo nếu Hitler tấn công. Và bây giờ, Papen ra đi cùng với nhóm bảo thủ trong Quân đội và Bộ Ngoại giao của Đức. Là người có tầm nhìn hạn hẹp nhưng thông minh, Schuschnigg hiểu rõ vị thế của mình đang đi xuống. Đã đến lúc nên xoa dịu thêm nhà độc tài Đức .

Dù đã bị bãi chức, nhưng Papen vẫn cố tạo một cơ hội. Là con người không phiền hà lắm nếu bị cái tát từ cấp trên, 1 ngày sau khi mất chức ông vội đi gặp Hitler "để tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra". Ngày 5 tháng 2 năm 1938, ở Berchtesgaden ông thấy Lãnh tụ đang "mệt mỏi và lơ đãng" vì cuộc tranh đấu với các tướng lĩnh. Nhưng Hitler có khả năng hồi phục mạnh mẽ và ông chú ý ngay đến đề nghị của nhà ngoại giao bị thất sủng: Tại sao không đích thân tính toán với Schuschnigg? Tại sao không mời ông ấy đến Berchtesgaden để trao đổi riêng? Không màng đến việc mình vừa cách chức Papen, Hitler phái ông này quay lại Vienna để dàn xếp cuộc hội đàm .

Schuschnigg đồng ý, tuy ở vào vị thế bất lợi, nhưng ông vẫn đưa ra vài điều kiện. Ông cần biết trước những điểm Hitler muốn thảo luận và muốn Hitler cam kết trước là vẫn tôn trọng Hiệp định Áo-Đức ngày 11 tháng 7 năm 1936, trong đó Đức đã hứa rằng sẽ tôn trọng nền độc lập của Áo. Thêm nữa, thông cáo chung sau buổi hội đàm cũng phải tái xác nhận 2 bên tiếp tục tôn trọng hiệp định đó .

Papen vội quay về Berchtesgaden để hội ý với Hitler và trở lại với lời cam kết của Lãnh tụ rằng hiệp định vào năm 1936 vẫn không thay đổi, Hitler chỉ muốn thảo luận "những chuyện hiểu lầm và những điểm xích mích". Như thế là không chính xác như những gì Schuschnigg đã yêu cầu, nhưng ông cũng chấp nhận câu trả lời. Buổi hội đàm được định vào sáng ngày 12 tháng 2 năm 1938. Đây là ngày kỷ niệm 4 năm việc sát hại các Đảng viên Dân chủ Xã hội Áo bởi Chính phủ Dollfuss, mà lúc ấy Schuschnigg là thành viên. Khi đó, vào ngày 11 tháng 2 năm 1934, 17.000 quân của Chính phủ cùng lực lượng bán vũ trang Phát xít đã dùng pháo binh bắn chết khoảng 1.000 người kể cả phụ nữ và trẻ em, làm bị thương 3 đến 4 nghìn người khác. Quyền tự do chính trị dân chủ bị tiêu diệt, Dollfuss rồi Schuschnigg điều hành đất nước như là nhà độc tài. Chế độ của họ hiền hoà hơn Quốc xã, như những người làm việc ở cả Đức và Áo có thể minh chứng. Tuy thế chế độ này vẫn tước đoạt quyền tự do chính trị của dân Áo .

Buổi chiều 11 tháng 2 năm 1938, Schuschnigg cùng với Thứ trưởng Ngoại giao Guido Schmidt bí mật đáp chuyến tàu hoả đặc biệt đến Salzburg, rồi từ đây đi ô tô đến khu nghỉ dưỡng của Hitler .

Và đó chính là một cuộc hành trình định mệnh .

CUỘC HỘI ĐÀM TẠI BERCHTESGADEN: 12 THÁNG 2, 1938 Papen ra đón đoàn Áo tại biên giới với thái độ rất vui vẻ, đồng thời ông cũng trấn an các vị khách là Hitler đã tỏ ra rất thoải mái vào sáng hôm nay. Và rồi có một điềm không hay. Papen nói một cách ôn hoà rằng Lãnh tụ hy vọng Tiến sĩ Schuschnigg sẽ không phiền trước sự hiện diện của 3 tướng lĩnh tình cờ mới đến: tân Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực Keitel, Reicheneau Tư lệnh Quân khu Biên giới Bavaria-Áo và Sperrle Tư lệnh Không quân trong vùng .

Schuschnigg trả lời rằng ông không cảm thấy phiền hà, nhất là khi ông "không có quyền quyết định việc này" .

Nhưng Schuschnigg đã không chuẩn bị tinh thần cho những gì sắp diễn ra. Hitler mặc áo đồng phục màu nâu của lực lượng S.A. với quần đen, hai bên là 3 vị tướng, đón tiếp vị Thủ tướng Áo và người phụ tá ở bậc thềm. Schuschnigg nghĩ đây là cách đón tiếp thân mật nhưng nghiêm chỉnh. Lát sau, ông ngồi một mình cùng với nhà độc tài Đức trong phòng đọc sách rộng rãi trên tầng 2, với những cửa sổ lớn nhìn lên dãy núi Alps phủ tuyết và xa nữa là nước Áo, sinh quán của cả 2 người .

Thủ tướng Kurt von Schuschnigg 41 tuổi, với phong thái Áo cổ xưa, lẽ tự nhiên là bắt đầu câu chuyện với ngôn từ ca ngợi phong cảnh tuyệt vời, thời tiết đẹp đẽ sáng nay và lời tâng bốc rằng gian phòng này hẳn là không gian cho những quyết định quan trọng .

Adolf Hitler ngắt lời: "Chúng ta gặp ở đây không phải để nói về phong cảnh đẹp hay thời tiết tốt." Thế rồi, bão táp ập đến. Như vị Thủ tướng Áo kể lại, 2 giờ kế tiếp là "cuộc đối thoại gần như một chiều". Sau này, Tiến sĩ Schuschnigg viết lại từ trí nhớ "những đoạn quan trọng" của cuộc đối thoại một chiều ấy. Tuy không ghi chép nguyên văn, ông vẫn thể hiện trung thực cho những ai đã từng nghe và nghiên cứu lời phát biểu của Hitler. Nội dung này đã được những người hiện diện xác nhận, đặc biệt là Papen, Jodl và Guido Schmidt. Tôi dựa theo lời tường thuật của Schuschnigg trong cuốn sách ông viết có tựa đề Austrian Requiem (Bài cầu hồn cho nước Áo) và tờ cung khai ông nộp cho Toà án Nuremberg .

Hitler nói với Schuschnigg: "Ông đã tìm mọi cách để né tránh một chính sách thân thiện... Cả lịch sử của Áo chỉ là những hành vi phản bội không ngừng. Trong quá khứ là như thế và hiện tại cũng không khá hơn. Đã đến lúc phải chấm dứt điều nghịch lý lịch sử này. Và tôi có thể nói cho ông biết, ông Schuschnigg, rằng tôi dứt khoát muốn chấm dứt mọi chuyện. Đế chế Đức là một trong những cường quốc vĩ đại nhất và sẽ không ai lên tiếng nếu Đế chế này giải quyết vấn đề biên giới của mình." Bị sốc vì cơn giận dữ của Hitler, vị Thủ tướng Áo vốn có tư thái trầm tĩnh cố giữ sự hoà dịu nhưng vẫn bảo vệ quan điểm của mình. Ông nói ông nghĩ khác với Hitler về vai trò của Áo trong lịch sử Đức: "Sự đóng góp của Áo về phương diện này là đáng kể." HITLER: Hoàn toàn là không. Tôi cho ông biết, hoàn toàn là không. Suốt dòng lịch sử Áo đều phá hoại mọi ý tưởng quốc gia và thực ra mọi việc phá hoại chủ yếu là từ hành động của Habsburg và Giáo hội Công giáo. SCHUSCHNIGG: Cũng thế, thưa ngài Thủ tướng Đế chế, nhiều đóng góp của Áo không thể tách rời khỏi toàn cảnh của nền văn hoá Đức. Lấy ví dụ Beethoven... HITLER: À, Beethoven? Tôi cho ông biết là Beethoven đến từ vùng Rhineland Hạ .

SCHUSCHNIGG: Tuy vậy Áo là quốc gia mà ông ấy chọn, giống như nhiều người khác... HITLER: Có thể là vậy. Tôi muốn cho ông biết là vụ việc không thể tiếp tục như thế này. Tôi có một sứ mệnh lịch sử và tôi sẽ hoàn thành sứ mệnh này vì Ơn Trên đã chỉ định tôi phải làm như thế ... ai chống tôi sẽ bị nghiền nát... Tôi đã chọn lựa con đường gian khổ nhất mà chưa từng có người Đức nào chọn, tôi đã đạt được những thành tựu vĩ đại nhất trong lịch sử của Đức, vĩ đại hơn bất kỳ người Đức nào khác. Và ông nên nhớ, không phải bằng vũ lực. Tôi được lòng yêu mến của nhân dân tôi thúc đẩy... SCHUSCHNIGG: Thưa ngài Thủ tướng Đế chế, tôi sẵn lòng tin như thế .

Sau 1 giờ trao đổi theo cách này, Schuschnigg yêu cầu Hitler nêu ra những điều phía Đức than phiền .

SCHUSCHNIGG: Chúng tôi sẽ làm mọi cách để dẹp bỏ trở ngại nhằm đi đến sự cảm thông tốt hơn và cảm thông càng sâu xa càng tốt .

HITLER: Đó là điều ông nói, ông Schuschnigg ạ. Nhưng tôi muốn cho ông biết là tôi sẽ giải quyết cái gọi là vấn đề Áo bằng cách này hoặc cách khác .

Rồi Hitler thốt lên một tràng chỉ trích Áo đã tăng cường vùng biên giới với Đức và Schuschnigg phủ nhận .

HITLER: Nghe đây, ông không thật sự nghĩ ông có thể di chuyển một tảng đá ở Áo mà tôi không biết, đúng không?.... Tôi chỉ cần ra lệnh, rồi chỉ trong một đêm duy nhất mọi cơ cấu phòng thủ nực cười của ông sẽ bị bắn tan tác. Ông không nghiêm túc tin rằng có thể chống chọi lại tôi trong nửa giờ, đúng không?.... Tôi rất muốn tránh cho Áo cái cảnh đó, vì hành động như thế có nghĩa là phải đổ máu. Sau khi Quân đội, lực lượng S.A. của tôi và Binh đoàn Áo tràn qua, không ai có thể ngăn họ báo thù theo cách công bằng – ngay cả tôi cũng không ngăn được .

Sau những lời đe doạ này, Hitler nhắc nhở Schuschnigg (luôn luôn gọi tên ông này một cách thô lỗ, thay vì gọi theo chức vụ mà quy tắc ứng xử lịch sự trong ngành ngoại giao đòi hỏi) về vị thế cô lập và vô vọng của Áo .

HITLER: Đừng lúc nào cũng nghĩ có ai trên Trái Đất này sẽ có thể lay chuyển được quyết định của tôi. Nước Ý? Tôi và Mussolini thân thiết với nhau... Anh quốc? Anh sẽ không động một ngón tay nào vì Áo... Còn Pháp? Hitler nói đáng lẽ Pháp có thể chặn đứng Đức trong vùng Rhineland "và lúc ấy chúng tôi hẳn đã phải rút lui. Nhưng bây giờ thì đã quá muộn đối với Pháp." Cuối cùng: HITLER: Một lần nữa và cũng là lần cuối, tôi cho ông một cơ hội để dàn hoà, ông Schuschnigg ạ. Hoặc là chúng ta phải tìm ra một giải pháp, hoặc là cứ để cho các biến cố tự chúng diễn ra... Hãy suy nghĩ kỹ, ông Schuschnigg. Tôi chỉ có thể chờ đợi cho đến chiều nay .

Schuschnigg hỏi, chính xác những điều kiện của Thủ tướng Đức là gì? HITLER đáp: "Chúng ta sẽ thảo luận chiều nay." Trong bữa ăn trưa, Schuschnigg ngạc nhiên nhận thấy Hitler tỏ ra rất dễ chịu. Ông độc thoại về những đề tài ngựa và nhà cửa. Ông định xây những toà nhà chọc trời to lớn mà thế giới chưa từng thấy. Ông nói với Schuschnigg: "Người Mỹ sẽ thấy là Đức đang xây những toà nhà lớn hơn và tốt hơn nước Mỹ." Về phía Thủ tướng Áo, Papen nhận thấy ông có vẻ "lo lắng và phân tâm". Là người hút thuốc liên tục, ông không được phép hút vì sự hiện diện của Hitler. Nhưng sau khi dùng cà phê trong phòng bên, Hitler xin kiếu ra ngoài và lần đầu tiên trong ngày Schuschnigg mới có dịp rít một điếu. Ông cũng có thể thuật lại cho Thứ trưởng Ngoại giao Guido Schmidt về tình hình không ổn. Chẳng bao lâu, tình hình ngày càng tồi tệ hơn .

Sau 2 giờ bồn chồn chờ đợi ngoài tiền phòng, 2 vị khách Áo được đưa vào gặp tân Ngoại trưởng Đức Ribbentrop và Papen. Ribbentrop đưa ra một bản thảo đánh máy dài 2 trang của một "hiệp định" và nói rằng đó là đòi hỏi cuối cùng của Hitler và rằng Lãnh tụ không cho phép thảo luận gì về văn bản này. Việc cần duy nhất họ cần làm là ký kết. Schuschnigg nói ông cảm thấy nhẹ nhõm vì ít nhất biết được cụ thể Hitler muốn gì. Nhưng khi đọc qua văn bản, sự nhẹ nhõm liền tiêu tan. Vì trên thực tế, hiệp định đó chính là tối hậu thư đòi ông phải chuyển giao Chính phủ Áo cho Đảng Quốc xã Áo trong vòng 1 tuần .

Áo phải bãi bỏ lệnh cấm Đảng Quốc xã Áo, ân xá mọi Đảng viên Quốc xã đang ngồi tù, chỉ định vị luật sư thân Quốc xã Tiến sĩ Seyss-Inquart làm Bộ trưởng Nội vụ với quyền chỉ huy các lực lượng cảnh sát và an ninh. Một người thân Quốc xã khác, Glaise-Horstenau, sẽ là Bộ trưởng Chiến tranh. Hai Quân đội Áo và Đức phải thiết lập quan hệ gần gũi hơn qua một số biện pháp, kể cả trao đổi qua lại 100 sĩ quan. Đòi hỏi cuối cùng viết: "Sẽ có bước chuẩn bị để sáp nhập nền kinh tế Áo vào hệ thống kinh tế của Đức. Để thực hiện mục đích này, Tiến sĩ Fischboeck [một người thân Quốc xã] sẽ được chỉ định làm Bộ trưởng Tài chính." Schuschnigg lập tức nhận ra rằng chấp nhận tối hậu thư này có nghĩa là Áo sẽ mất quyền tự chủ .

"Ribbentrop khuyên tôi nên chấp nhận ngay những yêu cầu này. Tôi phản đối và nói cho ông ấy biết về những thoả thuận giữa tôi và von Papen trước khi đi đến Berchtesgaden, đồng thời vạch rõ với Ribbentrop rằng tôi đã không chuẩn bị để đối diện với những đòi hỏi không hợp lý như thế..." Nhưng liệu Schuschnigg có chuẩn bị để chấp thuận hay không? Hiển nhiên là ông đã không chuẩn bị gì để đối diện ngay cả với một người ngu xuẩn như Ribbentrop. Vấn đề là: Liệu ông có ký kết văn bản đó hay không? Trong thời khắc khó khăn và có tính quyết định này, vị Thủ tướng Áo trẻ bắt đầu tỏ ra nhụt chí. Theo chính lời ông kể, ông đã hỏi lại một cách yếu ớt: "Liệu chúng tôi có thể tin vào lòng thành của Đức, liệu Chính phủ Đế chế có chút ý định nào tuân thủ hiệp định này về phần mình hay không?" Ông nói ông nhận được câu trả lời khẳng định .

Rồi Papen thuyết phục ông. Vị đại sứ láu cá nhận thấy Schuschnigg lấy làm lạ khi đọc bản tối hậu thư. Đó là "sự can thiệp không thể biện minh được vào chủ quyền của Áo". Schuschnigg nói Papen xin lỗi ông và tỏ ý "hoàn toàn ngạc nhiên" với các điều khoản, nhưng lại khuyên vị Thủ tướng Áo nên ký kết .

"Ông ấy còn báo cho tôi biết rằng nên an tâm một điều là nếu tôi ký chấp nhận những đòi hỏi ấy, thì Hitler đảm bảo từ lúc này trở đi, Đức sẽ tôn trọng hiệp định này và Áo sẽ không bị khó khăn nào khác" .

Theo lời phát biểu trên, được ghi trong bản cung khai nộp trước Toà án Nuremberg, có vẻ như Schuschnigg không những đã nhụt chí mà còn tỏ ra quá ngây thơ .

Ông có cơ hội cuối cùng để bày tỏ quan điểm. Ông được gọi vào gặp Hitler. Ông thấy Lãnh tụ đang đi đi lại lại một cách phấn khởi .

HITLER: ... Chẳng có gì phải đàm phán. Tôi không muốn thay đổi một mảy may. Hoặc ông ký vào như thế và hoàn tất những yêu cầu của tôi trong vòng 3 ngày, hoặc tôi sẽ phát lệnh [Quân đội Đức] tiến vào Áo .

Schuschnigg chịu thua. Ông bảo Hitler rằng ông chịu ký, Nhưng ông nhắc Hitler rằng theo Hiến pháp của Áo, chỉ Tổng thống Áo mới có quyền hạn theo luật định để ký kết và thi hành một hiệp định như thế. Vì vậy, ông chỉ có thể sẵn lòng kêu gọi Tổng thống nên chấp nhận, ngoài ra thì ông không thể đảm bảo được gì khác .

Hitler nói lớn: "Ông phải đảm bảo!" Schuschnigg nói mình đã trả lời: "Tôi không thể nào, thưa Ngài Thủ tướng Đế chế." Schuschnigg sau này kể lại: "Với câu trả lời này, Hitler dường như mất hết bình tình. Ông chạy ra mở cửa, kêu lớn: 'Tướng Keitel!' Rồi quay lại với Schuschnigg, Hitler nói: 'Tôi sẽ cho người gọi ông sau'." Đó chỉ là trò hù doạ, nhưng với vị Thủ tướng Áo đang bối rối vì cả ngày luôn nhớ đến sự hiện diện của các tướng lĩnh, có lẽ lại không hiểu. Papen kể rằng sau này Keitel cho ông biết: khi ông vội chạy vào, Hitler toe toét cười, chào rồi khúc khích nói: "Không có lệnh gì cả. Tôi chỉ muốn ông có mặt ở đây." Nhưng Schuschnigg và Tiến sĩ Schmidt, đang đứng đợi bên ngoài, thì bị chấn động tinh thần. Schmidt thầm thì rằng ông sẽ không lấy làm ngạc nhiên nếu cả 2 bị bắt giam trong vòng 5 phút sắp tới. 30 phút sau, Schuschnigg lại được mời vào. Hitler nói: "Tôi đã quyết định đổi ý – lần đầu tiên trong đời tôi. Nhưng tôi cảnh cáo ông, đây là lần cuối. Tôi cho ông thêm 3 ngày để thực hiện hiệp định" .

Đó là mức nhượng bộ của nhà độc tài Đức. Theo lời khai của Schuschnigg sau này, dù câu từ của bản hiệp định hoàn chỉnh thay đổi thì kết quả vẫn chẳng có gì khác biệt. Schuschnigg chịu ký kết. Và đó chính là giây báo tử cho nước Áo .

Schuschnigg, nhà chính trị lão luyện cho dù tuổi còn trẻ, quả đúng thật là một người dũng cảm. Nhưng việc ông nhượng bộ Hitler khi bị hăm doạ tấn công bằng quân sự đã để lại nhiều ngờ vực cho dân Áo, cũng như cho những nhà quan sát và sử gia mà không ai giải đáp được. Có thực sự cần thiết phải nhượng bộ không? Có chọn lựa nào khác không? Xét theo thái độ của Anh và Pháp khi đối mặt với Hitler, sẽ là hấp tấp nếu nghĩ rằng 2 nước này có thể đến hỗ trợ Áo khi Hitler tấn công. Nhưng cho đến lúc này, Hitler chưa xâm phạm biên giới Áo và cũng chưa chuẩn bị trước dư luận trong nước và thế giới cho hành vi hiếu chiến bừa bãi như thế. Quân đội Đức cũng chưa đủ sẵn sàng cho chiến tranh nếu Pháp và Anh can thiệp .

Do hậu quả của "hiệp định" Berchtesgaden, trong vòng vài tuần, Áo sẽ bị suy yếu vì những mưu đồ của Quốc xã địa phương và Đức, đến mức Đức có thể xâm chiếm Áo mà nguy cơ bị rủi ro nước ngoài can thiệp là rất thấp. Sau này, Schuschnigg nhận ra rằng chấp nhận những điều khoản của Hitler "là đồng nghĩa với việc kết thúc hoàn toàn nền độc lập của Chính phủ Áo" .

Có lẽ đầu óc của Schuschnigg đã trở nên mụ mị trong cơn thử thách. Sau khi ký bản hiệp định hy sinh nền độc lập của đất nước ông, Schuschnigg còn trao đổi với Hitler một cách lạ lùng mà sau này ông ghi lại trong cuốn sách

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

#dichle